Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XII: Tự Ngã

12/04/201319:57(Xem: 16490)
Phẩm XII: Tự Ngã

Kinh Pháp Cú

Phẩm XII: Tự Ngã

1. Hoàng Tử Bồ Ðề Và Con Chim Thần

Nếu biết yêu tự ngã ...

Khi ngụ tại Bhesakalàvana, Thế Tôn đã dạy câu trên liên quan đến hoàng tử Bồ-đề.

1A. Hoàng Tử, Người Xây Nhà Và Con Chim Thần

Hoàng tử Bồ-đề xây dựng một cung điện tên là Sen Ðỏ (Kokanađa) không giống bất kỳ cung điện nào trên mặt đất này, giống như đang nổi lên trong hư không.

Xong việc ông hỏi người xây nhà:

- Anh đã từng xây dựng một cung điện nào giống như thế này ở nơi khác chưa, hay đây là công trình đầu tiên trong đời anh vừa thực hiện xong?

Anh thợ đáp đó là đầu tiên. Ý của hoàng tử là muốn cung điện của ông độc nhất vô nhị, do đó tốt nhất là giết chết anh thợ, hoặc cắt cụt tay chân, hoặc móc mắt... Ông gặp người bạn thân nhất là Sanjikàputta nói ý đó. Anh bạn này báo cho anh thợ biết, vì không nỡ để một nghệ nhân có khiếu như thế bị giết chết. Vì thế khi hoàng tử đến hỏi anh thợ đã hoàn tất chưa, anh bảo chưa, và cần thêm một ít gỗ, loại gỗ đã khô hết nhựa, anh sẽ giam mình trong phòng riêng để tập trung làm việc, không ai được phép lai vãng, trừ vợ anh sẽ mang cơm trưa mà thôi. Hoàng tử bằng lòng.

Anh thợ bắt đầu đẽo thớ gỗ thành hình chim Kim xí điểu, đủ rộng để chúa anh ta và vợ con. Anh dặn vợ bán hết đồ đạc, quy ra bằng vàng đưa anh cất. Và khi tác phẩm hoàn tất, anh cùng vợ con chui vào bụng chim, rồi chim cất cánh qua cửa sổ bay mất, mặc dù hoàng tử đã cho lính bao vây kín mít. Anh thợ đến vùng đất ở Hy-mã-lạp-sơn, tạo ra một đô thị bằng thần thông và cư ngụ ở đó. Người ta gọi anh là Vua Ngựa Gỗ.

1B. Hoàng Tử Chiêu Ðãi Ðức Phật

Hoàng tử quyết định mở hội ăn mừng ngày hoàn tất cung điện và thỉnh mời Thế Tôn. Ông cho bôi trát lên vách đất sét trộn với bốn loại hương thơm, trải đệm và thảm lên sàn nhà từ ngưỡng cửa. Hoàng tử không có con. Trong khi trải đệm và thảm, ông nghĩ thầm rằng nếu ông sẽ được có con trai hay con gái, Thế Tôn sẽ giẫm chân lên thảm. Nhưng sau khi ông đảnh lễ và ba lần thỉnh Phật vào nhà, Ngài từ chối không vào, chỉ đưa mắt nhìn Tôn giả A-nan. Trưởng lão A-nan hiểu ý, bảo cuốn thảm lên. Rồi hoàng tử cung kính dâng Phật cháo và các thức ăn cứng, đảnh lễ Ngài xong ngồi một bên thưa:

- Bạch Thế Tôn, con là người hầu trung tín của Thế Tôn. Ðã ba lần con tìm nương tựa nơi Thế Tôn. Lần đầu trong thai mẹ, lần thứ hai là đứa bé con, lần thứ ba khi đến tuổi có trí khôn. Vì sao Thế Tôn không chịu bước chân lên đệm và thảm?

- Hoàng tử, ngươi nghĩ gì khi trải sàn nhà với vải vóc kia?

- Bạch Thế Tôn, con nghĩ nếu số mạng con sẽ có con trai hay con gái, Thế Tôn sẽ đi lên đó.

- Vì lẽ đó Ta đã từ chối không bước lên.

- Nhưng bạch Thế Tôn, phải chăng số mạng của con là không bao giờ có con trai, con gái?

- Ðúng vậy, hoàng tử.

- Vì lý do gì, bạch Thế Tôn?

- Ở kiếp trước ngươi đã phạm lỗi vô ý, không sáng suốt.

- Vào lúc nào, bạch Thế Tôn?

Ðể trả lời, Phật kể:

Chuyện quá khứ

1C. Người Ăn Trứng Chim

Hàng trăm người ra biển bị đắm tàu. Tất cả đều lần lượt chết hết, trừ hai vợ chồng bám được một mảnh ván, tấp vào một đảo gần đó. Cả chồng lẫn vợ quá đói và không tìm được cái gì để ăn trong khi chim chóc trên đảo nhiều vô số, nên họ ăn trứng chim luộc trên lò than. Không đủ no, họ ăn luôn những con chim nhỏ. Họ đã ăn như thế từ lúc trẻ, khi đứng tuổi, đến tuổi già. Cả cuộc đời, không một lúc nào họ được sáng suốt.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Thế Tôn chỉ cho hoàng tử thấy lỗi lầm trong tiền kiếp rồi dạy tiếp:

- Hoàng tử, nếu một trong ba thời trẻ, trung niên, già của kiếp trước, ngươi và vợ ngươi sáng suốt thì cũng được một đứa con trai hoặc gái trong kiếp này. Hay ít nhất một trong hai người được sáng suốt thì kiếp này các ngươi đã có con. Hoàng tử, nếu biết quí trọng đời sống của mình, ta phải nhớ giữ sáng suốt cả ba thời trong đời mình. Nếu quên, ít nhất cũng phải được một trong ba.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(157) Nếu biết yêu tự ngã,
Phải khéo bảo vệ mình.
Người trí trong ba canh,
Phải luôn luôn tỉnh thức.

2. Một Tỳ Kheo Tham Lam

Trước hết tự đặt mình...

Tại Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy câu trên liên quan đến Trưởng lão Upananda, một hoàng tử dòng họ Thích-ca.

Trưởng lão vốn có biệt tài thuyết pháp. Nhưng lạ thay sau khi đã nghe giảng về thiểu dục, ông thản nhiên nhận hết y áo do các Tỳ-kheo khác, vì muốn giữ phạm hạnh, đã cúng cho mình, luôn cả vật dụng họ để lại. Kịp mùa mưa đến sát bên, ông đi về vùng quê. Dừng chân tại một tinh xá, ông thuyết pháp và rất được các Sa-di và tập sự xuất gia ưa chuộng. Họ thỉnh ông ở lại đây suốt mùa mưa. Ông hỏi:

- Một Tỳ-kheo ở lại đây suốt mùa mưa sẽ thọ nhận gì?

Họ đáp:

- Một cái áo khoác ngoài.

Trưởng lão không ừ hử, để lại đôi giày và đi tiếp đến một tinh xá kế. Khi được mời ở lại, cũng câu hỏi cũ:

- Thọ nhận được gì?

Ðáp:

- Hai áo khoác.

Trưởng lão để lại đó cây gậy.

Ðến tinh xá thứ ba, hỏi:

- Thọ nhận được gì?

Ðáp:

- Ba áo khoác.

Ngài để lại bình đựng nước.

Ðến tinh xá thứ tư, hỏi:

- Ðược thọ nhận gì?

- Bốn áo khoác.

Ngài bèn đáp:

- Tốt lắm! Ta ngụ tại đây

Rồi Ngài thuyết pháp cho các cư sĩ và Tỳ-kheo ở đó, hay đến nỗi họ dân cúng cho Ngài vô số y áo. Hết hạn lưu trú, Ngài báo tin cho các tinh xá gửi cho Ngài các món đã bỏ lại. Và gom hết tài sản xong, Ngài chất lên một chiếc xe bò lên đường.

Bấy giờ ở một tinh xá nọ, có hai Tỳ-kheo vừa thọ nhận hai chiếc áo khoác và một cái mền, Cả hai không biết làm sao để chia cho đúng, nên dừng lại bên đường cãi vã:

- Huynh lấy áo đi! Còn cái mền của tôi.

Trưởng lão chợt đi ngang, họ liền chận lại:

- Bạch Trưởng lão, xin Ngài chia giùm cho đúng, và cho chúng tôi cái thích đáng.

Trưởng lão nghiêm mặt hỏi lại:

- Quý thầy có tôn trọng quyết định của tôi không?

- Dạ vâng.

- Tốt lắm. Vậy thì cái mền này chỉ dành cho người nào thuyết pháp đắp, còn hai thầy mỗi vị một cái áo.

Và trước vẻ mặt ngơ ngác của hai Tỳ-kheo kia, Trưởng lão vác chiếc mền đắt tiền lên vai đi mất.

Ghê tởm và thất vọng, họ đến thưa chuyện với Thế Tôn. Phật bảo không phải lần đầu tiên ông ta lấy đồ của các thầy và làm cho các thầy ghê tởm thất vọng, ở kiếp trước ông ta cũng đã làm như thế.

Và Ngài kể:

Chuyện Quá Khứ


2A. Rái Cá Và Chó Rừng

Xa xưa, có hai rái cá là Anutìracàrì và Gambhìracàrì bắt được một con cá hồng to, nhưng khi chia chác thì lúng túng và lớn tiếng với nhau:

- Cái đầu cá của tôi, phần anh là đuôi cá.

Không thể chia đều và vừa ý cho cả hai, nên thấy bóng một con chó rừng, chúng gọi đến nhờ giải quyết:

- Này bác, bác hãy chia con cá này theo bác thấy đúng với lẽ phải, và bác sẽ được thưởng.

Chó rừng sửa bộ, ra vẻ trịnh trọng:

- Ta được vua chỉ định làm quan tòa. Ta đang phải ngồi tòa xử án hằng mấy giờ liền. Ta ra đây chỉ để giãn chân, bây giờ ta không có thời giờ làm việc đó.

- Bác ơi, đừng nói thế. Hãy chia phần và được thưởng.

- Các ngươi có tôn trọng quyết định của ta không?

- Có chứ, này bác, chúng tôi sẽ tuân theo.

- Tốt lắm, vậy thì trong hai bạn, ai bơi dọc theo bờ (Anutìracàrì) sẽ có cái đuôi, ai bơi trong nước sâu (Gambhìracàrì) sẽ có cái đầu, còn khúc giữa thuộc về ta, vì ta là công lý.

Nói xong, chó rừng nhặt khúc giữa và chạy biến. Còn bọn rái cá chỉ biết đứng nhìn theo lòng đầy ghê tởm và thất vọng.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Thế Tôn an ủi hai Tỳ-kheo, và quở trách Upananda:

- Các Tỳ-kheo, người muốn dạy bảo người khác trước hết phải điều phục mình cho hợp đạo.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(158) Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng,
Sau mới giáo hóa người,
Người trí khỏi bị nhiễm.

3. Hãy Hành Ðộng Theo Lời Nói

Hãy tự làm cho mình...

Vì chuyện Trưởng lão Padhànika Tissa, mà Thế Tôn dạy câu trên tại Kỳ Viên.

Trưởng lão này được Phật cho đề mục thiền quán, rồi dẫn năm trăm Tỳ-kheo vào rừng. Trước hết ông bảo họ:

- Này chư huynh! Nhận được đề mục từ đức Phật tại thế rồi, tất cả phải chú tâm thiền quán.

Nói xong, ông nằm dài ra và ngủ. Còn các Tỳ-kheo đi kinh hành suốt canh một, và giữa đêm thì vào tinh xá. Ngủ no mắt, Trưởng lão thức dậy đi kiếm các Tỳ-kheo, hỏi họ:

- Có phải các ông về đây định để ngủ không? Ra khỏi tinh xá tức khắc! Thiền quán đi!

Nói xong, ông lại về chỗ, nằm dài ra và ngủ. Các Tỳ-kheo kia lại đi kinh hành suốt canh giữa, và đến canh cuối họ về tinh xá. Trưởng lão thức dậy, đến kiếm họ, đuổi ra khỏi tinh xá và ông lại trở về nằm ngủ tiếp. Vị Trưởng lão cứ theo nhắc nhở hoài như thế, các Tỳ-kheo không thể nào chú tâm, dù tụng kinh hay thiền quán, đến nỗi họ muốn quẩn trí. Rốt cuộc họ bảo nhau:

- Sư phụ của chúng ta quá nhiệt tình. Hãy theo dõi ông ta xem sao!

Khám phá ra sự thật, họ chỉ biết lắc đầu bảo nhau:

- Sư phụ của chúng ta hùng biện rỗng tuếch, chúng ta đành thua thiệt.

Quá mệt nhọc vì mất ngủ, không một Tỳ-kheo nào chứng quả.

Hết thời hạn ở rừng, mọi người trở về gặp Phật. Sau lời chào mừng thân hữu, Thế Tôn hỏi họ:

- Này các Tỳ-kheo! Các ông có chú tâm thiền quán hay không? Hành thiền miên mật không?

Họ đành kể hết tự sự. Phật bảo:

- Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu Trưởng lão làm nỗ lực tu tập của các ông thất bại. Trước đây ông ta cũng làm như thế.

Và thuận theo lời yêu cầu của các Tỳ-kheo Ngài kể chuyện bổn sanh Akàlaràvikukkuta:

Chẳng được mẹ cha nuôi dưỡng,
Chẳng được dạy dỗ bởi thầy.
Gà ta không sao gáy được,
Ðúng thời, đúng giờ, đúng giấc.

Ở kiếp đó, con gà chính là Trưởng lão Padhànika Tissa, năm trăm Tỳ-kheo lúc đó chính là các Sa-di này, và vị thầy nổi tiếng chính là Ta.

Phật dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo! Nếu một người răn bảo kẻ khác, trước hết hãy tự điều phục, và tự điều phục mình thì có thể điều phục kẻ khác.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(159) Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người,
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục!

4. Ðừng Ghét Bỏ Cha Mẹ Mình

Tự mình y chỉ mình...

Câu này Phật dạy tại Kỳ Viên, liên quan đến bà mẹ của Trưởng lão Kumàra Kassapa.

4A. Kumaara Kassapa Chào Ðời

Con gái của chưởng khố thành Vương Xá trước khi đến tuổi khôn lớn đã xin phép đi tu nhiều lần, nhưng không được. Ðến tuổi cặp kê bà thành hôn, về sống bên nhà chồng là một gia chủ, làm người vợ trung thành. Chẳng bao lâu bà có mang, nhưng bà và cả người chồng đều không hay biết. Bà xin xuất gia, lần này được chồng thuận, và cũng chính ông dẫn bà đến Ni chúng. Bà được gia nhập Tăng đoàn Ni chúng thuộc phái Ðề-bà-đạt-đa.

Sau một thời gian Ni chúng thấy bà mang thai nên hỏi:

- Việc này nghĩa là sao?

Bà đáp:

- Thưa quý Ni, con không hiểu ra sao. Nhưng con biết chắc là con vẫn giữ phạm hạnh trong sạch.

Họ dẫn bà đến Ðề-bà-đạt-đa, và vì sợ bị quở trách, ông ra lệnh trục xuất. Bà liền van xin chư ni:

- Quý sư tỷ! Ðừng hủy hoại đời con! Con xuất gia không phải theo đề nghị của Tôn giả Ðề-bà-đạt-đa. Xin dẫn con đến Thế Tôn ở Kỳ Viên.

Thế Tôn biết bà đã mang thai khi còn ở thế gian, và để phản chứng lời buộc tội sai lầm, Ngài triệu tập vua Ba-tư-nặc, Ðại và Tiểu Cấp Cô Ðộc, cư sĩ Tỳ-xá-khư và các nhân vật tai mắt khác, truyền lệnh cho Trưởng lão Ưu-ba-ly:

- Ông hãy đến giữa tứ chúng biện hộ cho người đàn bà bị kết tội này.

Trưởng lão gọi bà Tỳ-xá-khư đến trước mặt vua giao trách nhiệm. Bà cho treo màn chung quanh thiếu phụ, và khám từ tay, chân, rốn, bụng, đến phần dưới. Rồi đếm tính số tháng và ngày, bà nhận xét thiếu phụ đã có thai khi còn ở thế gian, liền báo tin cho Trưởng lão. Trước tứ chúng Ngài tuyên bố thiếu phụ vô tội và một đứa bé ra đời, mạnh khỏe và to lớn như bà đã cầu xin dưới chân đức Phật Padumuttara.

Ngày kia nhà vua đi ngang qua chỗ Ni chúng, nghe tiếng trẻ khóc, dừng chân hỏi chuyện biết được liền mang đứa trẻ về hoàng cung giao các công chúa nuôi nấng. Ðến ngày lễ đặt tên, họ đặt là Kassapa, vì được hoàng gia dưỡng dục, nên mọi người gọi là hoàng tử Kassapa, Kumàra Kassapa.

Trên sân chơi, một hôm, đứa bé đánh mấy trẻ kia. Chúng la lên:

- Tên không cha không mẹ đánh chúng tôi!

Kassapa lập tức chạy đến vua hỏi:

- Tâu bệ hạ, chúng nó nói con không cha không mẹ, ai là mẹ của con xin nói cho con biết.

Vua chỉ các công chúa bảo:

- Các bà mẹ của con đó!

Kassapa không chịu cằn nhằn:

- Con không có nhiều mẹ như vậy, đúng ra con chỉ có một mẹ thôi, ai vậy?

Vua biết không thể dối gạt, nên nói hết sự thật. Kassapa xúc động vô cùng, xin xuất gia ngay. Vua hoan hỷ dẫn đến gặp Phật, và thọ giới xong, chú trở thành Trưởng lão Kassapa. Nhận đề mục thiền quán từ Thế Tôn, Kassapa rút vào rừng. Nhưng nỗ lực hết sức mình vẫn không chứng quả, nên Ngài nghĩ cần trở về để xin Phật đổi đề mục, sau đó đến trú trong núi Andha.

(Bấy giờ một Tỳ-kheo từ thời Phật Ca-diếp tự thiền định và chứng Tam quả. Ông tái sanh trên cõi trời Phạm thiên rồi trở lại thế gian, hỏi Kumàra Kassapa mười lăm câu hỏi, với lời nhắn nhủ "không ai khác ngoài Thế Tôn có thể giải đáp câu hỏi này, hãy đi gặp Thế Tôn". Kassapa nghe theo, và khi các câu hỏi được trả lời xong, Trưởng lão chứng A-la-hán).

4B. Ðừng Ghét Bỏ Cha Mẹ Mình

Suốt mười hai năm, kể từ ngày Kassapa lìa bỏ thế tục, bà mẹ ni cô vẫn khóc hết nước mắt vì quá đau khổ xa con. Một hôm đi khất thực, bà thấy Trưởng lão trên đường bèn mừng quá la lên:

- Con tôi! Con tôi!

Bà chạy đến và té sấp xuống chân Ngài, lăn vòng dưới đất. Sữa từ trong ngực chảy ra ướt hết áo khi bà đứng lên ôm Trưởng lão. Nghĩ rằng nếu nói lời ngọt sẽ không giúp ích gì được cho bà, Kassapa lớn tiếng với bà:

- Bà muốn gì đây? Bà không bỏ được tình cảm thế tục sao?

Bà mẹ chới với, không ngờ con mình nói với mình như một tên cướp. Bà nén lòng hỏi thêm:

- Con yêu quí, con nói gì vậy?

Nhưng Kassapa vẫn chỉ lặp lại những lời cộc cằn tàn nhẫn. Sau đó bà hiểu ra rằng chỉ tại vì nó mà bà đã không ngăn được giọt lệ suốt mười hai năm. Nhưng nó quá cứng cỏi đối với bà, tại sao bà còn thương tưởng nó làm gì? Ngay lúc ấy bà cắt đứt cội rễ luyến ái đứa con và chứng quả A-la-hán.

Về sau các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

- Ðề-bà-đạt-đa muốn trừ khử Kumàra Kassapa, người có khả năng chứng quả Dự-lưu và cả ni cô mẹ Ngài. Nhưng Thế Tôn đã che chở họ. Lòng từ bi của Phật đối với chúng sanh to lớn biết bao!

Phật nghe được liền dạy:

- Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu tiên Ta là chỗ dựa và bênh vực họ. Ở kiếp trước cũng đã như thế.

Và Phật kể chuyện Bổn Sanh Nigrodha:

Ðừng theo nai rẽ đàn
Theo nai chúa mà đi.
Thà chết bên nai chúa,
Hơn sống cạnh nai kia.

Ngài đồng nhất các nhân vật như sau:

- Ở kiếp đó con nai rẽ đàn dẫn đầu một nhánh phái là Ðề-bà-đạt-đa, những con nai trong nhánh phái là đồng nhóm của Ðề-bà-đạt-đa, con nai cái đã đạt được sở nguyện là ni cô, con nai tơ là Kumàra Kassapa, và con nai đầu đàn, nai chúa, đã hy sinh mạng sống vì con nai cái và nai tơ, chính là Ta.

Sau khi ca tụng ni cô đã cắt ái với con mình, lấy chính mình làm nơi an trú cho mình, Thế Tôn đã dạy thêm:

- Này các Tỳ-kheo, bởi vì khi một người đạt được cứu cánh cõi trời hay đạo quả, thì thành quả ấy không thể trở thành sở hữu của người khác, do đó chính mình là nơi nương tựa của mình. Làm sao một người có thể làm nơi nương tựa cho người khác được?

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(160) Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược y chỉ khó được.

5. Maha Kàla Bị Giết

Ðiều ác tự mình làm...

Phật dạy câu trên tại Kỳ Viên liên quan đến một cư sĩ tên là Mahà Kàla đã đắc quả Dự lưu.

Vào ngày thứ tám trong tháng, Mahà Kàla tự mình thọ trì bát quan trai giới, và ở lại tinh xá suốt đêm nghe pháp. Có vài tên trộm sau khi ăn hàng, khua vang đồ đạc làm chủ nhà thức dậy rượt đuổi. Chúng ném hết của đã lấy rồi phân tán mạnh ai nấy chạy. Một tên lọt vào tinh xá vào lúc sáng sớm, ném món đồ trước mặt Mahà Kàla đang rửa mặt bên bờ ao, rồi chạy mất. Chủ nhà chẳng thấy tên trộm đâu, chỉ thấy cư sĩ với tang vật, hét vào mặt anh:

- Té ra anh là người xông vào nhà tôi ăn trộm đấy hẳn! Vậy mà anh làm như suốt đêm đã nghe pháp đấy!

Anh không kịp thốt lời nào đã bị đánh tới tấp đến chết. Họ bỏ xác anh trên đường rồi đi mất.

Sáng sớm các Tỳ-kheo trẻ và Sa-di ôm bình rời tinh xá đi lấy nước, thì phát hiện xác chết của cư sĩ. Họ đến thưa chuyện với Thế Tôn:

- Cư sĩ đã ở lại suốt đêm để nghe pháp và bị chết thảm như thế, thật ngược với công lao của anh!

Phật bảo:

- Quả đúng như vậy, này các Tỳ-kheo! Cái chết của Mahà Kàla không chính đáng nếu chỉ xét kiếp hiện tại này. Nhưng so với các nghiệp ác đã gây ở kiếp trước thì không oan uổng.

Và Ngài kể:

Chuyện quá khứ

5A. Người Lính Và Người Có Cô Vợ Ðẹp

Thật xa xưa ở một làng ven biên giới thuộc xứ của vua Ba-la-nại, một băng trộm thường phục kích khách đi đường tại lối vào rừng. Vua phải chốt một người lính tại đó, và tùy thời người lính sẽ hộ tống khách vào rừng rồi trở ra.

Ngày kia có hai vợ chồng vào rừng trên chiếc xe nhỏ. Người lính thấy cô vợ quá đẹp nên lọt vào lưới tình. Khi họ xin được hộ tống thì người lính bảo đã quá muộn, phải chờ sáng mai. Khách nài nỉ vì mùa này trời tốt nên xin được đi ngay, nhưng người lính nhất quyết không chịu. Anh ra dấu cho người phụ tá quay đầu xe dù khách phản đối. Rốt cuộc khách phải ở lại trong nhà người lính.

Hừng đông người lính gây tiếng động làm như trộm vào nhà. Ngay sau đó viên phụ tá của anh đến báo cáo viên ngọc quí của anh bị trộm mất. Anh tức tốc ra lệnh cho người gác cổng làng khám xét mọi người ra vào. Sáng sớm khách thắng xe đi ra, bị khám và bị bắt quả tang viên ngọc giấu trong xe, viên ngọc do anh lính lén bỏ vào xe để vu oan. Họ mắng chửi khách không tiếc lời và tặng thêm một trận đòn nên thân, xong dẫn tới xã trưởng. Khách bị xử đánh đến chết, xác bị ném ra xa.

Ðó là việc làm của cư sĩ kiếp trước. Mạng chung anh bị đọa địa ngục A-tỳ, chịu cực hình khổ sở rất lâu, nhưng vì ác báo chưa dứt nên anh vẫn bị đánh như thế liên tiếp một trăm kiếp.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Thế Tôn dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo! Trên thế gian này chỉ có chúng sanh phạm điều ác mới bị dày vò khổ não trong bốn kiếp.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(161) Ðiều ác tự mình làm,
Tự mình sanh mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương ngọc báu.

6. Ðề Bà Ðạt Ða Tìm Cách Giết Phật

Phá giới quá trầm trọng...

Thế Tôn đã dạy như thế ở Trúc Lâm, liên quan đến Ðề-bà-đạt-đa.

Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:

- Chư huynh, Ðề-bà-đạt-đa tập khí độc hại, tánh tình xấu ác, ý muốn quá tàn bạo. Chỉ vì hiểm độc như thế nên luồn cúi ân sủng của A-xà-thế, dâng tặng nhiều lễ vật cho ông ta, xúi giục ông ta giết cha, rồi cùng âm mưu sát hại Phật.

Thế Tôn nghe được liền bảo:

- Ðây không phải là lần đầu, ở kiếp trước ông ta đã từng như vậy.

Rồi Ngài kể chuyện Kurùga Miga và chuyện khác trong Bổn Sanh, xong dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo! Khi một người phó mặc tính ác độc của mình thắng lướt mọi ranh giới, để cho ý muốn xấu ác nảy sanh từ tánh ác độc, giống như dây leo bám quanh cây Sa-la, cuối cùng sẽ làm cho cây héo chết, người đó sẽ bị tống vào địa ngục hoặc một cõi giới khổ não nào đó.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(162) Phá giới quá trầm trọng,
Như dây leo bám cây,
Gieo hại cho tự thân,
Như kẻ thù mong ước.

7. Ðề-Bà-Ðạt-Ða Gây Chia Rẽ Trong Tăng Ðoàn

Dễ làm các điều ác...

Câu giáo lý này Phật dạy tại Trúc Lâm, do chuyện Ðề-bà-đạt-đa.

Tôn giả A-nan một hôm bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, sáng nay trên đường vào thành Vương Xá khất thực. Ðề-bà-đạt-đa gặp con bảo rằng "Kể từ nay, sư đệ A-nan, tôi sẽ trai giới và điều hành công việc của Tăng chúng, độc lập với Tăng đoàn và Thế Tôn". Hôm nay y sẽ tách Tăng đoàn ra làm hai, tự trai giới và điều hành công việc của Tăng chúng.

Nghe vậy, Thế Tôn đọc bài kệ:

Ðiều thiện thật dễ làm
Ðối với người hiền thiện
Người ác không thể kham
Những việc làm phước thiện
Ðiều ác thật dễ làm
Ðối với người dữ ác
Người hiền chẳng thể cam
Xuống tay làm điều ác.

Rồi Ngài bảo:

- Này A-nan! Người ta dễ làm điều ác, khó làm điều thiện.

Và đọc tiếp Pháp Cú:

(163) Dễ làm các điều ác,
Dễ làm tự hại mình,
Còn việc lành, việc tốt,
Thật tối thượng khó làm.

8. Vị Tỳ Kheo Ðố Kỵ

Kẻ ngu si miệt thị ...

Do chuyện Trưởng lão Kàla, Phật đã dạy câu trên tại Kỳ Viên.

Ở Xá-vệ có một phụ nữ thường hay giúp đỡ Trưởng lão Kàla với lòng tốt của bà mẹ đối với con. Sau khi nghe lời tán tụng đức Phật thuyết pháp thật là vi diệu, thật là thích thú, từ cửa miệng một gia đình láng giềng, bà nói với Trưởng lão cũng muốn đi nghe. Nhưng ông ngăn cản. Lý do thật dễ hiểu, vì ông sợ nghe đức Phật thuyết rồi bà sẽ không cần ông nữa. Nhưng một sáng tinh sương, điểm tâm xong bà tự thọ bát quan trai giới rồi đi đến tinh xá, không quên dặn con gái ráng lo cho Trưởng lão.

Nghe tin bà đã ra đi, lửa sân phựt lên dữ dội, thiêu đốt cả tâm can ông. Không quên nổi ý nghĩ bà đã cắt đứt với mình, ông đi thẳng ngay đến tinh xá, thấy bà ngồi trước mặt Phật, ông liền thưa:

- Bạch Thế Tôn! Người đàn bà ngu dốt này không thể hiểu nổi bài pháp thâm diệu của Ngài. Chỉ nên giảng cho bà ta bổn phận bố thí cúng dường và trí giới.

Nhưng Thế Tôn biết rõ động cơ thúc đẩy ông, nên bảo:

- Ðừng tự phụ! Vì ác kiến, ông đã phỉ báng giáo pháp của chư Phật. Nhưng như thế ông chỉ tự làm tổn hại mình thôi.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(164) Kẻ ngu si miệt thị,
Giáo pháp bậc La-hán,
Bậc Thánh, bậc Chánh mạng.
Chính do ác kiến này,
Như quả loại cây lau,
Mang quả tự hoại diệt.

9. Cô Gái Giang Hồ Cứu Mạng Một Cư Sĩ

Tự mình làm điều ác ...

Vì chuyện Culla Kàla, Phật dạy câu trên tại Kỳ Viên.

Cũng trong câu chuyện về Mahà Kàla, lúc đó Culla Kàla cũng ở lại suốt đêm nghe pháp, và cũng bị bắt vì gói đồ tên trộm đã liệng trước mặt. Họ cũng túm lấy cư sĩ định đánh, nhưng vài cô gái giang hồ hạng sang đi tắm sông thấy thế, xác nhận cư sĩ này không lấy và xin tha mạng cho ông. Culla Kàla được thả ra, bèn đến tinh xá kể chuyện cho các Tỳ-kheo. Các vị này kể lại cho Phật nghe, và được Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo! Cư sĩ Culla Kàla được cứu mạng nhờ cả hai mặt, sự can thiệp của các cô gái giang hồ và chính ông ta vô tội. Chúng sanh ở thế gian này do ác nghiệp gây nên, tự mình chịu khổ não ở địa ngục hay cõi giới khở sở khác. Nhưng người làm điều thiện thì tự mình cứu độ, được lên cõi trời hay Niết-bàn.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(165) Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm ô nhiễm.
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai.

10. Tu Tập Chân Chánh Ðể Tôn Quý Thế Tôn

Dầu lợi người bao nhiêu ...

Phật đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Attadattha.

Sắp nhập Niết-bàn, Phật bảo đệ tử:

- Này các Tỳ-kheo, bốn tháng nữa Ta sẽ nhập Niết-bàn.

Bảy trăm Tỳ-kheo chưa chứng quả Dự lưu, quá đỗi xúc động, không hề rời xa Thế Tôn, và thì thầm với nhau không biết nên làm gì. Nhưng Trưởng lão Attadattha thì tự nhủ Phật sắp nhập diệt mà mình chưa hết tham ái, vậy phải phấn đấu hết sức để chứng quả A-la-hán trong khi Phật còn tại thế. Các Tỳ-kheo ngạc nhiên thấy Trưởng lão tách rời họ, gần như không nói chuyện với họ nữa. Họ không hiểu tại sao nên thưa chuyện với Thế Tôn. Ngài hỏi lại Trưởng lão, biết được sở nguyện nên tán dương ông và dạy các Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo! Người nào thành thật quý trọng Ta thì phải như Trưởng lão Attadattha mới được. Thực sự tôn quý Ta không phải là lễ kính Ta với hương hoa. Chỉ có người hành trì theo pháp từ bậc thấp đến bậc cao nhất mới đúng là tôn quý Ta. Do đó các ông nên theo gương Trưởng lão Attadattha.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(166) Dầu lợi người bao nhiêu,
Chớ quên phần tự lợi.
Nhờ thắng trí tự lợi,
Hãy chuyên tâm lợi mình.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]