Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi

30/04/201318:27(Xem: 3804)
Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi
KHAI TỔ THIÊN THAI TÔNG
THIÊN THAI TRÍ KHẢI

THIỀN VÀ CHỈ QUÁN

PAUL L. SWANSON biên soạn
TỪ HOA NHẤT TUỆ TÂM biên dịch
thienquanvachiquan-bia2

PHÁP HOA TAM MUỘI SÁM NGHI
法 華 三 昧 懺 儀
[T 1941, 46. 949-955]
Thiên Thai Trí Khải giảng thuyết
Quán Đảnh ghi chú

[I] Khuyến khích tu tập pháp sám hối trong suốt 21 ngày, căn cứ vào kinh Pháp Hoa (949b10).

[II] Bài tựa (949c11)

[III] Pháp nhập thất trong suốt 21 ngày nhất tâm và tinh cần tu tập (949c22)

[950a2-15] Có hai lối tu nhất tâm. Thứ nhất là tu tập nhất tâm chuyên chú vào sự. Thứ hai là tu tập nhất tâm chuyên chú vào lí.

Nhất tâm về sự tu tập như sau: Một hành giả khi bước vào tịnh thất, nên nghĩ như vầy: “Trong ba tuần lễ, khi tôi lễ chư Phật, tôi sẽ nhất tâm cung kính, tâm tôi sẽ không lo nghĩ đến bất cứ điều gì khác.”, và cứ như vậy mà sám hối, hành đạo, tụng kinh, tọa thiền. Trong khi thực tập những phương pháp nầy, hành giả chớ để tâm tán loạn. Ba tuần lễ sẽ trôi qua trong cung cách như vậy. Đây gọi là chuyên cần thực hành pháp nhất tâm dựa vào sự.

Thứ hai là tu tập nhất tâm chuyên chú vào lí. Hành giả, khi bước vào tịnh thất, nên nghĩ như vầy: “Từ giây phút nầy cho đến phút cuối trong suốt ba tuần lễ, trong suốt khoảng thời gian đó, tất cả những gì tôi sẽ làm là chiếu soi tận tường. [Biết] cái từ tâm sinh và bản tánh của tâm không phải là hai. Vậy thì cái đó là gì?. Ví như khi một người [quy mạng] lễ chư Phật, tánh của tâm chẳng sinh, chẳng diệt. Các ông phải nên biết rằng trong tất cả những hành động thuộc sự tướng đã làm, tánh của tâm chẳng sinh, chẳng diệt”. Khi các ông quán như vậy, các ông thấy được rằng tất cả tâm đều từ một tâm, sinh khởi từ bản tánh của tâm, luôn luôn là một tướng. Hành giả có thể như vậy mà quán chiếu tâm và nền tảng [của tâm], và dòng suối liên miên của ý [niệm]. Sau ba tuần lễ, hành giả vẫn không đắc được tướng của tâm [vì bất khả đắc]. Đây gọi là chuyên cần thực hành pháp nhất tâm dựa vào lí.

[IV] Pháp thực hành khi vào thiền thất (950a16)

[1] Trang nghiêm thanh tịnh thiền thất (950a25)

(950a25-b7) Tìm một nơi vắng vẻ, sửa soạn một căn phòng yên tỉnh để làm tịnh thất. Dọn một cái bục cao trong thiền thất nầy, và chỉ đặt cuốn kinh Pháp Hoa trên bục; những thánh tích khác, ngay cả những quyển kinh khác cũng không cần thiết lúc nầy, thực ra là không được phép [mang vào]. Trang hoàng tàng lọng với những vật dụng tế lễ. Ngày hành giả vào, thiền thất nên được quét dọn sạch sẽ. Thắp hương thơm và đốt nến, rải hoa. Hãy lễ bái tam bảo với tất cả lòng thành kính. Tâm hành giả phải thanh tịnh. Giữ tư thế cung kính tam bảo như vậy. Nếu hành giả không [muốn] trải thân mình quy kính pháp Đại thừa thì khó được trí tuệ, cũng như khó diệt được nghiệp chướng nặng nề hằng đeo mang.

[2] Thanh tịnh thân (950b8)

[950b8-13] Trước khi vào tịnh thất, hành giả nên tắm với nước thơm và mặc áo tràng mới. Nếu không có được áo mới thì dùng một chiếc áo sạch. Khi rời tịnh thất, nên thay áo tràng, không nên mặc áo nầy để làm việc bên ngoài. Trước khi trở lại tịnh thất, nên tắm rửa, và mặc áo tràng sạch.

[3] Cúng dường thân, khẩu, và ý [thanh tịnh] (950b14)

(950b14-c4) Khi vào tịnh thất, hành giả nên như pháp mà kính lễ, đứng ngay thẳng, tâm nguyện cứu độ chúng sinh. Hành giả nghĩ tưởng đến Như Lai giữa [biển] tâm cuồng vọng của chính mình, và khiến [đức ân của] tam bảo hiển lộ trong tịnh thất. Hành giả dâng hương thơm, rải hoa cung kính tam bảo. [Trong tư thế úp mặt trên sàn] xưng tán tam bảo như sau:

“ Nhất tâm đảnh lễ thập phương Phật.

Nhất tâm đảnh thập phương Pháp.

Nhất tâm đảnh lễ thập phương Tăng.”

Thân, khẩu, ý không tán loạn, hòa hợp cùng nhau, và luôn tâm niệm rằng thân, khẩu, ý nầy [cũng như vạn pháp] đều như bóng, không có thực.

[4] Thỉnh nguyện tam bảo [Phật, Pháp, Tăng]

[950c5-951b11] Sau khi cúng dường thân, khẩu, ý [thanh tịnh], hành giả dâng hương, rải hoa, nhất tâm đảnh lễ. Trong khi hành pháp thỉnh nguyện, thân trang nghiêm, miệng tụng đọc rõ ràng, ý không tán loạn.

Trước hết, hành giả xưng tán rằng:

“Nhất tâm cung thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật”.

Hành giả nên quán rằng thân Phật tức Không, tướng Phật không thực sự từ đâu đến, cũng không đi về đâu; tất cả chư Phật đều như vậy. Nếu hành giả quán như vậy [mà không sinh tâm kinh hãi], thì Đức Phật Thích Ca và chư thánh chúng bao quanh như hình ảnh trên non Linh Thứu được thuyết trong kinh Pháp Hoa, sẽ xuất hiện trong tịnh thất của hành giả mà tiếp nhận lời thỉnh nguyện của hành giả, và khuyến tấn tu hành.

Sau đó, hành giả xưng tán như sau:

“Nhất tâm cung thỉnh Đa Bảo Phật”.

“Nhất tâm cung thỉnh ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật trong khắp mười phương”.

“Nhất tâm cung thỉnh thập phương chư Phật xuất hiện bảo trì kinh điển Đại thừa và Diệu Pháp Liên Hoa”.

“Nhất tâm cung thỉnh chư Phật thường trụ khắp mười phương thế giới”.

“Nhất tâm cung thỉnh kinh điển Đại thừa và Diệu Pháp Liên Hoa.

“Nhất tâm cung thỉnh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ma ha tát”.

“Nhất tâm cung thỉnh Di Lặc Bồ Tát ma ha tát”.

“Nhất tâm cung thỉnh Dược Sư Bồ Tát ma ha tát”.

Tháp của Đức Phật Đa Bảo sẽ từ lòng đất hiện ra, như được thuyết trong kinh Pháp Hoa, trong tịnh thất của hành giả, tiếp nhận lời thỉnh nguyện của hành giả.

Nếu hành giả nhất tâm quán chiếu, thì ứng thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khắp mười phương cõi nước, như mây pháp, đồng tiếp nhận lời thỉnh nguyện của hành giả.

Nếu hành giả có chánh quán, chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, và vị lai sẽ hiện ra trong tịnh thất, trước mặt hành giả và đồng tiếp nhận lời thỉnh nguyện.

Và cũng cung thỉnh như vậy đối với vô lượng Bồ tát khắp mười phương cõi nước; Ngài Xá Lợi Phất, và chư Thanh Văn, chư tăng ni thường trụ khắp mười phương, các cõi Trời, Rồng, và tất cả các vị hộ trì pháp Phật. Nếu hành giả một lòng mong mỏi thì tất cả các pháp tướng, với tâm đại bi, sẽ tiếp nhận lời thỉnh nguyện, và đồng thời xuất hiện trong tịnh thất.

Nếu hành giả nhất tâm kiên trì thực hành như trên trong suốt ba tuần lễ, thì Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, như đại nguyện, sẽ tiếp nhận lời cung thỉnh, và hướng dẩn hành giả đến chỗ có thể diệt trừ tất cả nghiệp chướng, như kinh nói.

[5] Xưng tán tam bảo (951b12)

[951b12-27] Sau khi hành giả xong phần cung thỉnh, sẽ úp mặt xuống sàn lạy [tạ ân đức]. Sau đó cung kính dâng hương và rải hoa. Hãy nhớ nghĩ đến công đức của tam bảo. Sau đó, tụng bài kinh Pháp Hoa để xưng tán:

“Tướng hảo quang minh chiếu rạng mười phương

Con đã từng cung kính ngài,

Nay thêm một lần nữa, trở về đây chiêm ngưỡng dung quang Phật”.

(T9, 53c4-5, kinh Pháp Hoa)

“Đấng pháp vương, vua các cõi Trời, Người.

Pháp âm như tiếng chim Ca Lăng Tần Già

Bậc đại từ với tất cả chúng sinh,

Nay con chí tâm đảnh lễ.

(T9, 23c15-16, kinh Pháp Hoa)

[6] Đảnh lễ Phật (951b27)

[951b27-a27] Sau phần xưng tán nói trên, hành giả giữ thân tướng nghiêm chỉnh, và bắt đầu đảnh lễ chư Phật. Luôn luôn tâm niệm rằng chư Phật tánh không như đã giải thích. Hành giả cũng không quên tánh không của chính thân và tâm mình. Khấu đầu đảnh lễ chư Phật sáu lần ngày và đêm trong suốt ba tuần lễ, xưng tán như sau:

“Nhất tâm đảnh lễ Bồn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Đa Bảo Phật.

Nhất tâm đảnh lễ ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật trong khắp mười phương.

Nhất tâm đảnh lễ Đông phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Đông Nam phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Nam phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Tây Nam phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Tây phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Tây Bắc phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Bắc phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ Đông Bắc phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ thượng phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ hạ phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ quá khứ Phật.

Nhất tâm đảnh lễ hiện tại Phật.

Nhất tâm đảnh lễ vị lai Phật.

Vô lượng chư Phật, vô lượng chư Bồ tát như Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Dược Sư Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát..., chư Thanh Văn, hộ pháp, thiên long, thiên chúng khắp mười phương xuất hiện trong kinh Pháp Hoa

[7] Sám hối sáu căn (952a28)

[952a28- 953b29] [1] Sám hối những lỗi lầm của sáu căn 六根懺悔. Phần nầy nói chi tiết về những lỗi lầm của sáu căn: mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, và ý. Trước hết là phần giải thích đối với sự quan trọng của pháp quán về tánh Không. [Trí Giả] nói rằng: Sau khi hành giả đã hoàn tất phần đảnh lễ chư Phật, hành giả cung kính dâng hương, rải hoa, và quán tam bảo. Nếu hành giả giác được tánh Không, Phổ Hiền Bồ Tát sẽ xuất hiện trên voi trắng sáu ngà với quyến thuộc bao quanh. Hành giả nên vì chúng sinh mà nhất tâm sám hối. Hãy biết sinh tâm hổ thẹn sâu xa với những lỗi lầm đã gây tạo từ vô lượng kiếp. Hãy vứt bỏ tâm ái dục là tâm nuôi dưỡng những hạt mầm bất thiện từ sáu căn. Một người thấy được tánh Không có thể xa lìa ô nhiễm... Sau đó mỗi căn được phân tích.

Trước hết, hành giả sám hối những sai lạc của nhãn căn. Hành giả nên hết lòng ăn năn, biết rằng qua mắt, hành giả đã kinh nghiệm nhiều hình tướng khác nhau của phiền não và vướng mắc. Qua mắt, hành giả có thể trở thành nô lệ của cõi sắc tưóng. Hành giả phải nên tụng đọc kinh điển Đại thừa, lễ bái ngài Phổ Hiền và tất cả chư Phật, dâng hương và rải hoa, thú nhận không che đậy những tội lỗi gây tạo qua nhãn căn. Tất cả chư Phật, chư Bồ tát với tuệ nhãn và pháp thủy, nguyện tẩy sạch những nghiệp chướng từ tội lỗi nầy, nhãn căn của hành giả dần dần được thanh tịnh. Sau khi sám hối, hành giả cung kính lễ bái tam bảo... như đã giải thích trong phẩm “Quán Phổ Hiền Bồ Tát”.

Phương pháp nầy được lập lại, thay đổi tùy theo phần ứng dụng vào căn nào trong sáu căn.

Thứ hai, thỉnh Phật chuyển pháp luân. Cung kính thỉnh cầu vô lượng chư Phật khắp mười phương thường trụ khắp pháp giới chuyển bánh xe pháp khiến chúng sinh giác ngộ bản tâm thanh tịnh. Sau đó hành giả đảnh lễ Như Lai, và tam bảo.

Thứ ba, tùy hỉ công đức. Chí tâm tùy hỉ công đức của chư Phật và chư Bồ tát.

Thứ tư, hồi hướng công đức. Chí tâm hồi hướng công đức tu tập vun trồng các chủng tử thiện. Sau đó đảnh lễ mười phương chư Phật.

Thứ năm, phát nguyện độ thoát chúng sinh. Chí tâm phát Bồ tát nguyện. Nguyện rằng giờ phút lâm chung, tinh thần trong sáng với nguyện lực đầy đủ, sẽ được tái sinh nơi cõi Cực Lạc, được phủ phục trước Đức Phật A Di Đà, được tu tập mười địa của chư Bồ tát, và được thường lạc.

[8] Đi nhiễu quanh (953b29)

[953b29-c15] Sau những nghi thức thông thường như đảnh lễ..., hành giả nhiễu quanh bàn thờ Phật, xưng tán:

Nhất tâm đảnh lễ thập phương Phật.

Nhất tâm đảnh lễ thập phương Pháp.

Nhất tâm đảnh lễ thập phương Tăng.

Nhất đảnh lễ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ma ha tát.

Nhất tâm đảnh lễ Di Lặc Bồ Tát ma ha tát.

Nhất tâm đảnh lễ Dược Sư Bồ Tát ma ha tát.

Nhất tâm đảnh lễ Phổ Hiền Bồ Tát ma ha tát.

Nhất tâm đảnh lễ Quán Thế Âm Bồ Tát ma ha tát.

v.v...

Hành giả tiếp tục đi nhiễu quanh trong khi miệng tụng đọc kinh Pháp Hoa, hoặc 3, 7, 21, 49, hoặc 100 lần. Sau đó trở lại chỗ ngồi, xưng tán tam bảo.

[9] Phương pháp tụng đọc kinh Pháp Hoa (963c16)

[963c16-954a8] Tụng đọc kinh Pháp Hoa có lối tụng “hoàn toàn”, và lối tụng “không hoàn toàn”. Lối tụng hoàn toàn là tụng toàn bộ kinh, lối tụng không hoàn toàn là chỉ tụng phẩm “An Lạc Hạnh”. Tụng nhanh, tụng chậm hoặc tụng bao nhiêu lần tùy ý. Nếu tụng nhiều lần thì có thể không tụng một vài phẩm nào đó, nhưng không nên cùng lúc tụng các kinh khác [vì có thể không nắm được yếu chỉ một bộ kinh].

Cung cách của người tụng kinh:

Nên đọc và phát âm từng câu rõ ràng, chẳng chậm, chẳng vội vàng. Chú ý từng đoạn kinh, và không lạc đoạn kinh. Không thể phạm lỗi trong khi tụng đọc. Sau đó, tịnh tâm và cố gắng thâm hiểu tự tánh của âm thanh như tiếng vang trong sa mạc. Mặc dù không thể nắm giữ được âm thanh, nhưng tịnh tâm thì có thể chiếu soi ý nghĩa của từng dòng, và từ ngữ chính nó cũng tự nói lên [ý kinh]. Thấy cho được pháp âm nầy đang trải rộng khắp pháp giới, cùng lúc cúng dường tam bảo, làm pháp thí cho chúng sinh khắp các cõi nước, khiến tất cả chúng sinh vào được cảnh giới nhất thừa.

[10] Tọa thiền và quán chiếu chánh diện [của chân lý] (954a9)

[954a9-b28] Sau khi đi nhiễu quanh bàn thờ Phật và tụng đọc, hành giả trở lại chỗ ngồi của mình và nhất tâm quán chiếu thực tướng của chân như trong vạn pháp. Nội dung của pháp quán như sau:

Hành giả để tâm vào tất cả nhân duyên nhưng biết rõ rằng bất khả đắc. Tâm không chủ tể, ví như một cơn mơ hoặc như ảo hóa, tịch tịnh như hư không, bất phân biệt. Vào lúc nầy, hành giả không thấy được tâm sinh tử, thì sao lại mong đợi thấy được tâm niết bàn?. Khi hành giả không nắm giữ những đối tượng bị phân biệt, hoặc những ý niệm của một chủ tể phân biệt, thì hành giả không lấy cũng không bỏ, không nhờ cậy mà cũng không vâng phục. Tâm hành không vì đâu sinh khởi. [Bản] tâm tịch tịnh như bao giờ, mà cũng không hề trụ trong tịch tịnh nầy. Vượt trên chữ và lời, tức bất khả thuyết.

Sám hối như vậy gọi là “đại sám hối”, diệt được tâm phân biệt. Hành giả nên một lòng thực hành sám pháp trong 21 ngày như nói trên.

[V] Tu tập chánh giác (954b29)

[954b29-955c5] Trong phần nầy Thiên Thai Trí Giả nhắc lại phần giáo lý bên cạnh phần thực hành, và nói thêm rằng người có căn tánh khác nhau sẽ chứng nghiệm kết quả khác nhau. Những người “hạ căn” sẽ được “sự minh bạch về nền tảng giới luật”, tức là có được khả năng giữ giới. Những người “trung căn” sẽ được “sự minh bạch về nền tảng tam muội”, với những sự chứng đắc khác nhau trong định lực kiên cường. Những người “thượng căn” sẽ được “sự minh bạch về nền tảng trí tuệ”, với những thứ lớp chứng đắc khác nhau. Hành giả nên cố gắng hoàn thành mười pháp nầy trong ba tuần lễ. Trí Giả kết luận:

“Phải nên biết rằng lấy 21 ngày như một khoảng thời gian tu tập nhất định, sáu thời mỗi ngày như đã nói trên, có mục đích hướng dẩn các vị Bồ tát sơ phát tâm. Một người chưa có khả năng nhập tam muội thì khởi đầu dùng các pháp hữu tướng để điều phục tâm, giảm thiểu những trọng tội làm chướng ngại đường đạo. Trải qua thời gian thực hành sám pháp nầy, thân tâm hành giả sẽ được thanh tịnh và biết được pháp vị. Nếu hành giả quyết tâm tu tập để nhập sâu vào được tam muội thì hành giả phải vượt qua những pháp thực hành trước, và dến thẳng trạng thái an lạc. Hành giả lập tức được thiền vị, và nhận rõ tánh không của vạn sự vạn vật. Hành giả sẽ không khởi tâm chướng ngại từ trong hoặc ngoài; cảm thấy tâm đại bi mở rộng, thương xót chúng sinh. Khi tâm hành giả có thể luôn luôn ở trong trạng thái nầy, không một phút giây nào gián đoạn thì đây gọi là phát huy và duy trì tam muội.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]