Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 49 (1305 - 1315)

09/05/201312:06(Xem: 13576)
Tạp A-hàm quyển 49 (1305 - 1315)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 49 (1305 - 1315)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1305. BAN-XÀ-LA-KIỆN[26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Ban-xà-la-kiện[27] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Thiên tử kia nói kệ:

Ở ngay chỗ ồn ào,
Bậc hiệt trí giác ngộ;
Giác ngộ bằng thiền giác,
Sức tư duy Mâu-ni.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Biết rõ pháp náo nhiệt,
Chánh giác được Niết-bàn.
Nếu được chánh hệ niệm,
Nhất tâm khéo chánh thọ.

Sau khi Thiên tử Ban-xà-la-kiện kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1306. TU-THÂM[28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Tu-thâm[29] cùng với năm trăm quyến thuộc, dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“A-nan, đối với pháp Tôn giả Xá-lợi-phất đã khéo thuyết, tâm ông có hỷ lạc không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có vậy. Những người nào không ngu, không si, có trí tuệ, mà ở trong pháp Tôn giả Xá-lợi-phất đã khéo thuyết, tâm lại không hỷ lạc? Vì sao? Vì Tôn giả Xá-lợi-phất trì giới, đa văn, ít muốn, biết đủ, tinh cần viễn ly, trụ vững chánh niệm, trí tuệ, chánh thọ, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ bén nhạy, trí tuệ xuất ly, trí tuệ quyết định, trí tuệ lớn, trí tuệ rộng, trí tuệ sâu, trí tuệ không ai bằng, thành tựu trí bảo[30], hay khéo giáo hóa, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ; cũng thường tán thán khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, luôn vì tứ chúng thuyết pháp không mỏi mệt.”

Phật bảo A-nan:

“Đúng thế! Đúng thế! Như những gì ông đã nói, A-nan! Vì những người không ngu, không si, có trí tuệ, nghe Tôn giả Xá-lợi-phất khéo thuyết các thứ pháp, mà ai lại không hỷ lạc! Vì sao? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất trì giới, đa văn, ít muốn, biết đủ, tinh cần chánh niệm, trí tuệ, chánh thọ, trí tuệ siêu việt, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ bén nhạy, trí tuệ xuất ly, trí tuệ quyết định, trí tuệ lớn, trí tuệ rộng, trí tuệ sâu, trí tuệ không ai bằng, thành tựu trí bảo, hay khéo giáo hóa, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ; cũng thường tán thán việc khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, luôn vì tứ chúng thuyết pháp không mỏi mệt.”

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Đúng vậy!”

Thế Tôn hướng về Tôn giả A-nan khen ngợi Tôn giả Xá-lợi-phất khéo thuyết pháp như vậy, như vậy. Thiên tử Tu-thâm cùng quyến thuộc trong tâm hoan hỷ, từ thân hào quang càng thêm sáng chói, thanh tịnh như vậy, như vậy. Bấy giờ, Thiên tử Tu-thâm trong tâm hoan hỷ, từ thân phát ra ánh sáng thanh tịnh chiếu sáng, liền nói kệ:

Xá-lợi-phất đa văn,
Trí sáng tuệ bình đẳng;
Trì giới, khéo điều phục,
Được Niết-bàn vô sanh.[31]
Thọ trì thân tối hậu,
Hàng phục các ma quân.

Sau khi Thiên tử Tu Thâm cùng quyến thuộc nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1307. XÍCH MÃ[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Xích Mã[33], dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Thiên tử Xích Mã kia bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết chăng?”

Phật đáp Xích Mã:

“Không thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết được.”

Thiên tử Xích Mã bạch Phật:

“Lạ thay! Thế Tôn khéo nói nghĩa này! Như những gì Thế Tôn đã nói: ‘Không thể vượt qua biên tế thế giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết được.’ Vì sao? Bạch Thế Tôn, con tự nhớ kiếp trước tên là Xích Mã, làm Tiên nhân ngoại đạo, đắc thần thông, lìa các ái dục. Lúc đó, con tự nghĩ: ‘Ta có thần túc nhanh chóng như vậy, giống như kiện sĩ, dùng mũi tên nhọn trong khoảnh khắc bắn xuyên qua bóng cây đa-la, có thể lên một núi Tu-di đến một núi Tu-di, cất bước từ biển Đông đến biển Tây.’ Lúc ấy con tự nghĩ: ‘Nay ta đạt được thần lực nhanh chóng như vậy, hôm nay có thể tìm đến biên tế của thế giới được chăng?’ Nghĩ vậy rồi liền khởi hành, chỉ trừ khi ăn, nghỉ, đại tiểu tiện và giảm bớt ngủ nghỉ, đi mãi đến một trăm năm, cho tới khi mạng chung, rốt cuộc không thể vượt đến biên tế của thế giới, đến nơi không sanh, không già, không chết.”

Phật bảo Xích Mã:

“Nay Ta chỉ bằng cái thân một tầm để nói về thế giới, về sự tập khởi của thế giới, về sự diệt tận của thế giới, về con đường đưa đến sự diệt tận của thế giới. Này Thiên tử Xích Mã, thế giới là gì? Là năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm, thọ thọ ấm, tưởng thọ ấm, hành thọ ấm, thức thọ ấm. Đó gọi là thế giới.

“Thế nào là sự tập khởi sắc? Ái đương lai hữu[34], câu hữu với hỷ tham, ưa thích chỗ này chỗ kia. Đó gọi là sự tập khởi của thế giới.

“Thế nào là sự diệt tận thế giới? Sự diệt tận của ái đương lai hữu, câu hữu với hỷ tham, ưa thích chỗ này chỗ kia; đoạn tận, xả ly không còn sót, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh. Đó gọi là sự diệt tận thế giới.

“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới? Tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới.

“Này Xích Mã, biết khổ thế giới, đoạn khổ thế giới; biết sự tập khởi thế giới, đoạn sự tập khởi thế giới; biết sự diệt tận thế giới, chứng sự diệt tận thế giới; biết con đường đưa đến sự diệt tận thế giới, tu con đường đưa đến sự diệt tận thế giới. Này Xích Mã, nếu Tỳ-kheo nào đối với khổ thế giới, hoặc biết hoặc đoạn; sự tập khởi thế giới, hoặc biết hoặc đoạn; sự diệt tận thế giới, hoặc biết hoặc chứng; con đường đưa đến sự diệt tận thế giới, hoặc biết hoặc tu, thì này Xích Mã, đó gọi là đạt đến biên tế thế giới, qua khỏi ái thế gian.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ lập lại:

Không bao giờ dạo xa,
Mà đến biên thế giới.
Chưa đến biên thế giới,
Trọn không hết biên khổ.
Vì vậy nên Mâu-ni,
Biết biên tế thế giới.
Khéo rõ biên thế giới,
Các phạm hạnh đã lập.
Đối biên thế giới kia,
Bình đẳng mà giác tri;
Đó gọi hạnh Hiền thánh,
Qua bờ kia thế gian.

Sau khi Thiên tử Xích Mã nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1308. NGOẠI ĐẠO[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú bên núi Tỳ-phú-la, thành Vương xá, có sáu Thiên tử, vốn là xuất gia ngoại đạo. Một tên là A-tỳ-phù, hai là Tăng thượng A-tỳ-phù, ba là Năng Cầu, bốn là Tỳ-lam-bà, năm là A-câu-tra, sáu là Ca-lam[36], đến chỗ Phật.

Thiên tử A-tỳ-phù nói kệ:

Tỳ-kheo chuyên chú tâm,
Thường tu hạnh yểm ly;
Ở đầu đêm, cuối đêm,
Tư duy khéo tự nhiếp.
Thấy nghe những lời kia,
Không rơi vào địa ngục.
Thiên tử Tăng thượng A-tỳ-phù lại nói kệ:
Yểm ly chỗ đen tối,
Tâm thường tự nhiếp hộ;
Vĩnh viễn lìa thế gian,
Tranh ngôn ngữ, luận pháp.
Theo Đại Sư Như Lai,
Xin thọ pháp Sa-môn;
Khéo nhiếp hộ thế gian,
Không tạo các điều ác.
Thiên tử Năng Cầu lại nói kệ:
Đoạn hẳn đánh, đập, giết,
Cúng dường cho Ca-diếp;
Không thấy đó là tội,
Cũng không thấy là phước.
Thiên tử Tỳ-lam-bà lại nói kệ:
Con nói Ni-càn kia,
Ngoại đạo Nhã-đề Tử[37];
Xuất gia, hành học đạo,
Thường luôn tu hạnh khó.
Đối đồ chúng Đại Sư,
Xa lìa lời nói dối.
Con nói người như vậy,
Không xa bậc La-hán.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Con hồ ly gầy chết,
Thường đi cùng sư tử,
Suốt ngày, vẫn nhỏ, yếu,
Không thể thành sư tử.
Chúng Đại sư Ni-càn,
Hư vọng tự xưng tán;
Là nói dối ác tâm,
Cách rất xa La-hán.
Bấy giờ, Thiên ma Ba-tuần dựa vào Thiên tử A-câu-tra nói kệ:
Tinh cần bỏ tối tăm,
Thường giữ gìn viễn ly;
Đắm nhiễm sắc vi diệu,
Ham thích cõi Phạm thế.
Ta giáo hóa chúng này,
Để được sanh Phạm thiên.

Khi ấy Thế Tôn liền tự nghĩ: ‘Bài kệ mà Thiên tử A-câu-tra đã nói này, là do Thiên ma Ba-tuần thêm sức vào, chứ không phải do tự tâm Thiên tử A-câu-tra kia nói:

Tinh cần bỏ tối tăm,
Thường giữ gìn viễn ly;
Đắm nhiễm sắc vi diệu,
Ham thích cõi Phạm thế.
Ta giáo hóa chúng này,
Để được sanh Phạm thiên.
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Nếu những gì là sắc,
Ở đây hay ở kia;
Hoặc ở trong hư không,
Sáng chiếu rực mỗi khác.
Nên biết tất cả kia,
Không lìa ma, ma trói;
Giống như mồi lưỡi câu,
Câu cá đang lượn chơi.

Khi ấy những Thiên tử kia đều nghĩ rằng: ‘Hôm nay Thiên tử A-câu-tra nói kệ, mà Sa-môn Cù-đàm nói là ma nói. Vì sao Sa-môn Cù-đàm nói là ma nói?’

Bấy giờ, Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm các Thiên tử nên bảo rằng:

“Nay Thiên tử A-câu-tra nói kệ, nhưng chẳng phải tự tâm Thiên tử kia nói mà là do sức của Ma Ba-tuần dựa vào nên mới nói:

Tinh cần bỏ tối tăm,
Thường giữ gìn viễn ly;
Đắm nhiễm sắc vi diệu,
Ham thích cõi Phạm thế.
Nên giáo hóa chúng này,
Để được sanh Phạm thiên.
Cho nên, Ta nói kệ:
Nếu những gì là sắc,
Ở đây hay ở kia;
Hoặc ở trong hư không,
Sáng chiếu rực mỗi khác.
Nên biết tất cả kia,
Không lìa ma, ma trói;
Giống như mồi lưỡi câu,
Câu cá đang lượn chơi.

Khi ấy các Thiên tử lại tự nghĩ: ‘Lạ thay! Sa-môn Cù-đàm thần lực, oai đức lớn mới có thể thấy được Thiên ma Ba-tuần, còn chúng ta thì không thấy. Chúng ta mỗi người hãy làm kệ tán thán Sa-môn Cù-đàm.’ Liền nói kệ:

Đoạn trừ đối tất cả,
Tưởng tham ái hữu thân;
Khiến người khéo giữ này,
Trừ tất cả vọng ngữ.
Nếu muốn đoạn dục ái,
Nên cúng dường Đại Sư;
Đoạn trừ ba hữu ái,
Phá hoại đối nói dối.
Đối kiến tham đã đoạn,
Nên cúng dường Đại Sư.
Đệ nhất thành Vương xá;
Tên núi Tỳ-phú-la;
Tuyết sơn hơn các núi,
Kim sí vua loài chim;
Tám phương, trên và dưới,
Tất cả cõi chúng sanh;
Ở trong các Trời, Người,
Tối thượng Đẳng Chánh Giác.

Sau khi các Thiên tử nói kệ tán thán Phật rồi và nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1309. MA-GIÀ[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Ma-già[39] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử Ma-già nói kệ hỏi Phật:

Giết gì được ngủ yên?
Giết gì được hỷ lạc?
Giết những hạng người nào,
Được Cù-đàm tán thán?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu giết hại sân nhuế,
Giấc ngủ được an ổn.
Sự giết hại sân nhuế,
Khiến người được hỷ lạc.
Sân nhuế là gốc độc,
Ta khen người giết được.
Giết sân nhuế kia rồi,
Đêm dài không lo lắng.

Sau khi Thiên tử Ma-già nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1310. DI-KÌ-CA[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Di-kỳ-ca[41] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Có mấy loại chiếu sáng,
Luôn chiếu sáng thế gian?
Cúi xin Thế Tôn nói,
Ánh sáng nào tối thượng?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Có ba loại ánh sáng,
Luôn soi sáng thế gian;[42]
Mặt trời chiếu ban ngày,
Ban đêm ánh trăng rọi.
Ánh đèn chiếu ngày đêm,
Chiếu soi mọi cảnh tượng.
Trên dưới và các phương,
Chúng sanh nhờ soi sáng.
Trong ánh sáng Trời, Người,
Ánh sáng Phật hơn hết.

Phật nói kinh này xong, Thiên tử Di-kỳ-ca nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1311. ĐÀ-MA-NI[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Đà-ma-ni[44] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Phận sự Bà-la-môn,
Học hết chớ mỏi mệt.
Đoạn trừ các ái dục,
Không cầu thọ thân sau.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Bà-la-môn vô sự,
Việc cần làm đã làm;
Chừng nào chưa đến bờ,
Ngày đêm thường siêng quỳ.
Đã đến trụ bờ kia,
Đến bờ, quỳ làm gì?
Đây là Bà-la-môn,
Chuyên tinh thiền lậu tận.
Tất cả các ưu não,
Hừng hực, đã dứt hẳn;
Đó là đến bờ kia,
Niết-bàn vô sở cầu.

Sau khi Thiên tử Đà-ma-ni nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1312. ĐA-LA-KIỀN-ĐÀ[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Đa-la-kiền-đà [46] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Đoạn mấy, xả mấy pháp,
Tu mấy pháp tăng thượng,
Vượt qua mấy tích tụ[47],
Gọi Tỳ-kheo vượt dòng?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đoạn năm[48], xả bỏ năm[49],
Tu năm pháp tăng thượng[50],
Vượt năm thứ tích tụ[51],
Gọi Tỳ-kheo vượt dòng.

Sau khi Thiên tử Đa-la-kiện-đà nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1313. CA-MA (1)[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Ca-ma[53] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử Ca-ma bạch Phật:

“Thật khó, bạch Thế Tôn! Thật khó, bạch Thiện thệ!”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Sở học là rất khó:
Giới, tam-muội đầy đủ;[54]
Sống viễn ly không nhà,
Vui nhàn cư tịch tĩnh.
Thiên tử Ca-ma bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, tịch mặc thật khó được[55].”
Bây giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Được điều học khó được,
Giới, tam-muội đầy đủ;
Ngày đêm thường chuyên tinh,
Tu tập điều thích ý.
Thiên tử Ca-ma bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, tâm chánh thọ khó được[56].”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Trụ chánh thọ khó trụ
Các căn, tâm quyết định;
Cắt đứt lưới tử ma,
Bậc Thánh tùy ý tiến.
Thiên tử Ca-ma lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đường hiểm rất khó đi.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đường hiểm khó đi qua,
Thánh bình an vượt qua;
Phàm phu té ở đó,
Chân trên, đầu chúc xuống.
Hiền thánh thẳng đường đi,
Đường hiểm tự nhiên bình.

Phật nói kinh này xong, Thiên tử Ca-ma nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1314. CA-MA (2)[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Ca-ma[58] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ:

Tham nhuế nhân những gì,
Không vui, lông dựng đứng?
Sợ hãi từ đâu khởi?
Giác tưởng[59] do đâu sanh;
Giống như Cưu-ma-la[60],
Nương tựa vào vú mẹ?[61]
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ái sanh, lớn từ thân,
Như cây Ni-câu-luật;[62]
Khắp nơi bị dính mắc,
Như rừng rậm chằng chịt.[63]
Nếu biết nguyên nhân kia,
Tĩnh ngộ khiến khai giác;
Qua dòng biển sanh tử,
Không còn thọ thân sau.

Sau khi Thiên tử Ca-ma nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1315. CHIÊN-ĐÀN (1)[64]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Chiên-đàn[65], dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử Chiên-đàn kia nói kệ hỏi Phật:

Nghe Cù-đàm Đại trí,
Tri kiến không chướng ngại:
Trụ chỗ nào, học gì,
Không gặp ác đời khác?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nhiếp trì thân, miệng, ý,
Không tạo ba pháp ác;
Sống tại nhà của mình,
Rộng họp nhiều khách khứa.
Tín, bố thí tài, pháp,
Dùng pháp lập tất cả.
Trụ kia, học pháp kia,
Không còn sợ đời khác.

Phật nói kinh này xong, Thiên tử Chiên-đàn nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]