Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tản mạn về thiền

17/08/202406:57(Xem: 679)
Tản mạn về thiền
ngoi thien

Tản mạn về thiền
Cua Tuyết
(Bút danh của Tuệ Nguyễn)




1- Thiền và cô hàng xóm.


Một đệ tử hỏi một thiền sư:

- Bạch thày, tại sao càng muốn tìm chân tâm thì chân tâm lại càng cách xa, tìm không thể được?

- Để thày chỉ cho con một ví dụ: Giả sử bên cạnh nhà con có một cô hàng xóm xinh đẹp, bây giờ con muốn biết da mặt cô ta màu gì thì con phải nhìn thẳng vào mặt cô ta, nhưng khổ nỗi khi con nhìn như vậy thì mặt cô ta đỏ lên, con càng nhìn kỹ bao nhiêu thì mặt cô ta lại càng đỏ lên bấy nhiêu, thế là con chẳng có thể biết được da mặt cô ta có màu gì.

Bạn có thể biết ngay câu chuyện này là do người viết bịa đặt, nhưng xin thưa với bạn, cả câu chuyện là bịa đặt, nhưng riêng câu trả lời lại là có thật, và câu trả lời không phải để trả lời cho một câu hỏi về thiền mà để giải thích cho một hiện tượng về... Vật lý lượng tử.

Trong môn Cơ học lượng tử khảo sát thế giới vi mô, muốn xác định trạng thái của một đối tượng vi mô [như các hạt cơ bản] thì ta phải dùng một phương tiện tác động vào hạt, nhưng khi tác động như vậy ta lại làm thay đổi trạng thái của hạt và như vậy ta được một kết quả không chính xác (bất định). Điều này là không đáng kể và có thể bỏ qua nếu đối tượng khảo sát là vật vĩ mô [những vật ta thấy hằng ngày], nhưng trong thế giới vi mô sự thay đổi này rất đáng kể và xác định bởi Hệ thức bất định [do Heisenberg tìm ra], đại khái là nếu ta muốn biết vị trí của một vi hạt càng chính xác bao nhiêu thì vận tốc của nó lại càng bất định bấy nhiêu, hoặc ngược lại nếu muốn biết vận tốc của nó càng chính xác bao nhiêu thì vị trí của nó lại càng bất định bấy nhiêu, và câu trả lời trên của thiền sư [càng nhìn kỹ bao nhiêu thì mặt cô ta càng đỏ bấy nhiêu] chính thực là của một giáo sư vật lý dùng làm ví dụ để giải thích cái nguyên lý rất là khó hiểu này.


Tôi không nhớ rõ vị giáo sư này là ai vì câu chuyện này tôi được nghe kể khá lâu, nếu bạn nào biết xin chỉ giùm, nhưng với cái đầu Alzheimer của tôi, nếu tôi nhớ không lầm thì đây là Feynman, một nhà vật lý cỡ “lớn” của thế kỷ XX, Nobel vật lý 1965, là một trong những người đặt nền móng cho môn Điện động lực học lượng tử (Électrodynamique Quantique) . Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng, học trò của Feynman, kể lại: “Ông ấy luôn tạo ra bầu không khí thoải mái bằng cách kể một câu chuyện hoặc một giai thoại vui và điều đó làm cho chúng tôi ngay lập tức cảm thấy thư giãn.” (1)


trinh xuan thuan

                 

 

Câu chuyện này cho ta thấy thiền, vật lý và... cô hàng xóm tưởng như không liên quan gì với nhau mà lại liên quan rất chặt chẽ nữa. Thật đúng là:

“Tất cả mọi pháp đều là Phật pháp.”


Có thể Feynman là một thiền sư vì chỉ có một vị thiền sư thứ thiệt mới có một ví dụ có thể dùng để trả lời cho một câu hỏi về thiền hay như vậy, hoặc có khi ông là một bồ tát giả dạng... phó thường dân, mặc dù chức phó thường dân này không phải ai cũng làm được. Chúng ta học Phật thì được quý thày cho biết có khi bồ tát thị hiện sống chung đụng với ta để giáo hóa mà ta không biết. Chúng ta đừng nghĩ bồ tát là phải mặc hàng hiệu, bôi nước hoa Chanel n0 5 sực nức, cưỡi mây lướt gió, chính các nhà bác học vùi đầu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu quên ăn quên ngủ  để cống hiến, phục vụ cho nhân loại là hình ảnh của các vị bồ tát hiện nay vậy.

Mà không phải chỉ có vậy đâu, có khi chính cái em “sư tử Hà Đông” đêm đêm vẫn ngủ chung với bạn là một bồ tát nghịch hạnh không chừng, bởi vì sau một thời gian dài bạn chịu đựng những cái cấu véo, kêu ca suốt ngày, phát ngôn liên tục như cái đài radio Québec của cô ta, một ngày nào đó bạn “giác ngộ” được cuộc đời này quả là một cái “bể khổ” to tổ chảng và nó thúc giục bạn bước chân theo dấu chân Đức Phật. Còn nếu bạn chưa giác ngộ? Không sao! chắc bạn thuộc loại “chúng sanh lấy nỗi khổ làm nguồn vui”, bạn có thể kiếm thêm vài ba cô nàng sư tử nhỏ nhắn xinh đẹp khác về cho vui cửa vui nhà, và sau khi chứng kiến cái cảnh các cô này cắn xé lẫn nhau, bạn giác ngộ sau cũng chưa muộn.

Nói chơi vậy thôi, xin bạn đừng có méc bà xã tôi là tôi viết cái bài này, tôi chưa muốn lên… Niết bàn sớm.

Và xin bạn cũng đừng lan man nghĩ xấu cho công chúa... Da Du Đà La, cho rằng cô ta là nguyên nhân xuất gia của thái tử Tất Đạt Đa. Nếu bạn nghĩ như vậy thì oan cho cô quá vì ở Ấn Độ hay Nepal tôi không thấy có tỉnh nào tên là Hà Đông cả, chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc mới có, và ngày xưa lúc công chúa Da Du Đà La thành hôn với thái tử Tất Đạt Đa thì ta cũng không nghe thấy có một cái đài radio nào ở cái tỉnh… Ca-tỳ-la-vệ cả.

Trở lại vấn đề chân tâm, “càng muốn tìm lại càng không gặp”, vậy mà Chúa lại nói: “Cầu thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp, gõ thì cửa sẽ mở.”

Hai câu này trái ngược nhau, vậy có câu đúng, có câu sai? Nhưng Phật và Chúa thì làm sao mà sai được! Như vậy cả hai câu đều đúng? Nhưng vấn đề là ở chỗ nào? Câu hỏi này xin dành cho quý bạn, các vị bồ tát tương lai của tôi.

Bạn thử suy nghĩ đi, nếu bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời thì xin méc bạn một câu chuyện cười dân gian sau có tựa đề “Chàng ngốc đi buôn”.

Một chàng ngốc có may mắn cưới được một cô vợ xinh xắn đảm đang. Vợ chàng sợ thiên hạ chê cười có chồng ngốc nên khuyên chồng nên tập sự buôn bán để cho khôn ra. Chàng nghe lời vợ, cầm tiền đi mua 10 con bò về để bán lấy lời. Trên đường về nhà chàng ta cưỡi một con bò và dắt 9 con theo sau. Sợ mất bò chàng thỉnh thoảng quay đầu lại đếm, lần nào cũng vậy chàng đếm chỉ thấy 9 con. Về đến nhà chàng mếu máo nói với vợ:

- Nhà nó ơi, tao mua 10 con bò, lúc về một con đi lạc nên thiếu mất một con.  

Vợ chàng âu yếm, cười:

- Mình ơi, không phải thiếu một con mà là dư một con.

Vậy bạn đã biết trả lời câu hỏi trên chưa? Nếu bạn vẫn chưa biết thì xin khuyên bạn về nhà hỏi… bà xã bạn.

 

2- Có phải không?

Mới đây đọc báo thấy một tin tức... cười như sau:

Có một người mời một bà bạn tới nhà chơi, và hậu quả là đã trở thành nạn nhân của bà khách này vì không ngờ bà chính là một cái đài Radio thứ thiệt, bà nói liên tục suốt 30 tiếng không ngủ, và không có cách chi làm cho bà ngừng nói hoặc mời bà về nhà được. Rốt cuộc chủ nhà phải mời cảnh sát đến để kéo bà ta đi.

Câu chuyện này làm tôi nhớ trước đây ở Saigon tôi có quen một anh bạn, chắc có lẽ cũng thuộc loại đệ tử của bà này. Kiến thức về Phật học của anh rất rộng, gặp nhau chưa chào hỏi gì thì anh đã thuyết pháp như mưa, nhiều lúc cái bụng tôi anh ách muốn đi đổ xăng mà không kiếm ra được 3 giây anh ngừng nói để xin phép anh đi xả.

Có lần anh kể cho tôi nghe một câu chuyện của chính anh, đó là một hôm anh vào đảnh lễ Hòa thượng TTT (hồi đó HT hãy còn ở thiền viện Thường Chiếu, Long Thành, chưa lên Đà Lạt) và trình bày một lúc 3 cái kiến giải, (thật là may cho Ngài, nếu anh trình bày một lúc 10 cái kiến giải thì HT từ bi chẳng lẽ lại kêu công an tới mời anh đi), anh nói với tôi (đây là tôi thuật lại nguyên văn lời anh nói, còn anh nhắc lại lời HT nói có đúng không thì tôi không bảo đảm):

- Sau khi trình bày xong 3 cái kiến giải tôi hỏi HT là như vậy “có phải không”, HT ôn tồn trả lời “còn hỏi phải không tức là không phải”. Tôi ngượng quá, đảnh lễ HT rồi chuồn lẹ.

Bây giờ bạn thử tưởng tượng một câu chuyện như thế này:

Một hôm bạn đang lái xe trên quốc lộ 1 nối liền Nam Bắc, ngang qua Long Thành bạn ghé hỏi thăm một anh cảnh sát giao thông:

- Thưa… đồng chí, đi thẳng hướng này thì tới ải Nam Quan có phải không?

Đồng chí này ở Long Thành chắc có lẽ cũng là đệ tử của... HT vì thấy anh trả lời tỉnh queo (còn không thèm nhìn mặt người hỏi):

- Còn hỏi phải không tức là không phải.

Bạn bèn quay xe đi về hướng ngược lại, sau một ngày đường vất vả bạn thấy bên đường có một tấm bảng to chình ình “Welcome to MUI CA MAU”.

Bạn hiểu câu chuyện này ra sao? Chẳng lẽ lời của HT Thiền sư không đáng tin cậy? Riêng tôi thì tôi cho là anh cảnh sát này đã học lóm lời của Thiền sư rồi phát ngôn bừa bãi, giống như người lớn cầm dao thì không sao mà con nít chơi dao có ngày bị đứt tay, anh không hiểu Thiền sư đã khai thị cho anh bạn tôi điều gì, bạn tôi cũng vì không hiểu nên mới chuồn lẹ. Tôi lại càng mù tịt, vậy bạn có hiểu không?

Nhân chuyện nay lại nhớ chuyện xưa:

(Ngưỡng Sơn Huệ Tịch) hỏi Song Phong: “Gần đây chỗ thấy của Sư đệ như thế nào?” Song Phong đáp: “Cứ chỗ thấy của tôi, thật không một pháp có thể xứng tình.” Sư bảo: “Ngươi hiểu vẫn còn tại cảnh.” Song Phong hỏi: “Tôi chỉ hiểu như thế, Sư huynh thế nào?” Sư đáp: “Ngươi đâu chẳng biết, không một pháp có thể xứng tình.” Quy Sơn nghe khen: “Một câu của Huệ Tịch nghi chết người trong thiên hạ.” (2)

Câu của Huệ Tịch đáp y chang kiến giải của Song Phong tại sao lại được Quy Sơn khen?

Chỉ tiếc là anh bạn tôi đã nhát gan, nếu anh bắt chước Song Phong can đảm ở lại hỏi thêm một câu nữa “Con chỉ hiểu như thế, còn Thày thế nào?” thì biết đâu anh (và cả chúng ta nữa) lại có thêm một câu của Thiền sư đáp y chang kiến giải của anh bạn tôi mà lại làm nghi chết người trong thiên hạ.


bo tat quan am
H1_ Đức Sơn (tranh khuyết danh)
H2_ Bồ tát Quán Thế Âm (ngồi) [tranh của Hakuin (1685-1767)]
H3- Bồ tát Quán Thế Âm (đứng) [tranh của Lý Tùng Niên]

 





3- Hạnh Quán Âm.

Ở Montréal tôi có một anh bạn, một hôm ngồi buồn không có chuyện gì làm tôi mới phôn cho anh để tán gẫu. Chuông kêu 2 tiếng thì có tiếng anh bạn tôi đáp lại và hỏi chuyện gì? Tôi nói phôn cho anh để tán gẫu và hỏi anh có bận gì không, đang làm gì đó? Anh nói anh đang... ngồi thiền. Tôi vội vàng cúp máy, xin lỗi và hẹn anh bữa khác.

Ở Montréal những người dùng điện thoại thường bị quấy nhiễu bởi những cú phôn như xin phỏng vấn để làm thống kê, hoặc quảng cáo giá rẻ... Những cú phôn này nếu nói theo kiểu phim bộ Hồng Kông thì không được “hoan nghinh” cho lắm. Điện thoại thường có chức năng hiện số. Nếu phôn tới họ coi số hiện ra, nếu là số quen thì họ mới bắt phôn. Ngoài ra còn có việc nhắn tin, nếu bạn gọi tới mà không gặp, bạn có thể nhắn tin trong máy, sau đó chủ nhà sẽ gọi lại bạn.

Tôi biết có nhiều gia đình Việt Nam đã dùng quá lố cái vụ nhắn tin này, nghĩa là khi gọi tới họ không bao giờ bắt phôn, sau đó... thong thả, từ từ, kiểm tra đàng hoàng xem người gọi có đáng để trả lời không rồi mới gọi lại. Bạn có thể biết rất dễ, nghĩa là nếu nhiều lần bạn gọi, tuy là vào ngoài giờ hành chánh, máy đều báo là không có nhà và bảo nhắn tin, và lần nào cũng vậy khoảng 15, 20 phút sau là thấy họ gọi lại thì bạn biết ngay họ thuộc vào loại gia đình… quý tộc rồi. Đối với những trường hợp này tôi có cảm tưởng như là mình đang phôn xin yết kiến ông... Tập Cận Bình vậy, và sau đó tôi chẳng bao giờ chủ động gọi gia đình đó nữa.

Trở lại trường hợp anh bạn tôi, tôi thấy cũng hơi lạ, trong lúc ngồi thiền mà anh cũng bắt phôn và có lẽ cũng không coi số để biết ai gọi nữa. Tôi tò mò hỏi “ngồi thiền mà cũng bắt phôn sao” thì anh cười cười. Gạn mãi anh mới nói:

- Đâu có, khi nào tôi ngồi thiền mà ở nhà có người thì tôi không bắt phôn vì đã có người nhà bắt, còn khi ở nhà không có người thì tôi để cái phôn bên cạnh, ai gọi thì tôi bắt.

Tôi nói:

- Việc chi mà cực dzậy? Để ngồi xong gọi lại cũng đâu có sao!

Anh lại cười cười và kể:

- Hồi trước tôi có nghe một cuộn băng thuyết pháp của Sư cô NT, cô này thuyết pháp rất vui, hay dùng những ví dụ vui làm cho người nghe đỡ buồn ngủ (vị Ni này từng là đệ tử của HT. TTT, cô mới mất và có để lại xá-lợi, và chắc có lẽ cũng có bà con với ông... Feynman). Cô giảng như thế này: “Quý vị có biết tại sao trong các bức tranh người ta hay vẽ bồ tát Quán Thế Âm đứng không?” Thính chúng còn đang ngơ ngác thì cô tự trả lời: “Đó là vì Ngài nghe chúng sanh cầu cứu ở đâu thì Ngài chạy đến cho nó lẹ.” Thính chúng cười rần rần và thế là hết… buồn ngủ.


Anh nói tiếp:

- Bây giờ anh thử tượng tượng cái cảnh bồ tát Quán Thế Âm đang ngồi thiền mà nghe ở đâu đó có tiếng kêu cầu cứu của chúng sanh, ngài lầm bầm trong bụng “từ từ, các con cứ đợi đó, đợi ta ngồi thiền xong cái đã” thì anh nghĩ sao? Khi người ta phôn tới nhà anh là người ta có chuyện cần muốn nói với anh, anh phải có chút lịch sự bắt phôn để trả lời người ta chứ?


Tôi chọc anh:

- Vậy là anh muốn học theo hạnh của bồ tát Quán Thế Âm?

Anh cười cười, và tôi cũng... cười cười.

Tuy nhiên tôi còn một chút thắc mắc xin hỏi nhỏ các bạn là bồ tát Quán Thế Âm thường đứng hay ngồi? Câu này tôi đã hỏi một thiền sư, hỏi chưa dứt lời đã thấy ngài chụp lấy cây gậy, tôi vội vàng co chân bỏ chạy, quên cả đảnh lễ. Hú vía, sém chút nữa bị ăn... 3 gậy. Không biết tại sao, bạn nào biết xin chỉ giùm. Thiền sư gì mà dữ quá, có lẽ vị này là truyền thừa của Đức Sơn, một vị thiền sư đời Tống nổi tiếng hay dùng gậy để giáo hoá đệ tử. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy tiếc, nếu tôi không bỏ chạy mà chịu ở lại ăn 3 gậy thì biết đâu chừng tôi đã “ngộ” rồi. Các bạn nghĩ nếu tôi làm như vậy coi có được không?

Vừa hỏi xong lại giật mình, chắc thế nào cũng có bạn trả lời: “Còn hỏi được không tức là không được.”

Ôi! lạc vào rừng thiền thật là rối tinh rối mù, không biết lối nào mà ra!

Tới đây, xin tạm biệt các bạn, khi nào có chuyện gì mới tôi sẽ kể tiếp.


Chú thích:

(1) Jacques Vauthier, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều dịch.

(2) Thanh Từ soạn dịch, Thiền Sư Trung Hoa, tập II, Thành hội Phật giáo tp HCM, 1990, trang 116.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]