Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Ðại Phương Ðẳng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới

29/03/201418:00(Xem: 15685)
Kinh Ðại Phương Ðẳng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới

Buddha_1
Kinh Ðại Phương Ðẳng Như Lai

Bất Tư Nghì Cảnh Giới

Đời Ðường, Tam Tạng Pháp Sư Xoa Nan Ðà,

Người nước Vu Ðiền dịch từ Phạm Văn qua Hoa Văn

Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Minh Lễ


Tôi nghe như vầy: Vào khoảng thời gian Phật thành Chánh Giác dưới gốc cây Bồ Ðề thuộc nước Ma Kiệt Đề. Cây Bồ Ðề đó tên là A Tiếp Ba gốc rễ rắn chắc, thân cây ngay thẳng, xung quanh không có mắt đốt, suông đuột như gỗ chiên đàn, trên cây chim chóc không bay qua lại, bay lánh đi nơi khác. Da cây trơn láng ảnh hiện nhiều vân giống như mảnh lụa thêu, lá cây xanh dờn, nhánh nhóc um tùm đều trổ hoa đẹp hương thơm bay tỏa thật đáng thích ưa, trừ cây Câu Ty La Ba Lợi Chất Đa ra, kỳ dư không có loại cây nào có thể sánh được. Xung quanh còn có rất nhiều cây nhỏ khác, nhưng cây Bồ Ðề có thể nói thật xứng đáng là vua trong các cây: vừa sum suê lại đẹp đẽ giống như hòn núi Tu Di đứng đầu trong các núi. Trong chu vi một do tuần không có cây nào có thể tạm cao ngang hàng. Cây Bồ Ðề tỏa hương thơm cùng khắp, ánh sáng lấp lánh; ban đêm ở xa nhìn tưởng là đám cháy lớn. Phía dưới cây, những kỳ hoa dị thảo mọc chen chúc nhau cùng với nhiều loại hoa đẹp thơm ngát xa trông như bộ đuôi công, người xem nhìn mãi không chán.

Đức Như Lai ngồi dưới cây đó một cách ngay ngắn, đại chúng ngồi xung quanh như muôn vạn ngôi sao bao bọc bên ánh trăng trong. Lúc đó có các đức Phật ở thế giới khác số nhiều như những bụi ở khắp mười thế giới Phật đến dự để thêm phần trang nghiêm cho đại chúng đạo tràng Tỳ Lô Giá Na. Các vị thị hiện hình dáng Bồ Tát ngồi trong pháp hội, tên các ngài là: Quán Tự Tại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Kim Cang Tạng Bồ Tát, Duy Ma Cật Bồ Tát, Thiện Oai Quang Bồ Tát, Diệt Chư Cái Bồ Tát, Bảo Thủ Bồ Tát, Đại Huệ Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát. Các hàng Bồ Tát như thế đều là bực thượng thủ.

Lại có vô lượng ngàn ức Bồ Tát thị hiện hình dáng Thinh Văn cũng đến dự trong pháp hội; tên các ngài là Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, La Hầu La, A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Ba Ly, A Na Luật, Ly Bà Đa, A Nan, Đề Bà Đạt Đa, Bạt Nan Đà v.v... làm bậc thượng thủ. Các vị này đều đã từng tu tập Ba La Mật cận kề trí giác Bồ Ðề, vì để độ chúng sanh nơi cõi nhơ tạp nầy nên thị hiện ra hình dạng Thinh Văn.

Lại có vô lượng tỳ kheo ni, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề là thượng thủ. Họ đều thành tựu nghiệp nhơn đại trượng phu; chỉ vì mong muốn chinh phục các chúng sanh nhút nhát yếu hèn nên thị hiện ra thân đàn bà con gái.

Lại có vô lượng các vị trời Đế Thích, Phạm Vương Hộ Thế, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già hoặc người hay phi nhân v.v... họ cũng là các bậc Bồ Tát thị hiện chớ không phải phàm phu.

Khi ấy đức Thế Tôn ngồi dưới cây Bồ Ðề ngay ngắn và đẹp đẽ nầy giống như cây Ba Lợi Chất Đa có treo viên ngọc như ý. Chánh niệm ngài không lay động khác nào hòn núi Tu Di. Vì muốn cho các Bồ Tát và tất cả chúng sanh thấu rõ được sức oai thần thiền định sâu kín của Phật nên ngài nhập tam muội tên là "Như Lai bất tư nghị cảnh giới", tức thời trong ba mươi hai tướng tốt của Thế Tôn: mỗi mỗi tướng đều hiển hiện hết các thế giới Phật của chư Phật ở khắp mười phương giống như gương trong ảnh hiện đối tượng rõ ràng. Trong các vẻ đẹp cũng hiện lại lúc Như Lai tu hạnh Bồ Tát, những hạnh khó làm khổ công lao nhọc từ lúc là vua Quang Minh đến thân sau cùng là Thiện Thệ ở đời Phật Nhiên Đăng. Trong các đời đó đều buông xả nào đầu mắt, thân thể, da, thịt, tay chân, vợ con tôi tớ ngay cả nước non, ngai vàng, cung điện... Do sức vĩ đại của tam muội nên tất cả các đức Phật lúc ăn, lúc đi, lúc nói pháp, lúc nhập Niết Bàn đều nhập vào định này.

Tại sao làm như thế? Là vì tất cả các đức Như Lai y cứ tam muội nầy thành tựu được vô lượng sức oai thần siêu việt... cho đến chứng nhập tất cả pháp không nên có năng lực thị hiện các sự tự tại ở khắp mười phương thế giới Phật.

Thí như có người nằm chiêm bao thấy nhiều việc lạ lùng, chừng tỉnh ra những gì đã thấy đều không cả. Kẻ phàm phu cũng vậy vì giấc mộng vô minh mê mờ đối với các pháp sanh ý tưởng cho là thật thể, các Phật đã giác ngộ rồi nên không còn đắm trước. Vì vậy trong khoảng một niệm đức Phật có thừa năng lực thị hiện vô lượng Phật sự ở khắp mười phương tất cả thế giới một cách tự tại không bị gì trở ngại, đem lại sự lợi ích vĩ đại là thành tựu chúng sanh, đều làm cho họ giác ngộ thể nhập vô lượng môn giải thoát sâu xa vi diệu.

Khi đó Bồ Tát Đức Tạng vì chưa hoàn mãn Bồ Tát hạnh nên thưa hỏi với Ðại Bồ Tát Phổ Hiền:

- Bạch ngài! Hôm nay đức Như Lai nhập tam muội, tên tam muội đó là gì? Làm thế nào đắc? Làm sao lại thị hiện các thứ Phật sự ở khắp mười phương tất cả thế giới một cách tự tại để độ thoát chúng sanh?

Bồ Tát Phổ Hiền liền trả lời ngay:

- Ông hãy lắng tai nghe cho kỹ! Ta nói cho ông đây.

Ngay khi ấy các Bồ Tát cũng đều một lòng chăm chú khác tiếng nhưng đồng một lời cất lên:

- Lời hỏi thật hay lắm! Hết sức sâu xa vi diệu! Thưa ngài Phổ Hiền, ngài là tri kiến của tất cả xin hãy nói ra đi!

Đương lúc đó mặt đất chấn động sáu cách, trên trời rải hoa xuống như mưa, tất cả phiền não, sự khổ của chúng sanh cũng tạm dừng được đôi chút.

Bồ Tát Phổ Hiền dạy:

- Nầy các Phật tử! Tam muội nầy tên là Như Lai bất tư nghị cảnh giới tức là cây Bồ Ðề của tất cả các Phật, vì các ngài thường y cứ và an trụ nơi đó. Đức Thế Tôn lúc vừa được Phật Nhiên Đăng thọ ký liền nhập vào định này, thường vô công dụng lại tự nhiên ứng hiện vô lượng Phật sự như là: giữa hư không trên đầu sợi lông có các thế giới Phật nhiều như số bụi ở tất cả cõi Phật, trong sự thị hiện hoặc sanh lên trời Đâu Suất hay từ đó ẩn mất giáng sanh vào thai mẹ, hoặc hiện ra trẻ sơ sinh đi bảy bước tự nói: "Giờ đây ta tức là ranh giới sanh tử", hay thị hiện ở hoàng cung rồi xuất gia tu khổ hạnh hoặc hiện tướng hàng phục quần ma thành bực Ðẳng Chánh Giác xoay chuyển pháp luân huyền diệu, hay hiện ở đời trải qua vô lượng kiếp độ các chúng sanh làm cho họ xa lìa sự khổ, hoặc thị hiện nhập Niết Bàn. Hoặc có năng lực làm tất cả kiếp thu lại thành một sát na, hay trong sát na kéo dài ra tất cả kiếp, kiếp và sát na không hơn không kém.

Cho đến tất cả chúng sanh chưa giải thoát hết, trong sát na đồng thời hiện khắp ở các thế giới nầy làm các Phật sự như thế không có lúc nào tạm dừng nghỉ lại vô công dụng. Như trong niệm niệm hiện các oai nghi khuôn thức của các đức Phật ở khắp vô lượng thế giới Phật trên đầu sợi lông giữa hư không nhưng vô công dụng, cho đến đầy khắp cả hư không những đầu sợi lông hiện các thế giới cũng đều làm như thế.

Lại nữa tất cả bụi ở trong các thế giới, trong mỗi hạt bụi lại có thế giới nhiều hơn số bụi ở tất cả cõi Phật cũng trong khoảng một sát na trong khắp mỗi một thế giới đó tự nhiên hiển hiện lên đầy đủ những hành vi đoan trang của Phật lúc ngài sanh lên cung trời cho đến khi nhập diệt, giải thoát vô lượng chúng sanh, niệm niệm như thế cho đến hết giới hạn thời gian vị lai cũng thường đem lại lợi ích chúng sanh, dù hư không kia có hết, chúng sanh giới có tận cũng không dừng nghỉ, nhưng thế giới Phật không tăng hạt bụi cũng không giảm. Tại sao? Là vì tất cả pháp khác nào ảo ảnh không bền chắc.

Thí như các đại Bồ Tát nhiều như số bụi ở mười phương thế giới Phật đến dự hội nầy cùng ở tại nước Ma Kiệt Đề với diện tích độ mười hai do tuần lại không trở ngại lẫn nhau. Trong mỗi hạt bụi các ngài mang lại dung chứa vô số thế giới Phật hoặc hình thế ngoảnh lên hay úp xuống, đối diện hoặc đâu lưng, dựa một bên hay chồng chất nhau nhưng không trở ngại nhau. Như người nằm mơ chỉ tại một nơi nhưng lại xảy ra rất nhiều chuyện, vì do không thật nên việc nầy không trở ngại việc kia.

Các thế giới cũng đều duy tâm hiển hiện hoặc thấy kiếp hỏa vừa hừng cháy hay đã thiêu sạch thế giới, hoặc do phong đại dựng thành, hoặc là tịnh hay uế hoặc không có Phật cũng đều do theo tự tâm nghiệp của chúng sanh nên thấy những việc không đồng nhau như thế.

Như loài quỷ đói bị sự đói khát dày vò thân tâm, bọn nó đi qua sông Hằng hoặc có hạng thấy đó là nước, có loại xem đó là tro, than, máu, huyết tanh hôi, phẩn giải thối tha hết sức là dơ bẩn. Chúng sanh cũng vậy; đều tùy theo nghiệp lực hoặc thấy thế giới Phật là thanh tịnh hay nhơ uế, Phật ở đời hay nhập Niết Bàn, hoặc thấy Phật ngồi ở đạo tràng nói pháp cho đại chúng nghe mà thính chúng có kẻ nghe nói về Ðệ Nhứt Nghĩa Ðế, người lại nghe khen ngợi pháp bố thí. Có người lại thấy Phật thân ngài cao gấp đôi người thường, hay cao hơn bảy lần hoặc cao một do tuần hay trăm do tuần, ngàn do tuần. Có người thấy ánh sáng của Phật như ánh nắng mặt trời vừa mọc, kẻ lại thấy như ánh sáng trăng tròn. Kẻ lại bị nghiệp chướng gặp lúc Phật Thế Tôn đã nhập diệt lâu xa rồi, người thì không được nghe danh hiệu ngài, có khác chi loài quỷ đói khát trước dòng sông Hằng rộng dài mênh mông lại không thấy nước mà chỉ thấy toàn là những vật dơ bẩn.

Có kẻ thấy các đức Phật đều từ thế giới các ngài thị hiện ra hình dáng các bậc Bồ Tát có oai đức đến dự pháp hội nầy. Hoặc có thế giới ở đó chúng sanh chỉ thấy là kiếp hỏa thiêu đốt. Cũng có thế giới chúng sanh lại thấy ấm no phồn thịnh, dân cư đều gặp Phật. Có kẻ thấy đức Như Lai thu tất cả thế giới để vào một cõi Phật, đem một thế giới Phật để vào tất cả cõi.

Như các người mắc bịnh nhặm mắt dù cùng ở chung một chỗ nhưng người thấy vầy, kẻ thấy khác, không ai giống ai; chỉ vì do bịnh nhặm mắt nên không nhận được sự thật. Chúng sanh cũng vậy, sắc tánh vốn vô ngại chỉ vì tâm duyên theo sự sai biệt nên che lấp chánh kiến, vì vậy không thấu rõ được sự chơn thật.

Nầy Phật tử! Giờ đây ta lại nói sơ lược về pháp an trụ tam muội nầy. Như các đức Phật Thế Tôn an trụ trong tam muội Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới, trong khoảng một niệm khắp vô lượng thế giới chư Phật trên đầu sợi lông cùng khắp hư không và mỗi hạt bụi ở thế giới Phật đều có pháp giới nhiều như bụi ở thế giới, vì để làm lợi ích cho chúng sanh nên mỗi sát na thị hiện ra các phương tiện oai nghi cử chỉ của các đức Phật nhiều như số bụi ở mười phương thế giới Phật. Cho đến chúng sanh chưa chứng đắc trí giác vô thượng thì không bao giờ các ngài tạm dừng nghỉ. Một Phật như thế, vị thứ hai, thứ ba cho đến tất cả các đức Phật ở khắp mười phương đều hiện ra sức oai đức như thế cả.

Khi đó Đức Tạng Bồ Tát vừa nghe lời dạy xong ngay lúc đang ngồi tại pháp tòa liền đắc được tam muội nầy, tức khắc thấy được vô lượng đức Phật, biết hết các oai đức và sức phương tiện của các đức Phật. Nhờ năng lực tam muội nầy cũng có thể hàng phục được chúng sanh, các Bồ Tát nhiều bằng trăm lần số cát sông Hằng đều chứng được nhiều thứ tam muội, Vô Sanh Nhẫn và các địa, ngài Quán Tự Tại v.v... các đại Bồ Tát an trụ bậc Thập Ðịa đã hoàn mãn công đức diệu hạnh, đều đã từng đắc được tam muội nầy từ lâu xa rồi có năng lực làm cho trong một sát na bao dung vô lượng kiếp, trong một mảy bụi lại chứa vô số thế giới, chỉ trong khoảng một niệm lại hiện khắp tất cả thế giới vô lượng chúng sanh, vì hằng do sức vô công dụng nên tự nhiên thị hiện các Phật sự. Dù các Bồ Tát nầy ngồi nghe được pháp như thế nhưng cũng không có thêm gì như bình đã đầy nước đem để ngoài mưa cũng không chứa thêm một giọt nước, các vị ấy cũng giống thế.

Khi đó đức Thế Tôn nhập trong định phóng ánh sáng giữa chặng mày tên là "Đại Hiển Phát", bao nhiêu Bồ Tát chưa chứng Thập Ðịa công hạnh hãy còn nhờ sức hữu công dụng chạm phải ánh sáng này đều thấy giữa không trung vô lượng thế giới Phật nằm trên đầu sợi lông và trong hạt bụi khác chi hạt cải trắng đựng trong bình lưu ly người nhìn liền thấy, các vị Bồ Tát nhìn được tất cả thế giới Phật trong hạt bụi cũng giống như thế. Các vị lại thấy tất cả các đức Phật ở thế giới nơi đó: nơi mỗi thân Phật lại thấy thân tất cả các Phật. Mỗi một Phật có vô lượng tên, các ngài đều vì muốn đem lại sự lợi ích cho chúng sanh nên niệm niệm thường thị hiện ở các thế giới Phật tự nhiên thành đạo vô thượng Bồ Ðề.

Thí dụ như trên cây cột cao vót treo viên ngọc Như Ý tự nhiên làm mưa rơi xuống các thứ ngọc báu tùy theo ý thích chúng sanh đều được thỏa mãn, đức Như Lai cũng vậy hiện thành Chánh Giác tự nhiên độ thoát chúng sanh vô lượng trong các thế giới nầy, các chúng sanh đều khác biệt nhau nhưng không hề bị cách ngại, giống như kẻ có thần thông bay dạo giữa hư không xuyên qua núi non, biển, sông, vách đá mà không bị chi trở ngại. Tại sao thế? Là vì tất cả thế giới của sáu loài đều như ảo hóa không chắc thật. Các vị Bồ Tát đã thấy như thế nên đều thấy tự thân hiện khắp tất cả thế giới, trong một niệm hiện ra trước một Phật, thời gian trải qua là một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, trăm kiếp ngàn kiếp, hoặc trong giây lát hay trong một niệm tỏ lòng cung kính hay nghe Phật nói về các môn Ba La Mật, Đà Ra Ni hay các địa, thần thông. Do vì trong tất cả kiếp lại dung chứa vào một niệm nên tâm các ngài sanh sự nghĩ tưởng cho là lạ lùng khó gặp, mới nhủ thầm: Tại sao đức Thế Tôn có oai đức tự tại trong một sát na lại làm cho ta hoàn mãn thiện căn phước đức của vô lượng kiếp tu tập, mau chứng được sức oai thần vĩ đại của tam muội Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới?

Lúc đó Đức Tạng Bồ Tát vì mong muốn cho chúng sanh hưởng được sự lợi ích nên lại hỏi Bồ Tát Phổ Hiền:

- Nếu có người muốn chứng tam muội cần phải tu phước đức bố thí, trì giới, trí huệ ra làm sao? Cúi xin ngài dạy bảo!

Bồ Tát Phổ Hiền là bậc hiện thân thành Chánh Giác giáo hóa chúng sanh khắp các thế giới thanh tịnh trong mười phương bảo với ngài Đức Tạng rằng:

- Nầy Phật tử! Nếu có người nào muốn chứng tam muội nầy trước tiên hết nên tu phước, tích chứa căn lành là nên hằng thường cúng dường Phật, Pháp, Tăng và cha mẹ, luôn luôn chở che săn sóc cho tất cả kẻ nghèo cùng khổ sở không được ai cứu giúp, không nơi nương tựa, rất đáng thương xót, chính ngay thân thể mình cũng không tiếc rẻ. Tại sao? Vì cúng dường Phật được phước đức vĩ đại mau thành tựu trí giác vô thượng và cũng được năng lực làm cho chúng sanh đều được an lạc. Cúng dường Pháp được báo trí huệ tăng trưởng, chứng pháp tự tại, có khả năng thấu rõ Thật Tánh của tất cả pháp. Cúng dường chư Tăng được tăng trưởng vô lượng tài sản phước đức trí huệ, thành tựu được Phật đạo. Cúng dường cha mẹ, hòa thượng, tôn sư và các vị mà mình nhờ cậy đó là những bậc có công ơn lớn nên phải thường nhớ đến thâm ơn, luôn nghĩ các báo đáp lại bội phần. Tại sao? Vì kẻ biết ơn dù ở trong sanh tử nhưng căn lành không bao giờ hư hoại, còn kẻ không biết ơn căn lành diệt mất, sẽ tạo tác nghiệp ác. Vì thế đức Như Lai ca ngợi kẻ biết ơn chỉ trích người vong ơn. Lại còn thường thương xót cứu giúp các chúng sanh khổ sở. Bồ Tát do căn lành rộng lớn nầy không bao giờ thối thất nơi trí giác vô thượng.

Nếu như người có khả năng siêng tu phước đức thường nghĩ báo ơn, xót thương chúng sanh thì trí giác vô thượng nắm chắc trong tay. Các Phật tử! Các ông phải biết rằng tùy theo lời Phật dạy cúng dường ba ruộng phước này, mỗi một ruộng đều kết thành vô lượng căn lành.

Nầy Đức Tạng! Ông phải biết đến điều kế nữa là Bồ Tát nên gieo hạt giống vĩ đại do đó mới sanh được mầm tam muội thành trái Bồ Ðề. Thế nào là gieo giống? Đem các thứ hoa thơm đẹp lạ, tràng hoa, hương xoa, hương bột và các thứ âm nhạc cúng dường một cách hết sức cung kính các đức Phật hiện tại hay hình tượng Phật, lại còn nghĩ: Như lời nói trên khắp cả hư không vô lượng thế giới trên đầu sợi lông và trong hạt bụi thấy được bao nhiêu các đức Phật và chúng Bồ Tát của các ngài, tôi đều dự vào pháp hội chư Phật đó, nhứt tâm chánh niệm đồng cúng dường khắp cả. Như cúng dường một pháp tánh Phật tức cúng dường tất cả pháp tánh Phật. Nếu tôi cúng dường một đức Như Lai tức cúng dường tất cả Như Lai; theo sức oai thần của mỗi mỗi Phật có khả năng thu bao nhiêu kiếp để vào một niệm cùng bao nhiêu kiếp cúng dường Như Lai. Nếu có chúng sanh nào tin và hiểu được pháp gieo hạt giống vĩ đại tức có thể đắc được tam muội rộng lớn "Như Lai bất tư nghị cảnh giới".

Nầy Phật tử! Ngươi nên y theo pháp nầy hằng ngày cúng dường; do đó, hạ mình đến chỗ Phật ngự dù chỉ một lần kính lễ cũng làm cho hạt giống nầy tăng trưởng, nẩy mầm tam muội, lại cũng nên thường lấy nước bố thí, trì giới, đại nguyện trí huệ mà tưới.

Lại nữa, Bồ Tát khi muốn tưới mầm tam muội tu hạnh bố thí không nên lựa chọn là ruộng phước là kẻ oán hay người thân, kẻ thiện, ác, trì giới, phá giới, giàu sang, nghèo hèn. Lại nghĩ bố thí cho kẻ giàu dù thật là vô dụng, nhưng ta phải tu tập hạnh bố thí.

Bồ Tát cũng nên trì giới thanh tịnh, thấy kẻ hủy phá cấm giới khởi lòng xót thương cao cả, đừng có sanh tâm chê bai chỉ trích.

Bồ Tát lại nên phát đại nguyện Bồ Ðề: Ta sẽ quyết định niệm niệm hiện thân khắp nơi cho đến vô lượng thế giới của tất cả chư Phật nhiều như bụi ở vào nơi đó thành Ðẳng Chánh Giác chuyển pháp luân vi diệu, độ tất cả chúng sanh như đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na giống in không khác. Không khởi công dụng, thu vô lượng kiếp để vào một niệm, tức ở trong mỗi một thế giới như vậy, mỗi một thế giới đều hiện các oai nghi của chư Phật nhiều như số bụi ở thế giới Phật. Mỗi một oai nghi của Phật đều độ chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng khiến cho họ xả ly khổ, thường hành như thế không có tạm dừng dù khi hư không có tận.

Nầy Phật tử! Kẻ tu trí huệ nên nhứt tâm nghe cho kỹ bây giờ ta nói ra đây: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào vì cầu trí giác vô thượng phát tâm muốn chứng tam muội nầy, kẻ đó nên trước hết phải tu trí huệ, bởi tam muội nầy do trí huệ mới đắc được. Người tu trí huệ nên thường xa lánh lời nói dối, nói thêu dệt và các việc tán loạn vô ích. Dù khởi tâm đại bi đối với chúng sanh nhưng lại nhiếp tâm chuyên chú không cho tán loạn, không nhiễm ô. Sau đó đến nơi tinh xá nhìn hình tượng Phật tô điểm bằng màu vàng hoặc thuần vàng ròng làm thành, thân tướng hoàn mãn, có vô lượng hóa Phật thể nhập vào tam muội tuần tự ngồi ở trong viên quang. Tức đối ngay trước tượng nầy hành giả làm lễ đầu chấm sát đất, khởi tâm nghĩ rằng: Ta nghe mười phương vô lượng Phật đang ở đời hiện tại là: Phật Nhứt Nghĩa Thành, Phật A Di Đà, Phật Bảo Tràng, Phật A Súc, Phật Tỳ Lô Giá Na, Phật Bảo Nguyện, Phật Bảo Quang.... đối với các đức Phật nầy tùy theo tâm ưa thích vị nào hết lòng tôn trọng, sanh tín tâm cao cả trong sạch tưởng hình tượng Phật đó là thân chơn thật của đức Như Lai, cung kính tôn trọng như được gặp thân sống hiện tiền. Quán kỹ từ trên xuống dưới nhứt tâm không xao lãng, rồi đi đến chỗ thanh vắng ngồi ngay ngắn tưởng nhớ đến vị Phật đó như ngài hiện thân trước mặt cách chừng khoảng cánh tay, tâm luôn luôn nhớ đến không để lãng quên. Nếu như có hơi quên liền trở lại chỗ cũ nhìn hình Phật lại. Lúc quán như thế sanh tâm hết sức tôn trọng cung kính khác nào chơn thân Phật hiện ra trước mắt rõ ràng tách bạch, không còn nghĩ đó là hình tượng. Thấy rồi liền nên lấy tràng hoa thơm, hương xoa, hương bột, hương đốt cung kính đi nhiễu đức Phật đó ba vòng rồi dâng các thứ trên lên cúng dường. Người này nên nhứt tâm tưởng niệm như thế, thường coi các đức Thế Tôn hiện thân trước mặt. Nhưng đức Thế Tôn là bậc thấy tất cả, nghe tất cả, biết tất cả; chắc các ngài biết rõ tâm ta, nghĩ kỹ thế rồi tưởng thấy Phật đã hoàn thành, trở lại chỗ thanh vắng nhiếp niệm tưởng Phật trước mắt đừng để cho quên mất. Nhứt tâm cần tu như vậy trải qua ba tuần thất (hăm mốt ngày); nếu kẻ đầy đủ phước đức tức thấy Như lai hiện thân trước mắt, còn kẻ do báo chướng đời trước tạo nghiệp ác không đặng thấy nhưng nếu siêng năng không lui sụt, không tưởng gì khác trở lại, cũng mau được thấy Phật. Tại sao? Vì nếu có người cầu trí giác vô thượng chuyên tâm tu tập nơi một công hạnh thì sẽ chắc chắn thành tựu. Nếu người nào đối với pháp mình đang tu tập luôn luôn sợ hãi thối lui, họ đă không giải thoát được mình, có đâu độ thoát các chúng sanh đang nằm trong cảnh khổ. Nếu ai gặp được phương pháp thẳng tắt mau thành tựu Bồ Ðề chơn chánh lại không siêng năng tu tập, nên biết thật là luống uổng cho cõi đất nầy đã ra công mang nặng họ tự bao giờ.

Thí dụ như có người uống ngụm nước nơi một biển cả tức là đã uống nước của tất cả biển ở cõi Diêm Phù Đề nầy. Bồ Tát cũng như thế, nếu đủ năng lực tu tập biển trí giác Bồ Ðề nầy tức là đã tu tập tất cả tam muội, các nhẫn, các địa, các Đà La Ni. Thế nên cần phải siêng năng tu tập liên tục, đừng để cho biếng trễ buông lung, thu thúc tâm trụ lại một chỗ, phải làm sao cho hiện tiền được thấy Phật. Tu tập như vậy lúc vừa mới thấy Phật nên nghĩ: Đó là Phật chơn thân hay hình tượng? Nếu như biết rằng Phật mình thấy đó là chơn thân Phật liền đối trước Phật quỳ hai gối xuống chắp tay lại để tỏ lòng cung kính, nghĩ đến tất cả đức Phật ở vô biên thế giới có vô lượng oai đức, đại từ, đại bi, các ngài hiện ra trước mặt ta vậy ta phải nên thưa hỏi ngài: “Cúi xin Thế Tôn! Ngài hãy dạy cho con về pháp tam muội Như Lai Bất Khả Tư Nghị Cảnh Giới". Nếu được nghe Như Lai dạy về các pháp, bất cứ pháp gì, cũng nên tin chắc chắn chớ sanh lòng nghi hoặc thì ngay tại đó sẽ đắc tam muội. Nếu do nghiệp chướng đời trước nên không được nghe pháp, phải nên suy nghĩ tất cả các pháp như trò ảo hóa, như trăng đáy nước, như bóng trong gương, như giấc chiêm bao, nên quán sát rõ ràng pháp tánh không tịch. Nhưng cũng biết Như Lai thông đạt tất cả pháp như ảo mộng, tự tánh Như Lai không phải mộng, không phải ảo, dường như hư không, do năng lực trí và bi thị hiện trước mặt con, cúi xin ngài hãy xót thương phóng ánh sáng xanh từ bi chói rọi thân tâm con cho con tiêu trừ các khổ. Liền tức khắc, đức Phật phóng ánh sáng từ tướng lông trắng giữa chặng mày tên là "Thanh Diễm". Ánh sáng kia vừa chiếu các khổ liền sạch hết, ngay khi đó chứng được pháp "Quang Minh Nhẫn", thông đạt tất cả vô lượng tam muội. Trong đêm thứ bảy, chiêm bao thấy Như Lai thọ ký sẽ thành bậc Chánh Ðẳng Giác.

Còn nếu như hành giả biết được Phật mình thấy đó là Phật hình tượng, nên nghĩ các Phật và chúng sanh cũng đều như tượng chỉ do theo tưởng tượng thành, nên tuy thấy nhưng thật vốn không thể tánh, đã biết đức Như Lai như ảo, như hóa, như mộng, như bóng nước như thế rồi tự nhiên hiện tiền thấy Phật cũng như cảnh trong mộng không thật, không phải sanh mà sanh, không phải diệt mà diệt, không phải vận hành lại vận hành, không phải thức lại thức, không phải hữu vi lại hiện vật thể, không phải ngôn thuyết lại nói các pháp, không phải ngã, thọ mạng, chúng sanh, không phải sanh trong sáu đường, không phải biết, không phải y cứ, không phải tức là uẩn, không phải tại các uẩn lại bày ra các uẩn cho đến xứ, giới cũng vậy.... tất cả không phải là hữu nhưng cũng không phải là vô. Thế nên các đức Phật và tất cả pháp chơn thật bình đẳng, đều đồng nhứt tướng. Giống như bóng dương diệm... tất cả chư Phật và thế giới đều chỉ cho từ tâm, thức, tư tưởng hiển hiện, thức tưởng làm duyên sanh ra vật thể, rốt ráo không phải thật hữu. Đấng Như Lai đã ngoài tất cả thức, tưởng, vì vậy không nên có quan niệm là thấy sắc tượng, phải biết sắc tượng tùy theo ý sanh ra cho đến tất cả Phật chơn thật cùng khắp hư không cũng như vậy: dường như hư không đều bình đẳng nhau, không có sự khác biệt. Nếu ta phân biệt tức thấy Phật, nếu bỏ phân biệt liền không thấy gì, tự tâm làm Phật ngoài tâm không Phật, cho đến tất cả Phật trong ba đời cũng vậy: đều không có, chỉ y cứ tự tâm. Bồ Tát nếu hiểu biết các Phật và tất cả pháp đều chỉ là tâm lượng sẽ đắc Nhẫn Tùy Thuận hoặc nhập Sơ Ðịa, sau khi bỏ thân sẽ liền sanh về thế giới Diệu Hỷ hay thế giới Phật thanh tịnh là Cực Lạc, luôn luôn thấy đức Như Lai, đích thân cúng dường các ngài.

Khi ấy ngài Đức Tạng lại hỏi Bồ Tát Phổ Hiền:

- Nếu có chúng sanh nào nghe được pháp môn nầy thọ trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép phổ biến, được bao nhiêu phước?

Bồ Tát Phổ Hiền đáp:

- Nầy Phật tử! Ông hãy lắng nghe! Nếu có người có đủ khả năng thu phục được tất cả chúng sanh trong ba cõi làm cho họ đều thoát ly sanh tử đắc quả A La Hán, đối với mỗi một La Hán dùng y phục, ngọa cụ, món uống ăn, thang thuốc vi diệu trên cõi trời để mà cúng dường trọn cả trăm kiếp. Sau khi các La Hán nhập Niết Bàn, lại cung kính xây tháp miếu bằng bảy báu để cúng dường cho mỗi vị. Lại có người trong trăm kiếp trì giới thanh tịnh, tu nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Hai hạng trên dù đắc phước đức vô lượng, nhưng cũng không bằng người nghe được pháp môn nầy tôn trọng, tin nhận, không hề hủy báng, phước kẻ dưới đây hơn hai người trên rất nhiều mau thành Chánh Giác.

Lúc bấy giờ vô lượng chư Phật ở tất cả thế giới trong mười phương đều hiện thân ca ngợi Bồ Tát Phổ Hiền:

- Hay lắm! Hay lắm! Phật tử! Lời ông vừa nói đúng như thật.

Khi đó đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni phóng vô lượng ánh sáng từ mặt ngài sáng soi khắp ba cõi, trên trời rải xuống các thứ hoa thơm như mưa rơi, các nhạc điệu tuyệt diệu tự nhiên vang lên, cõi đất hơi rung động, trong ánh sáng vang ra bài kệ:

Ai nghe pháp nầy tâm thanh tịnh

Đắc các địa, định, đà la ni

Giới, nhẫn, tự tại, thần thông, lực

Chóng chứng vô thượng Phật giác trí.

Xoay chuyển pháp luân chưa từng có

Cũng như quá khứ các Thế Tôn

Trong một niệm thu về nhiều kiếp

Giữa hạt bụi hiện vô lượng cõi.

Vô số chúng sanh chìm tam giới

Khổ não luôn luôn dày vò thân

Tà kiến trói buộc mất chánh đạo

Niệm niệm đều làm được giải thoát.

Vì ngài Phổ Hiền đã từng chứng pháp môn nầy lâu rồi nên lúc dạy ra cho chúng sanh đã làm cho ức ngàn trời người qua được biển khổ đều đắc bất thối chuyển đối với ngôi vị Chánh Ðẳng Giác vô thượng. Bồ Tát Đức Tạng và tất cả Bồ Tát trong hội, Trời, Rồng, A Tu La v.v... đều hết sức vui mừng tin nhận và phụng hành.



Đánh máy: Huệ Trang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]