- Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 2)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 3)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 4)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 5)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 6)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 7)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 8)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 9)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 10)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 11)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 12)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 13)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 14)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 15)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 16)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 17)
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Kinh Trung A Hàm
57. Kinh Tức vị Tỳ-Kheo thuyết [1]
Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói các Tỳ-kheo rằng:
“Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?
“Tỳ-kheo, tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.
“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộâ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.
“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.
“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng. Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Tương đương Pāli: A.ix.1 Sambodhi. Tham chiếu kinh 56 trên.