Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Biết nghe Diệu pháp

24/06/201319:15(Xem: 7637)
2. Biết nghe Diệu pháp

Quả Dự Lưu

2. Biết nghe Diệu pháp

Thích Viên Giác dịch và giảng

Nguồn: www.quangduc.com

Đức Phật giảng cho thanh niên Kapadika Bharadvaja:
-- Trước hết, này Bharadvaja, Ông đi đến lòng tin, nay Ông nói đến tùy văn. Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân nhắc suy tư các lý do và chấp nhận quan điểm. Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Tuy vậy, này Bharadvaja, có điều được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không thay đổi. Lại nữa này Bharadvaja, có điều được khéo tùy hỷ... được khéo tùy văn... được khéo cân nhắc suy tư... được khéo chấp nhận, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo chấp nhận, có thể là thật, chân, không thay đổi. Hộ trì chân lý, này Bharadvaja không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều là: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm"
-- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là hộ trì chân lý? Cho đến mức độ nào, chân lý được hộ trì? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.
-- Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: "Đây là lòng tin của tôi", người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý. Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy hỷ.... Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy văn... Này Bharadvaja, nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do... Này Bharadvaja, nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: "Đây là sự chấp nhận quan điểm của tôi", người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì và cho đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây chưa phải sự giác ngộ chân lý.
-- Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chân lý được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con nhìn thấy thộ trì chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý?
-- Ở đây, này Bharadvaja, Tỳ-khưu sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Vị Tôn giả ấy không có những tham pháp, do những tham pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy"; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng tham. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng".
Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân pháp: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những sân pháp, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động, khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng".
Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những sân pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các si pháp: "Không hiểu tôn giả ấy có si pháp hay không, do những si pháp này, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những si pháp, do những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy, vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng si. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng".
Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sanh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý, nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.
-- Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy, chân lý được giác ngộ, và cho đến như vậy chúng con thấy giác ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng đạt. Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự chứng đạt chân lý.
-- Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý.
-- Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy chân lý được chứng đạt, và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng đạt chân lý. Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự chứng đạt chân lý, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự chứng đạt chân lý, này Bharadvaja, tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần theo đuổi chân lý thì không thể chứng đạt chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý. Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều.
-- Trong sự tinh cần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tinh cần, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự tinh cần, này Bharadvaja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần theo đuổi chân lý. Nếu có cân nhắc sẽ được tinh cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều.
-- Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cân nhắc, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự cân nhắc, này Bharadvaja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc; do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.
-- Trong sự cố gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cố gắng, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự cố gắng, này Bharadvaja, ước muốn được hành trì nhiều. Nếu ước muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều.
-- Trong ước muốn, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con muốn hỏi Tôn giả Gotama, trong ước muốn, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong ước muốn, này Bharadvaja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên; do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.
-- Nhưng trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bharadvaja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.
-- Nhưng trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bharadvaja, thọ trì pháp được hành trì nhiều. Nếu không có thọ trì pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa; do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành trì nhiều.
-- Trong sự thọ trì pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Trong sự thọ trì pháp, chúng con hỏi Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự thọ trì pháp, này Bharadvaja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu không nghe pháp thì không có thọ trì pháp. Và do có nghe pháp nên có thọ trì pháp; do vậy, trong sự thọ trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều.
-- Trong sự nghe pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự nghe pháp, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự nghe pháp, này Bharadvaja, lóng tai được hành trì nhiều. Nếu không có lóng tai thì không có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì nhiều.
-- Trong sự lóng tai, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lóng tai, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự lóng tai, này Bharadvaja, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều. Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lóng tai. Vì có thân cận giao thiệp nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng tai, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.
-- Trong sự thân cận giao thiệp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự thân cận giao thiệp, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự thân cận giao thiệp, này Bharadvaja, đi đến gần được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp. Và vì có đi đến gần nên có thân cận giao thiệp; do vậy, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều.
-- Trong sự đi đến gần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự đi đến gần, pháp nào được hành trì nhiều.
-- Trong sự đi đến gần, này Bharadvaja, lòng tin được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sanh thì không đi đến gần. Và vì lòng tin sanh, nên có đi đến gần; do vậy, trong sự đi đến gần, lòng tin được hành trì nhiều.
[Trung Bộ, 95]
... Sau khi ngồi xuống một bên, các người Kàlàmà ở Kesaputta bạch Thế Tôn:
- Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: "Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?"
- Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng.
Các Ông nghĩ thế nào, này Kàlàmà! Lòng tham khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có tham, này các Kàlàmà, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có sân, này các Kàlàmà, bị sân chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn..
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có si, này các Kàlàmà, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
- Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Hay ở đây, là như thế nào?
- Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ, ở đây, đối với chúng con là vậy.
- Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: "Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình."
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú.
Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không tham, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy, là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không tham, này các Kàlàmà, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không sân, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không sân, này các Kàlàmà, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không si, này các Kàlàmà, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho người ấy hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là thiện, bạch Thế Tôn.
- Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê?
- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?
- Được người trí tán thán, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc an lạc không, hay ở đây, là như thế nào?
- Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.
- Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú. Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.
[Tăng Chi, 3.65]
Đức Phật giảng cho Tỳ-khưu ni Mahàpajàpatì Gotamì:
-- Này Gotamì, những pháp nào bà biết: "Những pháp này đưa đến tham dục, không phải ly tham; đưa đến hệ phước, không đưa đến ly hệ phước; đưa đến tích tập, không đưa đến không tích tập; đưa đến dục lớn, không đưa đến ít dục; đưa đến không biết đủ, không đưa đến biết đủ; đưa đến tụ hội, không đưa đến nhàn tịnh; đưa đến biếng nhác, không đưa đến tinh tấn; đưa đến khó nuôi dưỡng, không đưa đến dễ nuôi dưỡng". Này Gotamì, hãy thọ trì nhứt hướng rằng: "Đó là không phải Pháp, đó là không phải Luật, đó là không phải lời dạy của bậc Đạo sư".
Và này Gotamì, những pháp nào bà biết: "Những pháp đưa đến ly tham, không đưa đến tham dục; đưa đến ly hệ phước, không đưa đến hệ phước; đưa đến không tích tập, không đưa đến tích tập; đưa đến ít dục, không đưa đến dục lớn; đưa đến biết đủ, không đưa đến không biết đủ; đưa đến nhàn tịnh, không đưa đến tụ hội; đưa đến tinh tấn, không đưa đến biếng nhác; đưa đến dễ nuôi dưỡng, không đưa đến khó nuôi dưỡng". Này Gotamì, hãy thọ trì nhứt hướng rằng: "Đó là Pháp, đó là Luật, đó là lời dạy của bậc Đạo sư".
[Tăng Chi, 8.53]
- Này các Tỳ-khưu, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?
1) Được nghe điều chưa nghe,
2) Làm cho trong sạch điều được nghe,
3) Đoạn trừ nghi,
4) Làm cho tri kiến chánh trực,
5) Làm cho tâm tịnh tín.
Này các Tỳ-khưu, nghe pháp có năm lợi ích này.
[Tăng Chi, 5.202]
Thành tựu sáu pháp, này các Tỳ-khưu, nếu có nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu? Không thành tựu nghiệp chướng, không thành tựu phiền não chướng, không thành tựu dị thục chướng, có lòng tin, có ước muốn, và có trí tuệ.
Thành tựu sáu pháp này, này các Tỳ-khưu, nếu có nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.
[Tăng Chi, 6.86]
Thành tựu sáu pháp, này các Tỳ-khưu, nếu được nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu? Khi Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng, có ưa nghe, có lóng tai, có an trú tâm liễu giải, nắm giữ điều lợi ích, bỏ qua điều không lợi ích, thành tựu tùy thuận nhẫn nhục.
Thành tựu sáu pháp này, này các Tỳ-khưu, nếu được nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.
[Tăng Chi 6.88]
Thế nào là giới đức?
Thế nào là chánh hạnh?
Cần phải làm tăng trưởng.
Thân khẩu ý nghiệp nào?
Để người chánh nhập cuộc,
Đạt được đích tối thượng?


Kính lễ bậc trưởng thượng [1],
Không ganh tị một ai,
Cần phải biết thời gian,
Để yết kiến Đạo sư [2],
Biết được đúng thời khắc,
Thuyết pháp bắt đầu giảng,
Hãy cẩn thận lắng nghe,
Lời giảng được khéo nói.


Hãy đi đến đúng thời,
Trước mặt vị Đạo Sư,
Từ bỏ tánh cứng đầu,
Với thái độ khiêm tốn,
Hãy nhớ nghĩ ức niệm,
Hãy chơn chánh hành trì,
Mục đích và Chánh pháp,
Chế ngự và Phạm hạnh


Vui thích trong Chánh Pháp
Hoan hỷ trong Chánh Pháp,
An trú trên Chánh pháp,
Biết phân tích Chánh pháp,
Sở hành không làm gì,
Có lời uế nhiễm pháp [3],
Chịu hướng dẫn lãnh đạo,
Lời trung thực khéo nói.


Bỏ cười đùa, lắm miệng,
Khóc than và sân hận,
Làm những điều man trá,
Lừa đảo, tham, kiêu mạn,
Bồng bột và bạo ngôn,
Cứng rắn và đam mê,
Sống từ bỏ tất cả,
Ly say đắm, kiên trì.


Thức tri được cốt lõi,
Những lời đươc khéo nói,
Đươc nghe khéo thức tri,
Cốt lõi của thiền định,
Với con người hấp tấp,
Lại phóng dật buông lung,
Trí tuệ, đều được nghe,
Không có thể tăng trưởng.


An vui thích Chánh pháp,
Do bậc Thánh tuyên thuyết,
Họ trở thành vô thượng,
Về lời ý và nghiệp,
Họ an tịnh nhu hòa,
An trú trên thiền định,
Chứng đạt được cốt lõi [4],
Pháp được nghe, trí tuệ.
[Kinh Tập, 2.9]






CHÚ THÍCH

[1] Theo Chú giải, bậc Trưởng thượng là người có trí tuệ hơn ta, có nhiều kinh nghiệm hành thiền và các phương diện tu tập khác, và đã tu tập nhiều năm hơn ta.
[2] Chú giải ghi rằng thời điểm để đến gặp vị đạo sư là khi chúng ta đã chế ngự được tham, sân, si, và khi chúng ta không thể tự mình tìm lời giải đáp. Đây cũng là lời khuyên của ngài Trưởng lão Đại Ca-chiên-diên (Maha Kaccana), ghi trong Tăng Chi 6.26, rằng thời điểm thích hợp để đến tham vấn vị đạo sư là khi chúng ta cần hướng dẫn để chế ngự một trong năm triền cái, hay khi ta không có được một đề mục quán niệm thích nghi để đoạn trừ các lậu hoặc trong tâm thức.
[3] Chú giải cho rằng "lời uế nhiễm pháp" là xem như tương đương với "thú thoại" (animal talk - nói chuyện hạ cấp, nhảm nhí). Có thể xem thêm các giải thích trong Luật tạng, giới Ưng đối trị (Pacittiya).
[4] Cốt lõi của học tập và trí tuệ là Giải thoát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]