Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài cảm nhận về Kinh Bát Đại Nhân Giác

04/04/201313:42(Xem: 7359)
Vài cảm nhận về Kinh Bát Đại Nhân Giác

Vài cảm nhận về Kinh Bát Đại Nhân Giác

Hải Hạnh

Nguồn: Hải Hạnh

Qua thời gian được sự hướng dẫn của chư Tôn Đức Tăng Ni, chúng tôi mới hết thắc mắc về bản Kinh Bát Đại Nhân Giác. Bởi thông thường những gì lời Phật dạy được hàng Thánh đệ tử ghi chép lại và cho lưu truyền đều phải hội đủ Lục Chủng Thành Tựu[1]. Song, bản kinh này lại không có các yếu tố đó làm cho chúng tôi ít quan tâm. Nhưng may mắn thay khi được quí thầy nhờ phụ giúp đánh máy kinh sách để đưa lên mạng, trong số đó có kinh Bát Đại Nhân Giác. Nhờ vậy mà tôi có thời gian để suy niệm về nghĩa và lý uyên thâm của Kinh. Quả đúng như một nhà vật-lý-gia nổi tiếng Jeremy W. Hayward nhận xét: "Phật Giáo bắt đầu nơi khoa học tận cùng (Buddhism begins where science ends.) Khoa học có thể cung cấp cho chúng ta những tiện nghi thoải mái vật chất và trí thức, nhưng không phải là chân lý, vì bản chất tương đối tự tại của khoa học. Chỉ khi nào con người tiếp xúc được với tuyệt đối và sống trong chân lý. Khi đó con người mới có thể có được chân hạnh phúc, một thứ hạnh phúc vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị nguyên. Đây chính là cứu cánh chung cùng của Phật Giáo." Theo chúng tôi, bản Kinh Bát Đại Nhân Giác cũng nên nhận xét như thế, bởi sự linh hoạt khúc chiết trong từng phẩm, từng câu nên đòi hỏi phải có thời gian và thẩm thấu.

I. Thứ tự của Kinh:

Kinh Bát Ðại Nhân Giác, có mặt ở Trung Quốc khoảng vào thời Hậu Hán[2] Sa Môn An Thế Cao dịch ra tiếng Trung Quốc, H.T. Thích Nhất Hạnh dịch Việt[3].

1/ Kinh có phần tựa, chánh kinh và phần lưu thông:

Với cấu trúc hết sức đặc biệt, so với các kinh điển của Nam và Bắc Truyền. Điều đó nói lên bản Kinh đã được chọn lọc rất kỹ từ kim ngôn Đức Phật, nên được gọi là Kinh cũng không có gì ngạc nhiên. Phải chăng nội dung bên trong của Kinh đã đủ "ấn chứng" và chuyển tải trọn vẹn thông điệp của Đức Phật đến với con người nên khi thiếu Lục chủng thành tựu mà ai cũng chấp nhận là Kinh!

2/ Tựa đề của mỗi phẩm:

Chúng ta đã từng thấy tên của Tôn Ngộ Không cũng thay đổi rất nhiều. Đầu tiên là Hầu Vương, kế đến là Tề Thiên Đại Thánh; Sau khi xuất gia đầu Phật thì đổi thành Hành giả và sau cùng Tôn Ngộ Không. Sở dĩ, chúng tôi liên hệ thế là vì tên của mỗi phẩm kinh cũng thay đổi:
A) Đệ nhất Giác Ngộ.
B) Đệ Nhị Giác Tri.
C) Đệ Tam Giác Tri.
D) Đệ Tứ Giác Tri.
E) Đệ ngũ Giác Ngộ
F) Đệ lục Giác Tri.
G) Đệ thất Giác Ngộ.
H) Đệ Bát Giác Tri.
I) Tổng kết và khuyến tấn tu hành.
Cấu trúc của bản Kinh Bát Đại Nhận Giác hết sức đặc biệt, nó không theo một trật tự bình thường. Vậy ta có thể kết luận: Kinh là hoàn toàn khế lý khế cơ vì tính đột biến trong nhận thức để khiến cho Hành giả đầu tiên phải GIÁC NGỘ và phẩm thứ năm, thứ bảy là có tính tương tục. Điều đó cho thấy khởi đầu là: "Xây dựng một con người có đầy đủ nhận thức sáng suốt về bản chất của cuộc sống nơi con người đang sinh sống, để có một tầm nhìn chính xác và rộng rãi về cuộc đời, về vũ trụ thiên nhiên, về đời sống xã hội, về đời sống cá nhân gồm cả hai mặt thân thể vật lý và hoạt động tâm lý." để giúp cho Hành giả có được một tầm nhìn như thật mà trong Kinh gọi là chánh kiến.
Phần thứ năm và thứ bảy mang tính điều hòa Bi-Trí song hành tạo được sự thăng bằng về tâm. Điều này đối với người xuất gia thì quá tuyệt. Nhưng vì đời sống cư sĩ tại gia có những ràng buộc, những hệ lụy về tình ái nên dễ bị thối tâm và khó phát khởi tâm từ bi đến chỗ không giới hạn. Vì vậy đến trình độ này, người Phật tử bắt đầu thực hành phạm hạnh coi nhẹ tình ái hay chấm dứt tình ái vị kỷ để khai mở cánh cửa đại bi tâm. Từ đây ảnh hưởng của người Phật tử đã có tác dụng rộng, trước hết là đời sống gia đình được thuần hóa, sau đó là môi trường xã hội xung quanh đã có những ảnh hưởng đạo đức của mình.
Các phẩm Hai, Bốn, Sáu và Tám là: "Xây dựng đạo đức bản thân qua lối sống thiểu dục và tri túc. Ði vào thực tiễn của đời sống và dưới sự soi chiếu của nhận thức chánh kiến, người Phật tử khép mình vào kỷ luật đạo đức qua tu tập hạnh thiểu dục và tri túc." Thiểu dục tức là ít ham muốn, nghĩa là còn các dục nhưng hạn chế chúng tới mức tối thiểu. Nhờ đời sống kiềm chế nhu cầu tiêu thụ và hưởng thụ, đạo đức của người cư sĩ trở nên tăng trưởng và vững chãi. Nếu cứ để cho lòng ham muốn phát triển không có giới hạn chắc chắn sẽ phát sinh cướp đoạt, lừa đảo, gian trá và hãm hại...
Cho nên chỉ có trí tuệ do tu tập mới thấu suốt bản chất nỗi khổ của mình nói riêng và của tất cả chúng sanh nói chung. Vì vậy đại bi tâm mở rộng, tâm hồn của người Phật tử thể nhập vào thế giới chúng sanh, cảm thông và chia sẻ niềm đau của quần chúng. Người Phật tử không sợ đau khổ, dũng cảm dấn thân vào đời, thấy mình ở trong chúng sanh, chúng sanh ở trong mình, chúng sanh và mình là một. Khái niệm đó giúp cho ta nhận ra niềm đau của con người cũng chính là niềm đau của mình, nên không thể thờ ơ trước nỗi đau khổ của nhân loại. Họ dấn thân vào đời với trí tuệ vô ngã siêu việt, với trái tim thương yêu không giới hạn dưới mọi hình thức, dùng mọi phương tiện để đạt được mục đích đưa con người đến chỗ giải thoát an vui.
Vì vậy, một cái nhìn vắn tắt về bản kinh có thể theo một tiến trình như sau:
1. Quán sát Tứ niệm xứ.
2. Lập hạnh tu Thiểu dục.
3. Thực hành pháp Tri túc.
4. Thường niệm Tinh tấn.
5. Nuôi dưỡng Trí tuệ.
6. Bố thí.
7. Tuỳ thuận cuộc đời, nhưng tránh mọi duyên.
8. Thực hiện hạnh lợi tha tuyệt đối.
Với trình tự trên có thể nói như một bản đồ cho ai có lòng mong cầu an vui hạnh phúc cho cuộc sống. Những hành giả cần lộ trình giải thoát thì sẽ dễ dàng vượt qua mọi chướng ngại và thử thách để dần dần từng bước đạt được nội tâm thanh tịnh là tính ắt có và đủ của nó! Vì "Tám điều thành tựu công đức của chư Phật, Bồ tát, Hành giả và hàng Đại nhân đã tinh tấn và hành đạo từ hai pháp Từ-bi và Trí-tuệ để thẳng tiến đến Niết-Bàn rồi phát nguyện trở lại cảnh sinh tử của thế gian"[4].
Tóm lại, Bản kinh Bát Đại Nhân Giác như là một pho Kinh lời vàng. Mặc dù mới xuất hiện sau này nhưng xét về tính khúc chiết và sự đóng góp của Kinh cho nền văn học và đường lối nhận thức cho hàng Phật tử tại gia một phương châm sống và hướng thiện. Còn hàng xuất gia thì bản Kinh đó là tối hậu, tối thượng thừa chẳng khác gì là viên minh châu trong búi tóc[5] mà đức Phật đã truyền trao cho hàng đệ tử. Tác dụng của Kinh chỉ rõ thế nào là "khổ và thoát khổ" là mối tư duy chân chính xuyên suốt mọi pháp môn tu tập. Làm cho mình hết khổ, giúp cho người bớt khổ là một công trình đòi hỏi trí tuệ, sức lực và thời gian. Còn hòa vào đời chịu cảnh tối tăm lem luốc để dẫn dắt chúng sanh lên bờ giải thoát là một hạnh nguyện vĩ đại của những Đại Sĩ, cũng gọi là hạnh nguyện hay sự giác ngộ của Bậc Đại Nhân mà Kinh này đề cập đến. Vì vậy là đệ tử Phật, phải ngày lẫn đêm, chí tâm tụng niệm "Tám Điều Giác Ngộ" của Bậc Đại Nhân để tự chính mình và nhân sinh sẽ trở thành con người toàn diện hay con người lý tưởng cho một xã hội lý tưởng mà cả thế giới đều mong ước, một xã hội bình đẳng, an lạc, văn minh và giải thoát.






CHÚ THÍCH

[1]. Tín, Văn, Thời, Chủ, Xứ, Chúng.
[2]. Ngũ Đại-Thập Quốc-947.
[3]. Nghi Thức Tụng Niệm, NXB Lá Bối, California, 1989.
[4] Bát Đại Nhân Giác lược giảng, Thích Nguyên Ngôn, NXB-TG 2003
[5] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Như Lai Thọ Lượng 16, H.T Trí Tịnh dịch.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]