Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới thiệu

22/05/201311:37(Xem: 9920)
Giới thiệu

Kinh Vô Lượng Nghĩa

Giới thiệu

Việt dịch: Cư sĩ Hạnh Cơ

Nguồn: Hán dịch: Tam tạng pháp sư Đàm Ma Già Đà Da Xá, người Thiên-trúc, tại Trung-quốc, vào đời Tiêu-Tề

Kinh Vô Lượng Nghĩa (Amitartha-sutra) do ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá (Dharmagatayasas) dịch ra Hán văn tại chùa Triều-đình ở Quảng-châu, Trung-quốc, vào năm 481 (tức năm thứ 3 niên hiệu Kiến-nguyên, đời vua Thái-tổ Tiêu Đạo Thành của vương triều Nam-Tề [479-502], thời đại Nam-triều); được thu vào bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển 9, mang số 276.
Ý chỉ của kinh này đặt trên cơ sở: Vì phiền não của hữu tình chúng sinh nhiều vô lượng, nên đức Phật thuyết pháp cũng vô lượng; thuyết pháp vô lượng nên nghĩa lí cũng vô lượng; nghĩa lí tuy vô lượng nhưng chỉ phát sinh từ MỘT pháp: đó là pháp VÔ TƯỚNG.
Từ “vô lượng nghĩa” có ba ý nghĩa: 1) Tất cả các pháp đều có đầy đủ vô lượng vô số nghĩa lí, cho nên gọi là “vô lượng nghĩa”. 2) Vô lượng nghĩa tức là “thật tướng”. Theo ngài Cát Tạng (549-623) giải thích trong bộ Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ, thì bản thể của thật tướng là không có hạn lượng, cho nên gọi là “thể vô lượng”; từ một pháp thật tướng mà phát sinh ra tất cả pháp, cho nên gọi là “dụng vô lượng”; cả thể và dụng của thật tướng đều vô lượng, cho nên gọi là “vô lượng nghĩa”. 3) Vô lượng nghĩa là chỉ cho kinh điển đại thừa. Trong phẩm “Tựa” của kinh Pháp Hoa có nói: Đức Thế Tôn vì chư vị Bồ-tát mà nói kinh đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa. Vì vậy, kinh này cũng có người gọi tên là Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa. Nhân nơi đây đề cập tới tên kinh, chúng tôi cũng xin nói thêm một điều: Trong kinh văn (ở hai phẩm thứ hai và thứ ba) có ghi lời Phật nói tên kinh này là “Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa Kinh”, nhưng tên kinh được ghi trong Tạng Đại Chánh thì không có hai chữ “Đại Thừa”, mà chỉ có bốn chữ “Vô Lượng Nghĩa Kinh”; có thể, “Vô Lượng Nghĩa” mới là tên chính thức của kinh, còn từ “đại thừa” chỉ là tiếng bổ từ mà thôi.
Phẩm “Tựa” của kinh Pháp Hoa còn cho biết, tại đạo tràng Kì-xà-quật (gần thành Vương-xá), đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa này trước khi nói kinh Pháp Hoa. Sau khi nói kinh Vô Lượng Nghĩa – là pháp môn đã do tự Ngài chứng đắc, đem giáo hóa hàng Bồ-tát đại thừa – Ngài liền nhập định “Vô lượng nghĩa xứ”; và sau khi xuất định, Ngài đã nói kinh Pháp Hoa. Vì vậy chư vị cổ đức đều nói rằng, kinh Vô Lượng Nghĩa này chính là tiền đề, là phần mở đầu của kinh Pháp Hoa; có thể nói, nội dung của toàn bộ kinh Pháp Hoa là khai triển ý chỉ của kinh Vô Lượng Nghĩa vậy.
Về ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá, dịch giả của kinh này, các sử liệu đã không nói gì nhiều về tiểu sử và hành trạng của ngài; chỉ biết đại khái rằng, ngài là người Trung Thiên-trúc, có mặt ở Quảng-châu vào khoảng cuối nhà Lưu-Tống đầu nhà Tiêu-Tề (tức khoảng thập niên 70 của thế kỉ thứ 5) của thời đại Nam-triều (420-589). Theo bài “Tựa Kinh Vô Lượng Nghĩa” của ẩn sĩ Lưu Cầu (437-495) viết để ở đầu cuốn kinh, có tì kheo Tuệ Biểu ở núi Võ-đang (phía Nam huyện Quân, tỉnh Hồ-bắc), lập chí du phương cầu đạo, không nề hiểm nguy, lao nhọc. Năm thứ 3 niên hiệu Kiến-nguyên (tức năm 481) nhà Tề, ông đến vùng Lĩnh-nam, được gặp sa môn Đàm Ma Già Đà Da Xá, người Trung Thiên-trúc, ở chùa Triều-đình, thành phố Quảng-châu. Vị sa môn này có tài viết kiểu chữ “lệ” rất đẹp, đã dịch cuốn kinh Vô Lượng Nghĩa, muốn lưu truyền nhưng chưa biết giao phó cho ai. Tì kheo Tuệ Biểu bèn chí thành cầu thỉnh, ngài bèn trao cho. Tuệ Biểu được bản kinh ấy, liền đem về lại núi Võ-đang… Ngoài mấy nét giản dị đó ra, không ai biết gì thêm về cuộc đời hành đạo của ngài; cả năm sinh năm mất cũng không rõ.
Trước bản dịch của ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá, cũng đã có bản dịch Vô Lượng Nghĩa Kinh của ngài Cầu Na Bạt Đà La (394-468) ở đời Lưu-Tống (420-479), nhưng đã bị thất truyền rất sớm.
Bản kinh Hán văn được dùng để dịch ra Việt văn sau đây là bản Hán dịch của Tam tạng pháp sư Đàm Ma Già Đà Da Xá, rút ra từ Tạng Đại Chánh, quyển 9, mang số 276.

Kính giới thiệu,
Cư sĩ Hạnh Cơ
Miền Tây Gia-nã-đại,
Tiết Thượng-nguyên năm Bính-Tuất,
2006 (PL 2549)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]