Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Mấy vị đệ tử ngỗ nghịch

21/03/201103:50(Xem: 5903)
46. Mấy vị đệ tử ngỗ nghịch

TRUYỆN PHẬT THÍCH-CA
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

HỒI THỨ BA

46. MẤY VỊ ĐỆ TỬ NGỖ NGHỊCH

Khi ấy, đức Phật đang ở trong một tinh xá nhỏ nơi thành Câu-đàm-di. Dân chúng nơi đây thường đến nghe Phật thuyết pháp một cách sốt sắng. Nhiều người qui y, nhiều người xin xuất gia, thọ giới làm tỳ-kheo. Vua Ưu-đà-diên ở xứ này là một Phật tử thuần thành, thậm chí ngài có cho thái tử Ra-trá-ba-la xuất gia theo Phật học đạo.

Nhưng chính ở xứ Câu-đàm-di này, Phật chứng kiến một việc đáng buồn.

Trong thành có một tinh xá lớn hơn nơi Phật đang ở, do ông trưởng giả Gô-si-ta xây cất để cúng dường, nên gọi là tinh xá Gô-si-ta. Tăng chúng tu học ở đó có đến mấy trăm vị. Đặc biệt là chia làm hai nhóm, một nhóm chuyên học về kinh, có vị đứng đầu gọi là Kinh sư; một nhóm chuyên học về luật, có vị đứng đầu gọi là Luật sư.

Một hôm, vị Kinh sư đi vào nhà cầu ra, dội nước xong còn thừa một ít trong chậu, nhưng ông quên không đổ nước đi để úp chậu xuống.

Ngay khi đó, đến lượt vị Luật sư đi cầu. Ông thấy vậy thì ra ngoài nói ngay với vị Kinh sư rằng: “Tại sao thầy làm sai luật?” Vị Kinh sư trả lời: “Tôi không biết.” Vị Luật sư nói: “Không biết thì không phạm luật.”

Sự việc chỉ có thế. Tưởng không có gì đáng nói nữa. Nhưng rồi vị Luật sư sau đó nói với các tỳ-kheo trong nhóm của mình rằng: “Vị Kinh sư phạm luật.” Các tỳ-kheo phái luật liền truyền ra khắp nơi rằng: “Vị Kinh sư phạm luật.”

Các tỳ-kheo thuộc phái thầy Kinh sư liền đem chuyện ấy mà hỏi. Vị Kinh sư liền nói rằng: “Vị Luật sư đã nói với ta rằng: ‘Không biết thì không phạm luật.’ Bây giờ lại đi nói với người khác rằng ta phạm luật. Sự việc rõ ràng như thế thì ông ta đúng là mắc tội vọng ngữ.”

Các tỳ-kheo trong nhóm thầy Kinh sư liền đi nói với các thầy bên nhóm Luật sư rằng: “Thầy của các ông mắc tội vọng ngữ.”

Thế là sự việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Nhóm này chỉ trích nhóm kia là phạm luật, còn nhóm kia lại bảo nhóm này là nói láo. Vấn đề không còn là của hai vị Kinh sư và Luật sư nữa, mà trở thành sự tranh cãi gay gắt giữa hai nhóm.

Có một số các tỳ-kheo sáng suốt, không rơi vào hai nhóm trên. Họ chỉ lo việc tu tập mà thôi. Khi thấy việc tranh cãi ngày càng to chuyện hơn, họ liền đến báo với đức Phật để nhờ can thiệp.

Phật cho một vị tỳ-kheo thay mặt đến, khuyên cả hai bên hãy dẹp bỏ những tự ái, cố chấp của mình đi, hãy cố sống trong sự cảm thông và hòa hợp cùng nhau. Nhưng cả hai bên đều bỏ ngoài tai những lời khuyên quý báu ấy. Lửa sân hận của họ đang cháy đến cao độ, họ không còn sáng suốt nữa. Bấy giờ, hai bên đều đối với nhau như kẻ thù.

Phật liền thân hành đến khuyên dạy. Ngài không chỉ trích, phê phán bên nào cả, mà chỉ ôn tồn khuyên bảo cả hai bên nên can đảm mà dẹp bỏ sự tự ái, cố chấp của mình, để gìn giữ sự hòa hợp quý báu của Tăng-già.

Thật bất ngờ, sau khi nghe hết lời Phật, một tỳ-kheo bỗng đứng lên nói rằng:

“Bạch Thế Tôn, xin ngài đừng xen vào chuyện này. Xin ngài hãy an tâm mà lo chuyện thiền định của ngài. Tất cả chúng tôi đều đã đủ trí khôn để tự giải quyết những chuyện như thế này.”

Đức Phật biết rằng các vị tỳ-kheo ấy đã bị mù quáng vì lửa sân hận và lòng kiêu mạn, không còn có thể tiếp nhận ánh sáng chân lý trong lời nói của ngài được nữa. Vì vậy, ngài lặng lẽ bước ra, rời khỏi tinh xá.

Đức Phật rời tinh xá rồi theo đường lớn mà đi ra chỗ đồng vắng. Ngài cũng không cho thị giả biết mình đi đâu. Đi mãi đến khu rừng kia, ngài gặp các vị đệ tử đang tĩnh tọa nơi đó. Ấy là các ông Bạt-già, A-na-luật và Kim-tỳ-la. Các vị gặp Phật đi một mình đến thì đều ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng.

Phật hỏi chuyện tu tập. Ba vị trình bày với Phật là họ sống rất hòa thuận nơi đây, nhắc nhở nhau cùng tu tập. Phật rất hài lòng. Ngài nghĩ, có nhiều đệ tử của ta vui sống hòa thuận và không cãi lẫy nhau.

Mùa an cư năm ấy, trong ba tháng, ngài quyết định cư trú lại nơi khu rừng này. Không có thị giả, mỗi ngày ngài đi đến xóm làng khất thực, rồi trở lại rừng mà tham thiền.

Khu rừng ấy đặc biệt có rất nhiều thú. Trong thời gian ngài ở đây, có một bầy voi và mấy con vượn thường đến chơi quanh quẩn bên chỗ ngài tọa thiền.

Gần chỗ ngài tọa thiền có một hồ nước trong rất đẹp, bầy voi hay xuống đó uống nước và đùa nghịch cùng nhau.

Mỗi khi voi con trong bầy chạy chơi xa vào rừng, không còn theo bầy, voi mẹ liền cất lên một tiếng hú dài. Voi con nghe tiếng hú ấy liền lập tức quay lại, tụ tập quanh voi mẹ.

Sau nhiều lần nghe tiếng hú ấy, một hôm Phật thử bắt chước theo như vậy. Ngài hú giống voi mẹ lắm, nên bầy voi con chạy đến vây quanh ngài. Ngài lấy tay xoa đầu một con. Bầy voi quanh quẩn với ngài một lát rồi đi.

Sau mùa an cư, Phật đi thẳng về thành Xá-vệ. Tin ngài trở lại thành Xá-vệ làm cho tất cả chư tăng ni nơi đây đều hết sức vui mừng. Ngay lập tức, họ tụ tập đông đảo nơi tinh xá Kỳ Viên để mong lại được nghe ngài thuyết pháp.

Chư tăng ni ở thành Xá-vệ cũng đều đã nghe chuyện bất hòa trong tăng đoàn ở Câu-đàm-di. Tất cả đều lấy làm tiếc cho điều đó. Phật liền lấy lời từ hòa mà an ủi hết thảy đại chúng. Ngài nói:

“Không bao lâu nữa, các vị huynh đệ ấy sẽ tự biết thức tỉnh, ăn năn.”

Quả thật, chỉ mấy hôm sau thì có người báo tin tăng đoàn bên Câu-đàm-di đang trên đường sang thành Xá-vệ.

Nguyên nhân là, sau khi Phật bỏ Câu-đàm-di mà đi, vụ tranh cãi trở nên không thể dàn xếp được. Các vị tỳ-kheo sáng suốt không theo phe nào đều chán ngán bỏ đi hết. Còn lại những ông tăng mê muội ấy không đủ oai đức để tín đồ nương tựa, họ đều dần dần xa lánh không lui tới nghe pháp, cũng không cúng dường cho các ông nữa. Bấy giờ họ mới nghĩ lại và thấy hết sự dại dột của mình, muốn tìm Phật để cầu sám hối nhưng bặt tin không biết Phật ở nơi đâu. Nay vừa nghe tin Phật trở về thành Xá-vệ, họ liền kéo nhau lần sang.

Một buổi sáng kia, bọn họ vào đến vườn Cấp-cô-độc, nhưng không dám vào, còn đứng ngoài cổng. Trông bộ dạng họ âu sầu và tiều tụy lắm. Thiên hạ không còn cúng dường cho họ nữa, người ta bất bình vì nghe chuyện họ cãi lời đức Phật. Bây giờ họ kéo nhau đến mà xin sám hối với Phật.

Khi ấy, ông trưởng giả Tu-đạt thay mặt cho thiện nam tín nữ trong thành đến lễ Phật mà hỏi có nên cúng dường cho mấy ông tăng ngỗ nghịch ấy hay chăng. Phật bảo hãy cứ cung kính mà cúng dường các vị ấy như trước.

Tiếp đó, đại đức Xá-lỵ-phất cũng vào thỉnh ý Phật có nên tiếp các vị tăng ấy vào tinh xá hay chăng. Phật bảo cứ tiếp đón họ chu đáo theo nghi thức của tăng đoàn.

Hôm sau, các vị tăng ấy thưa với đại đức Xá-lỵ-phất xin được sám hối lỗi lầm cùng Phật. Xá-lỵ-phất bảo các vị ấy rằng việc tự thấy lỗi lầm mà sám hối, ăn năn chừa bỏ mới là quan trọng. Nhưng các vị mong muốn được sám hối trước mặt Phật mới an lòng.

Phật liền chỉ dạy cho họ cách sám hối như thế nào.

Đầu tiên, vị Kinh sư quỳ xuống trước vị Luật sư và đại chúng, nói với vị Luật sư rằng:

“Bạch đại đức, tôi nhận là mình có phạm luật. Tôi xin sám hối trước đại đức và với đại chúng, để tinh thần tu tập của chúng ta được trở lại hòa hợp như cũ.”

Kế đó, vị Luật sư cũng quỳ xuống trước vị Kinh sư và đại chúng, nói với vị Kinh sư rằng:

“Bạch đại đức, tôi nhận là mình đã nói không đúng sự thật, gây chia rẽ bất hòa trong Tăng-già. Tôi xin sám hối trước đại đức và với đại chúng, để tinh thần tu tập của chúng ta được trở lại hòa hợp như cũ.”

Các vị tỳ-kheo theo hai phe nhóm kình chống nhau giờ đây cũng tự biết lỗi lầm. Họ cũng sám hối và nguyện sẽ không còn để cho những tự ái xằng bậy và lòng kiêu mạn lấn át nữa.

Mấy ngày sau, các vị lần lượt trở về Câu-đàm-di để tiếp tục tu học.

Qua sự việc này, các vị đệ tử lớn của Phật nhận thấy cần phải làm một điều gì đó để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Các vị bèn cùng nhau soạn thảo ra một số quy tắc phải tuân theo khi tổ chức cộng đồng tu học, nhằm đảm bảo sự hòa hợp bền vững. Sau nhiều ngày bàn thảo, đúc kết, các vị rút gọn hết thảy vào sáu điều căn bản và trình lên đức Phật. Phật khen ngợi nội dung sáu điều ấy và cho phép ban hành, phổ biến khắp tất cả các tu viện thuộc giáo hội Tăng-già. Sáu điều ấy được gọi tên là Lục hòa kính, cho đến ngày nay vẫn còn là kim chỉ nam cho tất cả mọi cộng đồng tu tập trong Phật giáo. Nhiều bậc tôn túc về sau vẫn thường xem đây như là bản Hiến pháp của Tăng-già.

Sáu điều ấy cụ thể là:

1. Cùng nhau cư trú trong hòa thuận: Mọi người trong cộng đồng phải giữ hòa thuận với nhau ở nơi cư trú. Phải biết nhường nhịn, chia sẻ nhau mọi phương tiện, tiện nghi chung của nơi cư trú đó, như là phòng ốc, ánh sáng, nguồn nước sinh hoạt...

2. Lời nói hòa thuận cùng nhau không tranh cãi: Mọi người trong cộng đồng phải tránh nói ra những lời gây tranh cãi, phải biết nói lời hòa nhã, khiêm tốn, dẹp bỏ tự ái cá nhân và lòng kiêu mạn.

3. Tâm ý hòa thuận cùng nhau vui vẻ: Mọi người trong cộng đồng phải thống nhất ý kiến. Phải biết lắng nghe nhau để đi đến sự thống nhất đó, không ai được độc đoán, bảo thủ.

4. Giữ giới hòa thuận cùng nhau tu tập: Mọi người trong cộng đồng phải cùng nhau nghiêm trì giới luật. Phải biết giúp đỡ, cảm thông nhau để nâng đỡ cho nhau cùng tiến bộ trong việc tu tập.

5. Chia sẻ tri thức để cùng nhau hiểu biết: Mọi người trong cộng đồng phải cùng nhau chia sẻ tri thức, không ai được giữ lấy kiến thức như chỗ sở kiến của riêng mình. Phải biết học hỏi, chỉ dẫn cho nhau để cùng hiểu biết.

6. Chia sẻ đồng đều mọi nguồn lợi tức: Mọi người trong cộng đồng phải chia sẻ đồng đều với nhau về mọi thứ có được, như vật thực do tín thí cúng dường hoặc lợi tức chung của cộng đồng... Không ai được dành lấy phần hơn hoặc có ý nghĩ rằng một nguồn lợi nào đó là của riêng mình.

Với sáu điều hòa kính này, mọi cộng đồng đều sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho người tu tập. Và nếu mọi người tôn trọng, giữ đúng những nguyên tắc này thì mọi nguyên nhân gây chia rẽ, bất hòa đều bị dẹp bỏ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]