Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Hỉ

24/07/201208:03(Xem: 6425)
04. Hỉ

NGAY TRONG KIẾP SỐNG NÀY
Tác giả: Sayadaw U. Pandita
Dịch giả: Khánh Hỷ

Bảy Pháp Trợ Bồ Ðề

oo0oo

Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Tư: Hỉ

Piti, hay hỉ, có đặc tính vui vẻ thích thú và thỏa mãn. Ngoài đặc tính trên, tâm sở hỉ có thể thâm nhập vào các tâm sở phối hợp khác và làm cho chúng nhẹ nhàng, vui thích và thỏa mãn.

Nhẹ Nhàng Và Linh Hoạt

Hỉ làm thân tâm nhẹ nhàng và tràn đầy linh hoạt. Theo sự phân tích cổ điển, thì hỉ có công năng sau đây: "Tâm trở nên nhẹ nhàng, đầy năng lực, thân cũng cảm thấy linh hoạt, nhẹ nhàng và năng động. Trên thực tế, sự biểu hiện của hỉ là cảm giác nhẹ nhàng trong thân. Hỉ biểu hiện rõ ràng nhất qua những cảm giác nhẹ nhàng của cơ thể".

Lúc hỉ xuất hiện thì những cảm giác thô tháo, khó chịu, không êm ái được thay thế bằng những cảm giác mềm dịu, nhẹ nhàng, êm ái, lắng dịu. Thân thể bạn có thể có cảm giác nhẹ nhàng như đang trôi trên mây. Vào lúc đó, sự nhẹ nhàng có tính năng động hơn là tĩnh lặng. Bạn cảm thấy như mình đang bị đẩy tới hay kéo lui, lắc lư, đu đưa như đang lướt trên sóng dồi. Bạn có thể có cảm giác mất thăng bằng nhưng rất sảng khoái.

Năm loại hỉ

- Khinh hỉ: Lúc bắt đầu hành thiền, sau khi các chướng ngại bị tạm thời khắc chế trong một thời gian, thiền sinh cảm thấy lành lạnh, rờn rợn, đê mê, đôi khi nổi da gà. Ðó là giai đoạn đầu tiên của cảm giác hỉ lạc, gọi là khinh hỉ, hay tiểu hỉ.

- Sát na hỉ: Hỉ đến một cách chớp nhoáng như tia chớp. Sát na hỉ có cường độ mạnh hơn loại hỉ đầu tiên.

- Hải triều hỉ: Thiền sinh cảm thấy như mình đang ngồi trên bờ biển, thình lình sóng lớn dâng lên cuốn hút họ. Thiền sinh có hỉ lạc này cảm thấy như mình bị cuốn trôi khỏi mặt đất, tim đập thình thịch, cả thân và tâm bị tràn ngập. Lúc ấy, thiền sinh phân vân không biết chuyện gì xảy ra.

- Thượng thăng hỉ: Thiền sinh cảm thấy thân hình nhẹ nhõm như đang ngồi cách mặt đất vài thước. Thấy mình dường như đang trôi hay đang bay, chứ không phải đang đi trên mặt đất nữa.

- Sung mãn hỉ: Ðây là loại hỉ mạnh nhất, thấm nhuần toàn thân như nước tràn bờ. Thiền sinh cảm thấy một sự thoải mái kỳ diệu và chẳng muốn đứng dậy. Thật là thích thú khi tiếp tục ngồi bất động như thế.

Ba loại hỉ đầu tiên được gọi là "thiểu" hỉ (pamojja), hay là hỉ lạc yếu ớt. Hai loại hỉ sau cùng là hỉ (piti), hay hỉ lạc mạnh mẽ. Ba loại hỉ đầu là nhân, hay là sự kích động cho hai loại hỉ sau.

Chú Tâm Sáng Suốt Làm Phát Sanh Hỉ

Cũng như đối với tinh tấn, chú tâm sáng suốt làm cho phát sanh tinh tấn. Ðức Phật dạy chú tâm sáng suốt cũng là nguyên nhân phát sanh hỉ, đặc biệt là chú tâm sáng suốt đến ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng khiến hỉ lạc phát sinh, và do hỉ lạc này, tinh tấn lại tăng triển.

Mười Một Cách Làm Phát Sanh Hỉ

Theo chú giải có mười một cách làm phát sanh hỉ:

1. Nhớ Ðến Ðức Hạnh của Phật

Cách đầu tiên là niệm Phật, suy tưởng đến đức hạnh của Ðức Phật. Ngài có rất nhiều đức hạnh nhưng bạn không cần phải suy tưởng đến tất cả mọi đức hạnh của Ngài vì đức hạnh của Ngài bao la vô cùng vô tận. Theo truyền thống, chúng ta chỉ niệm tưởng đến một số đức hạnh của Ngài mà thôi, chẳng hạn niệm tưởng đến danh hiệu Araha hay A la hán. Ân đức này có nghĩa là Ðức Phật xứng đáng được tất cả nhân loại, chư thiên và phạm thiên tôn trọng, cúng dường, bởi vì Ngài đã hoàn toàn trong sạch, diệt tận các loại phiền não. Khi nghĩ đến những đức tính trong sạch của Ðức Thế Tôn sẽ làm cho hỉ phát sanh. Bạn có thể niệm đến ba ân đức của Ðức Phật, đó là ba sự thành tựu: thành tựu nhân, thành tựu quả và thành tựu phục vụ (Xem phần Dũng Cảm Tinh Tấn).

Nhưng suy tưởng đến đức hạnh của Ðức Phật, cũng như đọc tụng ân đức Phật không phải là cách duy nhất để niệm tưởng đến những đức tính vĩ đại cao cả của Ngài. Thật vậy, đạt đến tuệ giác nội quán còn giá trị hơn nhiều. Khi thiền sinh đạt được tuệ giác thấy rõ sự sanh diệt thì tâm hỉ sẽ tự nhiên phát sinh cũng như lúc suy tưởng đến đức hạnh của Ðức Phật. Ðức Phật dạy: "Người nào thấy Pháp bảo là thấy Như Lai". Một số thiền sinh đạt tuệ giác sẽ thật sự cảm nhận được sự cao cả của Ðức Thế Tôn, vị sáng tổ của giòng dõi chúng ta. Bạn có thể tự nhủ: "Ta mà còn có thể kinh nghiệm được một tâm thanh tịnh như thế này, huống hồ Ðức Phật, sự thanh tịnh của Ngài còn vĩ đại, cao thượng biết bao".

2. Suy Tưởng Ðến Ân Ðức của Pháp Bảo

Theo truyền thống, ân đức đầu tiên của Pháp Bảo được tán thán trong câu: "Pháp Bảo đã được Ðức Thế Tôn khéo nói". Thật vậy, Pháp Bảo đã được Ðức Thế Tôn khéo tuyên bố. Ðức Phật đã dạy giáo pháp một cách có hiệu quả nhất, và những vị thầy hiện nay của bạn đã được truyền thừa. Ðây đúng là nguyên nhân để bạn hoan hỉ.

Ðức Phật giảng dạy rất nhiều về sự thực hành giới, định, huệ. Muốn thực hành, trước tiên bạn phải thanh tịnh giới bằng cách giữ gìn giới luật. Chúng ta phải cố gắng phát triển trọn vẹn giới luật ở mức độ cao bằng cách chế ngự thân khẩu. Ðiều này đem lại cho ta nhiều lợi ích. Trước tiên ta tránh khỏi việc tự phán đoán mình, tự khiển trách và hối hận. Chúng ta không bị các bậc thiện trí thức chê trách và không bị luật pháp trừng trị.

Tiếp đến, muốn thực hành lời dạy của Ðức Phật, ta phải phát triển định tâm. Nếu bạn có đức tin, trì chí và kiên nhẫn trong thực hành, thì tâm bạn sẽ an lạc hạnh phúc, rõ ràng, sáng suốt và tĩnh lặng. Ðó là samatha sukha, hạnh phúc đến từ tâm thanh tịnh và tập trung. Kết quả là bạn có thể phát triển định tâm để đạt được các tầng định, một trạng thái tâm trong đó các phiền não tạm thời bị chế ngự, và kết quả là bạn đạt được sự bình an tĩnh lặng khác thường.

Tiếp theo là thực hành huệ. Hành thiền minh sát, chúng ta sẽ có cơ hội kinh nghiệm loại hạnh phúc thứ ba là huệ. Khi bạn quán thấu sâu xa giáo pháp, đạt được tuệ giác thấy rõ sự sinh diệt của các hiện tượng, bạn sẽ cảm thấy một sự hỉ mãn tuyệt diệu. An lạc hạnh phúc này có thể được gọi là an lạc hạnh phúc phấn khích. Sau đó, hạnh phúc trong sáng sẽ đến, và cuối cùng, khi bạn đạt được tuệ xả, lúc bấy giờ, tâm của bạn sẽ an lạc, quân bình đối với tất cả mọi hiện tượng, và bạn sẽ có được hạnh phúc xả thọ. Ðó là một sự an lạc sâu xa, không còn là hạnh phúc với sự phấn khích mà một loại an lạc hạnh phúc êm dịu và quân bình.

Như vậy, đúng theo những lời hứa hẹn và bảo đảm của Ðức Phật, những ai theo đuổi con đường thực hành sẽ kinh nghiệm được tất cả các loại hạnh phúc này. Nếu tận tâm thực hành, bạn sẽ cảm kích sâu xa chân lý pháp bảo. Lúc bấy giờ bạn sẽ tự nói: "Tốt đẹp thay giáo pháp do Ðức Phật giảng dạy! Tốt đẹp thay giáo pháp do Ðức Phật tuyên bố!".

Cuối cùng, siêu việt hơn nữa, hơn hẳn các loại hạnh phúc này, là hạnh phúc của sự đình chỉ. Sau khi vượt qua hạnh phúc xả thọ, thiền sinh sẽ kinh nghiệm một khoảnh khắc trí tuệ xuyên thấu Niết Bàn. Trí tuệ này đến ngay vào lúc đạt được thánh đạo tâm. Sau đó, thiền sinh sẽ cảm kích sâu xa giáo pháp của Ðức Phật. Cảm giác này họ chưa bao giờ biết đến trước đây. Ðức Phật luôn luôn nhắc nhở: "Nếu các con hành thiền theo lối này, các con sẽ đạt đến chỗ chấm dứt khổ đau ". Ðây là sự thật. Nhiều người đã đạt được mục đích này, và cuối cùng đến lượt bạn. Bạn cũng sẽ hân hoan trút bỏ gánh nặng với niềm an lạc hạnh phúc và tràn đầy lòng biết ơn.

Khả Năng Vĩ Ðại Do Sự Thực Hành Ðem Lại

Như vậy, có ba cách để thưởng thức và ý thức rõ ràng giáo pháp đã được Ðức Phật tuyên thuyết một cách tốt đẹp, khéo léo. Trước tiên, nếu bạn suy tư một cách sâu xa đến những khả năng lớn lao nằm trong sự thực hành, tâm bạn sẽ tràn đầy những lời ca tụng tán dương giáo pháp và những hạnh phúc an lạc do giáo pháp mang lại. Vì có sẵn đức tin sâu xa, nên mỗi khi nghe một bài giảng hay đọc giáo pháp, tâm bạn tràn đầy hỉ lạc và hạnh phúc. Ðây là một trong ba cách thưởng thức giáo pháp.

Thứ hai, nếu bạn đi vào thực hành, những điều hứa hẹn và bảo đảm của Ðức Phật chắc chắn sẽ trở thành sự thực. Giới và định sẽ cải thiện cuộc đời của bạn. Sự thực hành sẽ giúp cho bạn hiểu thâm sâu rằng giáo pháp đã được tuyên bố một cách tốt đẹp vì giáo pháp sẽ giúp bạn có một tâm hồn trong sáng và một hạnh phúc êm đềm sâu xa.

Thứ ba là qua việc thực hành bạn sẽ thấy được sự vĩ đại của giáo pháp, và cuối cùng bạn sẽ có hạnh phúc Niết Bàn. Lúc bấy giờ, một chuyển biến thâm sâu sẽ xảy ra trong đời bạn giống như bạn đã tái sinh. Bạn có thể tưởng tượng ra niềm hỉ lạc vô biên mà bạn đã đạt được vào lúc này.

3. Nhớ Ðến Ân Ðức Tăng

Tăng là một nhóm người sống cao quí trong giáo pháp của Ðức Phật. Tận tâm, cố gắng và kiên nhẫn, họ thực hành đúng theo chánh đạo và đạt đến thánh quả từ thấp đến cao. Nhiều vị, dầu chưa đạt được thánh quả nhưng đang nỗ lực hành trì để giải thoát. Nếu trong lúc hành thiền, bạn đạt được thân tâm an tịnh, và bạn có cảm giác an lạc hạnh phúc, bạn có thể hình dung được cảm giác của người khác cũng như vậy, và có lẽ mức định tâm thanh tịnh của họ còn cao hơn và vượt xa hơn những gì mà bạn đã chứng nghiệm.

Nếu bạn đã đạt được một số tầng mức giác ngộ, bạn sẽ tin tưởng vững chắc vào những vị thánh khác trong hiện tại. Họ đang đi trên cùng một con đường như bạn. Những vị đó chắc chắn là thanh tịnh, trong sạch, khó ai bì kịp.

4. Quán Xét Sự Trong Sạch Thanh Tịnh của Giới Luật Chính Mình

Giới luật thanh cao là một loại đức hạnh có năng lực mạnh mẽ trong việc đem lại cho bạn một cảm giác thoả mãn và an vui lớn lao. Cần phải có kiên trì dũng cảm để duy trì sự thanh tịnh trong sạch này. Khi bạn ôn lại sự thanh tịnh trong sạch do nỗ lực của chính mình đạt được, bạn sẽ cảm thấy một niềm an lạc vô biên tràn ngập trong tâm hồn. Nếu bạn không thể duy trì giới luật trong sạch thanh tịnh, bạn sẽ bị ăn năn, hối hận dày vò, không thể nào tập trung tâm ý vào những gì bạn đang làm, và do đó, việc hành thiền của bạn sẽ không tiến bộ.

Giới hạnh là nền tảng của định tâm và trí tuệ. Nhiều người đã giải thoát nhờ hướng tâm chánh niệm vào sự hỉ lạc do giới luật thanh tịnh đem lại. Nghĩa là khi quán sát sự thanh tịnh trong sạch của giới hạnh mà chính mình đã tạo được, thiền sinh phát sanh tâm hỉ lạc mạnh mẽ, hướng tâm chánh niệm vào sự hoan hỉ sung mãn này, thiền sinh giác ngộ đạo quả. Sự quán xét này có hiệu năng đặc biệt trong trường hợp cần thiết.

Câu Chuyện Tissa: Hỉ Lạc Trong Trường Hợp Cần Thiết

Tissa là một thanh niên trẻ trung giàu có. Sau khi nghe Ðức Phật thuyết pháp, Tissa cảm thấy phải khẩn cấp xuất gia tu hành vì cuộc đời đầy vô thường biến đổi. Là một thanh niên đầy cao vọng, nhưng Tissa hiểu rõ sâu xa sự trống rỗng của cuộc đời nên hướng cao vọng của mình vào mục tiêu cao cả là trở thành một vị A la hán.

Khi xuất gia, Tissa cho em mình là Culatissa một phần lớn tài sản. Với số tài sản nhận được từ anh, Culatissa trở nên giàu có. Bất hạnh thay, vợ của Culatissa thấy tiền chóa mắt nên trở nên tham lam quá độ. Sợ rằng thầy tỳ khưu Tissa sẽ đổi ý hoàn tục và đòi lại tài sản đã cho nên vợ của Culatissa nghĩ cách để bảo vệ số của cải mình vừa nhận được. Cuối cùng, cô ta thuê người giết thầy tỳ khưu Tissa vì nghĩ rằng đây là biện pháp duy nhất để bảo toàn tài sản của mình.

Bọn cướp được hứa một món tiền thưởng rất lớn nên vào rừng tìm thầy tỳ khưu Tissa. Lúc thấy tỳ khưu Tissa đang hành thiền, bọn cướp bao vây lại để giết thầy. Thầy tỳ khưu Tissa nói: "Xin đợi một lát, tôi chưa xong việc". Bọn cướp trả lời: "Làm sao có thể đợi được? Ðây là việc chúng tôi phải làm ngay". Thầy Tissa nói: "Xin các bạn vui lòng đợi chừng một hai đêm rồi lại đây giết tôi". Bọn cướp không chịu: "Làm sao tôi tin được ông? Lấy gì bảo đảm là ông sẽ không bỏ trốn?" Ngoài ba mảnh y và chiếc bát thầy tỳ khưu Tissa chẳng có gì khác để làm bảo đảm cho bọn cướp. Thầy bèn nâng một tảng đá lớn nện mạnh vào hai chân. Thấy quyết tâm của thầy như vậy, chúng đều kinh hoàng. Bây giờ, thầy đã gãy hai chân, không thể nào trốn thoát nên chúng cũng thương tình để cho thầy cố gắng vài hôm. Bọn cướp yên lặng rút lui để lại thầy tỳ khưu Tissa với đôi chân đau đớn.

Bạn hãy tưởng tượng xem, sự quyết tâm đoạn diệt phiền não của thầy tỳ khưu Tissa mạnh mẽ đến chừng nào? Thầy không sợ đau, không sợ chết, nhưng thầy sợ phiền não vẫn còn ngự trị, ngự trị mạnh mẽ trong tâm thầy. Thầy còn mạng sống nhưng chưa hoàn thành được công việc của mình. Thầy sợ phải chết trước khi nhổ được gốc rễ của phiền não.

Xuất gia từ lúc còn trai trẻ khỏe mạnh với đức tin sâu xa, tinh tấn và chánh niệm mạnh mẽ, thầy Tissa có đủ sức dũng cảm để đối diện với cơn đau nhức kinh hồn của đôi chân bị gãy dập. Thầy đã quán sát cơn đau một cách kiên trì dũng cảm không chút thối chuyển. Trong khi quán sát, thầy đã suy tư đến giới hạnh của mình. Thầy tự hỏi từ lúc thầy xuất gia đến nay, thầy đã phạm một giới nào không? Thầy rất vui mừng khi thấy rằng thầy đã giữ giới luật một cách hoàn toàn trong sạch, không hề phạm một giới dầu cho nhỏ nhặt đến đâu đi nữa. Thầy cảm thấy một sự hỉ lạc vô biên tràn ngập cả thân thể và tâm hồn.

Chỗ đau nhức của đôi chân gãy giảm dần, và sự hỉ lạc vô biên trở thành đề mục rõ ràng nhất trong tâm thầy. Thầy hướng tâm chánh niệm vào sự hỉ lạc này và ghi nhận sự hỉ lạc, hạnh phúc và niềm vui. Nhờ ghi nhận đúng đắn như vậy, trí tuệ nội quán chín mùi mau lẹ. Chẳng bao lâu, thầy thấy rõ Tứ Diệu Ðế và trở thành một vị A la hán.

Câu chuyện trên đây là để nhắc nhở thiền sinh phải tạo cho mình một căn bản tốt đẹp về giới. Không có giới luật, ngồi thiền chẳng khác gì mời đau nhức đến. Hãy tạo nền móng trước. Nếu giới luật của bạn mạnh mẽ, nỗ lực hành thiền của bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp.

5. Nhớ Ðến Việc Bố Thí, Giúp Ðỡ Mà Mình Ðã Làm

Nếu chúng ta có thể bố thí hay giúp đỡ người khác với tâm trong sạch, không mưu đồ, bố thí vì sự an lạc và hạnh phúc của kẻ khác, muốn cho họ thoát khỏi đau khổ thì việc làm này sẽ đem lại đầy đủ phước báu. Không những thế, việc bố thí còn làm cho tâm bạn hân hoan, vui vẻ và hạnh phúc.

Ðộng cơ hay lý do thúc đẩy bạn bố thí là điều chủ yếu quyết định việc bố thí có đem lại lợi ích hay không. Hành vi bố thí tốt đẹp không được phát xuất từ lòng ích kỷ ẩn dấu bên trong.

Bố Thí Khi Hiếm Hoi

Bố thí không hẳn phải là bằng tiền. Hành vi bố thí nhiều khi chỉ đơn giản là một lời khuyến khích an ủi người khác khi cần. Trong khi hiếm hoi mà bố thí được mới là điều quan trọng. Dám chia xẻ những gì mình có rất ít cho người khác mới là điều đáng tán dương. "Miếng khi đói, gói khi no. Của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn trùng". Lúc đói kém hiếm hoi thực phẩm mà chia xẻ cho nhau mới là điều đáng quí và khó làm.

Sau đây là câu chuyện bố thí của một nhà vua ở Tích Lan thời xưa. Một hôm từ chiến trận trở về, chỉ còn một ít thức ăn dự trữ, vua gặp một nhà sư đang khất thực trong rừng. Hình như nhà sư là một vị A la hán. Vua dâng một phần lương thực dự trữ hiếm hoi này cho nhà sư. Về sau, khi nhớ lại những việc bố thí mà mình đã làm trước đây, phần lớn đều tràn đầy và quí giá, nhưng việc bố thí mà vua thích thú và hoan hỉ nhất là cúng dường thực phẩm cho vị sư vào lúc chính nhà vua chỉ còn một chút ít thức ăn.

Một câu chuyện khác xảy ra tại thiền viện Mahasi ở Rangoon, Miến Ðiện. Những năm trước đây, khi thiền viện đang ở thời kỳ xây dựng, một số thiền sinh không đủ sức để trả tiền ăn, nhưng việc hành thiền của họ tiến triển tốt đẹp. Thật đáng thương khi họ phải rời thiền viện vì không đủ tài chánh để đóng tiền ăn. Các thiền sư lúc ấy phải cùng nhau hỗ trợ cho các thiền sinh có năng lực mạnh mẽ này. Nhận được sự hỗ trợ của chư Tăng, các thiền sinh trên đã nỗ lực tinh tấn hành thiền và đạt được kết quả tốt đẹp. Các thiền sư rất hoan hỉ vì việc giúp đỡ của mình đã đem lại thành quả lớn lao.

6. Nghĩ Ðến Ðức Hạnh của Chư Thiên và Phạm Thiên

Cách thứ sáu giúp phát sanh hỉ lạc là nghĩ đến đức hạnh của chư thiên và phạm thiên, là những vị trời ở cảnh giới cao hơn chúng ta. Lúc các vị này còn ở cõi người, họ có sự tin tưởng mạnh mẽ vào nghiệp báo. Họ tin rằng hành động thiện sẽ đem lại kết quả tốt đẹp và hành động ác sẽ nhận chịu quả khổ đau. Nhờ tin tưởng nhân quả nghiệp báo, các vị này đã nỗ lực làm lành lánh dữ. Một số lại hành thiền để thanh lọc tâm. Do những hành động thiện này, họ đã tái sinh vào các cõi cao hơn. ở đó, đời sống an lạc hạnh phúc hơn đời sống của con người. Những vị đã đạt được các tầng thiền sẽ được tái sanh vào cõi phạm thiên có đời sống rất dài.

Như vậy, khi suy tưởng đến đức hạnh của chư thiên và phạm thiên, chúng ta chú trọng đến đức tin, sự bố thí, sự tham thiền và lòng kiên trì tinh tấn mà các vị đã hành trì trong lúc còn ở cõi người. Thật dễ dàng khi so sánh chúng ta với các vị đó, vì các vị đó trước đây cũng là người như chúng ta. Nếu thấy các đức tính và sự hành trì của mình không khác gì các vị chư thiên và phạm thiên thì tâm chúng ta sẽ tràn đầy hỉ lạc.

7. Niệm Tưởng Ðến Sự An Lạc Tĩnh Lặng Hoàn Hảo

Theo nghĩa tuyệt đối thì đây là niệm tưởng Niết Bàn. Nếu bạn đã kinh nghiệm sự an lạc tĩnh lặng sâu xa của Niết Bàn thì bạn hãy niệm đến sự an lạc tĩnh lặng này để hỉ lạc phát sanh. Nếu chính bạn chưa kinh nghiệm Niết Bàn, bạn có thể niệm tưởng đến sự mát mẻ yên tịnh của sự định tâm hay của các tầng thiền. Niềm an lạc của sự tập trung tâm ý thâm sâu cao vượt hẳn mọi lạc thú tầm thường của thế gian. Nhiều người có năng lực thiền định cao, sau khi ra khỏi các tầng thiền, trong lúc bình thường, tâm họ vẫn an tịnh tĩnh lặng không bị phiền não chi phối. Cả sáu, bảy chục năm, tâm họ vẫn ở trong trạng thái an lạc, tĩnh lặng. Nghĩ đến sự mát mẻ trong sáng này, hỉ lạc sẽ phát sinh nơi bạn.

Nếu bạn chưa đạt được kinh nghiệm các tầng thiền, hãy nhớ lại những lúc đang hành thiền mà tâm bạn rơi vào trạng thái an tịnh tĩnh lặng, trong sạch sáng suốt, lúc ấy, phiền não đã được đẩy sang một bên, tâm bạn tràn đầy an lạc hạnh phúc. So sánh sự an lạc tịch tịnh này với những hạnh phúc trong trần gian, bạn nhận thấy rằng hạnh phúc thế gian mang đầy sắc thái phàm tục, thô lỗ so với hạnh phúc thanh cao đạt được trong lúc hành thiền. Hạnh phúc và lạc thú của trần gian như lửa đang bùng cháy, trong khi hạnh phúc đến từ một tâm thanh tịnh thì thật mát mẻ, êm dịu. Sự so sánh này sẽ đem lại hỉ lạc cho bạn.

8 & 9. Tránh Xa Người Thô Lỗ và Thân Cận Người Thanh Nhã

Người thô lỗ bị sân hận chế ngự, thiếu từ tâm, thiếu lòng tha thứ, thiếu tình thương. Người thanh nhã có đầy đủ đức từ bi. Trên thế gian này nhiều người tâm đầy sân hận, không thể phân biệt được các hành động thiện ác, không khiêm nhường, không tôn kính các bậc đáng tôn kính, không học hỏi giáo pháp, cũng không hành thiền. Họ dễ dàng nổi giận vì một chuyện bực mình bé nhỏ. Họ cáu kỉnh với người khác và tự hành hạ chính mình bằng sự tự trách. Ðời sống của họ tràn đầy thô bạo và không ý vị. Bạn thử tưởng tượng xem, khi sống chung với các người này, hỉ lạc có phát sinh nơi bạn không?

Trái hẳn với hạng người thô lỗ trên. Một số người có tâm đầy tình thương. Họ nghĩ đến sự an lạc và lợi ích của các chúng sanh khác. Tình thương và sự ấm áp trong tâm họ biểu hiện qua lời nói và việc làm của họ. Họ giao tiếp với người khác bằng lời nói ngọt ngào êm dịu, bằng những cử chỉ tràn đầy tình thương. Thân cận với những người thanh nhã, bạn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Một người được bao quanh mình bằng sự ấm áp êm dịu của tình thương, chắc chắn tâm sẽ tràn đầy hỉ lạc.

10. Tụng, Ðọc Hoặc Suy Tưởng Ðến Nghĩa Lý của Kinh

Một số kinh sách nói đến những đức hạnh của Ðức Phật. Nếu bạn là một người đầy đủ đức tin thì việc tụng đọc hay suy tưởng đến nghĩa lý của kinh này sẽ đem lại cho bạn nhiều hỉ lạc và hạnh phúc lớn lao. Trong số những kinh điển đó, có kinh Tứ Niệm Xứ nói đến những lợi ích mà bạn có thể gặt hái được trong khi thực hành Pháp bảo. Những kinh khác bao gồm những mẩu chuyện ý nhị, những gương sáng của chư tăng, đoàn thể của những người đi trên con đường thánh thiện. Tụng đọc hay suy tưởng về những kinh này khiến tâm bạn phấn chấn, dẫn đến hỉ lạc và hạnh phúc.

11. Hướng tâm vào việc phát triển hỉ

Cuối cùng, nếu bạn kiên trì, chắc chắn hướng tâm vào việc phát triển tâm hỉ thì bạn sẽ đạt được mục đích. Bạn cần nhớ rõ là hỉ giác chi chỉ phát sinh khi tâm tương đối sạch các phiền não. Bởi thế, muốn có hỉ lạc, bạn phải tinh tấn chánh niệm trong từng phút giây để sự định tâm phát sinh và phiền não bị đè nén. Bạn phải luôn luôn hướng tâm vào việc phát triển hỉ mãn qua sự chánh niệm liên tục, dù bạn đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm hay đang làm các công việc khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]