Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật nói Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú

08/04/201313:04(Xem: 7891)
Đức Phật nói Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú

Những bản kinh ngắn dịch từ Hán Tạng

Đức Phật nói Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú

Cư Sĩ Tuệ Khai

Nguồn: Cư Sĩ Tuệ Khai dịch

Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật ở tại trú xứ của tiên thánh trong núi Khư La Ðế Gia, cùng với vô số chúng đại Tỳ kheo và số chúng Ðại Bồ tát nhiều vô lượng vô biên như cát sông Hằng. Ngài diễn nói kinh Công Ðức Như Lai rồi, bấy giờ ở phương Tây có ngọc báu Như Ý tự nhiên xuất hiện với trăm ngàn ngọc báu Thích ca tỳ lăng già làm quyến thuộc. Sự phát ra ánh sáng sủa ngọc báu Như Ý đó đều suốt qua hết. Sắc tượng bốn ánh sáng lớn của người, trời, Thanh văn, Bồ tát ở cõi này đều diệt không còn. Chỉ còn lại đức Như Lai và ngọc báu Như Ý, còn bao nhiêu thứ khác đều đồng tướng với vô lượng vô biên, chẳng thể ngôn thuyết hư không.

Lúc bấy giờ, quang sắc của đức Thế Tôn sáng thêm. Chúng sinh trong hội đều chẳng thấy nhau, cũng chẳng được tiếp xúc thân sắc hình tướng. Sự nhìn ngắm của họ cũng chẳng thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Mắt chẳng thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng ngửi hương, lưỡi chẳng biết vị, thân chẳng giác xúc, tâm, tâm số pháp, chẳng kể pháp, không ngã và ngã sở, chỉ thấy sắc tướng quang minh của đức Như Lai và ngọc báu Như Ý. Bồ tát tại hội trụ ở Thập Ðịa, được Thủ Lăng Nghiêm tam muội, nhất sanh bổ xứ, thân tối hậu, tâm chẳng sợ hãi. Vì sao vậy ? Vì đã giải được đệ nhất nghĩa không Chân Như bảo tướng của các pháp. Số Bồ tát còn lại, các chúng Thanh văn, trời, rồng, Dạ xoa, A tu la, Khẩn na la, Câu bàn trà, Tỳ xá già, Phú đa na, Ca tra phú đa na, người và chẳng phải người, các người đến hội đều kinh sợ hết. Hoặc ở đây đó chẳng thấy biết nhau, đây là việc gì mà không nơi hỏi han!

Lúc bấy giờ, trong hội có vị Ðại Bồ tát tên là Phạm Âm đứng dậy, chắp tay hướng về đức Phật mà nói kệ rằng :

Các pháp nghĩa thật chânChúng sinh chẳng thể biết
Ngu ở trong sáu cănTham trước các sắc ấm.
Một ấm chẳng nhìn xemTìm cầu ở sắc tướng
Nay có chúng như trênNghi hoặc với Phật pháp.
Nguyện xin Phật Thế TônDiễn nói tướng chân thật !
Với đây, đó giải thôngMau chứng như không nhẫn.
Bậc dũng mãnh tu thiềnThân chẳng thể luận nói
Báu Ma ni Như ýTại đỉnh hiện rõ ràng.
Thích ca lăng già bảoCách nhau cũng rất gần(chẳng xa)
Ngọc đến các sinh chúngÐến bờ kia kiện cường
Ðều có đại trí tuệMuốn đến thấy Thế Tôn
Ắt nói thậm thâm phápQuyết định không nghi nan
Nguyện xin Phật Thế TônAn ủi những chúng đến
Thành tựu cho chúng sinhSở hạnh của Ðại sĩ !

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Như lời nói của ông
Việc làm sức tam muội
Người ấy trí tuệ thông
Mới được nghe việc đó.
Bồ tát Hư Không Tàng
Sở hạnh của đại sĩ
Không hí luận, không nương
Sức tam muội như vậy.
Với hai kiến trụ bền
Sở hạnh của ngu hoặc
Vì chấp trước đoạn, thường
Chẳng giải được đây, đó.
Nếu đối hai kiến này
Người muốn được giải thoát
Chấp trước dục chẳng nên
Mau được chứng các địa.

Ðức Phật bảo Bồ tát Phạm Âm rằng :

- Này thiện nam tử ! Bồ tát sơ hành (Bồ tát mới hành đạo Bồ tát) trước phải vì họ nói có duyên tưởng tu hành sáu Ba la mật. Nếu có thể hiểu biết tánh của bốn đại chính là pháp sanh diệt thì nhiên hậu mới vì họ nói tất cả pháp chẳng thể ngôn thuyết không có tự tướng, chẳng sinh, chẳng diệt, không duyên, không sở hữu... tất cả các hạnh đều như vậy hết. Nếu có quan sát như vậy thì lìa khỏi đoạn, thường, cũng không sợ hãi. Ðối với tất cả pháp không duyên, không xúc (chạm xúc) thì có thể mau thỏa mãn sáu Ba la mật, cũng chẳng chấp trước các kiến đoạn và thường nữa.

Do thần lực của Phật nên khiến cho những người đến hội ở đại chúng này thấy, nghe, hay, biết đều như trước.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền đưa tay phải lên, bảo đại chúng rằng :

- Bồ tát Hư Không Tạng, hôm nay từ cõi đó đến mà Bồ tát này thiền định như biển, tịnh giới như núi, trí như hư không, tinh tấn như gió, nhẫn như Kim cương, tuệ như Hằng sa. Bồ tát ấy là tràng của các Bồ tát, là thầy dẫn đường đến Niết bàn, là sông ao của thiện căn, là bình báu của người nghèo, là mặt trời trong tối tăm, là ánh trăng cho kẻ mất lối, là núi của người sợ hãi, là thuốc hay của người bệnh phiền não, làm sạch các nước kiến, tiêu diệt các ma oán giống như sương bị chớp trị, như thuốc an-xà-na của người phá giới, là đất của các căn lành, là vòng hoa trong các hoa, là gương soi người ác hạnh, là mắt của kẻ không xấu hổ, là thầy thuốc giỏi của người bệnh, là giường ngồi của kẻ mệt lười, là có thể làm sung túc sự đói rỗng như trời Thi Lợi có thể trừ khát khao, thiếu thốn như ngọc nguyết ái, soi người thiền định như ngọc Nhật ái, là xe của người hành đạo Bồ đề, là ao của người du hí thiền định, là hoa man của người tu pháp trợ đạo, là diệu quả của người làm những Ba la mật, là ngọc báu Như ý soi bậc Thập địa, che người trụ ở Thủ lăng nghiêm tam muội như cây Ba Lợi Chất Ða la, đoạn các kiến kết như dao bén, trừ khử tập khí như kim cương, có thể hàng phục trí ma oán như lửa mạnh. Thân Bồ tát ấy tức là pháp khí của chư Phật, vòng hoa đội đầu của Duyên giác, áo quần của Thanh văn, nhãn mục của chư thiên, chánh đạo của người, chỗ dựa của súc sinh, nơi về của ngã quỉ, nơi cứu hộ của địa ngục, pháp khí của chúng sinh, xe thuyền của Bồ tát, phụ tá của các đức Phật ba đời, giữ cửa thành pháp, đã có thể trang nghiêm mười tám pháp của Phật, đủ Nhất thiết trí. Tộc tính tử đó đáng được thọ sự cúng dường tối thắng của tất cả chúng sinh, chỉ trừ đức Như Lai. Các ông, những người đến hội đều nên đến gần, rồi tùy theo ý lực của mình mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, đem đủ thứ trân bảo, tràng phan, bảo cái, hương hoa, chuỗi ngọc... dọn sạch đường đi mà trang hoàng đẹp đẽ. Các ông chẳng bao lâu sẽ thành pháp khí như vậy.

Tất cả những chúng đến hội đều đứng dậy vòng tay, chắp tay hướng về phía Bồ tát Hư Không Tạng đến mà mừng vui kính lễ chiêm ngưỡng không chán.

Lúc bấy giờ, trong hội các vị Ðại Bồ tát và Ðại Thanh văn, vua trời, vua rồng, vua Dạ xoa, vua A tu la, vua Ca lâu la, vua Khẩn na la, vua Ma hâu la, các tiên ngũ thông... đều tác khởi ý niệm này : "Chúng ta sẽ dùng đồ cúng tối thắng gì để phụng hiến cúng dường tộc tính tử đó". Bấy giờ, Ðại Bồ tát Hư Không Tạng liền biến thế giới Ta Bà này không có núi đồi, đồng trống, gò đống, ngòi khe, khử trừ xú uế, gió bụi, tiếng ghê rợn, hóa sinh ra những cây bảy báu mà hoa trái phát ra hương thơm vi diệu, cỏ cây nương theo đất đều thành bảy báu, bệnh khổ sẵn có của tất cả chúng sinh và khổ của địa ngục đều trừ diệt hết. Quần áo đồ ăn, thức uống, những đồ trang nghiêm thì tùy ý người yêu cầu mà đầy đủ. Thân sắc của con người đoan chánh, các căn hoàn bị đầy đủ. Con người không có phiền não, lòng họ tịch tịnh, ưa tu thiện căn, thâm tín Tam Bảo. Những người đến hội thì mỗi một chúng sinh, trên hai tay đều có ngọc báu Như Ý. Mỗi một viên ngọc báu đều phát ra ánh sáng chiếu soi khắp cõi Ta bà, khiến cho khắp nơi sáng rỡ, phát ra đủ thứ âm thanh nhạc trời vi diệu, mưa xuống đủ thứ áo trời, chuỗi ngọc, hoa trái, hương Ða ma la bạt, hương Ngưu đầu chiên đàn và bột tạp hương... đựng đầy trong đồ đựng đẹp. Hai bên đường cõi ấy, Bồ tát hóa làm bảo đường giống như ngôi Tỳ Giả Diên Ðường của Ðế Thích. Trong đường ấy (nhà ấy) đều có thiên nữ đoan nghiêm như thể nữ thắng diệu của vua trời thứ sáu, tấu lên kỹ nhạc nhà trời. Bên trên đỉnh đức Thế Tôn, ở trong hư không, có bảo cái lớn, ngang dọc một trăm do tuần với mọi báu trang nghiêm như hoa cái của trời Phạm, xen lẫn vào là những màn lưới báu với sợi vàng, chân châu... Chúng đều phát ra âm nhạc. Ðất sinh ra cỏ cây, hoa trái, cành lá cũng phát ra âm nhạc nhà trời. Những âm thanh ấy diễn nói sáu Ba la mật của pháp Ðại thừa mà chúng sinh nghe thì đều được bất thoái chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðại chúng hội thấy Bồ tát Hư Không Tạng hiện đại trang nghiêm thì lòng sinh ra mừng vui, được chưa từng có, đều nói lên rằng :

- Chúng ta sẽ dùng vật gì, ở trước đức Thế Tôn, đặt bày pháp tòa để cho vị Tộc tính tử đó ngồi lên đây ?

Bấy giờ, trước đức Phật có hoa sen lớn tự nhiên xuất hiện, ngang dọc mười dặm với bạch ngân làm thân, hoàng kim làm cánh, mã não làm đài, báu Phạm quang làm tua. Lại có hàng trăm ngàn hoa sen như vậy vây quanh. Ở trên hoa sen, Bồ tát Hư Không Tạng ngồi kiết già, trên đỉnh đầu có ngọc báu Như ý. Quyến thuộc đem theo của Bồ tát Hư Không Tạng đều ngồi ở trên những hoa sen vây quanh đó.

Lúc ấy, Bồ tát Di Lặc liền dùng kệ hỏi Bồ tát Dược Vương về việc từ trước đến nay các Bồ tát có danh tiếng lớn thì :

Trước lễ Phật Thế Tôn Nhiên hậu mới tựu tọa

Ðại sĩ này vừa sang Hiện việc trang nghiêm diệu

Cũng chẳng lễ Thế Tôn Liền ngang nhiên tựu tọa ?

Bấy giờ, Ðại Bồ tát Dược Vương dùng kệ đáp Ðại Bồ tát Di Lặc rằng :

Nay Ðại sĩ này sang Ðã trụ Phật thâm pháp

Chẳng thấy có chúng sanh Thân mình chẳng phân biệt.

Bồ tát Di Lặc lại dùng kệ hỏi :

Nếu chẳng thấy chúng sanh Ắt trụ ở thật tế

Vì sao hiện trang nghiêm Nguyện đáp để quyết định ?

Bồ tát Dược Vương lại dùng kệ đáp :
Bậc dũng mãnh phương tiện
Muốn thành tựu chúng sanh
Phàm ngu phân biệt hạnh
Chẳng giải nghĩa thật chân
Chỉ biết đến thế đế
Khổ vì chẳng đạt chân!

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tộc tính tử rằng :

- Hay thay ! Hay thay ! Ðúng như lời nói của ông ! Tất cả kẻ phàm phu chẳng thể biết việc làm phương tiện và cả giải thoát của một Tu đà hoàn. Giả sử tất cả chúng sinh chính là Tu đà hoàn thì chẳng thể biết hành động phương tiện và cả giải thoát của một Tư đà hàm. Như Tư đà hàm, A na hàm, A la hán chẳng thể biết hành động phương tiện và cả giải thoát của một Bích Chi Phật. Tất cả chúng sinh đều là pháp-già-kiếp Bích Chi Phật chẳng thể biết hành động phương tiện thành tựu chúng sinh và cả giải thoát của một Ðại Bồ tát Vô sanh pháp nhẫn. Tất cả chúng sinh đều là Bồ tát Vô sanh pháp nhẫn chẳng thể biết hành động phương tiện và cả giải thoát của một Ðại Bồ tát được Thủ Lăng Nghiêm tam muội, các trí vô ngại, thông đạt đệ nhất nghĩa. Ðại Bồ tát Hư Không Tạng này đã qua vô lượng vô biên kiếp được Vô sanh pháp nhẫn, các trí vô ngại, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, thông đạt đệ nhất nghĩa nên có thể biết hết hành động và các phiền não trong lòng của những chúng đến hội này. Hoặc có chúng sinh thấy sự đại trang nghiêm vi diệu đều được trụ ở Ly dục địa. Vị Tộc tính tử đó ở chỗ kia biến mất mà hiện dến cõi này như Hư không thần thông trí tuệ tam muội khiến cho các chúng sinh sinh ra lòng lìa khỏi dục Nhiên hậu Bồ tát ấy lại hiện Thế đế trang nghiêm tam muội khiến cho vô lượng chúng sinh được thành tựu tam muội như vậy, chẳng cùng chung với Thanh văn, Bích Chi Phật. Nếu vị Tộc tính tử đó hiện Ðệ nhất nghĩa vô sanh trang nghiêm thì tất cả người, trời... cho đến Bồ tát bát trụ đều sinh ra kinh nghi mà chẳng thể biết hành động, tướng mạo. Công đức Phật pháp thậm thâm như vậy. Vị Tộc tính tử đó dùng phương tiện trí, ở trong tất cả biển Phật, Pháp, Tăng, lòng không có nghi hoặc, chẳng nhờ người khác mà biết trong pháp bí mật của tất cả Ðại Bồ tát. Giống như thắng tràng có thể bày thiện đạo của chúng sinh và đạo Niết bàn có thể trị tâm bệnh phiền não và cả thân bệnh của chúng sinh. Có các chúng sinh ở nơi đồng hoang sanh tử bị tà kiến mai một mà chẳng thể biết hướng đến thiện đạo và Niết bàn phương tiện thì thường nên xưng danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng trong thâm tâm, lễ bái cung kính, đốt hương A già lâu mà cúng dường. Vị Tộc tính tử đó nhìn thấy lòng ô nhiễm và cả phiền não của các chúng sinh ấy. Rồi tùy theo phiền não, các kiến ngu si và căn lành đời trước của họ mà Bồ tát điều phục lòng họ. Nếu họ ở chỗ Phật, chỗ Pháp, chỗ Tăng mà gieo trồng thiện căn, hoặc làm phước nghiệp bố thí, phước nghiệp trì giới, phước nghiệp tu định rồi theo sở ứng ấy, hoặc ở trong mơ, hoặc trong giấc ngủ Bồ tát ấy thường dùng đại phương tiện mà thị hiện chánh đạo cho họ. Do phương tiện chân chánh nên họ mau chóng lìa khỏi tà kiến, tà hạnh, tà nguyện, tà tâm, tà thú (thú hướng) khiến cho thân miệng ý của chúng sinh đó được chánh hạnh, chánh nguyện, thiện hữu, có thể mau chóng tiêu trừ phiền não dơ bẩn, lìa khỏi các đường ác, chẳng hoại thiện nhân, tâm được tự tại, trụ ở nhẫn thậm thâm. Nếu có chúng sinh, thân dủ thứ bệnh, tâm loạn điên cuồng, mắt chẳng thấy sắc, miệng chẳng thể nói, thân bị phân hoại thì phải đem thâm tâm xưng danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng, để được trừ bệnh nên đốt hương A gia lâu hay hương Ða già lâu, lễ bái cúng dường. Vị Tộc tính tử đó ở trong mơ của người ấy hiện ra hình dáng Phạm thiên hoặc hình dáng Ðế Thích, hình dáng trời Thi La, hoặc hình dáng Tát la bà sa đế thiên, hoặc hình dáng Sát lợi, hoặc hình dáng đại thần, hoặc hình dáng cha mẹ, hoặc hình dáng trai gái... đứng ở trước người ấy, rồi tùy theo sở ứng của họ mà hiện phương thuốc và đồ vật họ cần, khiến cho người bệnh kia nhân đây tất cả bệnh diệt hết không còn. Nếu có người khuyên dẫn đường tìm của cải, người học hỏi cầu đa văn, người ngồi thiền cầu trí tuệ, người cầu danh dự, người cầu xảo thuậtï, người cầu tụ lạcï, người cầu tôn quí, người cầu sắc lựcï, người cầu chủng tộc, người cầu âm thanh, người cầu con trai, con gái, quyến thuộcï, người cầu bố thí, trì giới... cho đến trí tuệï, người cầu diệu âm thanh khiến cho chúng sinh ưa nghe, người muốn lìa khỏi ác, người muốn khiến cho người khác trụ ở bố thí... cho đến trụ ở trí tuệ, người muốn được trường thọ, người muốn được đồ tư sinh không mất, người muốn khiến cho người san lận tu xả hủy giới, muốn người trụ giới giải đãi tinh tấn, muốn người tà tuệ thành chánh tuệ, muốn người chưa trụ thừa trụ thừa, muốn người tự cầu thừa mà vì người khác cầu thừa, muốn người không có tâm đại bi chẳng tự vì thân chỉ vì chúng sinh... thì dùng phương tiện gì khiến chúng sinh này đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác chẳng thoái chuyển, trụ ở đại phương tiện, bốn vô lượng tâm ? Những chúng sinh đó nên phải lễ bái cung kính Bồ tát Hư Không Tạng, hoặc ở chỗ không nhàn, hoặc trong vườn rừng đốt hương Ða già lâu hay hương Ca-trà-a-đồ-la, chắp tay kính lễ hướng về mười phương. Lễ rồi người đó nên đọc chú này :

A đá điệt tha - A nhị lị thước - A nhị lị thước - Ca tăng nể ca (thượng) chá (thượng) La (thượng) Chá la tỳ (thượng) Chá (thượng) La (thượng) San chá (thượng) La ca tăng nể ca (thượng) Yết la (thượng) Ma la (thượng) Yết la (thượng) Ma la (thượng) Tỳ (thượng) Già (thượng) A li ma ma pháp (thượng) Bồ (thượng) Tăng xà (thượng) ma na (thượng) Ca tăng nể ca (thượng) Chơn đa ma uể xa la (thượng) Dạ ca tăng nể ca (thượng) ta (thượng) la (thượng) phan ta mê ta (thượng) tha bạt dạ - A hiền nha - A lị ta (thượng) măng cộng ta (thượng) Măng cộng hộ tăng để tỳ (thượng) Phệ già (thượng) cộng đề lị sắt tri (thượng) Phệ già (thượng) cộng ca tăng nhỉ ca liên lị dạ đỗ ma a ta dạ ta (thượng) La (thượng) phan bạt đà (thượng) chá (thượng) a (thượng) thâu ca (thượng) Già (thượng) để ta (thượng) bà ha.

Nếu có thể trì tụng chú này như vậy thì Tộc tính tử đó, hoặc hiện làm hình dáng người, hoặc hình dáng chim thú để hiện bày cho người ấy. Rồi tùy theo phước đức của người đó mà ông vì họ nói pháp, thị hiện một phương tiện. Dùng một phương tiện ông liền có thể khiến cho trăm ngàn na do tha chúng sinh đến trụ ở các thừa, hoặc trụ ở Thanh văn, Bích Chi Phật thừa. Dùng chút ít thời gian phương tiện ông khiến cho họ trụ ở Bất thoái chuyển Vô thượng Ðại thừa, được đủ thứ tam muội, các Ðà la ni, các nhẫn, các địa. Tộc tính tử đó có chẳng thể nghĩ bàn đại phương tiện trí thành tựu đại bi. Hoặc có chúng sinh có thể lường hư không, phân đều mà không thể lường đại phương tiện trí, đại từ, đại bi, thiền định tam muội lực thành tựu chúng sinh của Bồ tát Hư Không Tạng. Tộc tính tử đó thành tựu chẳng thể nghĩ bàn những công đức thiện như vậy. Nếu có chúng sinh mà lòng họ chất trực, không có dua nịnh quanh co, an trụ chánh kiến, chẳng tự cao, chẳng theo người khác, lìa khỏi san tham, tật đố, không có hư ngụy, lòng thanh tịnh thì Tộc tính tử đó khởi lòng thương xót dạy bảo khiến cho tinh tấn, bày phương tiến chánh khiến cho chúng sinh đó nhờ lực phương tiện tinh tấn đó nên lìa khỏi các suy hoạn, có thể phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hồi hướng tất cả căn lành về với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác chẳng thoái chuyển. Do sức phương tiện tinh tấn này nên có thể đủ đầy khắp sáu Ba la mật. Siêng làm tinh tấn mau thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bồ tát Hư Không Tạng thành tựu chẳng thể nghĩ bàn công đức cầu hành tinh tấn thành tựu chúng sinh như vậy.

Lúc bấy giờ Bồ tát Di Lặc bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì mà chỉ riêng trên đỉnh của Tộc tính tử đó có ngọc báu Như Ý còn các Bồ tát khác thì không vậy ?

Ðức Phật bảo ngài Di Lặc rằng :

- Bồ tát Hư Không Tạng này đã thành tựu đại bi nên đối với những nguy khổ phạm căn bản tội, hướng đến đường ác, thiêu diệt căn lành thì tự hủy hoại. Bồ tát ấy đối với những chúng sinh này chính là đại lương dược (thuốc rất hay), với chúng sinh trụ ở đen tối là làm ánh sáng lớn giống như mặt trời chiếu soi. Nếu có chúng sinh phạm tội căn bản, mũi tên nghi cắm trong tâm, phá hoại pháp khí, mãi rơi rớt ném bỏ, chôn mất căn lành, nhất định rơi vào đường ác, không qui không y. Chẳng lẽ chúng sinh ác là đồ bỏ của người trí sao ? Tộc tính tử đó có thể bày chánh đạo, trừ diệt phiền não, khiến cho họ lìa khỏi đường ác. Nếu có chúng sinh tham dục, sân nhuế, ngu si nhiều, nói rằng không có nhân quả, chẳng sợ đời sau, gom chứa không chán, thường làm tham lam, ganh ghét... cho đến chuyên làm mười nghiệp bất thiện, cũng dạy người khác làm thì Tộc tính tử đó giống như thuyền xe có thể thị hiện đường thiện và đường Niết bàn. Vậy nên Tộc tính tử đó đều ứng cúng dường của tất cả người trời trong thế gian chỉ trừ Như Lai.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Di Lặc bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Những gì là tội căn bản ? Nếu có chúng sinh phạm tội căn bản bị thiêu diệt thiện căn, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, lìa khỏi niềm vui người trời thì Tộc tính tử đó làm sao trừ tội để đem niềm vui thiện đạo và niềm vui Niết bàn sung túc vậy ?

Ðức Phật bảo ngài Di Lặc rằng :

- Vua Sát đế lợi có năm thứ tội căn bản. Nếu vua Sát đế lợi phạm tội này thì bị thiêu diệt căn lành, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, lìa khỏi niềm vui người trời. Những gì là năm ? Vua Sát đế lợi hoặc lấy vật của Phật, vật của Chiêu đề tăng, hoặc dạy người khác lấy thì đó gọi là tội đầu tiên. Chê bai pháp Thanh văn, chê bai pháp Bích Chi Phật, chê bai pháp Ðại thừa, tạo tác lưu nạn, phủ che giấu kín. Ðó là tội thứ hai. Nếu có người tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thân mặc áo nhuộm, hoặc có giữ giới hay chẳng giữ giới mà cởi cà sa người ấy, ép buộc hoàn tục, hoặc trói buộc, giam cầm, hoặc thêm đánh đập khổ sở, hoặc đoạn dứt mạng. Ðó là tội thứ ba. Nếu tạo tác ngũ nghịch, giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp tăng, ác tâm làm chảy máu thân Phật. Với năm nghiệp này nếu tạo một nghiệp thì đó là tội thứ tư. Chê bai không có nhân quả, chẳng sợ đời sau, thường làm mười nghiệp bất thiện cũng dạy người khác làm, thân mình kiên trụ và dạy người khác kiên trụ ở mười nghiệp bất thiện. Ðó là tội thứ năm. Nếu vua Sát đế lợi đối với năm tội này mà phạm một tội thì vua Sát đế lợi đó thiêu diệt căn lành, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, lìa khỏi niềm vui người trời. Vị Tộc tính tử kia vì người đó nên ở ly xa (xe ly biệt) xuất hiện thân thọ sanh, hoặc làm hình dáng Sa môn uy nghi, hoặc làm hình dáng Bà la môn uy nghi mà vì vua Sát đế lợi nói về Nhất thiết trí, nói về Kinh Tu đa la thậm thâm chưa từng có, các Ðà la ni, các nhẫn, các địa, khiến cho vua Sát đế lợi phát lồ sám hối, tu giới, nghe định tuệ, siêng hành tinh tấn, được sinh về xứ thiện. Ðại thần phụ tướng có năm thứ tội căn bản. Những gì là năm ? Ðại thần phụ tướng nếu lấy vật của Phật, vật của Tăng thì đó là tội đầu tiên. Nếu phá hoại thành ấp, tụ lạc, hủy hoại nhân dân thì đó là tội thứ hai. Bài báng chính pháp như đã nói trên thì đó là tội thứ ba. Hủy hoại người xuất gia khiến cho họ khổ não như đã nói trên thì đó là tội thứ tư. Với năm nghiệp vô gián nếu tạo tác một nghiệp thì đó là tội thứ năm. Ðại thần phụ tướng với năm tội này nếu phạm một tội thì như đã nói trên. Thanh văn đệ tử có năm thứ tội căn bản. Những gì là năm ? Một là sát, hai là đạo, ba là dâm, bốn là vọng ngữ, năm là ác tâm làm chảy máu thân Phật. Thanh văn đệ tử với năm tội này nếu phạm một tội thì như đã nói trên. Sơ hành Bồ tát (Bồ tát mới tu hành) có tám thứ tội căn bản làm hủy hoại Ðại thừa, thiêu diệt thiện căn, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, lìa khỏi niềm vui người trời, ở lâu trong sinh tử, lìa khỏi thiện tri thức. Những gì là tám ? Những chúng sinh này do ác hạnh nên sinh vào thế giới ngũ trược ác hiểm này, nhờ chút ít căn lành nên gần thiện tri thức được nghe Kinh điển Ðại thừa thậm thâm. Người ấy trí cạn, thiện căn nhỏ nhoi, phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Sơ hành Bồ tát nghe nói Kinh điển pháp không thậm thâm, theo đúng như điều nghe ấy thọ trì, đọc tụng, vì người nhận thức nông cạn, theo ý nghĩa nghe ấy mà diễn nói. Người đó nghe pháp lòng sinh kinh sợ, liền thoái lui Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, phát tâm Thanh văn. Bồ tát sơ hành này đã phạm tội căn bản. Do phạm tội nên thiêu diệt căn lành, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, lìa khỏi niềm vui nhân thiên và Niết bàn, hủy hoại tâm Bồ đề. Vậy nên Bồ tát cần phải trước biết tâm hạnh của chúng sinh rồi nhiên hậu dần dần theo thứ lớp mà vì họ nói pháp. Ví như người đi vào biển, từ cạn chuyển dần dần đến sâu. Vì hạng người này nên Bồ tát Hư Không Tạng thọ thân khắp nơi nơi khiến cho sơ hành Bồ tát tùy theo sự phạm tội, sợ đọa ác đạo, nếu nghe danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng, nghe rồi vui mừng muốn được nhìn thấy để sám hối tội đã phạm. Vào cuối đêm sơ hành Bồ tát mới đốt hương A già lâu hay hương Ða khư la, chắp tay, cung kính xưng danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng thì vị Tộc tính tử đó theo sở ứng của người kia hiện ra đủ thứ thân, hoặc hiện thân mình, hoặc hiện thân Phạm vương, Ðế thích... cho đến hiện thân trai gái ở trước mặt người ấy, liền khiến cho sơ hành Bồ tát tùy theo sự phạm của mình mà sám hối trừ tội. Bồ tát Hư Không Tạng cũng lại vì người đó nói Ðại thừa vô thượng, phương tiện thậm thâm, tam muội Ðà la ni, các nhẫn, các địa, khiến cho người đó lìa khỏi đường ác kinh sợ, chẳng thoái lui Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, phát khởi đại tinh tấn giống như Kim cương hành sáu Ba la mật, mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bồ tát Hư Không Tạng nếu chẳng hiện thân thì nên phải cầu thỉnh trời A lâu na, nói lên như vầy : "Nam mô A lau na thiên thành tựu đại bi có uy thế lớn ! Khi ngài xuất hiện, ánh sáng soi sáng khắp cõi Diêm Phù Ðề, đồng thời soi vào thân tôi thì nguyện đem lời nói của tôi bạch với Bồ tát Hư Không Tạng rằng, cho tôi ở trong mơ được thấy ngài, để xin ngài thị hiện cho tôi phương tiện, khiến cho tôi sám hối trọng tội căn bản, được mắt thánh trí tuệ Ðại thừa. Bây giờ cần phải nằm ngủ lại chỗ cũ cho đến khi trời A lâu na xuất hiện. Bồ tát Hư Không Tạng vì sơ hành Bồ tát ở trong mơ hiện thân, vì Bồ tát ấy nói với phương tiện đại trí, khiến cho Bồ tát ấy sám hối tội, cũng chẳng quên mất tâm Bồ đề, chứng được tam muội, kiên trụ ở Ðại thừa, mau chóng đủ đầy sáu Ba la mật, chẳng bao lâu sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðó gọi là tội thứ nhất của sơ hành Bồ tát.

Nếu sơ hành Bồ tát nói với chúng sinh rằng : "Ông đối với Ðại thừa chẳng thể giỏi tu Bát nhã Ba la mật, cũng lại chẳng thể được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác ! Ông nên mau phát tâm Thanh văn, Bích Chi Phật thì ông có thể mau chóng được ra khỏi sinh tử". Còn nói lời như trên thì đó gọi là tội thứ hai của sơ hành Bồ tát.

Lại nữa, nếu sơ hành Bồ tát nói với mọi người rằng : "Ông kiên trì ba la đề mộc xoa giới làm gì ? Nên mau chóng phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đọc tụng Kinh Ðại thừa. Nếu vì phiền não nên khởi lên nghiệp bất thiện của thân miệng ý thì nghiệp chẳng có gì, chúng đều sẽ trừ diệt chẳng chịu quả báo !" Còn lời nói như trên thì đó gọi là tội thứ ba của sơ hành Bồ tát.

Lại nữa, nếu sơ hành Bồ tát nói với chúng sinh rằng : "Này Tộc tính tử ! Ông chẳng nên thính thọ Kinh pháp Thanh văn mà nên phải che giấu. Vì sao vậy ? Vì Kinh đó chẳng thể khiến cho ông được quả báo lớn, đoạn trừ vĩnh viễn phiền não. Ông hãy nên thính thọ Kinh Ðại thừa vì Kinh ấy khiến cho hành động ác của ông, tất cả bị tiêu diệt, mau chóng chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác". Nếu chúng sinh đó nhận lấy tà kiến này thì phạm tội căn bản. Ðó gọi là tội thứ tư của sơ hành Bồ tát.

Lại nữa, nếu sơ hành Bồ tát vì danh lợi nên đọc tụng giỏi nói kinh Ðại thừa và nói như vầy : "Ta là người Ðại thừa !" tự đề cao thân mình, hạ thấp người khác. Vì ganh ghét nên tự nói thân mình được pháp hơn người. Người này ở trong Ðại thừa mà phạm trọng tội, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc, ném bỏ. Giống như có người muốn vào biển cả, tu sửa thuyền bè muốn đến chỗ báu. Giữa đường thuyền bị hư hoại, chôn thân mất mạng, sơ hành Bồ tát cũng lại như vậy, muốn vào Ðại thừa, nhưng vì ganh ghét nên nói lời nói dối, phá hủy thuyền tin, đoạn dứt mạng trí tuệ. Ma ha la phàm tiểu Bồ tát đó phạm tội căn bản. Ðó gọi là tội thứ năm của sơ hành Bồ tát.

Lại nữa, này tộc tánh tử ! Trong đời vị lai sẽ có sơ hành Bồ tát xuất gia hay tại gia thọ trì đọc tụng nghĩa "không" thậm thâm, tam muội Ðà la ni, các nhẫn, các địa, sở hạnh của bậc đại nhân, những việc trang nghiêm, Kinh điển Ðại thừa mà tác khởi tâm như vầy để vì người khác giải nói các pháp này : "Chính ta đã chứng, nay vì đại bi nên ta vì ông giải nói ! Ông nên tu tập ! Ông cũng chẳng bao lâu đối với thâm pháp này sẽ tự chứng biết !" Người đó chẳng nói : "Ta chỉ đọc tụng thậm thâm pháp này, vì người khác giải nói mà thật chưa chứng" mà nói dối là thân mình được pháp sở chứng nhiều hơn biển cả của ba đời các đức Phật. Ðại Bồ tát, các bậc hiền thánh. Giống như có người đi qua vùng khoáng dã bị đói khát bức bách rất mệt nhọc, thiếu thốn. Họ đi đến cây kia trong rừng cây tìm kiếm đồ ăn thức uống. Họ bỏ cây có quả ngọt đi đến cây độc, rồi ăn trái cây ấy, liền bị mạng chung. Ta nói người này cũng lại như vậy, họ được điều khó được, bản thân gặp thiện tri thức, gặp được pháp Ðại thừa, nhưng vì tham lợi dưỡng nên hư dối tự đề cao mình, hạ thấp người khác. Người như vậy đã phạm tội căn bản, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, là sự hèn hạ của người trí. Người này chẳng nên thân cận. Nếu Sát lợi, Bà la môn, tỳ xá, thủ đà la và những người trí mà thân cận thì đều phạm tội hết. Ðó gọi là tội thứ sáu của sơ hành Bồ tát.

Lại nữa, này Tộc tính tử ! Trong đời vị lai có vua Sát đế lợi chiên đà la, quốc sư, tể tướng, phụ tá đại thần chiên đà la, lại có kẻ ngu si tự cho là minh trí, khởi lên đại kiêu mạn. Những người như vậy giàu có nhiều của báu, tu hành rộng rãi đủ thứ phước nghiệp bố thí. Họ hành trì bố thí nên kiêu mạn, buông lung hướng về vua Sát lợi nói đủ thứ tội ác của các Sa môn, cũng hướng về Sa môn nói tội ác của vua. Chúng dựa vào lực vua khiển trách Sa môn để chiếm đoạt của cải. Các Tỳ kheo bị bọn chúng áp bức liền lấy vật của Phật, vật của chiêu đề tăng và vật của thân mình để mà cho chúng. Những chiên đà la được vật này rồi, chúng đem dâng lên vua. Những người như vậy đều phạm trọng tội. Ðó gọi là tội thứ bảy.

Lại nữa, ở trong đời vị lai có quốc vương ác, Sa môn chiên đà la cho phi pháp chính là pháp, bỏ bỏ Kinh, Luật chánh giới, cũng lại chẳng nương vào đại ấn của hắc ấn, lời nói của thầy dẫn đường đại từ bi, giới Bát nhã Ba la mật và giới phương tiện khéo léo trong Kinh điển khác. Họ lại tạo tác dị pháp, làm ra những hạn chế mới để não loạn Tỳ kheo hành pháp. Vì não loạn nên Tỳ kheo chẳng thể tu tập hạnh quán và chỉ tức, học vấn vui làm mọi việc. Hành cái nghiệp này nên chẳng thể chế phục các kết phiền não, những Tỳ kheo này đã mất thiện tâm, lại phá uy nghi, hành động lười nhác, thật chẳng phải là Sa môn mà tự xưng là Sa môn, chẳng tu phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không điều gì kỵ nạn cứ lớn tiếng nói bàn giống như đủ âm thanh, giỏi có thể nói pháp khiến cho vua sát lợi đại thần phụ tá cung kính cúng dường. Bọn chúng còn hướng về những người áo trắng (thế gian) nói đủ thứ lỗi xấu của hành pháp Tỳ kheo, khiến cho vua và đại thần dấy khởi lòng hiềm trách mà thu lấy đồ vật tư sinh của Tỳ kheo hành pháp, buộc Tỳ kheo quay về sống ở nhà. Người như vậy đều phạm tội nặng. Vì sao vậy ? Vì Tỳ kheo thiền định chính là ruộng phước tốt, là pháp khí tam muội Ðà la ni, pháp khí các nhẫn, pháp khí các địa, diễn nói chánh đạo có thể tạo ra sự soi sáng, độ thoát các nghiệp phiền não của chúng sinh. Phật vì sơ hành Bồ tát chẳng đủ pháp nên nói tám tội căn bản này. Bồ tát sơ hành đối với tám việc này, nếu phạm một tội thì Bồ tát sơ hành đó đã thiêu diệt các thiện căn, hướng đến đường ác, vĩnh viễn đọa lạc ném bỏ, lìa khỏi niềm vui người trời, hủy hoại tâm Bồ đề. Bồ tát Hư Không Tạng vì người đó nên ở các địa phương, hiện thân khắp nơi nơi. Bồ tát, hoặc hiện hình tướng uy nghi của Sa môn... cho đến hình tướng uy nghi của súc sinh mà rộng nói như Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khắp nơi nơi Bồ tát vì các chúng sinh giải nói Kinh điển thậm thâm của Như Lai, tam muội Ðà la ni, các nhẫn, các địa khiến cho Bồ tát sơ hành phạm tội không phương tiện tuệ đó, lòng phát sinh tàm quí, mang nỗi kinh sợ sâu sắc, phát lồ sám hối. Nếu các chúng sinh nghe danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng mà muốn được nhìn thấy để sám hối trọng tội, vĩnh viễn được trừ diệt nỗi sợ đường ác thì cần phải lễ kính xưng danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng. Tộc tính tử đó tùy theo phước lực của người ấy, hoặc hiện tự thân, hoặc hiện thân Phạm Vương, thân Ðế Thích.. cho đến hiện thân trai, gái ở trước mặt người ấy khiến cho Bồ tát sơ hành đã phạm tội, được sám hối, cũng vì người ấy diễn nói phương tiện tam muội Ðà la ni vô thượng Ðại thừa thậm thâm, khiến cho người ấy kiên trụ ở các nhẫn, các địa, vĩnh viễn được xa lìa nỗi kinh sợ đường ác, đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác mà chẳng thoái chuyển, có sức đại tinh tấn dũng mãnh, tu hành sáu Ba la mật nhanh giống như ánh chớp, mau chóng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Nếu Tộc tính tử đó chẳng vì họ hiện thân khiến cho được thấy thì Bồ tát sơ hành nếu phạm tội kia vào phần sau đêm, hướng về phương Ðông, đốt hương lễ bái cầu thỉnh trời A Lâu Na, nói lên như vầy : "Nam mô A Lâu Na thiên thành tựu đại bi, có đại uy thế ! Nếu khi ngài xuất hiện, ánh sáng chiếu sáng cõi Diêm Phù Ðề, đồng thời chiếu vào thân tôi thì nguyện xin ngài đem lời nói của tôi bạch với ngài Bồ tát Ðại Hư Không Tạng, khiến cho tôi ở trong mơ được thấy ngài để ngài bày cho tôi phương tiện khiến cho tôi sám hối tội căn bản, được mắt thánh trí tuệ Ðại thừa". Lúc ấy Bồ tát sơ hành cần phải nằm ngủ lại chỗ cũ, đến khi A Lâu Na xuất hiện thì Bồ tát Hư Không Tạng vì Bồ tát sơ hành, ở trong mơ hiện thân vì Bồ tát ấy nói phương tiện đại trí, khiến cho ông ấy sám hối tội lỗi mãi quên mất tâm Bồ đề mà chứng được tam muội, kiên trụ ở Ðại thừa, mau đầy đủ sáu Ba la mật, chẳng bao lâu sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do có đại công đức chẳng thể nghĩ bàn dũng mãnh tinh tấn như vậy nên trên đỉnh đầu Bồ tát Hư Không Tạng có ngọc báu Như ý này.

Lại nữa, Tộc tính tử ! Nếu có chúng sinh nghe danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng mà vẽ hình tượng để cúng dường thì chỗ sinh sống của người ấy lửa chẳng thể đốt cháy, nước chẳng thể nhận chìm, binh đao chẳng hại độc, chẳng thể thương tổn, người cùng chẳng phải người không thể xâm hại, nhất định chẳng bị chết oan uổng, việc vua chẳng gia thêm, chẳng phạm tội nặng căn bản, không có bệnh tật, cũng chẳng chết đói. Lúc sắp mạng chung thậm chí mắt chẳng thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng nghe hương, lưỡi chẳng biết vị, thân chẳng giác xúc (chạm chẳng hay biết) chỉ còn có chút xíu hơi thở ra vào, thân còn lại chút xíu nhận thức thậm chí là chút nhận thức sau cùng thì Bồ tát Hư Không Tạng liền vì người ấy hiện thân. Nếu chúng sinh này trước thờ Phạm thiên thì hiện hình dáng Phạm thiên, trước thờ Ma vương, trời Na la diên, Ma ê thủ la, Thích đề hoàn nhân, Chuyển luân thánh vương, Nhật nguyệt thiên tử, Ðề đầu lại tra cho đến Tỳ Sa môn vương... tùy theo việc phụng sự ấy mà Bồ tát Hư Không Tạng ở trước người đó thị hiện thân hình của vị ấy mà nói kệ rằng :

Bốn Thánh đế như vậy Sở kiến người Tuệ Thông.

Vì biết đến sinh tử Hay độ biển hữu tình.

Chúng sinh đó ở trong ý thức biết pháp này rồi đều sinh vào chỗ thiện. Nếu có chúng sinh tin kính Phật thì liền hiện ra thân Phật mà nói kệ rằng :

Chánh trí Phật thanh tịnh Các biển hữu độ qua

Mau được chứng các địa Tất cả khổ lìa xa.

Bấy giờ, chúng sinh nghe nói lời đó, suy nghĩ về công đức của Phật nên sau khi mạng chung, chỗ vãng sinh đến là đất nước thanh tịnh, không có năm trược, được diện kiến các đức Phật hiện tại đang nói pháp. Suy nghĩ về công đức pháp, suy nghĩ về công đức tăng cũng lại như vậy. Bồ tát Hư Không Tạng thành tựu như vậy chẳng thể nghĩ bàn công đức thậm thâm. Nếu có chúng sinh muốn được đủ thứ tâm tự tại thì vào phần sau đêm, nên tắm gội sạch sẽ, cung kính lễ bái Bồ tát Hư Không Tạng, đối với các chúng sinh dấy khởi lòng thương xót mà nói lên như vầy : "Nghĩ đến tôi ! Nghĩ đến tôi ! Có đại trí tuệ, được đại từ bi ! Bồ tát Hư Không Tạng cho tôi niệm định phương tiện !" Rồi liền nói chú này :

Ðát điệt tha hộ tăng nhiễu yết la (thượng) na (thượng) Khê bả xoa nhỉ lê tam mộ (thượng) - Ðà la (thượng) phan đa lê đá na (thượng) dạ ma ha ca tăng nhỉ ca a (thượng) nỏ bả thiềm bà (thượng) tùng nhị lị để a (thượng) già (thượng) La (thượng) thiềm bà tùng nhi lị để phan xà (thượng) lam (thượng) thiềm bà (thượng) tùng nhị lị để yết lô thâu tùng nhị lị để a (thượng) na (thượng) ma tùng nhị lị để mãn đá câu tri tùng nhị lị để sa (thượng) bà ha.

Nếu trì tụng chú đó thì liền được vào niệm định phương tiện. Lại nữa, nếu muốn đọc tụng đủ thứ Kinh luận, hoặc lời nói của Phật, hoặc lời nói của đệ tử Phật thì nên tắm gội sạch sẽ, còn nói như trên, liền nói chú rằng :

Ðát điệt tha a (thượng) nhỉ la (thượng) xà (thượng) ê cám bồ (thượng) sa xà (thượng) ê dạ phan na (thượng) xà (thượng) ê bả xoa ta (thượng) mê bả tra la (thượng) xà (thượng) sa sa (thượng) tha na (thượng) ta (thượng) la (thượng) đá la (thượng) ca (thượng) la hổ ma hổ ma ma ha ca tăng nhỉ ca ta (thượng) bà ha.

Nếu có người muốn vào biển cả, muốn vào hang tối tìm đồ trân quí lạ lùng, muốn uống thuốc tiên, hoặc có người bị trói buộc giam cầm, thọ hình phạt hay sắp chết, yêu mà biệt ly, oán ghét mà hội hợp, sợ binh đao nước lửa, bị uy hiếp của cọp sói, sư tử, rắn độc, đạo tặc, bị bệnh lâu dài... cho đến thiếu thốn đồ ăn thức uống thì phải lễ bái cung kính đại Bồ tát Hư Không Tạng, ngoài ra như trên. Nếu các vương tử muốn cầu ngôi vua, cầu trường thọ, cầu Bà la môn uy đức, cầu cư sĩ uy đức, cầu phương thuật tinh xảo, cầu danh tiếng, cầu dung mạo đoan chính, cầu tu định, cầu giải thoát... những chúng sinh như vậy nghe danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng thì vào phần sau đêm nên tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới đẹp, lên trên tòa ngồi cao, chí tâm thỉnh cầu, nói lên như vầy : "Nam mô Hư Không Tạng Bồ tát ! Bậc có đại bi cho con phước đức ! Thỏa mãn chí nguyện của con !" Vị Tộc tính tử đó dùng thiên nhĩ nghe, rồi tùy theo phước lực của người ấy liền vì họ hiện thân. Vị Tộc tính tử đó có phương tiện đại trí chẳng thể nghĩ bàn như vậy với những công đức thiện đã qua biển cả Phật pháp thậm thâm. Này thiện nam tử ! Hoặc có chúng sinh có thể tính được nước biển cả, biết được số giọt nước của biển ấy mà không có chúng sinh có thể lường được đại trí phương tiện thành tựu chúng sinh của Bồ tát Hư Không Tạng. Hoặc có chúng sinh có thể đo lường được vô lượng vô biên hư không phần tề mà không có chúng sinh có thể trù tính được đại Bồ tát Hư Không Tạng vì thành tựu chúng sinh nên đã hiện đủ thứ thân, hoặc hiện thân Phật, hoặc thân Bà la môn... cho đến thị hiện thân súc sinh hoặc ở khi ngủ hay ở trong mơ... cho đến chúng sinh sắp mạng chung còn chút ý thức sau cùng mà vì hiện thân để trừ bỏ ác nghiệp của người ấy, lìa khỏi nỗi sợ hãi đường ác, khiến họ trụ ở thiện đạo. Vị Tộc tính tử đó đã thành tựu chẳng thể nghĩ bàn các thiện công đức của phương tiện đại trí như vậy, đã qua biển cả Phật pháp thậm thâm. Vậy nên trên đỉnh đầu có ngọc báu Như Ý.

Lúc bấy giờ, những người đến hội trong đại chúng thấy việc chưa từng có của Ðại Bồ tát Hư Không Tạng, đều tôn trọng chắp tay cung kính, dùng đủ thứ kệ tụng mà khen ngợi. Bấy giờ, Bồ tát Hư Không Tạng lễ dưới chân đức Phật mà bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Vì sao đức Như Lai có thể ở trong chúng sinh tối tăm vô minh của thế giới ngũ trược này mà làm Phật sự ?

Ðức Phật dạy rằng :

- Vị Tộc tính tử đó ví như hư không không nhiễm, không hoạn, không si. Tính ấy thanh tịnh nhưng vì nhân duyên gió, mưa, bụi bặm, sương móc nên chẳng thanh tịnh. Nếu nhân duyên ấy diệt thì thanh tịnh như cũ, liền thấy mặt trời, mặt trăng và tinh tú, biết được có khoảnh khắc giây lát sát na, thời gian ngày, đêm, năm tháng. Như vậy, này thiện nam tử ! Như Lai đối với đệ nhất nghĩa không, tâm được tự tại. Do các chúng sinh bị khách trần phiền não làm ô nhiễm lòng của họ. Vậy nên Như Lai vì họ nói pháp khiến cho lòng ô nhiễm trở lại được thanh tịnh. Nếu có chúng sinh được gặp ánh sáng trí tuệ của Như Lai chiếu soi thì liền có thể sáng rõ, chứng biết Phật pháp thậm thâm. Như là bốn niệm xứ, tám phận Thánh đạo... cho đến an trụ ở mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi, đại công đức, Nhất thiết chủng trí. Vậy nên liền có A la hán, Bích Chi Phật, Ðại Bồ tát, các đức Phật Như Lai xuất hiện ở thế gian. Này thiện nam tử ! Ý ông thế nào ? Hư không nương vào nhãn (mắt) hay nương vào nhãn thức sinh ra xúc sao ?

- Thưa đức Thế Tôn ! Chẳng phải vậy !

- Ý ông thế nào ? Hư không nương vào bên trong mắt duyên với xúc sinh ra ba thọ sao ?

- Thưa đức Thế Tôn ! Chẳng phải vậy !

- Tại, mũi, lưỡi, thân cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ý ông thế nào? Hư không nương vào ý hay nương vào ý thức vậy ?

- Thưa đức Thế Tôn ! Chẳng phải vậy !

- Này thiện nam tử ! Ý ông thế nào ? Chúng sinh nương vào hư không hay hư không nương vào chúng sinh vậy ?

- Thưa đức Thế Tôn ! Chẳng phải vậy ! Chẳng đắp đổi chẳng nương vào nhau, đều không sở hành, tất cả các pháp cũng lại như vậy, không quán không hành, đồng một tính không, qui về tướng thật tế Như Như. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như hư không không phá, không hoại, không tính, không tướng, không có phân biệt, cũng không lay động, không chủng, không tử, không quả, không báo, không có tướng biến dị. Thưa đức Thế Tôn ! Ðại Bồ tát nếu có thể thuận theo quán tướng tất cả pháp như vậy thì đó gọi là ở trong pháp Vô sanh được Vô sanh pháp nhẫn.

Bồ tát Hư Không Tạng liền nói chú rằng :

Ðá điệt tha bà (thượng) đàn đá bà (thượng) già bàn tệ phan la (thượng) xà (thượng) ma nỏ xoa dạ thị na (thượng) xà (thượng) dạ xà (thượng) na nhỉ ma đố nhỉ ha (thượng) la (thượng) a (thượng) na (thượng) dạ pha la (thượng) cù (thượng) pha già (thượng) la (thượng) bà nhỉ ma a (thượng) tỳ (thượng) na (thượng) dạ tác (thượng) phan thước (thượng) na (thượng) ma na (thượng) thước (thượng) đá đá ca (thượng) la (thượng) ma thước (thượng) ma ca (thượng) lợi ma đổ tỳ (thượng) sa sơ kha khước (thượng) ma lê đá na dạ kết lê thước (thượng) đổ tăng thâu trứu nhỉ ta (thượng) bà ha.

Ðức Phật dạy rằng :

- Này Tộc tính tử ! Hay thay ! Hay thay ! Ông có thể vì chúng sinh nói Ðà la ni Ly cấu sư tử du bộ khư này khiến cho các chúng sinh lúc sắp mạng chung, ý thức sau cùng của họ lìa khỏi phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng, được vãng sanh cõi Phật thanh tịnh. Ông có thể ở tại khắp chỗ ở của nhân dân trong vô lượng vô biên đất nước, thành ấp, tụ lạc mà hiện đủ thứ hình tướng uy nghi của thân, vì các chúng sinh giải nói Kinh điển Ðại thừa thậm thâm khiến cho vua Sát đế lợi chiên đà la và những người làm ác đạt đến được thiện pháp.

Bấy giờ, khi đức Thế Tôn nói pháp này thì vô lượng người, trời có được tam muội, được Ðà la ni, được các nhẫn... cho đến trụ ở thập địa trí. Có mười ngàn chúng sinh được Vô sanh pháp nhẫn. Các Tỳ kheo tại hội, đại chúng trời, rồng và Atu la.v.v.. nghe lời đức Phật nói đều vui mừng làm lễ mà lui ra.

KINH HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT THẦN CHÚ - hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]