Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 25: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

22/03/201722:22(Xem: 5108)
Bài 25: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

3 - TƯỞNG ẤM VỐN VÔ SINH

     Phật bảo An Nan:

- A Nan! Ví như nghe người nói đến trái mơ chua thì tiết ra nước miếng, nghĩ đến leo dốc cao thì lòng bàn chân ghê rợn, (nước miếng và ghê rợn dụ cho tưởng ấm), nên biết tưởng ấm cũng vậy.
- A Nan! Cái tiếng chua này chẳng từ trái mơ ra, cũng chẳng từ miệng ra. Nếu từ trái mơ ra thì trái mơ tự biết nói, đâu cần đợi người nói? Nếu từ miệng ra thì miệng phải tự nghe tiếng, đâu cần đợi tai nghe? Nếu chỉ riêng tai có nghe thì nước miếng sao chẳng từ tai chảy ra? Tưởng tượng mình leo dốc thì cũng như vậy. Nên biết tưởng ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà:  “- A Nan! Ví như nghe người nói đến trái mơ chua thì tiết ra nước miếng, nghĩ đến leo dốc cao thì lòng bàn chân ghê rợn, nên biết tưởng ấm cũng vậy”. Ở đây, Đức Phật chothí dụ khi nghe nói đến qủa mơ hay trái cóc chua thì tiết ra nước bọt trong miệng, khi nghĩ đến leo dốc cao thì lòng bàn chân ghê rợn, nước miếng và ghê rợn biểu trưng cho tưởng nhớ, vì những người đã từng trải qua cái cảm giác này khi ăn mơ hay ăn trái cóc thấy chua, khi leo dốc cao đường dài thấy mỏi gối đau chân, nên mỗi khi nghe nói đến thì nhớ ngay đến việc ấy và có cảm tưởng như thế, đó là “Tưởng Ấm” vậy.

     Đức Phật bảo: “- A Nan! Cái tiếng chua này chẳng từ trái mơ ra, cũng chẳng từ miệng ra. Nếu từ trái mơ ra thì trái mơ tự biết nói, đâu cần đợi người nói? Nếu từ miệng ra thì miệng phải tự nghe tiếng, đâu cần đợi tai nghe? Nếu chỉ riêng tai có nghe thì nước miếng sao chẳng từ tai chảy ra? Tưởng tượng mình leo dốc thì cũng như vậy”. Ngài biện luận chứng tỏ tiếng “chua” chẳng từ trái mơ ra, cũng chẳng từ miệng ra, tưởng tượng “leo dốc” thì cũng tương tự như vậy, vì vậy Tưởng Ấm là hư huyển ảo vọng không thật; do đó Ngài nói: “Nên biết tưởng ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh” là vậy.

4 - HÀNH ẤM VỐN VÔ SINH

     Phật bảo A Nan:

- A Nan! Ví như dòng nước chảy mạnh (dòng nước dụ cho Hành Ấm), làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau, nên biết Hành Ấm cũng vậy.
- A Nan! Tánh dòng nước như thế chẳng do hư không sanh ra, chẳng do nước mà có, chẳng phải tánh của nước, cũng chẳng lìa hư không và nước.
- Nếu do hư không sanh ra thì mười phương vô tận hư không đều thành dòng nước vô tận, và tự nhiên thế giới đều bị chìm đắm cả. Nếu do nước mà có thì nước là năng có, dòng nước là sở có, hai tướng khác nhau thì tánh của dòng nước lẽ ra chẳng phải là nước; nếu dòng nước tức là tánh của nước thì khi nước trong lặng lại chẳng phải tự thể của nước. Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài, và ngoài nước ra chẳng có dòng nước. Nên biết hành ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà: “- A Nan! Ví như dòng nước chảy mạnh, làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau, nên biết Hành Ấm cũng vậy”. Thí dụ như dòng nước chảy mạnh, làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau, dòng nước biểu trưng cho tạo tác tức là Hành; như suy nghĩ làm việc này rồi suy nghĩ làm việc khác nối tiếp nhau, nên biết Hành Ấm là như vậy.

     Đức Phật bảo: “Tánh dòng nước như thế chẳng do hư không sanh ra, chẳng do nước mà có, chẳng phải tánh của nước, cũng chẳng lìa hư không và nước”. Tại sao? Ngài giảng:

- “Nếu do hư không sanh ra thì mười phương vô tận hư không đều thành dòng nước vô tận, và tự nhiên thế giới đều bị chìm đắm cả”. Nghĩa là dòng nước chẳng thể do hư không sinh ra.

- “Nếu do nước mà có thì nước là năng có, dòng nước là sở có, hai tướng khác nhau thì tánh của dòng nước lẽ ra chẳng phải là nước”. Nghĩa là nếu do nước mà có dòng nước, thì nước là sức (năng) có, dòng nước là nơi chỗ (sở) có, hai tướng nước và tướng dòng nước khác nhau thì tính của dòng nước lẽ ra chẳng phải là tính của nước, do đó tính của dòng nước chẳng phải do nước mà có.

- “Nếu dòng nước tức là tánh của nước thì khi nước trong lặng lại chẳng phải tự thể của nước” Nghĩa là nếu dòng nước là tính của nước tức là tính của nó luôn luôn động, thì khi nước dừng trong lặng lại, sẽ chẳng phải là nước (vì tính của nó là động); do đó dòng nước chẳng phải là tính (tự thể) của nước.

- “Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài, và ngoài nước ra chẳng có dòng nước”. Tại sao? Vì nếu lìa hư không và nước, mà hư không vốn chẳng có trong hư không và ngoài hư không, thì chẳng thể lià hư không, và ngoài nước ra chẳng có dòng nước. Vì vậy cho nên biết Hành Ấm là hư ảo huyển hóa không thật, do đó đức Phật nói: “Nên biết hành ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên” là vậy.

5 - THỨC ẤM VỐN VÔ SINH

     Phật bảo A Nan:

- A Nan! Ví như có người lấy một cái bình (cái bình dụ cho nghiệp thân), trong đựng đầy hư không (hư không dụ cho thức ấm), bít kín miệng bình đem xa ngàn dặm tặng cho nước khác, nên biết Thức Ấm cũng vậy.
- A Nan! Hư không này chẳng phải từ phương kia ra, cũng chẳng phải từ phương này vào. Nếu từ phương kia ra, trong bình đã đựng hư không đem đi, thì phương kia phải thiếu hư không. Nếu từ phương này vào, khi mở miệng bình trút ra thì phải thấy hư không ra. Nên biết thức ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà: “- A Nan! Ví như có người lấy một cái bình trong đựng đầy hư không, bít kín miệng bình đem xa ngàn dặm tặng cho nước khác, nên biết Thức Ấm cũng vậy”. Ngài chothí dụ như có người lấy một cái bình trong đựng đầy hư không, bít kín miệng bình đem đi xa nghìn dặm tặng cho nước khác, để nói về Thức.

     Đức Phật bảo: “Hư không này chẳng phải từ phương kia ra, cũng chẳng phải từ phương này vào”, tại sao? Ngài giảng:

-         “Nếu từ phương kia ra, trong bình đã đựng hư không đem đi, thì phương kia phải thiếu hư không”, nên phương kia phải thiếu hư không, nhưng không phải vậy.

-         “Nếu từ phương này vào, khi mở miệng bình trút ra thì phải thấy hư không ra”, nên phương này phải thừa hư không, nhưng chẳng phải vậy.

     Ở đây, cái bình tượng trưng cho trần cảnh, hư không biểu trưng cho Thức, Thức là do Năm Căn (Sắc) tiếp xúc với Năm Trần (Trần), tùy theo bình tròn hay vuông mà có nhận thức, nghĩa là tùy theo trần cảnh mà có nhận thức phân biệt so sánh… Khi căn không có tiếp xúc với trần sẽ không có thức, do đó Thức Ấm sinh diệt, nó là hư ảo huyển hóa không thật, cho nên Đức Phật nói: “Nên biết Thức ấmhư huyển, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên” là vậy.

GIẢI NGHĨA VÔ SINH:

     Nói về vô sinh, Trung Quán Luận, Phẩm thứ nhất, 4 câu kệ thứ 3 viết rằng:
Các pháp chẳng tự sinh,
Cũng chẳng phải tha sinh,
Chẳng cộng chẳng vô nhân,
Cho nên nói Vô Sinh.

- Các Pháp chẳng tự sinh” là sao?

     Là vạn vật không sinh ra từ chính tự thế nó, mà phải chờ đủ các nhân duyên mới sinh ra; nếu pháp sinh ra từ chính tự thể của nó, thì một pháp có hai cá thể, một là sở sinh, hai là năng sinh; nếu chỉ từ chính tự thể nó sinh ra, thì thành không có nhân duyên và sinh ra lại sinh ra nữa, không cần nhân duyên mà sinh được sao? Không đúng, nên nói các pháp chẳng tự sinh vì phải đợi nhân duyên hòa hợp mới được sinh.

- Các Pháp chẳng tha sinh” là sao?

     Theo phép đối đãi: có sáng mới có tối, không có sáng thì làm gì có tối, nên tự và tha cũng là đối đãi nhau; ở trên đã chứng minh không có tự thì ở đây cũng không có tha. Do đó nếu không sinh từ chính nó, cũng không sinh từ cái khác, nên các pháp chẳng tha sinh.

- Chẳng cộng, chẳng vô nhân” là sao?

     Tự với tha đều chẳng thể thành lập như trên đã nói, thì lấy gì để cộng nên chẳng cộng; lại pháp đã từ nhân duyên sinh thì chẳng phải vô nhân.

- Cho nên nói vô sinh” là sao? Vì bản thể sáng tỏ của diệu tâm, phải do tu hành đến giác ngộ mới được hiển bày, chẳng tự nhiên mà thành. Vậy biết tất cả sự vật trên thế gian vốn là Vô Sinh, vì chẳng có lý do nào để sinh, người chứng ngộ tức là ngộ cái pháp "vô sinh" này vậy.

     Nếu ngộ tất cả pháp vô sinh thì Sắc như dụi mắt thấy hoa đốm trên không; Thụ như xoa bàn tay sinh những xúc giác trơn, rít, lạnh, nóng; Tưởng như nghe nói trái mơ thì tiết ra nước miếng hay nói dốc cao thì bàn chân ghê rợn; Hành như dòng nước chảy, nước chẳng phải chỗ sinh, dòng nước chẳng phải chỗ sinh; Thức như cái bình đựng đầy hư không, bình biểu trưng cho trần cảnh nghiệp nhân, hư không trong bình biểu trưng cho vọng thức.

     Gốc Biết (Bản Giác) tính không, cùng khắp pháp giới vũ trụ, khi mê thành vọng thức, sai lầm thì thành hư không ở trong bình, bít kín miệng bình biểu trưng cho so đo phân biệt giống hay khác, có trong có ngoài. Kỳ thật trong bình ngoài bình chỉ cùng một hư không, hư không biểu trưng cho tính và thức vốn là một thể, hư không chẳng qúa khứ chẳng tương lai biểu trưng cho tính chẳng sinh diệt; bình biểu trưng trần cảnh do sai lầm tạo vọng nghiệp, hư không trong bình biểu trưng vọng thức sai lầm. Nghiệp và vọng thức như đem bình đựng hư không đi các nước khác, biểu trưng cho phải sống chết đọa vào một trong sáu cõi Trời, Người, Thần, Qủy, Súc sinh, hay Địa ngục, cam chịu luân hồi!

(Quyển hai hết)

(Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]