Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 9. Phẩm Vào "Pháp Môn Không Hai"(1)

16/05/201313:03(Xem: 9818)
Phần 9. Phẩm Vào "Pháp Môn Không Hai"(1)

Kinh Duy Ma Cật

Phần 9. Phẩm Vào "Pháp Môn Không Hai"(1)

Thích Tịnh Từ

Nguồn: Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập. Thích Huệ Hưng dịch

Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo các vị Bồ Tát rằng:
- Các Nhân giả! Thế nào là Bồ Tát vào "pháp môn không hai"? Cứ theo chỗ thích của mình mà nói.
Trong Pháp hội có Bồ Tát tên là Pháp Tự Tại nói:
- Các Nhân giả! "Sanh", "diệt" là hai. Pháp vốn không sanh, cũng không diệt, đặng vô sanh pháp nhẫn, đó là vào "pháp môn không hai".
Bồ Tát Đức Thủ nói:
- "Ngã", "ngã sở" là hai. Nhân có ngã mới có ngã sở, nếu không có ngã thời không có ngã sở đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Bất Thuấn nói:
- "Thọ", "không thọ"(2) là hai. Nếu các pháp không thọ thời không có "được", vì không có "được", nên không thủ xả, không gây không làm đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Đức Đảnh nói:
- "Nhơ", "sạch" là hai. Thấy được tánh chơn thật của nhơ, thời không có tướng sạch, thuận theo tướng diệt, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thiện Túc nói:
- "Động", "niệm" là hai. Không động thời không niệm, không niệm thời không phân biệt; thông suốt lý ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thiện Nhãn nói:
- "Một tướng", "Không tướng"(3) là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp không tướng mà vào bình đẳng, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Diệu Tý nói:
- Tâm Bồ Tát, tâm Thanh Văn là hai. Quán tướng của tâm vốn không, như huyễn như hóa, thời không có tâm Bồ Tát, không có tâm Thanh Văn, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Phất Sa nói:
- "Thiện", "bất thiện" là hai. Nếu không khởi thiện và bất thiện, vào gốc không tướng mà thông suốt được, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Sư Tử nói:
- "Tội", "phước" là hai. Nếu thông đạt được tánh của tội, thì tội cùng phước không khác, dùng tuệ kim cang quyết liễu tướng ấy, không buộc không mở, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Sư Tử Ý nói:
-"Hữu lậu", "vô lậu" là hai. Nếu chứng được các pháp bình đẳng thời không có tướng hữu lậu và vô lậu, không chấp có tướng cũng không chấp vô tướng, đó là vào phảp môn không hai.
Bồ Tát Tịnh Giải nói:
- "Hữu vi", "vô vi" là hai. Nếu lìa tất cả số thời tâm như hư không, dùng tuệ thanh tịnh không có chướng ngại, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Na La Diên nói:
- "Thế gian", "xuất thế gian" là hai. Tánh thế gian không tức là xuất thế gian, trong đó không vào không ra, không đầy không vơi, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thiện ý nói:
- "Sanh tử", "Niết bàn" là hai. Nếu thấy được tánh sanh tử thời không có sanh tử, không buộc không mở, không sinh không diệt, hiểu như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Hiện Kiến nói:
- "Tận", "không tận" là hai. Pháp đến chỗ rốt ráo thời tận hoặc không tận đều là tướng "vô tận". Tướng "vô tận" tức là không, không thời không có tướng tận và không tận, được như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Phổ Thủ nói:
- "Ngã", "vô ngã" là hai. "Ngã" còn không có, thời "phi ngã" đâu có được. Thấy được thật tánh của ngã không còn có hai tướng, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Điển Thiên nói:
- "Minh", "vô minh" là hai. Thật tánh vô minh tức là minh, minh cũng không thể nhận lấy, lìa tất cả số, ở đó bình đẳng không hai, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Hỷ Kiến nói:
- "Sắc", "Không" là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự không; thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Thức và không là hai. Thức tức là không, chẳng phải thức diệt rồi mới không, tánh thức tự không. Thông hiểu lý đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Minh Tướng nói:
- "Tứ đại" khác (4) "không đại" khác là hai. Tánh tứ dại tức là tánh không đại, như lớp trước lớp sau không, thời lớp giữa cũng không. Nếu biết được thật tánh các đại thời đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Diệu Ý nói:
- "Con mắt", "sắc trần" là hai. Nếu biết được tánh của mắt thời đối với sắc không tham, không sân, không si, tức là tịch diệt. Tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng là hai. Nếu biết được tánh của ý thời đối với pháp không tham, không sân, không si tức là tịch diệt. Nhận như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Vô Tận Ý nói:
- "Bố thí", "hồi hướng nhứt thiết trí" là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhứt thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền đinh, trí tuệ, hồi hướng nhứt thiết trí cũng là hai. Tánh trí tuệ tức là tánh hồi hướng nhứt thiết trí, ở trong đó vào "một tướng" là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thâm Tuệ nói:
- "Không", "vô tướng", "vô tác" là hai. Không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô tãc. Nếu không vô tướng, vô tác thời không có tâm, ý thức. Một món giải thoát là ba món giải thoát, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Tịch Căn nói:
- "Phật", "Pháp", "Chúng" (Tăng) là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Chúng. Ba ngôi báu ấy đều là tướng vô vi, cũng như hư không. Tất cả pháp cũng vậy, theo được hạnh ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Tâm Vô Ngại nói:
- "Thân". "thân diệt" là hai. Thân tức là thân diệt. Vì sao? Thấy thật tướng của thân thời không thấy thân và thân diệt. Thân và thân diệt không hai, không khác, theo đó chẳng kinh chẳng sợ là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thượng Thiện nói:
- "Thân thiện", "khẩu thiện", "ý thiện" là hai. Ba nghiệp này là tướng "vô tác". Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu, tướng vô tác của khẩu tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của tất cả pháp. Tùy thuận trí tuệ vô tác như thế là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Phước Điền nói:
- Làm phước (5) làm tội (6), làm bất động là hai. Thật tánh của ba việc làm tức là "không", "không" thời không làm phước, không làm tội, không làm bất động. Ở ba việc làm này mà không khởi là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Hoa Nghiêm nói:
- Do "ngã" mà khởi ra hai là hai. Thấy được thật tướng của "ngã", thời không khởi ra hai pháp. Nếu không trụ hai pháp thời không có "thức". Không có thức là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Đức Tạng nói:
- Có tướng "sở đắc" là hai. Nếu không có sở đắc thời không có lấy bỏ. Không lấy bỏ là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Nguyệt Thượng nói:
- "Tối", "sáng" là hai. Không tối, không sáng thời không có hai. Vì sao? Như vào định diệt thọ tưởng thời không có tối, không có sáng. Tất cả pháp tướng cũng như thế; bình đẳng vào chỗ ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Bảo ấn Thủ nói:
- Ưa Niết bàn, không ưa thế gian là hai. Nếu không ưa Niết bàn, không chán thế gian thời không có hai. Vì sao? Nếu có buộc thời có mở, nếu không buộc thì nào có cầu mở. Không buộc, không mở, thời không ưa, không chán, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Châu Đảnh Vương nói:
- "Chánh đạo", "tà đạo" là hai, ở chánh đạo thời không phân biệt thế nào là Tà, thế nào là Chánh, lìa hai môn phân biệt đó là vào Pháp môn không hai.
Bồ Tát Nhạo Thật nói:
- "Thực", "Không thực" là hai. Thực thấy còn không thấy thực, huống là không thực thấy. Vì sao? Không phải mắt thịt mà thấy được, chỉ có mắt tuệ mới thấy được. Nhưng mắt tuệ không có thấy mà chỗ nào cũng thấy cả, đó là vào pháp môn không hai.
Các Bồ Tát nói như thế rồi, hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng:
- Thế nào là Bồ Tát vào pháp môn không hai?
Ngài Văn Thù Sư Lợì nói:
- Như ý tôi đối với tất cả pháp không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào pháp môn không hai.
Khi đó Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng:
- Chúng tôi ai ai cũng nói rồi, đến lượt Nhân giả nói thế nào là Bồ Tát vào pháp môn không hai?
Ông Duy Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng: "Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là vào pháp môn không hai.
Khi nói phẩm vào Pháp Môn Không Hai này, trong chúng có năm nghìn Bồ Tát đều vào pháp môn không hai, chứng Vô sanh Pháp nhẫn.






CHÚ THÍCH

1. Pháp môn không hai: "Không hai" là lý thể chơn thật duy nhứt, ly tướng vắng lặng như như bĩnh đẳng, không có kia, đây, sai khác. Pháp môn : là pháp tắc khuôn mẫu của Phật đạo, các bực Hiền Thánh đều nương theo đó mà nhập đạo. Bồ tát ngộ vào lý nhứt thật bình đẳng, gọi là vào "pháp môn không hai".
2. Thọ, không thọ: Thọ là có xúc đối lãnh thọ chấp tướng thuộc hữu lậu. Không thọ là không lãnh thọ chấp tướng thuộc vô lậu.
3. Một tướng, không tướng : Một tướng là đối với 2, 3 mà nói. Hai, ba, là những cái sai khác, một là nghĩa không sai khác. Thật tướng của vũ trụ là một chứ không hai; sở dĩ nói "một" cũng chỉ là mượn mà nói, chứ thật "một" ấy cũng là tuyệt đối, là không, nên cũng tức là không tướng. Nhưng nếu nghe nói "một" nói "không" mà không biết là lời nói để phá chấp hai, chấp có, trở lại chấp có một tướng cũng thành ra hai vậy.
4. Tứ đại khác: Tức là bốn đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong khác với hư không, vì 4 đại có chất ngại, hư không không chất ngại nên khác nhau.
5. Làm phước : Làm những công hạnh phước thiện trong cõi dục.
6. Làm tội: Làm 10 nghiệp chắng lành. Thân có ba nghiệp chẳng lành: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm ; Miệng có 4: Nói dối, nói thêu dệt, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác; ý có 3: Tham lam bỏn sẻn, hờn giận ganh ghét, si mê tà kiến.
7. Làm bất động: Tu những hạnh nghiệp thiền định theo cõi trời Sắc và Vô Sắc giới

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]