Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Cửa Thứ Ba: Nhị Chủng Nhập.

25/04/201312:55(Xem: 3713)
4. Cửa Thứ Ba: Nhị Chủng Nhập.

SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT

Bồ-đề Đạt-ma

Trúc Thiên Dịch

---o0o---

CỬA THỨ BA: NHỊ CHỦNG NHẬP

Phàm vào đạo có nhiều đường nhưng nói cho cùng thì không ngoài hai đường này:

Một là lý nhập.

Hai là hạnh nhập.

I. LÝ NHẬP:là mượn "giáo" để ngộ vào "tông", tin sâu rằng tất cả sanh linh đều chung đồng một chân tánh, chỉ vì khách trần bên ngoài và vọng tưởng bên trong che lấp nên chân tánh không hiển lộ được.

Nếu bỏ vọng về chân, tinh thần ngưng trụ như vách đá (1) thì không thấy có ta có người, thánh phàm một bực như nhau; nếu một bực kiên cố không lay chuyển, rốt cùng không lệ thuộc vào văn giáo, được như thế tức ngầm hợp với lý, hết ý niệm phân biệt.

Vô vi một cách vắng lặng và hồn nhiên gọi là lý nhập

II. HẠNH NHẬP:là nói về bốn hạnh, ngoài ra các hạnh khác đều bao gồm trong ấy.

Bốn hạnh là gì?

- Một là báo oán hạnh.

- Hai là tùy duyên hạnh.

- Ba là vô sở cầu hạnh.

- Bốn là xứng pháp hạnh.

1. Sao gọi là BÁO OÁN HẠNH?

Người tu hành khi gặp cảnh khổ nên tự nghĩ như vầy:

"Ta từ bao kiếp trước buông lung không học, bỏ gốc theo ngọn, trôi dạt theo vật chất, nặng lòng thương ghét, gây hại không cùng. Ðời nay tuy ta không phạm lỗi, nhưng nghiệp dữ đã gieo từ trước tới nay kết trái chín, điều ấy nào phải do trời hoặc người tạo ra đâu, vậy ta đành nhẫn nhục chịu khổ đừng nên oán trách".

Kinh nói: "Gặp khổ không buồn.

Vì sao vậy? Vì thấu suốt (luật nhân quả) vậy.

Khi tâm ấy đã sanh (2) ấy là ứng hợp với lý.

Mượn oán mà hành đạo nên nói là hạnh trả oán.

2. TÙY DUYÊN HẠNH

Chúng sanh đều do duyên nghiệp chuyển thành, chẳng có cái tôi. Mọi nỗi khổ vui đều do nhân duyên sanh. Nếu nay được quả báo tốt, hưởng đủ vinh dự, ấy là do nhân lành thuở trước cảm nên, nay mới được vậy. Hễ hết duyên thì lại hoàn không, mừng vui nỗi gì? Ðược mất đều tùy theo duyên, nhưng tâm người không vì vậy được thêm hoặc bớt mất.

Nếu thấu đáo được vậy thì gió vui chẳng động, lặng lẽ mà thuận đạo, nên nói là hạnh tùy thuận theo duyên nghiệp.

3. VÔ SỞ CẦU HẠNH

Người đời mãi đắm mê, việc gì cũng tham trước thế gọi là cầu.

Bậc trí ngộ được lẽ chân, chuyển ngược thế tục, nên tâm an trụ ở vô vi, thân hình tùy nghi vận chuyển.

Muôn vật đều là không, có gì vui mà cầu được.

Hể có công đức thì liền có hắc ám đuổi theo.

Có thân ắt khổ, được gì mà vui?

Ở lâu trong ba cõi khác nào như trong nhà lửa.

Có thân ắt khổ, được gì mà vui?

Thông suốt được như vậy, ắt buông hết sự vật, dứt tưởng chẳng cầu.

Kinh nói: "Còn cầu còn khổ. Hết cầu mới được vui".

Xét biết không cầu mới thực là đạo hạnh, nên nói là hạnh không cầu mong.

4. XỨNG PHÁP HẠNH

Cái lý thanh tịnh của tự tánh gọi là pháp.

Tin hiểu lý ấy thì mọi hình tướng hóa thành không, không nhiễm không trước, không bỉ, không thử.

Kinh nói: Pháp không có chúng sanh, hãy lìa chúng sanh cấu. Pháp không có tướng ngã, hãy lìa ngã cấu.

Bậc trí tin hiểu được vậy thì tùy xứng theo pháp mà hành.

Bổn thể của Pháp vốn không tham lẫn, cho nên dù đem thân mạng và của cải ra bố thí vẫn không hối tiếc. Thấu rõ ba cái không (3) thì không còn ỷ lại và chấp trước. Chỉ cần gạn trừ trần cấu, tùy nghi giáo hóa chúng sanh, nhưng không mắc phải hình tướng, thế là tự hành, đã lợi người lại thêm trang nghiêm đạo Bồ đề. Bố thí đã vậy thì năm độ (Bát nhả) khác cũng thế. Vì dứt trừ vọng tưởng mà hành phép tu sáu độ, nhưng thật không có gì gọi là hành cả nên nói là hành tùy xứng theo pháp. Kệ rằng:

Ngoại tức chư duyên,

Nội tâm vô đoạn.

Tâm như tường bích,

Khả dĩ nhập đạo.

Minh Phật tâm tông,

Ðẳng vô sai ngộ.

Hành giải tương ưng,

Danh chi viết tổ.

Nghĩa:

Ngoài bứt muôn duyên,

Trong bặt nghĩ tưởng.

Tâm như tường vách,

Mới là vào đạo.

Sáng Phật tâm tông, (4)

Thảy không sai ngộ.

Lấy hiểu hợp nhau,

Ấy gọi là Tổ.

GHI CHÚ:

(1) Nguyên văn: ngưng trụ bích quán có nghĩa là lắng đọng trong cái định bích quán, cái định ấy không khác gì hơn là Tổ sư Thiền.

(2) Khi có được tư tưởng ấy.

(3) Ba không: không người cho, không người nhận, không vật bị cho; nói chung thì không ngã, không nhân, không vật mà chỉ có hành động.

(4) Lấy tâm Phật làm tông chỉ, tức là Thiền, đối với các pháp môn khác lấy lời nói của Phật làm tông chỉ gọi là Phật ngữ tông.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]