Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Lục 3: Niệm Phật Toàn Thân

26/04/201311:31(Xem: 3210)
Phụ Lục 3: Niệm Phật Toàn Thân


VÀI CHÚ GIẢI VỀ THIỀN ĐỐN NGỘ

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

---o0o---

Phụ Lục 3

Niệm Phật Toàn Thân

---o0o---

Niệm Phật, đó là một trong những cội nguồn hạnh phúc nhất mà người tu có thể cảm nhận được, tuy là không dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng. Nhiều người vẫn cho rằng cần truy tìm các pháp môn phức tạp, khó khăn như Thiền Tông hay Mật Tông, và cho là việc Niệm Phật quá dễ làm, sợ là không đủ thách đố cho quyết tâm của mình. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Mặc dù chúng ta từng đọc các lời Chư Tổ bênh vực cho Pháp Môn Niệm Phật, nhưng vẫn khởi tâm cho rằng việc quá dễ như vậy thì không đúng với khát vọng tu tập của mình. Nói cho cùng, Niệm Phật vẫn không thật là dễ.

Trước tiên là phải tín tâm. Không có lòng tin thì hành động không chuyên nhất. Hãy tin sâu vào nhân quả, tất cả mọi biến chuyển trong đời đều do nghiệp lực hóa hiện ra. Đừng nghĩ rằng mình có tài ba mỗi khi thành công, và đừng nghĩ là xui xẻo khi thất bại. Tài năng hay vụng về cũng là do tự mình chuyên học, do cơ duyên và do nghiệp. Thành hay bại cũng là tiếng nói của nghiệp lực thôi. Hãy lắng nghe tiếng nói này. Thứ nhì là tin sâu vào Phật Pháp. Tin rằng đây là con đường giải thoát, và hãy chuyên cần đọc Kinh Phật để thấy gương Chư Phật, Chư Tổ tu học thiết tha, để mang ơn sâu Chư Phật, Chư Bồ Tát đã không thôi từ bi dùng nhiều phương tiện cứu độ, để thấy trách nhiệm của mình cần cứu độ cha mẹ, người thân và chúng sinh các loài. Thứ ba là tin sâu vào Niệm Phật. Phải thấy đây là nguyện lực của Đức Phật A Di Đà muốn đưa chúng sinh cõi này về Phương Tây Cực Lạc. Nếu nghĩ rằng Cực Lạc chỉ là Cõi Huyễn Hóa do Phật phương tiện, thì tại sao không thấy ngay trước mắt rằng các cảnh, các vật cũng chỉ là huyễn hóa, là hoa đốm? Nhưng nếu nghĩ rằng Cực Lạc là Cõi Thật, còn Ta Bà là Cõi Không Thật thì cũng là sai, bởi vì trong Tâm Phật thì ngay tới Thật với Không Thật cũng không có chỗ bám.

Tu học cũng cần khởi nghi tâm và từ từ tìm phương tiện giải nghi. Nhiều người nghi rằng Thiền Tông mới là tối thắng, vì là đơn đao nhập cuộc, thấy tánh thành Phật ngay trong một đời. Còn Niệm Phật chỉ là phương tiện. Nếu bạn có lòng nghi này thì cứ nghi cho tận cùng đi, và phải thật tâm tu Thiền. Rồi sẽ tới một lúc bạn thấy rằng, khi bạn khởi tâm Niệm Phật, cảnh giới cũng không khác gì của Thiền. Nếu bạn nghi rằng Mật Tông mới là tối diệu, cứ chọn một pháp môn và trì chú đi, thật tinh chuyên. Khi vào được cảnh giới tâm nào cũng là Tâm Phật, thì bạn sẽ không còn ngờ vực gì chuyện Niệm Phật có rời tâm này hay không. Còn nếu lấy nghi tâm để suy luận vặn vẹo thì là hoàn toàn sai. Khi nghi thì phải thật nghi, và giải nghi không thể bằng lý luận được. Khi nghi thì phải toàn tâm và toàn thân đều là một khối nghi, khi cả lý luận với suy lường đều không khởi lên được mới là thật nghi. Lấy cái nghi tâm này Niệm Phật cũng là một phương tiện.

Vấn đề chỉ là, tại sao chúng ta đang trong cơn mộng, mà lại còn thấy có gì là tối thắng với chẳng tối thắng? Khi vào được cái nhìn, thấy rằng trước mắt mọi đền đài, xe cộ, người vật... đều từ mộng mà ra thì tất cả các pháp môn đều không lìa nhau. Đâu phải là chúng ta chỉ mộng trong khi ngủ. Để gợi một phần cảm giác này, bạn hãy nhớ lại những chuyện khi còn nhỏ đi học trường làng, khi đá bóng trong xóm, khi đạp xe giữa phố chợ Sài Gòn... và thấy nó qua đi hệt như giấc mộng. Còn bây giờ, ngồi trước máy điện toán, hay khi xem TV, hay khi đi bộ kinh hành, bạn tin cảnh này là thật sao? Nó cũng chỉ là như ráng nắng ban chiều, như hoa đốm hư không thôi. Các pháp vốn thật bình đẳng, mộng với thực không lìa nhau. Nói cho cùng, cái gọi là thực hay mộng cũng không hề có chỗ bám trong Tâm Phật.

Niệm Phật trước tiên là miệng Niệm Phật. Bạn đừng nói điều dữ, điều hại chúng; bởi vì không thể dùng miệng lúc Niệm Phật, lúc Niệm Ma được. Bạn phải ăn chay trường, nếu có thể thu xếp được. Bởi vì ăn thịt chúng sinh mà đòi tự giải thoát cho mình và đòi cứu độ các loài thì là chuyện không thể có. Thêm nữa, đã ăn thịt chúng sinh thì sao còn mở miệng Niệm Phật được. Và bạn hãy niệm tinh chuyên tới chỗ lời nào cũng là lời Niệm Phật, dù khi ứng phó mọi chuyện trong đời, khi nói chuyện điện thoại, khi mở lời đùa giỡn với trẻ em, khi thuyết phục người đừng làm điều dữ, khi năn nỉ người khởi lòng từ bi phóng sinh, khi đau đớn rên la trên giường bệnh... Bất kỳ lời nào thốt ra cũng là lời Niệm Phật, thì đó mới là Niệm Phật.

Niệm Phật là tay Niệm Phật. Phải giữ giới, không sát sinh, không trộm cắp, không đánh người, không hạ thủ những điều bất xứng. Nếu miệng Niệm Phật mà tay làm điều không lành, làm hại chúng sinh, thì cũng là hỏng; nghĩa là miệng Phật tay Ma, có nghìn Phật A Di Đà tới trước mặt cũng không cứu nổi.

Niệm Phật là chân Niệm Phật. Làm ơn, đừng đưa chân đá người hay giẫm đạp chúng sinh. Làm ơn, hãy đưa chân đi con đường ngay ngắn. Mỗi một bước đi là một chân Niệm Phật. Không cần quán tưởng hay tưởng tượng gì hết. Bạn cứ Niệm Phật tinh chuyên, thì tức nhiên từng bước đi là một dấu ấn của Phật A Di Đà.

Niệm Phật là mắt Niệm Phật. Bạn đừng đưa mắt vào các nơi dễ làm loạn tâm, cũng đừng dùng mắt dọa dẫm ai, cũng đừng chơi màn liếc mắt đưa tình. Hãy quên đi những thói quen của thời chưa Niệm Phật. Bạn hãy Niệm Phật cho tinh chuyên, và rồi mắt bạn nhìn tới đâu cũng thấy đó là lời Niệm Phật đang ghi khắp cùng pháp giới. Khi vào phố chợ, cũng đừng khởi tâm cho là mình đang nhìn các giai nhân hay ác phụ; tất cả chỉ là hình bóng trong mơ thôi, và mắt nhìn tới đâu thì tất cả đều biến thành các hóa thân của Phật A Di Đà trong cùng khắp pháp giới. Nhưng đừng quán tưởng hay tưởng tượng khi nhìn bất cứ những gì, bởi vì khi đã trong mộng, thì đừng tạo thêm mộng khác nữa. Cứ tự nhiên Niệm Phật là đủ, thế giới trước mắt sẽ là Phật Cảnh.

Niệm Phật là tai Niệm Phật. Đừng bịt tai luyện luân xa, cầu ảo giác; đó chỉ là trò của ma thôi. Cứ để tai tự nhiên nghe lời Niệm Phật, ra tiếng hoặc thầm trong lòng. Đừng để tai rơi vào các thói quen chưa tu, khi lòng phân biệt điều ưa nghe, điều ghét nghe. Mặc kệ mọi chuyện. Dù bạn có cố ý nghe hay vô tâm nghe, thì Tánh Nghe vẫn hiển hiện. Dù là hai bàn tay vỗ, hay một bàn tay vỗ, thì Tánh Nghe vẫn hiển hiện. Nên cứ để mặc cho nó hiển lộng. Cũng đừng lựa chọn điều này để nghe, điều kia để bỏ. Cứ tự nhiên nhi nhiên. Hãy niệm cho tinh chuyên, sẽ tới một lúc âm thanh nào cũng là lời Niệm Phật, dù là bạn có đi giữa phố chợ, nghe mắng mỏ, vân vân. Đừng nghĩ đó là ảo tưởng hay ảo giác hay thực tướng... Tất cả chỉ là trong mộng mà tu thôi. Nhưng lìa mộng này thì không có cảnh giới Phật. Sóng chỉ là nước, và nước chính là sóng. Tánh không lìa Tướng, và Tướng không lìa Tánh.

Niệm Phật là Toàn Thân Niệm Phật. Bất kỳ phân vuông da thịt nào trên cơ thể của bạn cũng đều đang Niệm Phật. Đừng quán tưởng hay tưởng tượng hình dung gì. Cảnh giới đó sẽ tự nhiên hiện ra. Móng tay, móng chân, cùi chỏ, đầu gối, ngực, lưng, đầu, bụng... của bạn nơi nào cũng đang Niệm Phật. Gắn bó với Niệm Phật thì toàn thân sẽ thành một Khối không lìa. Bất kỳ một cử chỉ, một động đậy nào trong cơ thể bạn cũng sẽ là lời Niệm Phật chuyển động. Và khi bạn đi, thì đó là đi Niệm Phật. Khi bạn ngồi, thì đó là ngồi Niệm Phật. Bạn sẽ thấy hài lòng, khinh khoái, nhưng đừng gắn bó hay ham thích các cảm giác đó. Đã ở trong mộng, mà còn ưa thích gì hay ghét bỏ gì thì đó là tâm chúng sinh, không phải là Tâm Phật mà bạn đang Niệm.

Niệm Phật là Niệm Phật Tâm, hay Tâm Niệm Phật. Khi tay chân, thân thể, tai mắt, da thịt đều là một khối với Niệm Phật, thì Tâm bạn cũng đừng khởi phân biệt là Có Niệm Phật hay Không Niệm Phật. Tánh Phật A Di Đà sẽ không rời chúng ta. Mà nói cho cùng, Tánh Phật này có bao giờ rời chúng sinh bao giờ đâu. Mà khi nói rằng có một tâm chúng sinh tìm cầu tới một Tâm Phật thì cũng là hỏng, đó chưa thật là Niệm Phật. Trong Niệm Phật chân thật, chỉ có một Tánh Vắng Lặng, Trong Trẻo, không thể nào biện biệt ra cho được một cái gì gọi là tâm chúng sinh với Tâm Phật. Ngay cả khi bạn không đọc lên câu lục tự Di Đà, hay không cả nghĩ tưởng gì tới câu này, toàn khối Niệm Phật cũng không xa lìa bạn chút nào, thì đó mới là Niệm Phật.

Niệm Phật là cực kỳ đơn sơ Niệm Phật, y hệt những bà cụ mù chữ trong làng quê. Hãy cầm xâu chuỗi bồ đề, lần chuỗi tay không lìa, nếu điều kiện sống của bạn cho phép. Lần một hạt chuỗi là một câu Niệm Phật. Hoặc hai câu cũng được. Hoặc không câu nào cũng được. Nhưng với lòng đơn sơ, của người sơ tâm, niệm tới khi thấy toàn thân Niệm Phật, thế là được.

Khi nào niệm tới chỗ thấy toàn pháp giới Niệm Phật, thế là được. Và đừng bao giờ lìa câu Niệm Phật này. Kể cả khi nhắm mắt ngủ. Mở mắt hay nhắm mắt, cũng chỉ là mộng. Đi bộ hay nằm ngủ, cũng chỉ là mộng. Niệm Phật hay Không Niệm Phật, cũng chỉ là mộng. Nhưng lìa mộng cũng chẳng có cái Thực.

Hạnh phúc chính là, đi trong cuộc đời mà vẫn thấy Toàn Thân Niệm Phật chỉ vì lòng từ bi với chúng sinh. Còn chuyện giải thoát? Khi vào chỗ toàn pháp giới Niệm Phật thì có gì mà cắt lìa giữa cảnh giới giải thoát với cảnh giới chưa giải thoát? Nhưng lìa câu Niệm Phật, sợ là khó thể thấy được những cảnh giới này vậy.


Chân thành cảm ơn đạo hữu Nguyên Giác đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này. 
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)



Trình bày: Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]