Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3.4 Pháp Thoại Ngày 14 tháng 9 năm 1994

21/01/201109:51(Xem: 9486)
3.4 Pháp Thoại Ngày 14 tháng 9 năm 1994

Hạnh Phúc Mộng Và Thực

Nhất Hạnh

CHƯƠNG 3

NỘI DUNG KINH TAM DI ĐỀ

3.4 Pháp Thoại Ngày 14 tháng 9 năm 94

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 14 tháng 9 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Thượng, trong khóa mùa Thu.

THIÊN ĐƯỜNG CỦA TUỔI THƠ

Mỗi khi trời mưa ta thường có cảm giác êm dịu, mát mẻ và thường nhớ đến những cơn mưa mùa hè ngày xưa. Tuổi thơ nào cũng được dánh dấu bằng những cơn mưa. Khi còn là em bé, ta cởi trần cởi truồng, đùa chơi dưới mưa. Cái thiên đường kia đâu đã mất vì cho đến bây giờ ta vẫn còn có những cơn mưa và vẫn có thể an trú trong thiên đường tuổi thơ đó trong giờ phút hiện tại.

Quê hương đích thực là quê hương không bao giờ bị đánh mất. Nó không chỉ có mặt trong quá khứ mà còn có mặt bây giờ và trong tương lai nữa. Hồi còn bé, khi được mẹ cho chén cơm với dưa giá thịt kho, hoặc cá kho, ta mang bát cơm với đôi đũa ra ngồi ở bực cửa, vừa ăn vừa nhìn những giọt nước mưa từ mái lá rơi xuống. Ta cứ đưa mắt lên, đưa mắt xuống nhìn những giọt nước mưa từ mái lá rơi xuống do những những giọt nước mưa tạo ra và ăn rất ngon lành. Ở tuổi đó, ta không lo lắng cho tương lai, không tiếc nuối thời quá khứ, chỉ ngồi đó một mình và ăn rất chậm. Có khi chậm quá mẹ phải gọi “Con ơi! Sao ăn một chén cơm mà lâu quá vậy?” Đó là trường hợp ta ăn một mình. Nếu sanh trong một gia đình có anh chị em, ta có thể ngồi quây quần với nhau để ăn cơm. Chúng ta cũng ngước mắt xuống nhìn những bong bóng phập phồng. Chúng ta đã rất sung sướng vì có em, có chị, có anh cùng ngồi bên cạnh và cùng hưởng cái thiên đường đó của tuổi thơ.

Khi lớn lên, ta đánh mất cái thiên đường đó, tại vì phải lo cho tương lai, phải nghĩ về quá khứ. Khi đi học ta lo về chuyện thầy giáo hỏi bài, về việc thi cử, về quần áo, về cái lược chải đầu, lo đôi giày cho bóng, lo chúng bạn chê cười ... Ta mất đi cái hồn nhiên của tuổi thơ và từ từ ta đánh mất cái thiên đường của tuổi thơ đó. Ta cũng đánh mất cái thiên đường ngây thơ, quây quần với anh chị em trong gia đình.

Hồi đó, Tết đến ta không có nhiều quà, chỉ có một bộ quần áo mới nhưng ta rất mừng và thường nôn nao chờ đón ngày Tết. Sáng Mồng Một mặc áo quần mới vào, đi sột soạt vì vải mới còn dính chất hồ, nghe rất oai. Đến trưa, mẹ cắt cho một khoanh bánh tét, lấy một chiếc đũa cắm ngang, lăn quanh một ít đường cát, đưa cho ta rồi nói “con đi ra ngoài chơi”. Có thể lúc đó mẹ đang bận công việc, không muốn ta quanh quẩn vướng víu. Vui mừng ta mang khoanh bánh ra sân, vừa nhẩn nha ăn vừa nhìn con mèo, con chó, nhìn bông hoa vạn thọ, nhặt xác pháo Giao Thừa mà lòng tràn đầy hạnh phúc. Những hạnh phúc đó còn lại trong tàng thức ta dưới dạng những hạt giống hạnh phúc, khiến ta thường có cảm tưởng thiên đường đó đã mất và thường đi tìm.

Người Tây phương cũng như người Đông phương đều cùng có một cảm nghĩ là quá khứ bao giờ cũng đẹp, quá khứ bằng vàng! Những ngày tháng ngọc ngà ngày xưa bây giờ đã biến mất rồi! Thủa đó đời sống đẹp hơn, mặt trời cũng rạng rỡ hơn ngày hôm nay, đó là lời bái hát rất nổi tiếng của Pháp, “Les feuilles mortes” (Những chiếc lá rơi). Cái cảm nghĩ thiên đường trong quá khứ bao giờ cũng đẹp hơn thực tế hiện tại, thường được nuôi dưỡng bằng những kỷ niệm của tuổi thơ mà ta thường nghĩ bây giờ không còn nữa.

Thực tập chánh niệm là để khám phá ra rằng không có gì đã qua và đã mất. Cái hạt giống hạnh phúc kia của thiên đường tuổi thơ vẫn còn trong chúng ta. Nếu biết thực tập nghĩa là biết cày bừa ruộng tâm, biết tưới tẩm và vun bón hạt giống, ta có thể tiếp xúc và làm phát khởi niềm hạnh phúc đó trở lại. Đây là một sự thực rất đáng mừng.

NGŨ CĂN VÀ NGŨ LỰC

Đạo Bụt có một dụng cụ rất mầu nhiệm để cày bừa, để gieo hạt, để tưới tẩm, để vun bón, gọi là Chánh Niệm. Chánh niệm là cái năng lượng mà ta có thể phát khởi trong đời sống hàng ngày. Nói chung năng lượng có nhiều thứ: Năng lượng để phá hoại, năng lượng để xây dựng, để thanh lọc v.v...

Khi bỏ củi vào lò để đốt, ta làm phát xuất một loại năng lượng gọi là nhiệt lượng. Nhiệt lượng đó sưởi ấm căn phòng, giúp cho ta có thêm hạnh phúc. Đó là một loại năng lượng mà mùa đông ta rất cần đến. Trong con người cũng vậy, ta cần phải có sức nóng thì mới sống được. Vì vậy ta phải ăn cơm. Ăn cơm là đưa những nguyên liệu vào trong cơ thể để các tế bào tạo nên một loại năng lượng gọi là thân nhiệt. Sức nóng chữ Hán là “noãn”. Khi giận trong người ta phát ra một loại năng lượng gọi là “giận”, và cái năng lượng đó cũng làm cho ta nóng, nhưng nóng khó chịu hơn là cái nóng của lò sưởi mùa đông. Năng lượng giận làm cho cơ thể ta bốc cháy, đau khổ, và ta vung vẫy niềm đau nỗi khổ của ta lên những người và vật chung quanh.

Nghi ngờ cũng là loại một năng lượng. Khi tưới tẩm hạt giống nghi ngờ trong ta nó phát sinh ra một năng lượng làm ta uể oải, mất hết sức sống, nhìn gì cũng thấy không thấy có ý nghĩa! Năng lượng đó là loại năng lượng tiêu cực, có tính cách phá hoại. Tương tự như thế, năng lượng giận cũng chứa rất nhiều tiêu cực, và sức phá hoại của nó cũng rất trầm trọng.

Hiện nay ta có những trung tâm sản xuất năng lượng để thắp đèn, để chạy máy. Các trung tâm này có thể dùng những loại nhiên liệu như thác nước, dầu xăng, than đá v.v... Họ cũng có thể dùng nhiên liêu nguyên tử Uranium để làm ra năng lượng hùng hậu hơn.

Đạo Bụt dạy về “Ngũ căn và ngũ lực”. Ngũ căn là năm địa điểm để phát sinh ra năm năng lượng. Ngũ lực là năm nguồn năng lượng phát sinh từ năm địa điểm đó. Ngũ căn có thể ví với năm nhà máy phát sinh ra năng lượng. Căntức là gốc, như trong các danh từ căn bản, căn cứ v. v... Hình ảnh mà ta ví với hình ảnh của một nhà máy phát điện.

Nhà máy điện đầu tiên trong đạo Bụt là Tín. Tín là niềm tin. Nếu có niềm tin thì tự nhiên ta có rất nhiều năng lượng. Khi có một đối tượng tốt để tin tưởng thì tự nhiên ta có một nguồn năng lượng tích cực. Ba đối tượng để tin của ta là Chân (một cái gì là Thật), Thiện (một cái gì Lành) và Mỹ (một cái gì Đẹp).Thật có nghĩa là không phải giả, vì đạo đức có khi là giả! Ban đầu ta có thể tin vào đạo đức giả, nhưng sau một thời gian cái thần tượng đó nó đổ, nó rớt xuống và lúc đó niềm tin trong ta tan biến. Lâm vào tình trạng này là vì ta đã nhận giả làm chân, nhận ác làm thiện, nhận ố làm mỹ. Tất cả vì ta vô minh! Khi niềm tin không được thắp sáng bởi trí tuệ thì nó dễ bị tan vỡ, và từ chỗ tin tưởng, ta có thể lâm vào trạng thái nghi ngờ. Khi năng lượng của nghi ngờ phát sinh trong tâm thức, ta sẽ uể oải, rã rời, hết muốn làm gì nữa! Do đó theo giáo lý đạo Bụt, mọi niềm tin phải được làm bằng chất liệu của trí tuệ. Tin mà không quán chiếu thì niềm tin đó rất nguy hiểm. Bụt dạy “Tín ta mà không hiểu ta tức là bài báng ta”. Do đâu mà có niềm tin? Do cái hiểu, vì vậy nhà máy năng lượng thứ hai trong đạo Bụt là nhà máy Tuệ.

Tuệ là cái thấy của hiểu. Năng lượng của niềm tin (Tín) được chế tạo từ nguồn năng lượng của trí tuệ. Có quán chiếu ta mới thấy rõ được sự thật. Thấy rõ được sự thật thì ta mới có thể xa lìa những cái giả ngụy trang bằng vỏ chân, những điều ác ngụy trang bằng vỏ thiện, và những việc xấu xa ngụy trang bằng vỏ tốt đẹp. Lúc đó niềm tin sẽ được gọi là Chánh Tín. Muốn có trí tuệ, tức là muốn có cái thấy sâu sắc (deep insights), ta phải biết nhìn. Nhìn cho sâu sắc tức là quán chiếu bằng năng lượng của chánh niệm. Vì vậy nhà máy phát sinh năng lượng thứ ba trong đạo Bụt là nhà máy Niệm.

Trung tâm tu học là nơi cung cấp vật liệu để tạo ra nhà máy Niệm. Tại các trung tâm tu học, ta được dạy nhiều phương thức để thiết lập nhà máy biến chế một loại năng lượng tích cực gọi là năng lượng Chánh Niệm. Đây là một thứ năng lượng rất cần thiết để chúng ta có thể nhìn sâu và thấy được sự thật tiềm tàng trong sự sống. Khi biết ăn cơm trong chánh niệm, biết rửa nồi trong chánh niệm, biết đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc và thở trong chánh niệm thì tâm của ta hưóng về một phía, nó tập trung, không bị tán loạn. Trạng thái đó gọi là Định (Concentration).

Định là nhà máy năng lượng thứ tư trong đạo Bụt. Người không có định thì không làm được gì cả. Muốn giải quyết một vấn đề cho riêng mình hoặc cho đại chúng mà không có định thì không đi tới kết quả nào. Khi soạn một bài giảng hay thực tập quán chiếu để tìm sự thật của một vấn đề, ta phải có định tâm. Vì vậy nhà máy Định rất cần thiết, nếu không có nhà máy định thì không bao giờ ta có tuệ cả. Nếu không tập trung thì làm sao thấy được giải pháp, tìm được sự thật?

Khi có bốn nguồn năng lượng kể trên, đời sống của ta là một đời sống tinh chuyên, không uể oải, không bệ rạc. Nếu ta uể oải, rã rời, không có niềm vui, không thiết sống là vì ta không có năng lượng tinh chuyên. Đó là nhà máy thứ năm trong đạo Bụt, nhà máy Tấn. Tấn tức là sự siêng năng, sự chuyên cần.

Năm nhà máy đó gọi là năm căn. Căn ở đây là nhà máy phát sinh ra năng lượng. Với năm nhà máy đó, khi chúng bắt đầu hoạt động thì chúng phát sinh ra năm loại năng lượng gọi là năm lực. Vì vậy ngũ căn cũng là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà ngũ lực cũng là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Căn tức là hình thức của nhà máy, những trang bị của nhà máy. Lực là năng lực phát xuất từ sự vận hành của các nhà máy đó. Ngày xưa khi mới học tôi thường thắc mắc: “Đã có năm căn Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ tại sao còn phải có năm lực nữa?” Lúc đó tôi chưa hiểu năm căn là năm nhà máy, và năm lực là năm loại năng lượng do năm nhà máy đó phát xuất và biến chế ra.

Nếu trong thân và tâm ta không có đủ năng lượng, hoặc năng lượng yếu ớt, ta phải biết xét tìm trong năm nhà máy đó, xem những bộ phận nào bị hư hỏng để lập tức tìm cách chữa trị. Xem xét và chữa trị thường xuyên mới đúng là đời sống tu tập tinh chuyên.

TÍNH TƯƠNG TỨC MẦU NHIỆM CỦA CÁC CHỦNG TỬ

Nếu năm nhà máy chế tạo năng lượng toàn hảo thì chúng sẽ phát sinh ra năm nguồn năng lượng rất cần thiết cho sự tu tập và chứng ngộ của ta. Bụt dạy tâm ta có hai phần: tàng thức và ý thức. Tàng thức là nơi chứa tất cả các hạt giống của năng lượng. Ý thức là nơi các hạt giống biểu hiện, đơm hoa, kết trái.Có những điều mà khi nhìn vào vùng ý thức ta không thấy, nên ta quả quyết ta không có điều đó. Thực ta điều đó có trong tâm ta, nó nằm trong tàng thức dưới dạng những hạt giống, và chưa phát hiện ra mà thôi. Nếu trang bị đầy đủ phương tiện và chăm bón các hạt giống này, chúng sẽ phát sinh ra những năng lượng trên vùng ý thức. Ví dụ khi quý vị nói: “Bây giờ tôi không giận ai hết”. Điều đó đúng. Bây giờ có ai đỏ mặt tía tai, có ai sân si la mắng ai đâu mà có người giận phải không? Thật ra thì cái giận chỉ không có mặt ở trên phần ý thức, nhưng nó vẫn có mặt ở dưới phần tàng thức. Chúng ta ai cũng đều đang có cái giận trong lòng, nhưng nó đang ở trong trạng thái hạt giống và đang ngủ yên trong tàng thức của ta. Người tu học, phải khôn ngoan, phải biết lợi dụng lúc những hạt giống tiêu cực đang ngủ yên để lo vun bón gieo trồng những hạt giống tích cực. “Thiền sinh ru hội kết” là một bài thực tập ru ngủ các hạt giống tiêu cực. Nội kết là những niềm đau, nỗi khổ, ở trong lòng ta. Nếu ru cho chúng ngủ thì ta sẽ rảnh rang để cày bừa, gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt. Đừng nghĩ rằng khi lấy hết những hạt giống xấu xa rồi thì ta mới có thể tu được. Nếu những hạt giống xấu được lấy ra hết rồi thì ta đã là toàn mỹ, và đã là toàn mỹ thì có gì sai đâu mà phải sửa, phải tu nữa?!

Hạt giống của nghi ngờ cũng có trong tất cả chúng ta. Nếu ta không tu tập Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ thì hạt giống nghi ngờ sẽ phát sinh, nó sẽ bao trùm hết cả con người ta, và năng lượng tiêu cực đó sẽ làm tiêu mòn đời ta. Nó sẽ làm cho ta khổ, và những người chung quanh ta cũng sẽ khổ theo. Khi một người có niềm tin, tin vào một điều thật lành, thật đẹp thì tự nhiên đôi mắt người đó sáng long lanh, và người đó có rất nhiều năng lượng. Người đó sống có định tâm, có chánh niệm và có sự hiểu biết.

Tu học là cày bừa mảnh đất tàng thức và gieo vào những hạt giống tốt, tưới tẩm và gieo vào đó những hạt giống tốt, tưới tẩm để chúng nảy mầm rồi mọc thành cây trên phần ý thức. Khi mọc, những cây đó sẽ đơm hoa, kết trái rồi trở thành những hạt giống lành cùng loại và rơi trở xuống mảnh đất tâm. Duy thức học gọi đó là Dẫn tự quả, nghĩa là một hạt giống có thể sanh ra nhiều hạt giống có cùng một tính chất. Đây là một trong sáu tính chất của chủng tử. Muốn một hạt giống tốt phát hiện trên phần ý thức, làm đẹp cuộc đời rồi gieo xuống tàng thức những hạt giống tốt cùng loại, ta cần một điều kiện gọi là Đãi chúng duyên. Đãilà đợi, chúnglà những, và duyênlà điều kiện. Đãi chúng duyên là đợi những điều kiện thuận lợi. Hạt giống nào ở dưới tàng thức cũng cần những điều kiện thuận lợi mới phát hiện được trên phần ý thức, kể cả hạt giống chánh niệm. Những điều kiện thuận lợi đó gồm có điều kiện tăng thân, điều kiện thầy, điều kiện thiền đường, điều kiện pháp thoại, điều kiện thực tập v.v... Khi ta trang bị đầy đủ những điều kiện đó thì hạt giống tốt tiềm tàng dưới tàng thức sẽ có cơ hội để nảy mầm và phát sinh, làm đẹp cho cuộc sống của ta và gieo lại những hạt giống đồng loại vào đất tâm, làm cho rạng rỡ môi trường sinh sống của ta. Người nào đã học 50 bài tụng duy biểu chắc còn nhớ hai tính chất vừa nói của chủng tử. Bụt thưòng dạy rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tất cả chúng sinh đều có thể trở thành những bậc toàn giác. Kinh Pháp Hoa có câu: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là chúng sinh ai cũng có hạt giống Bụt ở trong mình. Nếu hạt giống đó có đầy đủ điều kiện thì nó sẽ phát triển. Mục đích của tu học là nhận thức trong ta có hạt giống Bụt và tìm đủ mọi cách, trang bị đủ điều kiện để cho hạt giống đó phát sinh và nảy nở. Ta có thể gọi hạt giống đó là hạt giống của chánh niệm, hay là hạt giống của tuệ giác, hoặc hạt giống của chánh tín. Chúng cùng là một thực tại nhưng tùy trường hợp ta có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau. Trong trường này ta gọi là hạt giống Niệm vì trong Niệm có chứa Định, trong Định có chứa Tuệ, trong Tuệ có chứa Tín, trong Tín có chứa Tấn. Vì vậy Niệm là hạt giống của Bụt ở trong ta. Ta cũng có thể gọi hạt giống ở trong ta là Định, Tuệ, Tín hay Tấn. Nhưng để cho dễ dàng ta lấy Niệm làm biểu tượng cho hạt giống Bụt ở dưới tàng thức.

Bụt là phiên âm của chữ Buddha. Danh từ Buddha do động từ Budh mà ra. Budh có nghĩa là thức dậy, hiểu biết, thức tỉnh, giác ngộ. Biết cái gì đang xảy ra, và biết một cách sâu xa thì gọi là Budh. Động từ Budh có hàm chứa tính chất của chánh niệm. Chánh niệm nghĩa là biết cái gì đang xảy ra, thấy được cái gì đang xảy ra. Và tùy theo trình độ thấy của mình mà cái thấy đó sâu hay cạn. Nhưng tất cả đều là cái thấy. Bụt là người đã thấy, đã hiểu, đã tỉnh thức hoàn toàn. Mỗi chúng ta đều có khả năng tỉnh thức. Cái khả năng tính có thể thức dậy, có thể trở thành một vị Bụt, gọi là Phật tánh. Tiếng Phạn là Buddhata. Phật tánh tức là hạt giống Chánh Niệm. Ta không thể nói ta không có hạt giống đó. Tại vì chánh niệm trước hết được định nghĩa là ý thức được cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Ví dụ khi tôi nâng cái ly lên và tôi biết tôi đang nâng cái ly lên thì lúc đó năng lượng chánh niệm đang có mặt. Khi uống nước mà tôi biết tôi đang uống nước thì lúc đó chánh niệm cũng đang có mặt. Năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi tôi nâng ly lên, và năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi tôi đang uống nước. Vì vậy không thể nói ta không có Phật tánh. Tại vì sự có mặt của chánh niệm chứng minh rằng ta có hạt giống chánh niệm trong tàng thức của ta. Câu chào hỏi “Sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai" nó chỉ có nghĩa là “Nhìn thấy cái hạt giống Phật tánh ở nơi anh, tôi xin thân kính chào anh”. Khi nói “một vị Bụt tương lai" là mình nói tới cái Phật tánh đó.

CÁC HẠT GIỐNG VÔ GIÁ TRONG TÀNG THỨC

Ta có mặc cảm thấp kém và thường nghĩ rằng mình chỉ có thể là chúng sinh thôi, không thể nào thành Bụt được. Đó là vì ta không công nhận hạt giống Bụt ở trong ta.

Một trong ba mặc cảm mà Kinh Samiddhi đề cập tới là mặc cảm tự ti, nói rõ ra là mặc cảm cho rằng mình chỉ có thể là chúng sinh thôi. Thật ra trong chúng ta ai cũng đều có hạt giống Bụt, tức là có khả năng tính thành Phật. Khả năng tính thành Phật là danh từ mới, trong quá khứ ta gọi là Phật tính. Dầu sống trong thất niệm 24 tiếng mỗi ngày và chánh niệm không bao giờ có mặt trên vùng ý thức, nhưng trong tâm ta lúc nào chánh niệm cũng nằm trong tàng thức dưới dạng một hạt giống. Cái kho tàng ta thường đi kiếm nó nằm ngay trong tâm của ta mà ta không hay! Chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình chỉ là người bần cùng, suốt đời đi cầu xin một chút tình thương, một chút hiểu biết, một chút giác ngộ của Bụt, còn chính ta thì không có gì cả. Vì vậy mà Bụt nói Kinh Pháp Hoa để giúp ta đánh tan mặc cảm thấp kém đó. Kinh dạy rằng trong tâm ta có đủ kho tàng của giác ngộ, hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc, đừng tìm kiếm đâu xa:

Hỡi người giàu sang bậc nhất,

Tha phương cầu thực xưa nay,

Hãy thôi làm thân cùng tử,

Về đây tiếp nhận gia tài.

Ngày xưa có một vị Bồ Tát vì thấy được cái Phật tánh trong mọi người là một sự thật nên Ngài phát một hạnh nguyện rất lớn. Ngài thường làm một việc rất bình thường và vì công việc đó mà Ngài thường bị người ta la rầy, xua đuổi nhưng không bao giờ Ngài mất niềm tin. Ngài tên là Thường Bất Khinh. Thường Bất Khinhlà nghĩa là tôi không dám khinh ai cả, tại vì tôi biết mỗi người đều có khả năng tính thành Phật. Gặp bất cứ người nào, lớn cũng như bé, có địa vị hay không có địa vị. Ngài đều cúi xuống rất thấp và nói rằng “Tôi không dám khinh bạn đâu, bạn là một vị Bụt tương lai, bạn có khả năng tính thành Bụt". Có người nghe nói vậy rất lấy làm sung sướng, có được niềm tin, nhưng cũng có người khi nghe họ nghĩ rằng anh này chế nhạo mình, thành ra họ lấy đá liệng, lấy gậy đánh đuổi Ngài. Tuy vậy Ngài không bao giờ thối chí, suốt đời chỉ mang cái hạnh nguyện nhắc cho mọi người biết rằng họ có một kho châu báu ở bên trong, đừng bỏ đi mà uổng.

Một hạt giống khác có liên hệ mật thiết với hạt giống Phật tánh là khả năng tính yêu thương, hay khả năng thương yêu. Lắm khi ta có cảm tưởng ta không thương được ai cả. Trong tình trạng chán nản, rã rời đó, ta thấy mình không còn là gì và không có một giá trị tối thiểu nào hết! Không thương được ai là vì ta không thương được chính bản thân của ta, do đó ta thường đi đến kết luận trong tôi không có tình thương. Điều đó có thể đúng trong phạm vi ý thức, nhưng đứng trong chiều sâu của tàng thức thì nó không đúng. Vì trong ta ai cũng có hạt giống gọi là hạt giống thương yêu, tức hạt giống từ và hạt giống bi. Bụt được làm bằng chất liệu của tỉnh thức, của chánh niệm, nhưng Bụt cũng được làm bằng chất liệu của thương yêu, của từ, của bi. Chánh niệm và thương yêu là hai bề mặt của cùng một thực tại. Hiểu biết và thương yêu cũng cùng là một thực tại. Hễ có hiểu biết thì có thể thương yêu được, ngược lại khi thương yêu đích thực thì lòng thương yêu đó được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết. Tương tự như vậy, niềm tin mà ta gọi là Chánh Tín cũng được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết. Vì vậy khi nghi ngờ cái khả năng thương yêu trong ta, ta phải nhớ lời Bụt dạy: Trong ta ai cũng có hạt giống thương yêu cả. Mạch nước thương yêu chưa phun lên được là vì ta chưa biết đào giếng. Ta hãy tự đào giếng bằng những năng lượng của tinh tấn, của chánh niệm, của chánh định, của chánh tín. Khi thấy một người bạn tu không tự thương mình và không thương được những người chung quanh, ta đừng nản. Ta nên nghĩ người đó đang ở vào tình trạng khó khăn, nếu được giúp, mai klia họ có thể tiếp xúc và tưới tẩm hạt giống thưong yêu trong người, lúc đó hạt giống thương yêu sẽ nảy mầm, đơm hoa và họ có thể mỉm cười. Là bạn tu, mình có bổn phận phải quán chiếu, không phải chỉ ở trong tâm thức của người mình mà còn phải quán chiếu nơi tâm thức người khác nữa. Bụt dạy quán chiếu trong tự tâm mình và quán chiếu trong tâm của người khác nghĩa là như vậy. Kinh Niệm Xứ luôn luôn nhắc lại điều này. Nếu có vốn liếng của hiểu biết, của thương yêu thì ta nên làm công việc giúp bạn tu của ta tiếp xúc, vun bón, tưới tẩm hạt giống tốt để một mai người đó có thể mỉm cười nhận ra rằng mình cũng có khả năng thương yêu, và cái mặc cảm mình không ra gì, mình bất lực sẽ tan biến đi.

Một khả năng tính nữa là khả năng tính hạnh phúc(La capacité d’être heureux), một khả năng rất quí giá trong đời sống hàng ngày. Người có khả năng hạnh phúc thì sống trong điều kiện nào cũng có thể có hạnh phúc, rất là mầu nhiệm. Được sống chung với một người như vậy là ta có phước lắm. Khi lâm vào tình trạng khó khăn, người có khả năng hạnh phúc thường có đủ khả năng tạo ra ánh sáng cùng niềm vui cho mình và cho người chung quanh. Nếu đi vào địa ngục người đó sẽ làm cho địa ngục sáng lên, làm cho tiếng cười vang lên nơi địa ngục. Những người như vậy có thật. Bồ Tát Địa Tạng là một người chuyên đi vào những chỗ tối tăm nhất, khổ đau nhất để làm cho ánh sáng và tiếng cười có mặt ở những nơi đó. Nếu không tu tập phát triển hạt giống của hạnh phúc, không dày công vun xới khả năng tính hạnh phúc trong ta, thì làm sao ta làm được điều đó, làm sao ta đi vào được những nơi tăm tối như vậy để cứu giúp người? Khả năng tính hạnh phúc là một chất liệu tạo nguồn vui cho mọi người. Nếu trong đại chúng có một người mà trong hoàn cảnh nào cũng cười được, vui được và cũng không mất niềm tin, thì đại chúng đó đã được hưởng rồi, huống hồ khi trong đại chúng có được nhiều người như vậy? Thử hỏi ta có phải là một người như vậy hay không? Mới nhìn vào vùng ý thức, ta hơi nghi ngờ cái khả năng của mình. Nhưng như vậy là ta đã mang cái mặc cảm thứ ba, mặc cảm thua kém. Ta phải theo gương Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Thường Bất Khinh, nhìn sâu vào tàng thức và công nhận các khả năng tính của ta, công nhận ta có thể có hạnh phúc được. Muốn dễ dàng có hạnh phúc, trong đời sống hàng ngày ta phải tu tập và phát triển cái hỷ tính của mình. Tiếng Phạn là Muditatà, nghĩa là khả năng trong trường hợp nào cũng vui cười được cả. Ai trong chúng ta mà lại không có kinh nghiệm về rửa chén? Lúc mới nghĩ đến, ta thường có cảm tưởng rửa chén không phải là niềm vui mà là một cực hình, một “dirty work” nói theo tiếng Anh, Nhưng khi đã xăn hai tay áo lên và nước lạnh, nước nóng đã chảy ra, bọt xà bông bắt đầu xuất hiện, thì ta có thể tìm được hạnh phúc trong lúc rửa chén. Chúng ta ai cũng đã đi qua con đường ấy rồi. Trước khi rửa chén thì thấy khác nhưng trong khi rửa chén thì thấy thấy rửa chén đâu có khổ như mình tưởng? Nếu có tu tập, biết thở biết mỉm cười trong khi rửa chén, thì rửa chén có thể là giây phút tuyệt diệu. Quý vị đã từng hái mận. Trước khi hái mận mình có thể than “Trời, lại bắt hái mận nữa!”. Nhưng khi đã xuống tới vườn mận cùng với những người bạn của mình trong đó có thầy Xá Lợi Phất, thì mình thấy hái mận cũng vui quá chừng. Hái mận cũng có thể là một cơ hội, một môi trường để tưới tẩm hạt giống hạnh phúc. Tăng chúng Làng Mai ai cũng đều có kinh nghiệm này hết.

Tất cả đều tùy thuộc vào cách ta tiếp xử với hoàn cảnh. Nếu có khả năng hạnh phúc thì trong điều kiện nào ta cũng có thể tạo dựng được hạnh phúc cho ta và cho những người chung quanh. Ngược lại, nếu không tu tập và cứ nghĩ rằng hoàn cảnh này không tạo được niềm vui cho ta, ta phải đi kiếm một hoàn cảnh khác, thì ta luôn luôn làm tăng thân cùng tử, làm thân của một cô hồn lang thang.

Vậy thì hoàn cảnh nào là hoàn cảnh lý tưởng của ta? Thật ra thay vì thắc mắc như vậy, ta phải tự hỏi: “Ta có khả năng có hạnh phúc hay không?” Nếu có thì trong hoàn cảnh nào ta cũng tạo được hạnh phúc cả. Sống tại đây ta cũng thấy vui, ở Úc hay Mỹ cũng vậy, mà ở Việt Nam ta cũng tìm được hạnh phúc như thường. Sống ở đâu ta cũng có hạnh phúc, đó là nhờ trong khi tu tập ta cắm rễ được trong giây phút hiện tại, và lấy tất cả những điều kiện trong giây phút hiện tại làm nền tảng cho sự sống, cho niềm vui của ta. Trời nắng ta vui, trời mưa ta cũng thấy hạnh phúc. Trời mưa là một trong những yếu tố không thể thiếu trên quê hương đích thực của tôi. Nếu sanh qua nước Bụt A Di Đà mà không có trời mưa thì thôi sẽ thấy thiếu thốn vô cùng, tôi sẽ thấy rằng cõi tịnh độ của Ngài chưa được toàn hảo và thế nào tôi cũng năn nỉ Bụt A Di Đà cho mưa mỗi ngày một lần, cho nắng mỗi ngày một lần, cho cõi Bụt A Di Đà có cây chanh, cây khế, cây mận, cây trúc, cây đào ...

Tuy nhiên, mình đâu cần phải đi đâu? Đâu cần du lịch về tương lai hay quá khứ mới có những điều đó. Những cái thuộc về quê hương đích thực của ta nó đang có mặt ngay ở đây và trong giờ phút này, chỉ vì ta không có khả năng tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, chỉ vì ta đang làm thân cùng tử, đang làm người hành khất, chỉ vì ta không có khả năng an trú trong hiện tại cho nên ta chưa thấy thoải mái đó thôi.

Vậy thì khả năng tính thương yêu (còn gọi là “tính” như trong “Phật tính”), khả năng tính hạnh phúc, khả năng tính hiểu đều có trong ta dưới hình thái của những hạt giống. Tu tập là cày bừa, tưới tẩm, vun bón, để cho những khả năng tính đó nảy mầm, nở hoa, kết trái để sau đó những hạt giống của hạnh phúc, của hiểu biết, của thương yêu sẽ rào rào rơi xuống tàng thức và sẽ mọc mầm, lên canh xanh tốt trở lại. Khi đi trong một khu vườn không được chăm sóc, ta có thể gặp một bông hồng rất tươi đẹp, và ta muốn hái bông hồng đó. Tuy vậy muốn hái bông hồng, ta phải bước qua đám gai vàng! Thường thì trong khu vườn hoang, bông hồng nở nhưng những bụi gai cũng mọc đầy. Không thể vì gai mà ta không hái được bông hồng. Muốn hái hoa, ta tìm cách rẽ cành gai cho đừng vướng áo, hay lấy gậy đè nó xuống để bước tới được dễ dàng. Trong đời sống tu tập hàng ngày cũng vậy,ta đừng nói rằng vì có chướng ngại nên ta không thể có hạnh phúc. Thật ra là vì trong tâm ta còn giận hờn, còn buồn, nên ta không thể hưởng được cái hạnh phúc mà đáng lý ta được hưởng. Ta phải biết xử lý cơn giận, nỗi buồn để đừng đánh mất đóa hoa tươi thắm và niềm an lạc trong đời sống hàng ngày. Chỉ cần khéo léo một chút là ta sẽ hái được bông hoa tươi thắm cho ta,và cả cho những người chung quanh ta nữa.

Phải biết rằng những lúc nội kết và niềm đau của ta ngủ yên, thì đó là thời gian thuận lợi nhất cho sự tu tập để những hạt giống tốt, những niềm vui có cơ hội đơm hoa, kết trái, để những hạt giống của chúng rơi trở lại trong miếng đất tâm của ta. Nếu đợi cho đến khi niềm đau, nỗi khổ ào ào nổi lên, xâm chiếm cả vùng ý thức của ta thì lúc đó tu tập khó hơn nhiều. Vì vậy Làng Mai ta có bài Thiền sinh ru nội kết:

Ngủ đi nội kết mông lung,

Để cho hơi thở mấy tầng vào ra,

Sớm khuya gieo hạt từ hòa,

Mai này lòng đất nở hoa cho đời,

Ngủ đi nội kết ta ơi,

Ngày mai chuyển hóa cho đời thương nhau.

Đừng lấy cớ là ta có niềm đau mà không tu tập bây giờ. Ta phải hái đóa hoa hồng tươi thắm đó ngay ngày hôm nay.

TIẾP XÚC VỚI HIỆN TẠI LÀ TIẾP XÚC VỚI HẠNH PHÚC

Ngày xưa lúc Bụt sắp nhập diệt, thầy A Nan rất đau buồn. Thấy vắng thầy A Nan nên Bụt hỏi, các thầy mới bạch cho Bụt biết thầy A Nan đang đứng khóc ở sau một gốc cây. Bụt liền kêu thầy A Nan đến và an ủi rằng: “Nếu chư Bụt quá khứ có những thị giả giỏi, thì họ cũng chỉ giỏi bằng thầy A Nan mà thôi”. Thầy A Nan lo cho Bụt hết lòng. Kinh Du Hành và Kinh Niết Bàn có ghi lại những câu Bụt khen thầy. Tuy nhiên, trong những kinh khác, ta thấy thỉnh thoảng thầy A Nan cũng được Bụt nhắc nhở là đừng có lo chuyện thị giả quá mà quên những điều mầu nhiệm đang xảy ra chung quanh mình. Dưới mắt của người thị giả thì chỉ có Thầy thôi, còn tất cả những chuyện khác đều như không có. Như vậy chưa phải là thị giả giỏi. Bằng chứng là Bụt thường nhắc thầy A Nan nhìn và sống với những cái mầu nhiệm đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong kinh có rất nhiều câu nhắc nhở của Bụt:

- Này thầy A Nan, thầy có thấy những thửa ruộng trải dài dưới chân đồi, những cánh đồng lúa chín vàng, trải tận chân trời, đẹp mầu nhiệm như thế nào không?

- Đẹp lắm, đẹp lắm, thưa Đức Thế Tôn.

Nếu Bụt không nhắc thì thầy đâu có thấy! Rồi Bụt lại nói:

- Cái áo Tăng Già Lê của các thầy nếu may theo kiểu của những đám ruộng này thì chắc đẹp lắm.

- Dạ để về con bàn với mấy sư huynh, chế cách may áo Tăng Già Lê theo mô thức của những đám ruộng đó.

Có lúc Bụt lại hỏi:

- Thầy A Nan thầy có thấy núi Linh Thứu đẹp không?

- Bạch Đức Thế Tôn đẹp lắm!

Đến năm thầy trò an cư lần cuối ở thành phố Vaisali, Bụt nói:

- Thành phố Vaisali đẹp quá hả thầy A Nan?

- Dạ bạch Đức Thế Tôn đẹp lắm.

- Cái đền này đẹp không?

- Dạ đẹp lắm.

- Cái đền kia cũng đẹp phải không?

- Da bạch Đức Thế Tôn cũng đẹp lắm.

Khi tới vùng có suối nước nóng, Bụt cũng khen và thầy A Nan cũng nhớ những vùng có suối nước nóng là rất đẹp. Đức Thế Tôn luôn luôn nhắc nhở như vậy vì Ngài thấy thầy A Nan mải lo cho Bụt mà quên hái những bông hoa tươi thắm trong đời sống hàng ngày.

Tại Làng Mai những vị đã từng làm thị giả cho thầy, chắc đã thấy thầy học được rất kỹ bài học này của Bụt. Khi nào thầy thấy ngôi sao mai lấp lánh trên nền trời thì thầy nói “Con! Con có thấy ngôi sao mai lấp lánh kia không?” Hay “Con có thấy hoàng hôn rực rỡ hay không?” và luôn luôn thầy nhắc như vậy. Đó là một sự thực tập. Ta phải sống như thế nào để những hạt giống của hạnh phúc được tưới tẩm trong ta. Khi được tiếp xúc với hạnh phúc mà ta có khả năng tiếp nhận được hạnh phúc thì ta mới có thể giúp được sư em, sư chị, sư anh và sau này, học trò của ta. Cái đó gọi là “La culture de là joie”, “La culture du bonheur”, tu tập hạnh phúc, tu tập niềm vui, tu tập thương yêu.

Mình chỉ có thể làm được những điều đó khi mình có cái năng lượng gọi là chánh niệm. Nếu không có chánh niệm thì làm sao thấy được núi Linh Thứu đẹp? làm sao thấy được trời mưa là đẹp? làm sao nhận ra mưa là một phần phải có của quê hương đích thực của ta, và làm sao thấy chính ta đang ở trong quê hương đích thực, không cần phải đi tìm ở đâu cả? Thở vào tôi biết là trời đang mưa, thở ra tôi mỉm cười với mưa, thở vào tôi biết mưa là một phần phải có của quê hương đích thực của tôi, thở ra tôi mỉm cười với quê hương của tôi hiện đang có mặt.

Cái thiên đường mình nghĩ rằng đã mất, ai sẽ giúp mình khôi phục được nó? Chánh niệm! Chánh niệm có thể giúp khôi phục lại cái quê hương mình đã đánh mất. Muốn phát ra cái năng lượng chánh niêm đó, chúng ta cần có một bầu không khí, một môi trường để tu tập cùng với tăng thân.

NGỒI CHO YÊN, ĐỨNG CHO VỮNG

Chúng ta thường có khuynh hướng muốn đi tìm hạnh phúc và phủ nhận, chối từ cái quê hương đang có trong hiện tại vì nghĩ rằng hiện tại chỉ là khổ đau. Ta nghĩ hạnh phúc chỉ có thể có được ở trong tương lai và quê hương đích thực chỉ có mặt trong quá khứ mà bây giờ thì đã mất rồi! Cái khuynh hướng trốn chạy và chối từ đó đã trở thành một tập khí, nên bây giờ ta không đứng yên, không ngồi yên được nữa, ta chỉ có thể chạy thôi! Người Việt thường nói ngồi như ngồi trên đống lửa!là vì ta đã mất cái khả năng gồi yên, cái khả năng an tọa. Xin mời sư huynh an tọa, nghĩa là mời anh ngồi xuống trên một đóa sen, đừng ngồi như ngồi trên một đống lửa. Người không tu tập không tu tập thì không có khả năng ngồi yên. An tọa có nghĩa là ngồi yên và ngồi yên an lạc thì đó là ngồi trên một đóa sen. Dầu ngồi trên một tảng đá, dưới một gốc cây, hay trên một đồi cỏ, nếu ta biết an tọa thì chỗ ngồi đó sẽ biến thành một đóa liên hoa. Ta thường vẽ Bụt ngồi trên đóa sen là vì Bụt biết an tọa. Bụt ngồi ở đâu cũng là ngồi trên đóa hoa sen là vì Ngài am tường nghệ thuật an tọa.

Khi về tới quê hương là ta đã trở về nơi ta thương yêu nhất, thoải mái nhất, thì ta còn phải đi tìm gì nữa? Gia đình Phật tử Việt Nam có bài hát “Kính mến Thầy”, trong đó có một câu rất ngộ:

Hôm nay Thầy về đây,

Chúng con xin kính chào Thầy,

Trong giờ phút vui này,

Chúng con biết làm gì đây?

Thương thầy và được gặp thầy thì mình ngồi yên, an tọa với thầy là chuyện phải làm. Cái gì mà thương mến nhất, điều gì khiến ta cảm thấy thoải mái nhất, khi đã đạt rồi thì ta đâu cần làm gì nữa? Tại sao gặp được người mình thương, tới được chỗ ta coi là quê hương mà còn phải lăng xăng “không biết làm gì đây”? Vì vậy tôi đề nghị với các cháu sửa câu này lại là:

Trong giờ phút vui này,

Chúng con quyết lòng ngồi đây.

Người Việt có nhiều câu rất hay để diễn tả những người không có khả năng đi đứng, nằm, ngồi yên ổn. Ví như trong truyện Kiều:

Vậy nên những chốn thong dong,

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng,

Ma đưa lối, quỉ dẫn đàng,

Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.

Ở những chỗ thong dong như mái chùa, như tại Làng Mai, xóm Thượng, xóm Hạ, mà mình vẫn không an trú được, thì đúng là ta bị ma quỉ nó xúi đi về những nẻo đường tăm tối, những nẻo tạo nên trạng huống đau buồn đứt ruột. Những nẻo đường đó do đâu mà có? Chính là do những tập khí năm xưa, và tập khí đó là ma, là quỉ.

Một câu ví von khác là “Như bắt cóc bỏ vào đĩa!” Con cóc sống mà đạt lên cái đĩa thì nó ngồi yên được bao lâu? Nếu ta ngồi không yên, đi không vững ngay tại những nơi đáng lý ta phải có an lạc, thì đó là những năng lượng tiêu cực của tập khí, những năng lượng phát sinh từ tư tưởng ta đã đánh mất quê hương, đánh mất thiên đường, và từ ý tưởng rằng quê hương ấy chỉ có trong quá khứ hoặc trong tương lai. Nếu chuyên tâm và khôn khéo tu tập, ta có thể tạo được, khôi phục lại được cái quê hương ấy ngay bây giờ và ở đây.

ĐI CHO THẢNH THƠI

Giới bình dân mô tả những người không thể đi một cách thong thả, thảnh thơi bằng những câu rất hay như “chân đi không dính đất”, “chạy như chó đạp lửa”. “Đi mà chân không dính đất là đi mà không biết mình đi, là đi như ma đi, còn chó mà đạp phải lửa thì nó chạy cuống quít, vừa chạy vừa kêu la, tâm thần tán loạn!

Cái khả năng có thể tìm ra quê hương, an trú trong quê hương, hái được bông hồng trong quê hương, nghe được tiếng mưa trên quê hương là một hạt giống tích cực. Cái tập khí trốn chạy, làm thân cùng tử là một loại năng lượng tiêu cực. Nhờ tu tập chánh niệm, mỗi khi hạt giống tiêu cực này phát hiện, ta nhận diện được nó, mỉm cười với nó và nói “biết rồi, ta biết ngươi rồi”. Ngay giây phút ta nhận thức được cái tập khí đó, thì nó không còn làm gì được ta nữa, tự nhiên ta an trú được liền trong chánh niệm. Có rất nhiều kinh đề cập đến việc ma vương xuất hiện trong thời gian Bụt ngồi dưới cội Bồ Đề, nhưng mỗi lần ma vương xuất hiện, Bụt biết là ma vương và Ngài nói “Ta biết ngươi là ma vương”, thì ma vương vội vàng biến đi. Những bậc tu hành thâm hậu họ có khả năng ngồi yên, ngồi yên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hòa Thượng Thích Quảng Đức là một điển hình, Ngài đã ngồi yên trên tòa sen giữa đường Phan Đình Hùng trong khi lửa bốc cháy, thiêu đốt nhục thân của Ngài. Đó là một hình ảnh có thể dùng để cực tả cái khả năng an trú trong hiện tại của một con người. Vì vậy mà ta gọi Ngài là Bồ Tát Quảng Đức.

Kinh Samiddhi dạy ta những phương pháp tu tập để tận hưởng được nguồn hạnh phúc có ngay trong giây phút hiện tại. Kinh cũng dạy ta đừng chạy trốn, đừng lìa bỏ quê hương mà ta đang có để đi tìm một quê hương, một thiên đường, một bóng dáng của hạnh phúc vốn chỉ là ảo mộng mà thôi. Ta có thể nghiên cứu Kinh Samiddhi rất sâu để tìm được giáo lý mầu nhiệm của Bụt tiềm tàng trong từng câu, từng chữ trong Kinh.

BỐN LÃNH VỰC CỦA CHÁNH NIỆM

“Niệm” có nhiều nghĩa. Nghĩa đầu tiên là nhớ lại. Trong cách viết chữ Hán, phần trên của chữ niệm là chữ kim, có nghĩa là bây giờ, phần dưới là chữ tâm, tức là cái tâm của ta. Vậy trước hết Niệm có nghĩa là cái tâm của ta ngay trong lúc này. Một điều gì ta đã quên, bây giờ nó trở về trong giây phút hiện tại thì gọi là nhớ. Ví dụ gặp lại một người mà ta đã gặp cách đây 20 năm, và đã quên tên người ấy. Tuy nhiên “cái hạt giống tên” của người đó vần còn trong tâm ta, cho nên sau khi tìm kiếm và bươi xới tàng thức, thì hạt giống đó nảy mầm và ta nhớ lại tên người đó. Đó gọi là niệm, ức niệm. Nói về nhớ, ta có nhiều thứ và nhiều cách để nhớ. Chẳng hạn ta nhớ những việc đã qua như nhớ đến những khổ đau, những kỷ niệm vui buồn trong quá khứ, vàtrong khi nhớ ta có thể đánh mất mình, có thể chìm đắm trong những kỷ niệm khổ đau, hay hạnh phúc trong quá khứ. Cái đó cũng là niệm, nhưng hoài niệm. Trong giáo pháp Bụt dạy, những sự nhớ nghĩ như vậy là tà niệm, vì ta tự đánh mất mình trong lúc nhớ, nên nó không phải là chánh niệm.

Khi nghĩ tới tương lai, ta lo lắng, thao thức, chìm đắm trong tương lai thì điều đó cũng là một loại niệm, nhưng nó được gọi là vọng niệm.

Ngay cả trong hiện tại nếu ta bị lôi cuốn bởi những hình sắc, những âm thanh, tâm ta không tự chủ được, không an trú được trong cái thấy chân thật về thực tại, thì tuy thuộc hiện tại, nhưng nó cũng không phải là chánh niệm. Ví dụ khi ăn bánh hay cà rem, ta có hạnh phúc trong khi ăn, Nhưng nếu quên rằng ăn những thứ đó nhiều quá, sẽ nguy hại cho thân và tâm của ta, thì tuy đang sống trong hiện tại, nhưng ta đang không sống trong chánh niệm, mà đang sống trong thất niệm. Cho nên không phải khi tiếp xúc được với những gì trong hiện tại, thì gọi là chánh niệm. Tiếp xúc mà bị lôi cuốn bởi những cái trong hiện tại thì đó là tà niệm. Bởi chánh niệm cho ta thấy rằng ăn cà rem nhiều như vậy thì nguy quá. Ăn nửa ly hay một ly mà biết rằng ăn nửa ly hay một ly thì không đến nỗi nào tức là lúc đó ta có thực tập quán ăn uống chừng mực. Nhưng ăn tới ly thứ hai mà vẫn không có sự soi sáng, thì rõ ràng ta đang bị cà rem nó kéo đi. Như vậy tuy gọi đang sống trong hiện tại, nhưng kỳ thực ta đang bị hiện tại kéo đi, ta không có tự chủ. Điều đó gọi là thất niệm. Thất niệm là đánh mất chánh niệm. Chánh niệm là không bị lôi cuốn và chìm đắm trong quá khứ, không bị lôi cuốn và chìm đắm trong tương lai, cũng như không bị lôi cuốn và chìm đắm trong hiện tại. Sống mà có sự tỉnh thức thì mới gọi là sống trong chánh niệm.

Chánh niệm có bốn lãnh vực: lãnh vực của thân, của thọ, của tâm, và của pháp. Khi những gì đang xảy ra trong bốn lãnh vực này mà ta biết được, thấy được, thì gọi là ta đang có chánh niệm.

* Khi biết những gì đã xảy ta torng cơ thể của ta, ví dụ khi ngồi, ta biết ta ngồi; khi cúi xuống, biết ta cúi xuống; khi đi biết ta đi; khi đau bụng, biết ta đau bụng; gan yếu, biết gan ta yếu, thì những cái thấy và biết đó được gọi là thân niệm. Quán chiếu về cơ thể và về sự vận hành sinh lý của cơ thể thì gọi là thân hành niệm. Kinh Thân Hành Niêm dạy rất rõ về những phép quán chiếu này.

* Khi nhận diện được những cảm thọ của ta như vui, buồn, dễ chịu, khó chịu, hay không vui buồn, không dễ chịu, không khó chịu thì gọi là thọ niệm. Thọ là một trong 51 tâm hành của ta. Trong tàng thức ta có 51 hạt giống, gọi là 51 tâm hành. Trong đó Niệm là một, Thất Niệm là hai, Thọ là ba, Tưởng là bốn, Xúc là năm v.v... Và Thọ Thọ được liệt kê riêng ra như một đối tượng đặc biệt của Chánh niệm vì Thọ là một tâm hành rất quan trọng.

* Còn 50 loại tâm hành khác được liệt kê vào phạm trù thứ ba gọi là Tâm, còn gọi là tâm hành. Khi buồn, khi vui, mà ta biết ta đang buồn, đang vui thì cái biết đó gọi là tâm niệm. Quán chiếu về tâm tư và về sự vận hành tâm là gọi là tâm hành niệm.

* Lãnh vực thứ tư là Pháp, tức là những đối tượng của tâm hành. Có tất cả là 51 tâm hành. Mỗi tâm hành đều có đối tượng riêng của nó, nghĩa là ta cũng có 51 pháp. Ví dụ giận là một tâm hành. Giận có đối tượng của giận, giận ai hay giận điều gì? Như vậy “ai” hay “điều gì” là Pháp. Niệm cũng vậy. Niệm là nhớ. Nhớ thì phải nhớ ai hay là nhớ cái gì. “Ai” hay “cái gì” là đối tượng của Niệm.

Ta phải nắm cho vững những điều này. Để dễ hiểu ta dùng hình vẽ một trái quít có năm múi. Trái quít này có thể đem ví với năm yếu tố làm ra con người (năm uẩn). Múi đầu là Sắc, nghĩa là thân của ta. Múi thứ hai là Thọ, tức là những cảm thọ của ta (dễ chịu, khó chịu, và trung tín). Múi thứ ba là Tưởng (tri giác cũng là một trong 51 tâm hành). Múi thứ tư là hành, có nghĩa là tâm hành, tiếng Pháp là “Formations mentales”, tiếng Anh là “Mental formations”, nó gồm 49 tâm hành trên tổng số 51 tâm hành. Tuy hai tâm hành kể trên (Thọ và Tưởng) cũng thuộc về phạm trù thứ tư, nhưng vì chúng quan trọng quá, nên Bụt liệt riêng thành một dòng hiện tượng để quán chiếu, và 49 tâm hành còn lại thì gom vào một mối và gọi chung là hành. Múi thứ năm là Thức, thức ở đây là tàng thức, nó chứa đựng tất cả những hạt giống của 51 tâm hành. Vì vậy tàng thức được ví với nhà kho, còn ý thức được xem như phòng khách. Trong nhà kho chúng ta chứa rất nhiều đồ đạc. Thọ, Tưởng và Hành thường xuất hiện trong phòng khách. Khi ta buồn, vui, thương, ghét nhớ, quên v.v... thì tất cả những tâm hành đó phát hiện trên ý thúuc. Khi không có mặt trong phòng khách, chúng nằm nghỉ ở tàng thức dưới dạng những hạt giống. Vì vậy ở đây có nghĩa là tàng thức, và thọ, tưởng, hành là nội dung của ý thức.

Thường trong phòng khách chỉ có một người khách, nhưng đôi khi cũng có hai, ba người tới thăm cùng lượt. Tuy vậy không khi nào cả 51 “người khách tâm hành” cùng vào ngồi một lần trong đó. Lý do là khi giận thường ta không thương, khi thưong thường ta không giận, khi quên ta không nhớ, khí nhớ ta không quên. Điều đó có nghĩa là trong khách ta thường chỉ có “một chàng khách” thôi. Chàng có thể làm cho phòng khách vui hơn hay tan nát hoặc ngổn ngang là tùy vào bản chất của chàng khách đó.

Khi một người khách dễ thương, một người khách có hạnh phúc tới thăm thì ta có hạnh phúc, vì vậy mà ta nên tìm đủ cách để giữ người đó lại, ta cầu cho trời mưa để người đó đừng về, (Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách). Ngược lại nếu lỡ mời một người khách không dễ thương vào nhà, ta phải biết cách làm cho người đó đừng tạo ra khung cảnh sầu đau, u ám. Một trong những phương pháp để tránh khó khăn là ta nên tỉnh táo để mời thêm một người bạn biết tiếp khách, “Người bạn Chánh Niệm” tới để soi sáng, vỗ về và chăm sóc người bạn kia. Cũng như khi đứa con khóc thì bà mẹ dù đang ở dưới bếp cũng chạy lên ẵm lấy con. Vì vậy mỗi khi ta buồn chán, giận ghét ta phải mời người bạn chánh niệm lên để ôm lấy cái buồn, cái giận, cái ghét, cái chán đó mà an ủi, chuyển hóa chúng. Tu tập nghĩa là luôn luôn mời chánh niệm lên để ý thức được ai đang ở trong phòng khách, và phải tiếp xử như thế nào để cho cái phòng khách của ta nó đẹp, nó vui hầu ta luôn luôn có hạnh phúc. Cũng cùng trong mục đích đó mà ta niệm Bụt. Niệm Bụt là gì? Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng tức là chánh niệm! Vì biết phòng khách của ta cần có những người khách quí như vậy nên ta niệm Bụt tức ta mời người khách có giá trị bậc nhất vào trong phòng khách của ta. Tại vì ta biết rằng nếu người đó ngồi lại lâu trong phòng khách của ta thì có lợi lắm. Mỗi phút có mặt, người đó sẽ gieo vào tàng thức của ta vô số hạt giống thương yêu, hiểu biết. Cho nên niệm Bụt tức là mời vào phòng khách của ta một người khách hay nhất đẹp nhất, hiền nhất, dễ thương nhất để ta được lợi lạc.

BỐN Ý NGHĨA CỦA NIỆM

Như đã nói ở trên, trước hết niệm có nghĩa là nhớ. Niệm là một trong 51 tâm hành và được gọi là “Tâm sở Niệm”. Tâm sở niệm có thể là niệm.

Kế đến, niệm còn có nghĩa là chánh niệm, nó tương đương với “Đức Bụt tiềm tại trong ta”. Đây chính là Phật tánh ở trong ta, và là một trong năm lực.

Nghĩa thứ ba của niệm là khoảng thời gian ngắn nhất, như sát na. Ví dụ trong Văn Cảnh Sách Qui Sơn có câu:

Niệm niệm tấn tốc, nghĩa là sát na này nói theo sát na kia, thời gian đi qua rất mau.

Chuyển tức tức thị lai sinh, thay một hơi thở là đã đi sang đời mới rồi,

Hà nại yến diên không quá, vì vậy không nên chần chờ để cho thời gian trôi qua.

Trong mỗi niệm có thể có những cảm thọ, nhiều tri giác. Thành ra niệm còn có nghĩa là khoảng thời gian chứa đựng những cảm thọ, những tri giác.

Thứ tư, niệm còn có nghĩa là tà niệm. Tà niệm tức là tri giác sai lầm. Nghĩa này mới phát sanh, không phải có từ thời Bụt còn tại thế. Vào đời Đường, trong khi Thiền Tông rất hưng thịnh, có hai thầy tên là Vô Tướng và Vô Trú. Thầy Vô Tướng ở Chùa Tịnh Chúng (Tịnh Chúng Tự), và thầy Vô Trú ở Chùa Bảo Đường, hai thầy cực lực tuyên dương giáo lý gọi là “Vô Niệm”. Từ đó trong Thiền Môn chữ vô niệm trở thành một danh từ rất là quan trọng. Vô niệm tức là vô vọng niệm, nghĩa là không có vọng niệm. Vọng có nghĩa là sai lầm. Đáng lý phải nói là vô vọng tưởngvì vọng tưởng là tri giác sai lầm, nhưng các thầy đã dùng chữ vô vọng niệm, cho nên đã tạo ra những lầm lẫn cho con cháu về sau. Ví dụ có người nói rằng tu thiền cao rồi thì không cần chánh niệm nữa, tại vì chánh niệm cũng vẫn là niệm! Điều đó chứng tỏ người đó không biết chữ “niệm” dùng trong Thiền học là không cùng nghĩa với chữ “niệm” trong danh từ chánh niệm. Chánh niệm là tất cả vốn liếng của Bụt, chánh niệm là sự tỉnh thức. Nó không phải là khái niệm, nó không phải là vọng niệm. Không có chánh niệm thì không có sự tỉnh thức, cho nên khi nói chánh niệm cũng là niệm, là đã không phân biệt được sự khác nhau giữa chánh niệm và vọng niệm.

Như vậy ta có hai danh từ: Tưởng và Niệm. Tưởng là một tri giác, tiếng Pháp là “con cept” hay là “idée”, nghĩa là cái ý niệm của chúng ta. Có lẽ sự lầm lẫn cũng từ chỗ đó mà ra. Ví dụ bên Nhật Bản có ngọn Núi Phú sĩ (Mount Fuji). Núi Phú sĩ rất cao và đỉnh núi có tuyết phủ quanh năm. Nếu chưa tới đó thì cái tự thân, cái chân như của núi Phú sĩ ra sao ta sẽ không biết. Nếu đã tới đó rồi ta cũng chỉ biết một phần nào về núi Phú sĩ thôi, chứ không thể nào ta có một cái thấy, một tri giác hoàn toàn về núi Phú sĩ được. Làng Mai cũng vậy. Nếu tới thăm Làng một ngày ta cũng có thể có ý niệm về Làng Mai, nhưng cái ý niệm đó không phải là Làng Mai thật sự, và nó rất khác với thực tại của Làng Mai. Chúng ta đã từng nghe nói tới núi Phú sĩ. Thầy Nhất Hạnh đã leo núi Phú sĩ, nhưng cái ý niệm của Thầy khác hơn cái ý niệm về núi Phú sĩ của Sư chú Vô Ngại. Thầy Nhất Hạnh biết rất rõ rằng, tuy thầy đã leo lên núi Phú sĩ, nhưng cái biết về núi Phú sĩ của thầy nó vẫn còn là một ý niệm, nó chưa phải là núi Phú sĩ tự thân, chưa phải là chân như của núi Phú sĩ. Vì vậy cho nên cái ý niệm, cái tri giác của ta về một thực tại, không phải là thực tại đó. Nếu bị kẹt vào trong những tri giác, những ý niệm đó thì ta đánh mất thực tại. Tu học là phải vượt thoát những ý niệm. Vì vậy mới có giáo lý vô niệm, nghĩa là phải vượt thắng hết tất cả những ý niệm về thực tại, thì ta mới đạt tới chân như. Cho nên Vô Niệm là giáo nghĩa Thiền Tông rất trọng yếu từ đời Đường cho đến bây giờ. Nói tới Thiền tức là nói tới giáo lý Vô Niệm. Trong cuốn Nẻo Vào Thiền Học tôi cũng có nói về giáo lý Vô Niệm, mà tôi dịch là “ The non-conception way” (Con Đường Vô Niệm).

Ý niệm của con mọt về cái bàn này nó khác với ý niệm về cái bàn của con người. Con mọt có thể cho cái bàn này là kho thực phẩm, nhưng đối với con người thì cái bàn này là một nơi có thể để bình bông hay bình trà. Vì vậy, ý niệm không phải là thực tại, nếu mình cứ khăng khăng cho ý niệm đó là thực tại thì mình bị kẹt vào “niệm” và mình không bao giờ có thể đạt tới cái chân như của vạn pháp cả. Cho nên con đường của Thiền Tông là con đường Vô Niệm, con đường diệt trừ tất cả những ý niệm trong tâm ta. Vô niệm ở đây có nghĩa là vô vọng niệm, tại vì cái ý niệm của mình dù có chính xác hơn cái ý niệm của người khác, nó vẫn chứa chất một phần tính cách do tưởng do vọng ở bên trong nó. Ví dụ ta dã nhận ra dây là sợi dây chứ không phải là con rắn, tức là ta đã xóa bớt rất nhiều ảo vọng ở trong tâm rồi. Tuy vậy ta vẫn còn những si mê đối với sợi dây đó; Không biết sợi đây làm bằng chất gì, ai để ở đó? Và ta tưởng sợi dây đó là một thực thể độc lập đối với những hiện tượng khác. Nói rõ ra, dầu ta cẩn thận bao nhiêu đi chăng nữa, thì trong cái niệm, cái tri giác của ta về một thực tại vần còn những yếu tố sai lầm. Vì vậy khảo cứu về thực tại mà căn cứ vào ý niệm thì không bao giờ có thể đạt tới chân như của thực tại cả, phải đi theo con đường vô niệm, tức là con đường vượt thoát ức tưởng phân biệt. Đối với tôi, giáo lý này tuy thâm sâu nhưng có tính cách lý thuyết, không thực dụng lắm, và còn có thể nguy hiểm cho người hành trì.

Như vậy, theo định nghĩa của giáo lý này, vô niệm tức là vô vọng niệm, chứ không có nghĩa là vô chánh niệm (vì chính nhờ chánh niệm nên ta mới biết được điều đó là vọng niệm). Khi một điều gì chánh mà ta biết là chánh, một cái gì vọng mà ta biết là vọng, thì đó là chánh niệm. Tuy vậy, trong truyền thống thiền này, hành giả thường có nhận thức hết sức sai lầm; họ phân biệt vọng niệm và những cái không phải là vọng niệm. Sự sai lầm bắt nguồn từ chỗ họ cho rằng những cái không vọng niệm cũng có thể là vọng niệm. Ví dụ khi đang ngồi thiền mà ta nghĩ tới tới hủ tiếu thì nó là vọng niệm. Có phải vậy không? Đang ngồi thiền, đang thở, vào, ra, sâu, chậm, tại sao lại nghĩ tới hủ tiếu? Vậy thì nghĩ đến hủ tiếu trong lúc này là vọng niệm. Nhưng khi ta đưa chánh niệm về và nói rằng: tôi đang thở vào, tôi biết tôi đang nghĩ tới hủ tiếu, thì tự nhiên cái niệm đó trở thành chánh niệm. Nghĩ tới hủ tiếu và biết rằng mình đang nghĩ tới hủ tiếu là chánh niệm rồi. Thành ra cái vọng, cái chân không không phải là những thực tại khách quan, mà là những thực tại chủ quan. Nghĩ tới hủ tiếu hay là nghĩ tới danh, tới lợi, tới sắc thì ai cũng cho đó là vọng niệm, không ai phản đối, cãi bàn. Nhưng sự thực là khi tới Bụt, tới Pháp, tới Tăng mà ta không có nhận thức chính xác về Bụt, về Pháp, về Tăng thì dù rằng ta đang nghĩ tới Bụt, đó vẫn là một vọng niệm như thường! Ví dụ ta nghĩ đến Bụt như một vị thần linh ban phúc giáng họa, Bụt như là một người có thể hối lộ được, chỉ cần một ít chuối, một ít xôi, và một ít nhang đèn là Bụt có thể tha thứ cho ta, Bụt có thể giúp cho con ta thi đậu, thì cách tưởng niệm tới Bụt đó là một vọng niệm, một tư tưởng sai lầm. Khi giảng Kinh Hoa Nghiêm cũng vậy, nếu hiểu Kinh Hoa Nghiêm sai thì ta giảng Kinh Hoa Nghiêm sai. Cho nên đừng nghĩ rằng nghĩ tới ma mới là vọng niệm, còn nghĩ tới Bụt thì luôn luôn là chánh niệm! Nghĩ tới thầy cũng vậy. Thầy không phải là đối tượng chánh hay vọng, mà cái tri giác của mình về Thầy nó tạo ra cái tính cách chánh hay vọng. Điều này tôi đã giảng trong một khóa tu vừa rồi.

Khi đang có vọng niệm mà ta nhận diện được nó thì tự nhiên vọng niệm đó biến đi và chánh niệm liền có mặt. Thành rra nếu vọng niệm không có, thì tất nhiên phải có chánh niệm. Vì vậy những câu như “biết vọng không theo” là những câu khuyên thừa. Khi ta biết vọng là vọng rồi thì nó tan đi mất, đâu còn vấn đề theo hay không theo nữa!

Nguy hiểm hơn nữa là khi mình bị kẹt vào một ý niệm mà mình cho là “chân như”, là “không", là “vô ngã”, hay một ý niệm về Bụt, về Pháp, về Tăng. Rất nhiều người trong ta đang bị kẹt vào những ý niệm như vậy. Kinh Bảo Tích dạy rằng khi kẹt vào “ý niệm có”, ta có thể dùng “ý niệm không" để tháo gở, nhưng khi bị kẹt vào cái “ý niệm không" thì ta đành bó tay! Thành ta ý niệm về danh, về lợi, về sắc đã là nguy hiểm, mà ý niệm về Chân Như, Không, Vô Ngã, về Bụt, Pháp, Tăng, và về Sinh, Diệt, Vô Thường lại càng nguy hiểm hơn. Tất cả những ý niệm này đều có thể có tính chất vọng bên trong chúng. Khi nói “biết vọng không theo”, ta nghĩ “vọng” là danh, là lợi, là tài, là sắc, chứ ta không biết rằng chân như cũng có thể là vọng, và vô ngã, Bụt, Pháp cũng đều có thể là vọng, “vọng” là vì cái nhận thức của ta mang theo tính chất hư vọng.

Nói chánh niệm cũng vẫn là niệm thì thật là sai lầm. Ta phải nhớ rằng vô niệm chỉ có nghĩa là vô vọng niệm, và nó cũng có nghĩa là vô tưởng. Vô tưởng ở đây có nghĩa là được tự do đối với tri giác. Vì tri giác cũng có thể sai lầm, cho nên ta phải luôn luôn thực tập câu thần chú “Are you sure?”, “Ta có chắc tri giác của ta là chính xác hay không?”.

Vốn liếng của người tu là cái năng lượng của chánh niệm, một nguồn năng lượng giúp ta có mặt, tỉnh táo để thấy được cái gì đang xảy ra để giữ được sự tự do của ta và không bị cái đang xảy ra cuốn theo. Vì vậy, phương pháp tu tập chánh niệm là phương pháp an toàn và cụ thể nhất.

BA LOẠI NĂNG LƯỢNG CỦA CHÁNH NIỆM

Trưóc hết, năng lượng của chánh niệm giúp cho ta có mặt đích thực bây giờ và ở đây, nhờ vậy mà ta có thể trở về với quê hương của mình được. Chánh niệm tức là phương tiện chuyên chở, giúp ta trở về quê hương của mình. Đã về, đã tới, và về được tới tới được là nhờ chánh niệm.

Năng lượng thứ hai của chánh niệm là công nhận sự có mặt của đối tượng. Nếu không có mặt thì làm sao ta công nhận sự có mặt của kẻ kia được? Phải có mặt trước thì ta mới nói được rằng tôi biết anh đang ngồi đó. Thở vào, tôi biết là tôi có mặt ở đây, thở ra tôi biết là anh đang ngồi đó, trước mặt tôi. Nội một hơi thở như vậy thôi đã có thể đem lại cái khả năng tỉnh thức, hiểu biết, thương yêu rồi. Mà thương yêu là gì? Thương yêu là công nhận sự có mặt của con sâu, tờ lá, mặt trăng, cây khế, hay của bà mẹ, người anh, người chị.

Nếu không có mặt thì làm sao ta bước được bước thứ hai là công nhận sự có mặt của kẻ kia? Cho nên khi nhìn lên mặt trăng rằm mà nhìn bằng con mắt có năng lượng của chánh niệm thì mình thấy được mặt trăng tròn, sáng và mát. Mà sở dĩ mặt trăng có mặt một cách hiện thực, rõ ràng, tươi mát, là tại vì ta có mặt. Ngược lại nếu ta đánh mất ta trong sự lo nghĩ, giận hờn thì làm sao mặt trăng đó tươi mát được? Có mặt đích thực mới thấy được ngôi sao mai, và mới nói được với thị giả: “Này con, con có thấy ngôi sao mai không?” Người học trò của mình có mặt, và ngôi sao trên trời cũng có mặt, là nhờ mình có mặt. Cho nên khi ta vun bón hạt giống chánh niệm, thì hạt giống chánh nhiệm tạo ra một nguồn năng lượng để giúp ta có mặt đích thực.

Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã đốt lên lên ngọn lửa chánh niệm cho toàn thế giới, để cho mọi người thấy rằng đau thương của Việt Nam đang có mặt! Nếu không nhờ ngọn lửa chánh niệm, có mấy ai nhận diện được cái đau thương bốc cháy của chiến tranh Việt Nam? Chúng ta cũng vậy, nếu cái mặt trăng tròn kia, nếu cây khế kia không có mặt là tại vì chúng ta không đốt đuốc chánh niệm có mặt trong ta. Chúng ta chỉ cần thở vào, thở ra, là làm cho chúng ta đích thực có mặt, thì tự nhiên cây khế, cây chanh đó, người Sư anh, Sư chị đó, mặt trăng ngôi sao mai đó sẽ hiện ra. Bụt dạy cái này có là vì cái kia có, nếu ta không có mặt thì không có gì hết. Khi chúng ta thương yêu, khi chúng ta biết trân quí sự sống, trân quí những cái mầu nhiệm của sự sống, là chúng ta đã có năng lượng của chánh niệm. Khi người ta thương đang khổ đau, ta ngồi đó với tất cả sự mặt của ta và nói rằng: “Tôi biết anh đau khổ, vì vậy cho nên tôi đang ngồi bên anh”. Như vậy, dù mình chưa làm gì hết, mình chỉ cần có mặt thôi, thì cái đau khổ của người kia đã vơi bớt đi rồi. Chỉ có chánh niệm trong một sát na thì hai cái phép là này (mình có mặt đích thực thì cái kia có mặt đích thực) hiển bày ra liền. “Cái kia” có thể là hạnh phúc mà cũng có thể là khổ đau, cả hai trường hợp đều cần sự có mặt đích thực của ta. Nếu có mặt trước một sự mầu nhiệm thì ta làm cho sự mầu nhiệm đó hiện rõ ra, tỏa chiếu, và mầu nhiệm hơn lên. Như mặt trăng, như hoa anh đào, như người mình thương. Ngược lại nếu ta không có mặt thì cái đó, người đó cũng không có mặt, hoặc có cũng như không. Truyện Kiều có hai câu do chính Kiều nói:

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Đôi ta là ai? là mình và mặt trăng. Khi nhìn mặt trăng tròn mầu nhiệm đang đi trên thái không mà mình thấy được sự mầu nhiệm đó là nhờ mình có năng lượng của chánh niệm, mình có mặt đích thực. Có những người sống 70 năm nhưng chưa bao giờ nhìn mặt trăng với chánh niệm cả. Cái mặt trăng của họ luôn luôn lu mờ là vì chính họ cũng lu mờ! Cho nên chỉ một giây phút có mặt cho đích thực và sâu sắc, là cả vũ trụ của sự sống có mặt đích thực và sâu sắc. Thành ra nhìn mặt trăng mà mỉm cười: “Bây giờ rõ mặt đôi ta” là mình biết rằng trong tương lai mình sẽ không hối hận vì mình đã thấy mặt trăng rồi, mình đã từng có mặt và đã từng thấy mặt trăng trong cái chiều sâu thẳm của thực tại rồi.

Bây giờ trời đang mưa. Trời mưa cũng là một thực thể rất mầu nhiệm, không kém gì trời nắng hay mặt trăng tròn. Trời mưa là một phần không thể thiếu trong quê hương ta. Nếu ta có mặt thì trời mưa sẽ có mặt, và ta sẽ tiếp xúc được với trời mưa một cách rất sâu sắc. Nếu ta không có mặt, thì trời mưa cũng như không mưa!

Ngày xưa có một Thiền sư chỉ vì ngắm hoa đào, thấy được hoa đào mà chứng ngộ. Một hôm tôi tình cờ đi xuống vườn Mai ở Xóm Hạ trong mùa hoa mai nở (nếu quí vị ở lại được tới đầu tháng tư thì sẽ thấy những đồi mai đầy hoa trắng rất đẹp). Khi đi giữa những hàng mai một mình, nhìn những bông hoa trắng nõn nà, tôi chợt hiểu tại sao vị Thiền sư đó chỉ cần nhìn hoa đào mà chứng ngộ. Là vì khi cái tinh lực của chánh niệm tràn đầy, hùng hậu, thì một bông mai có thể làm hiển lộ được cả cái Pháp thân mầu nhiệm, cũng như một cách hoa hồng, một mặt trăng tròn, và quê hương đích thực, niết bàn của hiện tại có đó, nhưng vì ta chỉ biết chạy, chỉ biết đi tìm cái ảo tưởng, cho nên ta không tiếp xúc được.

Chánh niệm là cái năng lượng giúp chúng ta ngồi xuống an ổn để có thể tiếp xúc được với cái thực tại mầu nhiệm kia. Ngồi thiền là để làm chuyện đó, đi thiền hành là để làm chuyện đó, và ngồi uống trà cũng là để làm chuyện đó mà thôi. Nếu không có vốn liếng của chánh niệm thì những điều mà ta làm trong đời sống hàng ngày và gọi là tu tập, chỉ là hình thức cạn cợt, chỉ là những công tác lao động mệt nhọc mà thôi.

Khi cái đối tượng trở nên mầu nhiệm, nó sẽ có tính cách nuôi dưỡng, có tính cách trị liệu. Tiếp xúc được với chúng rồi, thì đương nhiên ta sẽ được nuôi dưỡng, được trị liệu. Đi thiền hành, nhìn cây, nhìn trời, thở khí trời, an trú trong hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống là một phương pháp trị liệu thân tâm rất là mầu nhiệm. Trị liệu cho ta và cho người quanh ta. Do đó khi cái đối tượng mà ta tiếp xúc bằng chánh niệm là khổ đau, thì những khổ đau đó sẽ vơi đi, vì chánh niệm là một nguồn năng lượng có thể làm êm dịu những khổ đau. Có mặt mà có mặt với chánh niệm là đã thương yêu, đã làm vơi bớt niềm đau. Thương yêu ở đây có nghĩa là làm vơi bớt niềm đau và dâng hiến hạnh phúc, tức là từ và bi. Từ là dâng hiến hạnh phúc bằng cách giúp cho người kia tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Bi là làm vơi bớt niềm đau bằng cách đem cái năng lượng hiểu biết để xoa dịu vàchuyển hóa nỗi khổ đau của người kia.

Năng lượng thứ ba của chánh niệm là nhìn sâu. Nhìn sâu vào trong lòng thực tại để làm cho cái tưởng, cái tri giác của ta từ từ mất đi tính sai lầm của nó. Mỗi tri giác của ta đều có chứa yếu tố sai lầm, càng thực tập nhìn sâu thì những yếu tố sai lầm đó càng được chuyển hóa. Đó gọi là nhìn kỹ hay quán chiếu, tiếng Anh là “deep looking”, tiếng Pháp là “le regard profond”. Hồi mới viết đoản văn cho ngày Vu Lan, tôi đặt tên là “Bông Hồng Cài Áo” và gởi về cho một nhóm sinh viên ở Đại học Saigon. Nhưng khi in họ đổi tên lại là “Nhìn kỹ mẹ”. Ý này cũng đúng, tại vì có một bà mẹ nhưng có thể chưa bao giờ ta nhìn kỹ mẹ cả. Bởi vậy cho nên ta không khám phá ra cái kho tàng mầu nhiệm, ngọt ngào của bà.

HAI BƯỚC CỦA THIỀN TẬP

Thiền tập có hai bước, bước đầu là chỉ, bước thứ hai là quán. Chỉ tức là dừng lại và tập trung vào một đối tượng. Quán là đưa mắt nhìn xâu vào để thấy rõ như nhìn kỹ mẹ, nhìn kỹ em, nhìn kỹ cây hoa đào, nhìn kỹ mặt trăng, nhìn kỹ con sâu, nhìn kỹ lá gan của mình. Nhìn kỹ trong bốn phạm vi Thân, Thọ, Tâm, Pháp, gọi là Tứ niệm xứ. Khi nhìn kỹ như vậy thì ta mới thấy và mới hiểu. Cái hiểu, cái thấy đó cởi trói, giúp cho ta giải thoát và chuyển hóa. Những bước thiền tập đó sẽ dẫn đến tuệ.

Tập khí năm xưa rồi chuyển hóa,

Vườn tâm tuệ giác nở trăm hoa.

Thành ra những chữ Giác, Trí, Tuệ,có thể dịch bằng những danh từ rất đơn giản như HiểuThấy.

Con người khổ đau là tại vì cái tà niệm, cái vọng niệm, cái tri giác sai lầm của mình. Khi nhìn sâu, quán chiếu để làm tan những vọng niệm, những sai lầm của tri giác, thì ta có tuệ, nghĩa là giải thoát được những khổ đau của ta. Ta giận hờn, ghen tuông và khổ đau là vì ta bị trói buộc bởi những tri giác sai lầm của chính ta. Do công phu quán chiếu, nhìn sâu thì ta hiểu, ta thấy và ta được cởi trói, cho nên ta chuyển hóa được và có hạnh phúc. Tất cả những công trình đó thực hiện được là nhờ một loại năng lượng gọi là chánh niệm. Ngoài công việc thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc trong chánh niệm, thực tập ăn cơm có chánh niệm, uống trà có chánh niệm, thì ta đâu còn cơ hội nào để sản xuất được thứ năng lượng quí giá gọi là chánh niệm đó? Cho nên công phu thực tập hàng ngày rất quan trọng. Có thể ta cũng đi thiền hành với mọi người, cũng ăn cơm yên lặng, ngồi thiền, rửa bát, chùi phòng tắm, cầu tiêu với mọi người, nhưng nếu trong khi người khác làm công việc đó mà phát ra tinh lực chánh niệm tràn đầy, còn ta chỉ làm hình thức thôi thì đó là một điều rất uổng phí. Đi thiền hành nửa giờ có thể làm lưu xuất không biết bao nhiêu là tinh lực của chánh niệm để nuôi dưõng, soi sáng và chuyển hóa. Nếu chỉ đi cho có hình thức, đi là vì người khác đi, thì rất uổng. Cũng như cùng đi qua một rừng trầm hương châu báu, có người thu thập được rất nhiều châu báu, trong khi ta lại về tay không! Vì vậy khi vào tu viện, chúng ta nên học ngay những bài Thi Kệ Nhật Dụng như Uống nước, Rửa tay, Rửa chân, Mặc áo, Đi cầu, Ngồi xuống, Đứng dậy v.v.. Tất cả mọi sinh hoạt đều phải được thực hành theo những bài Thi Kệ trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Trong truyền thống của ta, thực tập chánh niệm là điều căn bản, do đó những điều đã được đem ra để học hỏi, thực tập, ta phải chấp hành một cách thật nghiêm chỉnh, như vậy mới thực sự sống trong truyền thống của Làng Mai.







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]