Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tín Tâm Minh - Tăng Xán

05/05/201100:45(Xem: 6211)
Tín Tâm Minh - Tăng Xán

信 心 銘TÍN TÂM MINH
Tam Tổ Tăng Xán
HT. Thích Thanh Từ

LƯỢC TRUYỆN TAM TỔ TĂNG XÁN
(497 ? – 602)

totangxanVềquê quán và gốc gác của Sư vốn không ai biết rõ ràng ở đâu. Chỉ biết rằng, lúc Sư đến gặp Nhị Tổ Huệ Khả là với hình thức cư sĩ, mắc bệnh phong hủi đến gặp Tổ cầu xin sám tội:
- Đệ tử mang bệnh ghẻ lỡ đầy mình xin Thầy từ bi sám tội cho.
Tổ Huệ Khả bảo:
- Ông đem tội ra đây, ta sẽ sám cho ông.
Sư đứng sững giây lâu, thưa:
- Đệ tử tìm tội không thể được.

Tổ Huệ Khả bảo:
- Ta đã sám tội cho ông rồi. Song ông nên nương tựa Phật Pháp Tăng.
Sư thưa:
- Nay đây đệ tử thấy Thầy thì đã biết được Tăng, còn chẳng biết thế nào là Phật và Pháp?
Tổ Huệ Khả bảo:
- Chính tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp, Phật pháp không hai, ông có biết chăng?
Sư thưa:
- Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, ngoài, khoảng giữa; như tội, tâm cũng vậy, thật Phật Pháp không hai.
Tổ Huệ Khả nghe nói vui vẻ, cho cạo tóc xuất gia, bảo:
- Ông chính là vật báu của ta, nên đặt tên Tăng Xán.
Ngày18 tháng 3 niên hiệu Thiên Bình thứ hai (536) nhà Bắc Tề, Sư được thọ giới cụ túc tại chùa Quang Phúc. Sư theo hầu hạ Tổ Huệ Khả hai năm, đượcTổ truyền kệ và y bát rồi bảo phải đi ẩn tránh nơi xa vì sẽ có nạn. Sư đến ở ẩn nơi núi Hoàn Công tại Châu Thư.
Có thuyết nói rằng, khi Sư đến ở chùa Sơn Cốc thì bệnh tuy hết mà không mọc tóc đen trở lại, cho nên người ở Châu Thư gọi Sư là: Xích Đầu Xán (ông Xán đầu đỏ). Song chỗ thấy biết và đạo đức khác thường của Sư thực người khó lường biết được. Trước kia nơi Sư ở có rất nhiều rắn độc và thú dữ hay làm hại người, khiSư đến ở thì liền dứt hết.
Đến đời Võ Đế nhà Hậu Châu ra lệnh hủy diệt Phật pháp (561), Sư tránh sang ở núi Tư Không huyện Thái Hồ. Lúc này Sư thường dời đổi chỗ ở không nhất định, do đó hơn mười năm không aibiết tin tức. Khi Sư ở núi Tư Không có một vị tăng người Ấn tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Trung Hoa cầu pháp; vị tăng ấy gặp Sư hết lòng kính mộ nguyện xin làm đệ tử. Sư truyền tâm ấn cho Lưu Chi và dạy qua phương Namtiếp độ chúng sanh.
Khoảng niên hiệu Khai Hoàng thứ 12 đời Tuỳ (592) có một Sa di 14 tuổi hiệu Đạo Tín đến lễ Sư thưa:
- Mong Hòa thượng từ bi, xin cho con pháp môn giải thoát.
Sư bảo:
- Ai trói buộc ngươi?
Tín thưa:
- Không ai trói buộc.
Sư bảo:
- Vậy đâu cầu giải thoát chi nữa?
Đạo Tín ngay lời nói liền đại ngộ. Từ đây Đạo Tín theo hầu hạ Sư suốt chín năm.
Trong Thống Yếu nói: Đạo Tín ngay đó có tỉnh, lại hỏi tiếp:
- Thế nào là tâm Phật xưa?
Sư bảo:
- Ông nay đây là tâm gì?
Tín thưa:
- Con nay không tâm.
Sư bảo:
- Ông đã không tâm, chư Phật há có tâm ư?
Ngay đó Đạo Tín dứt hết nghi ngờ.

SauĐạo Tín đến Châu Cát thọ giới, rồi trở về hầu hạ Sư càng thêm cần mẫn. Sư thường đem lý sâu kín gạn thử Đạo Tín, biết được cơ duyên của Đạo Tínđã chín muồi, bèn truyền y pháp cho Tín và kệ:

Hoa chủng tuy nhân địa,
Tùng địa chủng hoa sanh.
Nhược vô nhân hạ chủng,
Hoa địa tận vô sanh.

Dịch:
Giống hoa dù nhân đất,
Từ đất giống hoa sanh.
Nếu không người gieo giống,
Hoa, đất trọn không sanh.

Sư dạy tiếp:
-Trước kia Đại sư Huệ Khả trao pháp cho ta xong, Ngài đi qua Nghiệp đô hoằng hóa hơn ba mươi năm mới tịch. Nay ta đã có được ông, sao phải vướng mắc nơi đây làm gì?
Sư bèn đi đến núi La Phù thong dong hai năm, rồi trở về Châu Thư, ở lại chùa cũ Sơn Cốc. Hơn tháng, dân chúng nghe tin, cùng nhau kéo tới tấp nập, thiết lễ cúng dường lớn. Sư vì bốn chúng nói rộng về tâm yếu. Nói xong, Sư đứng ngay dưới gốc cây to tại pháp hội, chấp tay mà tịch.
Nhằm ngày rằm tháng mười năm Bính Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ hai đời Tuỳ (602). Gặp lúc nhà Tùy vừa có loạn nên chưa kịp xây tháp. Đến đời Đường niên hiệu Thiên Bảo thứ Năm (746), Lý Thường ở Quận Triệu được đổi đến Châu Thư, ông mới cho bốc lên thiêu lấy xá lợi xây tháp. Sau đó Tể tướng Phòng Quản làm bia. Vua Minh Hoàng đời Đường truy phong là Thiền sư Giám Trí, tháp hiệu Tịch Giác.
Sư có trước tác bài “Tín Tâm Minh”, truyền rộng ở đời.
Sư nói pháp hơn ba mươi năm, im miệng chẳng bàn đến dòng họ, quê quán, thường nói với Ngài Đạo Tín rằng:
- Có người muốn hỏi, chớ nói chỗ ta đắc pháp.
Thiền sư Khế Tung nói:
-Bậc chí nhân cho dấu vết sự vật là cái lụy của đại đạo, mới quên đi tâmkia. Nay đây, tông môn chánh pháp còn muốn sót mất, huống nữa tên họ, quê hương, để ý làm gì ư?

BÀI MINH TIN TÂM

Chí đạo không khó,
Chỉ hiềm chọn lựa.
Nhưng chớ yêu ghét,
Rỗng suốt sáng tỏ.
Mảy may vừa sai,
Đất trời xa cách.
Muốn được hiện tiền,
Chớ còn thuận nghịch.
Trái thuận tranh nhau,
Đó là tâm bệnh.
Chẳng rõ ý huyền,
Nhọc công niệm tĩnh.
Tròn đồng thái hư,
Không thiếu không dư.
Bởi do lấy bỏ,
Vì thế chẳng như.
Chớ theo duyên có,
Đừng trụ không nhẫn.

Một lòng bằng phẳng,
Lặng yên tự sạch.
Ngăn động về tĩnh,
Hết ngăn càng động.
Chỉ kẹt hai bên,
Đâu biết một thứ.
Một thứ chẳng thông,
Hai chỗ mất công.
Dẹp có mất có,
Theo không trái không.
Nói nhiều nghĩ nhiều,
Càng chẳng tương ưng.
Bặt nói bặt nghĩ,
Chỗ nào chẳng thông.
Về nguồn được chỉ,
Theo chiếu mất tông.
Phút giây soi lại,
Hơn không trước đấy.
Không trước chuyển biến,
Đều do vọng kiến.
Chẳng cần cầu chân,
Chỉ nên dứt kiến.

Hai kiến chẳng trụ,
Dè dặt đuổi tìm.
Vừa có phải quấy,
Lăng xăng mất tâm.
Hai do một có,
Một cũng chớ giữ.
Một tâm chẳng sanh,
Muôn pháp không lỗi.
Không lỗi không pháp,
Chẳng sanh “chẳng” tâm.
Năng tuỳ cảnh diệt,
Cảnh theo năng chìm.
Cảnh do năng cảnh,
Năng do cảnh năng.
Muốn biết hai đoạn,
Nguyên là một không.
Một không đồng hai,
Gồm cả muôn tượng.
Chẳng thấy tinh thô,
Đâu có nghiêng lệch.
Đạo lớn thể rộng,
Không dễ không khó.

Tiểu kiến hồ nghi,
Càng gấp càng chậm.
Chấp đó mất chừng,
Hẳn vào đường tà.
Buông đó tự nhiên,
Thể không đi ở.
Tuỳ tánh hợp đạo,
Thong dong tuyệt não.
Buộc niệm trái chân,
Hôn trầm chẳng tốt.
Chẳng tốt nhọc thần,
Đâu dùng sơ thân.
Muốn đến nhất thừa,
Chớ ghét sáu trần.
Sáu trần chẳng ghét,
Lại đồng Chánh giác.
Người trí vô vi,
Kẻ ngu tự cột.
Pháp không pháp khác,
Vọng tự đắm mắc.
Đem tâm dụng tâm,
Há chẳng lầm to !

Mê sanh tịch loạn,
Ngộ không tốt xấu.
Tất cả hai bên,
Bởi do châm chước.
Mộng huyễn không hoa,
Nhọc chi nắm bắt.
Được mất phải quấy,
Một lúc buông hết.
Mắt nếu chẳng ngủ,
Các mộng tự trừ.
Tâm nếu chẳng khác,
Muôn pháp nhất như.
Nhất như thể huyền,
Ngây ngất quên duyên.
Muôn pháp đồng quán,
Trả về tự nhiên.
Sạch hết lý do,
Chẳng thể so sánh.
Dừng động không động,
Động dừng không dừng.
Hai đã chẳng thành,
Một làm sao có ?

Rốt ráo cùng tột,
Chẳng còn khuôn phép.
Hợp tâm bình đẳng,
Việc làm đều dứt.
Hết sạch nghi ngờ,
Thẳng ngay chánh tín.
Tất cả chẳng giữ,
Không thể ghi nhớ.
Rỗng sáng tự soi,
Chẳng nhọc tâm lực.
Chẳng phải chỗ suy,
Thức tình khó lường.
Chân như pháp giới,
Không người không ta.
Muốn gấp khế hợp,
Chỉ nói không hai.
Chẳng hai đều đồng,
Bao gồm hết thảy.
Bậc trí mười phương,
Đều vào tông này.
Tông chẳng ngắn dài,
Một niệm muôn năm.

Không đây chẳng đây,
Mười phương trước mắt.
Rất nhỏ đồng lớn,
Quên bặt cảnh giới.
Rất lớn đồng nhỏ,
Chẳng thấy mé bờ.
Có tức là không,
Không tức là có.
Nếu chẳng như thế,
Hẳn chẳng cần giữ.
Một tức tất cả,
Tất cả tức một.
Chỉ hay như thế,
Lo gì chẳng xong.
Tin tâm chẳng hai,
Chẳng hai tin tâm.
Dứt đường nói năng,
Chẳng phải xưa nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]