Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

82. Kinh Chi-ly-di-lê [1]

09/05/201319:21(Xem: 14938)
82. Kinh Chi-ly-di-lê [1]

Kinh Trung A Hàm

82. Kinh Chi-ly-di-lê [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, có ít việc cần làm nên tụ họp ngồi ở giảng đường để quyết định sự tranh luận. Tức là bàn luận những vấn đề về pháp luật, về lời Phật dạy[2]. Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử[3] cũng hiện diện trong chúng.

Trong khi một số đông các Tỳ-kheo đang bàn luận những vấn đề về Pháp Luật, về lời Phật dạy, thì ngay trong lúc đang bàn luận ấy, Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử không đợi cho các Tỳ-kheo nói pháp xong, mà cứ nói xen ào vào, lại không có thái độ cung kính, không quan sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Câu-hi-la[4] cũng có mặt trong chúng, nói với Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng:

“Hiền giả nên biết, trong khi một số đông Tỳ-kheo đang nói những vấn đề về Pháp Luật và về lời Phật dạy này, thì Hiền giả chớ nói xen vào ở khoảng giữa. Đợi các Tỳ-kheo nói xong, nhiên hậu Hiền giả mới nói. Hiền giả hãy có thái độ cung kính và quán sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão. Chớ đem sự không cung kính, không khéo quán sát để thưa hỏi các ngài”.

Khi đó, bạn bè quen thân của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử hiện có trong chúng, nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la rằng:

“Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, ngài chớ nặng lời quở trách Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử. Lý do vì sao? Vì Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử có giới đức, đa văn, trông giống như người giải đãi nhưng không cống cao, ngã mạn. Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, bất cứ lúc nào, các Tỳ-kheo làm việc gì, thì Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử đều có thể giúp đỡ cả”.

Tôn giả Đại Câu-hi-la khi ấy nói với bạn bè quen thuộc của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng:

“Này chư Hiền, nếu không biết tâm của kẻ khác thì đừng vội nói là người ấy xứng đáng hay không xứng đáng. Lý do vì sao? Vì hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão, khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy khéo léo thủ hộ, nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt[5]. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này chư Hiền, giống như con bò vào trong ruộng lúa của người, người giữ ruộng bắt được, hoặc lấy tay cột, hoặc nhốt trong chuồng. Này chư Hiền, nếu có người nói rằng: ‘Con bò này không vào ruộng lúa của người khác nữa đâu’. Người kia nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì nếu con bò bị trói kia, hoặc làm đứt, hoặc làm sút sợi dây trói, hoặc nhảy ra khỏi chuồng, nó cũng lại vào trong ruộng lúa của người khác như trước, chứ không khác gì cả”.

“Này chư Hiền, hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính thì người ấy khéo léo thủ hộ. Nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi thì tâm sanh tham dục, tâm sanh ham muốn, rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.

“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người vừa được Sơ thiền; được Sơ thiền rồi, người ấy liền an trú chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, không mong thu hoạch những gì chưa thu hoạch, không mong tác chứng những gì chưa tác chứng. Người ấy, sau đó thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này chư Hiền, như lúc mưa to, hồ ao trong thôn xóm đều đầy nước. Có người trước khi chưa mưa, thấy trong hồ ao đó có cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên. Nhưng sau khi trời mưa, ao hồ đầy nước, người đó không còn thấy như thế nữa. Chư Hiền, nếu người kia nói như thế này: ‘Trong hồ ao kia nhất định không thể nào thấy lại được cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì hồ ao đầy nước kia, hoặc voi uống, ngựa uống, lạc đà, bò, lừa, heo, nai, trâu uống, hoặc người lấy dùng, gió thổi, mặt trời rọi, thì nước sẽ cạn. Người kia khi nước đầy hồ ao không thấy cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên, nhưng sau khi nước đã cạn rồi thì vẫn thấy như cũ”.

“Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có một người vừa được Sơ thiền; được Sơ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.

“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Nhị thiền; được đệ Nhị thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi thì sanh tâm tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi liền xả giới bỏ đạo.

“Này chư Hiền, như lúc mưa to, đất bụi ở nơi ngã tư đường đều thành bùn. Này chư Hiền, nếu có người nói như thế này: ‘Bùn ở nơi ngã tư đường này nhất định không khô ráo, không thể trở lại thành bụi đất được nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì ngã tư đường này hoặc voi đi, ngựa đi, lạc đà, bò, lừa, heo, nai, trâu và người đi, gió thổi, mặt trời rọi, thì con đường kia bùn sẽ khô và khô rồi sẽ trở thành đất bụi trở lại”.

“Cũng như vậy, này chư Hiền, hoặc có người được đệ Nhị thiền; được đêï Nhị thiền rồi, người ấy liền an trụ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.

“Này chư Hiền, lại nữa, hoặc có một người được đệ Tam thiền; được đệ Tam thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này chư Hiền, như nước suối, nước hồ lặng trong, ngang bờ đứng yên, không xao động và cũng không có sóng. Này chư Hiền, nếu có người nói như thế này: ‘Nước suối, nước hồ kia nhất định không bao giờ xao động và nổi sóng nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì hoặc ở phương Đông gió lớn chợt thổi đến làm cho nước trong hồ xao động nổi sóng. Cũng vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, gió lớn chợt thổi đến làm cho nước trong hồ xao động nổi sóng”.

“Cũng như vậy, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Tam thiền; được đệ Tam thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.

“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Tứ thiền; được đệ Tứ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này chư Hiền, ví như cư sĩ hoặc con cư sĩ ăn đồ ăn vi diệu, sau khi ăn uống no nê đầy bụng rồi thì những món ăn mà họ đã ăn trước kia, bây giờ không còn muốn ăn nữa. Này chư Hiền, nếu có lời nói như thế này: ‘Cư sĩ hoặc con của cư sĩ nhất định không bao giờ muốn ăn lại nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?” “Không đúng. Vì sao? Vì cư sĩ hoặc con của cư sĩ kia qua một đêm đã thấy đói, thì những gì khi no bụng họ không muốn ăn, bây giờ lại có thể ăn như trước”.

“Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Tứ thiền; được đệ Tứ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.

“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người được Vô tưởng tâm định[6]; được vô tưởng tâm định rồi thì người ấy liền an trụ, không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

“Này chư Hiền, ví như ở một khu rừng vắng, người ta nghe tiếng dế kêu[7]. Khi vua hoặc đại thần ngủ đêm tại khu rừng vắng đó, bấy giờ người ta nghe nào là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe cộ, tiếng đi bộ, tiếng trống, tiếng trống cơm, tiếng trống múa, tiếng múa, tiếng hát, tiếng đàn cầm, tiếng ăn uống, chứ không nghe tiếng dế kêu như trước tại khu rừng này nữa. Này chư Hiền, nếu có lời nói như thế này: ‘Khu rừng kia nhất định không bao giờ nghe được tiếng dế kêu nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”

“Không đúng. Vì sao? Vì vua hoặc đại thần ấy qua đêm, trời sáng rồi đều trở về. Nếu chỗ đó vì nghe các tiếng voi, ngựa, xe cộ, đi bộ, tiếng ốc, tiếng trống, trống cơm, trống múa, tiếng múa, ca, tiếng đàn, ăn uống nên không nghe tiếng dế kêu, nhưng khi họ đã đi rồi thì nghe lại như cũ”.

“Cũng vậy, này chư Hiền, có một người được Vô tưởng tâm định; được Vô tưởng tâm định rồi liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người”.

Bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử sau đó chẳng bao lâu xả giới, bỏ đạo. Bạn bè quen thân của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử nghe ông xả giới bỏ đạo, qua đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la, đến nơi rồi, bạch rằng:

“Bạch Tôn giả Đại Câu-hi-la, ngài biết rõ tâm của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử hay nhờ các việc khác mà biết? Lý do vì sao? Vì nay Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử đã xả giới bỏ đạo”.

Tôn giả Đại Câu-hi-la bảo các bạn bè quen thân kia rằng:

“Này chư Hiền, việc ấy phải như vậy. Lý do vì sao? Vì do không biết như thật, không thấy như chân nên xảy ra như vậy”.

Tôn giả Đại Câu-hi-la thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả dạy xong, hoan hỷ phụng hành[8].

[1]. Tương đương Pāli A .6.60. Hatthīariputta-sutta.

[2]. Bản Pāli: abhidhammakatha, đề tài Abhidhamma.

[3]. Chất-đa-la Tượng Tử 質 多 羅 象 子. Pāli: Citta-Hathisāriputta.

[4]. Đại Câu-hi-la 大 拘 絺 羅. Pāli: Mahā-koṭṭhika, một trong số các đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật, có khả năng phân tích (paṭissambhidappattānam). Ngài sinh trong một gia đình Bà-la-môn giàu có ở Sāvathi.

[5]. Pāli: rāgo cittam anuddhaṃsati, tham dục làm bại hoại tâm.

[6]. Vô tưởng tâm định 無 想 心 定; đây chỉ vô tướng tâm định. Bản Tống chép là tướng 相. Pāli: animitta cetosamādhi.

[7]. Nguyên Hán: Chi-ly-di-lê trùng 支 離 彌 梨 虫. Pāli: cīrika-sadda (hoặc cīriḷika-sadda, tên kinh bản Hán âm từ từ này), tiếng dế kêu.

[8]. Bản Pāli còn có đoạn kết: Phật tiên đoán Tượng Tử sẽ xuất gia trở lại và sẽ đắc quả A-la-hán. Lời tiên đoán đúng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]