Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Phẩm đẳng thú bốn đế

07/05/201317:12(Xem: 12090)
27. Phẩm đẳng thú bốn đế

Kinh Tăng Nhất A-hàm

27. Phẩm đẳng thú bốn đế

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH SỐ 1[75]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Các Tỳ-kheo, pháp mà Ta thường nói, đó là bốn đế; bằng vô số phương tiện mà quán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người. Những gì là bốn? Đây là pháp khổ [643b01] đế. Ta bằng vô số phương tiện mà quán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người. Bằng vô số phương tiện diễn nói Tập, Tận, Đạo đế mà quán sát pháp này, phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người.

«Tỳ-kheo các ngươi, hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, và thừa sự cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất kia dùng vô số phương tiện mà diễn thuyết bốn đế, quảng diễn cho mọi người. Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất phân biệt ý nghĩa, quảng diễn cho mọi người, cho các chúng sanh và chúng bốn bộ, khi ấy có nhiều chúng sanh không thể kể đã sạch hết mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

«Tỳ-kheo các ngươi, hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, và thừa sự cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là cha mẹ sinh ra chúng sanh. Đã được sanh, rồi người dưỡng cho lớn khôn là Tỳ-kheo Mục-kiền-liên. Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu bốn đế; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã vì mọi người nói pháp yếu, thành tựu đệ nhất nghĩa, và thành tựu hành vô lậu. Vì vậy các ngưoi hãy thân cận Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên.»

Thế Tôn, sau khi nói những lời này, trở về tịnh thất. Sau khi Thế Tôn đi chưa lâu, Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

«Ở đây, có ai đắc pháp bốn đế, người đó nhanh chóng được lợi thiện. Những gì là bốn? Đây là khổ đế, mà ý nghĩa được quảng diễn bằng nhiều phương tiện.

«Thế nào là khổ đế? Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, buồn lo thương xót khổ, oán gặp nhau khổ, ân ái chia lìa khổ, cầu mà không đạt được là khổ. Nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là khổ đế.

«Thế nào là khổ tập đế? Đó là ái kết.

«Thế nào là tận đế? Tận đế là ái dục kết diệt tận không còn dư tàn. Đó gọi là tận đế.

«Thế nào là đạo đế? Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là đạo đế. Chúng sanh này vì có được lợi thiện nên mới được nghe pháp bốn đế này.»

Trong lúc Tôn giả Xá-lợi-phất đang nói pháp này, vô lượng chúng sanh không thể kể hết, khi nghe pháp này, sạch hết mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

“Chúng ta cũng vì được lợi thiện, nên Thế Tôn nói pháp cho chúng ta, đặt chúng ta vào chỗ phúc địa. Cho nên chúng bốn bộ hãy tìm cầu phương tiện hành bốn đế này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các [643c01] Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[76]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo vào thành Xá-vệ. Khi ấy, số đông các Tỳ-kheo này suy nghĩ: ‹Chúng ta đi khất thực, trời còn sớm quá. Chúng ta hãy đi đến thôn dị học ngoại đạo để cùng luận nghị.› Rồi các Tỳ-kheo liền đi đến trong thôn ngoại đạo; đến nơi, sau khi cùng nhau hỏi thăm, các vị rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, các dị học hỏi đạo nhân rằng:

«Sa-môn Cù-đàm nói pháp này cho đệ tử: ‹Tỳ-kheo các ngươi, tất cả phải học pháp này, tất cả phải hiểu rõ. Đã hiểu rõ rồi, nên cùng nhau phụng hành.› Chúng tôi cũng vậy, nói pháp này cho đệ tử: ‹Các ngươi tất cả phải học pháp này, tất cả phải hiểu rõ. Đã hiểu rõ rồi, nên cùng nhau phụng hành.› Sa-môn Cù-đàm cùng chúng tôi có những gì sai khác, có gì hơn kém nào? Nghĩa là Sa-môn nói pháp, ta cũng nói pháp. Sa-môn dạy bảo ta cũng dạy bảo!»

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời này, không nói đúng, cũng không nói sai, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Rồi các Tỳ-kheo tự bảo nhau rằng: ‹Chúng ta hãy đem nghĩa này đến bạch Thế Tôn.›

Các Tỳ-kheo sau khi vào thành Xá-vệ khất thực, ăn xong thu cất y bát, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai trái, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, các Tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch hết lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Nếu ngoại đạo kia hỏi vậy, các ngươi nên đem lời này đáp họ: ‹Có một cứu cánh, hay có nhiều cứu cánh?›[77] Hoặc phạm-chí kia mà nói một cách bình đẳng,[78] họ phải nói: ‹Một cứu cánh, chứ không phải nhiều cứu cánh.›

«Cứu cánh ấy[79] là cứu cánh liên hệ dục, hay là cứu cánh không dục?[80] Cứu cánh kia, phải nói[81] là cứu cánh vô dục.

«Lại hỏi, cứu cánh của ấy, là cứu cánh liên hệ sân hay là cứu cánh không sân? Phải nói cứu cánh là cứu cánh không sân; chứ không phải cứu cánh liên hệ sân.

«Thế nào, cứu cánh ấy liên hệ si, hay cứu cánh không si? Phải nói, cứu cánh ấy là cứu cánh không si.

«Thế nào, cứu cánh ấy là gì, là cứu cánh liên hệ ái, hay cứu cánh không ái?[82] Cứu cánh ấy, phải nói là cứu cánh không ái.

«Thế nào, cứu cánh ấy [644a1] là cứu cánh có chấp thủ hay cứu cánh không có chấp thủ?[83] Cứu cánh ấy là cứu cánh không chấp thủ.

«Thế nào, cứu cánh ấy là cho người trí hay là người chẳng phải trí? Đó là cứu cánh của người trí.

«Cứu cánh ấy là cứu cánh của người phẫn nộ, hay cứu cánh của người không phẫn nộ?[84] Cứu cánh ấy, phải nói là cứu cánh của người không phẫn nộ.

«Này Tỳ-kheo, có hai loại kiến này. Hai loại kiến ấy là gì? Kiến chấp hữu và kiến chấp vô.[85] Những sa-môn, bà-la-môn nào do không biết gốc ngọn của hai kiến này nên có tâm dục, có tâm sân nhuế, có tâm ngu si, có tâm ái, có tâm chấp thủ[86]. Họ là những kẻ vô tri. Họ có tâm phẫn nộ,[87] không tương ưng với hành.[88] Người kia không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não, chua, cay, muôn mối khổ không thoát được.

«Những sa-môn, bà-la-môn nào biết điều đó như thật, họ không có tâm sân nhuế, ngu si, hằng tương ưng với hành, nên thoát khỏi được sanh, già, bệnh, chết. Nay nói về nguồn gốc của khổ như vậy.

«Tỳ-kheo, có diệu pháp này, đó gọi là pháp bình đẳng. Những ai không hành pháp bình đẳng thì đọa vào năm kiến.

«Nay sẽ nói về bốn thủ.[89] Bốn thủ ấy? Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Đó gọi là bốn thủ. Nếu có sa-môn, bà-la-môn nào biết hết tên của dục thủ; tuy họ biết tên của dục thủ, nhưng lại không phải người tương ưng.[90] Họ biết phân biệt hết tên của các thủ, nhưng chỉ phân biệt được tên của dục thủ trước, mà không phận biệt được tên của kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những sa-môn, bà-la-môn kia không có khả năng phân biệt được tên của ba thủ này.[91]

«Cho nên, hoặc có sa-môn, phân biệt được hết các thủ, nhưng họ chỉ phân biệt được dục thủ và kiến thủ, chứ không phân biệt được giới thủ và ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những Sa-môn, Bà-la-môn kia không thể phân biệt được hai thọ này.

«Hoặc khiến Sa-môn, Bà-la-môn có thể phân biệt hết các thủ, nhưng lại cũng không đầy đủ. Họ có thể phân biệt được dục thủ, kiến thủ và giới thủ còn không phân biệt được ngã thủ. Sở dĩ như vậy là vì những sa-môn, bà-la-môn kia không thể phân biệt được ngã thủ.

«Cho nên, có những sa-môn, bà-la-môn tuy phân biệt hết các thủ, nhưng lại không đầy đủ. Đây gọi là bốn thủ. Chúng có những nghĩa gì? Làm sao phân biệt? Bốn thọ là do ái sinh. Như [644b01] vậy, Tỳ-kheo có diệu pháp này cần được phân biệt. Nếu ai không hành các thủ này, ở đây không được gọi là bình đẳng. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa của các pháp khó tỏ, khó bày. Nghĩa phi pháp như vậy không phải là những lời dạy của Tam-da-tam-Phật.[92]

«Tỳ-kheo, nên biết, Như Lai hay phân biệt hết tất cả các thủ. Vì hay phân biệt tất cả các thủ nên cùng tương ưng, và hay phân biệt dục thủ, kiến thủ, ngã thủ, giới thủ. Cho nên khi Như Lai phân biệt tất cả các thủ, thì cùng tương ưng với pháp không chống trái nhau.

«Bốn thủ này do gì sinh? Bốn thủ này do ái mà sinh, do ái mà lớn, và thành tựu thủ này. Đối với ai mà các thủ không khởi, vì các thủ không khởi, nên người ấy không có sự sợ hãi. Do không có sự sợ hãi nên Bát-niết-bàn, biết rõ như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.

«Như vậy, Tỳ-kheo, có diệu pháp này, như thật mà biết, thành tựu đầy đủ các pháp, căn cản của pháp hành. Sở dĩ như vậy là vì pháp kia thật là vi diệu, được chư Phật tuyên thuyết, cho nên đối với các hành không có sự thiếu sót.

«Tỳ-kheo, ở trong đây[93] có đệ nhất Sa-môn, đệ nhị Sa-môn, đệ tam Sa-môn, đệ tứ Sa-môn, không có Sa-môn nào nữa vượt khỏi trên đây, thù thắng hơn đây.[94] Hãy rống tiếng rống sư tử như vậy»

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3[95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Dộc[96] đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi trưởng giả:

«Thế nào, Trưởng giả, nhà ông thường hay bố thí phải không?»

Trưởng giả bạch Phật:

«Nhà con nghèo[97] mà thường hành bố thí. Nhưng đồ ăn thô dở, không đồng như thường.»

Thế Tôn bảo:

«Nếu khi bố thí, dù ngon hay dở, dù nhiều hay ít, mà không dụng tâm ý, lại không phát nguyện, và không có tín tâm; do hành báo này mà sinh nơi nào nơi ấy không có được thức ăn ngon, không có được ý ham cầu lạc, cũng không có được ý ham cầu mặc y phục đẹp, cũng không có được ham cầu nghiệp nông tốt đẹp, tâm cũng không có được ham cầu trong ngũ dục. Giả sử, có được tôi tớ, kẻ chạy tin, chúng cũng không chịu vâng lời. Sở dĩ như vậy là vì do trong lúc bố thí không dụng tâm, nên thọ nhận [644c01] báo này.

“Này Trưởng giả, nếu khi bố thí, dù ngon hay dở, dù nhiều hay ít, hãy chí thành dụng tâm, chớ có thêm bớt, xây dựng cầu đò đời sau, mà sinh nơi nào, nơi ấy có đồ ăn thức uống tự nhiên, bảy loại tài sản đầy đủ, tâm hằng có được hoan lạc trong ngũ dục. Giả sử có tôi tớ, kẻ chạy tin, chúng hằng vâng lời. Sở dĩ như vậy là vì trong lúc bố thí mà phát tâm hoan hỉ.

«Trưởng giả nên biết, thời quá khứ xa xưa có phạm chí tên Tỳ-la-ma[98] nhiều của báu, trân châu, hổ phách, xa cừ, mã não, thuỷ tinh, lưu li, lòng ham thích bố thí. Khi bố thí, ông đem tám vạn bốn nghìn bát bạc đựng đầy vàng vụn, lại đem tám vạn bốn nghìn bát vàng đựng đầy bạc vụn, để bố thí như vậy.

«Lại đem tám vạn bốn nghìn cái bình rửa bằng vàng bạc ra bố thí. Lại đem tám vạn bốn nghìn con bò đều dùng vàng bạc bịt sừng, để bố thí như vậy. Lại đem tám vạn bốn nghìn ngọc nữ bố thí với y phục được mặc. Lại đem tám vạn bốn nghìn ngoạ cụ đều được phủ lên bằng thảm đệm có thêu thùa văn vẻ mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn áo xiêm mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn voi lớn,[99] thảy đều được trang sức bằng các thứ vàng bạc, mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn con ngựa, thảy đều được đóng yên cương bằng vàng bạc, mà bố thí. Lại đem tám vạn bốn ngàn cỗ xe mà bố thí. Ông bố thí lớn như vậy.

“Lại bố thí tám vạn bốn ngàn phòng xá. Ông lại bố thí ở trong bốn cỗng thành; những ai cần thức ăn thì cho thức ăn; cần áo thì cho áo; cần chăn, màn, ẩm thực, giường chõng, đồ trải nằm, thuốc trị bịnh các thứ. Thảy đều cung cấp hết.

«Trưởng giả nên biết, tuy Tỳ-la-ma này làm việc bố thí như vậy, nhưng không bằng dựng một phòng xá đem bố thí chiêu-đề Tăng.[100] Phước này không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, cùng lập phòng xá để bố thí chiêu-đề Tăng, cũng không bằng tự thân thọ ba quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Phước này không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, cùng tạo phòng xá, lại thọ tam tự quy, dù có phước này, vẫn không bằng thọ trì năm giới. Giả sử người ấy bố thí, cùng tạo phòng xá, thọ tam tự quy và, thọ trì năm giới, dù có phước này, nhưng vẫn không bằng chỉ trong khoảnh khắc khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh. Phước này, công đức không thể kể hết. Giả sử người ấy bố thí như vậy, tạo phòng xá, thọ tam tự quy, [645a01] vâng giữ năm giới, cùng khoảnh khắc khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh, dù có phước này, vẫn không bằng trong chốc lát mà khởi tưởng thế gian không khả lạc. Phước này, công đức không thể lường được. Song, những công đức người kia đã làm, Ta chứng minh hết. Tạo dựng Tăng phòng, Ta cũng biết phước này. Thọ ba tự quy, Ta cũng biết phước này. Thọ trì năm giới, Ta cũng biết phước này. Trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay mà có từ tâm đối với chúng sanh, Ta cũng biết phước này. Trong chốc lát mà khởi tưởng thế gian không khả lạc, Ta cũng biết phước này.»

«Bấy giờ, bà-la-môn kia đã tạo đại thí như vậy, há phải là ai khác ư? Chớ tưởng như vậy. Sở dĩ như vậy là vì, người chủ thí bấy giờ chính là thân Ta vậy.

«Trưởng giả nên biết, quá khứ lâu xa Ta đã tạo ra công đức, tín tâm không dứt, không khởi tưởng đắm trước. Cho nên, này Trưởng giả, nếu khi muốn bố thí dù nhiều hay ít, dù ngon hay dở, nên hoan hỷ bố thí, chớ có khởi tưởng đắm trước. Hãy tự tay bố thí, chớ sai người khác. Phát nguyện cầu báo, sau cầu thọ phước. Trưởng giả nên biết, được phước vô cùng.

«Này Trưởng giả, hãy học điều này như vậy.»

Trưởng giả sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

«Khi mặt trời vừa lên, mọi người cùng nhau làm ruộng, trăm chim hót vang, trẻ thơ la khóc. Tỳ-kheo nên biết, nay Ta lấy đây làm thí dụ, hãy hiểu nghĩa của nó. Nghĩa này phải hiểu làm sao? Khi mặt trời mới mọc, đây dụ Như Lai ra đời. Người dân khắp nơi cùng làm ruộng, đây dụ cho đàn-việt thí chủ tùy thời cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Trăm chim hót vang, đây dụ cho Pháp sư cao đức, có thể vì chúng bốn bộ mà thuyết pháp vi diệu. Trẻ thơ khóc la, đây dụ cho tệ ma Ba -tuần.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, như mặt trời mới mọc, Như Lai ra đời trừ bỏ bóng tối, không nơi nào là không chiếu sáng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân, rồi [645b01] ngồi qua một bên. Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc bạch Thê tôn:

“Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu bao nhiêu pháp để hành đàn ba-la-mật, đầy đủ sáu ba-la-mật, nhanh chóng thành Đạo[101] Vô thượng Chánh chơn?”

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

“Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát hành bốn pháp bổn, đầy đủ sáu ba-la-mật, sẽ nhanh chóng thành Vô Thượng Chánh Chơn Đẳng Chánh Giác. Sao gọi là bốn? Ở đây Bồ-tát huệ thí từ Phật, Bích-chi-phật xuống cho đến người phàm thảy đều bình đẳng không lựa chọn người, thường nghĩ vầy: ‘Tất cả do ăn mà tồn tại, không ăn thì tiêu vong.’ Đó gọi là Bồ-tát thành tựu pháp thứ nhất này, đầy đủ sáu độ.

“Lại nữa, Bồ-tát khi bố thí đầu, mắt, tủy não, nước, của, vợ con, vui vẻ bố thí không sinh tưởng đắm trước. Như người đáng chết, đến khi chết thì sống lại, vui mừng hớn hở không tự kềm chế được. Bấy giờ, Bồ-tát phát tâm vui thích cũng lại như vậy; bố thí thệ nguyện không sinh tưởng đắm trước.

“Lại nữa, Di-lặc, Bồ-tát lúc bố thí khắp đến tất cả, không tự vì mình, mà vì để thành Đạo Vô thượng Chánh chơn. Đó gọi là thành tựu ba pháp này đầy đủ sáu độ.

“Lại nữa, Di-lặc, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc bố thí tự tư duy, ‘Trong các loài chúng sanh, Bồ-tát là đứng đầu trên hết, đầy đủ sáu độ liễu đạt gốc của các pháp. Vì sao vậy? Vì các căn tịch tĩnh, tư duy cấm giới, không khởi sân nhuế, tu hành tâm từ, dõng mãnh tinh tấn, tăng trưởng pháp thiện, trừ pháp bất thiện, thường hằng nhất tâm, ý không tán lọan, đầy đủ pháp môn biện tài, hoàn toàn không vượt thứ lớp, khiến cho các thí này đầy đủ sáu độ, thành tựu đàn ba-la-mật. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát nào hành bốn pháp này, nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác. Cho nên, này Di-lặc, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc muốn bố thí, nên phát thệ nguyện đầy đủ các hạnh này.

“Này Di-lặc, hãy học điều này như vậy.”

Di-lặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[102]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như Lai ra đời có bốn vô sở úy.[103] Như Lai được bốn vô sở úy này, nên không bị dính trước bất cứ điều gì trên thế gian, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển Phạm luân[104]. Sao gọi là bốn? Nay Ta đã thành tựu pháp này, cho dù ở trong đại chúng hoặc sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên cho đến loài bọ bay, cựa quậy, nói rằng Ta không thành tựu pháp này, không có trường hợp này. Ở trong đó Ta đắc vô sở úy. Đó là vô sở úy thứ nhất.[105]

“Như hôm nay, Ta các lậu đã diệt tận, không còn tái sinh nữa. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói rằng Ta các lậu chưa diệt tận, không có trường hợp này. Đó gọi là vô sở úy thứ hai.[106]

“Nay Ta đã lìa pháp si ám, mà muốn khiến trở lại pháp si ám,[107] hoàn toàn không có việc này. Nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sinh nào, ở trong đại chúng nói Ta đã trở lại pháp si ám, việc này không đúng. Đó gọi là vô sở úy thứ ba của Như Lai.[108]

“Pháp xuất yếu của các bậc Hiền thánh để sạch hết bờ khổ mà muốn nói đó không là xuất yếu, hoàn toàn không có việc này. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói, Như Lai chưa tận cùng biên tế khổ, không có trường hợp này. Đó gọi là vô sở úy thứ tư của Như Lai.[109]

“Như vậy, này Tỳ-kheo, với bốn vô sở úy, Như Lai ở trong đại chúng có thể rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh Phạm luân. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn vô sở úy.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7[110]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có có bốn hạng người thông minh, dũng mãnh, thông suốt xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.[111] Sao gọi là bốn? Tỳ-kheo đa văn thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất. Tỳ-kheo-ni đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là tối đệ nhất*.[112] Ưu-bà-tắc đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất*. Ưu-bà-di đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất*.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn hạng người ở trong đại chúng thật là đệ nhất.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Dũng mạnh, không sợ hãi,[113]
Đa văn, hay thuyết pháp[114],
Trong chúng là sư tử
Hay trừ pháp khiếp nhược.
Tỳ-kheo, thành tựu giới;
Tỳ-kheo-ni đa văn;
[646a01]Ưu-bà-tắc có tín;
Ưu-bà-di cũng vậy;
Trong chúng là đệ nhất*.
Hoặc hay hòa thuận chúng.
Muốn biết được nghĩa này,
Như lúc trời mới mọc.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thông suốt việc xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại chim cánh vàng[115]. Những gì là bốn? Có chim cánh vàng sinh bằng trứng, có chim cánh vàng sinh bằng thai, có chim cánh vàng sinh do ẩm, có chim cánh vàng sinh do biến hóa. Đó là bốn loại chim cánh vàng.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, có bốn loài rồng. Những gì là bốn? Có rồng sinh bằng trứng, có rồng sinh bằng thai, có rồng sinh do ẩm thấp, có rồng sinh do biến hóa. Này Tỳ-kheo! Đó gọi là bốn loài rồng.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh bằng trứng kia muốn ăn rồng, nó phải lên trên cây thiết xoa[116] tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm, dưới có bốn loại cung rồng. Có rồng loại trứng, có rồng loại thai, có rồng loại ẩm thấp, có rồng loại biến hóa. Khi ấy loài chim cánh vàng loại trứng dùng cánh lớn quạt nước rẽ hai bên, bắt loại rồng trứng ăn, nếu gặp phải loài rồng bằng thai, thân chim cánh vàng sẽ bị chết ngay. Bấy giờ, chim cánh vàng quạt nước bắt rồng, nước còn chưa hoàn lại, nó đã trở lên trên cây thiết xoa.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh bằng thai muốn ăn rồng, nó phải lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm. Nó quạt nước, xuống đến gặp loài rồng thai, nếu gặp loài rồng trứng cũng có thể bắt chúng, ngậm đem ra khỏi nước biển. Nếu gặp loài rồng sinh ẩm thấp, thân chim chết ngay.

“Tỳ-kheo nên biết, khi chim cánh vàng sinh do ẩm thấp muốn ăn rồng, nó lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nếu nó gặp loài rồng sinh bằng trứng, rồng sinh bằng thai, rồng sinh do ẩm thấp, đều có thể bắt chúng. Nếu gặp phải rồng hóa sinh, thân chim chết ngay.

“Này Tỳ-kheo, khi chim cánh vàng do hóa sinh muốn ăn rồng, nó lên trên cây thiết xoa, tự lao mình xuống biển. Nhưng nước biển kia ngang dọc hai mươi tám vạn dặm. Nó quạt nước xuống, đến gặp phải rồng trứng, rồng thai, [646b01] rồng ẩm thấp, rồng hóa sinh, đều có thể bắt chúng. Khi nước biển chưa hoàn lại, đã trở lên trên cây thiết xoa.

“Tỳ-kheo nên biết, khi Long vương đang thừa sự Phật, chim cánh vàng không thể ăn thịt được. Vì sao vậy? Như Lai thường hành bốn vô lượng tâm*, vì vậy cho nên chim không thể ăn rồng. Sao gọi là bốn vô lượng tâm? Là Như Lai thường hành tâm từ, thường hành tâm bi, thường hành tâm hỷ, thường hành tâm xả*. Này Tỳ-kheo, đó gọi là Như Lai thường có bốn vô lượng tâm này; có gân sức mạnh, dõng mãnh lớn, không thể ngăn và hoại được. Vì vậy, nên chim cánh vàng không thể ăn rồng. Cho nên các Tỳ-kheo phải hành tâm tứ vô lượng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu lúc thiện tri thức bố thí, có bốn sự công đức. Sao gọi là bốn? Biết thời mà bố thí chứ không phải không biết thời. Tự tay huệ thí không sai người khác. Bố thí thường trong sạch, chẳng phải không trong sạch. Bố thí thật vi diệu, không có vẩn đục. Thiện tri thức khi bố thí có bốn công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân lúc bố thí nên đủ bốn công đức này. Do đủ công đức này, được phước nghiệp lớn, được sự tịch diệt của cam lồ. Nhưng phước đức này không thể đo lường, nên nói sẽ có ngần phước nghiệp như vậy mà hư không không thể dung chứa hết. Giống như nước biển không thể đong để nói là một hộc, nửa hộc, một lẻ[117], nửa lẻ. Nhưng phước nghiệp này không thể trần thuật đầy đủ. Như vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân đã tạo ra những công đức không thể kể, được phước nghiệp lớn, được cam lồ tịch diệt, nên nói sẽ có ngần ấy phước đức như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân nên đủ bốn công đức này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay có bốn hạng người đáng kính, đáng quý, là ruộng phước thế gian. Sao gọi là bốn? Là tùy tín hành[118], [646c01] tùy pháp pháp,[119] thân chứng,[120] kiến đáo[121].

“Sao gọi là người tùy tín hành? Hoặc có một người lãnh thọ sự giáo giới của người khác, có tín tâm chí thiết, ý không nghi nan; có tín tâm nơi Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu là Phật Thế Tôn, cũng có tín nơi lời dạy của Như Lai, cũng có tín nơi lời dạy của đồng phạm hạnh[122]; hằng có tín nơi lời người khác, không tùy theo trí của mình. Đó gọi là người trì tín.

“Sao gọi là người tùy pháp hành? Ở đây, có người phân biệt ở nơi pháp, không tin người khác; quán sát pháp rằng, ‘Có chăng? Không chăng? Thật chăng? Hư chăng?’ Rồi người ấy nghĩ thầm: ‘Đây là lời Như Lai, đây là lời đồng phạm hạnh*.’ Vì biết đây là pháp ngữ của Như Lai, người ấy liền phụng trì. Nếu là những lời của ngoại đạo, người ấy xa lìa. Đó gọi là người tùy pháp pháp.

“Sao gọi là người thân chứng? Ở đây, có người tự thân tác chứng, cũng không tin người khác, cũng không tin lời Như Lai và, những ngôn giáo của các Tôn túc đã dạy lại cũng chẳng tin, chỉ theo tính mình mà chứng nhập.[123] Đó gọi là người thân chứng.

“Sao gọi là người kiến đáo? Ở đây, có người đoạn ba kết, thành pháp bất thối chuyển Tu-đà-hoàn. Người ấy có kiến giải này: ‘Có bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v.’ Người ấy vâng lời dạy, tin vào tự thân tác chứng mà tự chứng nhập.[124]

Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có bốn hạng người này. Hãy niệm trừ ba hạng người đầu. Hãy niệm tu pháp thân chứng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[125]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]