Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Năm

16/04/201318:04(Xem: 9286)
Phẩm Năm

Kinh Tiểu Bộ

Phẩm Năm

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(CLXI) Kumàra-Kassapa (Thera. 26)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), mẹ ngài là con một vị chức sắc, mẹ ngài không được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia khi còn là thiếu nữ, lập gia đình, được chồng bằng lòng cho xuất gia, nhưng bà không biết là đang có thai. Khi các Tỷ-kheo-ni thấy hiện trạng này, liền đến hỏi ý kiến Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), vị này cho mẹ ngài là Tỷ-kheo-ni bất chánh. Các Tỷ-kheo-ni tới hỏi ý kiến bậc Đạo Sư, bậc Đạo Sư giao việc này cho Tôn giả Upàli giải quyết. Upàli cho mời một số vị cư sĩ ở Sàvatthi, gồm có nữ cư sĩ Visàkhà, và giữa hội nghị, có sự có mặt của vua, Tôn giả Upàli tuyên bố vị Tỷ-kheo-ni đã có thai trước khi xuất gia, và bậc Đạo Sư đã chấp nhận sự kiện này. Mẹ ngài nuôi dưỡng đứa con tại ngôi tịnh xá, đứa con như bức tượng bằng vàng, và vua nuôi dưỡng đứa trẻ và ngài được đưa đến cho bậc Đạo Sư xuất gia. Vì ngài xuất gia khi còn thiếu niên, ngài được gọi là Kumàra-kassapa, dầu cho khi ngài đã lớn.

Trong khi ngài tu tập thiền quán, học lời Phật dạy, ngài ở tại rừng Andha. Rồi một Thiên nhân, đã chứng quả Bất lai, đã được làm Đại Phạm Thiên ở Tịnh Cư Thiên, muốn chỉ cho Kumàra-kassapa phương pháp chứng được đạo quả. Vị Thiên nhân đến tại rừng Andha và hỏi ngài mười lăm câu hỏi mà chỉ có bậc Đạo Sư mới có thể trả lời. Ngài hỏi đức Phật các câu hỏi ấy và học thuộc lòng các câu đức Phật trả lời, phát triển quán, chứng quả A-la-hán.

Được bậc Đạo Sư ấn chứng cho là vị thuyết pháp lanh lợi đệ nhất, ngài nhớ lại quá trình tu hành của mình và dưới hình thức tán thán Ba ngôi báu, ngài nói lên chánh trí của mình:

201. Ôi Phật đà, ôi Pháp!© Đạo Sư thành tựu!
Ở đây, vị đệ tử,
Chứng đạt Chánh pháp này.


202. Trải qua vô lượng kiếp,

Ta tác thành có thân,
Thân này thân cuối cùng,
Thân này hành trì xong,
Trên con đường sống chết,
Nay không còn tái sanh.

(CLXII) Dhammapàla (Thera. 26)

Trong thời đức Phật hiện tại, khi bậc Đạo Sư qua đời, ngài sanh ở Avanti con một Bà-la-môn, được đặt tên là Dhammapàla. Khi ngài đi từ Takkasilà về, học hành đã xong, ngài thấy một vị Trưởng lão ngồi một mình trong thảo am, được vị ấy thuyết pháp, ngài khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí.

Trong khi ngài suy tư hoan hỷ trong vị ngọt giải thoát, hai Sa-di leo cây hái trái, bị cây gẫy ngã xuống. Thấy vậy ngài lấy tay ôm đỡ hai người Sa-di, với thần thông đặt hai vị ấy xuống đất, không có bị thương. Và ngài dạy hai vị ấy với những bài kệ:

203. Ai Tỷ-kheo trẻ tuổi
Chú tâm hành lời Phật,
Tỉnh thức giữa người ngủ,
Vị ấy, đời không uổng.


204. Do vậy, bậc Hiền trí,

Nhớ đến lời Phật dạy,
Chuyên tu tín và giới,
Hoan hỷ thấy Chánh pháp.

(CLXIII) Brahmàlì (Thera. 26)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Kosala, con một Bà-la-môn, được đặt tên là Brahmàlì. Khi đến tuổi trưởng thành, thúc đẩy bởi những điều kiện chín muồi, do giao hảo với bạn lành, ngài xuất gia, tu tập thiền định trong một ngôi rừng, nhờ trí tuệ chín muồi, ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.

Sống trong vị an lạc giải thoát, vị Trưởng lão rất thuần thục pháp tinh tấn, một hôm sống ở trong rừng ngài nói lên những bài kệ này, thay mặt cho các Tỷ-kheo ở trong rừng, những bài kệ tán thán hạnh tinh tấn:

205. Với những ai, các căn,
Đã đi đến tịnh chỉ,
Như được khéo điều phục,
Bởi đánh xe điều ngự,
Kiêu mạn được đoạn tận,
Không còn có lậu hoặc,
Chư Thiên rất ái mộ
Những vị có hạnh ấy.


206. Với chính ta, các căn,

Đã đi đến tịnh chỉ,
Như được khéo điều phục,
Bởi đánh xe điều ngự,
Kiêu mạn được đoạn tận,
Không còn có lậu hoặc,
Chư Thiên ái mộ ta,
Ta thành tựu hạnh ấy.

(CLXIV) Mogharàjam (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Mogharàjam. Vị ấy tu học dưới sự lãnh đạo của Bà-la-môn Bàvariya. Cảm thấy lo âu sợ hãi, ngài trở thành một vị tu khổ hạnh. Ngài là một trong mười sáu vị, trong ấy có Ajita và những vị khác, đã được Bàvariya đưa đến yết kiến bậc Đạo Sư. Sau khi Mogharàjam hỏi và được trả lời, ngài chứng quả A-la-hán.

Sau đó, ngài được biết đến vì ngài mặc áo thô sơ do các nhà lữ hành, các thợ may, các thợ nhuộm quăng bỏ hai bên đường. Do vậy, bậc Đạo Sư ấn chứng cho ngài là người đệ tử đệ nhất mặc áo thô sơ. Như vậy ngài thực hiện chí nguyện từ trước của ngài.

Một thời khác, do thiếu sự săn săn chu đáo và do nghiệp đời trước, các mụt ghẻ lở xuất hiện và sanh ra nhiều trên thân của ngài, nghĩ rằng chỗ trú ẩn của ngài đã bị ô nhiễm, ngài trải chỗ nằm của ngài trên một thửa ruộng ở Magadha, và dầu lúc ấy thuộc mùa đông, ngài vẫn ở tại đấy. Một hôm, hầu hạ bậc Đạo Sư và đảnh lễ ngài, bậc Đạo Sư hỏi ngài với những bài kệ như sau:

207. Hỡi Mogharàja!
Sống với da thô độc,
Sống với tâm hiền thiện,
Luôn luôn hành thiền định,
Trong những đêm đông giá
Thầy là một Tỷ-kheo,
Vậy Thầy sống thế nào
Thầy sẽ làm những gì?
Được hỏi vậy, ngài trả lời và giải thích cho bậc Đạo Sư:


208. Con có được nghe rằng:

Ở nước Magadha,
Đất nước giàu thịnh vượng,
Toàn dân sống đầy đủ,
Những am lợp bằng rơm,
Còn tốt đẹp hơn nhiều,
Hơn đời sống an lạc,
Của mọi người dân khác.

(CLXV) Visàkha, Con Của Pancàlì (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị vua địa phương, được đặt tên là Visàkha. Vì ngài là con trai một công chúa con vua, về sau ngài được biết là con trai của Pancàlì.

Sau khi phụ vương mất, ngài nối ngôi vua, nhưng khi bậc Đạo Sư đến gần chỗ ngài ở, ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Theo bậc Đạo Sư đến Sàvatthi (Xá-vệ), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.

Với lòng từ mẫn nghĩ đến bà con, ngài viếng thăm quê hương cũ, dân chúng đến nghe ngài thuyết giảng rất đông. Một hôm có người hỏi: 'Có bao nhiêu đức tánh cần thiết để một người trở thành nhà thuyết pháp?'. Ngài trả lời đại cương những đức tánh trong những bài kệ sau đây:

209. Chớ có tự kiêu mạn,
Chớ có khinh khi người,
Không khinh, không hại người,
Đã đến bờ bên kia,
Và chớ có khen mình,
Trước mặt các hội chúng,
Không dao động, khiêm tốn,
Khéo nói, khéo chế ngự.


210. Với người, thấy ý nghĩa,

Tế nhị và kín đáo,
Thiện xảo về trí tuệ
Nếp sống khéo hộ trì,
Thực hiện giới chư Phật,
Niết-bàn đối vị ấy,
Không gì khó chứng đạt.

(CLXVI) Cùlaka (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Culàka. Khi ngài thấy bậc Đạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla, ngài phát khởi lòng tin xuất gia. Trong khi tu tập, ngài trú ở hang cây Indra-sàla. Một hôm ngồi trước cửa hang, nhìn xuống các thửa ruộng ở Magadha (Ma-kiệt-đà), một cơn giông tố khởi lên với những lớp mây trùng điệp ùn ùn khởi lên, sấm sét vang dậy, trời mưa ào ào đổ xuống, các đàn chim công nghe tiếng sấm sét, sung sướng kêu lên tiếng kê-la của chúng, và múa hát chung quanh. Làn gió giông tố đem lại cho ngài cảm giác dễ chịu và thỏa thích khi ngài đang ngồi trong hang, với nhiệt độ vừa phải, tâm ngài được thiền định. Ngài bước vào con đường hành trì, và nhận thức được thời gian thích hợp đã đến, ngài nói lên lời tán thán, sự tu hành của ngài với những bài kệ sau:

211. Những chim công kêu hót,
Mào đẹp, lông đuôi xinh,
Với cổ, màu xanh tươi,
Mỏ đẹp, tiếng hót hay,
Đất này, khéo lát cỏ,
Nước mắt khéo thấm nhuần,
Với khoảng trời khéo che,
Mây mưa khéo bao phủ.


212. Thân người khéo khỏe mạnh,

Tâm ý tốt, thiền tu,
Lành thay, khéo khởi tâm,
Trong lời khéo Phật dạy.
Hãy cảm xúc con đường
Đưa đến cõi bất tử,
Đường ấy đường vô thượng,
Đường trong trắng lành mạnh,
Đường tế nhị nhỏ nhiệm,
Con đường thật khéo thấy.

Ngài tự giáo giới lấy mình, chứng được thiền định, và phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Ôn lại những việc đã làm, với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ này như là lời tuyên bố chánh kiến của ngài.

(CLXVII) Anupama (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, vì ngài đẹp trai nên được đặt tên là Anùpama (không thể so sánh được). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài cảm thấy sức mạnh của các nguyên nhân, xuất gia và sống trong một ngôi rừng để tu tập thiền quán, nhưng tâm ngài chạy theo ngoại cảnh, xoay quanh những vấn đề đối tượng thiền định, ngài tự trách mình như sau:

213. Tâm đi đến hỷ mạn
Như bị đâm giáo nhọn,
Nếu người sống tâm ấy,
Như sống với giáo, gậy.


214. Này tâm, ta gọi ngươi,

Kẻ bẻ gãy hạnh phúc,
Này tâm, ta gọi ngươi,
Kẻ phá hoại đời ta!
Bậc Đạo Sư của ngươi,
Khó được nay đã được,
Chớ có dắt dẫn ta,
Đến chỗ có hại ta!

Như vậy ngài giáo giới tâm ngài, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.

(CLXVIII) Vajjita (Thera. 27)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Kosala giàu có, sau khi từ Phạm Thiên giới hạ sanh, ngài luôn luôn khóc trong bàn tay bà mẹ, vì ngài không chịu nổi xúc chạm của nữ nhân, ngài được gọi là Vajjita (vị từ bỏ). Đển tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống quá khứ, ngài cảm thấy xúc động nói:

215. Trong thời luân hồi dài,
Ta trôi lăn nhiều cõi,
Ta không thấyThánh đế,
Ta phàm phu mù lòa.

216. Với hạnh không phóng dật,

Ta phá vỡ luân hồi,
Mọi sanh thú chặt đứt,
Nay không còn tái sanh.

Và bài kệ trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.

(CLXIX) Sandhita (Thera. 28)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, tên là Sandhita. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe bài giảng về vô thường, hoảng hốt lo sợ, và xin xuất gia với trí tuệ chín muồi, ngài an trú thiền quán và chứng đạt sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống trước của mình, sau khi đức Phật Sikhì (Thi-khí) mệnh chung. Ngài đảnh lễ tại cây Bồ-đề và nhận thức được ý nghĩa vô thường, ngài tuyên bố ngài thành đạt ý tưởng, nhờ nguyên nhân ấy với những bài kệ như sau:

217. Dưới gốc cây Bồ-đề,
Với ánh sáng lá xanh,
Khi cây đang vươn lên,
Trong sức sống lớn mạnh,
Một tưởng về Phật hành,
Chánh niệm ta đạt được.

218. Đã qua ba mốt kiếp,

Tưởng ấy ta không chứng,
Nay chính nhờ tưởng ấy,
Ta đạt lậu hoặc diệt.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]