Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 31 (872 - 882)

08/05/201318:44(Xem: 12620)
Tạp A-hàm quyển 31 (872 - 882)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 31 (872 - 882)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 872. TÁN CÁI PHÚ ĐĂNG[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, trời mưa nhỏ, có chớp lóe chiếu sáng. Phật bảo A-nan:

“Ông hãy lấy dù che đèn mang ra ngoài.”

Tôn giả A-nan liền vâng lời lấy dù che đèn, đi theo sau Phật. Đến một nơi, Thế Tôn bỗng mỉm cười. Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

“Thế Tôn không khi nào cười mà không có nguyên nhân. Không rõ hôm nay Thế Tôn vì lý do gì mà mỉm cười?”

Phật bảo A-nan:

“Đúng vậy, đúng vậy! Như Lai cười không phải là không có lý do. Hôm nay khi ông cầm dù che đèn đi theo Ta, thì Ta thấy Phạm thiên cũng lại như vậy, cầm dù che đèn đi theo sau Tỳ-kheo Câu-lân[32]; Thích Đề-hoàn Nhân[33] cũng cầm dù che đèn đi theo sau Ma-ha Ca-diếp; Trật-lật-đế-la-sắc-tra-la[34] Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Xá-lợi-phất; Tỳ-lâu-lặc-ca[35]Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Đại Mục-kiền-liên; Tỳ-lâu-bặc-xoa[36] Thiên vương cũng cầm dù đi theo sau Ma-ha Câu-hy-la; Tỳ-sa-môn[37] Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Ma-ha Kiếp-tân-na.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 873. TỨ CHỦNG ĐIỀU PHỤC[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn chúng được điều phục thiện hảo. Những gì là bốn? Đó là Tỳ-kheo được điều phục, Tỳ-kheo-ni được điều phục, Ưu-bà-tắc được điều phục, Ưu-bà-di được điều phục. Đó gọi là bốn chúng.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Nếu biện tài[39], vô úy[40],
Đa văn, thông đạt pháp;
Hành pháp thứ pháp hướng[41],
Thì đó là thiện chúng.
Tỳ-kheo giữ tịnh giới,
Tỳ-kheo-ni đa văn;
Ưu-bà-tắc tịnh tín,
Ưu-bà-di cũng vậy.
Đó gọi là thiện chúng,
Như mặt trời tự chiếu;
Tăng thiện hảo cũng vậy,
Đó là hảo trong Tăng.
Pháp này khiến Tăng hảo[42],
Như mặt trời tự chiếu.

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

“Như điều phục. Cũng vậy, biện tài, nhu hòa, vô úy, đa văn, thông đạt pháp, nói pháp, pháp thứ pháp hướng, tùy thuận pháp hành cũng nói như vậy.”[43]

KINH 874. TAM CHỦNG TỬ[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba loại con. Những gì là ba? Con tùy sanh[45], con thắng sanh[46], con hạ sanh[47].

“Thế nào là con tùy sanh? Cha mẹ của con không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì con cũng học theo không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là con tùy sanh.

“Thế nào là con thắng sanh? Cha mẹ của con không thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm không nói dối, không uống rượu; nhưng con lại lãnh thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là người con thắng sanh.

“Thế nào là con hạ sanh? Cha mẹ của con chịu lãnh thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; nhưng con lại không lãnh thọ giới không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là con hạ sanh.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Tùy sanh và thượng sanh,
Cha có trí đều mong.
Hạ sanh, người không cần,
Vì không thể kế nghiệp.
Phép làm người của con,
Là làm Ưu-bà-tắc;
Đối Phật, Pháp, Tăng bảo,
Cần tu tâm thanh tịnh.
Mây tan ánh trăng hiện,
Vẻ vang dòng quyến thuộc.

Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

“Như Năm giới. Cũng vậy, kinh Tín, Giới, Thí, Văn, Tuệ cũng nói như vậy.”

KINH 875. TỨ CHÁNH ĐOẠN (1)[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn[49]. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn[50].”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 876. TỨ CHÁNH ĐOẠN (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn[51]. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn[52].”

Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Đoạn đoạn và luật nghi,
Tùy hộ cùng tu tập;
Như bốn Chánh đoạn này,
Chư Phật đều đã dạy.

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 877. TỨ CHÁNH ĐOẠN (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”

“Thế nào là đoạn đoạn[53]? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục[54], phương tiện[55], tinh cần[56], nhiếp tâm gìn giữ[57]. Đó gọi là đoạn đoạn[58].

“Thế nào là luật nghi đoạn[59]? Pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là luật nghi đoạn[60].

“Thế nào là tùy hộ đoạn[61]? Pháp thiện chưa sanh thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tùy hộ đoạn[62].

“Thế nào là tu đoạn[63]? Pháp thiện đã khởi, khiến tu tập thêm ích lợi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tu đoạn[64].”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 878. TỨ CHÁNH ĐOẠN (4)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”

“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.

“Thế nào là luật nghi đoạn? Pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là luật nghi đoạn.

“Thế nào là tùy hộ đoạn? Pháp thiện chưa sanh thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tùy hộ đoạn.

“Thế nào là tu đoạn? Pháp thiện đã khởi, khiến tu tập thêm ích lợi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là tu đoạn.”

Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Đoạn đoạn và luật nghi,
Tùy hộ cùng tu tập;
Như bốn Chánh đoạn này,
Chư Phật đều đã dạy.

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 879. TỨ CHÁNH ĐOẠN (5)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Chánh đoạn. Những gì là bốn? Một là đoạn đoạn, hai là luật nghi đoạn, ba là tùy hộ đoạn, bốn là tu đoạn.”

“Thế nào là đoạn đoạn? Tỳ-kheo, pháp ác bất thiện đã khởi thì đoạn trừ, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp ác bất thiện chưa khởi, thì không cho khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện chưa sanh, thì khiến cho sanh khởi, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ; pháp thiện đã sanh, thì khiến cho tu tập thêm lợi ích, khởi dục, phương tiện, tinh cần, nhiếp tâm gìn giữ. Đó gọi là đoạn đoạn.

“Thế nào là luật nghi đoạn? Tỳ-kheo khéo phòng hộ căn con mắt, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Cũng vậy, đối với các căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý, khéo phòng hộ, giữ kín chặt, chế ngự, tiến hướng. Đó gọi là luật nghi đoạn[65].

“Thế nào là tùy hộ đoạn? Tỳ-kheo đối với mỗi một tướng tam-muội chân thật, như tướng xanh bầm, tướng sình chướng, tướng mưng mủ, tướng hoại, tướng thú ăn chưa sạch mà khéo bảo vệ hộ trì, tu tập, giữ gìn, không khiến cho sút giảm. Đó gọi là tùy hộ đoạn[66].

“Thế nào là tu đoạn? Tỳ-kheo nào tu tập bốn Niệm xứ, thì đó gọi là tu đoạn[67].”

Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Đoạn đoạn, luật nghi đoạn,
Tùy hộ, tu tập đoạn;
Bốn thứ chánh đoạn này,
Những gì Chánh Giác nói.
Tỳ-kheo siêng phương tiện,
Các lậu sẽ sạch hết.

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

“Như bốn Niệm xứ. Cũng vậy, bốn Chánh đoạn, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, Tám đạo chi, Bốn đạo, Bốn pháp cú, Chánh quán tu tập cũng nói như vậy.”[68]

KINH 880. BẤT PHÓNG DẬT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như có người tạo dựng công trình nơi thế gian, tất cả đều y cứ vào đất. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu tập pháp thiền, tất cả cũng đều y cứ vào không buông lung để làm căn bản, lấy không buông lung[69] làm tập khởi, lấy không buông lung làm sanh khởi, lấy không buông lung làm chuyển khởi. Tỳ-kheo nào không buông lung thì có khả năng tu tập bốn thiền.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 881. ĐOẠN TAM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.

“Tỳ-kheo như vậy có khả năng đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

“Như đoạn tham dục, sân nhuế, ngu si. Cũng vậy, điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si và sự rốt ráo đoạn tham dục, rốt ráo đoạn sân nhuế, ngu si, xuất yếu, viễn ly, Niết-bàn cũng nói như vậy.”[70]

KINH 882. BẤT PHÓNG DẬT CĂN BẢN[71]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăm thứ cây, cỏ, thảo dược đều nương vào đất mà được sanh trưởng. Cũng vậy, tất cả các pháp thiện đều y cứ vào không buông lung làm gốc. Như đã nói ở trên… cho đến Niết-bàn.

“Thí như hương hắc trầm thủy là loại hương trên các loại hương. Cũng vậy, trong các loại thiện pháp, không buông lung là trên hết.

“Thí như trong các loại hương lâu bền, xích chiên-đàn là bậc nhất. Cũng vậy, trong các thiện pháp, tất cả đều lấy không buông lung làm căn bản. Như vậy… cho đến Niết-bàn.

“Thí như các loài hoa sống ở dưới nước và trên đất, hoa ưu-bát-la là bậc nhất. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều lấy không buông lung làm căn bản,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như hoa sanh sống từ đất, hoa ma-lợi-sa là bậc nhất. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều lấy không buông lung làm căn bản cho chúng,... cho đến Niết-bàn.

“Này các Tỳ-kheo, thí như trong tất cả các dấu chân của loài thú, dấu chân voi là hơn hết. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là pháp căn bản hơn cả. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các loài thú, sư tử là đệ nhất, vì nó là chúa tể của loài thú. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như tất cả nhà cửa lầu các, cái nóc là trên hết. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.

“Thí như trong tất cả các thứ quả trong cõi Diêm-phù, chỉ có quả tên là diêm-phù là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.

“Thí như trong tất cả các loại cây như cây câu-tỳ-đà-la[72], cây tát-bà-da chỉ-la-câu-tỳ-đà-la là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong các núi, Tu-di sơn là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng.Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các loại vàng, vàng Diêm-phù-đề là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các loại vải, vải lông mịn già-thi[73] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các loại màu, màu trắng là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các loài chim, Kim-sí điểu[74] là đệ nhất, vì nó là chúa tể của loài súc sanh. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các vua, Chuyển luân Thánh vương là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các Thiên vương, Tứ Đại Thiên vương là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các trời Tam thập tam, Đế Thích là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong cõi Diệm-ma thiên, Tú-diệm-ma thiên vương[75] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong cõi Đâu-suất-đà thiên, Đâu-suất-đà thiên vương[76] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong cõi Hóa lạc thiên, Thiện Hóa lạc thiên vương[77] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong cõi Tha hóa tự tại thiên, Thiện Tha hóa tự tại Thiên tử[78] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong cõi Phạm thiên, Đại Phạm thiên vương là bậc nhất. Cũng vậy, trong các thiện pháp, tất cả đều lấy không buông lung làm căn bản. Như vậy… cho đến Niết-bàn.

“Thí như tất cả các dòng sông ở Diêm-phù-đề đều xuôi về biển lớn, biển lớn là bậc nhất, vì nó dung chứa tất cả. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều thuận dòng với không buông lung. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như tất cả nước mưa đều đổ về biển cả. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều xuôi dòng về biển không buông lung. Như đã nói ở trên,... cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các hồ nước[79], hồ A-nậu-đại[80] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là bậc nhất. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các sông ở Diêm-phù-đề, có bốn con sông lớn là bậc nhất đó là: sông Hằng, Tân-đầu, Bác-xoa và Tư-đa[81]. Cũng vậy, trong tất cả các thiện pháp, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong ánh sáng của các tinh tú, mặt trăng là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là bậc nhất. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong các chúng sanh có thân lớn, La-hầu-la A-tu-la[82] là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong các hạng hưởng thụ năm dục, Đảnh Sanh vương[83] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong các thần lực ở cõi Dục, Thiên ma Ba-tuần là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân; có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải tưởng chẳng phải không tưởng, Như Lai là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các pháp hữu vi, vô vi, lìa tham dục là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các pháp chúng, chúng của Như Lai là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.

“Thí như trong tất cả các giới, khổ hạnh, phạm hạnh; Thánh giới[84] là đệ nhất. Cũng vậy, trong tất cả các pháp thiện, không buông lung là căn bản của chúng. Như đã nói ở trên,… cho đến Niết-bàn.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]