Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

GIẢNG GIẢI KINH PHƯỚC ĐỨC Thích Nhất Hạnh

08/02/201103:34(Xem: 10126)
GIẢNG GIẢI KINH PHƯỚC ĐỨC Thích Nhất Hạnh

GIẢNG GIẢI KINH PHƯỚC ĐỨC
Thích Nhất Hạnh

PHẦN 1
(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng ngày 29.12 tại chùa Cam Lộ - Xóm Hạ trong thiền đường Hội Ngàn Sao trong mùa An Cư 2009-2010)

Trong sách Nhật Tụng Thiền Môn, chúng ta có Kinh Phước Đức, một Kinh nói về đề tài hạnh phúc. Kinh được dịch từ tạng Pali và nằm trong bộ Kinh Tiểu Bộ (Khuddhaka-nikāya). Chúng ta có Trường Bộ (Dīgha-nikāya), Trung Bộ (Majjhima-nikāya), Tương Ưng Bộ (Samyutta-nikāya), Tăng Chi Bộ (Anguttara-nikāya). Ngoài ra chúng ta còn có một bộ nhỏ gọi là Tiểu Bộ, trong Tiểu Bộ có một tập gọi là Kinh Tập (Sutta-nipāta). Đó là một bộ Kinh rất cổ xưa và rất nguyên chất về văn ngữ cũng như về ý. Kinh Thương Yêu (Metta-sutta) và Kinh Phước Đức được lấy từ Kinh Tập.

Trong Tạng Kinh chữ Hán này chúng ta tìm được trong Kinh Pháp Cú và Kinh Pháp Cú Thí Dụ một Kinh tương đương với Kinh Phước Đức. Trong Kinh Pháp Cú nguyên bản bằng tiếng Pali không có Kinh Phước Đức, nhưng trong Kinh Pháp Cú Hán Tạng thì có Kinh này.
Hôm nay chúng ta học Kinh Phước Đức trong Hán Tạng để so sánh với Kinh Phước Đức của Tạng Pali.

Bài kệ 1
Phật tôn quá chư thiên 佛尊過諸天
Như Lai thường hiện nghĩa 如來常現義
Hữu phạm chí đạo sĩ 有梵志道士
Lai vấn hà cát tường 來問何吉祥

Bụt được tôn quý hơn cả trong hai giới trời và người
Vì Người thường có khả năng đưa ra vị những giáo nghĩa mầu nhiệm của một bậc Như Lai
Một ngày kia, có một vị đạo sư Bà la môn tới hỏi:
Cái gì mới thật là điềm lành lớn nhất?

Phật tôn quá chư thiên: Bụt được tôn quí hơn tất cả các chư thiên. Trong bản dịch của tôi có thêm chữ người, Bụt được tôn quý hơn cả trong hai giới trời và người, như vậy thì phù hợp với văn nghĩa trong toàn thể Kinh Phật (thiên nhân chi đạo sư). Bụt là thầy dạy cả hai giới chư thiên và con người.
Như Lai thường hiện nghĩa: Chữ Bụt có nghĩa là người tỉnh thức (the enlightend one, the awakend one). Chữ Như Lai (Tathagata) có nghĩa là từ chân như tới. Thường có nghĩa là luôn luôn. Tôi dịch là: Vì Ngài có khả năng đưa ra những nghĩa lý mầu nhiệm của một vị Như Lai (The Buddha has the capacity to expound the wonderful Teaching of the Tathagata).

Câu thứ hai là lý do của câu thứ nhất: Tại vì Đức Thế Tôn có khả năng đưa ra những giáo nghĩa mầu nhiệm của Đức Như Lai cho nên Ngài được tôn quý trong cả cõi trời và cõi người.

Hữu phạm chí đạo sĩ, lai vấn hà cát tường: Có một vị đại sĩ bà là môn tới hỏi, cái gì mới thật là điềm lành lớn nhất? Kinh Phước Đức, trong bản chữ Hán có tên là Kinh Cát Tường, cát tường có nghĩa là điềm lành. Thí dụ thấy mây năm sắc là một điềm lành. Kinh này chúng ta có thể dịch ra tiếng Việt là Kinh Điềm Lành. Chữ cát tường tiếng Pali là mangala, dấu hiệu của sự may mắn. Maha mangala là điềm lành lớn, maha-mangala-sutta là Kinh Điều May Mắn Lớn Nhất.

Hôm ấy có một vị đạo sĩ tới hỏi Bụt: Điềm lành nào là điềm lành lớn nhất trong tất cả các điềm lành? Vị đạo sĩ Bà La Môn này là một vị phạm chí (brahmana). Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói rất rõ: vị phạm chí này là một ni kiền. Ni kiền là tiếng gọi tắt của nirgrantha, một giáo phái có mặt từ thời Đức Thế Tôn. Giáo phái này sống lõa thể, họ không mặc áo quần, những nhà tu hành này muốn trình bày hết những cái thật của họ: Tôi là vậy đó, tôi không che dấu gì hết! Thời Đức Thế Tôn còn tại thế, các vị xuất sĩ cũng đã từng gặp những phạm chí thuộc giáo phái lõa thể này, họ tu rất gắt. Có nhiều khi đi trên đường, để tránh sát sinh, họ cầm theo cây chổi, quét một lát chổi rồi mới bước một bước chân để chắc chắn rằng mình không dẫm đạp lên các loài chúng sinh. Có khi họ đeo khẩu trang để khi mở miệng ra những con côn trùng không bay vào và chết trong miệng họ. Hiện nay ở Ấn Độ vẫn còn những người thuộc giáo phái này. Có một điều đặc biệt là đạo Bụt đã từng bị gián đoạn ở Ấn Độ nhưng đạo Nirgrantha (Kỳ Na giáo) thì chưa bao giờ bị gián đoạn. Giáo chủ của Kỳ Na giáo là Mahavīra, là một nirgrantha-jaina-putra.

Đạo sĩ Bà La Môn kể trên là một người thuộc về Kỳ Na giáo, người có 500 đệ tử. Các vị đệ tử được học hỏi và tu tập rất nhiều. Có một hôm họ đến ngồi bên bờ sông, đàm luận về vấn đề điềm lành. Họ nói với nhau rằng, ở mỗi quốc gia, người ta có cái thấy khác nhau về những điềm lành. Họ đặt ra vấn đề, so sánh những điềm lành của các quốc gia thì điềm lành nào là điềm lành lớn nhất? Đoạn đầu của Kinh Pháp Cú kể rằng: Trong thời gian lưu trú tại La Duyệt Kỳ, trên núi Kỳ Xà Quật, Bụt đã vì các giới trời, người, rồng và quỷ mà diễn bày pháp Tam Thừa. Tam Thừa là Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa. Núi Kỳ Xà Quật là núi Thứu và La Duyệt Kỳ là thành Vương Xá (Rājagraha).

Lúc ấy, cư trú bên bờ sông Hằng, phía nam núi Kỳ Xà Quật có một vị đạo sĩ Bà La Môn biết nhiều, hiểu rộng, thông suốt chuyện xưa nay. Ông giáo hóa, chỉ dạy cho 500 đệ tử. Đệ tử của ông ai nấy đều tinh thông: thiên văn, địa lý, tinh tú, nhân sự, lành dữ, họa phúc, được mùa, mất mùa, không việc gì mà không nghiên cứu thấu đáo. Một hôm các đệ tử của vị đạo sĩ này đến gần chỗ Bụt đắc đạo trước kia, ngồi bên sông (có lẽ là sông Ni Liên Thuyền) bàn luận với nhau về vấn đề điềm lành. Họ đặt vấn đề: Dân chúng ở các quốc gia trên thế giới cho cái gì là điềm lành lớn nhất? Không tìm ra được câu giải đáp, họ đi tìm hỏi thầy của mình. Sau khi đảnh lễ thầy họ chắp tay hỏi:

- Chúng con học đã lâu, biết cũng đã nhiều, nhưng vẫn chưa biết được trong các quốc gia khác nhau, người ta cho cái gì là điềm lành lớn nhất?
Vị phạm chí Ni Kiền trả lời:
- Câu hỏi của các vị rất hay! Ở xứ Diêm Phù Đề này có 16 nước lớn và 8400 nước nhỏ. Dân chúng mỗi nước đều có cái thấy khác nhau về điềm lành. Có người cho sự xuất hiện của vàng bạc, thủy tinh, lưu ly là điềm lành. Có người cho sự xuất hiện của trăng sáng, thần châu, voi ngựa, ngọc nữ, san hô, đá quí, phượng hoàng, khổng tước là điềm lành. Có người lại cho sự xuất hiện của tinh tú, bình báu, bốn loại người hiền từ hoặc đạo sĩ là điềm lành. Nhưng cái nhìn của mỗi giống dân mỗi khác.
Các vị đệ tử lại hỏi:
- Vậy thì điều gì có thể báo cho ta biết chắc chắn ta sẽ có hạnh phúc trong khi đang sống và chắc chắn ta sẽ sinh lên cõi trời sau khi chết?
Đó là câu hỏi chính. Có nhiều điềm lành, nhưng điềm lành nào quan trọng nhất, hay nhất vì nó báo cho ta biết trong kiếp này mình có hạnh phúc và sau khi chết mình sẽ được sinh lên cõi lành.
Vị đạo sĩ Bà La Môn trả lời:
- Các bậc tiền bối từ trước đến nay, chưa có ai dạy điều này và trong sách vở cũng không thấy ghi chép. Tôi chịu thua!
Các vị đệ tử nói:
- Mới đây chúng con nghe nói có một người họ Thích xuất gia tìm đạo, ngồi thiền sáu năm, hàng phục được ma quân, chứng thành quả Bụt, đạt được tam minh. Hay là chúng ta tìm đến đó để học hỏi thêm?
Tam minh là túc mạng minh tức là thấy rõ về chuyện sống chết trong quá khứ, thiên nhãn minh tức là thấy được cái sống và cái chết trong hiện tại của các loài chúng sinh và lậu tận minh tức là gột sạch hết tất cả những phiền não. Dấu hiệu của người chứng ngộ hoàn toàn là tam minh tức ba cái thấy.
Thầy trò hơn 500 người vượt núi, băng rừng đến nơi Bụt ở. Sau khi đảnh lễ Bụt vị đạo sĩ chắp tay hỏi:
- Bạch Đức Thế Tôn, mỗi quốc gia trên thế giới đều có cái nhìn khác nhau về điềm lành. Vậy theo Ngài, cái gì mới là điềm lành thật sự lớn nhất?
Bụt nói:
- Trong cái nhìn của thế gian, cái gì người ta thấy thuận theo điều mình ước muốn thì cho đó là điềm lành, cái gì không thuận thì cho là điềm không lành. Nhưng những cái mà người ta cho là điềm lành không đủ để cứu độ tâm linh của mình, không giúp mình vượt qua được khổ nạn. Theo tôi điềm lành thật sự là những gì có khả năng đem lại hạnh phúc thật sự trong đời sống hàng ngày, là những gì có khả năng giúp chúng ta ra khỏi ba cõi và chứng nhập Niết Bàn.
Ba cõi là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Tiếp theo đó Đức Thế Tôn dạy những bài kệ sau đây. Có tất cả 16 bài kệ, nhưng trong bản Pali chỉ có 12 bài kệ.

Bài kệ 2

Ư thị Phật mẫn thương 於是佛愍傷
Vị thuyết chân hữu yếu 為說真有要
Dĩ tín lạc chánh pháp 已信樂正法
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:

Ngay lúc đó với lòng xót thương. Bụt đã thuyết giảng về những gì thiết yếu và chân thật.
Ngài dạy: Có niềm tin nơi chánh pháp và có hạnh phúc trong khi học hỏi giáo pháp, đó là điềm lành lớn nhất.

Trong khi học Kinh Cát Tường chúng ta nên luôn luôn trở về so sánh với Kinh Phước Đức. Kinh Phước Đức (Maha-mangala) được dịch là The greatest Blessings. Chữ điềm lành có thể dịch là good omen, có người dịch là Supreme luckbringer. Chúng ta dịch ra tiếng Việt là điềm lành lớn nhất.

Y thị Phật mẫn thương
Vị thuyết chân hữu yếu

Khi đó Bụt có lòng thương các vị phạm chí, nên nói những lời thiết yếu chân thật. Câu Bụt nói đầu tiên là: Dĩ tín lạc chánh pháp: Theo bản chữ Hán, điềm lành lớn nhất là có được một con đường.

Trong Kinh Phước Đức có câu:

Lánh xa kẻ xấu ác
Được gần gũi người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất

Đó là khúc đầu của bản Pali, còn bên phẩm Cát Tường của Kinh Pháp Cú chữ Hán là:

Dĩ tín lạc chánh pháp

Chữ lạc trong văn mạch ở đây chúng ta phải đọc là nhạo, có nghĩa là muốn, thích. Trong Kinh chữ nhạo thường được lặp lại nhiều lần như trong câu: Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dụ văn (dạ vâng, Đức Thế Tôn! Chúng con muốn được nghe). Sau này có những chữ lạc khác chúng ta phải sửa lại là nhạo.

Nếu người đó có niềm tin và sự yêu thích chánh pháp tức là có con đường, thì đó là điềm lành lớn nhất. Tín là tin, lạc là hạnh phúc. Khi đọc câu này tôi nhớ hồi còn là sa di, lúc ấy tôi mới có mười sáu tuổi, tôi có đọc trong Luật Giải tức là một bộ luật rất dày giải thích về luật sa di: Làm thân con lạc đà hay con lừa chuyên chở nặng nhọc, đó chưa gọi là khổ. Ngu si không biết hướng đi, đó mới thật là khổ. Đi vào những nẻo đường tối tăm, xấu ác, đem lại đau khổ cho mình và cho người, đó mới là khổ. Điều may mắn nhất là mình có một con đường, tin vào con đường và có hạnh phúc trong khi đi trên con đường đó. Phẩm Cát Tường bắt đầu bằng dấu hiệu ấy. Mỗi người trong chúng ta phải tự hỏi mình là mình đã có con đường chưa? Do you have a spiritual path? Do you enjoy taking the path? Nếu đã có rồi thì mình nên hạnh phúc đi! Nói theo danh từ thời đại là: Quý vị đã có một con đường tâm linh chưa? Nếu không có một chiều hướng tâm linh thì mình làm sao đối diện và giải quyết được những khó khăn và khổ đau trong đời sống hàng ngày? Mình phải có một bình diện tâm linh (spiritual dimension)!

Trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta, người ta đặt câu hỏi: Chúng ta có cần theo một tôn giáo không? Có thể có một đời sống tâm linh mà không cần tôn giáo hay không? Is this spiritual path possible without religion? Có thể không cần tin vào một Thượng đế hay một vị thần linh mà vẫn có thể có một con đường tâm linh không? (spituality without God, without religion).

Hiện nay có nhiều nhà nhân bản cho rằng: Ta có thể có một con đường tâm linh mà không cần tin vào một tôn giáo hay một thần linh nào. Như vậy chúng ta có thể có được một nền tâm linh toàn cầu. Global spirituality is something possible. Trong đạo Bụt thì đây không phải là một điều khó khăn tại vì đạo Bụt thật ra không phải là một tôn giáo. Đạo Bụt không bắt ta tin vào một vị thần linh hay tin vào những giáo điều cứng ngắc. Đạo Bụt có rất nhiều tự do. Đứng trên phương diện Phật tử thì chấp nhận chuyện đó là một điều dễ dàng.

Hạnh phúc chính là con đường

Vấn đề hạnh phúc có liên hệ tới con đường. Con đường đưa tới hạnh phúc hay hạnh phúc chính là con đường? Nếu có một con đường và tin vào con đường đó thì mình có hạnh phúc liền chứ không cần phải đi cực khổ trên con đường bao nhiêu năm mới có hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta phải tự hỏi: Mình có con đường chưa? Mình có hạnh phúc với con đường đó không? Nếu có rồi thì đó là một điềm lành lớn. Khi đọc bài kệ tiếp chúng ta thấy ý đó rõ ràng hơn.

Bài kệ 3

Nhược bất tùng thiên nhân 若不從天人
Hy vọng cầu kiểu hạnh 希望求僥倖
Diệc bất đáo thần từ 亦不禱神祠
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:

Không chạy theo các giới trời và người,
để cầu mong ban phúc và tránh họa,
cũng không đến cầu đảo ở các đền miếu,
đó là điềm lành lớn nhất.

Diệc bất tùng thiên nhân
Hy vọng cầu kiểu hạnh

Cầu kiểu hạnh là cầu may. Xét theo tình trạng cách mình sống và làm việc thì mình không có được kết quả đó nhưng mình cứ hy vọng, mong cầu nó sẽ xảy ra cho mình

Diệc bất đảo thần từ
Thị vi tối cát tường

Không đi cầu khẩn ở các đền miếu, không đi theo các giới trời và người để hy vọng người ta ban bố cho mình một hạnh phúc nào đó. Chúng ta thêm vào chữ tránh họa cũng hay. Người ta đi cầu đảo như cúng sao giải hạn, một phần là để cầu phúc, một phần là để tránh tai họa có thể xảy đến cho họ. Không chạy theo các giới trời và người để cầu mong được phúc và tai họa, cũng không có nhu yếu tới cầu đảo ở các đền miếu, đó là điềm lành lớn nhất.

Đạo Bụt vốn không phải là một tôn giáo của sự thờ cúng, tín mộ (devotion), nhưng người ta đã biến đạo Bụt thành ra một tôn giáo của sự thờ cúng. Phần này không được nói rõ ràng trong Kinh Nam Tông Tích Lan, ý không cần cầu đảo ở các đền miếu, chỉ có trong bản chữ Hán. Ở đây nói rất rõ là chúng ta không cần một tôn giáo, không cần một đức tin mà vẫn có thể có được một con đường tâm linh. Đạo Bụt không hề mê tín dị đoan, đạo Bụt ở đây rất khoa học.

Có những người theo đạo Bụt, nhưng khi vào trong các đình, chùa họ đem tiền lẻ ra cúng, rồi nhét những đồng bạc lẻ ấy vào tay của Bụt, của Bồ Tát, của tổ sư để cầu buôn bán thành công, làm ăn phát đạt, đi thi đậu, tình duyên không bị trắc trở. Đó không phải là điềm lành theo tinh thần của Kinh, đó là họ chưa có một con đường tâm linh. Chúng ta không mê tín dị đoan không cầu đảo, cúng bái, mà chúng ta có một con đường tâm linh. Chúng ta phải tin vào con đường và phải có hạnh phúc trong khi thực tập con đưòng đó.

Bài kệ 4

Hữu hiền trạch thiện cư 友賢擇善居
Thường tiên vi phúc đức 常先為福德
Sắc thân thừa trinh chánh 勅身承貞正
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥


Giải nghĩa:

Chọn được môi trường tốt,
có nhiều bạn hiền, có dịp làm những việc phúc đức,
giữ lòng cho trinh bạch và chân chánh,
đó là điềm lành lớn nhất.

Hữu hiền trạch thiện cư: Trạch là chọn. Thiện là lành mạnh, không bạo động, không đam mê. Cư là môi trường nơi cư trú. Trong tiếng Pali môi trường tốt có nghĩa là Patirupa desa Vaso; patirupa là tốt, dễ chịu; vaso là chỗ (cư). Đây là sự căn dặn, gửi gắm của Bụt, Người dạy: Khi sống, chúng ta phải biết chọn một môi trường tốt cho chính mình và cho các con cháu của mình. Sống trong một môi trường lành mạnh, có tình thương thì đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành một người hữu ích cho xã hội, còn nếu sống trong môi trường chứa đầy những bạo động, thèm khát thì lớn lên chúng sẽ hư hỏng. Không chỉ chọn một môi trường tốt mà chúng ta còn phải cùng nhau có ý thức tạo ra một môi trường tốt để người khác cũng được nương nhờ. Khi quý vị có cơ hội được tham dự một khóa tu, quý vị thấy môi trường của khóa tu rất tốt, ở đây quý vị cảm thấy thân tâm mình khỏe nhẹ và hiền hậu hơn, nên khi về lại thành phố của mình quý vị mang theo quyết tâm tạo ra một môi trường tu tập nhỏ mời bạn bè tới sinh hoạt chung. Như vậy là không chỉ quý vị được hưởng, con cháu quý vị được hưởng mà bè bạn xung quanh cũng được hưởng lây. Đó chính là lời nhắn nhủ của Đức Thế Tôn. Mình phải chọn môi trường tốt và phải đóng góp vào việc tạo ra môi trường tốt đó.

Có được môi trường tốt rất quan trọng. Những ý này có đầy đủ trong Kinh Phước Đức. Nếu đem hai Kinh so sánh với nhau ta thấy tổng thể gần như nhau, cấu trúc của hai kinh có khác nhau và có thêm vài sai khác nhỏ nữa.

Trong Kinh Phước Đức nói rõ: Lánh xa kẻ xấu ác, gần gũi người hiền, tôn kính bậc đáng kính. Tuy trong Kinh không dùng chữ môi trường, nhưng chúng ta phải hiểu đó cũng là môi trường. Vấn đề môi trường là một vấn đề rất lớn. Các sư cô, sư chú ở Bát Nhã dù có khó khăn, có hiểm nguy đến mấy vẫn không chịu đi chỗ khác vì các sư cô, sư chú thấy được rằng, môi trường tăng thân là quan trọng nhất. Đánh mất môi trường tăng thân là đánh mất tất cả. Tìm ra được một môi trường tốt là một dấu hiệu đại cát tường.

Trong giáo lý Tứ Thực tức Bốn loại thức ăn thì lý tưởng của mình là một loại thức ăn. Là một người xuất sĩ, chúng ta có lý tưởng. Chừng nào lý tưởng còn thì mình còn hạnh phúc, chừng nào mình cảm thấy chán, mình đánh mất tâm ban đầu thì chừng đó hạnh phúc không còn nữa. Lý tưởng là nguồn thực phẩm đầu tiên gọi là tư niệm thực. Mình phải nuôi mình bằng chất liệu lý tưởng. Có chất liệu lý tưởng thì hai mắt mình sáng, bước chân mình vững chãi, mình biết mình đang đi về đâu vì mình đã có đường đi. Mình cứ tâm tâm niệm niệm rằng mình có một lý tưởng và mình phải giữ cho lý tưởng, cho tâm ban đầu đó sống mạnh hoài thì mình mới có hạnh phúc.

Nhưng làm sao cho lý tưởng được sống mãi, sống hoài? Làm sao để mình đừng chán, đừng nửa chừng bỏ dở, tại vì mất lý tưởng là mất hết hạnh phúc. Câu trả lời là phải có một môi trường, tại vì môi trường là chỗ để nuôi dưỡng lý tưởng. Vì vậy chúng ta phải chọn cho được một môi trường, chúng ta phải có tăng thân bên cạnh. Khi biết lánh xa kẻ xấu ác, thân cận người hiền, tôn kính bậc đáng kính thì tự nhiên mình có môi trường tốt, đó là tâm thức cộng đồng, là nguồn thực phẩm thứ hai: thức thực. Mỗi sáng được ngồi thiền với nhau là mình đang tiêu thụ nguồn thực phẩm đó. Hai trăm người cùng ngồi với nhau, người nào cũng thở, người nào cũng làm lắng dịu thân tâm, buông bỏ những giận hờn, lo lắng, chế tác được chất liệu hỷ và lạc. Trong khi ngồi thiền mình ăn thực phẩm đó, mình để cho năng lượng rất hiền, rất lành của đại chúng thấm sâu vào thân tâm mình. Ngồi thiền không phải là ngồi trong một ốc đảo có bao nylon bọc kín xung quanh, không đi ra đi vào được. Ngồi thiền phải giống như một giọt nước trong dòng sông, để dòng sông đưa mình đi. Vì vậy khi ngồi xuống hành giả phải lập tức mở lòng ra để cho đại chúng ôm lấy mình, để tiếp nhận năng lượng chánh niệm to lớn từ đại chúng.

Chúng ta hãy tưởng tượng có một nhóm người bị cơn nghiện sai khiến, sắp sửa đi đánh cướp để có tiền mua ma túy. Năng lượng đó rất xấu, nó vừa thèm khát vừa bạo động, vừa hung dữ và mù quáng. Nếu mình ở trong nhóm người như vậy thì mình đang hấp thụ những loại thực phẩm rất độc hại, do đó mình phải lánh xa kẻ xấu ác, phải thân cận người hiền, phải tôn kính những bậc đáng kính. Nếu không thì cả thân lẫn tâm của mình sẽ mang bệnh. Muốn có sức khỏe thì phải có thực phẩm tốt, thực phẩm cho thân và thực phẩm cho tâm. Mình phải tìm một môi trường lành, môi trường tăng thân, trong đó mọi người đều có hướng đi, có lý tưởng tốt. Ở trong môi trường đó thì tự nhiên thực phẩm mà mình tiêu thụ sẽ trở nên hiền lành. Sống trong tăng thân thì lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, quét tước, dọn dẹp, mình đều được bảo bọc bởi năng lượng hiền lành ấy. Đó là thức thực, là năng lượng tập thể rất lành. Khi chấp tác với tăng thân, khi đi thiền hay ngồi thiền với tăng thân thì quí vị phải biết tiêu thụ năng lượng tập thể đó. Mỗi người trong chúng ta đều có lý tưởng, có niềm vui và khi đi chung hay ngồi chung với nhau chúng ta sẽ tạo ra một năng lượng tập thể rất tốt lành, rất bổ dưỡng. Khi đi vào trong đại chúng mình phải mở lòng ra, mở hình hài ra để tiếp nhận năng lượng tốt đó. Đó là nguồn thực phẩm thứ hai gọi là thức thực. Tuy chưa tu nhưng tới ngồi đó mình đã thấy khỏe nhờ có năng lượng rất lành. Mình phải cảm thấy sự có mặt của sư chị, sư anh, sư em ở xung quanh và mình cũng hiến tặng năng lượng lành của mình cho sư chị, sư anh, sư em. Phía trước có sư chị, sư anh, sư em, phía sau, bên trái, bên phải cũng có sư chị, sư anh, sư em, phải thấy rõ ràng như vậy. Và mình cảm thấy hạnh phúc được ngồi để thở và tiêu thụ không khí trong lành của tăng thân. Không khí đó do chính mình chế tác, năng lượng tốt đó do mình tạo ra với nhau, mình được hưởng thụ và các bạn thiền sinh tới với mình cũng được hưởng thụ.

Khi lập Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu bên Đức chúng ta biết viện là một trường học. Nhưng Viện Phật Học của mình không giống một trường học tại vì trong viện có một tăng thân. Khi trình bày với báo chí, chúng tôi có cắt nghĩa cho họ về sự khác biệt: Không phải chúng tôi chỉ có một trường học và những giáo sư giảng dạy, mà chúng tôi còn có một tăng thân thường trú. Tăng thân thường trú là một cơ thể đêm ngày chế tác ra năng lượng lành. Những người tới tu học cũng được hưởng năng lượng lành này. Họ được ngồi thiền, được đi thiền, được nghe Pháp, được ăn cơm với tăng thân. Đó là một tư lương. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu khác với những trường học đại học khác tại vì nó có năng lượng sẵn đó để mình được hưởng mỗi khi tới học một khóa. Chúng tôi cung cấp hai loại thực phẩm, thứ nhất là lý tưởng và thứ hai là môi trường.

Trong thế giới hiện nay có quá nhiều bạo động, quá nhiều thèm khát, nhiều kỳ thị và giận hờn. Nếu không biết giữ gìn thì mình sẽ bị năng lượng đó thấm vào và
mình cũng sẽ bị sự bạo động, thèm khát tàn phá sức khỏe và tàn phá sự tươi mát lành mạnh của mình và cả con cháu mình. Khi các em bé được gửi trong một môi trường có thèm khát, bạo động thì em bé sẽ hư. Năng lượng của sự bạo động, thèm khát, kỳ thị sẽ đi vào trong em bé. Mình phải làm thế nào để cung cấp cho em bé một môi trường tốt. Hiện nay trong học đường có rất nhiều bạo động, kỳ thị cho nên nhiều bậc cha mẹ không muốn gửi con mình tới trường mà trái lại muốn làm ra một ngôi trường để con mình tới học. Họ bàn với nhau thành lập nên ngôi trường hiền lành cho con mình đi học. Điều đó thuộc về vấn đề thực tập chế tác môi trường.

Khi lấy thức ăn, đi vào thiền đường, ngồi xuống ăn cơm với đại chúng thì mình tiếp nhận nhiều nguồn thực phẩm: Thực phẩm trong bát là đoàn thực (edible food). Còn những sư anh, sư chị, sư em và những bạn tu đang ngồi thở, mỉm cười hạnh phúc và cảm thấy có hỷ có lạc, là thức thực. Mình không chỉ tiêu thụ thức ăn trong bát mà còn tiêu thụ tình anh chị em đó là năng lượng lành mạnh và thánh thiện của tăng thân. Một bữa ăn như vậy không phải chỉ là ăn cơm mà còn có những món ăn tinh thần rất bổ dưỡng. Đi thiền hành cũng là ăn năng lượng của tăng thân, đi như một dòng sông. Ngồi thiền chung cũng là một sự tiêu thụ. Đừng tự bỏ đói mình, đi ngồi thiền là đi ăn, là đi tiếp nhận thực phẩm. Mỗi chúng ta phải có cái nhìn như vậy về sự thực tập. Tại sao lại trốn ngồi thiền, trốn thiền hành? Tại sao lại bỏ đói chính mình? Mình cần những thức ăn bổ dưỡng đó. Mỗi khi gần đến giờ ngồi thiền mình phải tới ngồi trước năm mười phút tại vì nó rất lành mạnh và bổ dưỡng cho tâm hồn. Mình phải thấy niềm vui trong khi thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở. Trong truyền thống của chúng ta, thực tập thiền tức là nuôi dưỡng. Niềm vui, hạnh phúc của sự thực tập thiền là thức ăn (thiền duyệt vi thực).

Sở dĩ trong thời khóa có giờ ngồi thiền, giờ đi thiền là để mình ăn. Chính lúc chấp tác cũng vậy, khi chấp tác mình có thức ăn của tình huynh anh chị em. Chính mình chế tác ra thức ăn đó, thức ăn này không phải được mua ngoài chợ. Thức ăn này chính do mình tự chế tác ra cũng như rau do tự mình trồng.

Thường tiên vi phúc đức: Trong bản tiếng Việt chúng ta có câu: Thường tạo tác nhân lành. Trong bản chữ Hán cũng như trong bản Pali có ý: Trong quá khứ đã có cơ hội tạo tác nhân lành. Chữ tiên ở đây có nghĩa như vậỵ Chúng ta nên sửa lại là: Đã có dịp gieo trồng những hạt giống tốt và đã làm những việc phúc đức, cho đúng với nguyên văn. Quý vị hãy ngồi hồi tưởng lại xem trong quá khứ mình đã có cơ hội gieo trồng hạt giống lành hay chưa? Quý vị đã tụng bài:

Các Đức Thế Tôn thường trú trên đời, xin thương xót con.
Nếu con đã từng bố thí, dù chỉ là một nắm cơm.
Nếu con đã từng từng cứu độ chúng sanh, dù chỉ là vài con sâu con kiến.
Nếu con đã từng nói lời dễ thương, dù chỉ một vài câu làm cho người bớt khổ.


Nếu ngồi nhớ ra rằng mình đã từng gieo những hạt giống như vậy trong quá khứ thì mình nên mừng vì đó là điềm lành. Trong Kinh Pháp Hoa có nói: Có những nhân thấy rất nhỏ, nhưng chính những nhân đó đưa chúng ta tới kết quả rất lớn. Có một người đi vào trong tháp hay trong miếu tự nhiên thốt ra: nam mô A Di Đà Phật, chỉ cần nói một câu nhưng chính nhờ hạt giống nhỏ xíu ấy mà sau này người đó thành Phật (Nhất sinh nam mô Phật, da dĩ thành Phật đạo). Mình đã từng phát khởi được tâm niệm lành, đã từng nói được lời lành và đã từng làm được điều lành thì tất cả những điều lành trở thành vốn liếng của mình. Sau này mình thành công được là nhờ vốn liếng đó. Mình đã tạo tác những nhân lành trong quá khứ và trong giây phút hiện tại mình có thể làm thêm.

Sắc thân thừa trinh chánh: Chữ sắc 勅 ở đây không có nghĩa là hình sắc mà có nghĩa là giữ gìn cẩn thận. Trong chữ sắc có chữ lực 力 tức là công phu lao tác. Sắc có nghĩa là giữ gìn để bảo hộ. Có khi chữ sắc cũng được dùng như chữ sức 飾 tức đồ trang sức. Chữ sắc chúng ta có thể hiểu như chữ sức tức là làm đẹp cho tự thân. Thân là tự thân. Trinh là sự trong sáng không chung chạ bậy bạ. Chánh là thẳng, không nghiêng, là đoan chính, không có tâm tà, không đi quyến rũ người, không lẳng lơ, giữ cho thật thẳng, thật trong sáng.

Sắc thân thừa trinh chánh, chữ thừa ở đây có nghĩa là đảm đang, nắm lấy tình trạng, chịu trách nhiệm về cái đó. Thừa là tiếp nối, nhận lấy trách nhiệm. Mình phải chịu trách nhiệm về việc làm đẹp cho tự thân bằng sự trinh bạch và chân chính. Câu này chúng ta có thể dịch như sau: Biết làm đẹp cho tự thân bằng sự trinh bạch và chân chính. Giữ thân cho trinh bạch và chân chính, đó là điềm lành lớn nhất.

Chúng ta đã từng nghe pháp thoại về đau khổ và hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau cũng như sen và bùn. Trong vị ngọt của hạnh phúc có vị đắng của khổ đau. Chúng ta biết gốc rễ của các cảm thọ nằm ở sắc, hành và tưởng. Sắc, thọ, tưởng và hành là bốn dòng sông. Những lạc thọ, khổ thọ và xả thọ đều có gốc rễ ở sắc uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn. Chúng ta đã học rằng, xử lý khổ đau cũng là tạo dựng hạnh phúc. Mỗi giây phút là một cơ hội cho mình xử lý khổ đau và là một cơ hội cho mình tạo dựng hạnh phúc.

Người hành giả phải có khả năng của người làm vườn tức là phải chuyển hóa được rác và chế tác ra hoa. Chúng ta chỉ có thể nhận diện lạc thọ một cách rõ ràng trên bối cảnh của khổ đau. Nhờ có khổ đau mà mình nhận diện được hạnh phúc. Vì vậy chúng ta không nên đàn áp khổ đau, không nên chạy trốn khổ đau. Chúng ta có thể sử dụng khổ đau để làm nổi bật lên hạnh phúc. Chúng ta không đàn áp, không chạy trốn khổ thọ, phải ôm lấy khổ thọ để nhận diện hạnh phúc đang có.
Có một điều mà chúng ta cần phải học là những cái gọi là xả thọ đều có thể được hành giả biến thành lạc thọ. Cái mà ta gọi là xả thọ, chính nó là một an thọ. Đau răng là khổ thọ, không đau răng là xả thọ. Nhưng thật ra không đau răng có thể là lạc thọ (feeling of well-being). Một neutral feeling có thể biến thành một feeling of well-being.

Trong dòng sông cảm thọ của chúng ta có rất nhiều giọt nước khổ thọ, nhưng cũng có một số giọt nước lạc thọ và rất nhiều giọt nước xả thọ. Nhưng đối với người tu tất cả xả thọ đều có thể biến thành lạc thọ. Khi biết đem chánh niệm soi vào thì xả thọ sẽ thành lạc thọ. Không đau răng là một hạnh phúc, không bệnh tật là một hạnh phúc, sự vắng mặt của đam mê, của giận hờn có thể trở thành hạnh phúc. Chúng ta có quyền thực tập câu linh chú thứ năm: Đây là giây phút hạnh phúc (This moment is a happy moment). Bất cứ giây phút nào chúng ta cũng có thể đọc câu linh chú này, trước khi làm việc, trong khi làm việc, trước khi ăn cơm, trong khi ăn cơm. Khi ta có chánh niệm thì giây phút đó trở thành ra lạc thọ.

PHẦN 2:

(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng ngày 03.12.2009 tại chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới trong khóa An Cư Kiết Đông)


Bài kệ 5
Khứ ác tùng tựu thiện 去惡從就善
Tị tửu tri tự tiết 避酒知自節
Bất dâm ư nữ sắc 不婬於女色
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:
Biết bỏ ác theo lành
Không uống rượu, biết tiêt chế
Không đắm trong sắc dục
Đó là điềm lành lớn

Khứ ác tùng tựu thiện:Bỏ những điều ác và theo hướng lành.
Tị tửu tri tự tiết: Không uống rượu, lánh xa chuyện say sưa. Trong Kinh Pali có từ tapa, có nghĩa là khổ hạnh, không ăn chơi, biết tiết chế, tiếng Anh là self restrain. Đối với thức ăn hoặc sự chơi bời, tiêu thụ thì chúng ta phải biết luật tiết chế (law of moderation). Nếu không biết tiết chế thì sẽ có khổ đau, đổ vỡ trong thân và trong tâm. Sự tiết chế rất quan trọng. Giới luật và uy nghi có thể giúp mình thực tập sự tiết chế. Khi được sống trong môi trường tốt của tăng thân thì mình thực tập rất dễ dàng vì những người xung quanh đều thực tập như vậy.

Bất dâm ư nữ sắc: Không đắm trong sắc dục, tức giữ cho mình được trong sáng, tiếng Phạn là brahma-carya (phạm hạnh). Người xuất gia giữ phạm hạnh được rồi mà người tại gia cũng có thể giữ phạm hạnh, tức không nên có sự chung đụng bậy bạ.

Bài kệ 6
Đa văn như giới hành 多聞如戒行
Pháp luật tinh tấn học 法律精進學
Tu kỷ vô sở tranh 修己無所爭
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:
Học rộng biết trì giới
Siêng năng tu tập theo giáo pháp và luật nghi
Biết tu dưỡng thân tâm, không vướng vào các cuộc tranh chấp
Đó là điềm lành lớn nhất

Đa văn như giới hành: Đa văn là học rộng, mỗi ngày chúng ta phải học thêm, già rồi cũng vẫn phải học. Nếu cái học có tính cách nuôi dưỡng thì mình sẽ thích học chứ không phải bị bắt buộc học. Học sẽ là một niềm vui nếu cái học ấy giúp cho mình thấy rõ được con đường. Học không phải chỉ là để mở rộng kiến thức, để chứng tỏ ta biết hết mọi chuyện, mà học là để thấy được sự thật, thấy được con đường và phương pháp hành trì rõ ràng hơn để giúp cho chính mình và giúp cuộc đời. Cái học đó là một nhu yếu có thật của con người. Khi học với tinh thần đó thì chúng ta cảm thấy rất thích thú. Người tu phải có cái thích thú được học đừng để rơi vào tình trạng bị bắt buộc học để có bằng cấp.

Như giới hànhlà biết hành trì theo giới. Mình giữ 5 giới, giữ 10 giới, 250 giới ...
Pháp luật tinh tiến học: Siêng năng tu tập theo pháp của luật nghi. Tinh tiến là siêng năng. Chữ học ở đây có nghĩa là thực tập, thực tập pháp và luật. Pháp là giáo pháp của Bụt dạy và luật là giới luật uy nghi.

Giới luật và uy nghi có công dụng giúp mình tiết chế, bảo tồn được tự do của mình. Giới luật và uy nghi được tiếp nhận từ Bụt không phải để làm cho mình mất hết tự do. Nếu thấy những giới luật và uy nghi như những gì làm giới hạn tự do thì chúng ta chưa thấy được bản chất của nghi giới. Bản chất của giới là đem lại tự do cho mình. Giới có thể gọi là “xứ xứ giải thoát, biệt biệt giải thoát„. Có giới thì đi tới đâu cũng có tự do. Khi mình nghiện rượu hay vướng vào vòng ma túy thì mình đánh mất tự do. Không có tiền mua rượu, mua ma túy thì phải đi ăn trộm, ăn cướp, bị cơn nghiện sai sử thì mình đánh mất tự do trong tâm, bị rơi vào vòng tù tội thì mình đánh mất tự do trong thân. Đối với rượu mà mình nhìn với con mắt đó và mỉm cười với nó thì rượu không thể cám dỗ được mình. Đối với ma túy, mình cũng nhìn như vậy và nói: Thank you! I don’t need you (cảm ơn nhé, tôi không cần). Đó là tự do.

Giới và luật là để bảo tồn tự do chứ không phải để làm mất tự do của mình. Khi tiếp thọ giới mình thấy, đây là “bước tới thảnh thơi“, bước vào tự do (stepping into Freedom). Mỗi giới cho mình tự do riêng. Có 10 giới là có 10 thứ tự do, có 250 là có 250 thứ tự do. Biệt biệt giải thoát, xứ xứ giải thoát. Freedom wherever you are. Đi đâu mình cũng có tự do nếu mình mang theo giới luật và uy nghi. Chúng ta phải cầu giới, giới tử là những người cầu giới.

Tu kỷ vô sở tranh:Biết tu dưỡng thân tâm, không vướng vào những cuộc tranh chấp, không vướng vào những chuyện hơn thua, không tranh biện để chứng tỏ tôi đúng anh sai. Người ta mất rất nhiều thì giờ vì chuyện “tôi đúng anh sai”. Trong bài kệ hô canh buổi chiều có câu: Ba nghiệp lắng rồi, hết thị phi, nghĩa là không nghĩ đến chuyện đúng sai nữa. It’s nomore about thinking right or wrong. Đó là tự do. Còn vướng vào sự tranh chấp, vướng vào sự suy nghĩ “người nào đúng, người nào sai”, cố tranh chấp cho được thì mình vẫn chưa có giải thoát. Khi ngồi xuống bồ đoàn rồi thì phải buông tất cả. Nếu đang ở trong một cuộc tranh chấp thì mình nên biết, cuộc tranh chấp đó làm mình mất thì giờ, mất năng lượng, mình không có cơ hội để sống đời sống của mình cho đàng hoàng. Khi ấy phải tìm cách thoát ra khỏi sự tranh chấp càng sớm càng tốt, nói lời ái ngữ là cách thoát khỏi tranh chấp nhanh nhất, đó cũng là điều mà kinh Phước Đức dạy

Bài kệ 7
Cư hiếu sự phụ mẫu 居孝事父母
Trị gia dưỡng thê tử 治家養妻子
Bất vi không phạp hành 不為空乏行
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:
Là người con hiếu thảo, có cơ hội phụng dưỡng mẹ cha
Biết chăm sóc gia đình, giữ cho trong nhà êm ấm
Không để cho lâm vào cảnh nghèo đói
Đó là điềm lành lớn nhất

Cư hiếu sự phụ mẫu. Trị gia dưỡng thê tử :Là người con có hiếu với cha mẹ và nuôi được vợ con. Nếu là người nữ thì nuôi chồng con (dưỡng phu tử), Ngày xưa ở Việt Nam, các cô gái chuyên nuôi chồng tại vì anh chàng đang đi học. Anh chàng chỉ lo học, học ngày học đêm hy vọng thi đậu được làm quan nên người vợ thời xưa phải tần tảo gánh gạo buôn bán để nuôi chồng.
Đảm đang xuôi ngược sớm chiều
Lòng mơ một chiếc võng điều mai sau

Chồng thi đậu thì người vợ được người ta rước ngồi võng điều (võng màu đỏ). Đó là giấc mơ của các cô thiếu nữ ngày xưa. Tết Nguyên Đán này, tôi sẽ đọc thơ nói về giấc mơ của các cô thiếu nữ và các chàng trai thời của tôi ngày xưa. Bây giờ các cô gái, các chàng trai có giấc mơ rất khác. Hồi xưa khi chồng thi đậu thì các cô được ngồi trên chiếc võng màu đỏ, được lính hầu rước về làng và được làm quan. Đó là giấc mơ của các cô gái cho nên phải gánh gạo nuôi chồng.

Bất vi không phạp hành
Thị vi tối cát tường
Không phạp là thiếu thốn, nghèo đói. Đừng để cho gia đinh bị thiếu thốn, nghèo đói.
Là người con hiếu thảo, có cơ hội phụng dưỡng mẹ cha, biết chăm sóc gia đình, giữ cho trong nhà êm thấm, không để lâm vào cảnh nghèo đói. Đó là điềm lành lớn nhất. Có một chút khác biệt, bên kinh Điềm Lành là không để cho gia đình rơi vào nghèo đói thiếu thốn, còn trong kinh Phước Đức là yêu thương gia đình mình.


Bài kệ 8
Bất mạn bất tự đại 不慢不自大
Tri túc niệm phản phúc 知足念反覆
Dĩ thời tụng tập kinh 以時誦習經
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:
Không kiêu mạn, không cho mình là hơn người
Biết tri túc, biết xét suy
Có thì giờ đọc tụng và thực tập kinh điển
Đó là phước đức lớn nhất

Bất mạn bất tự đại: Không cho mình là giỏi, là quan trọng. Trong đạo Bụt, chữ mạn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Thấy mình hơn người thì gọi là mạn, có mặc cảm thua người cũng gọi là mạn mà thấy mình bằng người cũng là mạn. Nghe thế, những người bạn Tây phương hỏi: Tại sao thấy mình bằng người cũng là một cái lỗi? Tại Làng Mai, mỗi khi chúng tôi tụng kinh trước pháp thoại chúng tôi thường đọc lời quán nguyện : xin đọc tụng như một cơ thể, lắng nghe như một cơ thể, vượt thoát những mặc cảm hơn người, thua người hoặc bằng người, thì có nhiều vị thiền sinh cười: Tại sao lại có mặc cảm bằng người? Theo sự tin tưởng của đa số thì mọi người sinh ra trên trái đất đều bằng nhau. Bằng người là một sự thật. Nhưng nhìn cho kỹ chúng ta thấy, con người sinh ra không bằng nhau. Người sinh ra ở nuớc Mỹ, người sinh ra ở Phi Châu, hai người sinh ra ở hai hoàn cảnh đã không bằng nhau. Sinh vào một môi trường có cơ hội và sinh vào một môi trường ít có cơ hội hơn đã là một sự bất bình đẳng. Sinh ra trong một gia đình giàu có hay trong một gia đình nghèo khổ là đã có sự bất công. Sinh ra trong một gia đình có giáo dục hay trong một gia đình không có giáo dục cũng có sự bất công. Khi sinh ra người ta không bình đẳng đâu. Nhưng chữ mạn ở đây được hiểu theo tinh thần của đạo Bụt. Đạo Bụt nói không có ngã. Có tôi trong anh và có anh trong tôi, tôi là anh mà anh cũng là tôi, đó là vô ngã. Khi là vô ngã thì không còn sự so sánh, mà khi không so sánh thì không thấy hơn người, thua người hay bằng người.

Tâm lý trị liệu Tây phương hay nói người ta bệnh là do mặc cảm tự ti. Muốn trị hết bệnh thì phải xóa bỏ mặc cảm tự ti: Tôi không có giá trị gì hết, tôi chẳng làm được trò trống gì, tôi luôn luôn thua kém người. Do mặc cảm tự ti mà sinh ra bệnh tâm thần, cách trị liệu là làm cho người ta bỏ mặc cảm đó đi. Nhưng chúng ta không biết mặc cảm tự tôn (high self-estime) cũng là bệnh. Người cho mình hơn người cũng bị bệnh, họ khó chịu vô cùng, dương dương tự đắc, ở đây gọi là tự đại. Bất mạn, bất tự đại, đừng nên thổi phồng mình lên quá lớn như con cóc, có ngày sẽ nổ.

Trong ánh sáng giáo lý đạo Bụt, chúng ta thấy mặc cảm tự ti là bệnh, mặc cảm tự tôn là bệnh và mặc cảm bằng người cũng là bệnh tại vì thấy mình bằng người tức là còn có sự so sánh. Nếu thấy mình với người đó là vô ngã, khổ đau của người đó cũng làm mình khổ đau, hạnh phúc của người đó cũng là hạnh phúc của mình, người đó thành công thì mình cũng thành công, thấy được tính vô ngã giữa cha và con, vợ và chồng thì tự nhiên ba cái mạn không còn nữa và hạnh phúc sẽ có thật.Trong chúng, nếu có một người tu giỏi và thành công thì tất cả mọi người đều được hưởng. Nếu có một người yếu kém thì tất cả mọi người đều chăm lo cho người đó vững lên tại vì người đó cũng là mình. Như vậy mới đúng theo nguyên tắc vô ngã.

Tri túc niệm phản phúc: Tri túc là biết mình có đủ, có dư điều kiện hạnh phúc. Mình không cần đi tìm những điều kiện hạnh phúc nào khác. Khi mình thở trong chánh niệm, đem tâm trở về với thân và có mặt trong giây phút hiện tại thì mình khám phá ra mình có biết bao nhiêu điều kiện để có thể có hạnh phúc ngay bây giờ. Mình có thể thực tập câu thần chú thứ năm: Sướng quá! Hạnh phúc quá! Mình không cần phải bỏ hiện tại, chạy về tương lai để đi kiếm tìm hạnh phúc. Đó là phép tri túc, tiếng Phạn là samtustah, tiếng Pali là santutthi, dịch ra tiếng Anh là: You have already enough conditions to be happy, you don’t need to look for more.

Chỉ cần có chánh niệm thì tự nhiên hạnh phúc có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đức Thế Tôn nói: Pháp môn “Hiện pháp lạc trú”, ai cũng có thể thực tập được. Hiện pháp lạc trú là có hạnh phúc liền bây giờ, Dristadharmasukhavihara. Chúng ta nên nhắc nhau, trước khi hô canh chúng ta có thể thực tập: Kính thưa đại chúng, đây là giây phút hạnh phúc. Mỗi người tiếp xúc được với điều kiện hạnh phúc mình đang có thì tự nhiên có hạnh phúc liền. Trước khi ăn cơm hay chấp tác với nhau, mình nhìn sư anh nói: Sư anh ơi! Đây là giây phút hạnh phúc, mình được làm việc chung với nhau.

Tri túc không có nghĩa là khổ hạnh, chịu đựng. Tri túc là ý thức rằng mình có đủ điều kiện hạnh phúc và hạnh phúc liền. Đó là hạnh phúc rất lớn, mình là người tu thì phải có cái khôn ngoan đó. Phản phúc là lật ngược trở lại để xem xét cho cẩn thận. Niệm là nhớ nghĩ, có ý thức, biết suy xét. Niệm phản phúc là phải xét đi xét lại cho kỹ lưỡng, đừng nóng nảy, bộp chộp, biết xét suy cho thấu đáo. Chữ phản phúc trước cũng có nghĩa lật lọng, trắng thành đen, sấp thành ngửa. Nhưng chữ phản phúc ở đây có nghĩa là suy xét cho kỹ phía trên phía dưới, lật hòn đá ra xét trên dưới cho rõ ràng.

Dĩ thời tụng tập kinh: Có thì giờ đọc tụng kinh điển. Tụng là đọc, tập là thử đem ra áp dụng, ví dụ như phải đem ra áp dụng câu thần chú thứ năm. Mình học được cái gì thì phải đem ra áp dụng. Tập là thực tập, mình tụng kinh và phải áp dụng những gì mình học trong kinh. Có cơ hội phụng dưỡng mẹ cha, biết tri túc, biết suy xét cho thấu đáo, có thì giờ để đọc tụng và thực tập theo kinh điển, đó là điềm lành lớn nhất.

Bài kệ 9
Sở văn thường dục nhận 所聞常欲忍
Nhạo dục kiến sa môn 樂欲見沙門
Mỗi giảng tiếp thính thọ 每講輒聽受
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:
Biết nhẫn nhục khi nghe điều bất như ý
Có hạnh phúc mỗi khi được gặp người xuất gia
Mỗi khi nghe pháp hết lòng tiếp nhận để hành trì
Đó là điềm lành lớn nhất

Sở văn thường dục nhận: Nghe điều gì bất như ý thì phải biết kiên nhẫn, mình phải học hạnh lắng nghe. Dù người kia nói những câu không dễ chịu thì mình cũng phải lắng nghe. Đây là sự thực tập lắng nghe với tâm từ bi (the practice of deep listening, compassionate listening). Mình đừng phản ứng liền, phải lắng nghe để hiểu, có hiểu mới thương, mới giúp người kia được.

Nhạo dục kiến sa môn: Có sự thích thú muốn được gặp những người xuất gia, với điều kiện là người xuất gia đó dễ thương, là người tu thật. Theo nguyên tắc, người xuất gia là người có học hỏi chánh pháp, là người có hành trì đàng hoàng, nếu gặp được người đó là có lợi. Còn nếu gặp, người đó chỉ nói chuyện buôn bán thị phi thì không phải là sa môn, mà là giả sa môn. Trong kinh dạy: vui mừng khi được gặp các thầy các sư cô vì mỗi khi gặp các thầy, các sư cô thì mình thấy trong người khỏe nhẹ, được học hỏi nhiều điều hay bởi các thầy, các sư cô đại diện cho sự tu tập, cho trí tuệ, cho tình thương.

Mỗi giảng triếp thính thọ: Mỗi khi nghe pháp thì hết lòng tiếp nhận để hành trì. Triếp có nghĩa là thường thường, lập tức. Mỗi khi nghe giảng thì liền tiếp nhận và đem ra hành trì. Đó là điềm lành lớn nhất.

PHẦN 3

(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng ngày 10.12.2009 tại chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới trong khóa An Cư Kiết Đông 2009 - 2010)

Sự thực tập tại Làng Mai là sự thực tập dừng lại. Dừng lại để có thể sống được những giây phút sâu sắc, tại vì trong chúng ta có một tập khí, nó xô đẩy chúng ta đi tới. Chúng ta giống như người đang đi tìm kiếm một cái gì, đang lo lắng về một chuyện gì đó, thành ra chúng ta không thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Sự tìm kiếm đó, sự lo lắng đó đã trở thành một thói quen và thói quen này không cho phép chúng ta có mặt thật sự để sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Chỉ cần nhìn một người đang ngồi, đang đi hay đang ăn cơm một hai giây là mình có thể biết được rằng người đó có mặt hay không có mặt trong giây phút hiện tại liền, rất là dễ. Người đó tuy thân hình đang có đó nhưng không thật sự có mặt, tại vì có một sức mạnh, có một tập khí, một năng lượng đang đẩy người đó đi, kéo người đó ra khỏi giây phút hiện tại. Nhưng với sự thực tập của mình, mình có thể giúp cho người đó dừng lại. Người đó đang theo đuổi một ý tưởng, đang bị vướng vào một sự lo lắng, bị kẹt trong quá khứ, trong tương lai, trong sự buồn khổ, lo lắng…, người đó không thật sự có mặt. Là một người tu, bằng cách đi, đứng, nằm, ngồi của mình, mình có thể giúp cho người đó dừng lại, tại vì sự thực tập trước hết là dừng lại. Dừng lại cái gì? Dừng lại sự quên lãng, dừng lại sự đánh mất tự thân. Những phép tu mà Làng Mai cống hiến có tác dụng giúp cho ta có thể dừng lại được, ví dụ như hơi thở và bước chân.

Mình đang thở vào và mình biết rằng đây là hơi thở vào
Mình đang thở ra và biết rằng đây là hơi thở ra

Nếu mình biết mình có hạnh phúc trong khi thở vào thì mình ở lại với hơi thở vào của mình, lúc đó là mình đang an trú trong hiện tại. Trong khi ngồi, trong khi đi hay trong khi làm việc mình đều có thể thở vào được cả. Nếu để tâm vào hơi thở vào mà thấy mầu nhiệm và thích thú trong hơi thở vào thì đó là mình dừng lại được rồi. Đang đi mà mình ý thức được bước chân, thấy rằng mình đang bước một bước và mình dẫm lên trên hành tinh mầu nhiệm gọi là trái đất này thì đó là phép lạ. Mình thấy mình đang còn sống và đang bước lên hành tinh này thì tự nhiên cái thấy đó giúp cho mình dừng lại. Khi nghe tiếng chuông mình cũng có cơ hội dừng lại sự suy nghĩ, sự lo lắng, dừng lại sự chạy trốn để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại.

Mình phải thiết kế, tổ chức và tu tập như thế nào để cho khung cảnh của Làng Mai có khả năng giúp được cho các bạn của mình mỗi khi tới Làng đó là có thể dừng lại được dễ dàng. Với cách mình đi, mình đứng, mình làm việc, mình nói cười có thể giúp cho người bạn của mình dừng lại được để người đó cũng có thể có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Các vị giáo thọ có thể giúp các bạn mới tới làm được như vậy. Mình tuy không phải giáo thọ, mình chỉ mới tu thôi nhưng khi thấy một người mới tới không biết hưởng sự tu tập thì rất là uổng. Mình có thể tới hỏi thăm: bạn đã được ai hướng dẫn về cách thở, cách đi, cách ngồi thiền chưa? Nếu người ấy chưa được hướng dẫn hoặc là hướng dẫn chưa đầy đủ thì mình có thể giúp đỡ nếu người ấy muốn. Mình không dẫm chân lên các vị giáo thọ nhưng tất cả những người đến với mình đều là huynh đệ của mình trong sự thực tập, đều là pháp huynh, pháp đệ, anh em trong đạo, cho nên mình có bổn phận phải giúp người đó. Khi thấy người ấy đi hấp tấp thì mình thấy uổng cho người đó, tại vì tới Làng Mai là mình có thể có hạnh phúc, có thể enjoy, thưởng thức từng bước chân của mình. Mỗi hơi thở là một cơ hội, mỗi bước chân là một cơ hội, mình phải nắm lấy cơ hội đó và giúp cho người kia đừng đánh mất cơ hội, đừng đánh mất sự sống.

Bài kệ 10
Trì trai tu phạm hạnh 持 齋 修 梵 行
Thường dục kiến hiền minh 常 欲 見 賢 明
Y phụ minh trí giả 依 附 明 智 者
Thị vi tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Biết ăn chay, biết tu theo phạm hạnh
Có hạnh phúc khi gặp các hiền đức
Biết nương vào các bậc có trí sáng
Đó là điềm lành lớn nhất.

Trì trai tu phạm hạnh: Nguyên văn trong chữ Hán là trai. Trì trai tức là ăn chay chứ không ăn mặn. Nhưng chữ trai này có nghĩa khác hơn, sâu hơn nữa, khi tham cứu nguyên bản bằng tiếng Pali thì chữ trai này ngày xưa người ta sử dụng để dịch chữ thanh lọc (purification). Ngày xưa người ta dùng chữ trai chung với chữ giới, gọi là trai giới, nghĩa là ăn chay và giữ giới. Đây không phải là vấn đề riêng của người xuất gia mà đây cũng là sự thực tập của người tại gia, tức là phải khổ hạnh một chút xíu, phải tiết chế, không được hưởng thụ nhiều để có thể thanh lọc được thân và tâm. Trai giới để cho thân và tâm được nhẹ nhàng, thân tâm nhẹ nhàng thì hạnh phúc sẽ dễ dàng có được, còn thân hoặc tâm quá nặng thì hạnh phúc sẽ ít hơn. Vì vậy không những người xuất gia giữ trai giới mà người tại gia cũng nên giữ trai giới.

Ngày xưa những ông vua ở các nước Á Đông lâu lâu cũng thực tập trai giới. Trước khi đăng đàn làm lễ tế trời đất thì các ông vua phải trai giới ít nhất là ba ngày, vua cũng phải ăn chay, nằm đất để thanh lọc cơ thể, để khi làm lễ trời đất thì mới có hiệu quả. Văn hóa Đông phương bắt buộc như vậy, bên Trung Quốc hay Việt Nam thì cũng đều làm như thế, dù mình là người Phật tử hay không phải Phật tử. Ví dụ như trong nước bị mất mùa, bị hạn hán, hay thiên tai thì người ta tin rằng tại vì ông vua thiếu đức, thiếu tu. Vì vậy các quan nói rằng : tâu bệ hạ, bệ hạ nên trai giới một thời gian để cầu nguyện và ông vua cũng chấp nhận điều đó. Ông vua ăn chay và không nằm trên giường ngự nữa mà đi tìm chiếc chiếu, xuống nằm dưới đất và nhất là không ngủ với các cung phi mỹ nữ, xa lìa các cung phi mỹ nữ.

Biết ăn chay, biết tu theo phạm hạnh
Có hạnh phúc khi gặp các hiền đức

Phạm hạnh (brahmacarya) có nghĩa là không có liên hệ tình dục. Người xuất sĩ thực tập phạm hạnh là điều đương nhiên rồi, nhưng người cư sĩ cũng phải nên thực tập phạm hạnh. Thỉnh thoảng các vị cư sĩ nên để ra một khoảng thời gian để trai giới, tránh có sự chung đụng. Có một thiền sinh Tây phương tới báo cáo với sư cô Chân Không là bà ta trai giới được một tháng rồi, trong một tháng đó bà không có liên hệ tới tình dục. Người xuất gia thì phải kiêng cữ suốt đời, còn người tại gia thì thỉnh thoảng cũng phải có những giai đoạn như vậy, mình phải trai, phải giới, phải tu phạm hạnh. Lâu lâu phải ăn chay, ăn đơn giản để thanh lọc thân tâm của mình.

Tại Làng Mai thỉnh thoảng có khóa tu sức khỏe, trong khóa tu mọi người ăn rất ít, không những ăn chay mà ăn rất là ít, uống nước rất nhiều, tập thể thao rất nhiều, súc ruột (nhịn ăn) để thanh lọc thân thể. Khi thân nhẹ nhàng thì tâm cũng nhẹ nhàng, mình cũng làm thế nào để cho những lo lắng, buồn phiền, tham đắm nhẹ bớt. Mình được tham dự một khóa tu, được nghe pháp thoại, được thực tập thiền tọa, thiền hành, và đi bộ một ngày mấy giờ đồng hồ, và cố nhiên là mình không có liên hệ tình dục thì thân tâm của mình được thanh lọc. Đây không phải chỉ là thực tập của những người xuất gia mà là cả của người tại gia. Nếu biết cách thực tập thì trong giai đoạn đó mình có hạnh phúc liền, còn bị bắt buộc phải làm thì mình không có hạnh phúc lắm.

Trong nguyên văn tiếng Phạn có chữ tapas có nghĩa là khổ hạnh, tiết chế, thanh lọc. Khổ hạnh (duskaracarya) tức là thực tập tiết chế. Trì trai và giữ giới, chữ trai dịch nguyên văn từ chữ tapas, tức là tiết chế khổ hạnh. Người cư sĩ cũng nên có những giai đoạn thực tập như vậy để thanh lọc thân và tâm của mình. Giữ giới là không gần gũi, chung chạ về vấn đề sắc dục. Cho nên phạm hạnh (brahmacarya) không phải chỉ cho người xuất gia mà người tu tại gia thỉnh thoảng cũng nên làm như vậy.

Bản dịch của kinh Phước Đức là biết tinh cần, tỉnh thức. Tinh cần ở đây tức là tinh cần thanh lọc. Thành ra mình phải sửa cho gần với nguyên văn hơn. Biết ăn chay, biết tu theo phạm hạnh mình nên dịch là biết tinh cần thanh lọc thân tâm và tu theo phạm hạnh thì hay hơn dịch là ăn chay. Ăn chay ở đây có nghĩa là thanh lọc thân, thanh lọc tâm, khổ hạnh một chút xíu để cho nhẹ nhàng. Trong bản dịch từ tiếng Pali mình cũng phải sửa lại là sống tinh cần, tỉnh thức. Tinh cần ở đây là chuyên cần thanh lọc thân tâm cho thường, chứ đừng có lâu lâu mới làm một lần mà mỗi năm phải làm nhiều lần. Đi một khóa tu sức khỏe, một khóa tu bảy ngày hay hai mốt ngày để thanh lọc thân tâm và tu theo phạm hạnh

Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung quốc, mỗi gia đình Phật tử đều có ăn chay ít nhất là ngày rằm hay mồng một. Quý vị là Phật tử, quý vị phải chấp nhận Năm Giới và phải ăn chay ít nhất là ngày rằm và ngày mồng một hàng tháng. Tối thiểu là ngày rằm và ngày mồng một quý vị tắm gội sạch sẽ, đi chùa, tu phạm hạnh, ăn chay, không uống rượu, không ăn thịt cá, không có liên hệ tình dục. Ngày đó là ngày linh thiêng của Phật tử tại gia. Phần lớn các cư sĩ đều thực tập thập trai, tức là mỗi tháng ăn chay mười ngày. Ở Việt Nam, trên lịch người ta luôn luôn nhắc rằng ngày hôm nay là ngày trai thành ra mình đi chợ mình không mua cá, mua thịt. Cố nhiên có một số Phật tử ăn chay trường, tức là ăn chay luôn ba muơi ngày một tháng.

Theo sự gởi gắm của Ủy Ban Nghiên Cứu Liên Hiệp Quốc thì muốn cứu trái đất khỏi tình trạng ô nhiễm, khỏi bị hâm nóng thì ít nhất phải ăn chay mười lăm ngày một tháng, tức là công nghệ chăn nuôi phải giảm thiểu 50%, tại vì công nghệ chăn nuôi đã phá rừng, đốn cây để làm đồng cỏ cho bò ăn, gây ô nhiễm sinh môi rất nhiều. Cách đây ba năm tôi kêu gọi Phật tử cố gắng ăn chay ít nhất là mười lăm ngày trong tháng, tức là thập ngũ trai. Đối với Phật tử Việt Nam thì không khó bao nhiêu, tại vì chỉ từ mười ngày lên mười lăm ngày và nếu có thể được ăn chay được luôn ba mươi ngày thì càng tốt. Thập trai là danh từ rất thông dụng và bây giờ mình làm thập ngũ trai. Cái này là làm theo lời khuyên của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc: Vì thương trái đất mà ăn chay. Nếu biết cách nấu thì ăn chay cũng ngon lắm. Các thầy các sư cô nấu rất ngon. Chắc là mình phải mở một khóa tu để học nấu chay, cố nhiên là khóa tu đó mình sẽ nấu những món rất ngon và khóa tu đó chắc chắn là sẽ khác với khóa tu sức khỏe. Khóa tu sức khỏe thì không nên nấu ăn ngon, mùi thơm của thức ăn sẽ làm cho mình mất thanh tịnh, mất an lạc.

Ăn chay là phương tiện hữu hiệu nhất để cứu hộ cho trái đất. Các nhà khoa học đã nói rằng nếu mình mua một chiếc xe hơi chạy bằng điện hoặc bằng dầu để cho bớt ô nhiễm, như chiếc hybrid của hãng Honda, nó chế tác rất ít khí CO2. Nhưng không bằng ăn chay, ăn chay lời hơn, hữu hiệu hơn là mua một chiếc xe.

Tại Làng Mai chúng tôi thực tập mỗi tuần một ngày không sử dụng xe, tại Xóm Mới thì thực tập thêm mỗi tuần một ngày không sử dụng điện (trừ những ngày mùa đông) và ở đây ăn chay luôn 365 ngày trong một năm. Thực tập như vậy chúng tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng. Tại vì làm được chuyện đó nên chúng tôi khuyên được các bạn của mình làm theo. Năm ngoái các thầy, các sư cô ở tu viện Lộc Uyển đã kêu gọi các bạn cư sĩ bên Hoa Kỳ thực tập ngày không xe (no car day). Các bạn thực tập được góp chung lại là 100.000 (một trăm ngàn) ngày không chạy xe. Rất là hay. Chúng ta có thể giúp cứu được hành tinh của chúng ta bằng cách thực tập câu này trong Kinh Cát Tường (Kinh Điềm Lành). Biết ăn chay, biết tu theo phạm hạnh, mình có thể dịch:

Thường tinh cần, thanh lọc thân tâm, tu theo phạm hạnh
Có hạnh phúc khi gặp các hiền đức


Thường dục kiến hiền minh: Có nhu yếu muốn được gặp các bậc hiền minh. Những người hiền có nghĩa là những người bạn, những bậc thầy có tu, có học. Mỗi khi nghĩ tới họ thì mình có ước muốn được gặp họ, đó là điềm lành.

Biết nương vào các bậc có trí sáng tức là người có trí tuệ vì những người có trí tuệ có thể giúp mình thoát ra khỏi những tình huống khó khăn, khổ đau, những lo lắng ưu sầu. Những khó khăn của mình nhờ lưỡi gươm của trí tuệ mà được cắt đứt. Nếu trí tuệ của mình còn thiếu thì mình phải gần gũi với các bậc hiền đức, các bậc có trí tuệ để họ soi sáng cho mình. Đôi khi khó khăn của mình mình phải loay hoay từ tuần này sang tuần khác mà không vượt thoát được tình trạng đó, gặp bậc có trí tuệ họ soi sáng cho mình một cái là mình thoát ra khỏi liền lập tức. Người kia nói cho mình có mấy câu thôi mà mình ra được. Rất là hay.

Y phụ minh trí giả: Biết nương vào những bậc có trí tuệ sáng suốt. Minh trí là trí tuệ sáng suốt. Đó là dấu hiệu của sự may mắn. Nếu một người biết trì trai, biết tu phạm hạnh, nếu người đó có nhu yếu muốn đi gặp những bậc hiền, nếu người đó biết nương vào những người có trí tuệ thì đó là dấu hiệu tốt lành mà mình có thể nhận diện được.

Bài kệ 11
Dĩ tín hữu đạo đức 已 信 有 道 德
Chánh ý hướng vô nghi 正 意 向 無 疑
Dục thoát tam ác đạo 欲 脫 三 惡 道
Thị vi tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Có niềm tin, có một đời sống tâm linh
Tâm ý ngay thẳng, không bị hoài nghi che lấp
Có quyết tâm lánh xa ba nẻo về xấu ác
Đó là điềm lành lớn nhất

Dĩ tín hữu đạo đức: Tín tức là niềm tin và niềm tin này không phải là niềm tin nơi một đấng thần linh mà nơi một con đường. Tín là một năng lượng, khi mình có năng lượng của niềm tin thì mình có sức mạnh, và có hạnh phúc. Trong đạo Bụt có nói tới năm nguồn năng lượng gọi là ngũ lực (panca balani): tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tín là năng lượng của niềm tin, chính nó tạo ra những năng lượng khác; tấn là sự chuyên cần, chuyên cần tu học, thực tập; niệm tức là năng lượng của sự có mặt đích thực; định là năng lượng của sự tập trung; những năng lượng này đưa tới trí tuệ, mà trí tuệ là lưỡi gươm có khả năng chặt đứt những sợi dây sầu khổ, lo lắng, tham đắm v.v… Năm nguồn năng lượng đó tạo ra bậc trí sáng, những bậc hiền nhân.

Dĩ tín hữu đạo đức: Hữu đạo đức là có một đời sống tâm linh. Không có một đời sống tâm linh thì mình không có năng lượng để đối diện, để tháo gỡ những khó khăn trong nội tâm của mình. Đời sống tâm linh được làm bằng năm nguồn năng lượng (tín, tấn, niệm, định, tuệ) và tu tập là để chế tác năm nguồn năng lượng này.

Chánh ý hướng vô nghi: Ở đây tôi dịch là tâm ý ngay thẳng, nhưng mình nên dịch lại là hướng về sự thực tập chánh kiến (right view). Chánh ý tức là chánh kiến mà chánh kiến là yếu tố đầu của Bát Chánh Đạo. Chánh kiến tức là tuệ. Khi có được chánh kiến rồi thì mình không nghi ngờ, không thắc mắc nữa, đó gọi là chánh ý hướng vô nghi. Hướng về phía thực hiện được chánh kiến để đi đến chỗ không ngờ vực, không thắc mắc nữa nghĩa là nó đi đôi với con đường tâm linh. Con đường tâm linh là con đường Bát Chánh Đạo, nó bắt đầu từ chánh kiến rồi tới chánh tư duy. Chánh ý cũng có nghĩa là chánh tư duy (right thinking). Chánh kiến và chánh tư duy đều được bao gồm trong danh từ chánh ý.

Dục thoát tam ác đạo: Có nhu yếu không muốn đi về ba nẻo tối tăm: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Theo cái thấy của đạo Bụt Đại thừa thì thế giới của địa ngục, thế giới của ma đói và thế giới của súc sanh không phải là ở một thế giới khác mà nó nằm ngay trong thế giới loài người. Trong con người có niết bàn, tịnh độ mà cũng có địa ngục. Mình đã sống như thế nào để niết bàn được biểu hiện? Hoặc mình đã sống như thế nào đó thì địa ngục có thể mở ra ngay trong lòng mình. Địa ngục hay niết bàn vốn nằm trong tâm của mình chứ không phải ở một cõi nào đó xa xôi. Có ba nẻo đường đen tối là: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nhưng ba con đường ấy không phải là ở một cõi khác trong tương lai mà nó có thể có ngay trong hiện tại. Súc sanh tức là chỉ biết sống theo bản năng ham muốn mà không màng gì tới tình thương, hiểu biết và giải thoát. Đường về gọi là thú, đạo cũng là thú, tam thú, ác thú. Tam ác đạo là ba nẻo về xấu ác. Trong đời sống hàng ngày mình không muốn để cho ba con đường xấu ác đó biểu hiện, nếu có quyết tâm ấy thì đó là điềm lành. Mình là người thực tập, là một hành giả mình không muốn đi về ba nẻo đường đó, cho nên mình tới với nhau để nương vào nhau. Có nhiều người không biết nên nhiều khi họ dìu nhau đi về hướng địa ngục, về cõi ma đói, về cõi xúc sanh chỉ biết thỏa mãn những thú tánh mà thôi.

Bài kệ 12
Đẳng tâm hành bố thí 等 心 行 布 施
Phụng chư đắc đạo giả 奉 諸 得 道 者
Diệc kính chư thiên nhân 亦 敬 諸 天 人
Thị vi tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Biết bố thí với tâm niệm bình đẳng
Biết phụng sự những bậc đắc đạo
Biết tôn quý những kẻ đáng tôn quý trong hai giới nhân và thiên
Đó là điềm lành lớn nhất.

Đẳng tâm hành bố thí: Đẳng tâm là tâm niệm bình đẳng, biết phụng sự những bậc đắc đạo, biết tôn quý những bậc đáng quý trong hai giới trời và người, đó là điềm lành lớn nhất. Đẳng tâm là tâm niệm không kỳ thị, coi tất cả mọi loài đều bằng nhau. Khi cứu giúp người thì mình không kỳ thị, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo. Giúp là giúp thôi, tại người ta khổ nên mình giúp đó gọi là đẳng tâm hành bố thí.

Bố thí là một phép thực tập, nó đem lại cho mình hạnh phúc, nó là một trong sáu sự thực tập có thể đưa mình từ bến bờ khổ đau, hệ lụy đi sang bến bờ thảnh thơi, an lạc, gọi là Lục Ba La Mật (Six Paramitas). Lục Ba La Mật là sáu phương pháp thực tập đưa mình từ bờ bên này sang bờ bên kia gồm: bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định, nhẫn nhục và trí tuệ. Phép thứ sáu có liên hệ với nguồn năng lượng thứ năm, gọi là tuệ. Phép thứ năm, nó liên hệ tới nguồn năng lượng thứ tư là định. Trì giới cũng liên hệ ít nhiều tới niệm định tuệ và có khi là giới định tuệ. Niệm và giới liên hệ mật thiết đến nỗi không phân biệt được, đó là trái tim của sự thực tập đạo Bụt, gọi là niệm định tuệ hay là giới định tuệ nó còn được gọi là tam vô lậu học, tức là ba sự rèn luyện, ba sự thực tập, nó giúp cho mình không rơi rụng trong thế giới của hệ lụy, sầu khổ. Vô lậu tức là không có rạn nứt, không rơi rớt xuống. Bố thí là hiến tặng, là phân phát, là chia sẻ. Sự thực tập đó có thể đưa từ thế giới của hận thù, của khổ đau, của hệ lụy đi sang thế giới của giải thoát, của an lạc, của tình thương. Khi giận ai thì mình không muốn cho người đó cái gì hết, để dành cho người khác, nhưng nếu mình nói, thôi cho người đó đi thì tự nhiên mình hết giận liền. Đó là một đề nghị của đức Thế Tôn.

Người mình thương, lâu lâu mình giận người đó, biết trước như vậy thì bây giờ khi chưa giận mình lo mua quà trước cất trong tủ, giữ cho kỹ, để khi nào mình giận mà tháo gỡ không được thì mình nhớ lời Bụt dạy, đi kiếm món quà tặng cho người đó : anh có món quà cho em, chỉ cần nghĩ tới vậy là mình hết giận liền, rất là hay. Bố thí không phải chỉ đối trị với sự ích kỷ, tham lam mà còn đối trị luôn với sân và si, nó đối trị cả tam độc. Khi mình biết rằng khổ đau của người đó tức là khổ đau của mình, làm cho người đó hạnh phúc thì mình được hạnh phúc hơn, đó là vô si, là trí tuệ, mà có trí tuệ thì hết khổ. Vì vậy bố thí không phải chỉ là đối trị với sự bỏn sẻn, tham lam, ích kỷ mà nó còn chuyển hóa luôn cả cái sân hận và cái si mê, cho nên gọi là Bố Thí Ba La Mật (Dana Pamarita). Vị Bồ Tát mà thực tập bố thí thì phải bố thí một cách bình đẳng, nghĩa là không phân biệt, không kỳ thị. Bố thí có nhiều loại, ở đây chúng ta chỉ nói tới ba loại là : tài thí, pháp thí và vô úy thí.
- Tài thí tức là bố thí tài vật như : tiền bạc, nhà ở, cơm áo, thuốc men…,
- Pháp thí là chỉ cho người kia phương pháp để người ấy thoát khổ. Mình biết con đường Bát Chánh Đạo nên biết cách tháo gỡ, hòa giải được cho họ, giúp họ vượt thoát buồn lo, sợ hãi. Thành ra không cần giàu có mới bố thí được, mình có trí tuệ là có thể bố thí được rất nhiều, mình có giáo pháp, mở khóa tu là pháp thí
- Thứ ba là vô úy thí tức là hiến tặng sự không sợ hãi, người kia sợ chết, người kia sợ đói, người kia sợ cô đơn. Cái sợ của người kia làm cho họ co rúm lại, khiến họ không thể có được hạnh phúc trong đời sống hàng ngày

Trên thế giới bây giờ cái sợ rất lớn, các nước đều sợ mà sợ những cái rất hão huyền, vì sợ cho nên phải mua súng, mua bom, vì sợ cho nên phải bỏ hết tiền ra để mà trang bị quân đội, không có tiền đủ để cung cấp lương thực cho dân. Thế giới bây giờ được vận hành trên cái sợ, vì sợ cho nên có nhu yếu muốn mua vũ khí mà nhiều người vì tham cho nên đã chơi trên cái sợ của người khác. Họ chế tạo vũ khí, họ nói nếu anh không mua cái này, mai mốt nó đánh anh, anh ráng chịu. Vì vậy mình biết rõ ràng rằng cái tham và cái sợ đi đôi với nhau. Vô úy thí là trao tặng sự không sợ hãi, mà muốn trao tặng sự vô úy thì chính mình phải có sự vô úy. Mình có trí tuệ, mình không sợ chết, không sợ đói, không sợ nghèo và khi mình có cái vô úy đó rồi thì mình mới có thể hiến tặng cho người khác được. Nhờ có trí tuệ mà mình không sợ hãi, còn nếu không có trí tuệ thì sợ hãi rất nhiều. Cái sợ đó đưa tới sự chia rẽ, bạo động, đưa tới nghi ngờ, đưa tới khủng bố và chống khủng bố. Vì vậy bố thí là một trong sáu phương pháp thực tập để đưa mình từ bờ của khổ đau, của hệ lụy đi sang bờ của giải thoát, của an lạc, của tình thương, của hạnh phúc. Bồ Tát Quan Thế Âm là một vị bồ tát chuyên môn ban tặng sự không sợ hãi.

Biết phụng sự những bậc đắc đạo: Đây là vấn đề đầu tư. Mình biết bố thí một cách bình đẳng không kỳ thị rồi nhưng mình cũng biết đầu tư nữa. Những bậc đắc đạo, những người có trí sáng thì sự có mặt của những vị đó rất có lợi cho quần chúng, cho nhân gian, tại vì có mặt của những người đó là có nhiều ánh sáng, có nhiều trí tuệ vì vậy giúp người ta sẽ không đi lầm đường, lạc lối, xuôi về ba nẻo xấu ác. Do đó mình phải đặc biệt yểm trợ những bậc đắc đạo, mình không kỳ thị, nhưng mình đặc biệt chú trọng tới các vị ấy, đó là vấn đề đầu tư. Đây là giá trị đạo đức, giá trị trí tuệ. Ở trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một đoạn khi mình mới nghe thì giống như là bố thí không có bình đẳng, đoạn đó nói rằng cho một người ác ăn cơm, không có công đức bằng cho một người hiền ăn cơm. Tại vì cho người hiền ăn cơm tức là đầu tư vào người hiền, người hiền đó có thể giúp được rất nhiều người. Cố nhiên là người ác khi đói cũng khổ, cho nên cũng cho họ ăn cơm, nhưng nếu mình có cơ hội cho người hiền ăn cơm thì công đức còn nhiều hơn nữa. Nó có nghĩa không phải là mình không cho người ác ăn cơm, nhưng trong khi bố thí thì có sự đầu tư vào trong đó. Thành ra hai cái không chống đối với nhau, nó có thể đi đôi với nhau, một bên là tâm không kỳ thị, một bên là ý hướng muốn đầu tư, nó tế nhị lắm.

Biết tôn qúy những kẻ đáng tôn qúy trong hai giới nhân và thiên: Nó cũng nằm trong tinh thần đó, nghĩa là mình phải có sự đối xử đặc biệt, tôn kính đối với người đáng tôn kính, tại vì những người đó có đạo hạnh, họ có trí tuệ. Mình yểm trợ cho những người đó thì nó có lợi lạc nhiều cho thế giới của mình. Tôn kính bậc đáng kính, cái này cũng có trong bản chữ Pali.

PHẦN CUỐI:

(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng ngày 13.12 tại chùa Cam Lộ - Xóm Hạ trong thiền đường Hội Ngàn Sao trong mùa An Cư (2009-2010)

Một buổi sáng, sau khi ngồi thiền, trong lúc chúng ta đi từ thiền đường Chuyển Hóa về lại phòng mình trong không khí ban mai rất trong lành, chúng ta có thể thưởng thức từng hơi thở, từng bước chân của mình. Nếu biết đi cho chánh niệm thì mỗi bước chân đều có thể đem lại cho mình rất nhiều hạnh phúc. Buổi chiều cũng vậy, ngồi thiền xong đã sáu giờ mấy, trời bắt đầu tối và không khí ở bên ngoài rất trong lành, mát mẻ và mình có thể đi từng bước hết sức thảnh thơi, hết sức nuôi dưỡng.

Tôi nhớ hồi đầu năm nay, Tết âm lịch năm 2009, vùng này có bão, các xóm của Làng Mai bị cúp điện. Tôi bị chóng mặt, đầu choáng váng, ngồi không vững, mỗi khi ngồi dậy là cái đầu xoay xoay rất khó chịu. Tôi cũng không thể nào đi từ phòng mình tới phòng vệ sinh được. Cố gắng hết sức, vịn vào tường, đi từng bước một mà cũng không đi được, rất là khó khăn, thành ra tôi phải nhờ người đem tới một cái chậu để đi tiểu ngay trong phòng. Tình trạng đó cứ kéo dài suốt cả tuần lễ. Bây giờ tôi đã hết chóng mặt, nên đi lại rất dễ dàng và mỗi khi tôi nhớ tới mấy ngày mình bị chóng mặt, đi không được thì mỗi bước chân của tôi đều có hạnh phúc. Chỉ cần nhớ tới mấy ngày khó khăn đó và mong ước đi được những bước chân cho vững thì tự nhiên mình có cảm tưởng là mình rất may mắn.

Bài kệ thứ 13:
Thường dục ly tham dâm 常 欲 離 貪 婬
Ngộ si sân nhuế ý 遇 癡 瞋 恚 意
Năng tập thành đạo kiến 能 習 成 道 見
Thị vi tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Biết xa lìa tham dục
Sân hận và si mê
Thường tu tập để mong đạt được chánh kiến
Đó là điềm lành lớn nhất.

Thường dục ly tham dâm: Có nghĩa là mình luôn luôn muốn lìa bỏ cái ham muốn và nhất là cái ham muốn về sắc dục. Mỗi khi có ham muốn, si mê và sân hận phát khởi thì mình phải nhận diện được nó. Chữ ngộ này có nghĩa là gặp.

Năng tập thành đạo kiến: Nhờ đó mà thấy được con đường thực tập, con đường Tứ Diệu Đế. Mình biết rằng tham, sân và si gây ra khổ đau, nhìn vào những khổ đau để thấy được gốc rễ của nó, thấy gốc rễ rồi thì sẽ thấy được con đường để chuyển hóa, đó là đạo kiến. Đạo kiến là thấy được con đường Bát Chánh, thấy được Tứ Diệu Đế.

Trong đạo Bụt mình thường hay nói tới ba năng lượng, ba chất độc (tam độc): tham dục, sân hận và si mê. Những chất độc này nó là những tâm hành, nó tiêu hủy thân tâm của mình và tiêu hủy thế giới. Có những chất độc thuộc về phạm vi hóa học ; vật lý hiện đang làm ô nhiễm môi trường, những chất độc hóa học đi vào trong nước, trong không khí, trong đất gây độc hại cho sự sống, đang tiêu diệt sự sống và các nhà khoa học, các nhà chính trị đang tìm cách khử diệt nó. Hiện giờ địa cầu bị hâm nóng là do chất khí CO2 quá nhiều trong không khí gây nên hiệu ứng nhà kính vì vậy nên các nhà khoa học đang tìm cách để chuyển hóa hoặc giảm bớt nó. Khoa học nói rằng mình có thể cô đọng chất CO2 lại, nhốt vào trong tảng đá lớn rồi chôn ở trong lòng đất. Họ còn cho chúng ta biết rằng cây cối có khả năng hút chất CO2 và chuyển hóa, nhưng hiện nay chúng ta không những không có đủ cây cối mà chúng ta còn chặt thêm cây, đốn thêm rừng. Trong nông nghiệp, khi trồng trọt mình sử dụng quá nhiều chất độc hóa học, làm ô nhiễm đất đai, sông hồ, làm ô nhiễm luôn cơ thể của con người. Trong công nghệ, sự sử dụng xe hơi và kỹ thuật chăn nuôi cũng tạo ra rất nhiều chất độc. Nếu khí hậu thay đổi mà mình không thể ngăn cản được thì trái đất nóng lên, băng tan thành nước, những thành phố gần bờ biển bị tràn ngập và hàng triệu người sẽ bị chết. Người ta biết trước như vậy.

Trong kinh này thì nói tới độc tố tâm lý, là tham, sân và si. Sự tàn phá của các độc tố này cũng ghê gớm không kém gì độc tố hóa học. Ví dụ như chuyện tham, vì tham cho nên có chiến tranh. Muốn xứ mình có đủ năng lượng cho guồng máy khổng lồ của quốc gia cho nên mình đem quân đội đi xâm chiếm vùng có dầu lửa. Tham lam, sợ hãi là những chất độc tâm lý, chứ không phải chất độc vật lý. Chính chất độc tâm lý đó tạo ra chiến tranh, gây nên đổ vỡ. Nếu có chiến tranh, nếu có khủng bố, và có chống khủng bố thì tất cả đều do sợ và bạo động (sân tức là bạo động) mà ra. Cái sợ, cái tham và cái sân có sức tàn phá ghê gớm. Những chất độc đó do mình chế tác ra quá nhiều trong đời sống hàng ngày và sức mạnh của chất độc tâm lý đó tàn phá đời sống của mình còn nhiều hơn là chất độc hóa học.

Ví dụ như chuyện tham dâm, chứng bệnh AIDS được truyền qua con đường dâm dục với những người đồng tính và những người dị tính. Bệnh AIDS đó tiêu diệt hàng triệu người ở Châu Phi cũng như ở chỗ khác. Lưỡi hái của thần Chết AIDS kết liễu sinh mạng hàng triệu người và sức tàn phá của nó còn mạnh hơn sức tàn phá của trái bom nguyên tử. Chuyện không giữ giới thứ ba đã để cho con vi khuẩn đó được truyền đi một cách rất mau chóng qua đường dâm dục và làm cho hàng triệu người chết. Hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki giết chết khoảng 200.000 (hai trăm ngàn) người, còn bệnh AIDS đã giết hàng triệu người. Thành thử mình đừng nói chỉ có chất độc hóa học mới độc hại cho sự sống mà chất độc trong tâm cũng ghê gớm lắm. Tu là để nhận diện chất độc ở bên trong và tìm cách để chuyển hóa những chất độc đó.

Bài kệ này cho ta biết rằng mỗi khi có tâm hành tham dục phát khởi thì mình phải có khả năng nhận diện nó, tại vì nó có sức phá hoại rất lớn, nó tiêu diệt mình và những người chung quanh mình. Mình phải dùng phương tiện nào để có thể chuyển hóa nó ? Đức Thế Tôn dạy rất kỹ, nếu có niệm, định, tuệ thì mình có thể ngăn chặn và chuyển hóa được tâm hành tham. Khi khát nước mà thấy một ly nước màu hồng rất đẹp thì mình thấy thèm và rất muốn uống, nhưng người ta cảnh báo nếu uống nước này vào sẽ chết, nếu không chết thì cũng ngất ngư và vì khát quá cho nên mình muốn uống, nhưng nhờ có trí tuệ cho nên mình đã không uống, tại vì mình biết rằng uống vào sẽ chết. Khi một tâm hành bạo động, sân hận phát khởi, là một hành giả mình phải có khả năng nhận diện được nó: Thở vào tôi biết đây là năng lượng của bạo động, giận hờn, năng lượng này đang tàn phá tôi và đẩy tôi tàn phá người khác cho nên tôi phải tìm cách hóa giải nó.

Theo phương pháp là phải có tuệ, phải có từ bi, và hiểu. Mà hiểu được thì có thể thương được và khi có hiểu, có thương thì cơn giận kia tan biến. Là người tu, mình phải biết cách dùng tâm hành này để chuyển hóa tâm hành kia. Những tâm hành như niệm, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả mình có thể chế tác được và khi có những tâm hành đó rồi thì mình có thể chuyển hóa được tâm hành sân, si, mạn, nghi, kiêu, sợ hãi v.v…

Ngoài đời người ta lo đối trị với chất độc hóa học còn trong đạo, mình lo đối trị độc tố trong tâm. Mình phải gọi được tên của từng độc tố một, phải học cách để có thể nhận diện từng độc tố đó và biết cách trung hòa, hóa giải chúng. Vì đạo Bụt thấy rằng khổ và vui tương tức, hoa và rác tương tức. Nếu hoa và rác đều là chất hữu cơ thì hoa có thể trở thành rác và rác có thể trở thành hoa. Tâm hành cũng vậy, thương cũng có trở thành ghét. Ban đầu thương nhau quá, nhưng nếu không biết cách thương thì sau vài năm thương biến thành ghét. Cái thương và cái ghét cũng là chất hữu cơ cho nên cái thương trở thành cái ghét được thì cái ghét cũng có thể trở thành cái thương được. Nếu biết ủ phân, ủ rác cho khéo thì mình có chất bổ nuôi hoa, cho nên mình không sợ. Những chất liệu tham, sân, si không phải đào đất chôn kỹ như người ta nghĩ tới chuyện chôn CO2 mà có thể chuyển rác thành hoa được. Có niệm, có định, có tuệ thì có từ, có bi, có tha thứ, có bao dung. Có tuệ, có từ, có bi thì mình có thể chuyển hóa được tâm hành độc hại trong con người của mình và giúp chuyển hóa tâm hành đó cho xã hội. Đó là bổn phận của người tu.

Ở ngoài đời họ có phòng thí nghiệm nghiên cứu thế nào để chuyển hóa chất độc hóa học, còn mình ngồi trong thiền đường nghiên cứu làm sao để chuyển hóa được độc tố ở trong lòng tiết ra, đó là công việc của người hành giả. Khi năng lượng của tham biểu hiện và bốc cháy thì thân thể và tâm hồn của mình cũng bị thiêu đốt. Có ngọn lửa tham dục trong lòng thì mình không thấy an, không thấy lạc, không có hạnh phúc gì hết. Con người mà bị lửa tham đốt cháy thì rất là khổ. Người đó có thể làm bất cứ cái gì và có thể gây ra khổ đau cho những người chung quanh. Nhưng nếu người đó có tu hoặc có người khác chỉ cho phương pháp tu để người đó có trí tuệ, có từ bi thì tự nhiên ngọn lửa tham đó tắt đi. Khi ngọn lửa tham tắt đi thì ta cảm thấy mát mẻ thanh lương, giống như có cơn mưa vừa mới rơi xuống. Lúc đó mình có tâm hành gọi là vô tham, mà có tâm hành vô tham thì mình có an lạc, có hạnh phúc. Kỳ sau, khi ngọn lửa tham cháy lên thì mình phải làm thế nào để cho ngọn lửa đó được dập tắt.

Ngọn lửa tham bốc cháy, nếu không phải ngọn lửa tham của một người mà là ngọn lửa tham của một đám người thì nó cháy dữ dội lắm. Ngọn lửa sân cũng vậy, khi ngọn lửa sân hận cháy lên thì mình mất hết an lạc, mình muốn đập, muốn phá, muốn tiêu diệt thế giới. Dễ sợ lắm, nhất là khi ngọn lửa đó là ngọn lửa sân tập thể thì không gì có thể ngăn chặn được. Các nhà khoa học làm thế nào để đối phó với ngọn lửa sân tập thể? Chiến tranh là kết quả của tham và sân tập thể. Ngọn lửa sân cũng tạo ra tình trạng nóng bức như ngọn lửa tham và khi biết chế tác những giọt nước từ bi để tưới lên thì nó sẽ dịu xuống.

Trừ nhiệt nhão dĩ giai đắc thanh lương: Trừ sự nóng bức là được mát mẻ. Cho nên thường thường tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm tay trái cầm tịnh bình có nước của từ bi và tay phải cầm một nhành dương liễu, nhúng vào nước từ bi mà rải thì tất cả phiền não, nóng bức trở thành thanh lương.

Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây *

Đó là phép lạ của người tu, người tu phải có khả năng diệt trừ được ngọn lửa của tham dục, ngọn lửa của sân hận và si mê, những ngọn lửa đưa tới sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng. Tu phải có mục đích rõ ràng, mình phải học cách để khi nào ngọn lửa tham, ngọn lửa sân bốc lên thì mình phải biết cách xử lý. Ở ngoài đời, để đối phó với chất độc hóa học người ta mới nghiên cứu, thí nghiệm. Ở trong đạo cũng vậy, để đối phó với chất độc trong lòng thì mình cũng nghiên cứu, học hỏi và thực tập. Mình biết rằng hạnh phúc làm sao có được nếu mà lửa tham, lửa sân, lửa ganh tỵ, lửa sợ hãi tiếp tục bừng cháy. Trong bài kệ này mình học rằng: Biết xa lìa tham dục sân hận và si mê thì mình phải có khả năng nhận diện để có thể có một cái thấy chính xác về con đường chuyển hóa.

Năng tập thành đạo kiến: Mình phải có khả năng tự luyện tập cho quen để mỗi khi thấy cái tham, cái sân, cái si bốc lên thì nhìn sâu vào trong đó để nhận diện học hỏi và tìm thấy được phương pháp thoát ra. Mình có thể rèn luyện mình để thực hiện được sự đạo kiến, tức cái thấy về Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Trong nguyên văn bản kinh có arya, saccana, dassana. Dassana tức là phải nhìn và thấy được cho sâu ở trong đó. Arya là diệu tức màu nhiệm. Saccana là đế, đế là sự thật. Có bốn sự thật mầu nhiệm là: Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Đạo kiến này có nghĩa là thấy được Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Con đường Bát Chánh là con đường giúp cho mình đối phó, xử lý được những chất độc được chế tạo, được biểu hiện ra trong tâm thức của mình và trong tâm thức cộng đồng.

Người ta nói sức tàn phá của bom đạn, của chất hóa học mà người ta không nói một cách kỹ lưỡng tới sức tàn phá của tâm hành, như tham đắm, giận hờn, ganh tỵ, si mê, nó có tác dụng phá hoại rất là lớn. Bây giờ bệnh AIDS đã tàn phá hàng triệu người, hàng triệu người đang chết từ từ, tại vì họ không thực tập giới thứ ba. Có những em bé mới sinh ra đã mang căn bệnh đó rồi, đây là tai họa rất lớn. Mình dịch lại cho sát với nguyên văn hơn:

Biết xa lìa tham dục
Biết nhận diện và xử lý sân hận và si mê mỗi khi chúng phát khởi
Để tập luyện mà có được cái thấy chính xác về Bát Chánh Đạo
Đó là điềm lành lớn nhất


Ở trong Bát Chánh Đạo có:

- Chánh kiến: là thấy đúng, cái thấy tương tức, cái thấy không kỳ thị
- Chánh tư duy: tư duy đi theo chiều hướng của hiểu và của thương
- Chánh ngữ: lời nói đi theo chiều hướng của hiểu và thương
- Chánh nghiệp: hành động cũng đi theo chiều hướng hiểu và thương.
- Chánh tinh tấn: bỏ công phu ra tu tập, luyện cho mình có được một cái thấy chính xác.
- Chánh mạng: có nghề nghiệp, có phương tiện sinh sống mà nó không đi trái với chánh kiến. Nghề nghiệp của mình không đem lại sự tàn hại cho con người, cho những loài khác và cho môi trường của sự sống
- Chánh niệm: ý thức được những gì đang xảy ra trong mình và xung quanh mình
- Chánh định: duy trì được cái thấy chính xác

Nhưng tất cả đều được soi sáng bởi chánh kiến. Tập thành đạo kiếnlà luyện tập như thế nào để thấy được con đường Bát Chánh Đạo. Chánh kiến tức là tuệ, là hoa trái của sự thực tập. Mình ngồi thiền, mình tu tập để đạt tới cái thấy chính xác, đó gọi là chánh kiến, là trí tuệ, là bát nhã. Cái thấy đó là cái thấy không kỳ thị, không lưỡng nguyên, một khi có cái thấy đó thì không còn tham đắm, giận hờn, ganh tỵ nữa. Cái đó gọi là Bát Nhã Ba La Mật, tức là trí tuệ đưa tới bờ bên kia.

Có chánh kiến rồi sẽ có chánh tư duy. Tư duy trên căn bản chánh kiến thì tư duy này cũng không kỳ thị, không lưỡng nguyên, tư duy theo tuệ giác tương tức. Tư duy như vậy thì sẽ không còn tham, sân, si. Có chánh kiến sẽ có chánh ngữ: lời nói này tạo ra sự hòa hợp mà không gây chia rẽ. Có chánh kiến rồi sẽ có chánh nghiệp: hành động của mình mang tính cách che chở, bảo hộ, cứu trợ, nó không tàn sát, kỳ thị nữa. Có chánh kiến thì mới có chánh tinh tấn, chánh mạng. Có chánh kiến thì mới có chánh niệm và chánh định. Tóm lại chánh kiến đưa tới bảy cái chánh kia.

Niệm, định càng hùng hậu thì tuệ giác càng lớn. Vì vậy cho nên chúng ta biết rằng trái tim của sự thực tập đạo Bụt là tam vô lậu học, tức là niệm, định, tuệ. Niệm, định, tuệ là tam học (the three kinds of trainings). Chánh niệm hùng hậu thì có chánh định. Chánh niệm và chánh định hùng hậu thì có chánh kiến, tức là tuệ giác, tức là có cái thấy rất là sáng rõ. Có cái thấy sáng rồi thì tư duy cũng đúng, nói năng cũng đúng và hành động cũng đúng, càng sáng thì làm càng đúng. Vì vậy cho nên trái tim của sự thực tập đạo Bụt là niệm (smrti), định (samadhi), tuệ (prajna).

Đặt vấn đề là làm sao giải quyết được vấn nạn của xã hội, của gia đình, của trái đất thì câu trả lời là phải sử dụng Bát Chánh Đạo và phải sử dụng Bát Chánh Đạo một cách thông minh, có phương pháp thì tự nhiên ta đối phó được với những chất độc tiết ra từ trong tâm của mình. Trước hết là sự thèm khát, mình phải đối trị được với thèm khát. Thứ đến là sự giận hờn, si mê, bạo động, nó đốt cháy thế gian, nó đốt cháy con người của mình do đó mình phải có trí tuệ, phải có từ bi để xử lý nó. Làm sao có từ bi nếu không có trí tuệ? Tất cả đều nằm ở chỗ này: năng tập thành đạo kiến, làm thế nào luyện tập, để có cái thấy về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo?

Bài kệ 14:
Nhược dĩ khí phi vụ 若 以 棄 非 務
Năng cần tu đạo dụng 能 勤 修 道 用
Thường sự ư khả sự 常 事 於 可 事
Thị vi tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Biết buông bỏ những nghiệp vụ phi nghĩa
Có khả năng áp dụng đạo pháp vào đời sống hằng ngày
Biết theo đuổi một lý tưởng đáng được theo đuổi
Đó là điềm lành lớn nhất

Nhược dĩ khí phi vụ: Phi vụ tức là những nghiệp vụ không chánh đáng. Những cái gì gây ra tai hại cho con người và thiên nhiên thì dù nó đem lại lợi tức nhiều cũng phải bỏ. Cái gì đem danh, đem lợi nhiều, nhưng nó tàn hại con người và thiên nhiên đều phải bỏ hết. Chữ vụ ở đây nghĩa là nghiệp vụ. Phi vụ là nghiệp vụ phi nghĩa.

Biết buông bỏ những nghiệp vụ phi nghĩa

Có ông làm một nghề giàu rất mau, mỗi năm thu lợi hàng triệu, hàng tỉ EU. Ông ta cũng biết rằng những sản phẩm mà hãng của ông sản xuất ra nó đầu độc con người, đầu độc trẻ em và đầu độc người lớn. Nhưng vì lợi nhuận của nó lớn quá nên ông ta không buông bỏ được. Ví dụ như ngành sản xuất súng đạn, bán rất chạy, tại vì thiên hạ cần mua súng đạn. Nước Mỹ, Pháp và Anh đều có những xưởng chế tạo vũ khí rất lớn và tiền chảy vào đó rất nhiều, nó cũng cung cấp công ăn việc làm cho nhiều người. Vì vậy cho nên nước Mỹ, Pháp, Anh không bỏ được nghiệp vụ sản xuất súng đạn, cái đó gọi là nghiệp vụ phi nghĩa. Trong khi những em bé ở các nước nghèo đói, nó chìa bàn tay ra với cái bát mẻ của nó một, hai, ba giờ đồng hồ rồi mà không có được một miếng bánh mì hoặc một miếng cơm. Đáng lý ra phải lấy tiền mua cơm cho nó thì mình lại lấy tiền đó đi mua súng đạn trong khi cái mà nó cần là cơm chứ không phải súng đạn.

Nếu dân chúng không biết những gì xảy ra (tức là không có niệm) và cứ để cho chính quyền tiếp tục làm như vậy thì phải biết rằng mình đang xây dựng nền kinh tế của mình bằng những nghiệp vụ phi nghĩa. Khi có đủ niệm, định rồi thì sẽ có tuệ. Có tuệ rồi thì mình có đủ sức mạnh để có thể ngưng lại những nghiệp vụ phi nghĩa. Mình phải trình bày sự thật, phải làm cho mọi người thấy được sự thật. Phải có cái thấy đó rồi mới mong có sự thay đổi, nếu không thì tình trạng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Có khả năng áp dụng đạo pháp vào đời sống hàng ngày.

Năng cần tu đạo dụng: Giáo pháp mà mình học hỏi phải làm thế nào để áp dụng được trong đời sống hàng ngày, đó là đạo dụng. Còn mình chỉ nói lý thuyết mà không áp dụng được thì không ích lợi gì, cho nên mình mới sử dụng danh từ Đạo Phật Ứng Dụng. Làm sao ứng dụng được? Ứng dụng đạo Phật như thế nào để có thể chuyển hóa được, dập tắt được những ngọn lửa tham, ngọn lửa sân, ngọn lửa sợ hãi, nghi ngờ ở trong lòng người? Phải cụ thể lắm mới được. Bắt đầu bằng chánh niệm để thấy được, nhận diện được những khổ đau đang có mặt, rồi nhìn vào trong bản chất những khổ đau để tìm ra gốc rễ, lúc đó mình mới có thể thấy được con đường đạo kiến (tập thành đạo kiến). Thấy được con đường đạo kiến mình mới có thể áp dụng được đạo Phật vào trong đời sống hàng ngày.

Những nhà chính trị, những nhà doanh nghiệp có những khổ đau, khó khăn của họ và mình phải nhận diện những khó khăn, khổ đau của họ trước khi mình hiến tặng cho họ những phương pháp để họ có thể tu tập, chuyển hóa.

Tôi nhớ lần đầu tiên mở khóa tu cho giới doanh nghiệp ở Làng Mai, tôi phải học hỏi rất nhiều. Tôi phải viết thư, phải cầu cứu với các bạn hữu, với các Phật tử xin họ nói cho tôi biết nhiều hơn về những khổ đau, những khó khăn của các nhà doanh nghiệp. Các bạn đã gửi tới cho tôi rất nhiều bài về những thành công, những thất bại, những lo lắng, những khổ đau của giới nhà giàu, giới doanh thương và tôi đã nghiên cứu những tài liệu ấy rất kỹ. Do đó, đến khóa tu tôi mới đưa ra được những phương pháp để họ có thể ứng dụng vào đời sống hàng ngày. Sau đó có những nhà doanh nghiệp viết thư cho tôi nói rằng: “Thầy ơi, khóa tu dành cho giới doanh thương đã giúp chúng tôi rất nhiều. Lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội nhìn lại cuộc đời của mình, nhìn lại những đau khổ, những vấn đề của chúng tôi, lần đầu tiên chúng tôi thấy có ánh sáng. Khóa tu chấm dứt ba bốn tháng rồi nhưng chúng tôi tiếp tục có thêm tuệ giác. Tuệ giác tới hàng ngày nhờ khóa tu đó, bây giờ chúng tôi thấy rõ hơn con đường mà mình phải đi và những phương pháp để đối trị với những khổ đau, những khó khăn trong đời sống hàng ngày”.

Sau khóa tu có nhiều nhà doanh nghiệp đã viết thư báo cáo như vậy và những bài pháp thoại trong khóa tu đã được đánh máy và in thành một cuốn sách bán rất chạy tại Mỹ và Hàn Quốc đó là cuốn Power, bản tiếng Việt của cuốn sách đó có tựa là Quyền Lực Đích Thực. Cuốn sách Power cũng như khóa tu đó là Đạo Phật Ứng Dụng cho những nhà doanh thương, những nhà chính trị. Hiện tại cuốn sách đó được lưu hành rộng rãi trong rất nhiều nước.

Bây giờ ở Việt Nam cuốn sách bán chạy nhất của tôi là cuốn Giận. Hình như bên đó người ta đang giận hơi nhiều, tại vì khổ nhiều quá, giận nhiều quá cho nên mới mua cuốn sách Giận của tôi để đọc cho bớt giận. Vì vậy cuốn sách đó bán chạy không phải là tin mừng đâu. Cuốn Giận (Anger) cũng bán rất chạy ở bên Mỹ. Cuốn Anger xuất hiện bên Mỹ rất đúng lúc, nó xuất hiện vào thời điểm 11.9.2001. Còn bên Hàn Quốc chỉ trong vòng một năm mà bán trên một triệu cuốn. Trong cuốn Giận có những phương pháp thực tập giúp đối trị với ngọn lửa giận đang phừng phực bốc cháy, đó là Đạo Phật Ứng Dụng.

Chúng tôi cũng đã tổ chức khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu. Khóa tu đầu tiên được tổ chức ở Colorado và sau đó chúng tôi còn tổ chức nhiều khóa tu nữa. Những gì mà đức Thế Tôn dạy về tâm, về phương pháp điều phục tâm, đã được đem ra chia sẻ với các nhà tâm lý trị liệu. Chư tổ nói rằng nếu mình biết được sự vận hành của tâm như thế nào thì sự thực tập sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy cho nên tôi có viết cuốn sách The Mind of Transformation, Understanding Our Mind, đó cũng thuộc về phạm vi Đạo Phật Ứng Dụng trong lĩnh vực tâm lý trị liệu.

Chúng tôi cũng đã có những khóa tu cho giới công an, cảnh sát và những người cai tù ở thành phố Madison (Wiscosin, USA). Tôi nhớ là trước khi mở khóa tu, tôi phải học nhiều lắm, phải học về những khó khăn, khổ đau của giới công an, cảnh sát, của giới nhà tù và tìm ra những sự thật rất đau lòng là: Mỗi năm ở bên Mỹ có khoảng 300 người cảnh sát tự tử bằng súng của chính mình, họ lấy súng của chính họ để tự sát. Mới nhìn vào mình tưởng ông cảnh sát oai lắm, có quyền hành ai cũng sợ, nhưng kỳ thực ông không có quyền gì hết, những quyền đó ông không sử dụng được cho chính ông và rốt cuộc ông bất lực, ông phải tự tử bằng súng của mình. Trước khi mở khóa tu cho cảnh sát, tôi cũng phải tìm hiểu nhiều lắm, tôi phải thấy được những khó khăn, bức xúc, tuyệt vọng khổ đau của họ thì tôi mới có thể trình bày Bát Chánh Đạo như thế nào để phù hợp với họ mới giúp cho họ được. Tôi rất cảm động khi thấy những chú cảnh sát Hoa Kỳ to lớn như vậy mà đi từng bước thiền hành, chậm rãi, thở ra, thở vào những hơi thật dài, đối với họ chuyện này rất là khó, nhưng một hồi rồi cũng làm được như thường. Tôi có một vị đệ tử là giáo thọ cư sĩ tên là Cheri Maples, ngày xưa cô cũng làm sĩ quan trong giới cảnh sát và trong gần hai mươi năm thực tập theo Làng Mai thì Cheri Maples đã áp dụng phương pháp Bát Chánh Đạo để huấn luyện cảnh sát và đã đạt được nhiều kết quả rất tốt. Đó là Đạo Phật Ứng Dụng.

Chúng tôi có những khóa tu cho giới giáo chức, giúp cho thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc hơn khi giảng dạy cho học trò. Tại vì thầy cô giáo cũng có rất nhiều khó khăn và học trò của họ cũng có rất nhiều khó khăn. Tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, chúng tôi dự tính sẽ mở những khóa tu cho các bậc làm cha mẹ đang có khó khăn với con cái, cho những người trẻ đang có khó khăn với bố mẹ hay cho những người vừa khám phá ra mình bị bệnh nan y, cho những người vừa mới mất người thân, tất cả những khóa tu đó đều thuộc về phạm vi của Đạo Phật Ứng Dụng. Chúng tôi sắp có khóa tu cho những người trẻ chuẩn bị thành hôn, giúp họ chuẩn bị trước những phương pháp thực tập để đừng rơi vào những lỗi lầm sau khi thành hôn rồi hối không kịp. Đó là những cố gắng của chúng tôi trong thế kỷ 21, đem Đạo Bụt Ứng Dụng vào trong đời sống hàng ngày, gọi là Đạo Phật Ứng Dụng, tiếng Anh gọi là Applied Buddhism. Bây giờ cơ sở của Viện Phật Học Ứng Dụng nằm ở bên Đức và các trung tâm khác như là Làng Mai, Lộc Uyển hay Bích Nham… đều trở thành phân viện của Viện Phật Học Ứng Dụng. Sau này nếu mình có Bát Nhã mới thì Bát Nhã cũng trở thành phân viện của Viện Phật Học Ứng Dụng. Đạo Phật phải ứng dụng được thì mới có ích lợi, chứ học lý thuyết suông sẽ không đưa tới đâu.

Thường sự ư khá sự: Sự ở đây có người dịch là thờ. Thờ ông bà, cha mẹ hay thờ chồng. Sự có nghĩa là phụng sự, ở đây tôi dịch là lý tưởng phụng sự.

Biết theo đuổi lý tưởng đáng được đeo đuổi

Cái gì mà mình cho là cao đẹp nhất và đáng để cho mình đầu tư tất cả con người của mình vào thì mình mới làm, chứ không phải ai mời gì cũng làm. Tham gia chuyện này, tham gia chuyện kia, rốt cuộc chẳng làm được gì hết. Phải chuyên tâm vào một cái mà mình cho là cao đẹp nhất để không mất thì giờ của mình.

Bài kệ thứ 15
Nhất thiết vi thiên hạ 一 切 為 天 下
Kiến lập đại từ ý 建 立 大 慈 意
Tu nhân an chúng sinh 修 人 安 眾 生
Thị vi tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Vì tất cả nhân loại
Vun bón tâm đại từ
Nuôi dưỡng tình thương để đem lại an bình cho thế gian
Đó là điềm lành lớn nhất

Nhất thiết vi thiên hạ:Thiên hạ là nhân loại. Vì thiên hạ kiến lập đại từ ý. Đại từ là maha maitri, maha karuna. Mình là người Phật tử, mình là học trò của Bụt, là sự nối tiếp của Đức Thế Tôn thì mình phải làm phát khởi tình thương lớn. Phải có tình thương lớn và tình thương lớn đó để cho tất cả nhân loại.

Kiến lập đại từ ý:Dồn hết tất cả năng lượng vì thiên hạ (humanity) mà kiến lập một chí nguyện lớn (đại từ ý).

Vì tất cả nhân loại
Vun bón tâm đại từ

Mình có thể dịch là phải làm phát khởi tâm đại từ để phục vụ cho toàn thể nhân loại. Vì nhân loại phát khởi tâm đại từ (the mind of love) mà mình hay nói là bồ đề tâm. Bồ đề tâm tức là tâm giác ngộ (the mind of enlightenment). Trí tuệ đi đôi với tình thương, hễ có trí tuệ là có tình thương lớn, vì vậy cho nên tâm đại từ tức cũng là tâm đại trí và tâm đại từ ở đây cũng là bồ đề tâm. Phải phát khởi tâm bồ đề, phát khởi lý tưởng đại từ, đại bi để tiếp nối đức Thế Tôn. Đại từ ý là bồ đề tâm, là đại bi tâm.

Tu nhân an chúng sanh: Trong bản in Đại Tạng đời Tống, đời Minh thì chữ nhân là nhân từ và vì vậy có nhiều thầy dịch là nuôi dưỡng tình thương. Bây giờ theo tôi nghĩ thì mình dùng chữ nhân là người, nuôi dưỡng con người, tại vì nếu con người mà thành công được thì những loài khác trên thế gian sẽ được hưởng. Thành ra thay vì dùng chữ nhân là nhân từ thì mình dùng chữ nhân là người ở trong bản Đại Chánh Tân Tu này, tức là phải xây dựng con người. Con người bị tàn phá hơi nhiều thành ra phải chỉnh lý con người lại, trồng người, dựng người, phục hồi lại con người tốt đẹp. Con người bây giờ bị thương tích, bị phá sản hơi nhiều cho nên không đóng được vai trò người anh của các loài. Con người đã tàn phá trái đất và làm cho tất cả các loài khác bị đau khổ, vì vậy phải tu bổ lại con người.

Chữ tu nhân ở đây, tôi muốn dịch là tu bổ lại con người, chứ không phải là tu tập lòng từ bi, tại vì từ bi đã nói trước rồi cho nên mình không cần phải lập lại nữa. Tu nhân tức là tu bổ lại con người để cho thế giới, cho các loài khác có một cơ hội. Những loài voi, cọp, sư tử, gấu, tôm, cá, khỉ, chim, tất cả các loài cầm thú, cỏ cây, đất đá sẽ được hưởng nếu con người được tu bổ lại. Thành ra tôi muốn giữ lại chữ nhân này, mình dịch là:

Tu bổ con người để con người có khả năng đem lại an bình cho các loài khác trên thế gian
Đó là điềm lành lớn nhất

Dịch như vậy thì lời kinh sẽ đẹp, sẽ sâu hơn. Lý tưởng của mình là phát tâm bồ đề, phát lời nguyện lớn, tình thương lớn. Việc làm trước nhất là tu bổ con người, điều này cũng phù hợp với đạo lý Đông phương ngày xưa: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Phải tu bổ lại con người, phải xây dựng lại con người thì thế giới mới có một cơ hội. Vì vậy cho nên mình có thể nói đạo Phật có một nền nhân bản rất là vững mà con người là căn bản. Như tổ Lâm Tế của chúng ta nói: Con người là quan trọng nhất! Không phải Phật, Thánh là quan trọng, không phải Thiên Thần, không phải Tam thiên đại thiên thế giới, thiên đường, địa ngục là quan trọng mà chính con người là quan trọng nhất. Thành ra chủ nghĩa nhân bản rất là lớn, rất là vững mạnh và ý này càng rõ hơn trong bài kệ chót.

Bài kệ 16
Trí giả cư thế gian 智 者 居 世 間
Thường tập cát tường hạnh 常 習 吉 祥 行
Tự trí thành tuệ kiến 自 致 成 慧 見
Thị vị tối cát tường 是 為 最 吉 祥

Dịch nghĩa:
Là bậc trí giả ở trong cuộc đời
Thường tập hạnh tạo tác những điềm lành
Cho đến khi chính mình thành tựu được tuệ giác lớn
Đó là điềm lành lớn nhất

Trí giả cư thế gian: Trí giả là bậc có trí tuệ, mà mình tu là để có trí tuệ. Những người có trí tuệ trong khi ở trong cuộc đời thì phải biết chế tác ra những điềm lành, chứ không phải đợi điềm lành từ bên ngoài tới. Câu này là câu trả lời trực tiếp của Bụt đối với những người phạm chí tới hỏi. Thường thường họ nói điềm lành là ở trên trời có mây ngũ sắc hay có gì xuất hiện như con chim phượng hoàng, con rùa lâu năm. Nhưng mà những cái đó từ bên ngoài tới, còn chủ ý của Bụt thì những điềm lành phải từ ở bên trong đưa ra.

Thường tập cát tường hạnh:Bậc trí giả sống trong thế gian đừng chờ điềm lành từ bên ngoài đi tới mà phải tự chế tác ra điềm lành và tất cả những bài kệ này đều là để mình tự chế ra điềm lành.

Là bậc trí giả ở trong cuộc đời thường tự tập hạnh tạo tác những điềm lành cho tới khi mình thành tựu được tuệ giác lớn.

Tự trí thành tuệ kiến: Tức là thành Phật, đây là điềm lành lớn nhất.

Sau khi vị Phạm chí và các đệ tử được nghe những lời Bụt dạy họ rất hoan hỷ và nói rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn là một bậc hiếm có, xin cho chúng con được quy y và làm đệ tử của Ngài”. Bụt nói được và tất cả những người đó đều trở thành đệ tử của Bụt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]