Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Hạnh phúc thấy rõ ngay trong đời sống hiện tại

19/09/201622:53(Xem: 10745)
Chương 4: Hạnh phúc thấy rõ ngay trong đời sống hiện tại

 Bhikkhu Bodhi

 

 

 

IV. HẠNH PHÚC

THẤY RÕ  NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI

 

 

Tác giả : Bhikkhu Bodhi

 Việt dịch : Trần Như Mai

 

 

 

GIỚI  THIỆU  TỔNG  QUÁT

 

 

            Có phải đúng như một số học giả cho rằng, thông điệp nguyên thủy của Đức Phật vốn chỉ duy nhất là một thông điệp giải thoát siêu xuất thế gian, với rất ít liên quan đến con người đang bị mắc kẹt trong vòng hệ lụy của đời sống thế tục? Có phải những Phật tử thời xưa cổ tin rằng việc thực hành Giáo pháp chỉ bắt đầu ở tu viện và chỉ có những người từ bỏ đời sống thế tục mới được xem là những người tiếp nhận Giáo pháp đúng nghĩa ? Có phải những lời dạy của Đức Phật dành cho các cư sĩ chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng? Có phải những lời giảng dạy đó chính yếu là những cảnh báo để con người đạt được công đức bằng cách cúng dường phẩm vật cho giáo đoàn và các tu sĩ  để cho đời sau họ có thể trở thành tăng ni ( tốt hơn là trở thành tăng sĩ)  và rồi sẽ bắt đầu con đường tu tập thật sự ?

            Vào một vài thời điểm, trong hầu hết các truyền thống, nhiều Phật tử đã tỏ ra ủng hộ cho những nhận định bao hàm trong các câu hỏi ấy. Họ tỏ ra không cần quan tâm đến đời sống hiện tại và bác bỏ thế gian này như là một thung lũng đầy nước mắt, là một ảo ảnh hư dối, và tin rằng dấu hiệu của trưởng thành tâm linh là sự tập trung duy nhất vào việc giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Các tăng sĩ đôi lúc tỏ ra ít quan tâm đến việc hướng dẫn cho những người còn đang mắc kẹt trong vòng thế tục phương cách làm thế nào áp dụng Giáo pháp để giải quyết những vấn đề của cuộc sống bình thường.Đến lượt các gia chủ thì có rất ít hy vọng đạt được tiến bộ tâm linh trong lối sống mà họ đã lựa chọn, và vì vậy họ tự chấp nhận chỉ mong đạt được công đức bằng cách cúng dường phẩm vật cho các tu sĩ.

            Trong lúc các bộ kinh Nikaya để lộ cho thấy đỉnh cao giáo lý của Đức Phật nằm ở con đường giải thoát tối hậu khỏi mọi khổ đau, tuy vậy sẽ là một sự lầm lẫn nếu ta  chỉ thu hẹp giáo lý vào đỉnh cao giải thoát siêu xuất thế gian, vì  giáo lý vốn rất đa dạng  theo các nguồn văn bản nguyên thủy. Một lần nữa chúng ta cần nhớ lại lời xác định rằng một vị Phật xuất hiện ở đời “ vì lợi lạc của số đông, vỉ hạnh phúc an vui của số đông…xuất phát từ lòng bi mẫn đối với thế gian, vì mục đích tốt đẹp, an vui, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.   Nhiệm vụ của một vị Phật là khám phá, thực hiện và tuyên bố Giáo pháp trong toàn bộ chiều rộng và chiều sâu, và điều này liên hệ đến sự hiểu biết thấu đáo toàn diện về nhiều cách áp dụng khác nhau của Giáo pháp trong tất cả mọi chiều hướng khác nhau. Một vị Phật không những thâm nhập vào thế giới vô vi của những niềm hỷ lạc vượt thoát thế giới ta bà, bên ngoài vòng sinh già bệnh chết; Ngài không những tuyên thuyết con đường đưa đến giác ngộ hoàn toàn và sự giải thoát tối hậu; mà lại còn soi sáng nhiều phương cách khác nhau để áp dụng Giáo pháp vào các điều kiện phức tạp của đời sống con người cho những người vẫn còn chìm đắm trong thế gian này.

            Giáo pháp, theo nghĩa rộng nhất, là trật tự của vũ trụ bất biến, có mặt khắp mọi nơi, trong đó chân lý, sự tuần hoàn đều đặn mang tính qui luật và đạo đức, hòa nhập với nhau không thể tách rời. Giáo pháp vũ trụ này được phản ảnh trong tâm thức con người như là nguyện vọng hướng về chân lý, vẻ đẹp tâm linh và tính toàn thiện; điều này được biểu lộ trong cách ứng xử của con người như là sự thiện lành về thân, khẩu và ý. Giáo pháp có những biểu tượng về mặt cơ cấu tổ chức cũng như những biểu hiện trong đời sống của mỗi cá nhân , những người đã hướng về Giáo pháp như là nguồn hướng dẫn cách xử thế đúng đắn  trong đời sống. Những biểu tượng đó vừa thuộc về đời thường vừa thuộc về tâm linh. Truyền thống Phật giáo thấy trách nhiệm hộ trì Giáo pháp trong lãnh vực đời thường thuộc về vị Chuyển luân Thánh vương thần thoại ( rājā cakkavatti). Chuyển luân Thánh vương là vị vua nhân ái cai trị vương quốc của mình theo đúng chuẩn mực đạo đức cao nhất ( dhammiko dhammarājā) và vì vậy đoàn kết thế giới lại một cách hòa bình dưới sự cai trị của một nền công lý và thịnh vượng có tính cách phổ quát toàn cầu. Như Kinh Văn IV, 1 (1)  chứng tỏ, trong phạm vi tâm linh, Đức Phật là đối tác của vị Chuyển luân Thánh vương. Cũng giống như Chuyển luân Thánh vương, Đức Phật dựa trên Giáo pháp và tôn trọng Giáo pháp, nhưng trong lúc Chuyển luân Thánh vương dựa trên Giáo pháp như là nguyên tắc đúng đắn để cai trị vương quốc của ngài, Đức Phật dựa trên Giáo pháp như những khuôn mẫu đạo đức và tâm linh để giảng dạy và chuyển hóa con người và hướng dẫn họ đến cách hành xử đúng đắn về thân, khẩu, và ý. Cả Chuyển luân Thánh vương và Đức Phật đều không phải là người sáng tạo ra Giáo pháp mà các Ngài đang hộ trì, tuy nhiên, cả hai Ngài đều không thể thực hiện chức năng tương ứng của họ mà không có Giáo pháp; vì Giáo pháp là nguyên tắc thường hằng, trung tính và khách quan về một trật tự được sử dụng như là nguồn gốc và tiêu chuẩn cho những chính sách và lời tuyên thuyết của các Ngài.

            Là một vị Pháp vương, Đức Phật đảm nhận trách nhiệm tuyên thuyết về những điều tốt đẹp, an vui và hạnh phúc cho thế gian. Ngài thực hiện điều đó bằng cách dạy cho thế gian làm thế nào để sống đúng theo Giáo pháp và hành xử theo  phương cách khiến họ có thể đạt được sự chứng ngộ của cùng một Giáo pháp giải thoát mà Ngài đã đạt được qua sự giác ngộ của Ngài. Những bài luận giải tiếng Pali chứng tỏ phạm vi rộng lớn của Giáo pháp bằng cách phân biệt ba thứ lợi lạc mà giáo lý của Đức Phật nhắm mục đích đề cao, được xếp hạng từ thấp đến cao tùy theo mức độ công đức tương ứng:

  1. An vui và hạnh phúc trực tiếp thấy rõ ngay trong đời sống hiện tại ( dittha-dhamma-hitasukha ), đạt được bằng cách hoàn thành những cam kết về đạo đức và các trách nhiệm xã hội.
  2. An vui và hạnh phúc thuộc về đời sau ( samparayika-hitasukha), đạt được bằng cách dấn thân làm những việc công đức.
  3. Mục tiêu tối hậu hay tối thượng ( paramatha),  là Niết Bàn, là sự giải thoát cuối cùng khỏi vòng luân hồi sanh tử, đạt được bằng cách tu tập theo Bát Thánh Đạo.

 

            Trong lúc nhiều học giả Tây phương  viết về Phật Giáo Nguyên Thủy đã nhắm vào phương diện cuối cùng này và xem đó hầu như là tiêu biểu duy nhất cho những giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, một sự trình bày giáo lý quân bình cần phải cứu xét tất cả ba phương diện kể trên. Vì vậy, trong chương này và những chương kế tiếp, chúng tôi sẽ tìm hiểu những văn bản từ các bộ kinh Nikaya có minh họa ba phương diện đó của Giáo pháp.

            Chương đầu tiên này bao gồm nhiều văn bản kinh về những lời dạy của Đức Phật liên hệ đến hạnh phúc trực tiếp thấy rõ trong đời sống hiện tại. Văn bản kinh Nikaya đầy đủ nhất về thể loại này là kinh Sigālaka Sutta, hay còn được biết như là Kinh Singalovāda Sutta ( Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt, Trường BK 31 ), đôi lúc được gọi là kinh “ Giới Luật của  Cư Sĩ ”. Trọng tâm của kinh này là phần nói về “thờ phụng sáu phương”- Kinh Văn IV, 1 (2) – trong đó Đức Phật đã tự do diễn giải lại một nghi lễ của Ấn độ cổ xưa, pha chế nó để mang một ý nghĩa đạo đức mới. Việc thực hành “ lễ bái sáu phương”, như Đức Phật giải thích, đặt giả thuyết tiên khởi rằng xã hội được duy trì bởi một mạng lưới quan hệ liên đới với nhau để mang lại sự nối kết cho trật tự xã hội, khi mỗi thành viên của xã hội hoàn thành trách nhiệm và bổn phận hổ tương của mình trong tinh thần từ ái, thiện cảm và thiện chí. Sáu mối quan hệ xã hội căn bản mà Đức Phật rút ra để trình bày hình ảnh ẩn dụ ngài muốn nói, đó là : quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa vợ chồng, giữa bạn bè, giữa chủ và thợ, giữa cư sĩ và người hướng dẫn tâm linh. Mỗi quan hệ được xem là một trong sáu phương liên quan đến đối tác của nó. Đối với một thanh niên như  Sigālaka, cha mẹ anh là phương đông, thầy anh là phương nam, vợ con là phương tây, bạn bè là phương bắc, nhân công của anh là hướng xuống đất và người chỉ dẫn tâm linh của anh là hướng lên trời. Với giác quan chính xác có hệ thống quen thuộc của Ngài, Đức Phật gán cho mỗi thành viên của mỗi cặp quan hệ năm bổn phận đối với người đối tác của mình; khi mỗi thành viên hoàn thành bổn phận của mình, phương hướng liên hệ  xem như là “được an bình và thoát khỏi sự sợ hãi ”. “ Như vậy, đối với Phật Giáo Nguyên Thủy, sự ổn định và an  sinh xã hội đóng góp vào hạnh phúc của con người sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi mỗi thành viên của xã hội làm tròn nhiều bổn phận khác nhau do các mối quan hệ xã hội quyết định trao cho họ. Mỗi người vươn lên từ những đòi hỏi của lợi ích cá nhân hẹp hòi, và phát triển một mối quan tâm thành thật với tấm lòng rộng lớn đối với an sinh của người khác và điều tốt đẹp lớn hơn cho xã hội.”

            Từ qui luật đạo đức Phật giáo tổng quát dành cho cư sĩ, chúng ta quay sang những kinh văn cung cấp những lời khuyên đặc thù hơn, bắt đầu với những bài kinh về “ Gia Đình”. Phần này có những đề mục riêng về “ Cha Mẹ và Con Cái ”( IV, 2, (1) và “ Vợ Chồng” (IV, 2, (2). Theo đúng thông lệ của xã hội Ấn độ - thật ra, theo hầu hết các xã hội nông nghiệp truyền thống - Đức Phật xem gia đình là đơn vị căn bản của sự hội nhập xã hội và thích nghi văn hóa. Đó chính là mối quan hệ thương yêu, gần gũi giữa cha mẹ và con cái đã nuôi dưỡng đạo đức và tinh thần trách nhiệm nhân ái cần thiết cho sự gắn kết trật tự xã hội. Trong phạm vi gia đình, những giá trị đạo đức ấy truyền thừa từ thế thệ này đến thế hệ sau, và như vậy một xã hội hài hòa tùy thuộc rất nhiều vào mối quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái. Đức Phật nhấn mạnh chữ Hiếu -  Kinh Văn IV, 2, (1) (a) – và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, một món nợ mà chúng chỉ có thể trả được đúng nghĩa bằng cách giúp đỡ cha mẹ tiếp cận với Giáo pháp – Kinh Văn IV, 2 , (1) (b).

            Mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái lại tùy thuộc vào tình thương yêu và kính trọng lẫn nhau giữa vợ chồng, và vì vậy, Đức Phật cũng đưa ra những hướng dẫn về các mối quan hệ đúng đắn giữa các đôi vợ chồng. Một lần nữa, điều này nhấn mạnh sự cam kết chung trong cách cư xử đạo đức và lý tưởng tâm linh., Vào thời điểm mà nhiều cuộc hôn nhân đã sớm chấm dứt bằng các vụ ly dị , chúng ta đặc biệt chú ý đến lời khuyên của Đức Phậtđối với đôi vợ chồng đang yêu nhau thắm thiết  là  Nakulapitā và Nakulamātā – Kinh Văn IV, 2 , (2) (b) – là tình yêu giữa vợ chồng có thể duy trì bền vững mạnh đến nỗi họ có thể sum họp lại vào các đời sau. Bài thuyết pháp này cũng chứng tỏ rằng thay vì đòi hỏi các đệ tử tại gia của Ngài từ bỏ những ham muốn của thế gian, Đức Phật sẵn sàng chỉ đường cho những người vẫn còn bị vướng vào vòng xoay của thế tục làm thế nào để đạt được đối tượng mơ ước của họ. Ngài chỉ đặt ra một đòi hỏi là sự thỏa mãn các ước vọng đó phải được điều hành bởi những nguyên tắc đạo đức.

            Tiếp theo là một số kinh văn bàn đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình được kết hợp bằng sự nhấn mạnh đến Chánh Mạng ( nuôi mạng sống bằng nghề nghiệp chơn chánh ). Hai đặc điểm của pháp lệnh Đức Phật đối với các đệ tử tại gia liên hệ đến việc theo đuổi hạnh phúc đời thường nổi bật trong các bản kinh văn đó.

            Trước tiên, trong lúc tìm kiếm “ cuộc sống tốt đẹp thấy rõ ngay trong đời này”, người đệ tử tại gia phải nhất quán tuân thủ nguyên tắc  Chánh Nghiệp, nhất là đối với việc giữ gìn năm giới và qui luật về Chánh Mạng. Như vậy, ví dụ, Ngài khẳng định rằng “ tài sản phải được tích lũy bằng nỗ lực năng động...tài sản chơn chánh phải được thu nhập một cách chơn chánh ” – Kinh Văn IV, 3. Một lần nữa, Ngài yêu cầu những đệ tử tại gia sử dụng tài sản họ đạt  được không những chỉ để thỏa mãn nhu cầu của chính họ, mà lại còn làm lợi ích cho những người thân thuộc và cho những người khác sống nhờ bằng sự bố thí, đặc biệt là những Sa môn và Bà-la-môn – Kinh Văn IV, 4 , (2).

            Thứ hai, người đệ tử tại gia không nên chỉ  hài lòng với sự theo đuổi hạnh phúc và an vui tạm bợ, mà cần phải tìm kiếm an vui hạnh phúc cho đời sau. Điều này được nuôi dưỡng bằng những đức hạnh đưa đến một sự tái sinh hạnh phúc và đạt được Niết bàn. Theo Kinh Văn IV, 3, và IV, 5, những đức hạnh chính mà một đệ tử tại gia cần phải có, đưa đến an vui cho đời sau, là : (1) Tín ( là niềm tin vào Đức Phật là Bậc Chánh Đẳng Giác, (2) Giới ( là việc giữ gìn năm giới không vi phạm), (3) Thí ( là  áp dụng hạnh bố thí, trao tặng và chia sẻ), và (4) Tuệ ( là tuệ giác thấy được sự sinh diệt của vạn pháp). Đối với Phật giáo Nguyên Thủy, người gia chủ lý tưởng không chỉ là người hộ trì thuần thành giáo đoàn, mà còn là bậc cao thượng đã chứng đắc ít nhất là quả vị thứ nhất trong tứ thánh quả, đó là quả Dự lưu (sotāpatti).

            Cuối cùng, với phần 6, chúng ta có một tuyển tập kinh văn về “ Cộng đồng”. Tôi dùng từ này để bao gồm rộng rãi cả Tăng già, giáo đoàn, và xã hội dân sự trong đó bất cứ chi nhánh nào của giáo đoàn phải xuất phát từ nguồn gốc này. Từ bốn bộ kinh Nikaya, rõ ràng là trong lúc Đức Phật nhắm mục đích chính yếu là dẫn dắt quần chúng hướng đến sự tiến bộ về mặt đạo đức và tâm linh, Ngài hoàn toàn ý thức rằng khả năng phát triển đạo đức và tâm linh của họ tùy thuộc vào những điều kiện vật chất của xã hội họ sinh sống. Ngài ý thức sâu sắc rằng khi con người chìm đắm trong nghèo khó và bị trấn áp bởi đói kém và thiếu thốn, họ sẽ thấy khó có thể đi theo con đường đạo đức đúng đắn. Nỗi đau đơn thuần của cơn đói và nhu cầu bảo vệ chống lại thiên tai và nuôi sống gia đình, sẽ bắt buộc họ phải uốn mình theo những kiểu cách ứng xử mà họ sẽ tránh nếu họ có thể kiếm được một việc làm và lương tiền đủ sống cho công sức của họ. Vì vậy, Ngài thấy rằng điều kiện về công bằng kinh tế là một phần không thể tách rời cho một xã hội hài hòa và ổn định chính trị.

            Hai bài kinh đầu tiên trong chương này ấn định hai đường lối hướng dẫn giáo đoàn.Cả hai đều đươc trich dẫn từ một bài pháp dài Đức Phật thuyết giảng một thời gian ngắn sau cái chết của Mahavira, người lãnh đạo của Kỳ-Na giáo. Theo bộ kinh Nikaya, sau cái chết của người lãnh đạo, giáo đoàn Kỳ-Na giáo đã bắt đầu chia rẽ, và Đức Phật chắc hẳn đã cảm thấy cần thiết phải đặt ra những đường lối hướng dẫn để bảo vệ giáo đoàn của Ngài khỏi phải chịu chung số phận sau khi Ngài viên tịch. Kinh Văn IV, 6, (1) liệt kê sáu yếu tố dẫn đến cãi cọ và tranh chấp, mà các tăng sĩ phải quan tâm và cố gắng loại trừ khi họ cảm nhận chúng khởi lên trong tâm. Mặc dù những đường lối hướng dẫn ấy được đặt ra cho tăng sĩ, chúng có thể được áp dụng rộng rãi cho bất cứ tổ chức nào, dù là thế tục hay tôn giáo, vì đó cũng giống như sáu yếu tố nằm bên dưới mọi cuộc xung đột. Phần đối tác tích cực cho toàn bộ đường lối hướng dẫn cẩn trọng này là Kinh Văn IV, 6, (2) liệt kê “ nguyên tắc lục hòa ” đưa đến tình thương yêu, sự kính trọng và hòa hợp giữa những thành viên của cộng đồng. Một lần nữa, với sự mô phỏng thích hợp, những nguyên tắc này – bày tỏ tình thương yêu nhường nhịn lẫn nhau trong hành động, lời nói và ý nghĩ; cùng nhau chia sẻ vật sở hữu; cùng nhau tu học giữ gìn giới luật; và đồng nhất về kiến giải – có thể được trải rộng đến cộng đồng rộng lớn hơn bên ngoài giáo đoàn . Cũng bài kinh đó đã cung cấp những đường lối chi tiết hơn để giữ gìn sự hòa hợp trong giáo đoàn sau khi Đức Phật nhập diệt, nhưng những điều đó bàn về nhiều phương diện của giới luật tu viện quá đặc thù nên không được đưa vào hợp tuyển này.

            Kinh Văn IV, 6, (3), một phần trích dẫn dài từ Kinh Assalāyana , mô tả Đức Phật tranh luận với một học giả Bà-la-môn trẻ tuổi tinh khôn về những tuyên bố của Bà-la-môn nhân danh hệ thống giai cấp. Vào thời đại Đức Phật, hệ thống giai cấp chỉ mới bắt đầu thành hình ở miền đông bắc Ấn độ và chưa sản sinh ra vô số bộ phận nhỏ và những qui định gắt gao để trói buộc xã hội Ấn độ qua bao thế kỷ. Xã hội được phân chia thành bốn giai cấp rộng lớn: giai cấp Bà-la-môn (brahmins), các tăng lữ thi hành các chức năng tôn giáo ấn định trong kinh Vệ -Đà; giai cấp Sát-đế-lỵ ( khattiyas), là những tướng lãnh cao quý, và các quan lại hành chánh; giai cấp Phệ-đà (vessas) gồm thương gia và nông gia; giai cấp Thủ-đà-la (suddas), hàng lao động thợ thuyền. Còn có một hạng người đứng ngoài bốn giai cấp chính ấy, những người bị xem là thấp hèn hơn cả giai cấp Thủ-đà-la. Từ các bộ kinh Nikaya, giai cấp Bà-la-môn, trong lúc được trao quyền hành trong các lãnh vực tôn giáo, có vẻ như họ cũng chưa đạt được sự thống trị tuyệt đối mà họ đã đạt được sau sự xuất hiện của những tác phẩm như Qui Luật Manu, trong đó đặt ra những  luật lệ cố định về hệ thống giai cấp. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu khởi sự thúc đẩy để tiến đến việc thống trị  toàn bộ phần còn lại của xã hội Ấn độ và họ đã làm như vậy bằng cách tuyên truyền luận đề của họ rằng giai cấp Bà-la-môn là giai cấp cao quý nhất, là con cháu của Phạm thiên đã được nhiều ân sủng thiêng liêng, là những người  duy nhất có khả năng thanh tịnh thân tâm .

            Trái với một số khái niệm phổ thông, Đức Phật không vận động để xóa bỏ hệ thống giai cấp của Ấn độ và cố gắng thiết lập một xã hội không giai cấp.Tuy nhiên, bên trong Tăng đoàn tất cả mọi phân biệt giai cấp được hủy bỏ vào lúc thọ giới. Những người xuất thân từ bất cứ giai cấp nào trong hệ thống giai cấp xã hội một khi đã xuất gia theo Đức Phật đều từ bỏ giai cấp và  những đặc quyền của họ, để được biết như là đệ tử của một hoàng nam thuộc bộ tộc Thích ca ( nghĩa là, đệ tử của Đức Phật, người xuất thân từ bộ tộc Thích ca). Bất cứ lúc nào đối mặt với lời tuyên bố của những người Bà-la-môn về đẳng cấp cao nhất của họ, thì Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều tranh luận tích cực để bác bỏ quan điểm của người Bà-la-môn. Như các kinh văn đã chỉ rõ, Đức Phật vẫn duy trì quan điểm là tất cả những tuyên bố ấy đều không có cơ sở. Ngài vẫn giữ lập luận rằng, thanh tịnh là kết quả của thái độ hành xử của một người, chứ không phải do nguồn gốc người ấy sinh ra, và như vậy,  mọi người từ bốn giai cấp đều có khả năng đạt được thanh tịnh. Đức Phật thậm chí còn tước bỏ những lớp vỏ bọc truyền thống của từ ” Bà-la-môn”, và dựa theo nguồn gốc nghĩa rộng về một bậc cao thượng, và Ngài định nghĩa người Bà-la-môn chân chính là một bậc A-la-hán ( xem Trung Bộ Kinh số 98,  không được đưa vào  hợp tuyển này).

            Hai bài kinh đươc tuyển chọn tiếp theo gợi ý các đường lối chỉ đạo về việc quản trị hành chánh. Vào thời Đức Phật, có hai hình thức chính quyền chiếm ưu thế giữa các tiểu bang miền Bắc Ấn độ mà Đức Phật thường du hành và giảng dạy, đó là các vương quốc thuộc hoàng gia và các nước cọng hòa thuộc bộ tộc. Là một vị lãnh đạo tâm linh, Đức Phật không bày tỏ ưa thích kiểu mẫu chính quyền này hơn kiểu chính quyền kia, và Ngài cũng không tích cực xen vào công việc của đất nước. Nhưng các đệ tử của Ngài gồm có những người lãnh đạo của cả hai kiểu mẫu chính quyền, vì thế thỉnh thoảng Ngài cũng cho họ những lời hướng dẫn nhắm mục đích bảo đảm là họ cai trị lãnh địa của mình theo đúng các khuôn mẫu đạo đức.

            Khung cảnh mở đầu của Kinh Đại Bát Niết Bàn ( Mahāparinibbāna Sutta), là bài kinh tường thuật lại những ngày cuối cùng của Đức Phật- Kinh văn IV, 6 (4) – cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về giai đoạn sóng gió này của lịch sử Ấn Độ khi vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadtha), một ngôi sao đang lên của các nước quân chủ phương bắc, đang bành trướng ảnh hưởng và muốn thôn tính các nước cọng hòa bộ tộc lân cận. Trong đoạn kinh được viết lại sau đây chúng ta thấy Vua A-Xà-Thế (Ajātasattu), vua nước Ma-kiệt-đà, nhắm thôn tính liên minh nước Vajji, một nước cọng hòa bộ tộc lớn nhất và có tổ chức qui mô nhất. Ở phần mở đầu bài kinh, vua A-Xà-Thế gởi vị đại thần đến hỏi ý kiến Đức Phật xem thử vua có cơ may thắng trận khi tuyên chiến chống lại bộ tộc Vajjians không. Đức Phật hỏi tôn giả Ānanda về bảy điều kiện để ổn định xã hội mà trước đây Ngài đã dạy người dân Vajjians, kết luận rằng “Bao lâu họ còn giữ bảy nguyên tắc đó, bao lâu những nguyên tắc đó còn hiệu lực, người dân bộ tộc Vajjians sẽ vẫn tiếp tục thịnh vượng và không bị suy tàn”. Rồi Ngài triệu tập một buổi họp với các Sa môn và dạy cho họ bảy nguyên tắc tương tự về sự ổn định áp dụng cho giáo đoàn.

            Bởi vì kiểu cai trị theo chế độ quân chủ hình như  sẽ đạt được chiến thắng cuối cùng, Đức Phật tìm cách thiết lập một kiểu mẫu vương quyền có thể giới hạn sự sử dụng quyền hành độc đoán và đặt nhà vua dưới quyền của một cơ chế quyền lực cao hơn. Ngài làm như vậy bằng cách thiết lập lý tưởng của một vị “ Chuyển luân Thánh vương ”, một vị minh quân cai trị theo đúng Giáo pháp, là qui luật trung tính về cách hành xử chơn chánh ( xem Kinh văn IV,1, (1). Giáo pháp nhà vua tuân theo là nền tảng đạo đức cho việc cai trị của nhà vua. Được biểu tượng bằng bánh xe pháp thiêng liêng, Giáo pháp giúp cho nhà vua có thể chinh phục tất cả các quốc gia trên thế giới mà không phải dùng vũ lực và thiết lập một nền cai trị phổ quát về hòa bình và đạo đức dựa trên việc giữ gìn năm giới – xem Kinh văn IV,6, (5).

            Vị Chuyển luân Thánh vương cai trị vì sự an vui và hạnh phúc của thần dân và trải rộng sự che chở cho tất cả mọi loài trong phạm vi cai trị của nhà vua, ngay cả đối với chim muông và cầm thú. Một số trong những nhiệm vụ của nhà vua là ngăn chận tội phạm phá hoại vương quốc của ngài, và để giữ cho vương quốc của mình được an toàn tránh khỏi tội phạm, nhà vua phải ban phát của cải cho những người khốn khó, vì theo quan điểm của bộ kinh Nikaya thì nghèo đói là mảnh đất nuôi dưỡng tội phạm. Đề tài này, được đề cập trong số những nhiệm vụ của vị Chuyển luân Thánh vương trong Kinh văn IV, 6 , (5), được kết hợp trong Kinh văn IV,6, (6). Chúng ta thấy một vị tuyên úy khôn ngoan cố vấn cho nhà vua rằng phương cách đúng đắn để chấm dứt nạn trộm cắp và băng đảng tội phạm trong vương quốc của nhà vua không phải là đặt ra những hình phạt nặng hơn và áp dụng luật pháp chặt chẽ hơn, nhưng là cung cấp cho dân chúng phương tiện để làm ăn sinh sống. Một khi dân chúng vui hưởng một tiêu chuẩn sống thỏa đáng, họ sẽ không còn quan tâm đến việc làm hại kẻ khác, và đất nước sẽ vui hưởng cảnh an vui  thái bình .

 

________________________

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. HẠNH  PHÚC THẤY RÕ  NGAY TRONG

ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI

 

          1.HOẰNG  DƯƠNG  CHÁNH  PHÁP  TRONG  Xà HỘI

 

   (1)Pháp Vương

            Thế Tôn dạy rằng : “Này các Tỷ kheo, ngay cả một vị Chuyển luân Thánh vương, một đấng pháp vương chơn chánh, cũng không cai trị vương quốc mình mà không có quốc sư phụ tá ”.

            Khi nghe Ngài nói như vậy, một tỷ kheo đã bạch Thế Tôn : “ Bạch Thế Tôn, nhưng ai là vị quốc sư phụ tá cho vị Chuyển luân Thánh vương, một đấng pháp vương chơn chánh?”.

            Thế Tôn đáp:

-          Này các Tỷ kheo, đó là Chánh pháp, là qui luật của mọi hành xử chân chính (1).

            Trong trường hợp này, vị Chuyển luân Thánh vương, một đấng pháp vương chơn chánh, y cứ vào Giáo pháp, vinh danh Chánh pháp, tôn kính Chánh pháp, xem Chánh pháp là tiêu chuẩn hành động, là biểu ngữ, là chủ quyền, cung cấp sự an toàn, sự che chở, sự bảo vệ hợp pháp cho những người nương tựa vào ngài. Ngài cung cấp sự an toàn, sự che chở, sự bảo vệ hợp pháp cho những người Sát-đế-lỵ nương tựa vào ngài; cho quân đội của ngài, cho các người Bà-la-môn gia chủ, cho dân chúng trong thành phố và vùng quê, cho các sa môn và Bà-la-môn, cho cầm thú và chim muông.

             Một vị Chuyển luân Thánh vương , một vị pháp vương  chơn chánh như vậy là người cung cấp sự an toàn, sự che chở và sự bảo vệ hợp pháp cho tất cả mọi người, là vị vua chỉ cai trị bằng Chánh pháp mà thôi. Và sự cai trị đó không thể bị lật đổ bởi bất cứ kẻ thù nghịch nào.

            -  Này các Tỷ kheo, như vậy, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vị pháp vương chơn chánh đúng Chánh pháp, căn cứ vào Chánh pháp, vinh danh Chánh pháp, tôn kính Chánh pháp xem Chánh pháp là tiêu chuẩn hành động, là biểu ngữ, là chủ quyền, cung cấp sự an toàn, sự che chở, sự bảo vệ hợp pháp đối với các hành động về thân, khẩu, ý. ( Ngài dạy như thế này):   “Những thân nghiệp như thế này cần phải thực hành và những thân nghiệp như thế này không nên thực hành. Những khẩu nghiệp như thế này cần phải thực hành và những khẩu nghiệp như thế này không nên thực hành. Những ý nghiệp như thế này cần phải thực hành và những ý nghiệp như thế này  không nên thực hành”.

            Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vị pháp vương chơn chánh, như vậy là vị cung cấp sự an toàn, sự che chở, sự bảo vệ hợp pháp đối với các hành động về thân, khẩu, ý, là vị đã chuyển bánh xe Chánh pháp vô thượng theo đúng Chánh pháp. Và bánh xe Chánh Pháp này không thể bị quay ngược lại bởi bất cứ sa môn hay Bà-la-môn nào, bất cứ vị thiên, Ác Ma, hay Phạm thiên nào,  hay bất cứ ai trong thế gian này”.(2)

            Tăng Chi Bộ Kinh 2, Ch XIII, Ph. Bệnh (133) Chuyển Luân Vương, tr 551-555.

(1) Đảnh lễ sáu phương

            1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ngụ tại thành Vương Xá (Rājagaha), trong vườn Trúc Lâm (Veluvana), thuộc Khu Vực Bảo Tồn Loài Sóc (Kalandakanivaāpa). Lúc ấy, Sigālaka ( Thi-ca-la-việt), con của người gia chủ, đã thức dậy sớm và đi ra khỏi thành Vương Xá,  áo quần và tóc thấm nước, chắp tay đảnh lễ các phương hướng khác nhau: hướng đông, hướng nam, hướng tây, hướng bắc, hướng Hạ và hướng Thượng.

            2. Và Thế Tôn, lúc ấy thức dậy sớm, đắp y và ôm bình bát đi vào thành Vương Xá để khất thực. Sau khi thấy Sigālaka đảnh lễ các phương hướng khác nhau, ngài nói:  “Này con trai của gia chủ, tại sao ngươi dậy sớm và đảnh lễ nhiều phương hướng khác nhau?

             - Bạch Thế Tôn, cha của con khi sắp chết đã bảo con làm như vậy. Vì thế, do kính  trọng lời dạy của cha con, những lời dạy con rất tôn vinh,  rất thiêng liêng đối với con, nên con đã thức dậy sớm để đảnh lễ sáu phương hướng như thế này .

            - Nhưng này con trai của gia chủ, đó không phải là cách thức đúng đắn để đảnh lễ sáu phương theo luật pháp của các bậc Thánh .

            - Bạch Thế Tôn, như vậy làm thế nào để đảnh lễ sáu phương theo đúng luật pháp của các bậc Thánh ? Thật lành thay nếu Thế Tôn có thể giảng dạy cho con phương cách đúng đắn để đảnh lễ sáu phương theo đúng luật pháp của các bậc Thánh.

            - Vậy thì, này con trai của gia chủ, hãy lắng nghe kỹ, ta sẽ giảng.

            -  Thưa vâng, bạch Thế Tôn.  Sigālaka vâng đáp Thế Tôn.

            Thế Tôn giảng như sau:

            27. - Này con trai của gia chủ, các bậc thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào ? Sáu điểm  này được xem như là sáu phương. Phương đông chỉ cha mẹ.Phương nam chỉ các bậc thầy.Phương tây chỉ vợ con. Phương bắc chỉ bạn bè. Phương dưới chỉ gia nhân, thợ thuyền, người giúp việc. Phương trên chỉ Sa môn, Bà-la-môn.

            28. - Có năm cách người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương đông. ( Người con phải suy nghĩ rằng): ‘ Tôi đã được cha mẹ nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ.Tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ. Tôi sẽ gìn giữ truyền thống gia đình.Tôi sẽ sống xứng đáng là người thừa kế. Sau khi cha mẹ tôi qua đời, tôi sẽ cúng dường phẩm vật để hồi hướng công đức cho cha mẹ .’ Và  cha mẹ được con  phụng dưỡng như phương đông, sẽ có năm cách để đáp trả lại: cha mẹ sẽ ngăn cản con làm điều ác, ủng hộ con làm điều thiện, dạy con có tay nghề, cưới vợ thích hợp cho con, và vào đúng thời điểm sẽ trao quyền thừa kế cho con. Bằng cách này, phương đông được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi sự sợ hãi.

            29. - Có năm cách người đệ tử phải  phụng dưỡng các bậc thầy như phương nam: bằng cách đứng lên  chào thầy, hầu hạ thầy, lắng nghe thầy, phục vụ thầy, nắm vững các kỹ năng thầy đã dạy. Và các bậc thầy được đệ tử phụng dưỡng như phương nam, sẽ có năm cách đáp trả lại : các thầy sẽ huấn luyện tận tình, bảo đảm các đệ tử nắm vững được những gì họ cần phải  nắm vững, dạy cho đệ tử thông suốt vững vàng các nghề nghiệp, giới thiệu đệ tử với các bạn bè đồng nghiệp, cung cấp sự an toàn cho đệ tử về mọi mặt. Bằng các này, phương nam được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi sợ hãi.

            30.  Có năm cách người chồng phải đối xử với vợ như phương tây: tôn trọng vợ bằng cách không xem thường vợ,  chung thủy với vợ, trao quyền hành cho vợ, tặng vợ những món đồ trang sức. Và người vợ được chồng đối xử như vậy sẽ có năm cách để đáp lại : bằng cách tổ chức tốt đẹp công việc nội trợ,  đối xử tử tế với gia nhân,  trung thành với chồng,  giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và cần mẫn trong mọi việc cần phải làm. Bằng cách này, phương tây được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi sự sợ hãi.

            31.  Có năm cách một người nam phải đối xử với bạn bè và người đồng sự như phương bắc: bằng cách tặng quà cho bạn, nói lời ái ngữ, quan tâm đến an sinh của bạn, đối xử với bạn như với chính mình, và giữ lời hứa.  Người bạn và người đồng sự được đối xử như vậy sẽ có năm cách đáp trả lại : chăm sóc bạn khi bạn lơ đãng, là nơi nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, không bỏ rơi bạn khi bạn gặp khó khăn,  quan tâm đến con cái của bạn. Bằng cách này, phương bắc được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi sự sợ hãi.

            32.  Có năm cách một chủ nhân phải đối xử với nô bộc và công nhân của mình như phương Hạ : bằng cách sắp xếp công việc theo khả năng của họ, lo cung cấp thực phẩm và lương tiền cho họ, chăm sóc khi họ ốm đau, chia sẻ thức ăn ngon với họ, và cho họ nghỉ phép đúng lúc. Những nô bộc và công nhân được chủ nhân đối xử như vậy, sẽ có năm cách đáp trả lại : họ phải thức dậy sớm hơn chủ, đi ngủ muộn hơn chủ, chỉ nhận những gì chủ cho, làm thật tốt công việc của mình, là những người mang lại danh thơm tiếng tốt cho chủ nhân.  Bằng cách này, phương Hạ được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi sự sợ hãi.

            33. Có năm cách một gia chủ phải đối xử với Sa môn và Bà-la-môn như phương Thượng: bằng cách bày tỏ lòng hòa ái về thân, khẩu, ý; mở rộng cửa đón các vị ấy, cúng dường các vị ấy những phẩm vật cần thiết. Các Sa môn, Bà-la-môn được gia chủ đối xử như phương Thượng sẽ có năm cách để đáp trả lại : ngăn cản không để gia chủ làm điều ác, khuyến khích gia chủ làm điều thiện, có lòng từ bi đối với gia chủ, giảng dạy cho gia chủ những gì người ấy chưa được nghe, và chỉ bày cho gia chủ con đường đưa đến cõi thiên.  Bằng cách này, phương Thượng được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi sự sợ hãi.

                        Trường Bộ Kinh II, Kinh số31: Kinh giáo thọ Thi-Ca-La-Việt, tr 529-545

 

            2 . GIA ĐÌNH

          (1) Cha mẹ và con cái

 

            (a) Kinh Trọng Cha Mẹ

 

             - Này các Tỷ kheo, những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với Phạm thiên. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc đạo sư thời xưa cổ. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với chư thiên thời cổ xưa. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc thánh.

 

- Này các Tỷ kheo, ‘Phạm thiên’  là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Các bậc đạo sư  xưa cổ’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘ Chư thiên thời xưa cổ ’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Các bậc thánh’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. Vì sao ? Vì cha mẹ là những người giúp đỡ con cái rất tuyệt vời; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn, và dạy cho con biết về cuộc đời .

(Tăng Chi BK I- Ch.VII-Phẩm Công Đức- (III)-Bằng vơi Phạm thiên – tr 684-685)

                  (b)  Đền Đáp Công Ơn Cha Mẹ

           

            -  Này các Tỷ kheo, ta tuyên bố rằng có hai vị mà con người không thể nào đền đáp được công ơn. Hai vị ấy là ai ? Đó là cha và mẹ .

             Thậm chi nếu một người trên một vai cõng mẹ, và vai kia cõng cha, làm như vậy nếu sống được một trăm năm, cho đến khi tuổi tròn một trăm; và nếu người ấy chăm sóc cha mẹ bằng cách bôi dầu, xoa bóp, tắm rữa, đấm bóp tay chân, và ngay cả phải dọn phân của cha mẹ  -   như vậy  người ấy vẫn chưa làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ, cũng chưa đền đáp được công ơn cha mẹ. Ngay cả nếu người ấy thiết lập, bố trí cha mẹ như những vị vua chúa tối cao trên quả đất này với  bảy báu vật thật  sang trọng, người ấy vẫn chưa làm đủ bổn phận đối với cha mẹ, cũng chưa đền đáp được công ơn cha mẹ. Vì sao ?Vì cha mẹ là những người giúp đỡ con thật tuyệt vời; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn, và dạy cho con biết về cuộc đời.

            - Nhưng, này các Tỷ kheo, người mà cha mẹ không có lòng tin, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ có lòng tin; người có cha mẹ thiếu đạo đức, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ sống có đạo đức ;  người có cha mẹ keo kiệt, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí  cho cha mẹ biết bố thí; người có cha me còn mê muội, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ có trí tuệ - này các Tỷ kheo, một người như vậy là đã làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ: người ấy đã đền đáp công ơn cha mẹ, và đã đền đáp nhiều hơn những gì mà cha mẹ đã làm cho người ấy .

 

                                    (Tăng Chi BK I- VI.Ph Thăng Bằng-2. Tr 119- 120 )

 

 

     (2)Vợ Chồng

              (a)Bốn Kiểu Hôn Nhân

             Một thời, Thế Tôn đang du hành trên con đường giữa Madhurā và Veranjā, nhiều gia  chủ và vợ của họ cùng đi trên con đường đó. Rồi Thế Tôn rời khỏi con đường và ngồi xuống trên một chỗ ngồi đã soạn sẵn dưới một gốc cây. Các gia chủ và vợ của họ thấy Thế Tôn ngồi đấy liền đi đến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, họ ngồi xuống một bên, và Thế Tôn nói với họ:

            -  Này các gia chủ, có bốn kiểu hôn nhân. Thế nào là bốn ? Một kẻ đê tiện sống chung với  một kẻ đê tiện, một kẻ đê tiện sống chung với một thiên nữ, một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện, một thiên nam sống chung với một thiên nữ.

             Và thế nào là một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ sát sanh, lấy của không cho, dấn thân vào tà dâm, nói láo, say sưa uống các loại rượu men, rượu mạnh, là nền móng của ác hạnh; ông ta vô đạo đức, tánh tình xấu ác, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế keo kiệt chi phối; ông ta xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Và vợ của ông ta cũng giống y hệt ông ta về mọi mặt. Như vậy chính là kiếu người đê tiện sống chung với người đê tiện.

            Và thế nào là một đê tiện sống chung với một thiên nữ ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ sát sanh, lấy của không cho, dấn thân vào tà dâm, nói láo, say sưa uống các loại rượu men, rượu mạnh, là nền móng của ác hạnh; ông ta vô đạo đức, tánh tình xấu ác, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế keo kiệt chi phối, ông ta xúc phạm chưởi mắng các sa môn và Bà-la-môn . Nhưng vợ ông ta là người từ bỏ sát sanh, không dấn thân vào tà dâm, không nói láo, không uống các loại rượu men, rượu mạnh; bà ấy là người có đạo đức, tánh tình tốt; sống trong gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối; bà ấy không xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Như vậy chính là kiếu người đê tiện sống chung với thiên nữ.

            Và thế nào là một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ từ bỏ sát sanh...  không xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Nhưng vợ của ông ta là kẻ sát sanh… xúc phạm chưởi mắng các Sa môn và Bà-la-môn. Như vậy chính là kiểu một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện.

            Và thế nào là một thiên nam sống chung với một thiên nữ ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ từ bỏ sát sanh... từ bỏ uống các loại rượu men, rượu mạnh; ông ta là người có đạo đức, tánh tình tốt; sống trong gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối; ông ấy không xúc phạm chưởi mắng các sa môn và Bà-la-môn. Và vợ của ông ta cũng giống y hệt ông ta về mọi mặt. Đấy chính là kiểu một thiên nam sống chung với một thiên nữ.

             Này các gia chủ, đấy là bốn kiểu  hôn nhân

 

            ( Tăng Chi BK I- Ch IV Phẩm Nguồn Sanh Phước.- III-(53), tr 661-663 )

 

(b) Làm Thế Nào Để Tái Hợp Trong Đời Sau

           Một thời Thế Tôn đang cư trú giữa dân chúng Bhagga, gần vùng Sumsumāragira, trong Vườn Nai thuộc khu rừng Bhesakalā. Vào buổi sang, Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến nhà của gia chủ Nakulapitā (3).Sau khi đến nơi, Ngài ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn.Rồi gia chủ Nakulapitā và người vợ Nakulapitā đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn, họ ngồi xuống một bên. Ngồi xuống xong, gia chủ Nakulapitā bạch Thế Tôn :

            -  Bạch Thế Tôn, kể từ khi người vợ trẻ Nakulapitā được đem về đây cho con khi con còn rất trẻ, con chưa hề làm điều gì xúc phạm đến nàng, ngay cả trong ý nghĩ, chứ đừng nói  đến hành động. Chúng con chỉ mong ước được mãi mãi thấy nhau suốt đời này cũng như trong đời sau ”.

 

            Rồi vợ của Nakulapitā bạch Thế Tôn như sau :

 

     - Bạch Thế Tôn, kể từ khi con được đưa về nhà người chồng trẻ tuổi của con là Nakulapitā, trong khi bản thân con còn rất trẻ, con chưa hề làm điều gì xúc phạm đến chàng, ngay cả trong ý nghĩ, chứ đừng nói  đến hành động. Chúng con chỉ mong ước được mãi mãi thấy nhau suốt đời này cũng như trong đời sau .

 

     Rồi Thế Tôn đáp như sau :

 

- Này các gia chủ, nếu cả hai vợ chồng đều mong ước được thấy nhau suốt  đời này cũng như trong đời sau, thì cả hai phải có cùng một đức tin, cùng giữ giới hạnh, cùng bố thí, cùng trí tuệ; lúc ấy cả hai sẽ được thấy nhau suốt đời này cũng như trong đời sau .

 

            Cả hai cùng thủy chung và biết bố thí,

Sống chế ngự, theo chánh mạng,

Họ đến với nhau như vợ chồng

Hết lòng yêu thương nhau.

 

Nhiều ân phước đến với họ,

Họ sống chung hạnh phúc,

Khi cả hai đồng đức hạnh,

Kẻ thù bị thất vọng.

 

Sống theo Chánh pháp trong thế gian này,

Cả hai  cùng giữ gìn giới hạnh,

Sau khi chết sẽ hoan hỷ ở thiên giới ,

Vui hưởng hạnh phúc tràn ngập.

 

 

( Tăng Chi BK I, Ch IV: Nguồn Sanh Phước-V. (55) Xứng Đôi- Tr.668-670)

 

(a)   Bảy hạng vợ

 

     Một thời, Thế Tôn đang cư trú tại thành Xá Vệ (Sāvatthi), trong Rừng Kỳ Đà ((Jeta’s Grove), thuộc tu viện Cấp- Cô- Độc (Anāthapindika). Vào buổi sáng, Thế tôn đắp y, cầm y bát, đi đến nhà ông Cấp-Cô-Độc, tại nơi đó Ngài ngồi xuống một chỗ ngồi được soạn sẵn.Vào lúc ấy, nhiều người trong nhà đang nói lớn tiếng và tạo những tiếng ồn ào khó chịu. Gia chủ Anāthapindika  đến gần Thế Tôn, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên. (4) Thế Tôn nói với ông ta:

 

      - Này gia chủ, vì sao những người trong nhà ông lại nói lớn tiếng và tạo những tiếng ồn ào khó chịu như thế ?  Người ta sẽ nghĩ rằng họ là những người đánh cá đang tranh giành cá .

    

     -  Bạch Thế Tôn, đó là nàng dâu của con tên là Sujātā. Nàng giàu có và được đưa đến đây từ một gia đình giàu có.Nàng không vâng lời cha chồng, mẹ chồng và cũng không vâng lời chồng.Thậm chí nàng cũng không tôn vinh, kính trọng và cung kính Thế Tôn.

     Rồi Thế Tôn gọi nàng dâu Sujātā :

     -  Hãy đến đây, Sujātā.

     - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

     Nàng đáp, và đi đến Thế Tôn, đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với nàng:

 

     - Này Sujātā , có bảy hạng vợ. Thế nào là bảy ? Hạng vợ như người sát nhân, như người ăn trộm, như kẻ độc tài, như người mẹ, như người chị, như  người bạn, và hạng như người nữ tỳ. Đó là bảy hạng vợ. Giờ đây con thuộc hạng nào ?

 

-    Con không hiểu ý nghĩa lời dạy tóm tắt của Thế Tôn trong từng chi tiết. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn có thể giảng pháp cho con bằng cách mà con có thể hiểu được ý nghĩa lời dạy trong từng chi tiết.

     -  Vậy thì, này Sujātā, nàng hãy lắng nghe, ta sẽ giảng.

     -  Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

     Nàng Sujātā trả lời. Và Thế Tôn giảng như sau :

 

            “ Với tâm sân hận, lạnh lùng và vô cảm,

            Ham muốn kẻ khác, khinh rẻ chồng mình;

            Tìm cách giết hại người đã mua mình –

Hạng vợ như vậy gọi là vợ sát nhân.

 

“ Khi chồng kiếm được nhiều tiền của

Do làm thủ công, buôn bán hay làm nông,

Người vợ tìm cách dấu một ít riêng cho mình –

Hạng vợ như vậy gọi là vợ ăn trộm.

 

“ Người ham ăn, biếng nhác, thích nhàn rỗi,

 Đanh đá, hung bạo, nói năng thô lỗ,

Người đàn bà ức hiếp cà người nuôi mình –

Hạng vợ này gọi là vợ độc tài.

 

“ Người luôn luôn hiền từ và giúp đỡ,

Săn sóc chồng như mẹ đối với con,

Cẩn thận bảo vệ tài sản chồng  –

Hạng vợ này gọi là vợ như  mẹ.

 

“ Người cung kính tôn trọng chồng,

Như em gái đối với anh,

Khiêm tốn làm theo ý chồng –

Hạng vợ này gọi là vợ như em gái.

 

“ Người vui mừng khi trông thấy chồng,

Như người bạn hân hoan gặp bạn mình,

Người được giáo dục tốt, có đạo đức và tận tụy –

Hạng vợ như vậy gọi là vợ như bạn

 

“ Người không tức giận, sợ bị trừng phạt,

Chịu đựng chồng không hề oán hận,

Khiêm tốn  tuân  theo ý chồng,

Hạng vợ này gọi là vợ nữ tỳ (5).

 

“ Những hạng vợ ở đây gọi là vợ sát nhân,

Vợ ăn trộm, và vợ độc tài,

Những hạng vợ này khi qua đời,

Sẽ bị tái sanh vào địa ngục.

 

“ Nhưng với các hạng vợ như mẹ, như em , như bạn,

Và hạng vợ được gọi là  nữ tỳ,

Đức hạnh vững vàng, biết phòng hộ lâu dài,

Khi qua đời sẽ đươc tái sinh lên thiên giới .”

 

            -  Này Sujātā, đấy là bảy hạng vợ. Giờ đây con thuộc hạng vợ nào ?

-  Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, xin Ngài hãy xem con thuộc  hạng vợ  nữ tỳ.

( Tăng Ch BK III, Ch VI:Phẩm Không Tuyên Bố- IX(59) Các Người Vợ- tr 404-409 )

 

 

3-    AN LẠC  TRONG HIỆN TẠI, AN LẠC  TRONG TƯƠNG LAI

 

   Một thời, Thế Tôn đang cư ngụ trong vùng của người Koliyans nơi có một phố chợ của người  Koliyans tên là Kakkarapatta.  Rồi một một gia chủ Koliyan tên là Dighajānu đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, ông ta bạch Thế Tôn :

-  Bạch Thế Tôn, chúng con là những người vui thích hưởng thụ  các dục lạc giác quan, ở nhà, chúng con nằm trong giường vui đùa với nhiều trẻ con, thưởng thức mùi trầm hương, đeo vòng hoa, thoa dầu thơm, thích trang sức vàng bạc.                                                                                    cầu xin Thế Tôn dạy cho chúng  con pháp  nào  có thể dẫn dắt chúng con được an vui hạnh phúc ngay trong đời hiện tại cũng như trong đời sống ở tương lai .

   - Này Byagghapajja, có bốn pháp đưa đến an vui hạnh phúc ngay trong đời này. Thế  nào là bốn ?

   Thành tựu nỗ lực bền bỉ,  thành tựu  sự bảo vệ, tình bạn tốt đẹp, và một cuộc sốn   g cân bằng.

   Và thế nào là thành tựu  nỗ lực bền bỉ ? Này Byagghapajja, dù bằng bất cứ phương tiện sinh sống nào -  như làm nghề nông, buôn bán, chăn nuôi gia súc,  săn bắn hay công chức, hay một vài nghề thủ công khác -  người gia chủ luôn khéo léo và cần mẫn; người ấy nghiên cứu phương tiện thích hợp, và có khả năng hành động và sắp xếp mọi việc một cách đúng đắn. Như vậy gọi là thành tựu  nỗ lực bền bỉ .    

   Và thế nào là thành tựu  sự bảo vệ ? Ở đây,  này Byagghapajja ,  người gia chủ thiết lập sự bảo vệ và canh giữ tài sản thâu hoạch được bằng nỗ lực tích cực, tích lũy được bằng sức mạnh của đôi bàn tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chính đáng đạt được bằng các phương tiện chính đáng, người ấy nghĩ rằng: ‘ Làm thế nào để ta ngăn cản nhà vua hay bọn cướp đoạt mất tài sản này, ngăn cản ngọn lửa không thiêu rụi, lụt lội làm trôi mất, và những kẻ thừa kế đáng ghét đoạt mất tài sản này?’ Như vậy gọi là thành tựu  sự bảo vệ.

    Và thế nào là tình bạn tốt đẹp ? Ở đây,  này Byagghapajja, trong bất cứ thôn làng hay thị trấn nào mà gia chủ cư ngụ, ông ấy kết bạn với các gia chủ khác hay con cái của họ, dù trẻ hay già, những người có đạo đức chân chính, có đức tin đúng đắn,  có giới hạnh, biết bố thí, và có trí tuệ ; người gia chủ nói chuyện và tham gia những cuộc thảo luận với họ. Người ấy bắt chước làm theo những gì họ đã thành tựu về đức tin, về giới hạnh, về bố thí, và về trí tuệ. Như vậy gọi là tình bạn tốt đẹp.

    Và thế nào là một cuộc sống cân bằng ?   Ở đây, này Byagghapajja, người gia chủ biết rõ lợi tức và chi tiêu của mình, và có một cuộc sống cân bằng, không hoang phí cũng không keo kiệt, do đó lợi tức của ông ta vượt quá chi tiêu chứ không phải ngược lại. Cũng giống như một người thợ kim hoàn hay thợ học việc của ông ta, cầm cái cân và biết, ‘ Dĩa cân đã nặng xuống bao nhiêu, dĩa cân đã nhấc lên bao nhiêu ’,  như vậy là người gia chủ đã có một cuộc sống cân bằng. 

    Tài sản được tích lũy như vậy có bốn nguồn để tiêu tan : cung phụng cho phụ nữ, uống rượu, đánh bạc, và kết bạn với kẻ xấu. Cũng giống như trường hợp một cái thùng nước lớn có bốn lỗ chảy ra và bốn lỗ chảy vào, nếu người ta đóng bốn lỗ chảy vào và mở bốn lỗ chảy ra, và không có đủ số  lượng nước mưa đổ vào, thì điều mong đợi sẽ xảy ra là lượng nước mưa trong thùng sẽ giảm chứ không tăng, như vậy là bốn nguồn này làm tiêu tan tài sản.    

    Cũng vậy, có bốn nguổn để gia tăng tài sản đã tích lũy được: không cung phụng cho phụ nữ, không uống rượu, không đánh bạc, và không kết bạn với kẻ xấu.  Cũng giống như trường hợp một cái thùng nước lớn có bốn lỗ chảy ra và bốn lỗ chảy vào, nếu người ta mở bốn lỗ chảy vào và đóng bốn lỗ chảy ra, và có đủ số  lượng nước mưa đổ vào, thì điều mong đợi sẽ xảy ra là lượng nước mưa trong thùng sẽ tăng chứ không giảm, như  vậy là bốn nguồn này  làm gia tăng tài sản.  

  Này Byagghapajja, đó là bốn pháp đưa người gia chủ đến an vui hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.

    Bốn pháp khác đưa người gia chủ đến an vui hạnh phúc cho đời sống tương lai. Thế nào là bốn ?thành tựu  tín tâm, giới đức, bố thí và trí tuệ.

   Và thế nào là người gia chủ thành tựu  tín tâm ? Ở đây, này Byagghapajja, người gia chủ có tín tâm, người ấy đặt niềm tin vào sự giác ngộ của Như Lai: ‘ Như vậy, Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn,’ Bằng cách này, người gia chủ thành tựu  tín tâm.

   Và thế nào là người gia chủ thành tựu  giới đức ? Ở đây, này Byagghapajja, người gia chủ từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và chất gây nghiện, đó là nguồn gốc của mọi sự phóng dật . Bằng cách này, người gia chủ thành tựu  giới đức.

    Và thế nào là người gia chủ thành tựu  bố thí ? Ở đây, này Byagghapajja, người gia chủ sống trong  gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối, bố thí hào phóng, với bàn tay mở rộng, vui vẻ từ bỏ của cải, là người hết lòng làm việc thiện, vui thích khi ban tặng và chia sẻ. Bằng cách này, người gia chủ thành tựu  bố thí.

   Và thế nào là người gia chủ thành tựu  trí tuệ ? Ở đây, này Byagghapajja, người gia chủ có được trí tuệ để nhìn sâu vào sự sinh diệt của các pháp, trí tuệ cao thượng và thâm sâu dẫn đến sự đoạn trừ khổ đau hoàn toàn. Bằng cách này, người gia chủ thành tựu  trí tuệ.

     Này Byagghapajja, đó là bốn pháp đưa người gia chủ đến an vui hạnh phúc trong đời sống tương lai .

  (Tăng Chi BK I,Ch.VII. Phẩm Nghiệp Công Đức-(I) (61) Bốn Ngiệp Công Đức, tr 676-684)

 

  1. 4.     NGHỀ NGHIỆP CHƠN CHÁNH  / CHÁNH  MẠNG   

 

              (1)Tránh Làm Những Nghề Nghiệp Bất Chánh

 

-  Này các Tỷ kheo, người cư sĩ không nên làm năm nghề này: buôn bán vũ khí, buôn bán động vật còn sống, buôn bán thịt, buôn bán các chất gây nghiện, buôn bán thuốc độc.

 

                        (Tăng Chi BK I. Ch.V, Phẩm Ba Pháp )

 

              (2) Sử Dụng Tài Sản Đúng Đắn

 

            Thế Tôn nói với trưởng giả Cấp-Cô-Độc ( Anāthapindika):

 

            -  Với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp, vị thánh đệ tử thực hiện bốn hành động xứng đáng. Thế nào là bốn ?

            Với tài sản thâu hoạch được đúng pháp như thế, tự mình tạo được hạnh phúc, an vui và giữ gìn sự an vui cho mình một cách đúng đắn; người ấy giúp cha mẹ đươc hoan hỷ an vui và giữ gìn sự an vui cho cha mẹ một cách đúng đắn; người ấy giúp cho vợ con, người hầu, nhân công và người giúp việc được an vui hạnh phúc và giữ gìn sự an vui cho họ một cách đúng đắn;  người ấy giúp cho bạn bè, đồng nghiệp được an vui và giữ gìn sự an vui hoan hỷ cho họ một cách đúng đắn. Đây là trường hợp thứ nhất tài sản được sử dụng tốt, áp dụng có kết quả và sử dụng vì mục đích xứng đáng.

 

             Hơn nữa, này gia chủ, với tài sản thâu hoach đúng pháp như thế, vị thánh đệ tử có những chuẩn bị để đối phó với những mất mát có thể xảy ra do hỏa hoạn hay lụt lội, do nhà vua , các băng cướp hay những kẻ thừa kế thù nghịch; vị ấy biết bảo vệ an toàn cho mình đối với những kẻ ấy. Đây là trường hợp thứ hai tài sản được sử dụng tốt…

             Hơn nữa, này gia chủ, với tài sản thâu hoach đúng pháp như thế, vị thánh đệ tử thực hiện năm sự hiến tặng : hiến tặng bà con, quan khách,  dâng cúng vong linh tổ tiên, hiến tặng nhà vua, và cúng dường chư thiên. Đây là trường hợp thứ ba tài sản được sử dụng tốt…

 

             Hơn nữa, này gia chủ, với tài sản thâu hoach đúng pháp như thế, vị thánh đệ tử thiết lập sự cúng dường cao thượng cho các vị Sa môn, Bà-la-môn, những vị từ bỏ kiêu mạn và phóng dật, những vị an trú trong nhẫn nhục và nhu hòa, hết lòng tự nhiếp phục mình, từ an tịnh mình, và tu tập hướng đến chứng đắc Niết Bàn – đó là sự cúng dường thuộc về thiên giới, kết quà là đem lại  hạnh phúc dẫn đến cõi thiên.  Đây là trường hợp thứ tư tài sản được sử dụng tốt, áp dụng có kết quả và sử dụng vì mục đích xứng đáng.

 

            Này gia chủ, đây là bốn hành động xứng đáng mà vị thánh đệ tử thực hiện với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp.

 

            Với bất cứ ai mà tài sản được tiêu dùng vì những mục đích khác với bốn hành động xứng đáng này, thì tài sản đó  được gọi là đã bị lãng phí, đã bị vung vãi quá trớn và sử dụng bừa bãi. Nhưng đối với những ai mà tài sản được tiêu dùng vào bốn hành động xứng đáng này, thì tài sản ấy được gọi là đã được sử dụng tốt, áp dụng có kết quả và sử dụng vì mục đích xứng đáng.”

 

                        ( Tăng Chi BK I- Ch VII. Phẩm Nghiệp Công Đức, tr 679-681 )

 

     (3)Hạnh Phúc Của Gia Chủ

 

            Thế Tôn nói với trưởng giả Cấp-Cô-Độc :

            - Này gia chủ, có bốn loại  hạnh phúc mà người gia chủ thích hưởng thụ dục lạc có thể đạt được, tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Thế nào là bốn ? Đó là hạnh phúc do sở hữu, hạnh phúc do hưởng thụ, hạnh phúc do không bị nợ nần, hạnh phúc do không bị kết tội.

             Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do sở hữu ? Ở đây, người gia chủ sở hữu tài sản thâu hoạch đươc do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp. Khi người ấy suy nghĩ,’’ Ta sở hữu tài sản thâu hoạch đươc do nỗ lực năng động… tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp.’’, người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do sở hữu.

 

             Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do hưởng thụ ? Ở đây, người gia chủ sở hữu tài sản thâu hoạch đươc do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp, người gia chủ hưởng thụ tài sản và làm những việc công đức. Khi người ấy suy nghĩ,’’ Ta sở hữu tài sản thâu hoạch đươc do nỗ lực năng động… tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp. Ta hưởng thụ tài sản và làm những việc công đức ’, người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do hưởng thụ.

 

             Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do không bị nợ nần ?Ở đây, người gia chủ không mắc nợ bất cứ ai ở bất cứ mức độ nào, nhỏ hay lớn.  Khi người ấy suy nghĩ ,’ Ta không mắc nợ bất cứ ai ở bất cứ mức độ nào, nhỏ hay lớn,’ người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do không bị nợ nần.

 

            Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do không bị kết tội ?  Ở đây, vị thánh đệ tử đã thành tựu được đức hạnh trong sạch về thân, khẩu, ý. Khi vị ấy suy nghĩ,’ Ta đã thành tựu được đức hạnh trong sạch về thân, khẩu, ý,’ người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do không bị kết tội.

 

            Này gia chủ, đây là bốn loại hạnh phúc mà một người gia chủ thích hưởng thụ dục lạc có thể đạt được, tùy vào thời gian và hoàn cảnh.

 

( Tăng Chi BK I, CH VII. Phẩm Nghiệp Công Đức-(II) (62) Không Nợ. tr 682-684)

 

 

          5. NGƯỜI  PHỤ  NỮ  CỦA  GIA  ĐÌNH

 

            Vào một thời Thế Tôn đang cư trú tại thành Xá Vệ (Sāvatthi) ở Đông Viên, trong lâu đài của bà mẹ Migāra. Rồi Visākhā, mẹ của Migāra, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, và ngồi xuống một bên (6).  Thế Tôn nói với bà Visākhā:

 

            -  Này Visākhā, khi một người phụ nữ sở hữu bốn đức tính này, người ấy sẽ đi đến thắng lợi trong đời hiện tại và thành công trong đời này. Thế nào là bốn ?

 

            Ở đây, này Visākhā, người phụ nữ có khả năng làm công việc của mình; người ấy biết quản lý gia nhân; người ấy biết cư xử phù  hợp với  ý chồng ; và gìn giữ bảo vệ thu nhập của chồng.

 

             Và thế nào là người phụ nữ có khả năng làm công việc của mình ? Ở đây, này Visākhā, người ấy khéo léo và cần mẫn trong công việc ở nhà chồng, dù là việc đan móc hay dệt vải; người ấy tìm tòi phương tiện thích hợp và có khả năng thực hành  và sắp xếp mọi việc đúng đắn. Như vậy là người phụ nữ có khả năng làm công việc của mình.

 

            Và thế nào là người phụ nữ biết quản lý gia nhân ? Ở đây, này Visākhā, đối với những người giúp việc trong gia đình chồng – những người nữ tỳ, gia nhân hay thợ thuyền – bà ấy biết bằng cách xem xét những gì họ làm được và những gì họ không làm được; bà ấy biết lúc nào họ bị bệnh và lúc nào họ mạnh khỏe; và bà ấy phân phát thực phẩm cho mỗi người một cách thích hợp. Như vậy là người phụ nữ biết quản lý gia nhân.

 

             Và thế nào là người phụ nữ biết cư xử phù  hợp với  ý chồng? Ở đây, này Visākhā, người phụ nữ sẽ không phạm bất cứ hành động sai trái nào mà người chồng cho là không phù hợp với ý chồng, cho dù phải trả giá bằng sinh mạng mình. Như vậy là người phụ nữ biết cư xử phù  hợp với  ý chồng.

 

            Và thế nào là người phụ nữ biết giữ gìn bảo vệ thu nhập của chồng ? Ở đây, này Visākhā, dù người chồng đem về bất cứ thứ gì – dù là tiền  hay  lúa gạo, bạc hay vàng – bà ấy bảo vệ  giữ gìn chúng tốt đẹp, bà ấy không phải là người keo kiệt, người ăn trộm, người lười biếng tiêu xài bừa bãi hay người vung tay quá trớn tài sản của chồng. Như vậy là người phụ nữ biết bảo vệ thu nhập của chồng.

 

             Này Visākhā, khi một người phụ nữ sở hữu bốn đức tính này, người ấy sẽ đi đến thắng lợi trong đời sống hiện tại và thành công trong đời sống này. Nhưng khi người phụ nữ sở hữu bốn đức tính khác, người ấy sẽ đi đến thắng lợi trong đời sau và thành công trong đời sau. Thế nào là bốn ? Ở đây, này Visākhā, một người phụ nữ thành tựu đức tin, giới hạnh, bố thí và trí tuệ .

 

            Và thế nào là người phụ nữ thành tựu đức tin ? Ở đây, này Visākhā, người phụ nữ có đức tin; người ấy đặt niềm tin vào sự giác ngộ của Như Lai như thế này :’’ Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn ’. Như vậy là người phụ nữ thành tựu đức tin.

 

            Và thế nào là người phụ nữ thành tựu giới hạnh ? Ở đây, này Visākhā, người phụ nữ  từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, vì chúng là nền móng của phóng dật. Như vậy là người phụ nữ thành tựu giới hạnh.

 

              Và thế nào là người phụ nữ thành tựu bố thí ? Ở đây, này Visākhā, người phụ nữ  sống trong gia đình với tâm không bị  cấu uế keo kiệt chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui lòng từ bỏ của cải,  là người hết lòng làm việc thiện, vui thích khi ban tặng và chia sẻ. Như vậy là người phụ nữ thành tựu bố thí.

            Và thế nào là người phụ nữ thành tựu trí tuệ ? Ở đây, này Visākhā, người phụ nữ có  trí tuệ nhìn vào sự sanh diệt của các pháp, trí tuệ cao thượng và thể nhập thâm sâu đưa đến đoạn tận hoàn toàn mọi  khổ đau. Như vậy là người phụ nữ thành tựu trí tuệ.

            Khi người phụ nữ sở hữu bốn đức tính này, người ấy sẽ đi đến thắng lợi trong đời sau và thành công trong đời sau.

 

( Tăng Chi BK III, Ch V. Phẩm Ngày Trai Giới-IX.(49) Ở Đời này, tr 644-648 )

 

          6.  CỘNG  ĐỒNG TĂNG CHÚNG

           (1) Sáu  Gốc Rễ của Tranh Chấp

 

            6. -  Này Ānanda, đây là sáu gốc rễ của  tranh chấp. Thế nào là sáu ?Ở đây, này Ānanda, một tỳ kheo đang phẫn nộ và sân hận. Tỷ kheo ây sống không cung kính và tôn trọng bậc Đạo sư, không tôn trọng Pháp, và không tôn trọng Tăng đoàn, và không hoàn thành việc tu tập rèn luyện, gây nên sự tranh chấp trong Tăng đoàn, sự tranh chấp này  đưa  đến tai hại và bất an cho đa số, gây nên sự mất mát, thiệt hại, và khổ đau cho chư thiên và loài người. Bây giờ nếu ông thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm ông hay từ người khác bên ngoài, ông phải nỗ lực từ bỏ cái gốc rễ tranh chấp bất thiện đó.  Và nếu ông không thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm ông hay từ người khác bên ngoài, ông phải tu tập như thế nào để cho gốc rễ tranh chấp bất thiện đó không sinh khởi trong tương lai. Như vậy, khi có sự từ bỏ gốc rễ tranh chấp bất thiện, thì sẽ không có sự sinh khởi  gốc rễ tranh chấp bất thiện đó trong tương lai.

 

            7-11. -  Lại nữa, này  Ānanda, một tỷ kheo tỏ ra xấc láo  và bất kính…đố kỵ và bần tiện…gian dối và lường gạt…có những mong ước bất thiện và tà kiến…chấp thủ quan điểm của mình, cương quyết giữ chặt chúng, và từ bỏ chúng thật khó khăn. Một tỷ kheo như thế sống chung không cung kính tôn trọng bậc Đạo sư, không tôn trong Pháp, không tôn trong Tăng đoàn, và không hoàn thành việc tu tập rèn luyện. Một tỷ kheo sống chung không cung kính và tôn trọng bậc Đạo sư, không tôn trọng Pháp, không tôn trọng Tăng đoàn, và không hoàn thành việc tu tập rèn luyện, gây nên sự tranh chấp trong Tăng đoàn, sự tranh chấp này  đưa  đến tai hại và bất an cho đa số, gây nên sự mất mát, thiệt hại, và khổ đau cho chư thiên và loài người. Bây giờ nếu ông thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm ông hay từ người khác bên ngoài, ông phải nỗ lực từ bỏ cái gốc rễ tranh chấp bất thiện đó.  Và nếu ông không thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm ông hay từ người khác bên ngoài, ông phải tu tập như thế nào để cho gốc rễ tranh chấp bất thiện đó không sinh khởi trong tương lai. Như vậy, khi có sự từ bỏ gốc rễ tranh chấp bất thiện, thì sẽ không có sự sinh khởi  gốc rễ tranh chấp bất thiện đó trong tương lai.

 

                        ( Trung Bộ Kinh III- Kinh số 104: Kinh Làng Sama, tr 68-70 )

 

               (2) Sáu nguyên tắc hòa hợp

            -  Này Ānanda, có sáu nguyên tắc hòa hợp tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp,  hòa thuận và đoàn kết. Thế nào là sáu ?

 

            - Ở đây, vị tỷ kheo giữ gìn những hành động từ ái về thân, ở nơi công cọng cũng như chốn riêng tư, đối với các vị đồng phạm hạnh. Đây là một nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

            - Lại nữa, vị tỷ kheo giữ gìn những hành động từ ái về lời nói, ở nơi công cọng cũng như chốn riêng tư, đối với các vị đồng phạm hạnh. Đây là một nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

            - Lại nữa, vị tỷ kheo giữ gìn những hành động từ ái về ý, ở nơi công cọng cũng như chốn riêng tư, đối với các vị đồng phạm hạnh. Đây là một nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

            -  Lại nữa, vị tỷ kheo thọ hưởng các lợi dưỡng cùng với các vị đồng phạm hạnh có giới đức; không  nghi ngờ do dự , vị ấy chia sẻ với các huynh đệ bất cứ những gì vị ấy thâu đạt  được  một cách chơn chánh, kể cả chỉ là những gì có được trong bình bát. Đây là một nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

            -  Lại nữa, vị tỷ kheo sống với các vị đồng phạm hạnh ở nơi công cọng cũng như ở chốn riêng tư, thành tựu những giới luật không bị sứt mẻ, không bị xé rách, không bị tỳ vết,  không bị hổn tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến thiền định. Đây cũng là một nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

            - Lại nữa, vị tỷ kheo sống với các vị đồng phạm hạnh ở nơi công cọng cũng như ở chốn riêng tư, thành tựu tri kiến cao thượng và giải thoát, dẫn dắt người tu tập theo đúng con đường ấy đến chỗ đoạn tận khổ đau. Đây cũng là một nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

            Đó là sáu nguyên tắc về sự thân thiện tạo nên tình thương yêu và tôn trọng, đưa đến gắn bó, không tranh chấp, hòa thuận, và đoàn kết.

 

                        ( Trung BK III-kinh số 104: Kinh Làng Sama, tr 76-78 )

 

 

 

 

 

           (3) Bốn Giai Cấp Đều Thanh Tịnh

 

      1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn  trú tại thành  Xá Vệ (Savatthi) ở rừng  Kỷ Đà, ( Jeta’s Grove)  thuộc vườn Cấp-Cô-Độc ( Anāthapindika).

 

      2. Vào lúc đó, có năm trăm Bà-la-môn từ nhiều thị trấn khác nhau đang cư trú tại thành Xá Vệ vì một số công việc. Rồi các người Bà-la-môn ấy suy nghĩ :’Sa môn khổ hạnh Gotama chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Ai có thể tranh luận với Sa môn Gotama về lời khẳng định này ?’

 

      3. Lúc bấy giờ có một người Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Assalāyana đang cư trú tại thành Xá Vệ. Là một thanh niên, đầu cạo trọc, chỉ mới mười sáu tuổi, đã tinh thông ba tập kinh Vệ-Đà với tất cả từ ngữ, nghi thức, ngữ âm , từ nguyên, và thứ năm là các chuyện lịch sử; thiện xảo về ngữ học và văn phạm, thông thạo  triết lý tự nhiên và đại nhân tướng. Vì thế những người Bà-la-môn nghĩ rằng anh ta có thể tranh luận với Thế Tôn.

 

      4. Rồi họ đi đến thanh niên Bà-la-môn và nói với anh ta:“ Tôn giả Assalāyana, Sa môn Gotama này tuyên bố rằng bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalāyana hãy đến và tranh luận với Sa môn Gotama về lời khẳng định này. ”

 

      Khi nghe nói như vậy, thanh niên Assalāyana trả lời: “ Thưa quý vị, Sa môn Gotama là người giảng Chánh pháp. Những ai thuyết giảng Chánh pháp đều rất khó tranh luận với họ.Tôi không thể tranh luận với Sa môn Gotama.”

 

      Lần thứ hai và rồi lần thứ ba các người Bà-la-môn thúc đẩy thanh niên ấy di tranh luận.Lần thứ hai, thanh niên Assalāyana từ chối, nhưng qua lần thứ ba thì thanh niên ấy đồng ý.

 

      5. Rồi thanh niên Assalāyana cùng với một số đông Bà-la-môn đi đến Thế Tôn và trao đổi những lời thăm hỏi với ngài. Sau khi nói xong những lời thăm hỏi thân hữu và lễ độ, thanh niên Assalāyana ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn :

 

      - Thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn nói rằng:’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất, tất cả các giai cấp khác đều thấp kém; chỉ có Bà-la môn là giai cấp có màu da trắng sáng  nhất, tất cả giai cấp khác đều có màu da đen tối; chỉ có giai cấp Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai ấp khác đều không thanh tịnh; chỉ có giai cấp Bà-la-môn là con của Phạm thiên, dòng giống của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh ra, do Phạm thiên tạo ra, là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ’ Tôn giả Gotama nói gì về việc này ?

 

      - Này Assalāyana, các phụ nữ Bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, sinh con và cho con bú ?(7) Và mặc dù các Bà-la-môn ấy sanh từ bụng mẹ, lại nói rằng:’ Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… chỉ có giai cấp Bà-la-môn là con của Phạm thiên, dòng giống của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh ra, do Phạm thiên tạo ra, là những kẻ thừa tự của Phạm thiên.

 

      6. Mặc dù Sa môn Gotma nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này ; ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ’

      -  Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Ông có nghe nói ở nước Yona và Kamboja (8) và ở các đất nước bên ngoài, chỉ có hai giai cấp, chủ nhân và tôi tớ, và chủ nhân trở thành tôi tớ và tôi tớ trở thành chủ nhân ?

 

      -  Thưa vâng, con có nghe.

 

      - Vậy thì, dựa trên sức mạnh của lập luận nào hoặc với sự hổ trợ của thế lực nào mà những người Bà-la-môn trong tường hợp này lại nói rằng:’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ?’

 

      7. Mặc dù Sa môn Gotama nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này : ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ’

 

      -  Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử một người Sát-đế-lỵ ( Khattiya) phạm tội sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, có phải chỉ có người ấy sẽ tái sinh vào đọa xứ, cõi dữ, cõi thấp kém, địa ngục – còn người Bà-la-môn thì không như vậy ? Giả sử có người lái buôn… người công nhân phạm tội sát sinh…..và có tà kiến. Vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, có phải chỉ có người ấy sẽ tái sinh vào đọa xứ, cõi dữ, cõi thấp kém, địa ngục, còn người Bà-la-môn thì không như vậy ?

 

      -  Thưa không, Tôn giả Gotama. Dù đó là người Sát-đế-lỵ, người Bà-la-môn,  người lái buôn, hay là người công nhân, những người thuộc cả bốn giai cấp nếu pham tội sát sanh… và có tà kiến, vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết,  họ sẽ tái sinh vào đọa xứ, cõi dữ, cõi thấp kém, địa ngục.

 

      -  Vậy thì, dựa trên sức mạnh của lập luận nào hoặc với sự hổ trợ của thế lực nào mà những người Bà-la-môn trong tường hợp này lại nói rằng: ’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ?’

 

      8. Mặc dù Sa môn Gotama nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này : ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên.”

 

      -   Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có một người Bà-la-môn từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, không có tâm tham, không có tâm sân, có chánh kiến. Vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, có phải chỉ có  người ấy sẽ tái sinh vào cõi an lành,vào thiên giới, còn người Sát-đế-lỵ, người lái buôn, người công nhân thì không như vậy ? 

 

      - Thưa không, Tôn giả Gotama. Dù đó là người Sát-đế lỵ, người Bà-la-môn,  người lái buôn, hay là người công nhân,  những người thuộc cả bốn giai cấp nếu từ bỏ sát sanh… và có chánh kiến, vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết,  họ sẽ tái sinh vào cõi an lành,vào thiên giới.

 

      -  Vậy thì, dựa trên sức mạnh của lập luận nào hoặc với sự hổ trợ của thế lực nào mà những người Bà-la-môn trong tường hợp này lại nói rằng: ’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ?’

 

      9.  Mặc dù Sa môn Gotama nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này : ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên.’

      -  Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Phải chăng chỉ có người Bà-la-môn là có khả năng phát triển tâm từ bi đối với xứ sở này, không thù nghịch, không sân hận, còn các người Sát-đế-lỵ, người lái buôn hay người công nhân thì không có khả năng đó ?

      - Thưa không, Tôn giả Gotama. Dù đó là người Sát-đế lỵ, người Bà-la-môn,  người lái buôn, hay là người công nhân – những người thuộc cả bốn giai cấp đều có khả năng phát triển tâm từ bi đối với xứ sở này, không thù nghịch, không sân hận.

 

      -  Vậy thì, dựa trên sức mạnh của lập luận nào hoặc với sự hổ trợ của thế lực nào mà những người Bà-la-môn trong tường hợp này lại nói rằng: ’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ?’

 

      10.  Mặc dù Sa môn Gotama nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này : ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên.’

 

      - Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Phải chăng chỉ có người Bà-la-môn là có khả năng cầm cây chà lưng và bột tắm, đi đến giòng sông tắm sạch các bụi bặm và chất dơ, còn các người Sát-đế-lỵ, người lái buôn hay người công nhân thì không có khả năng đó ?

      - Thưa không, Tôn giả Gotama. Dù đó là người Sát-đế lỵ, người Bà-la-môn,  người lái buôn, hay là người công nhân – những người thuộc cả bốn giai cấp đều có khả năng cầm cây chà lưng và bột tắm, đi đến giòng sông tắm sạch các bụi bặm và chất dơ.

 

       - Vậy thì, dựa trên sức mạnh của lập luận nào hoặc với sự hổ trợ của thế lực nào mà những người Bà-la-môn trong tường hợp này lại nói rằng: ’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ?’

 

      11.  Mặc dù Sa môn Gotama nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này : ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên.”

 

      - Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có vua Khattiya tập hợp một trăm người có nguồn gốc sinh sống khác nhau và nói với họ: ‘Quý vị hãy đến đây, quý vị nào sinh ra từ bộ tộc Sát-đế-lỵ hay từ bộ tộc Bà-la-môn, hay từ hoàng tộc, hãy lấy phần trên của cây củi châm lửa làm bằng gỗ tốt, châm ngọn lửa và tạo ra sức nóng. Và những người nào sinh ra từ giai cấp hạ tiện (chiên-đà-la), thuộc gia đình thợ săn, thuộc gia đình làm đồ mây tre, thuộc gia đình làm xe kéo, thuộc gia đình lượm rác hãy để họ lấy phần trên của cây củi châm lửa làm bằng gỗ của máng chó uống nước, hay máng heo ăn, hay thùng rác, hay củi khô từ cây thầu dầu, để họ châm lửa và tạo ra sức nóng.

 

       Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Khi ngọn lửa được người trong nhóm thứ nhất châm lên và tỏa ra sức nóng, có phải chỉ  lửa ấy mới có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, và có thể sử dụng cho những việc cần dùng lửa; còn  lửa  khi được người trong nhóm thứ hai châm lên thì không có ngọn, không màu sắc, không ánh sáng, và không thể sử dụng cho những việc cần dùng lửa ?

 

      - Thưa không, Tôn giả Gotama. Khi ngọn lửa được người trong nhóm thứ nhất châm lên và tỏa ra sức nóng, lửa ấy có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, và có thể sử dụng cho những việc cần dùng lửa. Và khi lửa được người trong nhóm thứ hai châm lên cũng có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, và có thể sử dụng cho những việc cần dùng lửa. Vì tất cả loại lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, có ánh sáng, và có thể sử dụng cho những việc cần dùng lửa.

 

      -  Vậy thì, dựa trên sức mạnh của lập luận nào hoặc với sự hổ trợ của thế lực nào mà những người Bà-la-môn trong tường hợp này lại nói rằng: ’ Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên. ?’

 

      12. Mặc dù Sa môn Gotama nói như vậy, các người Bà-la-môn vẫn nghĩ như thế này : ‘Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp cao nhất… là những kẻ thừa tự của Phạm thiên.”

      -  Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có một thanh niên Sát-đế-lỵ kết hôn với một thiếu nữ Bà-la-môn, và sinh được một đứa con trai. Đứa con trai được sinh ra từ một người cha Sát-đế-lỵ và môt người mẹ Bà-la-môn như thế sẽ được gọi là Sát-đế-lỵ theo cha hay Bà-la-môn theo mẹ ?

 

      -  Thưa Tôn giả Gotama, đứa bé có thể được gọi theo cả hai, cha hay mẹ .

 

      13. - Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có một thanh niên Bà-la-môn kết hôn với một thiếu nữ Sát-đế-lỵ, và sinh được một đứa con trai. Đứa con trai được sinh ra từ một người cha Bà-la-môn và môt người mẹ Sát-đế-lỵ như thế sẽ được gọi là Sát-đế-lỵ theo cha hay Bà-la-môn theo mẹ ?

 

      - Thưa Tôn giả Gotama, đứa bé có thể được gọi theo cả hai, cha hay mẹ.

 

      14. - Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có một con ngựa cái giao phối với một con lừa đực, và kết quả là một con la được sinh ra. Như vậy con la sẽ được gọi là ngựa theo mẹ hay lừa theo cha ?

 

      -  Thưa Tôn giả Gotama, nó là con la, vì nó không thuộc về giống lừa hay ngựa. Con thấy sự sai khác trong trường hợp này, nhưng con không thấy sự khác biệt trong những trường hợp trước.

 

      15. - Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có hai thanh niên Bà-la-môn là anh em ruột, do cùng một mẹ sinh ra, một người thì chăm chỉ học hành,thông hiểu thánh điển, và người kia thì không chăm chỉ học hành cũng không thông hiểu thánh điển. Đối với hai anh em này, người Bà-la-môn sẽ dâng thức ăn cho ai trước trong buổi lễ đám tang, hay buổi lễ cúng dường, hay buổi tiệc tế thần, hay ở buổi tiệc đãi khách ?

 

      - Thưa Tôn giả Gotama , trong những dịp lễ lạc như vậy, người Bà-la-môn sẽ dâng thức ăn trước cho người chăm chỉ học hành, thông hiểu thánh điển; vì cúng dường cho người không chăm chỉ học hành cũng không thông hiểu thánh điển  thì làm sao đem lại quả tốt đẹp được ?

 

      16. - Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào ? Giả sử có hai thanh niên Bà-la-môn là anh em ruột, do cùng một mẹ sinh ra, một người thì chăm chỉ học hành, thông hiểu thánh điển; nhưng vô đạo đức và tính tình xấu ác, và người kia thì không chăm chỉ học hành cũng không thông hiểu thánh điển , nhưng có đức hạnh và tính tình hiền thiện. Đối với hai anh em này, người Bà-la-môn sẽ dâng thức ăn cho ai trước trong buổi lễ đám tang, hay buổi lễ cúng dường, hay buổi tiệc tế thần, hay  buổi tiệc đãi khách ?

 

      - Thưa Tôn giả Gotama , trong những dịp lễ lạc như vậy, người Bà-la-môn sẽ dâng thức ăn trước cho người không chăm chỉ học hành cũng không thông hiểu thánh điển, nhưng có đức hạnh và tính tình hiền thiện; vì cúng dường cho người vô đạo đức và tính tình xấu ác thì làm sao đem lại quả tốt đẹp được ?

 

      17. - Này Assalāyana, trước tiên, ông theo lập trường về nguồn gốc sanh trưởng,  sau đó ông theo lập trường về thông hiểu thánh điển, rồi sau đó ông lại đi đến lập trường dựa trên luận điểm là cả bốn giai cấp đều thanh tịnh, như ta đã chủ trương

 

Khi nghe nói như vậy, người thanh niên Bà-la-môn Assalāyana ngồi im lặng,  sửng sờ, hai vai rủ xuống và cúi gục đầu, mặt mày rầu rĩ không thốt nên lời.

 

                        ( Trung BK II, Kinh số 93- tr. 681-696  )      

 

           (4) Bảy Nguyên Tắc Ổn Định Xã Hội

 

         1.1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế tôn trú tại Vương Xá (Rājagaha), trên Núi Linh Thứu (Gijjhakuta). Bấy giờ Vua A-Xà-Thế (Ajātasathu), con bà Vi-đề-hi (Vedehiputta ) của xứ Ma-Kiệt-Đà (Magadha) muốn tấn công dân Vaijjians.(9). Vua nói  “ Ta sẽ đánh tan dân Vajjians , dân này rất hùng mạnh , ta sẽ tàn sát chúng, sẽ tiêu diệt chúng !”.

 

         1.2. Và vua A-Xà-Thế nói với vị đại thần, người Bà-la-môn Vassakāra:

 

         -  Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, thay mặt ta cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, hỏi Ngài có được  vô bệnh, có được sống an nhiên, khỏe mạnh và thoải mái, rồi sau đó bạch rằng :  “Bạch Thế Tôn, Vua A-Xà-Thế của xứ Ma-Kiệt-Đà muốn tấn công dân Vaijjians. Vua nói: “ Ta sẽ đánh tan dân Vajjians , dân này rất hùng mạnh , ta sẽ tàn sát chúng, sẽ tiêu diệt chúng !”. Và Thế Tôn trả lời như thế nào thì khanh hãy tường trình lại cho trẫm thật chính xác, vì Như Lai không bao giờ nói lời hư vọng,”

 

         1.3. Vassakāra nói : “Tâu Đại Vương, thần xin tuân lệnh.” . Và sau khi đã trang bị đầy đủ các cổ xe của vương triều, vị đại thần lên ngồi trong một chiếc và ra đi từ Rājagaha đến Núi Linh Thứu (Mount Vulture Peak), đánh xe đi nhanh ở nơi có hể dùng xe được , rồi tiếp tục đi bộ đến chỗ Thế Tôn đang ngồi. Vị đại thần trao đổi những lời thăm hỏi lễ độ với Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên và nói lên thông điệp của đức vua.

               1.4.  Lúc bấy giờ, tôn giả Ānanda đang đứng hầu quạt sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với tôn giả :

   (1) - Này Ānanda, ngươi có nghe dân Vajjians tổ chức hội họp thường xuyên không?

 

–  Bạch Thế Tôn, con có nghe họ tổ chức hội họp thường xuyên.”

         -  Này Ānanda, bao lâu dân Vajjians tổ chức hội họp thường xuyên, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn”.

         (2)  - Ngươi có nghe dân Vajjians hội họp trong sự hòa hợp, giải tán trong sự hòa hợp, và tiếp tục công việc của họ trong sự hòa hợp ?”

          -  Bạch Thế Tôn, con có nghe như vậy .

         - Này Ānanda, bao lâu mà dân Vajjians hội họp trong sự hòa hợp, giải tán trong sự hòa hợp, và tiếp tục công việc của họ trong sự hòa hợp, thì họ sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

         (3) - Ngươi có nghe dân Vajjians không làm những gì luật lệ  không cho phép và   không hủy bỏ những gì luật lệ đã cho phép làm, nhưng họ tiến hành công việc theo những gì truyền thống xưa cổ của họ  đã cho phép ?

         –  Bạch Thế Tôn,  con có nghe như vậy. …

         (4) - Ngươi có nghe họ vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ những bậc trưởng lão và xem những vị này xứng đáng được lắng nghe…?

         (5) ..rằng họ không dùng vũ lực để bắt cóc vợ và con gái của kẻ khác và bắt ép những người này  phải sống với họ  ?...

         (6) …rằng họ vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ các nơi thờ tự của người Vajjians ở trong nước và ngoài nước, và không  từ bỏ sự hộ trì  đúng đắn mà họ đã thực hiện trước đây ?...

         (7) …rằng họ đã có những biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn cho các bậc A-la-hán, để cho các bậc A-la-hán có thể đến trong tương lai và cư trú tại đó, và những bậc A-la-hán đã đến rồi thì sẽ được sống thoải mái?

         –  Bạch Thế Tôn, con có nghe như vậy .

         - Này Ānanda, bao lâu mà những biện pháp thích hợp như vậy đã được thực hiện…, thì  dân Vajjians sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.

         1.5. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vassakāra: “Này, Bà-la-môn, một thời ta sống ở nơi thờ tự Sārandada tại thành Vesāli, ta dạy dân Vajjians bảy nguyên tắc này để phòng ngừa sự suy tàn, và bao lâu mà họ còn giữ gìn bảy nguyên tắc ấy, bao lâu mà những nguyên tắc vẫn còn hiệu lực, thì  dân Vajjians sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn.”

         Khi nghe như vậy, Vassakāra trả lời :

 

         -  Bạch Thế Tôn, thậm chí nếu dân Vajjians chỉ cần giữ một nguyên tắc ấy, họ cũng sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn,  huống chi cả bảy nguyên tắc . Chắc chắn là dân Vajjians sẽ không bao giờ bị Vua  A-Xà-Thế chinh phục bằng vũ lực hay binh khí, nhưng chỉ có thể bằng cách tuyên truyền và làm cho họ chống đối lẩn nhau. Bạch Thế Tôn, bây giờ con phải đi. Con rất bận rộn và có nhiều việc phải làm.

 

          - Này, Bà-la-môn, ngươi hãy làm những gì ngươi thấy thích hợp..

Rồi Vassakāra hoan hỷ và vui mừng trước lời dạy của Thế Tôn, đứng dậy từ chỗ ngồi và ra đi.

               1.6. Sau khi Vassakāra đã đi rồi, Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda :

               Này Ānanda, hãy đi đến nơi các Tỷ kheo đang cư ngụ quanh đây và tập hợp tất cả  tại giảng đường.”

               - Thưa vâng, bạch Thế Tôn ”,  tôn giả  Ānanda đáp và làm theo lời dạy của Thế Tôn. Rồi tôn giả đến bên Thế Tôn, đảnh lễ ngài, đứng qua một bên và thưa rằng :

               - Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ kheo tăng đã tập họp. Đây là lúc Thế Tôn làm những gì Thế Tôn thấy thích hợp.

                Rồi Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến giảng đường, ngồi xuống chỗ ngồi đã soạn sẵn, và nói :

               - Này các Tỷ kheo, ta sẽ giảng dạy bảy pháp đưa đến an vui hạnh phúc. Hãy  chú tâm lắng nghe cẩn thận, ta sẽ giảng.”

                        -  Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Và Thế Tôn giảng như sau :

            - Bao lâu mà các chúng Tỷ kheo tổ chức hội họp đều đặn thường xuyên, thì chúng     Tỷ kheo sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn. Bao lâu mà các chúng Tỷ kheo hội họp trong sự hòa hợp, giải tán trong sự hòa hợp, và tiếp tục làm Tăng sự trong sự hòa hợp, thì chúng Tỷ kheo sẽ được thịnh vượng, không bị suy tàn. Bao lâu mà các chúng Tỷ kheo không làm những gì luật lệ  không cho phép và không hủy bỏ những gì luật lệ đã cho phép, nhưng họ tiến hành làm Tăng sự  theo những gì đã được  các giới luật ban hành…, bao lâu mà các chúng Tỷ kheo vinh danh, kính trọng, tôn sùng và đảnh lễ những bậc trưởng thượng có vị trí thâm niên, cao tuổi hạ, là những bậc cha và thầy của chúng tăng…, bao lâu mà chúng Tỷ kheo không bị rơi vào bẫy mồi của tham ái khởi lên trong tâm và sẽ đưa họ đến tái sanh…, bao lâu mà chúng Tỷ kheo hết lòng sống trong rừng…, bao lâu mà chúng Tỷ kheo gìn giữ chánh niệm đối với thân, khẩu, ý, để cho trong tương lai những thiện hữu đồng tu sẽ tìm đến với họ, và những bạn đồng tu đã đến sẽ cảm thấy thoải mái với chúng Tỷ kheo…, bao lâu mà chúng Tỷ kheo giữ gìn bảy pháp này và thực hành bảy pháp này, thì chúng Tỷ kheo sẽ được thịnh vượng và không bị suy tàn.

                     ( Trường Bộ Kinh I, Số 15:  KinhĐại Bát Niết Bàn, tr 539-549 )

 

               (5) Chuyển Luân Thánh Vương  

 

            3.…Và, sau nhiều trăm, nhiều ngàn năm, Vua Dalhanemi cho gọi một người và bảo : “  Này khanh, bất cứ khi nào khanh thấy Bánh-xe-báu-cõi trời  trượt khỏi vị trí của nó, thì thông báo cho trẫm biết. ”

 

             – “ Thưa vâng, tâu Đại vương”, người ấy trả lời.

 

            Và sau nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, người ấy thấy Bánh-xe-báu-cõi-trời đã trượt khỏi vị trí của nó. Thấy vậy, người ấy tường trình sự kiện này cho nhà vua. Lúc ấy, Vua Dalhanemi cho mời Thái tử đến và nói : “Này con thân yêu, Bánh-xe-báu-cõi-trời đã trượt khỏi vị trí của nó. Và ta nghe rằng khi sự kiện này xảy ra cho một vị Chuyển Luân Thánh Vương, thì vua sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Ta đã thọ hưởng đầy đủ mọi dục lạc của thế gian, nay đã đến lúc tìm cầu những lạc thú của chư thiên. Con là con trai của ta, hãy trị vì vương quốc này. Ta sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình”. Và, sau khi vị Thánh vương này đã xuất gia bảy ngày, Bánh-xe-báu-cõi-trời biến mất.

            4. Rồi có một người khác đi đến vị vua Sát-đế-lỵ mới được tấn phong và nói : “Tâu đại vương, ngài phải biết rằng Bánh-xe-báu-cõi-trời đã biến mất.” Khi nghe tin này, nhà vua thấy buồn khổ và sầu muộn.Vua đi đến chỗ vị Thánh vương và báo cho ngài biết tin này. Và vị Thánh vương nói với nhà vua : “ Con thân yêu của ta, con không nên buồn khổ và sầu muộn khi thấy Bánh-xe-báu-cõi-trời biến mất. Bánh-xe-báu-cõi-trời không phải là gia bảo của tổ tiên ta để lại. Mà bây giờ, con thân yêu, con hãy tự mình trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương,. Và khi sự việc này xảy ra, nếu con hành trì những nhiệm vụ của một vị Chuyển Luân Thánh Vương,, vào ngày rằm Bố-tát (10), khi con đã gội đầu và đi lên sân thượng của tòa lâu đài để thực hành ngày Bố-tát, Bánh-xe-báu-cõi-trời sẽ hiện ra trước mặt con, với đầy đủ ngàn tăm, đủ vành xe, trục và các bộ phận.”

                        5. Tâu phụ vương, nhưng thế nào là nhiệm vụ của một vị Chuyển Luân Thánh        Vương ?

                        –  Như   thế này, con thân yêu : Chính con y cứ vào Chánh pháp, vinh danh           Chánh pháp, tôn kính Chánh pháp, trân quý Chánh pháp, đảnh lễ Chánh pháp, sùng bái Chánh pháp, lấy Chánh pháp làm huy hiệu và ngọn cờ, công nhận Chánh pháp là     thầy của con, con phải tự mình trở thành người bảo vệ chơn chánh của gia đình mình,   quân đội mình, của Sát-đế-lỵ và quân thần, của Bà-la-môn và các gia chủ, của dân chúng thành thị và nông thôn, của sa môn và Bà-la-môn, của cầm thú và chim            muông. Đừng để cho điều phi pháp có mặt trong quốc độ của con, và hãy bố thí cho             những người nghèo khổ. Và bất cứ Sa môn, Bà-la-môn nào trong quốc độ của con đã từ bỏ đời sống dục vọng và thực hành hạnh nhẫn nhục và nhu hòa  , mỗi người tự             mình an tịnh, và mỗi người tự mình nỗ lực chấm dứt mọi khát ái, thì thỉnh thoảng     con      hãy đến với họ  và hỏi :’ Này tôn giả, thế nào là thiện và thế nào là bất thiện, thế nào    là đáng chê trách và thế nào là không đáng chê trách, cái gì nên theo và cái gì không     nên theo ? Hành động như thế nào đem lại tổn hại và khổ đau lâu dài, hành động   nào      đem lại an vui và hạnh phúc lâu dài ?”(11). Sau khi        đã lắng nghe các vị ấy, con     phải tránh những việc bất thiện  và làm những việc thiện. Con thân yêu, như thế        là         nhiệm vụ của một vị Chuyển Luân Thánh Vương,.”

                  -  Thưa vâng, tâu phụ vương”,

                  Nhà vua trả lời và  thực hành nhiệm vụ của một vị Chuyển Luân Thánh      Vương,. Và vì   vua đã thực hành như vậy, vào ngày rằm Bố tát, sau khi nhà vua đã      gội đầu và đi lên sân thượng của tòa lâu đài để thực hành lễ Bố tát,          Bánh-xe-báu-cõi-        trời hiện ra trước mặt vua, với đầy đủ ngàn tăm, đủ vành xe, trục và các bộ phận. Rồi   nhà vua nghĩ rằng: “Ta đã được nghe nói là khi một vị vua   Sát-đế-lỵ mới được tấn       phong thấy bánh xe như vậy trong ngày rằm  Bố tát, vị vua ấy sẽ trở thành bậc      Chuyển Luân Thánh Vương,. Ta có được phép làm Chuyển Luân Thánh Vương,       không ?”

            6. Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y qua một bên vai, nhà vua tay trái cầm bình nước, tay phải tưới nước lên bánh xe và nói :” Xin bánh xe báu hãy lăn, xin bánh xe báu nhiếp phục tất cả !” Bánh xe báu lăn về phương đông, và nhà vua theo sau với bốn loại binh chủng. Và bất cứ ở nước nào bánh xe báu dừng lại, nhà vua an trú với bốn binh chủng của mình. Và những nước chống đối nhà vua ở vùng phương đông đều đến và nói :’’ Hãy đến đây, Đại Vương, xin chào mừng ngài. Chúng tôi thuộc về ngài.Xin Đại vương hãy cai trị chúng tôi.”

            Và nhà vua nói : “Không được sát sanh. Không được lấy của không cho.Không được nói láo. Không được  tà dâm. Không được uống những chất gây say nghiện. Hãy thọ hưởng những gì quý vị sở hữu như trước đây.”(12) Và những người chống đối nhà vua trong vùng phương đông trở thành chư hầu của nhà vua.

                        7.“ Rồi Bánh xe báu lăn về phương nam, tây, bắc…( như phần 6  trên)…Rồi          Bánh xe báu, sau khi đã chinh phục lãnh địa từ hải phận này đến hải phận khác,          liền      quay trở về kinh đô và dừng lại trước cung điện nhà vua như để làm vật trang         hoàng cho cung điện vua.”

            ( Trường Bộ Kinh II- Số 26: Kinh Chuyển Luân Thánh Vương- tr. 355-362 )

 

                        (6) Đem  lại thanh bình cho đất nước

                        9. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Kūtadanta bạch Thế Tôn: “Thưa            Tôn  giả  Gotama, tôi nghe nói rằng Tôn giả hiểu rõ cách thức thực hiện            thành công      ba kiểu tế tự và mười sáu tế vật. Tôi không hiểu rõ về tất cả việc này, nhưng bây giờ        tôi muốn cử hành đại lễ tế tự.Thật lành thay nếu Tôn giả Gotama           có thể giảng cho          tôi nghe viêc này”.

                       

            -  Này Bà-la-môn, vậy thì hãy chú tâm lắng nghe, Ta sẽ giảng.

            - Thưa vâng”, Bà-la-môn trả lời, và Thế Tôn giảng như sau :

            10. -  Này Bà-la-môn, thuở xưa có một vị vua tên là Mahāvijita. Vua này rất giàu có, tài sản rất nhiều, vàng bạc phong phú, nhiều sở hữu của cải  vật chất, tiền bạc và tài vật giá trị, kho tàng thóc gạo đầy ắp. Và khi vua Mahāvijita.đang ngồi suy nghĩ riêng tư, ý tưởng này chợt khởi lên : “ Ta đã đạt được vô số tài sản nhân gian, ta đã chinh phục được đất đai rộng lớn. Giờ đây ta hãy tổ chức đại tế đàn để đem lại phước lộc và an lạc lâu dài cho ta ” Và nhà vua cho mời vị chủ tế (13) và nói với ông ta ý nghĩ  này . “ Này khanh, ta muốn tổ chức đại tế đàn. Khanh hãy khuyên ta làm thế nào để việc này đem lại phước lộc và an lạc lâu dài cho ta ?”

            11. Vị chủ tế tâu rằng:’ Tâu Đại vương, đất nước của Đại vương đang bị bọn trộm cướp quấy nhiễu. Đất nước đang bị tàn phá; làng xóm phố xá đang bị tiêu hủy; thôn quê đang bị bọn cướp hoành hành.Nếu Đại vương thâu thuế vùng này, việc ấy sẽ là một điều sai lầm. Giả sử Đại vương nghĩ rằng: ‘Ta sẽ diệt trừ tai họa giặc cướp này bằng án tử hình hay giam cầm tù tội, hay tịch thu của cải, đe dọa, hay trục xuất’’, tai họa này sẽ không chấm dứt được một cách đúng đắn. Những kẻ sống sót sẽ gây tổn thất cho vương quốc của ngài. Tuy nhiên, với kế hoạch sau đây, ngài có thể loại bỏ hoàn toàn tai họa này. Đối với những người sống trong quốc độ này đang tham gia cày cấy và nuôi gia súc, Đại vương hãy phân phối thóc giống và vật thực; những người nào đang buôn bán, hãy cho họ vốn để làm ăn, những người đang phục vụ trong triều đình, ngài hãy cấp lương bổng đầy đủ để sinh sống. Rồi những người này sẽ chuyên chú vào nghề nghiệp của mình, và sẽ không gây tổn hại cho vương quốc của ngài.  Lợi nhuận của Vương triều sẽ dồi dào; đất nước sẽ thanh bình và sẽ không bị bọn trộm cướp quấy phá; và dân chúng an cư lạc nghiệp, chơi đùa với con cái, sẽ sống  trong nhà với cửa mở rộng ( không sợ bị trộm cắp).

             Và vua nói : “Vậy thì cứ làm như thế .”  Ngài chấp thuận lời khuyên của chủ tế và phân phát hạt giống và vật thực cho những người tham gia cày cấy và chăn nuôi gia súc; cấp vốn cho những người buôn bán, trả lương bổng đầy đủ để sinh sống cho những người đang làm việc trong triều đình.Rồi những người đó, chuyên chú vào nghề nghiệp của họ, không làm tổn hại cho vương triều. Lợi nhuậni của nhà vua trở nên dồi dào; đất nước được thanh bình yên ổn và không bị trộm cướp quấy nhiễu, và dân chúng được an cư lạc nghiệp, chơi đùa vui vẻ với con cái, sống trong nhà với cửa mở rộng ( không sợ bị trộm cắp).

 

                       ( Trường Bộ Kinh, Kinh số 5 :Kinh  Kūtadanta, tr 141-142 )

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]