Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

210. Kinh Tỳ-kheo-ni pháp lạc [1]

10/05/201314:15(Xem: 14375)
210. Kinh Tỳ-kheo-ni pháp lạc [1]

Kinh Trung A Hàm

210. Kinh Tỳ-kheo-ni pháp lạc [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghư như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc[2].

Bấy giờ có bà Ưu-bà-di Tì-xá-khư[3], đến chỗ Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc[4], cúi đầu lê dưới chân, rồi lui ngồi một bên, thưa rằng:

“Bạch Ni sư[5], tôi có điều muốn hỏi, mong Ni sư nghe cho chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tì-xá-khư, có điều gì xin cứ hỏi, sau khi nghe xong tôi sẽ suy nghĩ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư liền hỏi:

“Thưa Ni sư, tự thân[6], nói là tự thân; vậy thế nào là tự thân?

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Thế Tôn nói năm thạnh ấm[7]. Tự thân là năm thạnh ấm. Đó là sắc thạnh ấm, là thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm. Đó là năm thạnh ấm được Thế Tôn nói.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là Tự thân kiến[8]?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri thức, không biết Thánh pháp, không chế ngự theo Thánh pháp[9], kẻ ấy thấy sắc là thần ngã, thấy thần ngã có sắc, thấy trong thần ngã có sắc, thấy trong sắc có thần ngã. Thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thấy ngã có thức, thấy trong ngã có thức, thấy trong thức có ngã. Đó gọi là thân kiến.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là không thân kiến?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, biết Thánh pháp, khéo léo chế ngự trong Thánh pháp, kẻ ấy không thấy sắc là thần ngã, không thấy thần ngã có sắc, không thấy trong sắc có thần ngã, không thấy trong thần ngã có sắc. Không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, không thấy trong ngã có thức, không thấy trong thức có ngã. Đó gọi là không thân kiến.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là diệt tự thân?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Sắc thạnh ấm bị đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Đó là tự thân diệt.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, ấm nói là thạnh ấm, thạnh ấm nói là ấm. Ấm tức là thạnh ấm, hay thạnh ấm tức là ấm? Ấm khác với thạnh ấm chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Hoặc ấm tức là thạnh ấm. Hoặc ấm chẳng phải là thạnh ấm. Sao gọi là ấm tức là thạnh ấm? Nếu sắc hữu lậu, được chấp thủ[10]; thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, được chấp thủ, thì nói ấm tức là thạnh ấm.

“Thế nào nói ấm tức chẳng phải là thạnh ấm? Sắc vô lậu, không bị chấp thủ, thì nói ấm chẳng phải là thạnh ấm.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, thế nào là Thánh đạo tám chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Thánh đạo tám chi là từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó gọi là Thánh đạo tám chi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Thánh đạo tám chi là hữu vi chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Đúng vậy, Thánh đạo tám chi là hữu vi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.” Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, có bao nhiêu tụ?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Có ba tụ là giới tụ, định tụ và tuệ tụ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

Bạch Ni sư, Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ hay ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Không phải Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ, nhưng ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, ba chi Thánh đạo này được nhiếp về Thánh giới tụ. Chánh niệm, chánh định, hai chi này được thâu nhiếp vào Thánh định tụ. Chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, ba chi này thân nhiếp vào Thánh tuệ tụ. Đó là nói rằng không phải Thánh đạo tám chi ba tụ, nhưng ba tụ nhiếp Thánh đạo tám chi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.” Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại thưa:

“Bạch Ni sư, diệt là hữu đối chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Diệt là vô đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành, lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Sơ thiền có bao nhiêu chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Sơ thiền có năm chi là giác, quán, hỷ, lạc và nhất tâm[11]. Đó là năm chi của Sơ thiền.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại thưa:

“Bạch Ni sư, sao gọi là đoạn, sao gọi là tưởng, sao gọi là định lực, sao gọi là định công, sao gọi là tu định[12]?”

Pháp Lạc Tỳ-kheo-ni đáp rằng:

“Nếu có thiện tâm thuần nhất[13] được gọi là định. Bốn niệm xứ được gọi là định tưởng. Bốn chánh đoạn được gọi là định lực. Bốn như ý túc được gọi là định công. Nếu tu tập các thiện pháp này rồi lại thường chuyên tu tập tinh cần, đó gọi là tu định.

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, có bao nhiêu sự kiện mà sanh thân sau khi chết rồi, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Có ba sự kiện khiến sanh thân sau khi chết, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình. Những gì là ba? Một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Đó là ba pháp khiến sanh thân sau khi chết thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người chết và nhập diệt tận định khác nhau như thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Chết là mạng đã dứt, hơi ấm lìa thân, các căn bại hoại. Còn Tỳ-kheo nhập diệt tận định thì tuổi thọ chưa dứt, hơi ấm cũng không lìa thân, các căn không bại hoại. Đó là sự khác biệt giữa một người chết và nhập diệt tận định.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người diệt tận định và một người nhập vô tưởng định khác nhau thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Một người nhập diệt tận định thì tưởng và tri[14] đều diệt còn một người nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt. Đó là sự khác biệt giữa một người nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra khác nhau như thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo từ diệt tận định ra không khởi suy nghĩ này, ‘Ta từ diệt tận định ra’. Tỳ-kheo khi từ vô tưởng định ra, khởi ý nghĩ này, ‘Ta là hữu tưởng? Hay ta là vô tưởng?’ Đó là sự khác nhau giữa một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Tỳ-kheo khi nhập diệt tận định có khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta nhập diệt tận định không’?”

Pháp lạc Tỳ-kheo đáp:

“Tỳ-kheo khi nhập diệt tận định không khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta nhập diệt tận định,’ nhưng do theo tâm thức đã tu tập từ trước, y như vậy mà tiến tới.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, tỳ-kheo từ diệt tận định ra có khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta từ diệt tận định ra’ hay không?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo khi từ diệt tận định ra không khởi ý nghĩ, ‘Ta từ diệt tận định ra”, nhưng bởi thân này và sáu xứ duyên mạng căn, cho nên từ định mà ra.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Tỳ-kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc những gì? Thú hướng những gì? Và thuận những gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc đối với viễn ly, thú hướng viễn ly và tùy thuận viễn ly.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư có bao nhiêu thọ[15]?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Có ba thọ, là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Chúng duyên vào đâu mà có? Duyên vào xúc[16].”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, thế nào là cảm thọ lạc? Thế nào là cảm thọ khổ, và thế nào là cảm thọ không khổ không lạc?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Nếu lạc được cảm xúc bởi lạc xúc[17] mà sanh, thân và tâm cảm giác rất khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ lạc. Nếu khổ được cảm xúc bởi khổ xúc mà sanh, thân và tâm cảm thọ khổ, không khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ khổ. Nếu không khổ không lạc được cảm xúc bởi xúc không khổ không lạc mà sanh, thân và tâm cảm thọ không khổ không lạc, không phải khoái cảm hay không khoái cảm, thì cảm thọ này gọi là cảm giác không lạc không khổ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Đối với cảm thọ lạc, thế nào là lạc? Thế nào là khổ? Thế nào là vô thường? Thế nào là tai hoạn? Thế nào là sử? Đối với cảm thọ khổ, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử? Đối với cảm thọ không khổ không lạc, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử[18]?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Đối với cảm thọ lạc, sanh là lạc, trụ là lạc; biến dịch là khổ; vô thường tức là tai hoạn, và dục là sử; đối với cảm thọ khổ, sanh là khổ, trụ là khổ, biến dịch là lạc, vô thường tức là tai hoạn, sân nhuế là sử. Đối với cảm thọ không khổ không lạc, khổ hay lạc không được biết đến, vô thường tức là biến dịch và vô minh là sử vậy.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, phải chăng tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử[19]? Tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử[20]? Tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử[21]?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Không phải tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử, không phải tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử; không phải tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử. Vì sao cảm thọ lạc không phải là dục sử? Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ lạc không phải là dục sử. Vì sao vậy? Vì đã đoạn dục. Vì sao cảm thọ khổ không phải là nhuế sử? Như mong cầu vô thượng giải thoát lạc, do sự nguyện cầu canh cánh mà sanh ra ưu khổ. Đó là cảm thọ khổ không không phải là nhuế sử. Vì sao? Vì nó đoạn sân nhuế. Vì sao cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử? Khi lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã có trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử. Vì sao? Vì nó đoạn vô minh.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ lạc đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ lạc lấy cảm thọ khổ làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ khổ đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ khổ lấy cảm thọ lạc làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ vừa lạc vừa khổ đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ lạc khổ lấy không khổ không lạc làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ không khổ không lạc đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ không khổ không lấy vô minh làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, vô minh đối đãi với gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Vô minh lấy minh làm đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, minh đối đãi với gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Minh lấy Niết-bàn làm đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Niết-bàn đối đãi với cái gì?”

“Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Ông[22] muốn hỏi những việc vô cùng, nhưng việc ông hỏi không thể cùng tận giới hạn của tôi được. Niết-bàn không có đối đãi. Niết-bàn không có quái ngại, vượt qua quái ngại, diệt trừ quái ngại, do nghĩa này nên tôi theo Thế Tôn hành phạm hạnh.”

Bấy giờ Ưu-bà-di Tì-xá-khư, khi nghe Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc nói, khéo léo thọ trì, tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc, đi nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc sau khi tiễn Ưu-bà-di Tì-xá-khư đi cách đó không lâu, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng một bên, đem hết những điều thảo luận cùng Ưu-bà-di Tì-xá-khư bạch lại với Phật, chấp tay thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Thế Tôn chăng? Nói chân thật, nói như pháp, không có trái nhau, không có tranh cãi, nhầm lẫn chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Tỳ-kheo-ni, ngươi nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Ta, ngươi nói chân thật, ngươi nói như pháp, nói theo thứ lớp của pháp. Đối với như pháp, không có chống trái nhau, không tranh, không lỗi vậy. Này Tỳ-kheo-ni, nếu Ưu-bà-di Tì-xá-khư đến hỏi Ta, Ta cũng bằng những văn cú như vậy, Ta cũng trả lời Ưu-bà-di Tì-xá-khư bằng nghĩa này, bằng văn cú này. Này Tỳ-kheo-ni, nghĩa này đúng như ngươi đã nói, ngươi cứ như vậy mà thọ trì. Vì sao, những lời này tức là giáo nghĩa vậy.”

Phật thuyết như vậy, Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc và chư Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli: M.44. Cūḷa-vedalla-suttaṃ.

[2]. Bản Pāli nói tại Rājagaha, Veḷuvana, Kalandakanivāpa.

[3]. Tì-xá-khư Ưu-bà-di 毗 舍 佉 優 婆 夷. Trong bản Pāli: Visākho upāsako, nam cư sĩ Visākha chứ không phải nữ cư sĩ Visākha.

[4]. Pháp Lạc Tỳ-kheo-ni 法 樂 比 丘 尼. Pāli: Dhammadinnā bhikkhunī. Bà được xếp vào hàng những Tỳ-kheo-ni có tài biện thuyết. Trước kia bà là vợ của Visākha ở Rājigaha. Bản chữ Hán có thể nhầm Visākha này với Visākā, một nữ cư sĩ hộ đạo nhiệt thành ngang Cấp Cô Độc.

[5]. Hiền Thánh. Pāli: ayye, “bạch Thánh ni!”

[6]. Tự thân 有 身. Pāli: sakkāya, hữu thân, hay “tát-ca-da”.

[7]. Ngũ thạnh ấm, hoặc nói là ngũ thủ uẩn. Pāli: pañca upādānakkhandhā.

[8]. Tự thân kiến 自 身 見, cũng nói là hữu thân kiến, hay tát-ca-da tà kiến, có hai mươi trường hợp. Pāli: sakkāya-diṭṭhi.

[9]. Bất ngự Thánh pháp 不 御 聖 法. Pāli: ariyadhamme avinīto.

[10]. Hán: hữu thọ 有 受.

[11]. Giác, quán, hỷ, lạc, nhất tâm; hay tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm hay tâm nhất cảnh tánh. Pāli: vitakka, vicāra, pīti, sukha, cittekaggatā.

[12]. Đoạn, theo trả lời đây là định. Pāli: samādhi (định), samādhinimittā (định tướng), samādhiparikkhāra (định lực, định công hay tư trợ, tư cụ của định), samādhibhavana (định tu, tu định).

[13]. Đắc nhất 得 一 hay nói là tâm nhất cảnh tánh, hay tâm nhất thú tánh. Pāli: ekaggatā.

[14]. Tưởng tri 想 知, hay tưởng và thọ. Pāli: saññā-vedayita.

[15]. Hán: giác 受, tức thọ, hay cảm thọ. Pāli: vedanā.

[16]. Hán: cánh lạc 更 樂. Pāli: phassa.

[17]. Lạc cánh lạc sở xúc sanh 樂 更 樂 所 觸 生.

[18]. Sử 使, kết sử, hay tùy miên. Pāli: anusaya.

[19]. Dục sử 欲 使, hay tham dục tùy miên. Pāli: rāgānusaya.

[20]. Nhuế sử 恚 使, hay sân tùy miên. Pāli: paṭighānusaya.

[21]. Vô minh sử 無 明 使, hay vô minh tùy miên. Pāli: avijjānusaya.

[22]. Hán: quân 君. Có thể nam, có thể nữ. Có sự bất nhất về phái tính nhân vật trong bản Hán. Pāli: avuso.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]