Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 02. Kinh Lăng Già giải nghĩa

31/10/201817:33(Xem: 5687)
Bài 02. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

 (5) Tự tánh: Tự tính là bản thể tâm, là Chân như, Phật tính, Như Lai tạng, Pháp tính tức bản tính của vạn pháp tịch nhiên thường trú không sinh không diệt, chứ chẳng phải là không có, cho nên nói là “tự tính chẳng không”. Vạn pháp trong vũ trụ có hai loại: Hữu tình và Vô tình; Tự tính của các loài Hữu tình thì gọi là Phật tính; Tự tính của vạn vật Vô tình thì gọi là Pháp tính.

 

(6) Hai thứ Vô ngã: Đó là vạn vật (Pháp) không phải là thật (vô ngã pháp) và con người (Nhân) không phải là ta thật (vô ngã nhân), nên gọi là hai thứ vô ngã.

 

(7) Từng loại phổ hiện: Phổ là rộng khắp, hiện là bày tỏ rõ ràng; từng loại phổ hiện là từng thứ hiện bày rõ ràng.

 

(8) Cứu cánh: Từ chữ Phạn Pàli: Uttara, dịch âm là Uất đa la. Hình dung cái cảnh giới cao đến cùng tột không gì hơn, hoặc sự vật đã đến mức cùng tận triệt để.

 

(9) Khi ấy, Bồ Tát Đại Huệ cùng Bồ Tát Ma Đế dạo khắp tất cả cõi Phật: Các vị Đại Bồ Tát có thể dùng Hóa thân, thân biến hóa, tức là Ứng thân trong Ba thân (Pháp, Báo, Ứng), là phân thân của Ứng thân, nghĩa là hình tướng nương nơi Ứng thân mà hóa hiện đi cúng dường mười phương Chư Phật, ngoài ra các vị thường dùng tâm dạo khắp các cõi Phật, nên ở đây nói hai vị Bồ Tát Đại Huệ và Ma Đế dạo khắp tất cả cõi Phật là vậy.

 

(10) Tán thán: Là khen ngợi, ca tụng.

 

(11) Nhĩ diệm: Phạn: Jĩeya. Cũng gọi là Nhĩ viêm, Hán dịch: Sở tri (chỗ biết), Cảnh giới, Trí mẫu, Trí cảnh. Pháp Ngũ Minh gồm: Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh và Nội minh đều là các cảnh giới có năng lực sinh ra trí tuệ, gọi là Nhĩ diệm. Thắng Man Bảo Quật quyển đầu, phần cuối nói: Nhĩ viêm nghĩa là Trí mẫu (Trí mẹ), có năng lực sinh ra trí tuệ. Cũng gọi là Trí cảnh, vì pháp Ngũ Minh hay sinh ra trí hiểu biết, cho nên Trí mẫu là trí soi rọi, gọi là Trí cảnh.

Theo Thật Dụng Phật Học Tự điển giải thích thì gồm có bốn nghĩa: Sở tri, cảnh giới, trí mẫu, trí cảnh. Bốn từ ngữ này cũng có tương tự cũng có hơi khác, như nghĩa SỞ TRI và CẢNH GIỚI thì thông cả trí và ngu, còn TRÍ CẢNH và TRÍ MẪU thì riêng cho bậc trí, lại gồm cả năng sở: Mẹ của trí là năng sinh, cảnh của trí là sở sinh.

 

(12) Niết Bàn: Niết Bàn do chữ Nibbana của Nam Phạn (Pali), và chữ Nirvana của Bắc Phạn (Sanscrit), do chữ Ni là không, và chữ Vana là dệt, ái dục. Niết Bàn là không dệt, không ái dục, dứt dục, diệt dục; Niết Bàn được hiểu rộng ra là tận diệt vô minh, tịch diệt, viên tịch, diệt độ, bất sinh, vô vi, an lạc, giải thoát v.v… Nghĩa là chỉ cưỡng gọi là Niết Bàn chứ chẳng thể lập, diệt hết ái dục thì gọi là Niết Bàn chứ chẳng có Niết Bàn của Phật, mà cũng chẳng có Phật nhập Niết Bàn, chẳng có chỗ cho Phật nhập. Niết Bàn có 3 nghĩa:

1. Tình trạng ngọn lửa phiền não đã bị dập tắt;

2. Là động từ, có nghĩa là nhập Niết-Bàn;

3. Vô vi (không tạo tác, không sinh diệt, tuyệt đối, thường trú…).

 

(13) Năng giác, sở giác: Năng giác là sức biết, Sở giác là cái được biết, chỗ biết.

 

(14) Thủ xả: Thủ: Là nắm giữ lấy, Xả: Là lià bỏ; thủ xả là lấy bỏ.

 

     Mục Tán Thán Phật, Quyển 1, là phần giới thiệu đại Bồ Tát Đại Huệ đại diện chúng hội, là bậc đại diện đứng đầu (thượng thủ) để hỏi Phật, đã được Chư Phật mười phương chấp nhận (làm phép quán đảnh); đối với cảnh giới tự tâm nhận biết đúng về trực giác (hiện lượng) của Ngài v chúng sinh. Tất cả không hình tướng, không số lượng (mọi tâm) hình chất và hình dáng (sắc), vô lượng pháp môn, cho đến danh, tướng, phân biệt, chính trí, như như (Năm pháp của tự tánh) và hai thứ Nhân vô ngã và Pháp vô ngã đều được thể hiện minh bạch, khéo giải nghĩa lý, thông đạt cùng tận. Khởi đầu, Bồ Tát Đại Huệ tán Phật bằng kệ với ý như sau:

 

1. Bốn câu kệ đầu:

- Thế gian lìa sinh diệt: Là sự sống chết đau khổ ở đời.

- Như hoa đốm trên không: Giống như khi bị hoa mắt thấy những tia sáng lóe lên như hoa rồi liền biến mất trong không trung; nghĩa là đời không thật bền vững, đời chỉ là giả tạm có rồi chết đi, biến mất mau chóng, nên phải quán chiếu mới thấy rõ vậy. 

- Trí chẳng trụ hữu vô: Là hiểu rõ sự lý đến cùng tột (Trí) thì không để tâm (trụ) nơi Có (hữu) hay nơi Không (), nghĩa là không nên chấp chặt vào điều gì cả, không nên dính mắc vào có không, đúng sai, đẹp xấu, hay dở, phải trái, yêu ghét, khen chê, vui buồn v.v…

- Mà khởi tâm đại bi: Là chỉ nghĩ đến làm lợi ích chúng sinh, thương xót giúp đỡ chúng sinh bớt khổ, được giải thoát.

Tóm lại, sống chết mọi sự ở đời là tạm bợ mau chóng, không một sự việc nào lâu bền cả, chẳng chấp có chẳng chấp không, mà chỉ khởi lòng thương xót tất cả chúng sinh, mong chúng sinh được giải thoát.

 

2. Bốn câu kệ thứ hai:

- Tất cả pháp như huyển: Là vạn vật vũ trụ (pháp) đều là giả tạm, ảo mộng, lừa dối (như huyển), nghiã là đủ nhân đủ duyên thì hợp, hết nhân duyên thì lià tan, không bền chắc không thật nên nói như huyển.

- Xa lìa nơi tâm thức: Là con người thường bị tâm thức đánh lừa, như huyển mà cho là thật nên bị cái huyển lôi kéo vào khổ nạn triền miên hết đời này sang đời khác trong sáu nẻo chúng sinh. Do đó phải lià tâm thức sai quấy ấy.

- Trí chẳng trụ hữu vô,

- Mà khởi tâm đại bi:

     Nghĩa là không nên chấp chặt vào điều gì cả, không nên dính mắc vào có không, đúng sai, đẹp xấu, phải trái, yêu ghét, vui buồn v.v… mà chỉ nghĩ đến làm lợi ích chúng sinh, thương xót giúp đỡ chúng sinh bớt khổ, được giải thoát.

Tóm lại, vạn pháp đều là ảo ảnh không thật, chỉ do tâm ý tạo ra, nên phải xa lià tâm thức sai trái ấy, chẳng chấp có không, mà khởi tâm thương xót chúng sinh, mong cho chúng sinh thoát khổ sinh tử.

 

3. Bốn câu kệ thứ ba:

- Xa lìa chấp đoạn thường: Là sự chấp của hai loại người:

- Chấp đoạn: Một loại người chấp đoạn cho rằng đời người là ngẫu nhiên may rủi từ khởi đầu cho tới khi chết là hết không còn gì, chẳng có đời sau. Những người này thuộc loại người thiếu trí tuệ suy xét, chỉ biết sống theo hưởng thụ, sẽ đưa xã hội đến chỗ giành giật mất công bằng …

- Chấp thường: Một loại người khác chấp con người là thường hằng, linh hồn của mỗi người trường tồn bất biến không thay đổi. Loại người này cũng là người kém hiểu biết, vì nếu như thế thì tại sao có người sinh ra khuyết tật mù điếc câm, sinh vào nhà nghèo khổ, có kẻ sinh ra đẹp đẽ, sinh vào nhà giàu sung sướng, nếu là linh hồn thì có thể tự lựa chọn chỗ đẹp đẽ giàu sang chứ?

     Như vậy, chấp đoạn và chấp thường đều sai, vạn vật và con người không phải là đoạn mà cũng chẳng phải là thường, không nên chấp giữ chúng trong lòng mà phải lià những tư tưởng đoạn thường, như thế mới là chính đạo.

- Pháp thế gian như mộng: Pháp là vạn vật, là mọi sự việc ở đời đều như giấc ngủ mơ tưởng là thật, chỉ khi nào tỉnh ngủ mới biết nó không phải thật mà chỉ là ảo. Khi đạt đạo mới thấy rõ ràng rằng cuộc đời giống như chiêm bao, là ảo tưởng huyển mộng mà thôi.

- Trí chẳng trụ hữu vô,

- Mà khởi tâm đại bi:

     Nghĩa là không nên chấp chặt vào điều gì cả, không nên dính mắc vào có không, đúng sai, đẹp xấu, phải trái, yêu ghét, vui buồn v.v… mà chỉ nghĩ đến làm lợi ích chúng sinh, thương xót giúp đỡ chúng sinh bớt khổ, được giải thoát.

Tóm lại, vạn pháp chẳng phải đoạn diệt và thường hằng, chúng chỉ như mộng ảo chiêm bao mà thôi, nên chẳng chấp chúng có hay không mà xa lià chúng, chỉ luôn luôn khởi tâm thương xót chúng sinh, giúp cho chúng sinh thoát khỏi khổ luân hồi.

 

4. Bốn câu kệ thứ tư:

- Biết nhân pháp Vô ngã: Biết cái ta, người, chúng sinh đều không có tự tể, nó chỉ là đủ nhân duyên nên tạm có, không thật, nên nói “nhân vô ngã”; vạn vật cũng vậy, tất cả đều không có chủ tể, đủ nhân duyên thì hợp tạm có, không thật, nên nói “pháp vô ngã”.

- Phiền não và Nhĩ diệm,

- Thường trong sạch vô tướng: Tất cả vui buồn và trí hiểu biết (Nhĩ diệm) đều không bị ràng buộc dính mắc, nên thường được trong sạch.

- Mà khởi tâm đại bi:  Mà khởi đại bi tâm đối với chúng sinh, mong cho chúng sinh được giải thoát.

Tóm lại, nếu biết được nhân pháp đều vô ngã thì không có gì ràng buộc, tất cả vui buồn và trí hiểu biết đều không bị dính mắc, tâm luôn luôn trong sạch và khởi tâm thương xót chúng sinh được thoát khổ.

 

5. Sáu câu kệ thứ năm:

Niết bàn (12) chẳng thể lập,

Chẳng có Niết Bàn Phật,

Chẳng có Phật Niết Bàn,

Lìa năng giác sở giác (13).

Hoặc có hoặc không có,

Cả hai thảy đều lìa.

     Đại ý là nếu không ái dục, dứt dục; tận diệt vô minh, thì gọi là Niết Bàn chứ chẳng có Niết Bàn của Phật, mà cũng chẳng có Phật nhập Niết Bàn, chẳng có chỗ cho Phật nhập; vì lià cái biết (giác) và cái để biết (sở giác), hoặc lià cái có và cái không thì chẳng còn cái gì gọi là Niết Bàn.

 

6. Bốn câu kệ thứ sáu:

Pháp thiền quán tịch tịnh,

Vốn lìa sự sinh khởi.

Chẳng đời này đời sau,

Gọi là chẳng thủ xả.

     Đại ý là không chấp có chấp không, thiền quán để đi vào thanh tịnh nên phải lià tất cả, kể cả chuyện sống chết (chẳng đời này đời sau) cũng không sinh khởi trong tâm, đó gọi là “chẳng thủ xả”, tức là không có thu nhận và rời bỏ, nghĩa là trong tâm không có một sự việc gì cả.

 

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]