Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ ba Phẩm thứ ba: Tập nhất thiết Phật pháp

03/05/201320:16(Xem: 11287)
Quyển thứ ba Phẩm thứ ba: Tập nhất thiết Phật pháp

Kinh Nhập Lăng Già (10 quyển - Quyển 1-6)

Quyển thứ ba
Phẩm thứ ba: Tập nhất thiết Phật pháp

Cư sĩ Tuệ Khai Việt dịch

Nguồn: Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo
Thích Đỗng Minh

II- Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ tát phải giỏi biết ba pháp tự thể tướng. Này Đại Tuệ! Những gì là ba pháp tự thể tướng? Một là, hư vọng phân biệt danh tự tướng. Hai là, nhân duyên pháp thể tự tướng tướng. Ba là Đệ nhất nghĩa đế pháp thể tướng.

Này Đại Tuệ! Hư vọng phân biệt danh tự tướng là gì? Nghĩa là từ danh tự mà hư vọng phân biệt tất cả pháp tướng. Đó gọi là hư vọng phân biệt danh tự tướng.

Này Đại Tuệ! Nhân duyên pháp thể tự tướng tướng là gì? Này Đại Tuệ! Nhân duyên pháp thể tự tướng tướng là từ việc cảnh giới sinh ra. Này Đại Tuệ! Nhân duyên sự tướng cảnh giới của pháp thể mà các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nói hư vọng phân biệt sai biệt có hai thứ. Những gì là hai thứ? Một là, vọng chấp danh tự hí luận phân biệt. Hai là, vọng chấp danh tự tướng phân biệt sự tướng của cảnh giới tướng.

Này Đại Tuệ! Vọng chấp danh tự tướng, sự tướng của cảnh giới tướng là gì? Tức là nội ngoại pháp đó tự tướng đồng tướng. Này Đại Tuệ! Đó gọi là nhân duyên pháp thể hai thứ tướng tự tướng do nương vào pháp đó để quan sát pháp đó sinh ra. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Nhân duyên pháp thể tự tướng tướng.

Này Đại Tuệ! Đệ nhất nghĩa đế pháp thể tướng là gì? Nghĩa là các đức Như Lai lìa khỏi danh tự tướng, cảnh giới tướng, sự tướng tướng mà Thánh trí tu hành cảnh giới hành xứ. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Đệ nhất nghĩa đế tướng, tâm của chư Phật Như Lai tạng.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lầ nữa nói kệ rằng :

Việc phân biệt danh, tương
Và pháp có hai tướng
Chánh diệu tướng Chân như
Là Đệ nhất nghĩa tướng.

Này Đại Tuệ! Đó gọi là quan sát năm pháp tự tướng pháp môn, tướng các đức Phật Bồ tát tu hành nội chứng cảnh giới. Ông và các Bồ tát nên học như vậy.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ tát cần phải giỏi quan sát hai tướng vô ngã. Những gì là hai thứ? Một là, nhân (người) vô ngã trí. Hai là, pháp vô ngã trí.

Sao gọi là nhân vô ngã trí? Nghĩa là lìa khỏi ngã, ngã sở của ấm, giới, nhập gom tụ cùng vô trí, nghiệp, ái, sinh. Nương vào mắt, sắc.v.v... hư vọng, chấp trước, tự tâm hiện thấy tất cả các căn, đồ dùng, thân, nhà cửa... Tự tâm phân biệt phân biệt, phân biệt phân biệt nhận thức như dòng sông chảy, chủng tử (hạt giống), đèn, ngọn lửa, gió, mây.... từng niệm từng niệm đắp đổi trước sau sai khác, chuyển động vội vàng như khỉ vượn, như ruồi nhặng.v.v... ưa thích nơi cảnh giới bất tịnh, không chán đủ như lửa. Nhân huân tập cảnh giới hí luận từ vô thỉ đến nay giống như cơ quan con lăn bánh xe. Ở trong ba cõi sinh ra đủ thứ sắc, đủ thứ thân như huyễn hóa khởi lên hão huyền.

Này Đại Tuệ! Như vậy quan sát các pháp tướng bằng trí phương tiện khéo léo thì đó gọi là giỏi biết tướng nhân vô ngã trí cảnh giới.

Này Đại Tuệ! Pháp vô ngã trí là gì? Nghĩa là như thật phân biệt tướng ấm, giới, nhập. Này Đại Tuệ! Bồ tát quan sát ấm, giới, nhập.v.v... vô ngã, ngã sở. Ấm, giới, nhập gom tụ nhân sợi dây nghiệp ái đắp đổi trói buộc chung nhau, nhân duyên sinh ra nên không ngã, không tác giả. Này Đại Tuệ! Ấm, giới, nhập.v.v... lìa khỏi tướng đồng, tướng khác, nương vào tướng chẳng thật mà phân biệt được danh. Kẻ phàm phu ngu si vọng tưởng phân biệt lấy làm có, chẳng phải người chứng thật thấy mà lấy làm có. Này Đại Tuệ! Bồ tát như vậy quan sát tâm ý, ý thức, thể tướng năm pháp, tất cả lìa khỏi nên các nhân duyên không. Đó gọi là giỏi biết tướng cảnh giới vô ngã trí của các pháp.

Này Đại Tuệ! Bồ tát giỏi biết các pháp vô ngã rồi, quan sát Chân Như, tu tịch tịnh hạnh thì chẳng bao lâu sẽ được Hoan Hỷ địa đầu tiên. Giỏi có thể quan sát Hoan Hỷ địa rồi thì như vậy các Địa theo thứ lớp chuyển đổi sáng tỏ, cho đến được chứng Pháp Vân địa. Bồ tát trụ ở Pháp Vân địa đó rồi thì vô lượng nhưng báu xen lẫn trang nghiêm, rồi cảnh giới huyễn của nghiệp sinh ra cung điện đại bảo với vương tòa hoa sen lớn như thật mà ngồi lên trên tòa ấy, được tất cả Phật tử đồng hành.v.v... cung kính vây quanh, được các đức Phật mười phương đưa tay quán đảnh trao cho Phật vị như vua Chuyển Luân làm lễ quán đảnh thái tử, qua khỏi địa vị Phật tử. Qua khỏi địa vị Phật tử rồi quan sát các Phật pháp, đúng như thật tu hành, ở trong các pháp mà được tự tại. Được tự tại rồi thì gọi là được pháp thân Vô Thượng Như Lai vì thấy pháp vô ngã vậy. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Như thật pháp vô ngã tướng. Này Đại Tuệ! Ông và các Bồ tát nên học như vậy.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Tướng bài báng có không, nguyện xin đức Thế Tôn vì con nói ra! Thưa đức Thế Tôn! Con và các Bồ tát Mahatát nếu nghe được thì lìa khỏi tà kiến có không, mau chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi thì lìa khỏi sự kiến lập tà kiến đoạn thường và liền có thể kiến lập chánh pháp của chư Phật.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại nhận lời thỉnh của Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát rồi mà nói kệ rằng :

Trong tâm không đoạn trường
Thân, tư sinh, trụ xứ...
Chỉ lòng, không trí thông
Không vật mà thấy có.

Bấy giờ, đức Thế Tôn, đối với ý nghĩa kệ này, lại một lần nữa tuyên nói mà bảo Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát rằng :

- Này Đại Tuệ! Có bốn thứ tướng bài báng kiến lập. Những gì là bốn? Một là, tướng kiến lập chẳng phải có. Hai là, tướng kiến lập chẳng phải Chánh kiến. Ba là, tướng kiến lập chẳng phải có nhân. Bốn là, tướng kiến lập chẳng phải có thể. Này Đại Tuệ! Đó gọi là bốn thứ kiến lập.

Này Đại Tuệ! Tướng bài báng là gì? Này Đại Tuệ! Quan sát sự kiến lập pháp của tà kiến chẳng thấy thật tướng liền bài báng các pháp mà nói rằng, tất cả không. Này Đại Tuệ! Đó gọi là kiến lập báng tướng.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Tướng kiến lập chẳng phải có là gì? Là phân biệt ấm, giới, nhập chẳng phải pháp có. Hý luận từ vô thỉ đến nay chẳng phải có thật mà chấp trước tướng đồng, tướng khác. Pháp này như vậy, như vậy... rốt ráo chẳng khác. Này Đại Tuệ! Nương vào phiền não huân tập từ vô lượng đời đến nay này mà chấp trước khởi lên. Này Đại Tuệ! Đó gọi là tướng kiến lập chẳng phải có.

Này Đại Tuệ! Tướng kiến lập chẳng phải Chánh kiến là gì? Này Đại Tuệ! Trong ấm, giới, nhập kia không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, tác giả, thọ giả mà kiến lập tà kiến gọi là có ngã, nhân.v.v.... Này Đại Tuệ! Đó gọi là tướng kiến lập chẳng phải Chánh kiến.

Này Đại Tuệ! Tướng kiến lập chẳng phải có nhân là gì? Là thức ban đầu chẳng từ nhân sinh ra, vốn chẳng sinh mà thời gian sau sinh ra như huyễn hóa, vốn không nhân vào vật mà có, nhân vào mắt, hình sắc, ánh sáng, ý niệm nên sinh ra thức, sinh ra rồi trở lại diệt đi. Này Đại Tuệ! Đó gọi là tướng kiến lập chẳng phải có nhân.

Này Đại Tuệ! Tướng kiến lập chẳng phải có thể (hình thể) bài báng pháp là gì? Là kiến lập chấp trước hư không diệt, Niết Bàn không tạo tác, không sự vật. Này Đại Tuệ! Ba pháp đó lìa khỏi có, không. Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp như sừng, lông của thỏ, ngựa, lừa, lạc đà.v.v... lìa khỏi tướng kiến lập có không. Này Đại Tuệ! Kiến lập báng tướng là các phàm phu hư vọng phân biệt, chẳng biết chỉ là tâm kiến (sự thấy của tâm). Các pháp là có thì chẳng phải là sự thấy của Thánh nhân. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Kiến lập phi hữu thể báng pháp tướng. Này Đại Tuệ! Ông phải xa lìa Bất chánh kiến kiến lập báng pháp tướng!

Lại nữa, này Đại Tuệ! Những Đại Bồ tát biết như thật tâm ý, ý thức, năm pháp thể tướng, hai thứ vô ngã... Vì yên ổn chúng sinh nên hiện đủ thứ loại, hình dáng. Như sự hư vọng kia không sự phân biệt, nương vào pháp nhân duyên mà có đủ thứ.

Này Đại Tuệ! Đại Bồ tát cũng lại như vậy, nương vào chúng sinh hiện đủ thứ sắc như báu Như ý theo các tâm niệm của tất cả chúng sinh ở trong đại chúng của các cõi Phật mà hiện ra như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như trăng trong nước, như hình dáng trong gương, xa lìa các pháp, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng phải thường chẳng phải đoạn. Bồ tát đó hiện Phật Như Lai, lìa khỏi các thừa Thanh Văn, Duyên Giác, nghe các Phật pháp liền được vô lượng trăm ngàn vạn ức những thân Tam muội. Được tam muội rồi, Bồ tát nương vào sức Tam muội, từ một cõi Phật đến một cõi Phật khác để cúng dường các đức Phật thị hiện sinh ra ở trong các cung điện khen ngợi Tam Bảo, hiện làm thân Phật với đại chúng Bồ tát, Thanh Văn vây quanh khiến cho tất cả các chúng sinh được vào “tự tâm kiến cảnh”, vì chúng sinh nói ngoại cảnh không vật, có vật khiến cho họ được xa lìa pháp kiến lập có không vậy.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Phật tử thấy thế gian
Chỉ tâm, không các pháp
Chủng loại chẳng thân làm
Được lực thành tự tại.

Bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại thỉnh đức Phật rằng :

- Nguyện xin đức Thế Tôn vì chúng con nói về tất cả pháp không, không sinh, không hai lìa khỏi tự thể tướng! Con và tất cả các chúng Bồ tát biết các pháp không, không sinh, không hai lìa khỏi tự thể tướng rồi thì lìa khỏi vọng tưởng có không, mau chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát rằng :

- Hay thay! Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông rộng phân biệt nói!

Bồ tát Đại Tuệ bạch đức Phật rằng :

- Hay thay! Thưa đức Thế Tôn! Thưa vâng chúng con xin thọ giáo!

Đức Phật bảo ngài Đại Tuệ rằng :

- Này Đại Tuệ! Không thì tức là câu vọng tưởng pháp thể. Này Đại Tuệ! Nương vào chấp trước pháp thể vọng tưởng nói Không, không sinh, không thể tướng chẳng hai. Này Đại Tuệ! Không có bảy thứ. Những gì là bảy? Một là, tướng không. Hai là, tất cả các pháp có vật không vật không. Ba là, hành không. Bốn là, chẳng hành không. Năm là, tất cả pháp không nói không. Sáu là, Đệ nhất nghĩa Thánh trí đại không. Bảy là, bỉ bỉ (đó đó) không.

Này Đại Tuệ! Tướng không là gì? Là tất cả pháp tự tướng, đồng tướng không thấy chúng đắp đổi chung tích tụ. Này Đại Tuệ! Quan sát mỗi một pháp mà tự tướng, đồng tướng không một pháp nào có thể được, lìa khỏi tự tướng, tha tướng cả hai tướng không có tướng nào có thể trụ, có thể thấy. Vậy nên gọi là tự tướng không.

Này Đại Tuệ! Tất cả pháp có vật, không vật không là gì? Là tự thể tướng thật có pháp sinh. Này Đại Tuệ! Tự thể tướng của các pháp có không đều không. Vậy nên gọi là tự thể tướng có vật không vật không.

Này Đại Tuệ! Hành không là gì? Là các ấm.v.v... lìa khỏi ngã, ngã sở, nương vào nhân tạo tác nghiệp mà được có sinh. Này Đại Tuệ! Vậy nên gọi là hành không.

Này Đại Tuệ! Bất hành không là gì? Là trong ấm pháp, Niết Bàn chưa từng hành. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Bất hành không.

Này Đại Tuệ! Tất cả pháp không nói không là gì? Là vọng tưởng phân biệt tất cả các pháp không nói có thể nói. Này Đại Tuệ! Đó gọi là tất cả pháp không nói (vô ngôn) không.

Này Đại Tuệ! Đệ nhất nghĩa Thánh trí đại không là gì? Là tự thân nội chứng thánh trí pháp không, lìa khỏi các lỗi tà kiến huân tập. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Đệ nhất nghĩa Thánh trí đại không.

Này Đại Tuệ! Bỉ bỉ không là gì? Là chỗ pháp những đâu? Những đâu? Pháp kia không, pháp này có, pháp kia có, pháp này không. Vậy nên nói không. Này Đại Tuệ! Ta thuở xưa từng làm nai mẹ nói điện, đường trống không, không voi ngựa, trâu, dê.v.v... thì gọi là không, có các Tỳ kheo.v.v... thì gọi là chẳng không mà thể điện đường của điện đường không có, thể Tỳ kheo của Tỳ kheo cũng chẳng thể được mà voi, ngựa, trâu, dê.v.v... kia chẳng phải chỗ khác không có. Này Đại Tuệ! Như vậy tự tướng đồng tướng của các pháp cũng chẳng thể được lìa khỏi chỗ này chỗ kia. Vậy nên ta nói rằng, đó đó không (bỉ bỉ không). Này Đại Tuệ! Đó gọi là bảy thứ không. Này Đại Tuệ! Bỉ Bỉ không này rất là thô thiển. Này Đại Tuệ! Ông phải nên lìa khỏi “bỉ bỉ không”, chẳng cần tu tập.

Ngài Đại Tuệ hỏi rằng :

- Bất sinh là gì?

- Này Đại Tuệ! Tự thể chẳng sinh mà chẳng phải chẳng sinh. Nương vào Thế đế nên nói là sinh, nương vào vốn chẳng sinh nên nói là chẳng sinh.

Ngài Đại Tuệ hỏi rằng :

- Vô thể tướng là gì?

- Này Đại Tuệ! Ta nói Vô thể tướng là tất cả các pháp thể vốn chẳng sinh. Vậy nên ta nói các pháp vô thể mà thể từng sát na nối tiếp nhau chẳng trụ. Này Đại Tuệ! Do thấy từng tướng khác, tướng khác nối nhau. Vậy nên tất cả pháp không thể tướng.

Ngài Đại Tuệ nói rằng :

- Cái gì gọi là Bất nhị (chẳng hai) Pháp tướng?

- Này Đại Tuệ! Tướng hai pháp là gọi bóng ánh sáng mặt trời dài ngắn, đen trắng. Những pháp như vậy đó.v.v... thì mỗi mỗi đều có tên riêng nên chẳng được nói rằng, chẳng hai. Này Đại Tuệ! Như thế gian, Niết Bàn... tất cả các pháp, mỗi mỗi đều có hai. Này Đại Tuệ! Những gì là Niết Bàn? Chỗ đó không có thế gian. Chỗ nào là thế gian? Chỗ đó không Niết Bàn do tướng nhân khác. Vậy nên ta nói tất cả các pháp chẳng hai. Tất cả các pháp chẳng hai là thế gian, Niết Bàn không hai. Vậy nên ông nên tu học các pháp không vô tướng vô thể bất nhị vậy (không tướng không thể chẳng hai).

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Ta thường nói không pháp
Xa lìa khỏi đoạn, thường
Sinh tử như huyễn mộng
Nghiệp kia chẳng mất tan
Hư không và Niết Bàn
Diệt (cả) hai cũng vậy
Phàm phu phân biệt sinh
Thánh nhân lìa có, không.

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát rằng : - Này Đại Tuệ! Tất cả pháp không chẳng sinh không thể chẳng hai tướng. Vào ở trong Kinh đã nói của các đức Phật Như Lai thì phàm các pháp môn đều nói ý nghĩa này. Này Đại Tuệ! Tất cả Kinh tùy theo tâm của tất cả chúng sinh nên phân biệt hiển bày. Này Đại Tuệ! Ví như ngọn lửa ấm mê hoặc loài cầm thú nên chúng hư vọng chấp trước sinh ra thủy tưởng (tưởng là nước) mà thật ra trong ngọn lửa không có nước. Này Đại Tuệ! Tất cả Kinh nói về pháp cũng lại như vậy, vì các phàm phu tự tâm phân biệt nên khiến cho họ được hoan hỷ, chứ chẳng phải ở tại lời nói của bậc Thánh trí như thật. Này Đại Tuệ! Ông nên thuận theo ý nghĩa, chớ chấp trước danh tự, chương cú của lời nói.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Thưa đức Thế Tôn! Như Kinh nói tự tính của Như Lai tạng thanh tịnh, đủ ba mươi hai tướng, ở tại trong thân của tất cả chúng sinh, bị sự bao bọc của chiếc áo ấm giới, nhập cấu bẩn tham sân si chẳng thật như được ràng buộc bằng chiếc áo cấu bẩn báu vô giá. Đức Như Lai Thế Tôn lại nói, thường hằng thanh lương chẳng biến đổi. Đức Như Lai cũng nói, Như Lai tạng thường... cho đến chẳng biến đổi. Thưa đức Thế Tôn! Ngoại đạo cũng nói có sự tạo tác thường, chẳng nương vào các duyên, tự nhiên mà có, cùng khắp chẳng diệt. Nếu như vậy thì Như Lai, ngoại đạo nói không sai biệt.

Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát rằng :

- Này Đại Tuệ! Ta nói Như Lai tạng thường chẳng đồng với sự có thần ngã của ngoại đạo. Này Đại Tuệ! Ta nói văn từ chương cú Như Lai tạng trống không, thật tế Niết bàn chẳng sinh, chẳng diệt, không tướng, không nguyện.v.v... Gọi là Như Lai tạng.

Này Đại Tuệ! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri vì tất cả những phàm phu ngu si nghe nói vô ngã thì sinh ra kinh sợ. Vậy nên ta nói có Như Lai tạng mà Như Lai tạng không có sự phân biệt, tịch tịnh vô tướng gọi là Như Lai tạng.

Này Đại Tuệ! Những Bồ tát hiện tại và vị lai.v.v... chẳng nên chấp trước tướng hữu ngã. Này Đại Tuệ! Ví như người thợ gốm giỏi nương vào cục bùn mịn, vòng bánh xe, sợi dây, tay nhân công, sức phương tiện của cây nên làm ra đủ thứ đồ dùng.

Này Đại Tuệ! Như Lai Thế Tôn cũng lại như vậy, vô ngã của pháp kia lìa khỏi tất cả những tướng phân biệt, phương tiện khéo trí tuệ gọi là Như Lai tạng, hoặc nói Vô ngã, hoặc nói thật tế và Niết Bàn.v.v... đủ thứ danh tự, chương cú thị hiện như người thợ gốm giỏi kia tạo tác đủ thứ đồ dùng. Vậy nên, này Đại Tuệ! Ta nói Như Lai tạng chẳng đồng với ngoại đạo nói có tướng của ngã.

Này Đại Tuệ! Ta nói Như Lai tạng là vì các ngoại đạo chấp trước đối với ngã, nhiếp lấy bọn họ nên nói Như Lai tạng để khiến cho bọn ngoại đạo kia đối với thần ngã vọng tưởng, thấy chỗ chấp trước của tâm mà vào ba cửa giải thoát, mau chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Cháhh Giác.

Này Đại Tuệ! Do ý nghĩa này nên các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nói Như Lai tạng. Vậy nên ta nói có Như Lai tạng chẳng đồng với ngoại đạo chấp trước Thần ngã. Vậy nên, này Đại Tuệ! Vì lìa khỏi tất cả ngoại đạo tà kiến nên các đức Phật Như Lai nói lên lời như vậy. Ông phải tu học Như Lai Vô ngã tướng pháp.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Nhân, ngã và với ấm
Mọi duyên cùng vi trần
Tự tính tự tại tác
Vọng phân biết chỉ tâm.

Bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát quan sát tất cả chúng sinh vị lai, lại thỉnh đức Phật rằng :

- Nguyện xin đức Thế Tôn vì các Bồ tát nói pháp tu hành như thật. Các vị Bồ tát đó nghe nói pháp tu hành như thật liền được thành tựu sự tu hành như thật.

Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát rằng :

- Này Đại Tuệ! Có bốn thứ pháp được gọi là tu hành đại Như thật. Những gì là bốn? - Một là giỏi biết tự tâm hiện thấy. Hai là xa lìa sinh trụ diệt. Ba là giỏi giải sự có, không của ngoại pháp. Bốn là ưa tu “nội thân chứng trí”. Này Đại Tuệ! Bồ tát thành tựu bốn pháp như vậy thì được thành tựu sự tu hành đại Như thật.

Này Đại Tuệ! Cái gì là đại Bồ tát quan sát ba cõi chỉ là một tâm tạo tác? Lià ngã, ngã sở, không động không giác, lìa khỏi thủ, xả (bỏ), từ vô thỉ đến nay hư vọng chấp trước tâm hý luận huân tập của ba cõi, đủ thứ sắc hạnh thường trói buộc, thân và đồ tư sinh, sáu đường trong thế gian hư vọng hiện. Này Đại Tuệ! Đó gọi là các Đại Bồ tát giỏi biết “tự tâm hiện kiến tướng”.

Này Đại Tuệ! Làm sao tất cả Đại Bồ tát thấy xa lìa pháp sinh trụ diệt? Là quán các pháp như huyễn như mộng nên tất cả pháp, tự mình và người khác, hai thứ không có nên chẳng sinh mà do tùy theo tự tâm hiện thấy biết, do không có ngoại pháp, các thức chẳng khởi, quán các nhân duyên không tích tụ, thấy những nhân duyên có, chẳng thấy tất cả các pháp trong, ngoài không thật thể, xa lìa việc sinh ra các pháp chẳng chánh kiến, vào tất cả pháp như huyễn tướng. Đại Bồ tát, bấy giờ, gọi được Sơ địa Vô Sinh Pháp nhẫn. Lìa xa tâm ý, ý thức, năm thể tướng của pháp, được hai vô ngã, như ý, ý thân cho đến được Đệ Bát Bất Động địa như ý, ý thân vậy.

Bồ tát Đại Tuệ bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Vì sao gọi là như ý ý thân?

Đức Phật bảo :

- Này Đại Tuệ! Theo ý mau đi như niệm liền đến, không có chướng ngại gọi là như ý thân. Này Đại Tuệ! Nói như ý là đối với núi vách đá ngăn vô lượng trăm ngàn vạn ức do tuần mà niệm vốn đã thấy đủ thứ cảnh giới thì sự trói buộc lòng mình chẳng thể ngăn ngại, tự tại mà đi.

Này Đại Tuệ! Như ý thân thì cũng lại như vậy, được thần lực tự tại của tam muội Như Huyễn trang nghiêm thân ấy, tiến đến tất cả chủng loại thân Thánh trí không chướng ngại, tùy ý mà đi do nghĩ về cảnh giới bản nguyện lực, vì giáo hóa tất cả các chúng sinh. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Đại Bồ tát xa lìa tướng sinh trụ diệt.

Này Đại Tuệ! Làm sao Đại Bồ tát giỏi giải tướng của ngoại pháp có, không? Đó gọi là Bồ tát thấy tất cả pháp như ngọn lửa, như giấc mơ, như vừng lông. Nhân từ vô thỉ đến nay chấp trước đủ thứ hí luận phân biệt vọng tưởng huân tập nên thấy tất cả pháp không thể tướng. Cầu chứng tu hành cảnh giới Thánh trí vậy. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Bồ tát giỏi giải tướng ngoại pháp có, không liền thành tựu sự tu hành đại như thật. Này Đại Tuệ! Ông nên tu học như vậy!

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại thỉnh đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Thế Tôn nói tướng của tất cả pháp nhân duyên! Con và tất cả các Bồ tát.v.v... giỏi biết tướng của các pháp nhân duyên, lìa khỏi có, không, chẳng chánh kiến.v.v... vọng tưởng phân biệt các pháp theo thứ lớp hay nhất thời sinh qua.

Đức Phật bảo Bồ tát Đại Tuệ rằng :

- Này Đại Tuệ! Tất cả các pháp có hai thứ nhân duyên tập tướng là nội và ngoại. Này Đại Tuệ! Ngoại pháp nhân duyên tập tướng là như gọi viên bùn, trụ, vòng bánh xe, sợi dây, nhân công, duyên phương tiện nên có cái bình sinh ra. Này Đại Tuệ! Như nhân duyên cục bùn.v.v... sinh ra cái bình, như vải gai, chiếu cỏ, giống mầm.v.v... (?), nhân công sinh ra cao sữa (?). Sanh cao sữa (lạc) rồi sinh ra váng sữa. Sinh ra váng sữa rồi thì được đề hồ. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Ngoại pháp nhân duyên tập tướng. Từ dưới lên trên ông nên biết!

Này Đại Tuệ! Nội pháp nhân duyên tập tướng là gì? Này Đại Tuệ! Đó là vô minh, nghiệp, ái.v.v... những pháp như vậy gọi là Nội nhân duyên tập tướng. Này Đại Tuệ! Nhân vào vô minh.v.v... ấm, giới, nhập.v.v.... mà được gọi là nhân duyên tập tướng, nhưng các phàm phu hư vọng phân biệt đều thấy tướng riêng biệt.

Này Đại Tuệ! Nhân có sáu thứ. Những gì là sáu? Một là, đương nhân. Hai là, tương tục nhân. Ba là, tương nhân. Bốn là, tác nhân. Năm là, liễu nhân. Sáu là, tương đãi nhân.

Này Đại Tuệ! Đương nhân là tạo tác nhân rồi có thể sinh ra pháp trong, ngoài.

Này Đại Tuệ! Tương tục nhân là có thể vin vào duyên, pháp trong ngoài, ấm, chủng tử.v.v....

Này Đại Tuệ! Tương nhân là có thể sinh nối tiếp nhau theo thứ lớp tạo tác sự việc mà chẳng đoạn tuyệt.

Này Đại Tuệ! Tác nhân là có thể làm tăng thượng nhân như Chuyển luân vương.

Này Đại Tuệ! Liễu nhân là việc vọng tưởng sinh ra rồi có thể hiển thị như đèn soi sắc.v.v....

Này Đại Tuệ! Tương đãi nhân là đến khi diệt chẳng thấy hư vọng sinh ra pháp, việc nối tiếp nhau đoạn tuyệt vậy.

Này Đại Tuệ! Các pháp như vậy, phàm phu tự tâm hư vọng phân biệt. Này Đại Tuệ! Các pháp này chẳng phải theo thứ lớp sinh ra, chẳng phải nhất thời sinh ra. Vì sao vậy? Này Đại Tuệ! Vì nếu tất cả phát nhất thời sinh thì nhân quả chẳng thể sai biệt do chẳng thấy thân tướng của nhân quả vậy. Nếu các pháp theo thứ lớp sinh thì chưa được thân tướng, chẳng được nói là theo thứ lớp sinh như chưa có con chẳng thể nói là cha.

Này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si tự tâm quan sát, thứ lớp nối tiếp nhau chẳng tương ứng nên nói lời như vầy : “Nhân duyên, thứ đệ duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên.v.v.... có thể sinh ra các pháp”.

Này Đại Tuệ! Như vậy các pháp chẳng sinh. Này Đại Tuệ! Hư vọng phân biệt thủ lấy thể tướng của pháp. Nhất thời, thứ lớp đều cũng chẳng sinh. Lại nữa, này Đại Tuệ! Trong tự tâm thấy thân và đồ tư sinh vậy. Này Đại Tuệ! Tự tướng, đồng tướng, ngoại pháp, vô pháp vậy nên thứ lớp và nhất thời chẳng sinh.

Này Đại Tuệ! Chỉ là thức hư vọng sinh ra sự thấy của tự tâm vậy.

Này Đại Tuệ! Ông hãy nên lìa khỏi việc nhân duyên chẳng chánh kiến và pháp sinh theo thứ lớp và nhất thời.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Nhân duyên không chẳng sinh
Chẳng sinh nên chẳng diệt
Sinh diệt rỗng nhân duyên
Phi sinh cũng phi diệt.
Vì ngăn các nhân duyên
Người ngu chọn hư vọng
Duyên có, không chẳng sinh
Nên các pháp chẳng khởi.
Do ở trong ba cõi
Huân tập mê hoặc tâm
Nhân duyên vốn tự không
Chẳng sinh cũng chẳng diệt.
Thấy những hữu vi pháp
Hóa thạch nữ, hư không
Chuyển nên lấy, hay lấy (khả thủ, năng thủ)
Hoặc, vọng kiến chẳng sinh.
Hiện vốn đều chẳng sinh
Duyên vốn cũng chẳng có
Những thứ pháp như thế...
Tự thể là trống không
Cũng không có chỗ trụ
Nói có vì thế gian!

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Thế Tôn vì con nói pháp môn gọi là phân biệt ngôn ngữ tướng tâm. Con và tất cả các Bồ tát.v.v.... nếu được biết một cách hoàn thiện pháp môn phân biệt ngôn ngữ tướng tâm thì có thể thông đạt lời nói và nghĩa hai thứ pháp, mau chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Được Bồ đề rồi thì lời nói và nghĩa có thể khiến cho tất cả các chúng sinh.v.v... được thanh tịnh giải thoát.

Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát rằng :

- Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói.

Bồ tát Đại Tuệ bach rằng :

- Hay thay! Thưa đức Thế Tôn! Thưa vâng con xin thọ giáo!

Đức Phật bảo Bồ tát Đại Tuệ rằng :

- Này Đại Tuệ! Có bốn thứ ngôn ngữ vọng tưởng. Những gì là bốn? Một là, tướng ngôn thuyết. Hai là, mộng ngôn thuyết. Ba là, vọng chấp ngôn thuyết. Bốn là, vô thỉ ngôn thuyết.

Này Đại Tuệ! Tướng ngôn thuyết là gọi sự chấp trước sắc.v.v.... các tướng mà sinh ra.

Này Đại Tuệ! Mộng ngôn thuyết là nghĩ về cảnh giới hư vọng thọ dụng xưa. Nương vào cảnh giới, tỉnh mộng rồi biết nương vào cảnh giới hư vọng chẳng thật mà sinh ra.

Này Đại Tuệ! Chấp trước ngôn thuyết là nghĩ về việc nghe, việc tạo tác nghiệp xưa mà sinh ra.

Này Đại Tuệ! Vô thỉ ngôn thuyết là từ vô thỉ đến nay huân tập hạt giống chấp trước hí luận phiền não mà sinh ra.

Này Đại Tuệ! Ta nói bốn thứ ngôn thuyết hư vọng chấp trước thì đã nói xong.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại dùng ý nghĩa này khuyến thỉnh đức Như Lai mà bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin ngài vì con một lần nữa nói về bốn thứ tướng của hư vọng chấp trước ngôn thuyết! Ngôn ngữ của chúng sinh từ đâu ra? Làm sao ra? Nhân nào ra?

Đức Phật bảo Bồ tát Đại Tuệ rằng :

- Này Đại Tuệ! Từ đầu, ngực, yết hầu, mũi, môi, lưỡi, răng chuyển nên hòa hợp phát ra âm thanh.

Bồ tát Đại Tuệ bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Ngôn ngữ trong miệng, tướng của pháp hư vọng là khác hay là chẳng khác?

Đức Phật bảo ngài Đại Tuệ rằng :

- Này Đại Tuệ! Ngôn ngữ hư vọng là chẳng phải khác, chẳng phải chẳng khác. Vì sao vậy? Này Đại Tuệ! Nhân vào pháp tướng hư vọng đó sinh ra ngôn ngữ. Này Đại Tuệ! Nếu ngôn ngữ khác thì nên không nhân sinh ra! Này Đại Tuệ! Nếu chẳng khác thì lời nói chẳng thể tỏ rõ cảnh giới trước! Này Đại Tuệ! Nói ngôn ngữ đó rõ cảnh trước. Vậy nên chẳng phải khác, chẳng phải chẳng khác.

Ngài Đại Tuệ lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Vì ngôn ngữ tức là Đệ nhất nghĩa, hay vì lời nói ngôn ngữ là đệ nhất nghĩa?

Đức Phật bảo ngài Đại Tuệ rằng :

- Chẳng phải ngôn ngữ tức là Đệ nhất nghĩa. Vì sao vậy? Này Đại Tuệ! Vì khiến cho Đệ nhất nghĩa thuận theo ngôn ngữ vào cảnh giới Thánh. Có ngôn ngữ nói Đệ nhất nghĩa, chẳng phải ngôn ngữ tức là Đệ nhất nghĩa. Này Đại Tuệ! Đệ nhất nghĩa là Thánh trí nội chứng, chẳng phải pháp ngôn ngữ là cảnh giới Trí, do ngôn ngữ có thể rõ cảnh giới đó. Này Đại Tuệ! Nói Đệ nhất nghĩa tức ngôn ngữ thì chính là pháp sinh diệt, từng niệm từng niệm chẳng trụ. Nhân duyên hòa hợp thì có ngôn ngữ sinh ra. Này Đại Tuệ! Nhân duyên hòa hợp thì đó chẳng thể rõ Đệ nhất nghĩa. Vì sao vậy? Vì do không có tự tướng và tha tướng. Vậy nên, này Đại Tuệ! Ngôn ngữ chẳng thể rõ Đệ nhất nghĩa.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Thuận theo tự tâm thấy các pháp bên ngoài không có pháp để phân biệt. Vậy nên chẳng thể rõ biết Đệ nhất nghĩa. Vậy nên, này Đại Tuệ! Ông hãy nên lìa khỏi đủ thứ tướng ngôn ngữ hư vọng phân biệt!

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Các pháp vốn hư vọng
Không tự thể thật chân
Vậy nên các ngôn ngữ
Chẳng thể nói có không.
Rỗng không cùng chẳng không
Phàm phu chẳng thể biết
Các pháp, thể tướng không
Nói chúng sinh cũng vậy.
Pháp phân biệt có, không
Giống như huyễn hóa, mộng...
Tất cả pháp xét xem
Chẳng trụ ở Niết Bàn
Thế gian cũng chẳng trụ
Như vua và trưởng giả....
Vì khiến các con mừng
Lấy bùn làm cầm thú
Trước cho vật hư ngụy
Việc thật sau mới trao,
Ta nói đủ thứ pháp
Tự pháp dáng trong gương
Làm các Phật tử mừng
Sau thuyết minh thật tế.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Thế Tôn vì các vị Bồ tát và bản thân con, nói về lìa có-không, một-khác, đều chẳng đều, có không, chẳng phải có, chẳng phải không, thường-vô thường, việc chẳng thể hành của tất cả ngoại đạo, việc tu hành của Thánh trí tự chứng giác, lìa khỏi pháp tự tướng đồng tướng. Vào pháp tính thật Đệ nhất nghĩa, các địa theo thứ lớp lên trên thanh tịnh, vào tướng Như Lai địa, nương vào lực bản nguyện như báu Như Ý vô lượng tướng cảnh giới tu hành tự nhiên hành động, đối với tất cả pháp tự tâm hiện thấy tướng sai biệt cho con và tất cả các Bồ tát.v.v... lìa khỏi vọng tưởng phân biệt đồng tướng dị tướng như vậy, mau chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Được Bồ đề rồi cho tất cả chúng sinh yên ổn vui sướng đều khiến cho thỏa mãn đầy đủ.

Đức Phật bảo ngài Đại Tuệ rằng :

- Hay thay! Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông vì thương xót tất cả trời người để họ được nhiều an lạc, nhiều lợi ích nên mới có thể hỏi ta ý nghĩa như vậy! Hay thay! Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói!

Ngài Đại Tuệ bạch đức Phật rằng :

- Hay thay! Thưa đức Thế Tôn! Con xin thọ giáo.

Đức Phật bảo rằng :

- Này Đại Tuệ! Kẻ phàm phu ngu si chẳng thể hiểu biết là chỉ có lòng mình thấy mà chấp trước đủ thứ những pháp tướng bên ngoài, rồi lấy làm thật có. Vậy nên họ hư vọng phân biệt : một-khác, đều-chẳng đều, có-không, chẳng phải có-chẳng phải không, thường-vô thường, nhân tự tâm huân tập, nương tâm hư vọng phân biệt.

Này Đại Tuệ! Ví như bầy thú bị khát bức bách nương vào ngọn lửa nóng làm mê loạn tưởng nước, chạy rong khắp nơi, chẳng biết là chẳng phải nước. Này Đại Tuệ! Như vậy tâm kẻ phàm phu ngu si thấy pháp sinh trụ diệt, chẳng giỏi phân biệt, nhân vào hư vọng chấp trước hí luận huân tập từ vô thỉ đến nay, lửa tham sân si bức não mê tâm, ưa cầu đủ thứ những cảnh giới sắc. Vậy nên phàm phu rơi vào một-khác, đều-chẳng đều, có-không, chẳng phải có-chẳng phải không, thường-vô thường.v.v...

Này Đại Tuệ! Ví như phàm phu thấy thành Càn thát bà mà sinh ra tư tưởng là thành thật. Họ nhân vào chủng tử thành tưởng phân biệt hư vọng huân tập từ vô thỉ đến nay mà thấy.

Này Đại Tuệ! Thành kia chẳng phải thành, chẳng phải chẳng thành.

Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo cũng lại như vậy, nhân vào hí luận huân tập từ vô thỉ đến nay mà chấp trước pháp một-khác, đều-chẳng đều, có-không, chẳng phải có, chẳng phải không.

Này Đại Tuệ! Do chẳng hiểu biết là chỉ tâm mình hư vọng thấy.

Này Đại Tuệ! Ví như có người ở trong giấc ngủ mơ thấy những con trai, con gái, voi ngựa, xe cộ, thành ấp, tụ lạc, trâu cùng trâu nước, vườn rừng, cây cối, đủ thứ núi sông, dòng suối, ao tắm, cung điện, lầu các, đủ thứ trang nghiêm rộng lớn nghiêm sức. Thấy thân tại trong đó, họ bỗng nhiên liền tỉnh thức. Thức dậy rồi, họ nghĩ nhớ ngôi thành rộng lớn.

Này Đại Tuệ! Ý ông thế nào? Người đó gọi là Thánh giả chăng?

Ngài Đại Tuệ bạch đức Phật rằng :

- Chẳng phải vậy, thưa đức Thế Tôn!

Đức Phật bảo rằng :

- Này Đại Tuệ! Tất cả phàm phu ngu si, ngoại đạo, tà kiến, các kiến cũng lại như vậy, chẳng thể hiểu biết các pháp, mơ ngủ tự tâm thấy nên chấp trước cái thấy một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường.

Này Đại Tuệ! Ví như con voi vẽ chẳng cao chẳng thấp.

Này Đại Tuệ! Kẻ phàm phu ngu si vọng thấy các pháp có cao, có thấp. Này Đại Tuệ! Vào đời vị lai nương theo ngoại đạo tâm tà kiến huân tập mà tăng trưởng hư vọng phân biệt một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường.v.v...

Này Đại Tuệ! Mà ngoại đạo kia tự hoại và hoại người khác, nói lời như vầy : “Các pháp chẳng sinh, chẳng diệt, có, không, tịch tịnh”. Người đó gọi là người chẳng chánh kiến.

Này Đại Tuệ! Những ngoại đạo đó bài báng pháp nhân quả. Nhân tà kiến nên bạt đứt tất cả các căn lành và nhân duyên thanh tịnh của bạch pháp.

Này Đại Tuệ! Người muốn cầu thắng pháp thì phải xa lìa người nói pháp như vậy. Tâm người đó chấp trước hai kiến, mình và người khác, chấp pháp hư vọng, rơi vào bài báng, kiến lập lòng tà, vào với đường ác.

Này Đại Tuệ! Ví như mắt bị màng che thấy trong hư không có vừng lông nói với người khác rằng : “Đúng vậy! Đúng vậy! Xanh, vàng, trắng, đỏ sao ông chẳng xem?” Này Đại Tuệ! Mà vừng lông đó vốn tự không hình thể. Vì sao vậy? Vì cái có thấy chẳng thấy vậy. Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo.v.v.... nương theo tâm tà kiến hư vọng phân biệt cũng lại như vậy, hư vọng chấp trước một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường sinh ra các pháp.

Này Đại Tuệ! Ví như trời mưa sinh ra bong bóng nước tợ như ngọc pha lê, người phàm phu ngu si vọng thấy chấp trước sinh ra tư tưởng là ngọc mà đuổi chạy khắp nơi. Này Đại Tuệ! Mà bong bóng nước đó chẳng phải ngọc báu, chẳng phải chẳng ngọc báu. Vì sao vậy? Vì có thủ, chẳng thủ vậy. Này Đại Tuệ! Những ngoại đạo kia nhân vào tâm hư vọng phân biệt huân tập cũng lại như vậy, nói chẳng phải pháp có là nương vào nhân duyên sinh ra, lại có kẻ nói rằng, thật có pháp diệt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Những ngoại đạo đó kiến lập ba thứ lượng, năm phần luận mà nói lên rằng, quả thật có pháp nội chứng của Thánh giả, lìa khỏi hai tự thể, hư vọng phân biệt vậy. Này Đại Tuệ! Lìa tâm ý, ý thức thì khi chuyển thân liền được loại thân chủng thánh. Tu hành các hạnh không có tâm như thì lìa khỏi cảnh giới hư vọng của tự tâm thấy “năng thủ khả thủ” (có khả năng lấy, được lấy), vào Như Lai địa, tự thân tiến đến chứng Thánh trí. Người tu hành như thật thì chẳng sinh tâm có, không. Này Đại Tuệ! Người tu hành như thật thì nhất định cảnh giới như vậy.

Này Đại Tuệ! Nếu thủ lấy pháp có, không thì tức là ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng vậy.

Này Đại Tuệ! Nói pháp có, không tự tướng, đồng tướng thì đó gọi là đức Phật ứng hóa mà nói, chẳng phải pháp Phật nói.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đức Như Lai ứng hóa nói pháp như vậy là thuận theo tâm thấy của phàm phu ngu si để khiến cho họ tu hành, chẳng phải là kiến lập sự tu hành như thật, thị hiện lạc hạnh tự thân nội chứng Thánh trí tam muội.

Này Đại Tuệ! Ví như người thấy bóng cây trong nước. Này Đại Tuệ! Cái đó chẳng phải bóng chẳng phải chẳng bóng. Vì sao vậy? Ví có cây thì có, không cây thì không vậy.

Này Đại Tuệ! Các ngoại đạo kia nương theo tâm tà kiến vọng tưởng huân tập cũng lại như vậy, phân biệt một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường là vọng tưởng phân biệt vậy. Vì sao vậy? Vì do chẳng hay chẳng biết chỉ là tự tâm thấy vậy.

Này Đại Tuệ! Ví như gương sáng theo duyên được thấy tất cả sắc tượng không có lòng phân biệt. Này Đại Tuệ! Đó chẳng phải hình dáng, chẳng phải chẳng hình dáng. Vì sao vậy? Có duyên thì được thấy, không có duyên thì chẳng thấy vậy.

Này Đại Tuệ! Kẻ phàm phu ngu si tự tâm phân biệt thấy hình tượng có, không.

Này Đại Tuệ! Tất cả các ngoại đạo tự tâm vọng tưởng phân biệt hình tượng trong gương cũng lại như vậy, thấy một - khác, đều - chẳng đều vậy.

Này Đại Tuệ! Ví như những tiếng vang nhân vào người, núi, sông, nước, gió, trống không, nhà.v.v.... hòa hợp lại mà nghe. Cái tiếng vang nghe được đó chẳng phải có, chẳng phải không. Vì sao vậy? Vì nhân vào âm thanh mà nghe âm thanh vậy.

Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo tự tâm hư vọng phân biệt huân tập, thấy một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường.

Này Đại Tuệ! Ví như đại địa chỗ không có các cây cỏ nhân vào ánh sáng mặt trời, bụi đất hòa hợp mà thấy sóng nước dao động, nhưng sóng nước đó chẳng phải có, chẳng phải không. Vì sao vậy? Vì khiến cho chúng sinh hoan hỷ, chẳng hoan ỷ vậy.

Này Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo, phàm phu ngu si cũng lại như vậy, nhân từ vô thỉ đến nay tâm phiền não huân tập hí luận, phân biệt sinh trụ diệt, một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường. Trong nội thân thánh nhân chứng trí môn, thị hiện việc khát ái bùng lên.

Này Đại Tuệ! Ví như người nương theo sức chú thuật dựng dậy thây chết. Người gỗ máy không thể chúng sinh nương theo lực tỳ xá xà, nương theo sức tỳ xá xà, nương theo sức người thợ khéo tạo tác việc đi lại mà những phàm phu ngu si chấp trước lấy làm thật có. Do việc đi lại của chúng nên, này Đại Tuệ! Kẻ phàm phu ngu si, các ngoại đạo.v.v... rơi vào lòng tà kiến cũng lại như vậy, chấp trước hư vọng một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường. Vậy nên phàm phu, ngoại đạo, hư vọng kiến lập pháp như vậy. Vậy nên này Đại Tuệ! Ông phải xa lìa sinh - trụ - diệt, một - khác, đều - chẳng đều, có - không, chẳng phải có - chẳng phải không, thường - vô thường mà tự thân nội chứng Thánh trí phân biệt vậy.

Bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Năm ấm và với thức
Như bóng cây trong nước
Thấy như huyễn như mơ
Thủ (lấy) chớ nương ý thức
Các pháp như mao luân (vừng lông)
Như nước lửa mê hoặc.
Với ba cõi xét xem
Tất cả như huyễn mộng.
Nếu như vậy xét xem
Tu hành được giải thoát
Như (mùa) hè thú thèm nước
Dao động mê hoặc lòng
Chỗ kia không có nước
Vọng tưởng thấy nước dâng
Như hạt giống ý thức
Cảnh giới động, thấy sinh (ra).
Ngu si nhận là thật
Pháp đó sinh như ngăn (che).
Ngu si đời vô thỉ
Thủ (lấy) vật như ôm mang
Nhân đây sinh ra đó
Vào pháp lừa người phàm.
Huyễn khởi thay máy móc
Mộng chớp mây vậy luôn
Quán thế gian như vậy
Đoạn hữu, giải thoát liền.
Trong hư không lửa nóng
Không các thức biết thông
Quán các pháp như vậy
Chẳng chấp pháp thế gian
Chỉ có tên các thức
Còn các tướng rỗng không
Thấy pháp như vừng lông
Phân biệt gì trong pháp
Vẽ và các vừng lông
Càn thát bà, huyễn, mộng
Chim tìm nước, hỏa luân (vừng lửa)
Thấy có mà thật không.
Thường-vô thường và một
Hai, đều-chẳng đều cùng
Nương nhân vô thỉ buộc
Phàm phu mê hoặc tâm.
Nước gương báu trong mắt
Hiện đủ thứ dáng hình
Vọng thấy đủ thứ sắc
(Như) Mơ thạch nữ sinh con.
Tất cả pháp như thật
Như (loài) thú thèm nước không (trống rỗng).

Lại nữa, này Đại Tuệ! Các đức Phật Như Lai nói pháp lìa khỏi bốn thứ kiến (thấy). Đó là lìa khỏi một - khác, đều - chẳng đều, xa lìa kiến lập có, không.

Này Đại Tuệ! Tất cả các đức Phật Như Lai nói pháp nương vào thật tế, nhân duyên, tịch diệt, giải thoát.

Này Đại Tuệ! Tất cả các đức Phật Như Lai nói pháp nương theo cảnh giới cứu cánh, chẳng phải nhân, tự tính, tự tại thiên, vô nhân, thời gian vi trần (?)... chẳng nương như vậy mà nói pháp.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Các đức Phật nói pháp lìa khỏi hai thứ chướng, phiền não chướng và trí chướng. Như vị đại thương chủ đem các chúng nhân lần lượt đặt ở chỗ rất tịch tịnh yên ổn rốt ráo chưa từng thấy, theo thứ lớp an trí khiến cho họ giải biết tướng thừa, địa sai biệt vậy.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có bốn thứ thiền. Những gì là bốn? Một là thiền sở hành của phàm phu ngu si. Hai là quan sát nghĩa thiền. Ba là niệm Chân như thiền. Bốn là Phật Như Lai thiền.

Này Đại Tuệ! Thiền sở hành của phàm phu ngu si là gì? Là người tu hành Thanh Văn, Duyên Giác, ngoại đạo, quan sát người vô ngã, tự tướng đồng tướng, xương móc liền lại, vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh... chấp trước các tướng. Như vậy như vậy quyết định rốt ráo chẳng khác, như vậy theo thứ lớp nhân sự quan sát trước, theo thứ lớp lên trên... cho đến Phi tưởng, diệt tận định là giải thoát. Đó gọi là Thiền của Thanh Văn, ngoại đạo, phàm phu ngu si.v.v...

Này Đại Tuệ! Quán nghĩa thiền là gì? Là quan sát nhân vô ngã, tự tướng đồng tướng, thấy tự tướng, đồng tướng, tướng mình, tướng người khác không thật; quan sát pháp vô ngã, nghĩa hành tướng của các địa theo thứ lớp. Này Đại Tuệ! Đó gọi là quan sát nghĩa thiền.

Này Đại Tuệ! Quán Chân như thiền là gì? Là quan sát nhân duyên phân biệt hư vọng, biết như thật hai thứ vô ngã, phân biệt như thật thể tướng của tất cả các pháp không thật. Bấy giờ, chẳng trụ ở trong tâm phân biệt, được cảnh giới tịch tịnh. Này Đại Tuệ! Đó gọi là Quán Chân như thiền.

Này Đại Tuệ! Quan sát Như Lai thiền là gì? Là như thật vào Như Lai địa, vào ba không, ba thứ lạc hành của nội thân Thánh trí tướng, có thể hoàn thành sở tác của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn. Này Đại Tuệ! Đó gọi là quan sát Như Lai thiền.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng:

Những phàm phu... hành thiền
Nghĩa tướng thiền quan sát
Quán niệm Chân Như Thiền
Phật tịnh thiền rốt ráo
Ví như nhật nguyệt hình
Bát đầu ma hải tướng
Tướng lửa tận, hư không.
Hành giả quán như vậy
Đủ thứ tướng như trên
Rơi vào pháp ngoại đạo
Cũng rơi vào Thanh Văn
Và hạnh Bích Chi Phật.
Xả bỏ tất cả xong
Tức là vô sở hữu
Thì đất nước mười phương
Tay chân như chư Phật
Xoa đầu người tu hành
Vào Chân như vô tướng.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Xin ngài nói về Niết Bàn! Niết Bàn thì nói những pháp gì mới gọi là Niết Bàn?

Đức Phật dạy Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát rằng :

- Nói Niết Bàn là chuyển diệt thể tướng của các thức pháp, chuyển các kiến huân tập, chuyển tâm ý Alêgia thức pháp tướng huân tập... gọi là Niết Bàn. Này Đại Tuệ! Ta và các đức Phật nói việc rỗng không của cảnh giới Niết Bàn pháp thể như vậy.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Nói Niết Bàn nghĩa là cảnh giới tu hành của Thánh trí nội thân, lìa khỏi pháp hư vọng phân biệt có, không. Này Đại Tuệ! Phi thường là sao? Là lìa khỏi pháp phân biệt tự tướng đồng tướng. Đó gọi là phi thường.

Này Đại Tuệ! Phi đoạn là gì? Là tất cả thánh nhân quá khứ, vị lai, hiện tại mà nội thân chứng được. Vậy nên là phi đoạn.

Này Đại Tuệ! Bát Niết Bàn là chẳng phải chết, chẳng phải diệt. Này Đại Tuệ! Nếu Bát Niết Bàn là pháp chết (tử pháp) thì nên có sinh trói buộc.

Này Đại Tuệ! Nếu Bát Niết Bàn là pháp diệt thì nên rơi vào pháp hữu vi. Vậy nên, này Đại Tuệ! Bát Niết Bàn là chẳng phải chết, chẳng phải diệt, chỗ nương về của người tu hành như thật.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Nói Niết Bàn là chẳng phải có thể lấy, chẳng phải có thể bỏ, chẳng phải chỗ này, chẳng phải chỗ kia, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, chẳng phải một nghĩa, chẳng phải đủ thứ nghĩa. Vậy nên gọi là Niết Bàn.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Thanh Văn Niết Bàn là quan sát tự tướng đồng tướng mà thấu hiểu các pháp nên gọi là Thanh Văn Niết Bàn. Này Đại Tuệ! Bích Chi Phật Niết Bàn là chẳng ưa rối rắm ồn ào, thấy các cảnh giới vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, chẳng sinh ra tướng điên đảo. Vậy nên Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng phải chỗ cứu cánh sinh ra Niết Bàn tưởng vậy.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Ta vì ông nói về hai thể tướng của pháp. Những gì là hai? Một là chấp trước thể tướng của lời nói. Hai là chấp trước thể tướng của thế sự.

Này Đại Tuệ! Chấp trước thể tướng của lời nói là gì? Là từ vô thỉ đến nay chấp trước lời nói hí luận huân tập mà sinh ra.

Này Đại Tuệ! Chấp trước thể tướng của thế sự là gì? Là chẳng như thật biết chỉ là tự tâm thấy cảnh giới bên ngoài.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Các Đại Bồ tát nương vào hai thứ nguyện lực trụ trì, đảnh lễ các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, hỏi các ngài về sự nghi hoặc.

Này Đại Tuệ! Những gì là hai thứ nguyện lực trụ trì? Một là nương vào lực trụ trì của tam muội Tam ma đề. Hai là toàn thân được vui, gọi là tay Như Lai xoa đầu trao cho lực trụ trì của ngôi vị.

Này Đại Tuệ! Các vị Đại Bồ tát trụ trong Sơ địa thừa lực trụ trì của các Như Lai gọi là vào tam muội Đại Thừa Quang Minh của Bồ tát.

Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ tát vào tam muội Đại Thừa Quang Minh rồi thì bấy giờ các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri ban cho các Bồ tát lực trụ trì nên hiện thân miệng ý.

Này Đại Tuệ! Như Đại Bồ tát Kim Cương Tạng và các Đại Bồ tát khác thành tựu tướng công đức như vậy.

Này Đại Tuệ! Những Đại Bồ tát như vậy trụ ở tam muội Tam ma bạt đề lực trụ trì trong Sơ địa dùng lực thiện căn tu tập ở trăm ngàn vạn ức kiếp, theo thứ lớp như thật biết pháp tướng đối trị địa thành tựu. Đại Bồ tát đến Pháp Vân địa, trụ ở vương cung điện Đại Bảo Liên Hoa, ngồi lên tòa Sư Tử với Đại Bồ tát quyến thuộc đồng loại vây quanh, mũ báu, chuỗi ngọ trang nghiêm thân mình như vàng Diêm Phù Đàn, hoa Chiêm Bặc, ánh sáng mặt trời mặt trăng, hơn màu sắc của hoa sen.

Lúc bấy giờ, tất cả các đức Phật mười phương đều duỗi tay ra, từ xa xoa đầu Đại Bồ tát trên vương tòa Liên hoa như vị thái tử được Tự Tại vương, Đế Thích vương, Chuyển Luân vương làm lễ quán đảnh trao ngôi vị.

Này Đại Tuệ! Vì Bồ tát được trao ngôi vị kia và những Đại Bồ tát quyến thuộc nương theo tay Như Lai xoa đầu nên được niềm vui toàn thân. Vậy nên nói rằng, lực trụ trì của tay xoa đầu Bồ tát.

Này Đại Tuệ! Đó gọi là hai thứ lực trụ trì của những Đại Bồ tát. Này Đại Tuệ! Các Đại Bồ tát nương vào hai thứ lực trụ trì này nên có thể quan sát thân của tất cả các đức Như Lai.

Này Đại Tuệ! Nếu không hai thứ lực trụ trì thì chẳng được thấy các đức Phật Như Lai.

Này Đại Tuệ! Nếu các vị Đại Bồ tát lìa khỏi hai thứ lực trụ trì mà có thể nói pháp thì kẻ phàm phu ngu si cũng nên nói pháp. Vì sao vậy? Vì chẳng được lực trụ trì của các đức Phật.

Này Đại Tuệ! Nương theo lực trụ trì của các đức Như Lai nên núi sông, vách đá, cỏ cây, vườn rừng và đủ thứ kỹ nhạc, thành ấp, tụ lạc, cung điện, nhà cửa... đều có thể phát ra tiếng nói pháp, tự nhiên đều phát ra âm thanh kỹ nhạc.

Này Đại Tuệ! Huống gì là người có lòng, vô lượng chúng sinh điếc, mù, câm, ngọng lìa khỏi những khổ não.

Này Đại Tuệ! Lực trụ trì của các đức Phật Như Lai lợi ích không lường, an lạc chúng sinh!

Bồ tát Đại Tuệ lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn! Vì sao khi các Đại Bồ tát vào tam muội Tam ma bạt đề và vào các Địa thì các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri tạo tác lực trụ trì?

Đức Phật bảo rằng :

- Này Đại Tuệ! Vì hộ ma nghiệp phiền não tán loạn tâm, vì chẳng rơi vào cõi thiền định của Thanh Văn, vì nội thân chứng Như Lai địa, vì tăng trưởng nội thân chứng pháp.

Này Đại Tuệ! Vậy nên các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri vì các Bồ tát tạo tác lực trụ trì.

Này Đại Tuệ! Nếu các đức Như Lai chẳng vì Bồ tát tạo tác lực trụ trì thì rơi vào việc ma của các ngoại đạo, Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri đại từ thu nhiếp lấy các vị Bồ tát.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :

Bồ tát nương tự thân
Bản nguyện lực thanh tịnh
Vào tam muội thọ dần
Từ Sơ đến Thập địa
Chư Phật nhân trung tôn
Thần lực tạo trụ trì.

Kinh Nhập Lăng Già

- Quyển thứ ba hết-

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]