Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cẩm Nang Sống Thiền.

23/04/201318:37(Xem: 8957)
Cẩm Nang Sống Thiền.
160camnangsongthien-bia

CẨM NANG SỐNG THIỀN
Soạn giả: Nguyễn Ước

THAY LỜI NÓI ÐẦU (^)

Thưa bạn,

Từ lâu, tôi ao ước có dịp soạn một tác phẩm theo lối nói thường ngày, để bạn và tôi cùng nếm trải đôi chút phong vị Thiền. Hôm nay, giấc mơ ấy thành sự thật với tập sách nhỏ bạn đang cầm trên tay. Ðây cũng là cơ duyên cho tôi, trên con đường đạo, được may mắn và hân hoan hội ngộ bạn đồng hành, những người đang thao thức vì từng nghe tiếng chân lý gọi mình.

Như bạn biết, Thiền Tông được truyền sang Trung Hoa vào thế kỷ thứ sáu. Một thế kỷ sau, Thiền có mặt ở Việt Nam, trước lúc được lan qua Nhật năm thế kỷ, có lẽ theo ngả Triều Tiên.

Từ những thời điểm đó và trong bốn dân tộc đồng văn, tinh thần mộc mạc, thanh thoát, vô ngã và như nhất của Thiền thấm sâu vào văn hóa, các bộ môn văn chương nghệ thuật, sinh hoạt dân giã, để làm thành một cuộc sống mộc mạc, hài hòa và đầy hương vị.

Với Thiền tính, con người tự tại và xã hội thăng hoa. Con người tìm thấy bản tính tự nhiên của mình để sống an nhiên giữa dòng đời. Xã hội có không gian bao la cho các giá trị tâm linh và là chỗ dung chứa với tinh thần tổng hợp mọi khác biệt.

Tới mấy thế kỷ vừa qua và hiện nay, Thiền đi tiếp con đường linh hướng của nó trên khắp thế gian, khi bắt gặp những tâm hồn đồng điệu ở chốn trời tây. Thiền chinh phục các vùng đất xa xôi và thâm nhập sâu rộng hơn vào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của người phương tây. Thiền không còn chỉ là cốt lõi của văn hóa á đông mà đang trở thành duyên hội ngộ, chốn đồng cảm trên khắp năm châu thế giới. Cái thanh tĩnh, vô ngã và như nhất trong Thiền nay lan tỏa và góp phần qui nguyên loài người trở về đại đồng huynh đệ.

Hoa trái của tình trạng thấm sâu ấy được bạn và tôi gặt hái qua những trang giấy này. Tại đây, vượt thời gian diệu vợi và không gian muôn trùng, những con người cảm nhận, suy tư, sinh hoạt và tu tập trong những cảnh đời khác nhau cùng về hội tụ. Bạn sẽ bắt gặp các giáo chủ, thiền sư, vua chúa, văn nghệ sĩ, triết gia, nhà thể thao, v.v. với những phát biểu súc tích, có thể làm bạn bâng khuâng thở nhẹ hay nở nụ cười tươi.

Và những dòng chữ ấy sẽ cùng đi theo, góp phần giúp bạn và tôi tự xóa mây mù, bước khinh khoái trên con đường đạo vốn một chiều và chỉ mở thẳng vào tâm hồn mình. Ðể bạn tìm thấy chân lý, chấm dứt khổ não đồng thời sống chan chứa niềm hạnh phúc vốn nằm sẵn trong tâm hồn bạn.

Với lối trình bày trong sách này, bạn có thể mở ở bất cứ trang nào, đọc bất cứ dòng nào, từ đầu sách hay ngược lại. Và chúng tôi mong ước nó được bạn biến thành hành lý bên người, để mỗi khi đọc lại một đôi câu và soi mình vào đó, bạn lại thấy tâm hồn thêm tươi mát hồn nhiên, người đời vẫn đáng yêu vàø cuộc đời rất đáng sống giữa đất trời mênh mang và xinh đẹp.

Và vì chúng ta là người phương nam, sống trong thời buổi chịu nhiều ảnh hưởng đa dạng của phương tây, nên tôi mời bạn lướt qua hai thiền thoại dưới đây, như để nhẹ nhàng khép lại trang mở đầu và phơi phới đi vào các trang kế tiếp.

Chẳng có câu không trả lời

Chẳng sắp có câu trả lời nào

Không bao giờ có câu trả lời

Ðó là câu trả lời.

Gertrude Stein

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn hỏi: - Ông từ đâu đến?

Huệ Năng đáp: - Lĩnh Nam.

Tổ hỏi: - Ông muốn cầu gì?

Ðáp: - Chỉ cầu làm Phật.

Tổ nói: - Người Lĩnh Nam không có tánh Phật, sao làm Phật được?

Huệ Năng bèn đáp ngay: - Người đành có nam bắc, tánh Phật há vậy sao?

NHẬP THẤT(^)

Phật tánh không chia nam bắc nên nếu có ý tưởng rằng tinh thần của Thiền mang tính cách độc quyền của phương Ðông thì rõ ràng đó là lối nghĩ tưởng nhị nguyên, đã bị chính Thiền phủ định ngay.

Trong thực tế, văn hoá mười phương đều ngân vang vô số những diễn đạt đầy minh triết của Thiền, trong văn chương và triết học xưa nay, ngay cả trong khoa học, đặc biệt trong vật lý hiện đại, nơi các quan điểm cũ được thay thế bởi cái nhìn mới, xem vũ trụ trôi chảy như một toàn thể không thể tách rời và không có thành phần nào quan trọng hơn thành phần nào.

Thiền không bị giam hãm ở phương Ðông. Thiền không bị giới hạn trong Phật giáo. Thiền không ở bên trong cương giới của Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam... Thiền không bị tù túng trong am đền tu viện. Thiền chẳng dành ưu tiên cho người tu hành hơn kẻ lữ thứ. Thiền phơi phới nơi nơi. Có lẽ vì thế, Erich Fromm đã nhận xét rằng đó chính là "lý do tại sao ngày nay tư tưởng tôn giáo phương Ðông, Lão giáo và Phật giáo - với sự pha hợp của cả hai trong Thiền Phật giáo - chiếm vai trò hết sức quan trọng tại phương Tây. Thiền Phật giáo giúp con người tự tìm thấy giải đáp cho vấn nạn về sự hiện hữu của hắn, một giải đáp giống một cách cốt tủy với giải đáp được đưa ra trong truyền thống Kitô-Do thái giáo, tuy thế, nó không đi ngược lại tính chất hợp lý, hiện thực và độc lập, những cái quí báu được con người hiện đại thành tựu."

Và cũng vì thế Thiền không chỉ ở trong những phát biểu của các tôn sư mà còn trong những câu nói của các nhà tư tưởng, triết gia, huyền học, nghệ sĩ, khoa học gia, nhà kinh doanh, vận động viên thể thao... phương đông lẫn phương tây, và đôi lúc thấp thoáng trên môi ta giữa cuộc sống thường ngày.


THIỀN LÀ GÌ ? (^)

Thiền, tiếng Việt, còn gọi là Thuyền, Thiền na, Tĩnh lự.
Tiếng Nhật là Zena, Zen.
Tiếng Hoa có âm là Ch’an, ch’annà.
Dịch từ tiếng Sanskrit là dhyàna, tiếng Phạn là jhàna.

Thiền tông là một tông phái của Phật giáo Ðại thừa tại Trung Hoa.
Thiền tông được khai sinh trong khoảng thế kỷ thứ sáu, thứ bảy khi Sơ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc.
Thiền tông có hấp thụ phần nào của đạo Lão.

Trước khi học Thiền, tách là tách và trà là trà.
Trong khi học Thiền, tách chẳng còn là tách và trà chẳng còn là trà.
Sau khi học Thiền, tách lại là tách và trà lại là trà.
Lời Thiền

Thiền duy nhất bạn tìm thấy trên đỉnh núi chính là Thiền được bạn mang lên trên đó.
ROBERT PIRSIG

Thiền là giải sự biểu tượng hóa thế giới.
R.H. BLYTHE

Mục đích của Thiền là giác ngộ: nắm bắt thực tại, một cách lập tức và dứt khoát. Nghĩa là nhận biết mối tương quan của mình với vũ tru; một sự nhận biết không bị ố nhiễm và không bị trí thức hóa.
ERICH FROMM

Tôi không đủ thanh xuân để biết đủ thứ.
J.M. BARRIE

Mục đích của Thiền là sự hoàn hảo con người.
YAMADA SOSHI

Thiền là con đương tự nhận thức trọn vẹn;
một con người sống động đi theo Thiền là để giác ngộ,
sống cuộc sống mới như một vị Phật.
ZENKEI SHIBAYAMA

Chúng ta nhận thấy trong những nét đặc trưng nhất phác họa nên Thiền có một số nét như: tính chất tâm linh, sự phô bày trực tiếp, sự vứt bỏ hình thức hoặc không thèm nệ vào qui ước, và hầu như thường xuyên ung dung đùa giỡn ngoài rìa sự trang trọng tôn nghiêm.
D.T. SUZUKI

Lối gọi "Thiền Phật giáo" thường dùng để có ý nói tới một trường phái Phật giáo dựa trên Thiền và việc dạy Thiền, nghĩa là một tôn giáo được lập nên và được xem như một tổ chức có tính xã hội so với các trường phái hoặc tông phái tôn giáo khác.
Tuy thế, "Thiền" là một trong các bộ phận căn bản phác họa nên tư tưởng phương đông. Nó ảnh hưởng cực kỳ lớn, không chỉ lên tôn giáo mà còn lên các lãnh vực muôn hình muôn vẻ của văn hoá.
Thiền triển khai ý tưởng của chúng ta và xây dựng cá tính của chúng ta.
Thiền là minh triết dựa trên chứng nghiệm tôn giáo trực tiếp, kết liên với chính nguồn cội cuộc sống hiện tại của chúng ta.
ZENKEI SHIBAYAMA

Thiền là sự nhận thức không bị cơ chế hóa bởi một hình thức cá biệt hoặc một hệ thống cá biệt.
Thiền là nhận thức vượt văn hoá, vượt tôn giáo, vượt hình thức.
THOMAS MERTON

Thiền là một lối giải thoát chẳng bao giờ quan tâm tới việc khám phá cái gì tốt cái gì xấu hoặc cái gì có lợi.
Thiền chỉ quan tâm tới cái đang là.
ALAN WATTS

Thiền chẳng dạy gì sất.
Thiền chỉ giúp bạn có thể tỉnh thức để nhận biết.
Thiền không dạy, Thiền đưa tay chỉ.
D.T. SUZUKI

Thiền Phật giáo không thuyết giảng. Bài giảng vẫn là ngôn từ.
Thiền đợi lúc bạn cảm thấy bức xúc ngột ngạt và bị lèo lái bởi lòng khát khao thầm kín trong người bạn.
EUGENE HERRIGEL

Thiền cho rằng không có thượng đế ở bên ngoài vũ trụ, một đấng thượng đế [được hiểu như là kẻ] tạo dựng vũ trụ và tạo dựng con người.
Thượng đế — nếu tôi có thể tạm mượn từ ngữ ấy — vũ trụ và con người là một hiện hữu bất phân ly, một tổng thể có tính toàn bộ.
Chỉ hiện hữu CÁI NÀY — CÁI NÀY viết hoa — thế thôi.
NANCY WILSON ROSS

Một cách đơn giản, Thiền chỉ là tiếng đang thét: "Dậy! Dậy!"
MAHATHAVIRA SANGHARAKSHITA

Chớ bao giờ lẫn lộn việc học thiền với việc hành thiền.
Nó giống như chớ bao giờ lẫn lộn việc học lý thuyết mỹ thuật với việc làm nghệ thuật.
T. P. KASULIS

Thiền nhấn mạnh vào chứng nghiệm và cái nhìn thấu suốt của chính mỗi người.
Nhận biết tính lém lỉnh của ngôn từ, Thiền nhấn mạnh lên việc biểu lộ sự am hiểu có tính thấu thị, việc nhìn thấy tỏ tường và diễn đạt thật sự.
IRMGARD SCHLOEGL

Thiền không quan tâm tới những phát biểu hoa hòe hoa sói.
Thiền chỉ muốn thiền sinh cắn quả táo, đừng thảo luận về quả táo.
ANNE BANCROFT

Kinh Kim Cương là kinh Phật căn bản, viết bằng Phạn ngữ, mô tả những thực hành nhằm sở đắc Minh triết tối hậu (Bát nhã ba la mật).
Kinh có tên đó với ý nghĩa là "bất hoại".

Có ba loại môn đồ:
kẻ truyền đạt cho người khác,
kẻ giữ đền
và kẻ giá áo túi cơm.
NYOGEN SENZAKI

Thiền dạy chúng ta phát hiện cái cốt tủy huyền ảo của bản ngã của mỗi chúng ta bằng cảm nhận ngay lập tức và thiết thực, để "nếm" Hữu thể thiêng liêng, một cách tại-chỗ-và-tức-thời.
KARLFRIED GRAF DüRCKHEIM

Thiền giống như tìm kính đeo mắt đang nằm ngay trên sóng mũi mình.
LỜI THIỀN

Thiền là ... hoan hỉ đả phá các hình tượng tín ngưỡng.
Thiền chẳng tôn kính một ai, chẳng tôn trọng cái gì,
và đặc biệt, nó cũng chẳng tôn kính chính nó.
DAVID BRANDON

Thiền là cách thế tự nhận thức trọn vẹn.
Một người sinh động sống trên đường Thiền thì có thể đốn ngộ,
và như thế, sống cuộc đời mới như một vị Phật.
ZENKEI SHIBAYAMA

Ðức Sơn Tuyên Giám (782-865) sống ở vùng Hoa Bắc. Tại đó, ông nghiên cứu kinh sách và thành một học giả Phật giáo đáng kính. Nghe nói có một tông phái ở vùng Hoa Nam chủ trương "giáo ngoại biệt truyền", ông liền nổi xung, thề sẽ "tiêu diệt bọn thiền tà ma ngoại đạo" đó.

Với cuốn kinh Kim Cương đựng trong một cái tráp lớn ông lên đường đi Hoa Nam.

Dọc đường, vào nghỉ chân trong một quán nhỏ, ông bảo bà lão chủ quán dọn "điểm tâm" cho mình. Theo nguyên ngữ, "điểm tâm" cũng có nghĩa là "khai sáng tâm trí". Bà lão hỏi Ðức Sơn rằng trong tráp lớn đựng cái gì. Ông bảo chứa kinh Kim Cương.

Bà lão nói: "Vậy sao? Vậy xin trả lời câu hỏi: nếu ông muốn điểm tâm để điểm tâm thì tâm nào để mà điểm?"

Trong kinh Kim Cương, có câu nổi tiếng: "Tâm quá khứ bất sở đắc tâm hiện tại bất sở đắc tâm tương lai bất sở đắc." Ðức Sơn hiểu câu đó và có thể thuyết giảng cực kỳ uyên áo về nó. Nhưng khi bị bà lão thách thức việc áp dụng minh triết của câu đó vào một vấn đề thực tế thì ông lúng ta lúng túng.

Lúc đó, nhận ra giới hạn của sự thông thái, Ðức Sơn quyết định học Thiền, thay vì tính chuyện diệt Thiền.

Học Thiền giống như chà hai thanh gỗ vào nhau cho xẹt lửa: cách khôn ngoan nhất là cứ tiến tới, đừng ngừng lại.
BẠCH ẨN HUỆ HẠC

Thiền nhắm tới tự do nhưng thực hành của nó thì có tính kỷ luật.
GART SNYDER

Tập thiền là để tự đột phá tới Bất Nhị Nguyên. Ðó là mục đích duy nhất và độc nhất của toàn bộ nỗ lực Thiền, và nỗ lực ấy phải phát xuất từ nội tâm.
Hành giả sẽ được đồng môn và vị Thầy — với những năng lực lớn lao gấp bội — tiếp tay chỉ cho một đường lối thích đáng.
Nhưng tới khi Thầy và đồng môn không còn gì để tiếp tay thì con đường Thiền chính là con đường của "Tự một mình hành giả đi lấy" — bạn hãy tự dạy Thiền cho chính bạn.
CHRISTMAS HUMPHREYS

Quả thật, Thiền chẳng liên quan gì tới ý tưởng.
D. T. SUZUKI

Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, Thiền chẳng bao giờ phung phí năng lực vào việc dừng lại để giải thích: Thiền chỉ ra hiệu.
ALAN WATTS

Nếu muốn có sự am hiểu thích đáng về Thiền, bạn chớ để mình bị kẻ khác lừa phỉnh.
Nếu bắt gặp bất cứ chướng ngại nào ở nội tâm hay ở ngoại giới, bạn diệt nó ngay.
Nếu gặïp Phật, giết ngay.
LÂM TẾ

Thiền chỉ có độc nhất một bí quyết: suy nghĩ nghiêm túc về sống-và-chết.
TAKEDA SHINGHEN

Thiền là có tâm hồn và linh hồn của trẻ con.
TRẠCH AM TÔNG BÀNH

Ði theo lời giảng của kẻ sáng lập Thiền thì không đủ làm một thiền sinh chân chính; bạn phải nếm trải kinh nghiệm của Ðức Phật.
D. T. SUZUKI

Ấn chứng là sự tương tác cá nhân giữa Thiền sư và thiền sinh, như một cách thức của đệ tử biểu lộ Thiền tính — hoặc sự thiếu Thiền tính của mình — cho sư phụ.
Cuộc đối đầu mặt giáp mặt ấy có thể liên quan tới đấu khẩu, khiển trách khắc nghiệt, thậm chí cả hành hạ thể xác.

Thiền thao tác trong bất nhị nguyên.
Quá trình suy nghĩ, lý luận thì diễn ra trong phạm trù nhị nguyên.
Cứ theo bất tư nghị là đạt Thiền.
CHRISTMAS HUMPHREYS

Thiền là thực hành và nếm trải cuộc đời, chứ không phải là cắt nghĩa, diễn giải, thẩm tra, biện luận.
Toàn bộ việc đàm đạo — như các Thiền sư Trung Hoa đã nói từ xưa — dù trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng.
Ngón tay không là mặt trăng và chẳng thể nào kéo mặt trăng xuống.
HENRICH DUMOULIN

Chỉ ở trong trạng thái cảm nhận thuần túy bạn mới có Thiền. Trong trạng thái đó, bạn sắp được giải thoát khỏi sự kềm kẹp của khái niệm và bạn nhìn xuyên suốt các khái niệm.
Việc đó không giống với từ khước sự tư duy có tính khái niệm.
Tư tưởng và ngôn từ đều ở trong thế giới của chúng ta và chúng tự nhiên chẳng kém những bông hoa.
Do đó, thật sai lầm khi cho rằng Thiền mang tính phản trí thức.
ALAN KEIGHTLEY

Trong Thiền, bản ngã đi sâu vào thượng đế. Thượng đế đi sâu vào bản ngã. Cả hai đi sâu vào nhau.
TAISEN DESHIMARU

Ảo giác và ràng buộc thì bao gồm sự tư duy có tính tự kỷ trung tâm và có tính khái niệm; nó làm mờ mịt cái thực tại đang sinh động.
Con đường của Thiền được dành trọn vẹn cho sự khai quang các chướng ngại và nhìn thẳng vào bản tính tự nhiên (tự tánh).
ROBERT AITKEN

Hành Thiền tức là quên hết cái tôi trong lúc hiệp làm một với cái gì đó.
KOUN YAMADA

Thiền không là một loại sôi động nào đó mà là sự tập trung tâm trí vào lề thói sinh hoạt thông thường hằng ngày của ta.
SHUNRYU SUZUKI

Thiền chẳng làm phong phú ai.
Trong Thiền, chẳng tìm thấy vật thể nào.
Lũ chim có thể bay tới, lượn vòng một lúc tại nơi được người ta cho là chỗ đó. Nhưng chẳng bao lâu chúng sẽ bay sang chỗ khác. Khi chúng bay đi rồi, cái "không có gì", cái "không ai cả" vốn đã ở đó, đột nhiên lộ ra.
Ðó là Thiền.
Nó lúc nào cũng ở đó nhưng người dọn dẹp đã để vuột nó, và nó không thuộc loại con mồi của họ.
THOMAS MERTON

Công án là những lời nói có tính giảng dạy về tâm linh, nhằm đẩy môn sinh qua bên kia bờ lý luận, tới đốn ngộ [giác ngộ tức thời và tại chỗ].
Có khoảng 1.700 công án, nhiều cái tiêu biểu đã được tuyển vào hai cuốn sách cơ bản:
Bích Nham Lục (100 công án),
và Vô Môn Quan (48 công án).

Không thể định nghĩa Thiền.
Nó không là một "vật" bị vây phủ hoặc được phản ảnh bằng ngôn ngữ.
Khi từ ngữ cuối cùng bị giam kín trong tù ngục, Thiền thoát ra và phá lên cười ở đằng chân trời.
DAVID BRANDON

Lúc lâm chung, Gertrude Stein hỏi: "Câu trả lời ra sao?"
Không có câu trả lời nào.
Bà cười và nói: "Trong trường hợp này, câu hỏi là gì?"
Rồi bà chết.

Lúc nào cũng nói về Thiền thì như thể tìm dấu vết lũ cá trên bờ sông khô ráo.
NGŨ TỔ


HÀNH ÐỘNG(^)

Chúng ta quá đổi khao khát đạt cho bằng được một cứu cánh cá biệt nào đó tới độ chẳng bao giờ chịu để ý tới những phương tiện tâm sinh lý mà qua đó chúng ta sở đắc cứu cánh.
Chúng ta chỉ quan tâm tới mức chúng ta cho rằng bất cứ phương tiện nào trước đây từng được người khác dùng cũng là phương tiện tương đối tốt.
Nhưng thật ra, theo bản chất của thế gian, cứu cánh không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện. Ngược lại, phương tiện luôn luôn quyết định cứu cánh.
ALDOUS HUXLEY

Chỉ vì không tranh đua
Nên khắp thiên hạ chẳng ai tranh đua nổi với mình
LÃO TỬ

Cái ném cầu giỏi luôn luôn chận đứng cú bắt giỏi, và ngược lại.
CASEY STENGEL

Hắn làm từng việc một, như thể chẳng làm gì.
CHARLES DICKEN

Chúng ta phải hiểu rằng thế giới chỉ có thể được nắm bắt bằng hành động, không bằng chiêm ngắm. Bàn tay thì quan trọng hơn con mắt. Bàn tay là cạnh sắc của tâm trí.
JACOB BRONOWSKI

Cứu cánh lớn lao của cuộc sống không phải là kiến thức, mà là hành động
THOMAS HENRY HUXLEY

Hành động nên đạt tớiù kết quả cuối cùng trong minh triết.
BHAGAVAD GITA

Công việc chính của con người suốt cuộc đời là hãy đẻ ra chính mình.
ERICH FROMM

Cơ bản, xạ thủ nhắm bắn chính hắn.
THIỀN
VÀ NGHỆ THUẬT BẮN CUNG

Hành động là thực tại duy nhất.
Nó không chỉ là thực tại mà còn là đạo đức.
ABBIE HOFFMAN

Không hành động có lẽ là hình thức cao nhất của hành động.
JERRY BROWN

Bệ hạ hãy cứ ở yên trong cung điện, làm mà như không làm thì bốn phương không có nạn binh đao.
PHÁP THUẬN

Vi vô vi,
Làm, như không làm
LÃO TỬ

Nếu bạn gặp trên đường một người biết
Chớ nói một lời
- Chớ làm thinh!
LỜI THIỀN

Lao động là cầu nguyện.
Lao động cũng là bốc mùi hôi.
Vậy, bốc mùi hôi là cầu nguyện.
ALDOUS HUXLEY

Tốt thật! Ðã tới lúc kết thúc cuộc lữ hành; nhưng cuối cùng, chính cuộc lữ hành mới là vấn đề.
U. K. LE GUIN

Khi đang đi, chỉ đi thôi.
Khi đang ngồi, chỉ ngồi thôi.
Cần nhất là đừng nghiêng ngả.
VÂN MÔN

Làm hoài làm mãi một việc thì giúp ta nhận ra chu kỳ tự nhiên của tăng trưởng và suy tàn, của sống và chết, và như thế, nhận ra trật tự năng động của vũ trụ.
Công việc "thông thường", như nghĩa gốc của từ ngữ ấy có ý nói, là công việc hòa hợp với trật tự mà chúng ta lĩnh hội trong môi trường tự nhiên.
FRITJOF CAPRA

Ðơn điệu là luật của tự nhiên. Hãy nhìn cách mặt trời mọc đều đặn.
Sự đơn điệu của những công việc thiết yếu thì làm hoan hỉ và phục hồi sinh khí.
GANDHI

Phần tốt nhất trong cuộc sống của ta là phần lao động, phần sáng tạo.
Tin tôi đi, tôi yêu thích sự thành công...
Tuy thế, trong lúc làm việc, có sự sôi nổi chân chính cả cảm xúc lẫn tinh thần.
GARSON KANIN

Nếu bạn muốn chết đuối thì đừng hành hạ mình ở chỗ nước cạn.
CÁCH NGÔN BULGARI

Thú vị không phải là mục tiêu, nó là cảm xúc đi kèm với cái hoạt động chủ yếu đang diễn ra.
PAUL GOODMAN

Người ta ưa chẻ củi. Trong hoạt động ấy, người ta thấy ngay kết quả.
ALBERT EINSTEIN

Người ta không chỉ bước hai lần xuống cũng một dòng sông.
HERAKLEITOS

Ðây là điều bạn nên làm:
Yêu trái đất, mặt trời và chim muông;
Xem thường kẻ giàu;
Bố thí cho người xin;
Bảo vệ người đần độn và điên khùng;
Hiến của cải và công sức của mình;
Ghét các bạo chúa;
Và không bao giờ tranh cãi về Ông Trời.
WALT WITMAN

Tôi kinh sợ sự thành công. Thành công nghĩa là chấm dứt công việc của ta trên trần đời, tựa con bọ ngựa đực bị con bọ ngựa cái giết đúng khoảnh khắc hắn ve vãn thành công.
Tôi thích tình trạng chuyển biến liên tục với một mục tiêu ở đằng trước chứ không ở sau lưng.
GEORGE BERNARD SHAW

Có một vị tăng thuộc một tông phái Phật giáo đối nghịch tới dự một buổi thuyết pháp của Thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác (1662-1693). Khi đông đảo cử tọa nhiệt liệt vỗ tay nghênh đón Bàn Khuê, vị tăng ấy không kềm nổi lòng ganh tị bèn la lớn:
- Ông là một gã lường gạt. Ông chỉ có thể phỉnh phờ những người quê mùa này khiến họ làm bất cứ điều gì ông muốn, còn tôi, tôi không kính trọng ông. Tôi đố ông làm thế nào khiến tôi làm theo lời ông?
Bàn Khuê trả lời:
- Ông bước tới đây, tôi sẽ nói cho ông biết.
Vị tăng ấy bước lên đứng cạnh giảng đàn.
Bàn Khuê nói:
- Ông bước qua bên trái.
Vị tăng ấy bước qua bên trái.
Bàn Khuê lại nói:
- Tôi nghĩ lại rồi, ông bước qua bên phải.
Vị tăng ấy bước qua bên phải. Bàn Khuê liền nói:
- Tốt, ông đã hoàn toàn làm theo lời tôi. Bây giờ, ông ngồi xuống, ngậm miệng lại.

Bạn có biết rằng đau ốm và cái chết thì đương nhiên và đột nhiên xảy tới cho chúng ta, bất kể lúc đó chúng ta đang làm gì?
Khi nó đột nhiên xảy tới, bạn muốn mình phải làm sao?
Nếu nó đột nhiên xảy tới trong khi bạn đang làm một việc gì đó thì bạn cứ tự nhiên làm tiếp.
EPICTETUS

Hành vi của ta xác định bản thân ta y hệt bản thân ta xác định hành vi của ta
GEORGE ELIOT

Ngồi thật yên
Không làm gì cả
Mùa xuân đến
Và cỏ tự mọc
LỜI THIỀN

Phúc cho kẻ tìm thấy công việc của hắn. Hãy để yên cho hắn không đòi hỏi ân phúc nào khác.
THOMAS CARLYLE

Chỉ thông qua lao động và phấn đấu mà chúng ta thành tựu được căn nguyên và cảm tính của phẩm giá mình.
DOSTOEVSKY

Nếu việc xây chiếc cầu ấy không làm phong phú nhận thức của kẻ xây nó thì đừng xây.
FRANKZ FANON

Hãy đặt tâm hồn, tâm trí, trí tuệ và kể cả linh hồn vào từng hành vi cử chỉ nhỏ nhặt nhất của mình. Ðó là bí quyết thành công.
SWAMI SIVANADA

Cực kỳ tin
Cực kỳ nghờ
Cực kỳ ra sức.

Bất cứ điều gì tay của bạn cảm thấy cần làm, hãy làm hết sức mình; vì nơi nấm mồ mà bạn đang đi tới sẽ chẳng có bất cứ công việc, phương tiện, kiến thức lẫn minh triết nào.
Cựu Ước: Giảng Viên, 9:10

Khi làm một việc gì, bạn nên đốt hết mình vào đó, như lửa thiêu tới cháy rụi, không để lại chút gì.
SHUNRYU SUZUKI

Ðộng thái ảnh hưởng tới ý thức. Ðộng thái chính trực nghĩa là ý thức đúng đắn.
Thái độ của chúng ta ngay lúc ấy và tại chỗ, ảnh hưởng lên toàn bộ môi trường: lời nói, hành động, cách đi đứng của bản thân, tất cả đều ảnh hưởng lên những gì xảy ra chung quanh chúng ta và trong lòng chúng ta.
Mỗi hành động đều phải đúng, trong từng khoảnh khắc, từng ngày...
Hành động nào cũng quan trọng. Cách ăn, cách mặc, cách rửa ráy, cách đi nhà cầu, cách cất đồ đạc, cách đối xử với bản thân, gia đình, vợ chồng, công việc — cách sống: nói chung, trong mỗi cử chỉ của chúng ta.
TAISEN DESHIMARU

Hãy thực hiện từng cử chỉ trong cuộc sống như thể nó là cử chỉ sau chót của đời mình.
MARCUS AURELIUS

Hãy phiêu bồng với bất cứ việc gì có thể xảy tới và hãy để tâm trí tự do: An trụ tâm bằng sự chấp nhận bất cứ việc gì bạn đang làm. Ðó là điều tối hậu.
TRANG TỬ

Càng ít gắng sức thì càng nhanh càng mạnh.
LÝ TIỂU LONG

Biết và làm thì chỉ là một và y như nhau.
SAMURAI MAXIM

Chớ để tâm trí trụ ở một nơi, hãy để nó chan hòa khắp thân thể, hãy để nó tuôn tràn khắp con người ngươi. Lúc ấy, lập tức ngươi dùng tay ở nơi cần tay, dùng chân ở nơi cần chân, mà chẳng hao tốn chút thời gian hay sức lực nào.
TRẠCH AM TÔNG BÀNH
(lời khuyên một võ sĩ Nhật)

Hãy suy nghĩ bằng toàn thân.
TAISEN DESHIMARU

Nhu thắng cương, nhược thắng cường.
Cái dễ uốn thì hay ho hơn cái cứng nhắc.
Nguyên tắc trong việc kiểm soát vạn vật là thuận theo chúng, và trong việc làm chủ là thích nghi.
LÃO TỬ

Hắn, kẻ sở đắc bí thuật của Hiệp khí đạo thì có vũ trụ trong mình và hắn có thể nói: "Tôi là vũ trụ". Khi tính chuyện chiến đấu với hắn — nghĩa là với vũ trụ — đối phương phải bẻ gãy sự hòa hợp của vũ trụ. Do đó, vào khoảnh khắc đối phương có bụng dạ chiến đấu với tôi thì ngay lúc đó, bản thân y đã bị đánh bại.
MOREHEI UYESHIBA

Bạn có thể học nơi chiếc lá tre bình thường điều nên xảy tới.
Dưới sức nặng của tuyết, nó trĩu và trĩu xuống. Rồi chiếc lá tre không khua động mà bỗng dưng tuyết tuột hết xuống đất.
Vào khoảnh khắc cực kỳ căng thẳng, bạn hãy an trụ như thế cho tới khi phát tên phóng ra khỏi bạn.
Và quả thật nó có nghĩa là: khi sựï căng thẳng đã lên tới tột độ thì phát tên phải phóng ra, nó phải phóng ra khỏi người bắn cung giống như tuyết tuột khỏi lá tre, thậm chí cả trước khi bạn nghĩ tới nó.
EUGEN HERRIGEL

Vô ngã: Sự hoàn toàn vắng bóng tư duy biện biệt; một trạng thái quên bản ngã, và cá nhân được tự do thể hiện mà không bận tâm tới các khái niệm có tính nhị nguyên của thiện và ác, thành hoặc bại.
Vô ngã là cốt tủy thiền tính của võ thuật.

Khi thực hiện việc bắn cung trong trạng thái "vô ngã", nghĩa là sự hoàn toàn vắng mặt ý thức bản ngã, cung thủ được giải phóng khỏi những ức chế trong lúc hắn đặt mũi tên lên cây cung, kéo dây cung, mắt đứng tròng nhắm vào mục tiêu, và khi điều chỉnh đúng, hắn để mũi tên đi.
Ở đó, không có cảm xúc về thiện và ác, thành hoặc bại.
Ðó là cái "tâm thường ngày" phát sinh từ "vô tâm", và cái cốt tủy thiền tính của toàn bộ võ thuật thì hằng trụ trong trạng thái ấy, không nghĩ gì tới việc sống hoặc chết.
ANNE BANCROFT

Khỏi cần nói, trong cuộc đấu, ngay lúc vừa ấp ủ ý nghĩ mình sẽ chiến thắng hoặc mình sẽ biễu diễn tài nghệ, đó là lúc kiếm sĩ bị lên án chết.
TAKANO SHIGEYOSHI

Ðôi khi bạn đạt tới điểm hòa hợp rất ư toàn bộ, thăng bằng rất ư toàn bộ, tới độ bạn cảm thấy mình có khả năng làm bất cứ điều gì — bất cứ việc gì.
Những lúc như thế, tôi cảm thấy mình có thể chạy lên boong và đứng trên mũi tàu trong khi con tàu đang rẽ sóng; tôi có thể ứng xử khờ dại, gài mình vào tư thế tréo giò và rồi gở mình ra, đơn giản chỉ vì tôi cảm thấy mình hạnh phúc.
Thêm một ít tự tin như thế có thể làm bạn vượt qua mọi khó khăn và bạn có thể làm được những điều không thể làm được.
MIDGET FARELLY

Các thiên thần bay được vì họ xem họ nhẹ.
G.K. CHESTERTON

Mỗi khi đánh trượt bóng, tôi không bao giờ qui lỗi cho mình. Tôi chỉ qui lỗi cho cái chày và nếu trượt nữa, tôi đổi chày...
Nói cho cùng, nếu tôi biết rằng tôi đánh trượt không phải là lỗi của tôi thì tại sao tôi lại nổi khùng với tôi.
YOGI BERRA

Có một kinh nghiệm chung trong Thái Cực quyền về việc hình như rơi đúng thời điểm qua một cái lỗ. Sự nhận thức về một khoảng thời gian dừng lại trọn vẹn, và chỉ khi đó, bạn chộp lấy mình, sau năm hoặc mười phút, hay năm hoặc mười giây, có sự nhận biết rằng trong khoảng thời gian ấy, thế giới ngừng lại.
T. HORWITZ và S. KIMMELMAN

Tập trung không phải là nhìn chằm chặp vào một vật.
Tập trung không phải là "cố sức" tập trung.
W. TIMOTHY GALLEY

Sự hữu hiệu của một cầu thủ thì liên quan trực tiếp tới khả năng có mặt đúng chỗ, làm đúng việc và đúng lúc.
Toàn bộ sự chuẩn bị mà y có thể áp dụng cho trận đấu — hết thảy những kế hoạch, đấu pháp, những phân tích tiên liệu, v.v. — đều không hữu hiệu nếu y không thể đưa chúng vào trận đấu đúng khoảnh khắc xuất hiện các thời điểm thích hợp.
Y không thể bận tâm tới quá khứ hoặc tương lai hoặc đám đông hoặc bất cứ biến cố nào không liên quan tới trận đấu. Y phải đáp ứng được, tức thời và tại chỗ.
JOHN BRODIE

Nên leo núi với sự cố gắng tối thiểu có thể được và với lòng không khao khát. Nên để cho thực tại con người tự nhiên của bạn quyết định tốc độ.
Nếu bạn cảm thấy hiếu động thì leo nhanh. Nếu bạn cảm thấy mình thở hổn hển thì leo chậm lại. Bạn leo núi với sự cân bằng giữa hiếu động và mệt lã.
Lúc bạn không còn nghĩ tới đằng trước, thì khi đó mỗi bước chân không chỉ là một phương tiện đi tới một cứu cánh mà còn là một sự cố độc nhất trong chính nó.
ROBERT PIRSIG

Bạn hoàn toàn lơ là mọi sự và chỉ tập trung. Bạn quên toàn bộ thế giới và bạn chỉ là thành phần của chiếc xe đó và con đường đó... Ðó là một cảm xúc rất đặïc biệt. Bạn hoàn toàn ở ngoài thế giới này. Không có cái gì giống như thế.
JOCHEN RINDT

Bạn bị liên can tới hành động ấy và bạn mơ hồ nhận biết nó, nhưng mục tiêu của bạn không nằm trong sự sự chấn động mà nằm trong cơ hội ở đằng trước.
Tôi thích so sánh điều đó với cảm giác mơ màng — không phải là trạng thái như thể trong mơ mà là một trạng thái, dù sao đi nữa, cũng có tính cách ly mà một nhạc sĩ đạt được trong một cuộc trình tấu vĩ đại. Anh ta nhận biết mình đang ở đâu và đang làm gì, nhưng tâm trí của anh ta chỉ đặt trong việc chơi nhạc khí của mình với một cảm giác nội tâm về sự chính xác— nó không hoàn toàn có tính máy móc, nó không chỉ có tính tinh thần, nó là cái gì đó gồm cả hai, trên một chiếc máy bay khác và ở một nơi xa xăm hơn.
ARNOLD PALMER

Khi đánh cú gôn hay nhất, tôi cảm thấy mình giống một con cóc... đứng lùi lại quan sát quả đất trong quĩ đạo với một câu lạc bộ gôn trong bàn tay mình.
MICKEY WRIGHT

Không một lời tự nhủ, tôi tung cú đấm tay mặt ra, và khi nó trúng đích, tôi thật là khoan khoái... Có điều gì đó tôi vừa làm đúng.
INGEMAR JOHANSON

Tôi không bận tâm tới việc phải làm cho hoàn hảo trận đấu đang tới hiệp thứ chín. Nó giống như một giấc mơ. Nó tiếp diễn như thể tôi ở trong tình trạng mê mẩn.
Suốt thời gian đó, tôi không bao giờ nghĩ tới nó. Và nếu tôi nghĩ tới nó hẳn tôi không thể đấu hết mình.
CATFISH HUNTER

Khi nhận dạng xong, tôi như một kiếm khách không thấy có đối thủ nào đang đối đầu với tôi hoặc đang hăm he đánh ngã tôi. Tôi như thể chuyển biến mình thành đối thủ.
Tôi cảm thấy mỗi cử động của hắn và mỗi ý nghĩ của hắn là của chính tôi, và tôi, một cách trực giác... biết lúc nào và làm thế nào đánh ngã hắn.
D.T. SUZUKI

Thân thể chuyển động một cách tự nhiên, tư động, vô thức, không có bất cứ sự can thiệp hoặc nhận thức riêng tư nào. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu dùng tới khả năng lý luận thì hành động chúng ta hóa ra chậm và dùng dằng. Các câu hỏi phát sinh, tâm trí mệt, ý thức đong đưa và chập chờn giống như lửa của một ngọn nến trước gió.
TAISEN DESHIMARU

Trong Nhu đạo, ai suy nghĩ thì bị ném ngã ngay.
Chiến thắng được bảo đảm cho đấu sĩ nào không đề kháng cả về mặt tâm lý lẫn về mặt thể lý.
ROBERT LINSSEN

Suy nghĩ... là cái làm bạn bị người ta túm lại từ đằng sau. O.J. SIMPSON

Làm thế nào mà bạn có thể vừa suy nghĩ vừa ra đòn?
YOGI BERRA



NGHỆ THUẬT(^)


Ðối đãi tương xứng với hoa thì làm thanh khiết nhân cách.
BOKUYO TAKEDA

Niềm vui duy nhất ở trên đời là lại bắt đầu.
CESARE PAVESE

Nếu thật sự muốn tinh thông một bộ môn nghệ thuật mà ta chỉ am hiểu kỹ thuật thôi thì không đủ.
Ta phải vượt quá kỹ thuật để nghệ thuật trở thành một loại "nghệ thuật phi nghệ thuật", đâm chồi từ cõi vô thức.
D.T. SUZUKI

Những phương thế và nghệ thuật có thiền tính thì bắc chiếc cầu từ nghệ thuật đích thực (trong hội họa, kiến trúc, thi ca) tới các khả năng nghệ thuật như cắm hoa và làm vườn, và tối hậu, tới toàn bộ cuộc sống hằng ngày.
Tính tôn giáo được tìm thấy trong những gì hằng ngày, tính thiêng liêng được tìm thấy trong những gì trần thế.
Quả thật, cái hằng ngày thì có tính tôn giáo và cái trần thế thì có tính thiêng liêng.
HEINRICH DUMOULIN

Bắn cung, đánh kiếm, đấu thương và hết thảy các bộ môn võ thuật, cũng như nghi thức uống trà, cắm hoa... trong hết thảy những thứ đó thì hô hấp đúng, giữ thăng bằng đúng, và tĩnh lặng đúng, góp phần làm lại con người.
Mục đích căn bản bao giờ cũng giống nhau: qua việc thực hành không biết mệt mỏi một khả năng đã định, học viên cuối cùng rủ bỏ được cái tôi của hắn với những sợ hãi, với những hoài bảo tục lụy và niềm tin vào sự nghiên cứu cẫn thận có tính khách quan — rủ bỏ cái tôi ấy một cách toàn bộ tới độ hắn trở thành khí cụ của một sức mạnh sâu xa hơn, từ đó phát sinh tự tinh tường đầy bản năng, và về phần hắn, hắn không cần cố rán thêm nữa, giống như trái cây chín thì rụng.
K. G. DURCKHEIM

Wabi nghĩa là vô ngã, dè sẻn, cùng kiệt, đơn giản và hoạt động.
Nó bao hàm tính siêu việt của cổ quái và thời thượng.
Tính chất vô ngã thẩm thấu trong toàn bộ nghệ thuật Thiền, từ thư pháp tới không thủ đạo, từ trà đạo tới bắn cung.

Thiền đạo trong nghệ thuật thư pháp là hầu như viết thẳng một mạch và đơn giản như thể bạn là người mới tập viết, không cố gắng làm một cái gì đó đầy tài hoa và đẹp đẽ, nhưng chỉ giản dị là viết với sự hoàn toàn chú ý, như thể bạn lần đầu tiên đang khám phá ra những gì mình đang viết; lúc ấy, trọn vẹn bản chất của bạn sẽ hiện hữu trong nét chữ bạn viết.
SHUNRYU SUZUKI

Hài cú là một thể thơ Thiền cá biệt; vì Thiền ghét cay ghét đắng tính vị kỷ dưới hình thức những hiệu quả có tính toán và sự tự ca tụng bằng bất cứ cách nào.
Tác giả của hài cú nên vắng mặt, và chỉ bài thơ hài cú có mặt.
ANNE BANCROFT

Hài cú chỉ là bày tỏ sự giác ngộ chốc lát trong đó chúng ta nhìn vào cuộc sống của vạn vật.
R.H. BLYTH

Không ai có miệng đủ lớn để nói hết một việc.
ALAN WATTS

Trà đạo nằm trong việc nghiên cứu các nghi thức, trong việc am hiểu các nguyên tắc, và trong việc nắm bắt thực tại của mọi sự. Ðó là ba qui luật của nó.
HOSOKAWA TADAOKI

Một cách giản dị, Trà đạo bao gồm việc đun sôi nước, chuẩn bị trà và uống trà.
RIKYU

Cốt tủy hội họa của Thiền là Thủy mặc.
Bút lông vẽ bằng mực trên giấy làm bằng bột gạo. Nó uyển chuyền một cách đáng kinh ngạc, có khả năng thực hiện các hình thức khí lực nhất và tinh tế nhất.
Nhưng cái làm cho nó có tính Thiền chân chính nhất là sự sáng sủa trong đó chuyên chở tâm trí của họa sĩ. Nét đầu tiên là nét cuối cùng, không tô không sửa.
Họa sĩ Thiền tiếp cận nghệ thuật của hắn như một phần việc hành thiền của hắn, như quán tưởng: khung vải trắng, tâm trí trống rỗng.
Nghệ thuật ấy chuyên chở sự hiệp nhất của Hữu thể và Hành động tới độ dẫn tới thức ngộ. Tới tự do.
MICHAEL GREEN

Tối hậu, mọi sự đều tùy thuộc vào cái ở bên ngoài và bên kia những cái đối ngược, vào tâm linh và vào khả năng của con người trong trạng thái không chỉ tự mình say đắm, hòa tan bản thân vào trong đó mà còn sống sót với nó bằng sự tĩnh lặng không kém.
GUSTIE L. HERRIGEL

Mười năm vẽ trúc, biến thành trúc, rồi trong khi vẽ chẳng để ý gì tới trúc.
GEORGES DUTHUIT
(bàn về tranh thủy mặc Tàu)

Có một điểm nhất định của sự hiệp nhất bên trong bản ngã, và giữa bản ngã với thế giới của nó, một sự đồng lõa nhất định và sống chung đầy sức hút, tới độ ý thức và ý chí không thể định hướng.
Có lẽ ban đầu, trước khi bản năng sẵn sàng nắm lấy quyền chỉ huy, đã có sự yêu cầu phân tích và ưu thế riêng biệt của mỗi yếu tố.
Chỉ huy bởi bản năng thì nhanh hơn, tinh vi hơn, sâu xa hơn, chính xác hơn, đi sát với thực tại hơn chỉ huy bởi ý thức. Khám phá đó làm người ta nghẹt thở.
MICHAEL NOVAK

Nếu người ta làm chủ được một điều và hiểu rõ một điều,
thì cùng lúc đó người ta nhìn thấu suốt và hiểu rõ nhiều điều.
VICENT VAN GOGH

Có một
nghệ thuật
không hơn
không kém:
là làm
mọi sự
với sự
phi nghệ thuật
PIET HEIN

Tác giả càng cảm thấy ưng ý, tác phẩm càng vô ngã.
VÔ DANH

Nếu nghiên cứu nghệ thuật Nhật Bản, bạn sẽ thấy một người rõ ràng là thông thái, hiền triết và minh mẫn bỏ thì giờ ra như thế nào?
Bỏ vào việc nghiên cứu khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng ư? Không.
Bỏ vào việc nghiên cứu chính sách của một thủ tướng ư? Không.
Ôâng ta chỉ nghiên cứu cạnh sắc của cọng cỏ.
Nhưng cạnh sắc của cọng cỏ đưa ông ta tới việc vẽ mọi cây, và rồi các mùa, các khía cạnh bao la của vùng quê, và rồi chim muông, rồi tới hình dáng con người.
Như thế ông ta đi qua cuộc đời, mà đời thì quá ngăn, không thể làm toàn bộ.
VINCENT VAN GOGH

Khi bạn gặp một kiếm sư,
hãy cho y thấy thanh kiếm của bạn.
Khi bạn gặp người không phải là thi sĩ,
đừng cho y thấy bài thơ của bạn.
LÂM TẾ



ẢO GIÁC(^)

Người dại từ khước cái họ thấy, không từ khước cái họ nghĩ.
Người khôn từ khước cái họ nghĩ, không từ khước cái họ thấy.
HOÀNG PHỐ

Năm giác quan, một trí tuệ trừu tượng vô phương cứu chữa, một ký ức có tính chọn lựa đầy may rủi, một chuỗi vô số các định kiến và các giả định, mọi cái ấy khiến tôi lúc nào cũng chỉ có thể khảo sát được một ít – thậm chí không bao giờ có thể ý thức tất cả.
Liệu một bộ máy như thế có thể tiếp nhận được bao nhiêu phần trăm cái thực tại vốn mang tính toàn bộ
C.S. LEWIS

Tại La mã, ngoại trừ người La mã, đang có một số lượng đông đảo các bức tượng,
cũng thế, ngoại trừ thế giới thật này còn có một thế giới của ảo ảnh hầu như có tính thuyết phục hơn, trong đó hầu hết người ta đang sống.
GOETHE

Ngày nọ, tôi thấy có người đứng tiểu giữa đường phố.
Tôi nghĩ cuộc sống văn minh, như chúng ta hiểu, đã tới tồi tàn mạt rồi sao?
Hoặc chỉ đơn giản là có một người đứng tiểu giữa đường phố thôi?
A. BENNET

Một người nói: "Bàn chân của tôi lạnh quá!’
Và người cụt chân nói theo: "Của tôi cũng vậy! Của tôi cũng vậy!"
DÂN CA KENTUCKY

Cái ta tin là thật thì hoặc có thật hoặc hóa ra thật trong các giới hạn được tìm thấy về mặt kinh nghiệm hoặc về mặt thí nghiệm. Các giới hạn ấy là các niềm tin bị siêu việt hóa.
JOHN LILLY

Tôi phải ở gần biển, phải nghe biển lăn lộn và gầm thét như con dã thú trong hang ổ của nó. Nó nhắc nhở tôi những nỗ lực vô tận của tâm trí loài người vốn đang vật vã để được giải thoát và đang chấm dứt ngay ở chỗ bắt đầu.
WILLIAM HAZLITT

Khi có nhu cầu sâu xa về ảo giác thì có vô số trí tuệ bị trao phó cho cõi vô minh.
SAUL BELLOW

Tôi nghĩ tôi nghĩ; do đó, tôi nghĩ tôi hiện hữu.
AMBROSE BIERCE

Không có gì là tốt hoặc xấu, chỉ do suy nghĩ biến nó ra như thế.
SHAKESPAERE

Descartes đã nói: "Tôi suy nghĩ, do đó tôi hiện hữu".
Tôi nói: "Tôi không suy nghĩ, đó là lý do tôi hiện hữu."
TAISEN DESHIMARU

Khi thấy rằng mọi sự hiện hữu đều là ảo giác thì lúc đó ta có thể sống trong một cảnh giới cao hơn những người bình thường.
ÐỨC PHẬT

Người ta có thể cắt nghĩa về nước mà miệng không bị ướt.
Người ta có thể trình bày chi tiết bản tính của lửa mà miệng không bị phỏng.
TRẠCH AM TÔNG BÀNH

Cuộc sống độc nhất này không có hình thức và nó được trống rỗng bởi bản tính tự nhiên.
Nếu bạn bị ràng buộc bởi bất cứ hình thức nào, bạn nên từ khước nó.
Nếu bạn có thể thấy một bản ngã, một linh hồn, một khai sinh, một từ trần, hãy từ khước tất cả chúng.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Các pháp đều từ tâm.
Phiền não trói buộc tất cả đều không.
Tội phúc phải quấy tất cả đều huyễn.
Không nên ở trong nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp.
Nếu phân biệt thì chẳng được tự tại.
CỨU CHỈ

Hai nhà sư cãi nhau về cây phướn trong sân chùa.
Nhà sư này nói phướn động.
Nhà sư kia cãi gió động.
Lục tổ Huệ Năng (638-713) nghe vậy liền nói:
"Không phải phướnn động cũng chẳng phải gió động,
chính tâm của hai ông động."
Cả hai nhà sư câm họng.

Chúng ta không nên chăm lo việc biến trí tuệ thành thượng đế của chúng ta. Trí tuệ dĩ nhiên có cơ bắp mạnh bạo nhưng nó không có nhân vị.
ALBERT EINSTEIN

Lý luận thuần túy là sự phá sản của tâm linh.
SAINT-EXUPÉRY

Một tâm trí hoàn toàn lý luận thì như một cây dao chỉ toàn là lưỡi. Nó làm chảy máu bàn tay sử dụng nó.
R. TAGORE

Một trong những cái tuyệt vời nhất của cuộc cách mạng biến máy vi tính thành vật dùng trong nhà có thể là sự am hiểu tổng quát và rộng rãi rằng quả thật lý luận có tính giới hạn nghiêm trọng biết mấy.
FRANK HERBERT

Máy vi tính thì vô dụng. Chúng chỉ có thể cho bạn câu trả lời.
PABLO PICASSO

Muốn có đúng câu trả lời thì phải biết hỏi.
VÔ DANH

Huyễn pháp đều là huyễn.
Huyễn tu đều là huyễn.
Ðừng nhận cả hai huyễn ấy tức là trừ được các huyễn.
HIỆN QUANG

Mỗi câu hỏi làm chủ một khối lượng ý tưởng mà không câu trả lời nào chứa nổi.
ELIE WIESEL

Sự chạy trốn kỹ thuật không phải là phong cách giải quyết cuộc xung khắc giữa các giá trị nhân sinh và các nhu cầu kỹ thuật. Không thể nào chạy trốn.
Phong cách giải quyết cuộc xung khắc ấy là bẽ gãy những rào cản của tư duy nhị nguyên vốn ngăn chận sự am hiểu chân chính về cái là kỹ thuật — không phải là sự lạm dụng thiên nhiên mà là sự hòa trộn thiên nhiên với tâm linh con người thành một loại sáng tạo vừa mới mẽ vừa vượt lên trên cả hai.
ROBERT PIRSIG

Chúng ta không thể có ân sủng từ các vật dụng.
J.B. PRIESTLEY

Vì những khái niệm ta đang sống chỉ được rút tĩa từ tri giác và từ ngôn ngữ, và vì tri giác ấy chỉ được đón nhận và diễn giải dưới ánh sáng của các khái niệm trước đó, con người ngày càng gần như sống trong một ngôi nhà được xây dựng bằng ngôn ngữ.
RUSSEL R.W. SMITH

Ngôn từ, như đã được biết rất rõ, nó chính là gã đại thù của thực tại.
JOSEPH CONRAD

Ngôn từ lưu loát chỉ là lời nói ầm ỉ và âm thanh chói tai khó chịu.
Khi một người đạt tới sự hoàn hảo tột độ của bản thân, hắn câm thêm lần nữa!
N. HAWTHORNE

Dùng ngôn từ để diễn tả tính ảo diệu thì giống như dùng cái tuốc-nờ-vít để xắt thịt bò thui.
TOM ROBBINS

Làm sao diễn tả cái trang nhã xảy ra khi con đom đóm lập lòe trên một đóa hoa? Ngôn từ với sức nặng của nó, sụp đổ trước bức tranh ấy, tựa lũ chim mồi.
JULES RENARD

Thất bại trong việc phân biệt ý nghĩ với sự vật nên chúng ta thất bại trong việc phân biệt ngôn từ với ý nghĩ. Chúng ta nghĩ rằng biết đâu mình có thể dán nhãn hiệu cho một sự vật mà mình đã và đang hiểu nó.
M. S. SAGHARAKSHITA

Bản đồ không là lãnh thổ.
ALFRED KORZBYBSKI

Chân lý là con sông lớn lúc nào cũng phân thành các nhánh có tính tái hợp nhất.
Bị cô lập trên hòn đảo nằm giữa các nhánh sông, dân cư trên đảo suốt đời cãi nhau về con sông lớn ấy.
CYRIL CONNOLY

Cái được chúng ta gọi là ý thức tỉnh thức bình thường và ý thức có lý trí cũng chỉ là một loại đặc biệt của ý thức bị tách biệt khỏi ý thức, từ các màn hình dày đặc phim ảnh, ở đó nằm la liệt các hình thức tiềm tàng của ý thức hoàn toàn khác biệt.
WILLIAMS JAMES

Hôm qua, vũ trụ là một cỗ máy bao la, hôm nay nó là kỹ thuật chụp ảnh ba chiều.
Ngày mai, có ai biết được chúng ta sẽ rung tiếng lanh canh nào khác của trí thức?
R.D. LAING

Những nghiên cứu của tôi về triết học tư biện, siêu hình học và khoa học đều tóm kết thành hình ảnh một con chuột được gọi là con người đang chạy vô chạy ra cái lỗ trong Vũ trụ và săn lùng Pho-mát trong cõi Tuyệt đối.
DE CASSERES

Cái mà mọi người được bẩm sinh từ cha mẹ chính là Tâm Phật.
Nhưng vì bản thân cha mẹ không nhận ra cái đó nên chúng ta cũng bị mê lầm luôn,
và rồi chính chúng ta phô bày ảo giác ấy trong khi nuôi dưỡng con cái của mình.
PETER HASKEL

Trong thiên nhiên, con sâu gớm ghiếc hóa thành con bướm yêu kiều.
Nhưng với loài người thì nó xoay theo hướng ngược lại: con bướm yêu kiều hóa thành con sâu gớm ghiếc.
CHEKOV

Một vị khách đến hỏi về Thiền, Thiền sư Nam Viện Huệ Ngưng (?-930) im lặng rót trà cho khách, và tiếp tục rót cho tới trào.
Khách hỏi:
- Ttách đã đầy sao Thầy còn rót?
Nam Viện trả lời:
- Ðể cho ông thấy ông giống như cái tách này: tràn ngập thành kiến của chính ông, tới độ không còn chỗ cho cái khác nhập vào. Tôi không có thể nói với ông về Thiền trước khi ông làm trống rỗng cái tách của ông.

Ngay từ ngày đầu tiên ở học viện, bạn phải đoạn tuyệt với cuộc sống lập thuyết.
TAISEN DESHIMARU

Chúng ta sinh ra là hoàng tử,
và tiến trrình văn minh đang biến chúng ta thành con cóc.
ERIC BERNE

Linh hồn của chúng ta bị thả vào thể xác và ở đó nó tìm thấy con số, thời gian, chiều kích. Tiếp liền đó nó lý luận, nó gọi việc lý luận ấy là thiết yếu một cách tự nhiên, và nó không bao giờ có thể tin vào việc khác.
PASCAL

Cái từng có lần được gọi là thế giới khách quan chỉ là một loại vết mực bút máy mà mỗi nền văn hóa, mỗi hệ thống khoa học và tôn giáo, mỗi loại nhân cách cứ tưởng rằng nó có ý nghĩa, trong khi thật ra nó chỉ là cái rút tỉa rất mơ hồ từ hình dáng và màu sắc của vết mực đó.
LEWIS MUMFORD

Vật chất thì ít có tính cách vật chất và tinh thần thì ít có tính cách tinh thần hơn người ta tưởng một cách chung chung.
Về mặt siêu hình học, sự phân biệt theo thói quen giữa vật lý và tâm lý, tinh thần và vật chất là không cách gì bào chữa.
BERTRAND RUSSEL

Con người rất có lòng ưa chuộng các hệ thống và các diễn dịch trừu tượng tới độ sẵn sàng cố ý xuyên tạc sự thật, sẵn sàng phủ định bằng chứng của giác quan, chỉ để chứng minh cho lý luận của mình.
DOSTOEVSKY

Khái niệm, nhãn hiệu làm chúng ta vĩnh viễn không thấy được bản chất của thực tính.
JOYCE CARY

Hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng.
GERTRUDE STEIN

Biểu tượïng chỉ là biểu tượng; vật là vật.
HOWARD OGDEN

Dường như suy nghĩ không giúp ích nhiều lắm. Óc não con người mạnh như luồng điện rất cao thế trong khi sống trong vũ trụ cá biệt này, nó phải có những công dụng thực tế.
KURT VONNEGUT

Thế giới này thật là quá đáng với chúng ta;
Sớm hay muộn, trong khi nhận vào và tiêu ra, chúng ta tàn phá sức lực của mình.
Cái chúng ta thấy chút ít trong thiên nhiên là của chúng ta.
Chúng ta đang cho đi tâm hồn của mình.
WORDSWORTH

Am hiểu thì gần như đối nghịch với hiện hữu
GEORGES POULET

Bạn là tác phẩm chính, một mảnh vỡ của bản thân Thượng đế, bạn có trong mình một phần của Thượng đế. Thế thì tại sao bạn lại không biết nguồn gốc cao cả của mình?
EPICTETUS

Chúng ta phạm sai lầm không phải vì sự thật thì khó thấy. Chỉ cần liếc qua là thấy ngay.
Chúng ta phạm sai lầm vì thấy rằng đối với mình, cái này thì dễ chịu hơn cái kia.
A. SOLZHENITSYN

Hãy học cách hoàn toàn không lãnh hội những cảm giác nãy sinh từ các hình thức ngoại tại, để qua đó, bạn rửa sạch thể xác khỏi phải nhanh nhạy tiếp thu những cái ngoại tại.
HOÀNG BÁ

Hết thảy những gì lung linh trên thế giới này, hết thảy những gì mà chúng ta gọi là thú vị, đều là hoa trái của đam mê hoặc vô minh.
E.M. CIORAN

Trong đáy lòng của con người hiện đại luôn luôn có nỗi khát khao mãnh liệt được tự quên mình, được tự xao lãng mình... và do đó, y quay lưng với hết thảy các vấn đề và các hố thẳm có thể nhắc nhở y tới sự trống rỗng của chính y.
HENRI F. AMIEL

Nhiều người suốt đời đi câu cá mà không biết rằng cái họ theo đuổi không phải là cá.
THOREAU

Có biết bao nhiêu lần bạn cố lấp liếm mình bằng việc đọc báo, xem truyền hình hoặïc các quãng cách giữa hai việc đó.
Có một câu hỏi trị giá 64.000 Mỹ kim là: trong suốt cuộc đời bạn, bạn giao tiếp bao nhiêu với chính mình.
CHOGYAM TRUNGPA

Ngày nay chẳng có ai bình thường, mọi người đều có đôi chút điên khùng hoặc mất quân bình, tâm trí người ta lúc nào cũng đang chạy.
Các nhận thức của họ về thế giới thì cục bộ, không đầy đủ.
Họ bị ăn tươi nuốt sống bởi bản ngã.
Họ nghĩ rằng họ nhìn nhưng họ sai lệch; những gì họ làm là phóng chiếu sự điên rồ của chính họ và của thế giới họ lên trên thế giới này. Trong đó, chẳng có sự sáng tỏ và sự khôn ngoan nào.
TAISEN DESHIMARU

Hầu hết chúng ta đều đánh mất cảm giác về sự hiệp nhất của môi sinh và loài người, cái vốn ràng buộc và khiến hết thảy chúng ta yên tâm với sự khẳng định của cái đẹp.
Ngày nay hầu hết chúng ta đều không tin rằng, bất chấp những chi tiết khi trồi khi sụt bên trong kinh nghiệm giới hạn của mình, cái tổng thể lớn rộng hơn chính là cái đẹp một cách nguyên sơ.
GREGORY BATESON

Mọi cái chúng ta thấy hoặc hình như thấy
Ðều chỉ là mộng trong mộng.
EDGAR ALLAN POE

Người lúc mới sinh rơi vào mộng mị thì giống như người bị rớt xuống biển.
Nếu cố sức ngoi lên khoảng không bên trên như một kẻ không có kinh nghiệm mà cứ rán, thì sẽ bị chết đuối.
JOSEPH CONRAD

Hãy đề phòng mình đang bắt bóng mà để mất hình.
AESOP

Các khái niệm vật lý là những sáng tạo tự do của tâm trí con người, và tuy thế, hình như chúng không được quyết định một cách độc nhất bởi thế giới ngoại tại.
ALBERT EINSTEIN

Không đối tượng nào là thần bí.
Cái thần bí là con mắt bạn.
ELIZABETH BOWEN

Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.
VẠN HẠNH
(Chận Nguyên dịch)

Ảo tưởng căn bản nhất của loài người là sự giả dụ rằng tôi ở đây và bạn ở ngoài đó.

Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đặng hận muôn ngàn.
Ðến rồi về lại không gì lạ,
Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang.
TÔ ÐÔNG PHA
(Thích Mật Thể dịch)


RÀNG BUỘC(^)


Ðức Phật dạy rằng con người khổ vì thèm muốn sở hữu và muốn giữ mãi mãi những cái tự cốt tủy là vô thường. Chủ yếu trong những cái đó là con người của hắn, và đây là những phương cách của hắn cô lập hắn với phần còn lại của cuộc sống, thành quách lâu đài của hắn, nơi hắn có thể rút vào đó và từ nơi đó, hắn có thể khẳng định bản thân chống lại những sức mạnh ngoại tại.
Hắn tin rằng vị trí cô lập và kiên cố đó là những phương cách tốt nhất để sở đắc hạnh phúc; nó có khả năng giúp hắn chống lại sự biến đổi, để phấn đấu giữ những khoái cảm cho bản thân hắn, để ngăn không cho khổ đau xâm nhập và để hình thành những cảnh huống đúng theo ýù nguyện của mình.
Tóm lại, nó là những phương cách của hắn dùng để đề kháng cuộc sống. Ðức Phật dạy rằng mọi sự, kể cả thành quách lâu đài của hắn, đều tự cốt tủy là vô thường và rằng vừa khi con người ra sức sở hữu chúng thì chúng vuột mất; lòng khắc khoải khát vọng sở hữu là nguyên nhân tức thời của đau khổ.
ALAN WATTS

Quần áo tươm tất... ô tô, nhưng hết thảy những cái đó là gì vậy?
MICHAEL CAINE trong Alfie
phim quay bởi BILL NAUGHTON

Tôi liệng ly khi thấy đứa bé ấy vốc nước uống nơi máng xối.
DIOGENES

Cuộc sống độc nhất này, tự bản chất, không có hình thức và trống rỗng.
Nếu bạn rồi sẽ bị ràng buộc bởi bất cứ hình thức nào, bạn nên từ khước nó.
Nếu bạn thấy một cái tôi vị kỷ, một sự chào đời hay một lìa đời, hãy từ khước tất cả chúng.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Tình yêu tiền bạc là cội rễ của mọi sự dữ.
PHAOLÔ

Ðược tạo dựng một cách khôn ngoan và sâu sắc theo hình ảnh của Thiên Chúa, và trong khi từ khước việc hiểu biết Thiên Chúa, linh hồn của chúng ta đang trở thành thú tính, vô cảm và gần như mất trí qua việc tìm thấy sự mãn nguyện trong những cái có tính vật chất.
GREGORY NÚI SINAI

Chỉ có kẻ nông cạn mới không xét vẻ bề ngoài.
OSCAR WILDE

Cảm giác chán ngấy, gần như bất phân ly với những vật sở hữu lớn rộng, chắc chắn là nguyên nhân của sự khốn khổ hơn là những khát vọng không được thỏa mãn.
BENJAMIN DISRAELI

Người này bám víu vào cuộc sống dù ở đó không có cái-gọi-là sống; người nọ bám víu vào cái chết dù ở đó không có cái-gọi-là chết.
Trong thực tại, không có gì được sinh ra,
do đó không có gì bị hủy diệt.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Chúng ta không bao giờ có đầy đủ cái mà chúng ta không thật sự muốn.
ERIC HOFFER

Có thể tìm thấy giá trị thật sự của một con người trong mức độ y sở đắc sự giải phóng khỏi cái tôi của y.
ALBERT EINSTEIN

Ràng buộc là cái chế tạo ảo giác
và kẻ nào muốn thực tại thì nên tháo gở nó.
SIMONE WELL

Một thiếu nữ chữa hoang đổ cho Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (1685-1768) là tác giả của bào thai.
Lúc cha mẹ của thiếu nữ ấy đến đối chất ông, Bạch Ẩn nói: "Thế à."
Khi đứa bé chào đời, Bạch Ần thương yêu chăm sóc nó, như con ruột mình.
Tới sau cùng thiếu nữ ấy thú thật mình đã nói dối.
Cha mẹ của thiếu nữ ấy đến xin lỗi và xin Bạch Ẩn tha thứ. Ông nói: "Thế à."

Chúng ta bắt đầu (hoặc có lẽ rất sớm) chán ngấy những cái chúng ta khao khát nhất.
SAMUEL BUTTLER

Thiền sư hỏi:
- Ai trói ngươi?
Kẻ muốn được giải thoát đáp:
- Chẳng ai cả
Thiền sư bèn nói:
- Vậy tại sao ngươi tìm kiếm giải thoát?
THIỀN THOẠI

Khát vọng của chúng ta luôn luôn gia tăng theo với những cái chúng ta sở hữu. Sự biết rằng vẫn còn cái gì đó chưa được hưởng làm suy yếu niềm vui thích cái thiện ở ngay đằng trước chúng ta.
SAMUEL JOHNSON

Sống hẳn là hơn sở hữu mọi thứ.
MAURICE SENDAK

Nếu có một trạng thái bình an nào đó thì nó sẽ đến qua việc sống chứ không qua việc sở hữu.
HENRY MILLER

Nhiều khát vọng của con người giống như những đồng xu kim loại hắn mang theo trong túi.
Mang càng nhiều thì càng bị chúng trì xuống.
SATYA SAI BABA

Làm trai phải tự mình có chí bốc lên tận trời, đừng có dẫm theo vết chân đã qua của Như Lai.
QUẢNG NGHIÊM

Tự cốt tủy, Thiền là nghệ thuật nhìn vào bản tính tự nhiên của con người,
và nó chỉ đường từ trạng thái câu thúc tới tự do.

Người ta chỉ chứng tỏ mình sở hữu trọn vẹn khi người ta cho.
Những cái nào bạn không có khả năng cho thì chúng sở hữu bạn.
ANDRÉ GIDE

Những của cải, sự thành công, nổi tiếng, xa hoa bên ngoài – đối với tôi lúc nào chúng cũng đáng xem thường.
Tôi tin rằng một phong thái sống giản dị và khiêm tốn là cái tốt nhất cho mọi người, cái tốt nhất cho cả thể xác lẫn tinh thần.
ALBERT EINSTEIN

Thiên thần bay được vì tự thấy mình rất nhẹ.
G.K. CHESTERTON

Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước.
Ðừng mắc có cùng không.
ÐẠO HẠNH

Chúng ta đều muốn làm người nổi tiếng.
Khoảnh khắc chúng ta muốn là một nhân vật nào đó thì ngay lúc ấy, chúng ta không còn tự do.
KRISHNAMURTI

Tôi thấy chẳng có gì thường tại. Bạn không muốn sở hữu bất cứ cái gì thân thiết với bạn vì bạn có thể mất nó.
YOKO ONO

Chỉ có một chung cuộc đương nhiên và không thể tránh cho mọi theo đuổi tục lụy, đó là khổ não: những gì thu thập thì chấm dứt trong phân tán; các tòa nhà thì trong hủy hoại; các cuộc gặp gỡ thì trong chia ly; các chào đời thì trong cái chết.
Biết được như thế thì ngay trong khoảnh khắc đầu tiên, ta nên từ bỏ sự thu thập và chất chồng, xây cất và gặp gỡ; và trung thành với các mệnh lệnh của đấng tôn sư xuất chúng, để bắt đầu nhận biết Chân lý.
MILAREPA

Trì giới và nhẫn nhục thì thêm tội, chẳng được phúc.
Muốn vượt lên trên tội và phúc thì đừng trì giới nhẫn nhục.
Giống như người ta leo cây, đứng yên thì tự mình chuốc lấy nguy hiểm. Nếu đừng leo nữa thì trăng gió làm gì được ta!
TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ


NGÃ(^)

Con đường của Ðức Phật là gì?
Ðó là xem xét bản ngã.
Xem xét bản ngã là gì?
Ðó là quên cái tôi.
Quên cái tôi là được giác ngộ bởi mọi sự trong thế giới này.
ÐẠO NGUYÊN

Hãy nhìn vào lòng mình, bạn là Phật đấy.

Cơn thôi thúc muốn vượt quá cái tôi tự kỷ ý thức của mình là nỗi khao khát chính yếu của một linh hồn.
ALDOUS HUXLEY

Giá trị chân chính của con người được quyết định chủ yếu bởi phương sách và chiều hướng trong đó hắn đạt được sự giải thoát khỏi bản ngã.
ALBERT EINSTEIN

Vỏ phải nứt thì cái bên trong mới ra được ngoài. Nếu muốn lấy hạt bạn phải đập vỏ.
Do đó, nếu muốn khám phá sự trần trụi của bản tánh tự nhiên, bạn phải hủy diệt những biểu tượng của nó, và càng đi vào bạn càng gần cái cốt tủy của nó.
Khi bạn tới cái Như Nhất là cái tập trung mọi sự vào nó thì linh hồn bạn ở lại đó.
MEISTER ECKHART

Làm thế nào tôi nắm bắt nó?
Ðứng nắm bắt nó.
Cái còn lại khi không còn nắm bắt là cái Ngã.
DANDACHASI

Hãy tự biết mình? Nếu tôi biết tôi, tôi sẽ co giò bỏ chạy.
GOETHE

Chừng nào chưa đánh mất bản thân thì chừng đó chúng ta chưa có hy vọng tìm thấy bản thân.
HENRY MILLER


Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân
Chính lúc chết đi là lúc vui sống muôn đời
FHANXICÔ D’ASSI

Thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác (1622-1693) được một người mù ca tụng rằng:
"Vì không thể thấy mặt nên tôi phải xét lòng chân thành của người ta qua giọng nói. Thông thường, khi tôi nghe ai đó chúc mừng bạn mình vừa thành công một việc gì đó, tôi nghe có sự ganh tị trong giọng nói ấy, và khi tôi nghe những lời bày tỏ lòng an ủi, tôi cũng nghe có sự thú vị thầm kín trong đó. Với thầy Bàn Khuê thì không như thế. Khi thầy diễn tả hạnh phúc, giọng nói của thầy hoàn toàn hạnh phúc. Và khi thầy diễn tả tâm sự buồn bã, tôi nghe ra hoàn toàn buồn bã."

Càng cảm thấy bản ngã của mình, con người càng cố tăng cường bản ngã,
và càng cố với tới cái hoàn hảo không bao giờ có thể đạt, hắn càng quyết liệt bước ra khỏi tâm điểm của cuộc sống mà lúc này không còn là tâm điểm của chính hắn,
và càng chuyển dịch hắn càng lúc càng xa tâm điểm.
EUGEN HERRIGEL

Ngã là gốc rể, là thân cây, là cành lá của mọi cái ác trong trạng thái sa ngã của chúng ta.
WILLIAM LAW

Ông Trời thì ở trong tôi hoặc chẳng ở nơi nào cả.
WALLACE STEVENS

Quên bản ngã là nhớ tới Thượng đế
BAYAZID AL-BISTAMI

Lời cầu nguyện của một nhà tu chỉ hoàn hảo khi nào y không còn nhận ra y và không biết y đang cầu nguyện.
ANTÔN KHỔ TU

Cuộc tìm kiếm "Tôi là ai"... kết liễu trong sự hủy diệt hoàn toàn cái "Tôi" ảo tưởng và cái Bản ngã đang tồn tại sẽ rõ ràng là một cái thừa thải trong lòng bàn tay ta.
SRI R. MAHARSHI

Người ta tin tưởng một cách hão huyền rằng sự làm chủ thiên nhiên là một thay thế thỏa đáng cho sự tự làm chủ bản thân.
REINHOLD NIEBUHR

Chỉ độc nhất có một góc trong vũ trụ này mà bạn chắc chắn có thể cải thiện, đó chính là cái tôi của bạn.
ALDOUS HUXLEY

Ðể với tới sự hoàn hảo, chúng ta đều phải vượt, từng bước một, qua cái chết của sự tự co cụm.
DAG HAMMARSKJOLD

Không có gì bị thiêu đốt trong hỏa ngục ngoài cái ngã.
THẦN HỌC ÐỨC

Cố xác định bản thân thì giống như cố cắn chiếc răng của mình.
ALAN WATTS



THỜI GIAN(^)


Thời gian không là một vạch thẳng, một đường kẽ, mà là một chuỗi các điểm hiện tại.
TAISEN DESHIMARU

Ðể được hoàn toàn hạnh phúc, điều thiết yếu và duy nhất là cố tránh việc so sánh khoảnh khắc này với các khoảnh khắc khác của quá khứ, vốn từng là các khoảnh khắc tôi thường hoàn toàn không thể thưởng thức vì lúc đó tôi bận so sánh chúng với những khoảnh khắc khác của tương lai.
ANDRÉ GIDE

Khoảnh khắc hiện tại là một thần nữ toàn năng.
GOETHE

Không có hiện tại.
Chỉ có tương lai tức thì và quá khứ mới đây.
GEORGE CARLIN

Ðiều quan trọng nhất mà tôi học được ở Tralfamadore là, khi một người chết, yï chỉ hình như từ trần. Y vẫn đang sống cực kỳ trong quá khứ, thế nên thật ngớ ngẩn cho những kẻ khóc lóc trong đám ma của y.
Mọi khoảnh khắc, quá khứ, hiện tại và tương lai luôn luôn đang hiện hữu, luôn luôn sẽ hiện hữu.
Người xứ Tralfamadore có thể nhìn mọi khoảnh khắc ấy giống với cách, thí dụ, chúng ta nhìn sự trãi dài của rặng núi Mountain Rocky.
Họ có thể thấy mọi khoảnh khắc đều cực kỳ thường tại, và họ có thể nhìn vào bất cứ khoảnh khắc nào làm họ quan tâm.
Ở đây, trên quả đất này, đúng là chúng ta có ảo ảnh rằng khoảnh khắc này đi tiếp theo khoảnh khắc nọ, giống như những giọt nước chảy theo nhau trong dòng suối, và rằng một khi một khoảnh khắc đi qua thì nó qua mãi.
KURT VONNEGUT

Không có hiện tại hoặc tương lai,
chỉ có quá khứ đang xảy tới xảy lui lúc này.
EUGENE O’NEILL

Chúng ta không thể hoản lại việc sống cho tới khi mình sẵn sàng.
Ðặc trưng dễ thấy nhất của cuộc sống là tính cưỡng ép của nó: nó lúc nào cũng thúc bách, "ngay tại đây và ngay lúc này" mà không thể có bất cứ trì hoản nào.
Cuộc sống như khẩu súng nổ thẳng vào mặt chúng ta.
JOSE ORTEGA Y GASSET

Trên bàn viết của JOHN RUSKIN đặt một viên đá.
Trên viên đá ấy chỉ khắc một chữ "HÔM NAY".

Không tâm trí nào được sử dụng ngay trong hiện tại; sự hồi tưởng và sự trông mong làm đầy ắp gần hết mọi khoảnh khắc cuộc đời ta.
SAMUEL JOHNSON

Hai tiếng "lúc này" giống như quả bom nổ chậm ném qua cửa sổ rớt chính giữa nhà ta, và nó kêu tích tắc.
ARTHUR MILLER

Tom Seaver: Hỡi gã thiền sinh, thời gian là gì?
Yogi Berra: Ngươi có ý nói lúc này ư?

Khoảnh khắc đang trôi qua là toàn bộ cái mà chúng ta có thể chắc chắn;
chỉ có lương tri mới rút tỉa được từ nó cái giá trị tột bực của nó;
một ngày nào đó tương lai sẽ là hiện tại và sẽ có vẻ chẳng quan trọng không kém hiện tại lúc này.
W. SOMERSET MAUGHAM

Sau bốn năm bị ở tù vì phán quyết của Toà Án Dị Giáo, Louis Ponce de Léon trở về trường đại học.
Ông tiếp tục các bài giảng của mình với câu: "Như chúng ta đã có ý nói hôm qua..."

Thời gian và không gian đều là những mảnh manh mún của vô hạn vì sự sử dụng của các tạo vật hữu hạn.
HERI FRÉDÉRIC AMIEL

Thời gian là khoảng cách dài nhất giữa hai nơi chốn.
TENNESSE WILLIAMS

Thời gian là niềm ân hận thật sự và duy nhất.
SAMUEL BUTTLER

Ngày nào cũng là ngày tốt.
VÂN MÔN

Tôi đang trong hiện tại.
Tôi không thể biết ngày mai sẽ mang tới cái gì.
Tôi chỉ có thể biết cái có thật đối với tôi hôm nay. Ðó là cái mà tôi được gọi tới để phục vụ, và tôi phục vụ nó trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo.
IGOR STRAVINSKY

Vậy, anh em chớ lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khó của ngày ấy.
MATTHÊU 6:38

Cuộc đời ngày mai thì quá trễ. Hãy sống hôm nay.
MARTIAL

A! Những lúc đó tôi chẳng già lắm đâu,
Lúc này tôi thấy mình trẻ hơn lúc đó.
BOB DYLAN

Thấy mà không nhìn,
Nghe mà không lắng nghe
Thở mà không hỏi.
W.H. AUDEN

Ông chài mê ngủ không người gọi,
Tỉnh giấc quá trưa tuyết đầy thuyền.
KHÔNG LỘ

Ðời sống hoàn toàn chỉ là ký ức ngoại trừ khoảnh khắc hiện tại đang diễn ra quá nhanh tới độ ta khó có thể nắm bắt diễn tiến của nó.
TENNESSE WILLIAMS

Vậy thời gian là gì? Nếu có người nào hỏi tôi như thế, tôi biết nó là cái gì.
Nhưng nếu tôi muốn cắt nghĩa cho người ấy hiểu về nó, tôi không biết.
AUGUSTINÔ

Thời gian chỉ là con suối mà tôi lần mò trong đó.
THOREAU

Chỉ có khái niệm của chúng ta về Thời gian mới có thể khiến chúng ta nói tới Ngày Phán xét với danh xưng đó; thực tế nó là một pháp đình tóm kết trong một kỳ họp bất tận.
FRANKZ KAFKA

Tôi nhận ra rằng thật sự quá khứ và tương lai đều là ảo giác,
rằng người ta chỉ hiện hữu trong hiện tại vốn là cái đang ở đó và là cái hoàn toàn ở đó.
ALAN WATTS

Nhận ra tính chất không quan trọng của thời gian là cửa vào sự minh triết.
BERTRAND RUSSEL

Không bao giờ chúng ta có thể biết một cách rốt cuộc. Tôi chỉ tin một cách giản đơn rằng vài phần của Bản ngã hoặc linh hồn người ta là đối tượng của qui luật về thời gian và không gian.
CARL JUNG

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Cây khế đồi cao trỗ hết bông.
PHẠM CÔNG THIỆN



SỐNG(^)

Ðời là bể khổ.
ÐỨC PHẬT

Chúng ta suy nghĩ rất lớn rộng nhưng chúng ta sống quá tiểu tiết.
A.N. WHITEHEAD

Toàn bộ việc sống nằm trong động từ "nhìn".
TEILHARD DE CHARDIN

Chúng ta tò mò về ý nghĩa của các giấc mình mơ hơn về những cái mình thấy lúc thức.
DIOGENES

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời,
Xin cứ ở đó,
Còn chúng tôi ở dưới đất này
Là nơi thỉnh thoảng rất đẹp.
JACQUES PRÉVERT

Ðời chỉ thế thôi. Bạn phải tuôn trào với nó. Hãy hiến mình cho khoảnh khắc ấy. Hãy để nó xảy tới.
JERRY BROW

Nếu có khả năng nói với đứa trẻ chưa ra đời, người ta không bao giờ có thể giải thích với chúng cái cảm giác được sống là như thế nào, vì đời sống được cuốn đi trong một thực tại không thể nói thành lời.
JACQUES BARZUN

Chúng ta can dự vào cuộc đời, vừa sống vừa biết, và công việc lớn lao nhất của chúng ta chính là đời sống hàng ngày của chúng ta.
JOHN CAGE

Lúc này, trong từng hơi chúng ta thở, có cái bí mật mà mọi đại tôn sư hết lòng dạy bảo chúng ta.
PETER MATTHIESSEN

Người ít ước mốn nhất thì gần thần linh nhất.
SOCRATES

Nếu tâm hồn tôi trong sạch và đơn giản như đứa bé thì chẳng hạnh phúc nào có thể lớn hơn.
KIRARO NISHIDA

Ðời là đứa trẻ đang nô đùa quanh chân bạn, vật xinh đẹp bạn đang nắm trong tay, băng ghế bạn đang ngồi buổi tối trong vườn nhà mình.
JEAN ANOUILH

Cuộc sống tránh né lý luận.
ANDRÉ GIDE

Mọi so sánh đều đáng tởm.
PHƯƠNG NGÔN

Không khái niệm là cái sườn chuyên chở cuộc sống.
CARL JUNG

Ðời sống diễn ra quá nhanh đối với bạn, kẻ từng suy nghĩ về nó. Bạn có thể thuyết phục người ta về điều đó, thế nhưng họ lại chỉ cố chấp với những thông tin họ đang tích lủy.
KURT VONNEGUT

Cách tốt nhất để chuẩn bị đời sống là bắt đầu sống.
ELBERT HUBBARD

Cuộc sống không là một vấn đề để giải quyết mà là một thực tại để trải nghiệm.
KIERKEGAARD

Nếu có một tội lỗi chống lại cuộc sống thì có lẽ nó không nằm lắm ở chỗ tuyệt vọng đối với cuộc sống cũng như hy vọng vào một kiếp sống khác hoặc né tránh sự vĩ đại bất khả thay thế của cuộc đời này.
ALBERT CAMUS

Vì là người nên y biết đùa giỡn
Vì biết đùa giỡn nên y thành người.
F. VON SCHILLER

Không có kết thúc.
Không có bắt đầu.
Chỉ có niềm đam mê bất tận cuộc sống.
FEDERICO FELLINI

Không có phương thuốc nào cho sự chào đời và từ trần, hãy cứu mình bằng cách tận hưởng từng đoạn đời.
SATAYANA

Người ta đánh mất biết bao nhiêu cái đang màng tới, khi người ta quyết định sẽ trở thành một nhân vật nào đó thay vì trở nên một cái gì đó.
COCO CHANEL

Ðiều khốn khổ trong cuộc đời là: bạn đang sống trong sung túc, chỉ là sự sung túc ấy không đủ tốt lành.
BERTOLT BRECHT

Những tâm trí cao cả chiến đấu chữa trị bệnh tật khiến cho người ta sống lâu hơn, nhưng chỉ có những kẻ khùng mới hỏi lý do.
Người ta sống lâu hơn là chỉ để có thể sống lâu hơn.
Chẳng có mục đích nào khác.
ROBERT PIRSIGM

Các giấc mơ đều thật khi nó chưa tàn. Liệu chúng ta có thể nói thêm về cuộc đời?
HAVELOCK ELLIS

Cuộc sống là cái đang xảy tới cho bạn trong khi bạn bận rộn thực hiện các kế hoạch khác.
JOHN LENNON

Trong khi chọn lựa trong cuộc đời, đừng sống hờ hửng.
SAMUEL JOHNSON

Khi bơi cá cứ bơi mà không hết nước,
Khi bay chim cứ bay mà không hết trời.
Cá không bao giờ bị văng khỏi nước,
Chim không bao giờ bị lọt khỏi trời.
Khi chỉ cần chút nước chút trời, chúng dùng ít lại
Khi cần nhiều nước nhiều trời chúng dùng nhiều hơn.
Và chúng tận dụng từng khoảnh khắc
Và dù nhiều dù ít, chúng vẫn được hoàn toàn tự do.
ÐẠO NGUYÊN

Mục đích của cuộc đời là sống,
và sống có nghĩa là nhận thức, nhận thức một cách hân hoan, say đắm, thoải mái và thiêng liêng.
HENRY MILLER

Hãy đứng dậy, làm điều gì đó hữu ích,
Làm việc cũng thuộc phần công án.
BẠCH ẨN

Ðời sống của con người là khí cụ để chứng nghiệm chân lý.
THÍCH NHẤT HẠNH

Chúng ta từ đâu tới?
Chúng ta là gì?
Chúng ta đang đi đâu?
GAUGUIN

Cuộc đời của chúng ta bị lãng phí bởi chi tiết,
Hãy đơn giản hóa, đơn giản hóa.
THOREAU



CHẾT
(^)

Thích cái sống chán cái chết là làm giặc đấy.
GIỚI KHÔNG

Mỗi buổi sáng, hãy chết đi trong tư tưởng của mình và bạn sẽ chẳng còn sợ chết.
HAGAKURE

Người hấp hối cần chết như người buồn ngủ cần ngủ, tới thời điểm ấy mà chúng ta chống lại nó thì thật là sai lầm và vô ích.
STEWARD ALSOP

Hãy chết trước khi ngươi chết.
MUHAMMAD

Kinh Phật có đề cập tới việc quán tưởng về xác chết; quán tưởng về sự phân hủy của thể xác, cơ thể trương sình và càng lúc càng tím ngắt như thế nào, nó bị dòi bọ rúc rỉa ra sao, cho tới khi chỉ còn chút huyết chút thịt dính lủng lẳng bộ xương; quán tưởng tới thời điểm chỉ còn lại bộ xương trắng và rồi nó cũng chầm chậm hao mòn và biến thành bụi đất.
Trong khi quán tưởng như thế, ta hiểu rõ rằng cơ thể của ta cũng sẽ trải qua một quá trình như thế.
Quán tưởng về xác chết cho tới khi ta định tĩnh và an hòa, cho tới khi tâm trí và con tim của ta sáng lên, trầm tĩnh lại, và trên mặt ta xuất hiện nụ cười.
Như thế, bằng hành động khắc phục bệnh tật và sợ hãi, ta sẽ thấy đời sống quí báu vô hạn, và đáng sống trong từng ngày.
THÍCH NHẤT HẠNH

Sự chào đời không là một hành động đơn nhất, mà là một quá trình. Mục đích của đời sống là được sinh ra trọn vẹn dù thảm kịch của nó là, hầu hết chúng ta chết trước khi chúng ta được sinh ra.
Ðể sống có nghĩa là để được sinh ra trong từng phút.
Sự chết xuất hiện khi sự sinh dừng lại.
ERICH FROMM

Nhìn đi! Nhìn đi! Nếu bạn thật sự nhìn chắm chú vạn vật thì bạn sẽ quên rằng mình đang sắp từ trần.
MONTGOMERY CLIFT

Trong khi còn sống
Hãy là một người chết,
Chết hoàn toàn;
Và cứ làm tùy thích
Và tất cả đều tốt.
VÔ NAN

Người ta ngủ,
và khi chết, họ thức dậy.
MUHAMMAD

Kẻ nào bám víu cái sống thì chết,
và kẻ nào coi thường cái chết thì sống.
UYESUGI KENSHIN

Tôi triển hạn cái chết bằng việc sống, bằng đau khổ, bằng lầm lẫn, bằng liều lĩnh, bằng cho đi, bằng mất mát.
ANAIS NIN

Thế giới thì vô thường. Ta nên liên tục nhớ tới cái chết.
SRI RAMAKRISHNA

Hơn bảy mươi năm ở cõi này,
Không không sắc sắc thảy dung thông,
Hôm nay nguyện mãn về quê cũ,
Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông.
LIỄU QUÁN
(Nguyễn Tướng Bách dịch)

Trong khi cho rằng mình đã học cách sống thì tôi đang học cách chết.
LEONARDO DA VINCI

Tốn rất nhiều năm
Mới học được rằng
Người ta thì chết
T.S. ELIOT

Loài người sợ hấp hối. Họ luôn luôn chạy theo cái gì đó: tiền bạc, danh dự, khoái lạc.
Nhưng nếu phải chết ngay lúc này thì cái bạn muốn là gì?
TAISEN DESHIMARU

Ðã cắt đứt vạn duyên nên thân này nhàn hạ.
Giấc mộng đời bốn mươi năm nay đã tàn.
Lúc này, giã biệt, xin người đừng hỏi thêm nữa.
Ở cõi bên kia cuộc đời có đầy trăng và lắm gió.
PHÁP LOA

Chúng ta chết, và chúng ta không chết.
SHUNRYU SUZUKI



THỰC TẠI(^)


Hãy quan sát mọi sự đúng như chúng là chúng và đừng chú ý tới người khác.
HOÀNG PHỐ

Chúng ta không có quyền giả dụ rằng bất cứ qui luật vật lý nào cũng hiện hữu, hoặc giả dụ rằng chúng hiệu hữu cho tới lúc này, và rằng chúng cũng sẽ hiện hữu theo cách tương tự như thế trong tương lai.
MAX PLANCK

Liễu thì xanh,
Hoa thì đỏ.
LỜI THIỀN

Liễu thì không đỏ,
Hoa cũng chẳng xanh.
LỜI THIỀN

Không có thực tại nào ngoại trừ cái được chứa đựng bên trong chúng ta. Ðó là lý do khiến quá nhiều người sống một cuộc sống rất hão huyền. Họ lấy hình ảnh bên ngoài bản thân làm thực tại và không bao giờ để cho thế giới bên trong họ tự khẳng định nó.
HERMAN HESSE

Thực tại là nơi chúng ta hiện hữu từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.
ROBRT LINSSEN

Thực tại là chiếc cầu thang không đưa lên cũng chẳng dẫn xuống.
Chúng ta không di động, hôm nay là hôm nay và luôn luôn là hôm nay.
OCTAVIO PAZ

Nếu bạn không tìm được chân lý ngay chỗ bạn ở thì đừng trông mong sẽ tìm ra nó ở nơi nào khác.
ÐẠO NGUYÊN

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi.

Bất cứ đối tượng được nhận thức một cách trí tuệ nào cũng luôn luôn ở trong quá khứ và do đó, không thật.
Bao giờ cũng thế, thực tại là khoảnh khắc nhìn thấy trước khi xảy tới sự trí tuệ hóa. Chẳng có thực tại nào khác nữa.
ROBERT PIRSIG

Cái chúng ta gọi là thực tại thì chỉ là một thoả thuận được người ta đạt tới để làm cho cuộc đời đáng sống hơn.
LOUISE NEVELSON

Thực tại không ở bên trong, không ở bên ngoài, cũng không ở phần giữa.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Lần nọ, tôi thấy một đứa bé đi về phía tôi. Trên tay nó cầm một cây đuốc đang cháy.
Tôi hỏi nó: Ánh sáng em đang cầm ấy từ đâu tới vậy?
Nó liền thổi tắt đuốc và nói với tôi: Ông Hasan ơi, ông nói cho em biết ánh sáng vừa đi về nơi nào, em sẽ nói cho ông biết em đã đem nó tới từ đâu tới."
HASAN BARI

Chỉ cần một thế giới thật, là đủ.
SANTAYANA

Loài người chẳng thể nào chịu nổi quá nhiều thực tại.
T.S. ELIOT

Sự thật là chúng ta hình thành ở bên trong và chống lại cái lồng của thực tại được lưu truyền cho chúng ta ngay lúc chào đời;
và tuy thế, một cách chính xác, qua sự tùy thuộc của chúng ta vào thực tại ấy mà chúng ta bị phản bội hầu như liên tu bất tận.
JAMES BALDWIN

Càng hiểu các việc riêng tư thì càng hiểu Thượng đế.
SPINOZA

Người ấy cúi mình trên cây đàn guitar
Một phu cắt cỏ nào đó. Ngày thì màu lục
Người ta nói: "Ngươi có cây đàn guitar xanh
Ngươi không chơi mọi thứ đúng như chúng là chúng."
Người ấy trả lời: "Mọi sự như chúng là chúng
Bị biến đổi ngay trên cây đàn guitar xanh ..."
WALLACE STEVENS

Theo ý nghĩa vật lý bình thường, một thực tại độc lập không thể qui cho là một hiện tượng hoặc là các cơ quan quan sát.
NIEL BOHR

Chừng nào qui luật của toán học còn liên quan tới thực tại thì chúng không chắc chắn;
chừng nào chúng còn chắc chắn thì chúng không liên quan tới thực tại.
ALBERT EINSTEIN

Này, đừng "nhưng" với "nhị",
hãy nói cho tôi biết bạn cảm thấy ra sao về toàn bộ việc này.

Không thể nắm bắt thực tại một cách lập tức và rõ ràng trừ phi người ta biến mình thành kẻ đang yêu thương, thanh khiết trong tâm hồn và nghèo khó trong tinh thần.
ALDOUS HUXLEY

Thế giới bí nhiệm không phải vì nó hiện hữu như thế nào, mà chỉ vì nó hiện hữu.
LUWIG WITTHENSTEIN

Trực giác cổ đại — vốn cho rằng toàn bộ vật chất, toàn bộ "thực tại" là năng lượng, rằng toàn bộ các hiện tượng, gồm cả thời gian và không gian, là sự kết tinh thuần túy của tâm trí — là một ý tưởng bị một số nhà vật lý tranh cãi từ khi lý thuyết tương đối khởi sự nghi ngờ bản sắc tách biệt của năng lượng và vật chất.
Ngày nay, hẳn hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý với người Ấn Ðộ cổ đại rằng không có gì hiện hữu hoặc bị hủy diệt và vạn vật chỉ thay đổi hình dạng hoặc thể thức, rằng vật chất không có thật trong nguyên thủy và một tập hợp tạm thời của năng lượng lan tỏa, kích hoạt điện tử.
PETER MATTHIESSEN

Dòng sông chuyển động
Con chim hét phải bay.
WALLACE STEVEN

Ràng buộc là kẻ đại sáng chế ảo ảnh.
Chỉ có người không còn bị ràng buộc mới sở đắc thực tại.
SIMONE WEIL

Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường xưa nay.
Muốn cầu thoát ra bốn cái đó thì chỉ thêm ràng buộc mình.
Sư Bà DIỆU NHÂN

Cái này là cái này.
THE DEER HUNTER

Chỉ cái này, cái này thôi!
SOEN

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua – sân trước – một cành mai.
MÃN GIÁC (1052-1096)
(Ngô Tất Tố dịch)

Tôi thích thực tại. Nó có mùi bánh mì.
JEAN ANOUIL

Không cách gì bạn có thể dùng từ ngữ "thực tại" mà không đóng ngoặc kép.
JOSEPH CAMPBELL

Chúng ta nên xử lý thực tại bằng lối đùa giỡn nhẹ nhàng, bằng không, chúng ta vuột mất trọng điểm của nó.
LAWRENCE DURRELL

Trong ý nghĩa nào đó, mọi thực tính đều là lý thuyết. Màu xanh của bầu trời phô bày những qui luật căn bản của khoa học về màu sắc.
Thật vô nghĩa khi tìm kiếm điều gì đó đằng sau các hiện tượng: chúng chỉ là lý thuyết.
GOETHE

Bất cứ kinh nghiệm nào về thực tại cũng đều không thể diễn tả thành lới.
R.D. LAING

Gã Cloquet ghét thực tại nhưng nhận ra rằng đó vẫn là nơi duy nhất nó có được miếng thịt thui ngon lành.
WOODY ALLEN

Mọi sự đều thánh thiện,
Mọi người đều thánh thiện,
Mọi nơi đều thánh thiện
Mọïi ngày đều ở trong vĩnh cửu,
Mỗi người là một thiên thần.
ALLEN GINSBERG

Khi bạn bị đánh lừa và lòng đầy hoài nghi thì có đọc tới cả ngàn cuốn kinh cũng không đủ.
Khi bạn đã nhận thức thì thậm chí một lời thôi cũng đã quá nhiều.
PHẦN DƯƠNG THIỆN CHIÊU

Những bông tuyết tuyệt đẹp
Chúng không rơi ở nơi nào khác.
LỜI THIỀN

Ðời sống và tình yêu là đời sống và tình yêu, một bó hoa tím là một bó hoa tím, và đưa vào ý tưởng thành vấn đề là làm tan nát mọi sự.
Hãy sống và để cho sống,
hãy yêu và để cho yêu,
hãy nở hoa và héo úa,
và hãy đi theo đường cong trôi chảy của tự nhiên,
không việc gì cả!
D.H. LAWRENCE

THIÊN NHIÊN(^)


Hi vọng và sợ hãi không làm thay đổi sự sang mùa
CHÔGYAM TRUNGPA

Thiên nhiên là cái nó đang là — phi luân lý và bền bỉ.
STEPHEN JAY GOULD

Tôi van anh chớ tìm kiếm cái gì đằng sau các hiện tượng.
Tự thân mỗi hiện tượng là bài học của chính nó.
GOETHE

Thiên nhiên không mô phỏng hình dáng và tính cách của con người.
LÃO TỬ

Gió lướt qua cỏ và cỏ rung, không hiểu sao làm tôi xúc động.
KATHERINE MANSFIELD

Ðứng trên mặt đất trần trụi... cái tôi đáng ghét biến mất. Tôi trở thành đôi con ngươi trong suốt; tôi là hư không; tôi thấy tất cả; luân lưu quanh tôi là những luồng năng lực của Hiện thể Vũ trụ. Tôi thuộc về Thượng đế hoặc là một mảnh cuả Thượng đế.
EMERSON

Con người cãi nhau,
Vạn vật chỉ thao tác.
VOLTAIRE

Hãy cầm, dù một chiếc lá xanh, theo cách nó biểu thị hình hài của Ðức Phật, thì bạn sẽ khiến cho Ðức Phật biểu thị qua chiếc lá ấy.
ÐẠO NGUYÊN

Ngoại trừ suốt chín tháng trước khi thở hơi đầu tiên, không ai xử lý việc đời giỏi như cỏ cây.
GEORGE BERNARD SHAW

Thật hay ho khi nhân thức bằng cảm tính. Bạn không là gì cả.
Bạn hoàn toàn không là gì cả khi bạn ở gần núi lửa.
KATIA KRAFFT

Mỗi cá nhân có một lối diễn tả về toàn bộ cảnh giới thiên nhiên vốn là hành động độc nhất của toàn bộ vũ trụ.
ALAN WATTS

Không bông tuyết nào rơi sai chỗ.
LỚI THIỀN

Không có gì vô dụng trong thiên nhiên, kể cả chính sự vô dụng.
MONTAIGNE

Thiên nhiên không có mục đích dù nó có qui luật.
JOHN DONNE

Thiên nhiên không có hạt cũng chẳng có vỏ,
nó có cả hai thứ cùng một lúc.
GOETHE

Dù bạn thích hay không, dù bạn biết hay không, trong thầm kín vạn vật tìm kiếm Thượng đế và hoạt động hướng tới Ngài.
MEISTER ECKHART

Tôi tin Thượng đế, tôi chỉ đánh vần chữ đó là Thiên nhiên.
FRANK LLOYD WRIGHT

Thế giới không được đặt trong trật tự, thế giới là trật tự hóa thân. Ðiều đó khiến chúng ta tự đặt mình hòa hợp với trật tự đó.
HENRY MILLER

Thế giới được tích nạp đầy sự vĩ đại của Thượng đế.
SANTAYANA

(Có những kẻ) chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá cái tướng, tách từng mảnh bụi của mọi vật để tìm hiểu biết.
Làm như thế tuy chỗ tĩnh lặng cốt ngộ lý không, nhưng không biết đó là cái lối chôn vùi chân tính, lấp mất chân giác.
HƯƠNG HẢI

Ðối với một tâm trí đần độn, thiên nhiên xám xịt như chì.
Ðối với một tâm trí minh mẫn, toàn bộ thế giới bừng cháy và lóe sáng.
EMERSON

Cha tôi xem việc đi dạo trong vùng núi ngang với việc đi lễ nhà thờ.
ALDOUS HUXLEY

Mực không thể bảo ánh sáng hãy chiếu sáng tôi ngay lúc tôi rẽ vào rặng núi. Tôi cảm thấy [đủ] mạnh để nhảy vọt lên tường thành Yosemite.
JOHN MUIR

Thiền sư Huyền Sa (835-908)
Thiền sinh: Tôi có thể đi vào Thiền ở nơi nào?
Huyền Sa: Ngươi có nghe tiếng suối đang róc rách không?
Thiền sinh: Thưa tôi có nghe.
Huyền Sa: Vậy hãy đi vào đó.

Con đường sáng sủa nhất để đi vào vũ trụ thì qua hoang vu rừng rậm.
JOHN MUIR

Núi Alpe có cái gì đó không giống núi Hi mã lạp, cái gì đó không thấy và không biết, cái sức mê hoặc tràn ngập từng giờ từng phút khi ta ở trong núi, một bí ẩn gợi thích thú và gây xao xuyến.
Ðối diện với Hi mã lạp sơn, con người buông xã hết mọi sự thường tình, nhận ra rằng mình bất tử và mình có khả năng tồn tại vượt qua mọi thay đổi, mọi hư hoại, toàn bộ sự sống và toàn bộ cái chết.
FRANK SMYTHE

Ở trong cây vốn sẵn có lửa
và vì có lửa nên nó lại sinh lửa.
Nếu bảo rằng cây không có lửa
thì tại sao khi cọ xát cây vào nhau lại sinh lửa.
KHUÔNG VIỆT

Những gì tôi biết về thần học và Kinh thánh là những gì tôi học được trong rừng và trên cánh đồng.
THÁNH BERNARD

Hãy nói với đất, nó sẽ dạy ngươi.
GIÓP 12:8

Quả đất, bằng cả ngàn giọng, đang ngợi ca Thượng đế.
COLERIDGE

Thế giới đang tràn ngập sự vĩ đại của Thượng đế.
GERARD MANLEY HOPKINS

Thật hạnh phúc nếu chúng ta nghiên cứu thiên nhiên nhiều hơn bằng những vật tự nhiên, và hành động theo thiên nhiên mà các qui luật của nó vốn ít, dễ hiểu và hợp lý nhất.
WILLIAM PENN

Tuy bí ẩn nhưng không có gì siêu nhiên trong toàn bộ hệ thống cứu chuộc chúng ta;
mọi phần của nó đều có nền tảng thao tác và sức mạnh của thiên nhiên,
và toàn bộ sự cứu độ của chúng ta chỉ là đặt đúng với thiên nhiên
hoặc làm cho nó hiện hữu đúng như nó phải hiện hữu.
WILLIAM LAW

Ao xưa
Nước kêu
Khi con cóc nhảy xuống.
TÙNG VĨ BA TIÊU

Khắp mọi nơi, không nơi nào chẳng phải tâm Phật.
THIỆN HỘI

Ánh bình minh nơi cửa sổ làm tôi mãn nguyện hơn những lý thuyết suông trong sách.
WALT WHITMAN



ÐẠO(^)

Ví bằng lấy sắc thấy Ta,
lấy thanh âm tìm Ta,
đấy là người thi hành tà đạo,
không thể thấy được Như Lai
KINH KIM CƯƠNG

Hiểu thấu tâm mình để tu luyện Ðạo thì bớt khó nhọc mà dễ thành tựu.
Không thấu hiểu tâm để tu luyện Ðạo thì phí công mà vô ích.
THƯỜNG CHIẾU

Một vị tăng hỏi Thiền sư Chân Không (946-1001):
- Ðạo mầu nhiệm như thế nào?
Thiền sư trả lời:
- Sau khi giác ngộ mới biết.

Ai tìm kiếm chân lý bằng phương tiện của trí thức và kiến thức thì chỉ càng ngày càng xa chân lý cho tới khi ý nghĩ của y ngưng mọi phân rẽ vào nơi này chốn nọ, cho tới khi y buông bỏ mọi ý nghĩ tìm kiếm cái này cái kia, cho tới khi tâm trí y im lìm bất động như gỗ đá, lúc ấy, y đang ở đúng trên đường tới Cửa Ðạo.
HOÀNG PHỐ

Tôi kinh hãi bởi kẻ muốn "biết" vũ trụ khi hắn không tìm nổi lối ra khỏi Phố Tàu loanh quanh.
WOODDY ALLEN

Tôi đã tìm kiếm qua nổi loạn, ma túy, ăn kiêng, các chủ thuyết thần bí, các tôn giáo, thuyết duy lý, và nhiều nữa... chỉ để bắt đầu nhận ra rằng chân lý, một cách cơ bản, thì mộc mạc — và là các cảm giác tốt lành, tinh sạch và chính đáng.
CHICK COREA

Mọi thứ hỗn hợp đều phân rã,
hãy cần cù tiến hành cuộc cứu khổ cứu nạn mình.
ÐỨC PHẬT

Ðiều kinh hoàng nhất là chấp nhận hết thảy cái tôi.
CARL JUNG

Cái tôi bảo tôi là tôi,
Con tim bảo tôi ít hơn tôi,
Tâm linh bảo: mày chẳng là gì cả!
THEODORE ROETHRE

Cùng tắc biến, biến tắc thông.
LÃO TỬ

Nước cốt tuôn ra rửa bụi trần,
Sạch rồi nước lại trở về chân.
THÔNG GIÁC

Bạn phải ra hết sức năng nổ.
Suốt cuộc đời này, có thể bạn không bao giờ chắc chắn rằng mình sống đủ lâu để thở thêm một cái.
HOÀNG PHỐ

Nếu bạn không ngừng bước thì có đi chậm tới mấy cũng chẳng thành vấn đề.
KHỔNG TỬ

Vua Di-lan-đà nói với Na-tiên ti-kheo: Tôi sắp nêu câu hỏi, thầy có trả lời được không?
Na-tiên ti-kheo: Xin bệ hạ cứ đặt câu hỏi.
Nhà vua: Tôi hỏi rồi.
Tì-kheo: Thần trả lời rồi.
Nhà vua: Thầy trả lời ra sao?
Tì-kheo: Bệ hạ hỏi gì?
Nhà vua: Ta chẳng hỏi gì.
Tì-kheo: Thần chẳng trả lời gì cả.

Chỉ sống thôi, không cần phải cố gắng sống.
DAVIS VISCOTT

Ai cũng biết đạo nhưng không mấy người thật sự đi theo đạo.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Thiền sư Vân Môn Văn Yển (864-949)
Có một nhà sư hỏi: Ðạo là gì?
Vân Môn trả lời: Ði tiếp đi.

Nếu bạn đi theo thế giới trước mắt, bạn sẽ quay lưng với con đường Ðạo;
Nếu bạn không quay lưng với con đường Ðạo thì bạn đang đi theo thế giới ấy.
TRẠCH AM TÔNG BÀNH

Có đích nhưng chẳng có đường;
cái chúng ta gọi là đường thì chỉ chập chờn.
FRANKZ KAFKA

Thiền, cái quan trọng nhất là nó đẩy những điều trái ngược nhau tới giới hạn tối hậu của chúng, ở đó người ta phải chọn giữa sự khật khùng và sự ngây thơ. Và Thiền gợi ý rằng chúng ta có thể tiến tới cái này hoặc cái kia trên kích cỡ vũ trụ. Tiến tới chúng vì, cách này hoặc cách nọ, chúng ta, cả người khật khùng lẫn người ngây thơ, đều đã ở đó.

Cách tốt nhất là tròn xoe mắt mà ngó.
THOMAS MERTON

Ðạo kia tuyệt đối không mầu,
Cùng chung Nhật Nguyệt mỹ miều sáng tươi.
Hằng hà sa số bầu trời,
Trong ngoài đâu chẳng là nơi quê nhà.
THƯỜNG CHIẾU
(Nguyễn Ðăng Thục dịch)

Chân lý gõ cửa
và bạn bảo: "Ði đi, tôi đang tìm kiếm chân lý đây,"
và như thế nó đi ngay.
ROBERT PIRSIG

Người ta càng ngày càng xa dần nhà thờ và trở về với Thượng đế.
LENNY BRUCE

Con mắt tôi nhìn Thượng đế cũng chính là con mắt Thượng đế nhìn tôi.
MEISTER ECKKHART

Hoa vàng rực rỡ, không đâu không là tâm Bát-nhã.
Trúc biếc xanh xanh, hết thảy đều là lý chân như.
TRẦN THÁI TÔNG

Hãy tin những kẻ đang tìm kiếm chân lý; đừng tin những kẻ tìm thấy chân lý.
ANDRÉ GIDE

Vô Môn Quan: Một tập sách gồm 48 công án Thiền được Thiền sư Vô Môn Huệ Khai hợp tuyển, vào đầu thế kỷ 13 (sau Bích Nham Lục một trăm năm). Sách bắt nguồn từ bài kệ:
Ðạo lớn không cửa
Ngàn sai có đường
Cửa kia qua được
Ðất trời riêng bước.
(Trần Tuấn Mẫn dịch)

Nếu có kẻ muốn mình tương thuộc vào cái giá trị khả hữu và lớn lao nhất đối với đồng loại, hãy để y bắt đầu công cuộc cô đơn và dài đăng đẳng là làm hoàn hảo bản thân.
ROBERTSON DAVIES

Ðừng tìm cách đi theo bước chân của người xưa, hãy tìm kiếm cái mà họ đã tìm kiếm.
TÙNG VĨ BA TIÊU

Hãy yêu Thượng đế và làm điều ngươi muốn.
AUGUSTINÔ

Chúng ta nhảy múa loanh quanh và giả dụ
nhưng cái Bí mật ngồi ở giữa và biết.
ROBERT FROST

Bích Nham Lục là tập sách quan trọng nhất trong Thiền tông, song song với Vô Môn Quan. Sách do Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần, vào đầu thế kỷ 12, hợp tuyển 100 công án.
Công án đầu tiên "Thánh đế đệ nhất nghĩa" có bài tụng:
Thánh đế rỗng thênh
Làm sao biết trúng
Ðối trẫm là ai,
Lại bảo chẳng biết.
Nhơn đây đêm sang sông
Há khỏi sanh gai góc.
Người cả nước mới chẳng trở về
Muôn đời ngàn đời nhớ nhau rỗng
Thôi nhớ nhau
Gió mát khắp nơi nào có tột.
(Thích Thanh Từ dịch)

Lối ra nào cũng có một lối vào ở đâu đó.
TOM STOPPARD

Con đường chân chính thì đi theo sợi dây không giăng trên bất cứ độ cao vời vợi nào, mà chỉ giăng san sát mặt đất. Dường như nó có ý làm cho người ta trượt chân hơn là làm cho người ta đi trên đó.
FRANK KAFKA

Nếu kẻû nào muốn con đường hắn đang bước dè dặt từng bước là chắc chắn, hắn phải nhắm mắt lại và đi trong bóng tối.
GIOAN THÁNH GIÁ

Có chết thì có sinh và có sinh thì có chết.
Chết làm người đời buồn và sinh làm người đời vui.
Buồn vui đều vô cùng vì thế bỗng dưng thành chuyện này chuyện nọ.
Chẳng nên bận tâm khi đối mặt với sinh tử (vì) án tố rô tố rô tất rị.
TRÌ BÁT

Sở hữu một lối đi sáng tỏ cho mình là nguồn cảm hứng của mỗi người trong cuộc sinh tồn đầy mây xám và giông bão này.
JOSEPH CONRAD

Khi trò sẵn sàng thì thầy xuất hiện.
CÁCH NGÔN PHẬT GIÁO

Thầy mở cửa nhưng trò phải tự mình bước vào.
CÁCH NGÔN TRUNG HOA

Có ai đó trình bày nó cho tôi và tôi tự mình tìm thấy nó.
LEW WELCH

Kinh nghiệm thì giết chết thơ ngây đồng thời làm ta thơ ngây trở lại.
JAMES BALDWIN

Khởi đầu, có một thời chúng ta tin mọi sự mà không cần lý do,
ít lâu sau, chúng ta tin với sự phân biệt,
rồi chúng ta không tin vào bất cứ cái gì,
và rồi chúng ta lại tin mọi sự — và thêm nữa, chúng ta đưa ra lý do tại sao mình tin mọi sự.
G.C. LICHTENBERG

Tại sao lại dạy loài vật sống dưới nước uống nước.
CÁCH NGÔN TÂY PHI

Hành trình của mỗi tri thức, nếu y theo đuổi cuộc hành trình đủ dài và đủ vững vàng, thì rõ ràng sẽ kết thúc từ nơi những phi tri thức không bao giờ khuấy động.
ALDOUS HUXLEY

Ðạo Toàn hảo chỉ khó khăn đối với những ai lựa lọc.
Ðừng thích hoặc đừng không thích; lúc ấy mọi sự sẽ sáng tỏ.
Hãy tác động đường tơ kẽ tóc thì Trời Ðất sẽ tách làm đôi.
TĂNG XÁN

Thượng đế có mặt khắp mọi nơi
Thượng đế là thiên thần trong một thiên thần,
là hòn sỏi trong một hòn sỏi
là cọng rơm trong một cọng rơm.
JOHN DONE

Ngạc nhiên, thắc mắc, là bắt đầu hiểu.
JOSÉ ORTEGA Y GASSET

Tôi thắc mắc tại sao. Tôi thắc mắc tại sao.
Tôi thắc mắc tại sao tôi thắc mắc
Tôi thắc mắc tại sao tôi thắc mắc tại sao
Tôi thắc mắc tại sao tôi thắc mắc!
RICHARD P. FEYMAN

Con đường sáng sủa nhất để vào Vũ trụ thì đi qua rừng rậm hoang vu.
JOHN MUIR

Ðể đạt quả vị Phật… chúng ta phải gieo trong gió những cứu cánh và đối tượng của kiếp sống này.
MILAREPA

Ðạo mà có thể nói ra thì không là đạo vĩnh cữu.
LÃO TỬ

Người đời bị lừa dối,
họ luôn luôn khao khát cái gì đó,
tóm lại, họ luôn luôn tìm kiếm.
Nhưng hiền giã thì thức tỉnh,
họ chọn lựa lý do hơn là tục lệ.
họ hướng thượng tâm trí và để thân xác biến đổi theo thời tiết.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Khi tìm nó bạn chẳng thể nào thấy nó.
LỜI THIỀN

Không chỉ làm hết sức mình mà ta phải, trong khi làm hết sức mình, giữ cho mình không bị ràng buộc vào bất cứ cái nào ta đang ra sức thành tựu.
J. VAN DE WETERING

Nếu bạn hiểu rằng, tận căn bản, chẳng có gì để tìm kiếm, thì bạn đã giải quyết được công chuyện của mình.
LÂM TẾ

Con chim địa đàng chỉ hạ cánh trên bàn tay không nắm bắt.
JOHN KERRY

Nếu bạn nói rằng: "Thế là đủ, tôi đã đạt tới toàn hảo," thì mọi sự mất hết, vì chức năng của sự toàn hảo là làm cho ta cảm thấy mình bất toàn.
AUGUSTINÔ

Thiền sư Thạch Củng Huệ Tạng (k. 900)
Ngày nào ông cũng to tiếng với mình:
"Ê, Thầy!"
"Dá?"
"Thầy đang nghe đấy chứ?"
"Dạ."
"Ðừng lấy làm đủ nhé?"
"Không đâu!"

Từng tự hào về sự tỉnh thức của mình, tôi nhận biết sự tự hào của tôi và lại tự hào về sự tỉnh thức đó. Nó diễn ra như thế này: tôi khôn ngoan biết bao khi tôi biết rằng tôi rất đần độn, tôi đần độn biết bao khi tôi biết mình khôn ngoan, và tôi khôn ngoan biết bao khi tôi nhận thức được sự đần độn của mình, và vân vân.
J. VAN DE WETERING

Ràng buộc vào những gì có tính tâm linh thì cũng rất giống với sự ràng buộc vào một tính yêu quay quắt cái gì khác.
THOMAS MERTON

Ðiều quan trọng... không phải là học thuyết đúng mà là đạt được sự nếm trãi thật sự. Nó là sự buông bỏ đức tin trong niềm tin.
ALAN KEIGHTLEY

Vấn đề là cái tôi có thể biến đổi bất cứ cái gì thành vật hữu dụng cho chính nó, kể cả tâm linh. Cái tôi thì miệt mài ra công gắng sức sở đắc và áp dụng những lời giảng về tâm linh để có lợi cho chính nó.
CHOGYAM TRUNGPA

Sự tìm kiếm hạnh phúc là một trong những nguồn cội chủ yếu của sự bất hạnh.
ERIC HOFFER

Thiền sư Vân Môn Huệ Khai
Một nhà sư hỏi ông: "Phật là gì?"
Vân Môn đáp: "Que cứt khô."

Kẻ bảo: "Tôi ngộ rồi", thì có lẽ chẳng ngộ.
BABA RAM DASS

Thành ngữ Thiền: "Sát Phật!" có nghĩa là giết bất cứ khái niệm nào về Ðức Phật như là một cái gì đó nằm ngoài bản thân ta.
Sát Phật là sắp là Phật.
PETER MATHIESSEN

Bạn đừng hỏi K. là ai.
Bạn phải hỏi bạn là ai.
KRISHNAMURTI

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
NGUYỄN DU

Mọi người đều đang ngồi ở ghế tốt nhất.
JOHN CAGE

Nhìn đi! Ðây là thế giới của bạn! Bạn không thể nhìn. Ðây không là thế giới khác. Ðây là thế giới của bạn; nó là bữa tiệc của bạn. Bạn thừa hưởng cái này; bạn thừa hưởng những con ngươi đó; bạn thừa hưởng thế giới của màu s���c. Hãy nhìn sự vĩ đại của tất cả cái đó. Nhìn đi! Ðừng ngại ngần — nhìn đi! Mở lớn mắt ra mà nhìn. Ðừng nháy mắt, và nhìn di — nhìn đi — nhìn nữa đi.
CHOGYAM TRUNGPA

Không cần phải chạy quanh bên ngoài
Ðể nhìn cho rõ hơn...
... Thà là trụ lại
Tại trung tâm con người của ngươi
Vì càng rời xa nó ngươi càng biết ít đi
Hãy tìm kiếm trái tim ngươi và thấy
...
Cách làm đúng chính là cách hiện hữu.
LÃO TỬ

Chúc các ngôi sao
Chúc không khí
ngủ ngon.
M.G. BROWN



VÔ TRI KIẾN(^)


Tôi không hiểu đạo Phật.
HUỆ NĂNG

Kiến thức nghĩa là biết càng ít càng tốt.
CHARLES BUKOWSKI

Hãy rung chiếc chuông còn có thể rung,
Hãy quên lễ vật toàn hảo của bạn,
Mọi sự mọi vật đều có kẽ nứt,
Ðó là cách mà ánh sáng rọi vào.
LEONARD COHEN

Biết cái chúng ta không biết tức là sự khởi đầu của minh triết.
M. S. SANGHARAKSHITA

Ðứa bé la lớn: "Trên người ông vua chẳng mặïc gì cả!"
H.C. ANDERSON

Biết rằng bạn không biết là tốt nhất.
Giả bộ biết khi bạn không biết là bệnh đấy!
LÃO TỬ

Thỉnh thoảng nó chứng tỏ rằng am hiểu tột độ là không hiểu gì cả.
GRACIAN

Tôi sẽ nói gì về thơ?
Tôi sẽ nói gì về những đám mây kia,
hay về bầu trời kia?
Nhìn đi,
hãy nhìn chúng,
hãy nhìn nó!
Và không có gì thêm.
Bạn không hiểu rằng thi sĩ không thể nói gì về thơ sao?
Hãy để việc đó cho các nhà phê bình và các thầy dạy học.
Cả bạn lẫn tôi cũng như mọi thi sĩ
chẳng ai hiểu thơ là gì.
F. GARCIA LORCA

Ðiều gì xảy tới cho lỗ cắn khi cục bơ đã hết.
BERTOLT BRECHT
Công án Tây

Kẻ thiện xạ không bắn trúng hồng tâm.
LỜI THIỀN

Những gì tôi biết về phương pháp là khi tôi đang làm việc.
Thỉnh thoảng tôi nghĩ mình có biết đôi chút,
nhưng khi tôi đang làm việc thì rõ ràng rằng tôi chẳng biết gì.
JOHN CAGE

Tôi không biết.
Tôi cóc cần.
Và như thế chẳng làm sao cả.
JACK KEROUAC

Chỉ bằng tâm hồn người ta chỉ có thấy đúng, vì cái cốt tủy thì hoàn toàn không thấy được bắng mắt.
SAINT-EXUPÉRY

Chân lý là gì?
Tôi không biết và tôi rất tiếc là tôi đã nêu nó ra?
EDWARD ABEY

Mọi sự chúng ta biết là chẳng biết gì cả, chúng ta chỉ nhét cho đầy rỗ đựng giấy thải, trừ khi chúng ta dính líu tới tiếng cười nhạo báng mọi sự hiểu biết của mình.
D.H. LAWRENCE

Không gì đưa tới sự bình an tâm trí cho bằng đừng có ý kiến ý cò gì sất.
G.C. LICHTENBERG

Anh bảo các bài thơ của tôi là thơ sao?
Chúng không phải là thơ.
Nhưng nếu anh bảo chúng không phải là thơ
tức là anh đã thấy thơ ở trong chúng.
RYOKAN

Thiền sư Cảm Thành (?-860)
Có vị tăng đến hỏi Sư: - Thế nào là Phật?
Sư đáp: - Khắp tất cả các nơi.
Tăng lại hỏi: - Thế nào là tâm Phật?
Sư đáp: - Chưa từng che giấu.
Tăng hỏi tiếp: - Riêng con chẳng hội?
Sư đáp: - Ðã lầm qua rồi.

Hãy lật đá, các ngươi sẽ tìm thấy ta,
Hãy chẻ gỗ và ta ở đó.
ÐỨC GIÊSU

Tôi không biết gì cả ngoại trừ cái thực tế rằng tôi ngu dốt.
SOCRATES

Người phỏng vấn: Thưa thầy, tôi có nhiều câu muốn hỏi.
Yogi Berra: Nếu anh hỏi tôi điều gì mà tôi không biết, tôi sẽ không trả lời.

Biết thì không nói,
Nói là không biết.
LÃO TỬ

Tôi đưa con người lên xuống, ngang dọc, qua về trước lỗ mũi mình
và học được rằng quả thật chúng ta có thể chẳng hiểu gì cả.
GOETHE

Nói cho biết gió màu gì?
CÔNG ÁN THIỀN

Biết nhiều
thì hiểu ít.
LÃO TỬ

Nhà thông thái ấy chết ra sao? Như một thằng khờ.
GIẢNG VIÊN 2:16

Khi chúng ta sở đắc thêm kiến thức, vạn vật không trở thành chóng được lĩnh hội hơn mà hóa ra huyền bí hơn.
WILL DURANT

Mọi khẳng định đều đúng theo ý nghĩa nào đó,
sai theo ý nghĩa nào đó,
vô nghĩa theo ý nghĩa nào đó,
đúng và sai theo ý nghĩa nào đó,
đúng và vô nghĩa theo ý nghĩa nào đó,
và đúng và sai và vô nghĩa theo ý nghĩa nào đó.
SRI SYADASTI

Chúng ta ở đây và nó là lúc này.
Và sâu xa hơn mọi kiến thức của con người là ánh trăng kia.
H.L. MENCKEN

Tưởng tượng thì quan trọng hơn kiến thức.
A. EINSTEIN

Chúng ta biết quá nhiều và cảm giác quá ít.
BERTRAND RUSSELL

Thảm kịch của thế giới chính là không người nào biết rằng mình không biết;
và kẻ càng biết ít thì càng chắc chắn rằng cái gì mình cũng biết.
JOYCE CAY

Trong bóng chày, bạn chẳng biết gì cả.
YOGI BERRA

Trước khi cha mẹ anh chào đời thì mặt mũi thật của anh ra sao?
CÔNG ÁN THIỀN

Với toàn bộ kiến thức khoa học, liệu bạn có thể nói cho tôi biết làm thế nào và lúc nào ánh sáng rọi vào linh hồn?
THOREAU

Mục đích của nơm là đơm cá;
khi đã đơm được cá người ta quên nơm.
Mục đích của chiếc bẫy thỏ là bắt thỏ;
khi bắt được thỏ người ta quên bẫy.
Mục đích của lời nói là để chuyên chở ý tưởng;
khi đã nắm bắt được ý tưởng người ta quên lời nói.
Nơi nào tôi có thể tìm ra người quên lời nói? Hắn chính là kẻ tôi muốn trò chuyện.
TRANG TỬ

Không cách gì có thể biết tại sao người ngáy không thể nghe hắn ngáy.
MARK TWAIN

Người bình thường sở đắc kiến thức thì làm hiền giả,
Hiền giả sở đắc kiến thức thì làm người bình thường.
LỜI THIỀN

Chẳng nhân gió cuốn mây trôi hết,
Ðâu thấy trời trong muôn dặm thu.
TRÍ BẢO

Nhà kho cháy rụi,
Lúc này,
Tôi có thể thấy trăng.
MASAHIDE



THIỀN ÐỊNH(^)

Cái gọi tọa thiền là
ngồi trên một bồ đoàn
trong một căn phòng yên tĩnh,
tuyệt đối ngồi yên,
theo một tư thế đúng đắn và thích hợp
và không một tiếng thì thầm,
tâm trí trống vắng mọi ý nghĩ, cả thiện lẫn ác.
Tiếp tục ngồi bình an như thế,
mặt hướng vào vách,
thế thôi.
Ngồi hằng ngày.
TAISEN DESHIMARU

Chẻ củi
Gánh nước
Nhặt rau
Cũng là Thiền định.
LỜI THIỀN

Bất hạnh lớn lao của con người là hắn không có bộ phận nào, không có một loại mi mắt hoặc bộ thắng nào, để che kín hoặc chận đứng một ý nghĩ, hoặc toàn bộ tư duy khi hắn muốn.
PAUL VALÉRY

Trong việc tọa thiền, điều khát khao là có một căn phòng yên tĩnh.
Bạn nên ăn uống điều độ, từ bỏ mọi quan hệ hão huyền.
Ðặt mọi sự qua một bên, đứng nghĩ tới thiện ác, đúng sai.
Như thế bạn làm ngừng mọi chức năng muôn hình muôn vẻ của tâm trí, buông bỏ ngay cả cái ý tưởng muốn thành Phật.
ÐẠO NGUYÊN

Tọa thiền không phải là ngồi quán tưởng — và nó hoàn toàn khác với chiêm nghiệm.
Tọa thiền là sự làm trống rỗng tâm trí khỏi mọi ý nghĩ, chỉ để đơn giản là đang sống.

Ở giữa toàn bộ thiện và ác, không một ý tưởng trồi lên trong tâm trí — đó gọi là tọa.
Nhìn vào bản chất tự nhiên (tự tánh) của mình, không chút nào chuyển động — đó gọi là thiền.
HUỆ NĂNG

Ngày nọ, có người tới với Ikkyu (Nhất Hưu) và yêu cầu:
- Bạch Thầy, xin vui lòng viết cho tôi vài câu châm ngôn về trí huệ tuyệt vời?
Ikkyu cấm bút viết:
- Chú ý.
Người đó hỏi:
- Thế thôi sao?
Nghe vậy, Ikkyu viết thêm:
- Chú ý. Chú ý.
Người đó nói:
- Vậy ư? Tôi thật sự chẳng thấy sâu sắc lắm trong những gì thầy viết.
Lúc đó, Ikkyu viết cũng một chữ ấy ba lần nữa:
- Chú ý. Chú ý. Chú ý.
Bực tức, người đó yêu cầu:
- Vậy thì chữ "Chú ý" nghĩa là gì?
Ikkyu dịu dàng trả lời:
- Chú ý nghĩa là chú ý.
THIỀN THOẠI

Tọa thiền không phải là thực hành sự tự cải tiến, giống như một tiến trình kết giao bằng hữu hoặc tác động lên người khác. Với người nghiêm chỉnh tọa thiền thì xuất hiện một sự biến đổi có tính con người, nhưng đó không phải là vấn đề điều chỉnh cái tôi. Ðó là quên đi bản ngã.
ROBERT AITKEN

Hãy gõ lên trời
và lắng nghe.
LỜI THIỀN

Thấy bản ngã của mình thì khó như nhìn lui mà đừng ngoái cổ.
THOREAU

Nếu bạn nhìn lâu vào hố thẳm, hố thẳm cũng nhìn lâu vào bạn.
NIETZSCHE

Thiền không phải là một loại hứng thú nào đó,
mà là sự chú mục vào lề thói sinh hoạt thường ngày.

1. Từ rắc rối, tìm giản dị.
2. Từ đối nghịch, tìm hòa hợp.
3. Ngay giữa chỗ khó khăn nằm sẵn cơ hội.
ALBERT EINSTEIN
ba nguyên tắc làm việc

Thiền định chân chính là gì? Là biến mọi sự ho, nuốt, vẫy tay, cử động, ngồi yên, lời nói, hành động, thiện và ác, thành công và hỗ thẹn, được và mất, đúng và sai, thành một công án.
BẠCH ẨN

Nhìn lên mới thấy các vật lớn,
Nhìn xuống thì chỉ thấy các vật nhỏ.
G.K.CHESTERTON

Ðối với người bình thường, những kẻ tâm trí là bàn cờ chồng chéo những phản chiếu, những ý kiến, những thành kiến, thì rõ ràng sự hoàn toàn chú ý là điều bất khả thi; vì thế đời sống của hắn không tập trung trên chính thực tại mà là trên những ý tưởng về thực tại.
Bằng việc tập trung tâm trí vào từng đối tượng và từng hành động, người quán tưởng tự lột bỏ khỏi những ý nghĩ không thích đáng và để cho mình nhập vào sự hòa hợp trọn vẹn với cuộc đời.
PHILIP KAPLEAU

Ðối với sự giải thoát toàn bộ, ngồi là cổng ra vào của chân lý.
ÐẠO NGUYÊN

Trong khi tọa thiền, não và ý thức trở nên thuần khiết. Nó y như để yên nước bùn trong ly. Từng chút một, cặn lắng xuống đáy và nước thành tinh sạch.
TAISEB DESHIMARU

Tọa thiền không phải là phương tiện cho một cứu cánh. Nó là cả phương tiện lẫn cứu cánh.
KRISHNAMURTI

Tọa thiền tự nó là Thượng đế.
ÐẠO NGUYÊN

Hãy dạy chúng tôi màng và chẳng màng
Hãy dạy chúng tôi ngồi yên.
T.S. ELIOT

Chúng ta bệnh vì say mê những công cụ hữu dụng như các danh xưng, các con số, các biểu tượng, các bảng hiệu, các khái niệm và các ý tưởng.
Vì thế thiền định là nghệ thuật đình chỉ trong một thời khoảng việc suy nghĩ bằng ngôn từ và biểu tượng;
nó là cái gì đó giống như đám khán giả nhã nhặn ngưng trò chuyện khi sắp bắt đầu cuộc hòa nhạc.
ALAN WATTS

Không ý nghĩ,
không hành động,
không chuyển động,
toàn bộ bất động.
Chỉ lúc ấy mới có thể biểu thị bản chất thật và qui luật của vạn vật từ bên trong và một cách vô thức,
và cuối cùng trở nên một với đất trời.
LÃO TỬ

Bạn không cần rời căn phòng của mình.
Hãy ngồi lại bên chiếc bàn và nghe. Thậm chí không nghe, chỉ chờ.
Thậm chí không chờ, chỉ ngồi thật yên và cô đơn.
Thế giới sẽ tự nó phô ra trọn vẹn cho bạn [vì] nó chỉ còn cách duy nhất là ngây ngất lăn mình dưới chân bạn.
FRANZ KAFKA

Trong tọa thiền, ta chính là cái đang là, cái ta đã là và cái ta sẽ là, trong tức thời hợp lại làm một.
PETER MATHIESSEN

Khi người ta dấn thân vào tọa thiền thì những gánh nặng tinh thần, những lo âu không cần thiết và những ý nghĩ lang bang sẽ biến mất từng cái rồi từng cái; cuộc sống diễn ra êm đềm và khoan khoái.
Lúc ấy thiền sinh có thể dựa vào trực giác mà lập quyết định.
Khi người ta hành động theo trực giác thì không trổi lên ý nghĩ thứ hai mà cùng theo với nó là nhị nguyên, hoài nghi và lưỡng lự.
NYOGEN SENZAKI

Nếu bạn có môt ly chứa đầy thứ dung dịch mà bạn có thể thao thao bất tuyệt về phẩm chất của nó, tranh luận không biết nó lạnh hay ấm, không biết nó có quả thật là sự kết hợp của H2O, hoặc là nước khoáng hay là rượu sa-kê. Tọa thiền là uống nó.
TAISEN DESHIMARU

Sự độc đáo của tọa thiền nằm ở chỗ này: rằng tâm trí được giải thoát khỏi sự câu thúc của mọi hình thức tư duy, thị kiến, mục đích và tưởng tượng, tuy thế nó được thiêng liêng hóa và nâng cao, và đưa tới một trạng thái tuyệt đối trống rỗng; từ chỉ một trạng thái đó thôi, tới ngày nào đó người ta có thể tri giác được bản chất thật sự c��a mình hoặc bản chất của vũ trụ.
PHILIP KAPLEAU

Các bậc tôn sư đều nói với chúng ta rằng thực tại của cuộc sống — mà tiếng động của chúng ta làm thức dậy cái ý thức ngăn chận không cho chúng ta nghe — nói với chúng ta chủ yếu trong im lặng.
K.G. DURCKHEIM

Tôi không để ý tới Thượng đế và các thiên thần của ngài vì tiếng động của một con ruồi, vì tiếng lách cách của xe đò, vì tiếng cọt kẹt của cánh cửa.
JOHN DONNE

Trí huệ là im lặng, chân lý thì không thể nhìn thấy. Nhưng khi tuyên bố về chuyện đó thì tôi làm om sòm.
NED ROREM

Về cái mà ta không thể phát biểu thì chỉ còn cách là im lặng.
WITTGENSTEIN

Càng im lặng, bạn càng có thể nghe.
BABA RAM DASS



NGỘ(^)

Diệu kỳ nhất hơn hết mọi diệu kỳ! Sâu trong bản chất, mọi sinh linh đều là Phật, được phú cho minh triết và đức hạnh, nhưng vì tâm trí con người hóa ra điên đảo bởi tư duy hão huyền nên họ không nhận ra điều đó.
ÐỨC PHẬT

Chẳng bao lâu, đôi mắt trong vắt của của đứa bé ấy bị ám bóng mây vì những ý tưởng, những ý kiến, những thành kiến và những ý niệm trừu tượng. Con người thanh thoát và mộc mạc bị cẩn khảm, bị bọc cứng bởi áo giáp nặng nề của bản ngã.
Chỉ tới nhiều năm sau, bản năng mới xuất hiện khiến cho cảm giác huyền bí sinh động tuôn trào. Mặt trời lấp lánh qua ngọn thông và con tim nhức buốt trong khoảnh khắc đẹp đẽ và đau nhói lạ thường ấy giống như sự tưởng nhớ địa đàng.
Sau ngày đó, chúng ta trở thành hành giả.
PETER MATTHIESSEN

Ðó là một buổi sáng đầu xuân. Sương mù bàng bạc tỏa ánh lung linh và gờn gợn trên hàng cây bồ đề. Không khí chất ngất mùi hương thơm ngát. Nhiệt độ tựa như vuốt ve mơn trớn. Tôi nhớ lại — tôi chẳng cần phải hồi tưởng — rằng tôi leo lên một gốc cây và bỗng dưng cảm thấy tôi ngâm mình vào Cái đó. Tôi không thể gọi nó bằng tên đó. Tôi không cần tới ngôn từ. Nó và tôi là một.
BERNARD BERENSON

Chính trong giờ huyền ảo lúc mới chạng vạng tối mà người ta có thể cảm thấy sự sống gần như hấp hối của trần gian. Giờ khắc ấy khủng khiếp đối với một số người tới độ họ lật đật chạy vô nhà, bật đèn lên.
ELIZABETH BOWEN

Cho dù qua nhiều năm, các nỗ lực chú ý chẳng đưa tới kết quả nào, thì tới một ngày nào đó, ánh sáng – theo tỉ lệ tương ứng với các nỗ lực ấy – sẽ tràn vào linh hồn bạn.
SIMONE WEIL

Một cách cốt tủy, Ngộ là chứng nghiệm đột ngột, và nó thường được mô tả như một "quay ngoắt" của tâm trí, giống như hai chiếc đĩa cân đột ngột quay ngoắt khi có một số lượng đầy đủ vật chất được trút vào đĩa này làm lệch thăng bằng sức nặng trong đĩa kia. Vì thế, nó là một nếm trải thường xuất hiện sau sự nỗ lực tập trung dài ngày để khám phá ý nghĩa của Thiền.
ALAN WATTS

Tôi nhập (vào cái ngã nội tâm của tôi) và thấy với con mắt của linh hồn tôi... cái Sự Sáng Bất Biến.
AUGUSTINÔ

Bất cứ cái gì hơn chân lý cũng đều quá đáng.
ROBERT FROST

Ý thức tự nó là tôi.
Tôi cảm thấy không có cặn bã hoặc vật chất trong linh hồn tôi.
Không miệng không vành như trên một cái chén
Chúng tôi thấy. Bản thể của tôi là sức chứa.
THOMAS TRAHERNE

Nửa khuya tôi chợt thức giấc. Thoạt đầu, tâm trí tôi mù mờ. Rồi lập tức tôi như bị sét đánh, khoảnh khắc sau, trời đất sụp đổ và biến mất. Tức thời, tựa những con sóng trào dâng, một khoái cảm lạ thường tuôn tràn trong tôi, một cơn bão khoái cảm thật sự, khi ấy tôi cười sằng sặc và hoang dại, "Ở đây không có lý luận, không lý luận chút nào. Ha! Ha! Ha!" Bầu trời trống rỗng nứt làm đôi, rồi mở ra cái miệng khổng lồ của nó và rồi bắt đầu cười ha hả: "Ha! Ha! Ha!"
KOUN YAMADA

Tôi ngồi đó lắng nghe với trọn vẹn con người mình, với toàn bộ sức mạnh trong khi lặng ngắm ngọn núi tôi cực kỳ yêu mến. Không biết trong khoảnh khắc đó, có ai trên thế gian này được hạnh phúc quá đổi như tôi.
COLETTE RICHARD

Mười năm tìm kiếm trong rừng sâu,
Hôm nay làm kẻ cười nắc nẻ bên bờ hồ.
SOEN

Trong bữa ăn kế đó — tôi là trưởng toán phục vụ — nước mắt chảy xuống đầy mặt khi tôi phục vụ... và sau đó, tôi bước ra khỏi thiền thất. Có một cái cây ở đó. Khi nhìn cây ấy, tôi không có cảm giác tôi là cây, nó còn sâu xa hơn nữa. Tôi cảm thấy gió ở trên tôi, tôi cảm thấy chim ở trên tôi, mọi sự phân biệt đều hoàn toàn biến mất.
B.T. GLASSMAN

Lúc này tôi không nhìn các bông hoa được cắm một cách khác thường. Tôi đang thấy cái mà Adam đã thấy trong buổi sáng tạo dựng ra ông — cái phép lạ, trong từng khoảnh khắc, của cuộc hiện sinh trần trụi.
ALDOUS HUXLEY

Kẻ nào biết mình thì biết đấng Allah.
MUHAMMED

Phật tính: Sự toàn hảo nội tại của mọi sinh linh mà hành Thiền là để nhận cho rõ.

Bạn ngồi trên quả đất và bạn nhận ra rằng quả đất xứng đáng với bạn và bạn xứng đáng với quả đất. Bạn đang ở đó — một cách đầy đủ, đích thân và chân thành.
CHOGYAM TRUNGPA

Ðột nhiên tôi bị phá sản và không nhà không cửa.
JOSHU

Sư Viên Chiếu (999- 1090), tháng 9 niên hiệu Quảng Hựu thứ sáu đời vua Lý Nhân Tông, gọi môn đồ vào dạy:
"Trong thân ta đây, xương lóng gân mạch, tứ đại hòa hợp, ắt phải vô thường. Ví như ngôi nhà khi hoại, nóc mái và xà ngang đều rơi rớt. Tạm biệt các ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:
Thân như tường vách đã suy đồi,
Thế tục hoang mang khóc chẳng thôi,
Nếu hiểu tâm Không, không sắc tướng
Sắc, không ẩn hiện phó vận trời."
(Nguyễn Ðăng Thục dịch)

Một chiều cuối hè, tôi ngồi bên biển, ngắm sóng vỗ lăn tăn và cảm giác nhịp điệu của hơi thở mình. Khi ấy bỗng dưng tôi nhận biết toàn bộ môi trường của mình, như được đưa mình vào cuộc khiêu vũ vĩ đại của toàn thể vũ trụ. Tôi "thấy" những thác năng lượng tuôn xuống từ không gian bên ngoài, ở đó các phân tử được sinh và diệt trong những chuyển động đầy nhịp điệu. Tôi "thấy" nguyên tử của các nguyên tố và của cơ thể mình tham gia cuộc khiêu vũ năng lượng của toàn thể vũ trụ. Tôi cảm thấy nhịp điệu của nó, và tôi "nghe" âm thanh của nó. Và vào khoảnh khắc ấy, tôi biết rằng đó là Vũ điệu của Shiva, vị Chúa tể của các Vũ công, được người Ấn Ðộ thờ phượng.
FRITJOF CAPRA

Tôi đang đi dạo. Ðột nhiên tôi đứng yên, tràn ngập với nhận thức rằng tôi chẳng có hình hài hoặc tâm trí. Cái tôi có thể thấy là một Tổng thể đang chói lọi, vĩ đại và như nhất — ở mọi nơi, toàn hảo, trong sáng và thanh thản.
HÀN SƠN

Chuyện kể rằng tại sa mạc Scete, có một đại trưởng lão dòng khổ tu và ẩn tu đang nằm hấp hối. Các tu sĩ vây quanh giường; mặc áo liệm cho ông và bắt đầu than khóc. Nhưng vị đại trưởng lão mở mắt, cười lên ba tiếng.
Thấy vậy, các tu sĩ hỏi ông: "Thưa đại sư huynh, tại sao lão huynh cười trong khi bọn đệ khóc?"
Người sắp chết liền bảo: "Ta cười tiếng thứ nhất vì thấy các ngươi sợ chết. Ta cười tiếng thứ hai vì thấy các người không sẵn sàng cho cái chết. Và tiếng thứ ba ta cười vì từ những công việc lao động, ta đi tới nơi an nghỉ."
Nói xong mấy câu ấy, đại trưởng lão khép mắt và chết.

Ðột nhiên tôi cảm thấy rất hạnh phúc... Tôi cảm thấy quanh mình dâng lên bền vững một cơn thủy triều hân hoan cực độ... Nỗi ấm áp của cơn thủy triều ấy thì huy hoàng như thuộc về một ngọn lửa lớn lao và tríu mến. Tôi vẫn còn ý thức một cách trí tuệ, nghĩa là, tôi đang xét đoán tình cảnh của mình, cân nhắc nó, so sánh nó, thắc mắc về ý nghĩa có thể có của nó. Trước đây tôi chưa hề sở đắc ý thức phân biệt ấy, cái đang thao tác trên một mặt bằng ở đó mọi sự phân biệt đều có vẻ vô lý. Rồi cơn thủy triều ấy rút xuống chầm chậm để lại tôi sướng khoái, an nghỉ và tươi nhuận lại.
CHRISTMAS HUMPHREYS

Nếu các cánh cửa của nhận thức được làm cho tinh sạch thì dứt khoát mọi sự sẽ xuất hiện cho người ta đúng như chúng là chúng.
WILLIAM BLAKE

Khoảnh khắc này, hữu thể này, là Cái đó. Cuộc đời của tôi là toàn bộ sự sống ở qui mô nhỏ. Mặt trăng, các hành tinh, xoay quay trái tim tôi. Mặt trời mà lúc này bị che khuất bởi rìa mép bao la của quả đất, đang rọi vào tôi cũng như đang ở trong tôi. Các thần linh và các thiên thần, cả ác lẫn thiện, đều giống như những sợi tóc trên đầu tôi, dường như nhiều vô số kể, và mọc ra từ bên trong đầu tôi. Dường như con người vũ trụ tôi xuất từ chính tôi và tuy thế, tôi là cái gì? Một luồng bụi, hay là một tiếng ho khan, rồi tiếp đó là trống rỗng và im lặng.
ALEXANDER ELIOT

Vậy sao!: Một tiếng thét kiểu giật giọng (tiếng Nhật: Kwatsu, hoặc wats) được các thiền sư dùng để hớp hồn thiền sinh, làm thiền sinh sửng sốt, thoát ra ngoài lối suy nghĩ nhị nguyên.

Các thiền sư cho rằng việc am hiểu trọn vẹn về Thiền của cá nhân thì thưởng xảy tới đột ngột nhờ nghe võn vẹn chỉ một câu. Nó được tính toán một cách chính xác để tiêu diệt loại tà ám vô minh riêng biệt của một cá nhân nào đó. Vì thế họ luôn luôn ưu ái lời đối thoại ngược đời và ngắn gọn, xem nó như một khí cụ để huấn luyện, dùng nó như cho một cú đánh đột ngột và choáng váng vào tâm trí thiền sinh, để trong khi tìm cái giá trị lớn lao của nó, anh ta có thể tự đẩy mình tới hoặc bay sang bờ Giác Ngộ.
JOHN BLOFED

Triết lý thì sống trong ngôn từ, còn chân lý và thực tế thì tuôn trào trong cuộc sống của chúng ta bằng những cách thức vượt quá công thức hoặc qui ước ngôn ngữ.
Trong thao tác sống động của nhận thức luôn luôn có cái gì đó le lói, lấp lánh và không thể nắm bắt, và vì thế, sự phản chiếu đến rất trễ.
WILLIAMS JAMES

Biết người khác là minh triết,
Biết chính mình là Giác ngộ.
LÃO TỬ

Sự giác ngộ nào đòi hỏi phải xác nhận, chứng nhận, thừa nhận, hoan hỉ công nhận, đều chỉ là giác ngộ (cho tới lúc ấy) hoặc ít ra là một giác ngộ chưa trọn vẹn.
R.H. BLYTH

Ðây là Nó
và tôi là Nó
và bạn là Nó
và Ðó cũng thế
và Hắn là Nó
và Nàng là Nó
và Nó là Nó
và Ðó là Ðó
JAMES BROUGHTON

Vũ trụ bắt đầu nhìn giống với một tư tưởng vĩ đại hơn là một cổ máy vĩ đại.
JAMES JEANS

Cái là thế giới thì có tính huyền bí.
WITTGENSTEIN

Thượng đế ở trong óc não tôi
và trong sự hiểu biết của tôi.
Thượng đế ở trong mắt tôi,
Và trong lời nói của tôi.
Thượng đế ở trong tim tôi
Và trong tư duy của tôi.
Thượng đế ở trong giờ lâm chung của tôi
Và ở trong sự ra đi của tôi
SARUM PRIMER

Sư Minh Lương (tk.17) sắp tịch,
truyền pháp cho Chân Nguyên và nói kệ:
Ngọc quí ẩn trong đá,
Hoa sen mọc từ bùn
Nên biết chỗ sinh tử,
Ngộ vốn thiệt Bồ-đề.
Nói kệ xong, Sư bảo:
"Nay ta trở về."
Dứt lời, Sư tịch.

Thâm nhập vào rất nhiều bí ẩn, chúng tôi thôi không còn tin vào tính bất khả tri. Tuy thế, nó ngồi đó, trầm lặng chép chép miệng ngon lành.
H.L. MENLKEN

Chúng ta mang theo bên trong mình những thắc mắc bị chúng ta tìm kiếm ở bên ngoài mình.
THOMAS BROWNE

Nước Thiên chúa ở trong các anh chị em.
LUCA 17:21

Ðể đốn ngộ, ta phải buông bỏ cái tôi.
Ðể nhận mọi sự, ta phải mở bàn tay và cho.
TAISEN DESHIMARU

Bạn chẳng thể cô đơn giữa biển cả — bạn đang rất đổi cô đơn.
TANIA AEBI

Sư Pháp Hiền (?-626) lúc còn ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu), gặp Tổ là Hòa thượng Tì-ni-đa Lưu-chi từ Quảng Châu sang. Thấy Sư, Tổ nhìn kỹ rồi hỏi:
- Ngươi họ chi?
Sư không đáp, hỏi lại:
- Hòa thượng họ gì?
Tổ bảo:
- Ngươi không có họ sao?
Sư thưa:
- Họ không phải không có, nhưng Hòa thượng cần gì phải biết?
Tổ quát:
- Biết để làm gì?
Sư liền tỉnh ngộ ngay, sụp lạy.

Một con thuyền chài mộc mạc giữa mặt nước sóng gợn lăn tăn đủ để đánh thức trong tâm hồn của khán giả ý thức bao la của biển cả lẫn của bình an và thư thái — đó là Thiền nghĩa của cô đơn.
D.T. SUZUKI

Mục đích của Thiền là luyện tập để sở đắc một trạng thái của ý thức;
nó xuất hiện khi cái tôi cá thể tự nó trống rỗng chính nó
và trở nên đồng nhất với thực tại tuyệt đối của mọi vật.
ANNE BANCROFT

Sau nhiều năm xoay xở với công án Vô, Thiền sư Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) đạt Ðại Giác Ngộ khi ông nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn trưa.
Khi được yêu cầu mô tả sự đốn ngộ của mình, ông nói: "Người câm diễn tả những giấc mơ của hắn còn dễ hơn."

Mọi vấn đề đều biến mất khi bạn ở trong chiều kích vô ngôn của ý thức. Thần học, triết học và siêu hình học — như chúng ta thường gọi chúng — thôi không còn là những vấn đề khẩn trương. Bạn thấy từng câu trả lời cho từng câu hỏi mà các nhà thần học và các nhà siêu hình học đặt ra, và bạn thấy tại sao các câu hỏi của họ đều phi lý.
WITTGENSTEIN

Chính sự buông bỏ ở nội tâm dẫn con người tới chân lý tối thượng.
HENRY RUSO

Khi, trong sức mạnh thiêng liêng [của linh hồn], nó sở hữu toàn bộ hình hài, nó chuyển đổi hình hài thành những đám mây chuyển động chói lọi, và như thế, có thể biểu lộ chính nó trong toàn bộ tính thiêng liêng của nó.
Ðó là lời giải thích về phép lạ Thánh Francis đi bộ trên mặt biển. Hình hài ông không còn có cái trọng lượng giống với hình hài của chúng ta; qua linh hồn, nó đã hóa ra rất đổi nhẹ nhàng.
ISADORA DUNCAN

Con người và điều đòi hỏi độc nhất là giải phóng bản thân khỏi những câu thúc của tâm trí cũng như của thể xác, đóng chiếc ấn của Ðức Phật lên bản thân mình.
Nếu bạn làm điều đó trong khi ngồi tham thiền nhập định, toàn bộ vũ trụ đang bị tán loạn khắp không gian vô tận trở thành một trạng thái sáng tỏ.
Ðó là cái tôi muốn nói khi dùng chữ chiếc ấn của Ðức Phật.
ÐẠO NGUYÊN

Nếu chúng ta đốn ngộ và cái ngộ đó biểu lộ, như cục cứt chó dính ở chót mũi, thì chẳng tốt lành gì lắm.
TAISEN DESHIMARU

Khi thực tại được nhận thức theo bản tính toàn hảo tối hậu của nó, kẻ hành thiền đạt tới trình độ minh triết được gọi là tâm vô phân biệt — một sự cảm thông kỳ diệu ở đó không còn bất cứ khác biệt nào từng được tạo ra giữa chủ thể và khách thể.
THÍCH NHẤT HẠNH



TÂM TRÍ SƠ TẬP(^)


Làm chủ tâm trí thì hơn bị làm chủ bởi tâm trí.
LỜI THIỀN

Tốt nhất là mở mắt và nhìn.
THOMAS MERTON

Nếu tâm trí của bạn trống rỗng, nó luôn luôn sẵn sàng cho bất cứ cái gì; nó mở sẵn ra cho mọi cái. Trong tâm trí của người mới bắt đầu thì có nhiều khả năng, còn tâm trí của kẻ đã thành thạo thì có ít khả năng.
SHUNRYU SUZUKI

Ðể làm người nhận biết, ta nên như cây đèn cầy, được thắp sáng và dễ chảy.
HUYỀN HỌC YAQUI

Khi bạn xanh non là bạn đang lớn. Khi bạn chín thì bạn thối rữa.
RAY KROC

Ðể hiểu chân lý ta phải có một tâm trí bén nhạy, chính xác, sáng sủa;
không phải môt tâm trí khôn vặt
nhưng là một tâm trí có khả năng nhìn mà không có bất cứ sự bóp méo vo tròn nào,
một tâm trí thơ ngây và dễ bị thương tổn.
KRISHNAMURTI

Ý thức thì lúc nào cũng mở tới nhiều khả năng vì nó đòi hỏi đùa giỡn. Lúc nào nó cũng mạo hiểm.
JULIAN JAYNES

Cái gây lộn xộn cho ta chính là khuynh hướng tin rằng tâm trí của ta giống như một gã tí hon đang ở trong ta.
LUWIG WITTGENSTEIN

Nên đặt một số câu hỏi hơn là nên biết mọi câu trả lời.
JAMES THURBER

Hãy giữ cho bàn tay bạn mở, và mọi hạt cát của sa mạc có thể luồn qua kẽ tay.
Nắm bàn tay lại thì tất cả những gì bạn cảm thấy chỉ là một nhúm cát.
TAISEN DESHIMARU

Thế giới của trẻ con thì tươi nguyên, mới mẻ và đẹp đẽ, đầy những thắc mắc và háo hức.
Sự bất hạnh của chúng ta chính là đối với hầu hết chúng ta, cái nhìn với hai con mắt trong sáng và cái trực cảm chân chính về những gì đẹp đẽ và đáng kính sợ đều hóa ra mập mờ và thậm chí mất hẳn trước khi chúng ta tới tuổi trưởng thành.
RACHEL CARSON

Ðặt câu hỏi khó thì dễ.
W.H. AUDEN

Chúng ta đều được sinh ra yêu kiều, tươi mát, hồn nhiên, và rồi bị văn minh hóa trước khi phải tự thích nghi để tham dự vào xã hội.
MS MANNERS (J. MARTIN)

Tại làm sao trẻ nhỏ thì rất trí tuệ còn người lớn thì quá khờ khạo? Hẳn là giáo dục đã gây ra chuyện đó.
ALEXANDRE DUMAS Con

Ai không đón nhận Nước Trời như một đứa trẻ thì không được vào.
LUCA 18:17

Có những đứa trẻ đùa giỡn trên đường phố đang giải quyết vài vấn đề lớn nhất của tôi trong vật lý vì chúng có những cách nhận thức bằng cảm giác mà tôi đã đánh mất từ lâu.
J.R. OPPENHEIMER

"Bạn có thời thơ ấu hạnh phúc không?" đó là một câu hỏi trật lất.
Khi còn bé, tôi không hiểu hạnh phúc là gì, cũng chẳng biết mình có hạnh phúc hay không. Tôi quá bận rộn sống với hiện thực.
ALISTAIR REID

Bạn không cần cả một đội tuyển. Thậm chí, bạn không cần tới chín đứa trẻ. Bốn đứa là đủ: Một đứa ném bóng, một đứa đập chày, hai đứa rượt đuổi. Bạn có thể chơi suốt từ sáng tới tối. Các con tôi thường cố kéo tôi ra chơi nhưng tôi chỉ nói: "Mấy anh em cứ chơi với nhau".
Nếu có điều gì đó trẻ con muốn làm thì chúng sẽ làm; chúng chẳng cần người lớn làm dùm.
YOGI BERRA

Ðôi khi người ta thật sự sửng sốt vì không nếm trải thế giới đúng theo cách họ đã được bảo cho biết.
ALAN HEIGHTLEY


TÂM TRÍ THÔNG THƯỜNG(^)


Nếu bạn đi, hãy chỉ đi.
Nếu bạn ngồi, hãy chỉ ngồi.
Nhưng dù làm bất cứ việc gì bạn bạn chớ dùng dằng.
VÂN MÔN

Ðức Phật, Ðấng Trí huệ, cư trú hoàn toàn thoải mái trong các mạch điện của máy vi tính kỹ thuật số hoặc những thiết bị chuyển giao theo chu kỳ, y như ngài cư trú trên đỉnh núi hoặc trong các cánh hoa.
ROBERT PIRSIG

Trong Phật giáo, không có chỗ cho sự rán sức.
Chỉ là bình thường và chẳng có gì đặc biệt.
Ăn thức ăn của bạn, đi đại tiện, đi tiểu tiện và khi bạn mệt thì đi nằm.
Kẻ vô minh sẽ cười tôi còn người minh triết thì hiểu.
LÂM TẾ

Nếu một người không có gì ăn thì nhịn đói là việc trí huệ nhất mà hắn có thể làm.
HERMAN HESSE

Tôi có một triết lý đơn giản:
Hãy làm đầy cái gì trống.
Hãy làm trống cái gì đầy.
Hãy gãi chỗ nào ngứa.
ALICE R. LONGWORTH

Ken Boswell: - Tôi đang nổi hứng. Tôi không thể bỏ thói quen nhỏng lên.
Yogi Berra: - Thế thì nhỏng xuống.

Các bạn diễn viên trẻ ạ, hãy học từng hàng và đừng vấp trúng đồ đạc.
SPENCER TRACY

Hỡi các nhà làm phim trẻ, hãy ở ngoài nhà tù.
ALFRED HITCHCOCK

Hỡi các nhà đạo diễn trẻ, hãy chỉ ngồi ngoài đó và cứ để chúng lần lượt đi qua. Khi thấy có cái gì đó bạn không thích thì hãy thay đổi nó.
JOSHUA LOGAN

Tôi không diễn tả cái gì cả. Tôi chỉ thể hiện con người đang chuyển động.
MERGE CUNNINGHAM

Tôi đi khắp nơi nhìn ngựa và gia súc. Chúng ăn cỏ, làm tình, làm việc khi phải làm việc, sinh con. Tôi nổi quạu vì ganh tị với chúng.
SHERWOOD ANDERSON

Hãy học ao ước rằng mọi sự nên đến để qua đi đúng theo cách của chúng.
EPICTETUS

Nếu bạn không hạnh phúc lúc này và tại đây thì bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc.
TAISEN DESHIMARU

Khi bạn hiểu thông suốt một điều, bạn hiểu mọi điều.
SHUNRYU SUZUKI

Thượng đế ở trong các chi tiết.
MIES VAN DER ROHE

Các chi tiết thìø toàn bộ ởø đó.
MAEZUMI

Ðức tin và triết học là hơi là khí, nhưng các sự kiện là đồng là thau.
HERMAN MELVILLE

Khả năng đơn giản hóa nghĩa là loại trừ những gì không thiết yếu để cái thiết yếu có thể lên tiếng.
HANS HOFMAN

Thiền sư Triệu Châu (778-897)
Tăng: - Bạch Thầy, tôi chỉ mới vào Thiền viện, xin Thầy vui lòng chỉ bảo.
Triệu Châu: - Ngươi ăn cơm chưa?
Tăng: - Bạch Thầy rồi ạ.
Triện Châu: - Vậy rửa chén đi
Nghe câu ấy, tăng ngộ.

Trong khi rửa chén ta chỉ nên rửa chén, cái đó có nghĩa rằng trong khi rửa chén, ta nên nhận biết hoàn toàn cái thực tại là ta đang rửa chén.
Thoạt nhìn, cái đó đường như có chút gì ngớ ngẩn: tại sao lại đặt quá nhiều căng thẳng và một việc đơn giản như thế. Nhưng đó chính xác là vấn đề.
Thực tế là tôi đang đứng đó và rửa chén là một thực tại kỳ diệu. Tôi đang hiện hữu cái tôi toàn bộ, theo hơi thở của tôi, ý thức về sự hiện diện của tôi, ý thức về mọi ý nghĩ và mọi hành động của tôi.
Không cách gì tôi có thể bị nghiêng ngả vô tâm như một cái chai dập dềnh đây đó trên đầu ngọn sóng.
THÍCH NHẤT HẠNH

Khi chúng ta chú ý thì bất cứ cái gì chúng ta đang làm — dù nấu ăn, lau nhà hoặc làm tình — đều bị chuyển thể và trở nên thành phần của con đường tâm linh của chúng ta. Chúng ta bắt đầu để ý các chi tiết và các kết cấu mà trước đây chúng ta không bao giờ để ý; cuộc sống hằng ngày trở nên sáng tỏ hơn, sắc nét hơn và đồng thời thênh thang hơn.
RICK FIELDS

Nhà báo: - Thầy có cảm thấy e sợ trong ván thứ 12 không?
Yogi Berry: - Không, nhưng tôi đã sợ.

Nếu chúng ta sống, chúng ta sống.
Nếu chúng ta chết, chúng ta chết.
Nếu chúng ta đau khổ, chúng ta đau khổ.
Nếu chúng ta kinh hãi, chúng ta kinh hãi.
Chuyện đó chả thành vấn đề.
ALAN WATTS

Trong khi tôi mò mẫm sách vở
Và suy nghĩ về Thượng đế và Ma quỉ, và đủ thứ
Thì những thanh niên đang vật lộn với tháng ngày
Và những kẻ khác đang hôn phụ nữ đẹp.
ALDOUS HUXLEY

Kiến thức, đừng tìm nó trong sách, hãy tìm nó ngay trong vạn vật.
WILLIAM GILBERT

Trong cuộc sống, chính cái quen thuộc thường tránh né chúng ta. Cái ở ngay trước mũi chúng ta là cái sau cùng chúng ta thấy.
WILLIAM BARRET

Nó đòi hỏi một loại tâm trí nhất định để thấy vẻ đẹp trong ổ bánh mì kẹp thịt. Tuy thế, có bất thường hay không khi tìm thấy vẻ duyên dáng trong kết cấu và hình cong vòng dịu dàng của chiếc bánh hơn là ngẫm nghĩ một cách đáng yêu... về sự sắp xếp các kết cấu và màu sắc trên cánh một con bướm.
RAY KROC

Những con bò thiêng liêng làm những bánh nhân thịt cao cả.
ROBERT REISNER

Có một sự an tĩnh nào đó đầy Phật tính đến từ việc... có tiền trong ngân hàng.
TOM ROBBINS

Những khía cạnh của vạn vật rất quan trọng cho chúng ta, thì bị ẩn dấu vì tính chất mộc mạc và quen thuộc của chúng.
WITTGENSTEIN

Nam Tuyền Phổ Nguyện (738-835) là đệ tử của Mã Tổ Ðạo Nhất và là sư phụ của Triệu Châu Tòng Thẩm. Cuộc trò chuyện dưới đây diễn ra khi Triệu Châu còn thanh niên.
Triệu Châu: - Ðạo là gì?
Nam Tuyền: - Tâm trí thông thường của người ta là Ðạo.
Triệu Châu: - Con có phải đi tìm nó không?
Nam Tuyền: - Không, nếu ngươi tìm nó ngươi không thể thấy nó.
Triệu Châu: - Thế thì làm sao con biết Ðạo?
Nam Tuyền: - Ðạo không phải là chuyện biết hay không biết. Biết là ảo tưởng; không biết là hoang mang. Ðạo chân chính thì mênh mông vô tận như không gian bên ngoài kia. Làm sao ngươi có thể nói về nó theo kiểu nói đúng và sai?
Tới đây, Triệu Châu ngộ.

Suốt hai mươi năm tôi chờ có ai đó nói với tôi: "Ngươi phải chửa lửa bằng lửa" để tôi có thể đáp lại: "Thiệt là tức cười — tôi luôn luôn dùng nước."
HOWARD GOSSAGE

Trong cái được thấy thì nên chỉ là cái được thấy;
trong cái được nghe thì nên chỉ là cái được nghe;
trong cái được cảm giác thì nên chỉ là cái được cảm giác;
trong cái được nghĩ tới thì nên chỉ là cái được nghĩ tới.
ÐỨC PHẬT

Ðây này — sự nếm trải lúc này, lập tức và hằng ngày — là NÓ, cái điểm tối hậu và toàn bộ đối với sự hiện hữu của vũ trụ.
ALAN WATTS

Tôi đưa tay lên, tôi lấy cuốn sách ở mé bên kia cái bàn, tôi nghe bọn con trai đá banh bên ngoài cửa sổ; tôi thấy các đám mây lan tỏa bên kia khu rừng sát nhà: — trong tất cả những cái đó, tôi đang hành Thiền. Không cần tới sự thảo luận bằng ngôn từ hoặc bất cứ sự giải thích nào.
D.T. SUZUKI

Ðừng để tôi bắt gặp bất cứ người nào thảo luận về vũ trụ trong sở làm của tôi.
ERBEST RUTHERFORD



TÂM KHÔNG(^)


Khi tâm trí không ở nơi nào thì nó ở mọi nơi.
Khi nó bị chiếm một phần mười này thì nó vắng mặt cả trong chín phần mười kia.
TRẠCH AM TÔNG BÀNH

Nếu gặp Phật, giết Phật.
LÂM TẾ

Toàn mãn tâm trí là một trạng thái trong đó, ta nhận thức trọn vẹn dù ở bất cứ tình huống nào, và như thế có khả năng đáp ứng thích đáng. Hơn nữa, ta nhận thức về hành động đang nhận thức. Ngược lại, vô tâm trí, hoặc "trạng thái tâm không", như nó được gọi thế, là một trạng thái hấp thu đầy đủ tới độ chẳng có vết tích nào của sự tự nhận thức.
PHILIP KAPLEAU

Ðùng nghĩ: Nhìn!
WITTGENSTEIN

Khi bạn cố ngưng hoạt động để đạt tới trạng thái bị động thì chính nỗ lực của bạn làm bạn đầy ứ hoạt động.
TĂNG XÁN

Tâm trí của một người toàn hảo giống với chiếc gương. Nó chắng nắm lấy cái gì cả. Nó chẳng kỳ vọng cái gì cả. Nó phản chiếu nhưng nó không lưu giữ. Do đó, người toàn hảo có thể hành động mà không gắng sức.
TRANG TỬ

Chân lý của một vật là cái cảm nhận về nó, không là cái suy nghĩ về nó.
STANLEY KUBRICK

Minh triết giống như một đống lửa, không thể đi vào nó từ bất cứ phía nào.
Minh triết giống như ao trong veo và êm mát, có thể đi vào nó từ bất cứ phía nào.
LONG THỌ

Minh triết thì tiềm tàng trong mọi vật như chúng đúng là chúng, hơn là trong mọi từ ngữ mà con người sử dụng.
SAINT-EXUPÉRY

Không ai chịu trách nhiệm tạo ra lỗi lầm hơn là kẻ chỉ hành động dựa vào sự ngẫm nghĩ.
VAUVENARGUES

Lũ ngỗng trời không dự tính mỗ cái hình phản chiếu của chúng.
Nước cũng không có ý định tiếp nhận hình ảnh của chúng.
HÀI CÚ

Cứ suy nghĩ cho đã đời rồi bạn sẽ chẳng biết gì cả.
KENNETH PATCHEN

Làm thế nào loài người biết điều gì đang đến và sắp đi qua trong họ trong khi chẳng có ngôn từ nào nắm bắt được nó? Làm thế nào những giọt nước hiểu chính chúng là một dòng sông? Tuy thế dòng sông tiếp tục chảy.
SAINT-EXUPÉRY

Khi bạn ở biển, hãy giữ mình cách xa đất.
PUBLILIUS SYRUS

Trong mọi thành phần và mọi ngóc ngách của cuộc sống chúng ta, thì đánh mất bản thân là để làm người thắng cuộc và quên mình là có hạnh phúc.
ROBERT L. STEVENSON

Chúng ta chỉ có thể hiện hữu bằng việc tách tâm trí mình khỏi sự kiện chúng ta hiện hữu.
THOMAS BERNHARD

Thỉnh thoảng tôi suy nghĩ và thỉnh thoảng tôi là tôi.
PAUL VALÉRY

Ông chủ ơi, ông suy nghĩ nhiều quá!
A. QUINN
trong phim Zorba the Greek

Tâm trí chỉ tự do khi nó rủ sạch mọi liên quan mật thiết với các hữu thể và các đối tượng, đồng thời nó dàn trải sự trống rỗng của chính nó.
E.M. CIORAN

Tâm không thì vô tư nghị về vô vạn vật.
ÐỨC PHẬT

Khi tôi đang giải quyết một vấn đề thì không bao giờ tôi nghĩ tới cái đẹp. Tôi chỉ nghĩ tới cách giải quyết vấn đề ấy. Nhưng khi xong việc, nếu giải pháp ấy không đẹp thì tôi biết rằng mình đã sai.
R.B. FULLER

Mục đích cao nhất là chẳng có chút mục đích nào. Ðiều ấy khiến ta hòa hợp với vạn vật theo lề thói vận hành của vạn vật.
JOHN CAGE

Người ta nghĩ rằng ban nhạc Beatles chúng tôi biết rõ điều gì đang diễn ra.
Không, chúng tôi chẳng biết gì.
Chúng tôi chỉ đang làm điều đó.
JOHN LEMMON

Bạn yêu cầu tôi định nghĩa nhạc Jazz ư?
Bạn ạ, nếu bạn buộc lòng phải hỏi thì bạn sẽ không bao giờ biết.
LOUIS ARMSTRONG

Ðời tôi không mục đích, không định hướng, không mục tiêu, không ý nghĩa, và tuy thế, tôi hạnh phúc. Tôi không thể miêu tả nó. Ðiều tôi đang làm có đúng không đấy?
CHARLES M. SCHULZ

Một người say bị té xe ngựa, dù đau đớn tới mấy cũng không chết. Xương của hắn cũng giống hệt của mọi người nhưng hắn gặp tai nạn theo cách khác. Tinh thần của hắn ở trong trạng thái an toàn. Hắn không ý thức đang đi bằng xe ngựa, hắn cũng không ý thức về việc té xe. Các ý tưởng về sống, chết, sợ hãi và những cái như thế không thể xâm nhập lồng ngực hắn; và như thế hắn không khổ sở do sự tiếp xúc với hiện thực khách quan. Nếu sự an toàn như thế mà có được nhờ rượu thì an toàn biết bao khi có được từ Thượng đế.
TRANG TỬ

Bạn sẽ thọ tới mấy tuổi nếu bạn không biết bạn đã bao nhiêu tuổi.
SATCHEL PAIGE



HƯ KHÔNG(^)


Ngưới ta nắn đất sét để làm chiếc bình, nhưng công dụng của chiếc bình nằm ở chỗ bên trong trống rỗng của nó...
Vậy thì khai thác "có" để làm cái lợi thế và lấy cái "không" để làm cái ứng dụng.
LÃO TỬ

Thượng đế tạo dựng mọi sự từ hư không nhưng cái hư không thì biểu lộ qua mọi sự.
PAUL VALÉRY

Chính hư không tạo cho chúng ta cái gì đó,
chính cái chúng ta không thấy mới tạo ra cơ đồ.
7-UP JINGLE

Thực chất của Thượng đế là một vòng tròn mà tâm điểm ở mọi nơi và chu vi không ở nơi nào cả.
EMPEDOCLES

Tới nay, tôi mới hiểu hạnh phúc thật thì nằm trong những cái mắt không thể thấy hoặc tay không thể sờ.
VÔ DANH

Trò chơi ấy không phải là để sắp trở thành một nhân vật nào đó mà là để trở thành một người chẳng ai để ý.
BABA RAM DASS

Sự vật chỉ là cái dường như chúng hiện hữu, và đằng sau chúng... chẳng có gì sất!
SARTRE

Hư không là cái vĩ đại hơn tất cả những cái vĩ đại được tìm thấy trong chúng ta.
JOHN CAGE

Nhìn vào hư không — đó là cái nhìn chân chính, cái nhìn vĩnh cửu.
THẦN HỘI

Ðặt ba chục nan hoa vào nhau và gọi là bánh xe
Nhưng nhờ chỗ "không" mới dùng được bánh xe.
Nhồi đất sét để làm ra chén bát
Nhưng nhờ bên trong trống rỗng nên chén bát mới dùng được.
Khoét cửa lớn cửa sổ và làm buồng the
Nhờ khung cửa và bên trong buồng trống rỗng mới dùng được
Bởøi vậy
Lấy cái "có" để làm lợi thế,
Lấy cái "không" để mà dùng.
LÃO TỬ

Thật chính xác vì không có gì bên trong cái Ðấng mà từ đó phát xuất mọi sự.
PLOTINUS

Ngoài cái biết và cái không biết, ở đó còn có cái gì khác?
HAROLD PINTER

Vốn từ không gốc và từ không mà đến, lại từ không mà đi.
Ta vốn không đến không đi nên cái sống cái chết không làm lụy nổi ta.
NHƯ TRỪNG LÂM GIÁC

Tới khoảnh khắc đã định, tôi mở mắt và hiện hữu.
Và trước đó, suốt toàn bộ vĩnh cửu ấy, có cái gì ở đó?
Không gì cả.
UGO BETTI

Mất một thời gian dài để hiểu rằng không có gì cả.
EDWARD DAHLBERG

Sự bất an giữ cho chiếc-đồng-hồ-siêu-hình-không-bao-giờ-ngừng tiếp diễn chính là ý nghĩ rằng tính phi hiện sinh của thế giới này thì cũng cực kỳ giống tính hiện sinh của nó.
WILLIAM JAMES

Vô: Theo nghĩa đen là "không" hoặc "chẳng có". Vô nghĩa là sự vắng mặt mọi sự, nhưng nó không có nghĩa là "chẳng có gì" — nó vượt quá sự phân biệt hão huyền giữa khẳng định và phủ định, và đôi khi được dịch là "không hai" (bất nhị). Người ta nói rằng một khi bạn thấu hiểu Vô là bạn thấu hiểu Thiền.

Mọi sự thì thuộc bản tính của không sự nào.
PARME NIDE

Xuân sang hoa bướm khéo quen thời,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kì.
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,
Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi.
GIÁC HẢI

Ðiều duy nhất trong sự phòng thủ của tôi, vàø cái đó không thành vấn đề: Tôi biết cái mà Carter, hoặc Helen, hoặc có thể kể cả anh, không bao giờ biết. Tôi biết "hư không" nghĩa là gì, và ta hãy tiếp tục đùa giỡn.
JOAN DIDION

Tôi hai mươi tuổi khi tôi đi vào, ba mươi mốt tuổi khi tôi đi ra.
Bạn không tính tháng tính năm — bạn không tính thời gian theo kiểu đó.
Bạn phải quên thời gian, bạn phải cóc cần việc mình sống hay chết.
Bạn phải tới chốn mà hư không là hư không.
JAMES CAAN trong phim Kẻ trộm (Thief)
Ðạo diễn: MICHAEL MANN

Mọi sự tùy thuộc vào điều này: tính khôn dò đang chìm vào hư không khôn dò.
JOHANNES TAULER

Hãy hành động mà không hành động,
làm mà không làm,
nếm mà không nếm.
LÃO TỬ

Chư Phật đều giảng sự trống rỗng.
Tại sao?
Vì các ngài muốn nghiền nát những ý tưởng cứng nhắc của đệ tử.
Nếu đệ tử còn bám víu vào ý tưởng về sự trống rỗng thì hắn đang phản bội Chư Phật.
BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Nguyên lai của hết thảy các thức đất, nước, lửa và gió đều là không.
ÐẠO HUỆ

Các nốt nhạc tôi vừa đánh không hay hơn các tay đàn dương cầm khác. Nhưng có những chỗ lặng giữa các nốt nhạc — và cái hay nằm ở những chỗ không đánh đó.
ACTUR SCHNABEL



NHƯ NHẤT(^)


Hư không được sinh ra, hư không bị hủy diệt.
Hãy vứt hết sự duy nhị nguyên của bạn, những thích và không thích của bạn.
Mọi sự giản dị là chỉ Tâm-Nhất.
Khi bạn nhận thức được điều này, bạn sẽ leo lên Luân Xa của Chư Phật.
HOÀNG PHỐ

Nhìn toàn bộ; hoặc mọi sự còn lại là hoang tàn.
JOHN FOWLES

Tất cả pháp không sinh,
Tất cả pháp không diệt,
Nếu hiểu được như thế,
Chư Phật thường hiện tiền,
Có chi là đi lại.
TRẦN NHÂN TÔNG

Mọi con số đều là các bội số của một. Mọi khoa học đều đồng quy về một điểm chung, mọi minh triết đầu xuất phát từ một tâm điểm, và con số của minh triết là một.
PARACELSUS

Chân lý là, mọi sự là Một, và dĩ nhiên đây không phải cái một bằng con số.
PHILIP KAPLEAU

Dàn dựng cái ta thích để chống lại cái ta không thích, đó chính là bệnh tật của tâm trí.
TĂNG XÁN

Và mọi sự trở nên Một,
Và chúng tôi tiếp tục nhảy múa, nhảy múa, nhảy múa...
THEODORE ROETHKE

Mọi sự y như nhau,
Mọi sự tách bạch nhau.
LỜI THIỀN

Cần có muôn duyên có,
Ưng không tất cả không.
Có không, hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.
TÔNG DIỄN

Trong toán học vô cực không có số dư. Toàn sự sống là một; do đó không thể có thượng đế và con người, cũng như vũ trụ và thượng đế.
Một thượng đế không trong thế giới này là thượng đế giả, và một thế giới không trong thượng đế là thế giới không thật.
Toàn vạn vật trở về một, và một thao tác trong mọi sự.
NYOGEN SENZAKI

Trong cái "Không Hai" không có mọi vật tách biệt, như thế toàn bộ vạn vật được gồm vào.
TĂNG XÁN

Kiến thức là một. Sự phân chia nó thành nhiều chủ đề là sự nhượng bộ tình trạng yếu kém của loài người.
Sir H.J. MACKINDER

Mọi người đều biết rằng giọt nước ấy thì lẫn vào đại dương nhưng ít người biết rằng đại dương thì hòa vào giọt nước ấy.
KABIR

Mọi sự trong vũ trụ đều được liên kết, mọi sự đều thẩm thấu. Bạn không thể tách bất cứ cái phần nào ra khỏi cái toàn thể: sự tương liên thống trị trật tự vũ trụ.
TAISEN DESHIMARU

Cái Một thì không khác chút nào với cái Tất cả, cái Tất cả thì không khác chút nào cái Một.
TĂNG XÁN

Và ta cảm thấy... một cảm giác siêu tuyệt
Của cái gì đó được trộn lẫn hết sức sâu xa
Những cái trú ngụ trong ánh sáng mặt trời đang lặn
Và biển cả tròn đầy và không khí sống động
Và bầu trời xanh, và trong tâm trí của con người
Một cử chỉ và một linh hồn, đều thúc ép
Mọi vật đang suy nghĩ, mọi đối tượng của mọi ý nghĩ
Và lăn qua mọi vật.
WORDSWORTH

Người biết và cái được biết là một. Người mộc mạc tưởng tượng rằng họ nên thấy Thượng đế, như thể Ngài đứng ở đó và họ đứng ở đây. Không phải như thế. Thượng đế và tôi, chúng tôi là một trong kiến thức.
MEIESTER ECKHART

Người suy nghĩ và cái suy nghĩ là một.
KRISHNAMURTI

Minh triết cao nhất chỉ có một khoa học duy nhất — khoa học về cái tổng thể — khoa học giải thích sự sáng tạo mang tính tổng thể và chỗ của con người trong sự sáng tạo đó.
TOLSTOY

Khi bạn ngồi theo tư thế kiết già, bàn chân trái của bạn đặt trên bắp đùi phải và bàn chân phải của bạn đặt trên bắp đùi trái. Khi bạn bắt chéo chân như thế, dù chúng ta có hai chân — chân trái và chân phải — nhưng cả hai trở thành một. Tư thế ấy biểu lộ trạng thái như nhất của nhị nguyên: không hai và chẳng một. Ðây là lời giảng quan trọng nhất: không hai và chẳng một. Nếu bạn nghĩ rằng thân và tâm là hai, vậy là sai; nếu bạn nghĩ chúng là một, vậy cũng là sai. Thân và tâm là cả hai lẫn một.
SHUNRYU SUZUKI

Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.

Mọi hữu thể đều là Phật. Mọi hữu thể đều là chân lý, đúng như chúng hiện hữu.
ROBERT AITKEN

Ngừơi ở trên lầu hoa dưới sân,
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông,
Hồn nhiên người với hoa vô biệt,
Một đóa hoa vừ mới nở tung.
HUYỀN QUANG
(1254-1334)
(Nguyễn Lang dịch)


PHỤ LỤC I(^)


Thiền và Kệ

Kệ: gọi tắt của âm chữ Phạn Kệ đà, cũng đọc là Già tha, Già đà, dịch là Tụng, Phúng tụng. Kệ là đạo từ được thăng hoa thành thơ như một bài ca sung mãn, nói lên bằng âm thanh và vần điệu của con người vượt thế; một thể loại văn học của nhà chùa, đặc biệt tại Trung Hoa và Việt Nam. Người viết nên kệ phần nhiều là các Tì kheo, Thiền sư, và đôi khi Cư sĩ.

Hình thức căn bản của Kệ là thể thơ bốn câu, với số chữ của mỗi câu bằng nhau: năm hoặc bảy chữ – ngũ ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn tứ tuyệt. Cũng có những bài trường thi cả trăm câu, dài ngắn xen kẽ, để giải thêm cho rộng nghĩa một bài thuyết pháp. Cũng có những kệ gồm bốn câu ba chữ hoặc bốn chữ.

Có nhiều loại kệ. Kệ ca tụng công đức của Phật, Bồ Tát. Kệ gom đại ý của một thời kinh, một cuộc thuyết pháp. Kệ bày tỏ lòng cảm mến, lòng tin tưởng vào Tam Bảo. Kệ nói lên ý nguyện và tâm niệm tu trì trong ngày thọ giới. Kệ thổ lộ cảm giác an lạc nhẹ nhàng khi đã đi hết đường trần, hoàn thành công việc đã làm. Loại kệ có tính giáo huấn được gọi là Kiệt, nghĩa là thâu tóm hết ý nghĩa.

Giữ đúng qui định nghiêm ngặt của thể thơ như một lối giới luật, và vượt qua chúng như một người chứng ngộ, Kệ cho thấy sự kết tinh và hài hòa của con tâm tăng tiến, phóng khoáng, trang trọng, ung dung tự tại, và mức độ giác ngộ của hành giả. Kệ xuất hiện trước Thiền. Từ ngày có Thiền, Kệ thành chứng đạo ca của người đốn ngộ, một loại thơ vượt thơ, tình ý phơi phới trong trạng thái hồn nhiên vô ngã vô tư nghị. Trong Bích Nham Lục và Vô Môn Quan, Kệ là chìa khóa giúp thiền sinh phá công án. Thí dụ bài Kệ trong Vô Môn Quan, công án thứ 19:

Xuân có trăm hoa, thu có trăng
Hạ về gió mát, tuyết đông giăng
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.
(Trần Tuấn Mẫn dịch).

Một bài kệ tụng nổi tiếng của Thiền sư Trung hoa Linh Vân Chí Cần, tả lại khoảnh khắc ngắm hoa đào nở mà triệt ngộ:

Ba chục năm qua tầm kiếm khách
Bao lần lá rụng với cành trơ
Từ khi được thấy hoa đào nở
Cho đến ngày nay chẳng chút ngờ.

Trần Nhân Tông, Thiền sư khai sáng phái Trúc Lâm Yên Tử, để lại nhiều bài thơ là kệ, kệ là thơ, trong đó có bài:

Thân như hơi thở ra vào mũi,
Ðời giống mây trôi đỉnh núi xa,
Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng
Ðâu được ngày xuân để luống qua.

Và dưới đây là bài kệ lưu truyền của Lục Tổ Huệ Năng lúc đang là cư sĩ, được Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn, sau khi nghe bài kệ, trao y bát:

Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
[Bồ đề vốn không có cây,
Gương sáng cũng không phải đài.
Nguyên lai không có vật gì cả,
Bụi đời còn bám vào đâu?]

Và bài kệ về yếu chỉ Thiền Tông của Sơ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma:

Giáo ngoại biệt truyền,
Bất lập văn tự,
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

Thiền và Hài cú

Trong thế giới thi ca nhân loại, Hài cú của Nhật là thể thơ ngắn nhất. Có người dịch sang tiếng Việt là Bài cú.

Một bài thơ hài cú chỉ gồm ba câu, theo thứ tự tiết tấu đa âm của Nhật ngữ là câu đầu 5, câu giữa 7 và câu cuối 5. Tuy ngắn gọn đến thế, hài cú đủ khả năng chuyên chở cảm xúc và ánh lóe sáng đột xuất của trực giác. Trong hài cú, không có loại chữ nghĩa hay hình ảnh mang tính tượng trưng. Nó chộp lấy sự sống đang tuôn trào rồi tĩnh lặng và nói gọn gàng thành lời.

Hài cú mang tính bất nhị nguyên và quả thật không có chỗ hiện diện cho con người và cái tôi của tác giả. Bài hài cú cô đọng những chất liệu trông có vẻ đơn giản của cuộc sống hàng ngày — chiếc lá đang lìa cành, tuyết đang rơi, ao nước, con ruồi, con cóc, cánh bướm, v.v.

Hài cú trình bày với người đọc một lối nhìn vào cuộc sinh hoạt của vạn vật và đạt tới giác ngộ, dù chỉ một thoáng qua. Hài cú không phải là Thiền nhưng Thiền là hài cú. Nói theo lời R.H. Blyth, "Hài cú là đóa hoa sau cùng của văn hóa phương đông."

Hài cú được nâng lên thành một thể thơ và giữ cố định cho tới ngày nay bởi thi hào vĩ đại Tùng Vĩ Ba Tiêu (Matsuo Bashò, 1644-1694). Hầu hết các bài hài cú của ông đều có liên quan tới thiên nhiên. Ông rất yêu thiên nhiên và con người. Nơi con người, ông thấy được sự ưu đãi của thiên nhiên, vũ trụ, sự quí báu vô cùng khi được làm người.

Có thể kể thêm các thi sĩ Nhật khác như Buson, Issa, Ryokan và Shiki. Cùng với các bộ môn nghệ thuật của Nhật thẩm thấu Thiền tính, hài cú gợi lên tính chất sabi, nghĩa là sự tĩnh mịch, cô đơn và an nhiên tự tại, cùng với tính chất wabi, nghĩa là vô ngã, đơn sơ và mộc mạc.

Thơ hài cú nói chung thường đề cập tới tứ thời bát tiết, như lộc non mùa xuân, cành khô mùa thu. Và chừng mực như mọi bộ môn nghệ thuật "hữu Thiền", hài cú biết dừng lại khi cảm thấy đã nói vừa đủ.

Hài cú của Ba Tiêu:

Ta không thích trẻ con,
Ai nói vậy sẽ không thấy được
Những nụ hoa chớm nở.
(Nguyễn Tường Bách dịch)

hoặc:

Con bướm
Ðậu trên chiếc chuông trong đền
Thiu thiu ngủ.

Thiền và Trà

Suốt một ngàn năm trăm năm nay Thiền và Trà có tương quan mật thiết. Và dây liên hệ đó hẳn sẽ kéo dài tới vô tận. Câu chuyện Trà đạo Nhật Bản bắt đầu khi vị Thiền sư Nhật đầu tiên là Minh Am Vinh Tây (Myoan Eisai, 1141-1265) thuộc tông Lâm Tế, vượt trùng dương, mang trà từ Trung Hoa về quê hương hải đảo của mình. Tới thế kỷ 16, Rihyu, một môn đồ của Thiền, cao nhã hóa nghệ thuật uống trà bằng các qui định đặc sắc, nâng việc dùng trà lên thành Trà đạo – chadò.

Y hệt Thiền, trà đạo (đường lối hay nghệ thuật dùng trà) nhắm tới sự đơn sơ mộc mạc. Một cách giản dị, nó bao gồm việc đun nước, chuẩn bị trà và uống trà. Tinh thần của trà đạo là hòa hợp, trang trọng, tinh khiết, tĩnh lặng, mộc mạc và cô đơn. Tinh thần ấy cũng ảnh hưởng sâu xa lên các bộ môn nghệ thuật khác như cắm hoa, làm đồ gốm, kịch nghệ và kiến trúc.

Người ta thường tiến hành nghi lễ trà đạo trong một lều tranh giản dị — "nơi cư ngụ của hư không". Vật dụng thì ít ỏi và rất đơn sơ. Trong phòng thường chỉ có một bình cắm sẵn hoa và một bức tranh.

Khách uống trà nhiều nhất bốn năm nguời, tụ họp trong phòng trà. Nghênh đón ẩm khách là tiếng nhạc của ấm nước — bên trong sắp lớp mấy miếng kim loại nhỏ. Khi hơi nước luồn qua, chúng tạo nên âm thanh gợi nhớ và có ấn tượng tiếng thác nước suối đang đổ xa xa hoặc tiếng gió thổi qua cành thông. Có một chuỗi những qui định nghiêm cẩn về cách rót, cách gạn nước trà xanh, cách phục vụ, sự trang trọng khi chuyền nhau ấm trà và tách trà, cách nâng tách và cách uống. Ðối với một số người, những qui định "nhiêu khê" này xem ra có vẻ nghịch lý với yêu cầu mộc mạc, nhưng đối với khách trà đạo Nhật, chúng giúp họ có thể sở đắc một trạng thái nghệ thuật phi nghệ thuật.

Trong Thiền Trung Hoa, cái cốt lõi của nghệ thuật uống trà không nằêm trong những nghi thức nghiêm ngặt như thế nhưng ở khung cảnh tịch lặng và người đồng ẩm tương thông tương đắc.

Dù theo cách của Trung Hoa hay của Nhật Bản, nghệ thuật chính của Trà đạo vẫn là làm quên đi những nghi thức có tính nhị nguyên, không có trà và nghệ thuật uống trà mà chỉ có trà, mang ý nghĩa một tâm thức vô phân biệt.

Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm (778-897) có để lại một bài dạy liên quan tới trà.

Sư thường hỏi các tăng đến xin chỉ bảo:
- Uống trà chưa?
Có tăng trả lời:
- Từng đến.
Có tăng trả lời:
- Chưa từng đến.
Sư đều bảo cả hai:
- Uống trà đi!

Viện chủ thấy thế thường thắc mắc trong bụng. Cuối cùng, hết nín nổi, ông hỏi Sư:

- Tại sao trong cả hai trường hợp, Sư đều bảo "Uống trà đi!"
Triệu Châu bèn quát lớn:
- Viện chủ!
Viện chủ thưa lẹ làng:
- Da!
Triệu Châu bảo:
- Uống trà đi!
Nghe thế, viện chủ tỉnh ngộ đôi chút.

Thiền với Thư và Họa

Tại á đông, Thư pháp là một loại hình nghệ thuật được đánh giá cao nhất. Riêng ở Trung Hoa, nó xuất hiện trước Thiền, và không phải những bức thư pháp xuất sắc nhất đều có liên quan tới Thiền. Nhưng từ những khởi đầu của mình, Thiền tìm thấy mối quan hệ tự nhiên với phẩm chất thanh nhã và trang trọng trên con đường ngọn bút lông "tầm đạo" trên giấy.

Thư pháp được nhân gian xem là nghệ thuật cốt tủy của mọi loại hình nghệ thuật vì nó thể hiện đầy đủ tâm trạng của người nghệ sĩ. Với Thiền tính, trong Thư pháp, người ta xem việc "viết đẹp" không bằng gói ghém vào "đường bay của chữ" tâm trạng tác giả và biểu tượng cô đọng của nghệ thuật và của cuộc sống.

Dùng năng lực tập trung cao độ được sở đắc bởi quán tưởng, nhà nghệ sĩ và hành giả ấy có khả năng biểu lộ tính sáng tạo nhất trong nét chữ của mình. Với Thiền tính, thư pháp của một người thay đổi hẳn sau khi sở đắc giác ngộ, sở hữu một sức sống nội tâm dồi dào và mới mẻ được thể hiện qua những nét chữ minh bạch, dứt khoát và thanh thoát như "hạc bay phụng múa!".

Với các Thiền sư, các tác phẩm, những bài văn, những chữ họ viết ra còn được gọi là "mặc tích – dấu mực". Còn hơn một tác phẩm, chúng biểu hiệu một sự thật sinh động, xuất phát từ trải nghiệm Thiền. Các "mặc tích" được các thiền sư tặng cho môn đệ hoặc để lại cho đời là dấu ấn chứng ngộ, sự ký thác tâm nguyện và đồng thời là gia tài nghệ thuât.

Hội họa thủy mặc là một loại hình nghệ thuật có tính Thiền với sự diễn tả cao nhất và đầy khí lực nhất của nó. Họa sĩ Thiền cho thấy cuộc sống nội tâm sung mãn và sự hiệp thông sâu xa với thiên nhiên. Như một hành giả, họa sĩ tiếp cận khung vải với trạng thái hành thiền trong tĩnh lự "khung vải trống rỗng, tâm trí trắng xóa." Lúc ấy, cái đẹp nằm ở hàng thứ yếu, vì cứu cánh chính là sự chênh vênh, và tột điểm của chênh vênh là trạng thái quân bình nội tại.

Không gian trống rỗng của bức tranh thì có thật không kém các vật và các khối; cái bị loại ra thì quan trọng không kém cái được họa sĩ đem vào.

Dùng ngọn bút lông đã chấm mực trên nền lụa hoặc trên nền giấy bột gạo đòi hỏi một sự chủ động ớ mức cao nhất. Nét hạ bút đầu tiên cũng là nét tối hậu vì không thể sửa sai hoặc đồ đi tô lại.

Trong không khí tràn đầy im lặng, phi thời gian và trong suốt, các bức họa thủy mặc gợi cho ta một thực tại tuyệt đối, nằm bên kia mọi diễn tả của hình ảnh và ngôn từ. Nói theo cách của một nhà viết sử hội họa phương tây: "Chúng là những mật mã của sự siêu việt."

Thiền và Võ

Nếu bạn hướng tâm trí của mình vào chuyển động cơ thể của đối phương, tâm trí của bạn sẽ bị lấy mất bởi chuyển động của cơ thể đối phương.

Nếu bạn hướng tâm trí của mình vào kiếm của đối phương, tâm trí của bạn sẽ bị lấy mất bởi kiếm của đối phương.
Nếu bạn hướng tâm trí vào hành động của đối phương, tâm trí của bạn sẽ bị lấy mất bởi tình huống chờ đối phương ra đòn.
Nếu bạn hướng tâm trí của mình vào kiếm của bạn, tâm trí của bạn sẽ bị lấy mất bởi kiếm của bạn.
Nếu bạn hướng tâm trí của mình vào việc không bị trúng đòn, tâm trí của bạn sẽ bị lấy mất bởi lòng ao ước không bị trúng đòn.
Nếu bạn hướng tâm trí vào thái độ của đối phương, tâm trí của bạn sẽ bị lấy mất bởi thái độ của đối phương.
Tóm lại, bạn không có chỗ nào để hướng tâm trí của mình vào.

Ðó là những lời của Thiền sư Trạch Am Tông Bành (Takuan Sõhõ; 1573-1645) truyền đời cho giới võ sĩ đạo Nhật Bản. Song song với việc tu tập Thiền, Sư còn nghiên cứu Thư pháp, Thi pháp và Kiếm đạo, v.v. và áp dụng Thiền tông vào các môn ấy.

Việc theo đuổi để luyện tập tới nơi tới chốn và thể hiện nhuần nhuyễn các bộ môn nghệ thuật đòi hỏi một quá trình kỷ luật và tự chủ. Chú ý, mộc mạc, thanh thoát, vô ngã và như nhất, các đặc tính ấy của Thiền đã được người Nhật đưa vào các bộ môn nghệ thuật, và nâng chúng lên thành "đạo", một con đường để sống và để đạt tới cảnh giới giải thoát cao nhất: Hoa đạo, Cung đạo, Kiếm đạo, Không thủ đạo, Nhu đạo, và đặc biệt Hiệp khí đạo, v.v.

Khởi đi từ Tung sơn Thiếu Lâm tự, nơi võ thuật mang tinh thần Thiền tông đã giúp các vị sư có đủ "sức khỏe thân tâm" để tu tập và cả ngàn rưỡi năm nay, góp phần xây dựng các thế hệ thanh niên khang kiện thể xác, minh mẫn trí tuệ và phong phú tâm linh. Và tinh thần ấy đã trở thành truyền thống chung của các nước cùng văn hóa với Trung Hoa là Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Trong cuốn sách tường thuật theo lối cố điển của mình, "Zen in the Art of Archery - Thiền và Nghệ thuật bắn cung", triết gia Ðức Eugen Herrigel tìm kiếm cái cốt tủy của Thiền trong sự luyện tập của một cung thủ nói riêng, và người luyện võ nói chung — để khám phá ra nơi mà nghệ thuật trở thành phi nghệ thuật, bắn trở thành không bắn, cây cung biến thành mục tiêu của tác xạ. "Tôi e rằng tôi chẳng còn hiểu chút nào cả," tôi trả lời, "thậm chí những cái đơn giản nhất cũng đang bị lẫn lộn lung tung. Có phải tôi là kẻ kéo chiếc cung hay chiếc cung đang kéo tôi? Có phải tôi đang bắn trúng mục tiêu hay mục tiêu đang bắn trúng tôi?[.] Cung, mũi tên, mục tiêu và cái tôi, tất cả hòa trộn thành một cái duy nhất tới độ tôi không còn có thể phân biệt chúng. Và thậm chí cũng chẳng còn nhu cầu phân biệt. Vì ngay khi tôi cầm cung và bắn, mọi sự trở thành cực kỳ sáng tỏ, dứt khoát và giản dị một cách tức cười..." [.] Vị sư phụ xen vào, nói: "Cưối cùng, dây cung lúc này cắt ngang con người anh".

Khi theo đuổi tinh thần của Thiền, thuật đánh kiếm hay Kiếm đạo, giống như bắn cung, đã trở thành một kỷ luật tinh thần. Kiện tướng đánh kiếm "hữu Thiền" và cao thủ Kendo — thuật đánh kiếm của Nhật Bản — thường được huấn luyện trong tinh thần của Thiền. Nó chính là một cách thức khác để con người tìm kiếm mushin "tâm không – tâm vô". Khi kiếm thủ vượt quá các giới hạn của kỹ thuật và hoàn toàn đặt qua một bên hết thảy các khái niệm, các tham vọng biễu diễn tài nghệ hoặc chiến thắng cuộc đấu, thì thanh kiếm và kiếm thủ nhập làm một. Các ý nghĩ và cảm xúc theo nhau bỏ đi khi kiếm thủ trở về cái "tâm sơ căn" nguyên thủy của mình. Ðó là trạng thái wabi: vô ngã. Trạng thái đó được Thiền sư Taisen Deshimaru diễn tả tinh tế trong cuốn sách ông viết dành cho các môn võ "The Zen Way to the Martial Arts – Ðường Thiền trong Võ thuật."

Chú ý trong khổ luyện, an trụ trong chiến đấu, thấy tĩnh trong cái động, như nhất tinh, khí và thần, v.v. những cái đó tiềm ẩn trong tự tại, vô ngã và bất nhị. Nếu thay chữ Phật bằng chữ Ðạo ứng dụng vào bộ môn võ thuật, ta có thể tìm được sự ứng dụng của cuốn "Sáu cửa vào động thiếu thất" của Sơ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma.

Thi dụ: "Cửa thứ sáu: Huyết mạch luận":

Phật là tự tâm tạo nên.
Sao lại lìa tâm ấy mà tìm Phật?
Cho nên Phật trước Phật sau chỉ nói đến tâm.
Tâm tức là Phật.
Phật tức là tâm.
Ngoài tâm không Phật.
Ngoài Phật không tâm.

Quán tưởng và Tọa thiền

Quán tưởng và Tọa Thiền là hai cái khác nhau. Tọa Thiền là hành thiền, còn Quán tưởng thì có tính cách chiêm nghiệm, nhắm vào nhiều mục đích.

Trung tâm của việc thực hành Thiền chính là Tọa Thiền, hoặc là "ngồi trong sự trầm lắng".

Dù có gốc rễ trong các thực hành chiệm nghiệm thời cổ đại, Tọa Thiền khác với các hình thức quán tưởng, chủ yếu là trong việc Tọa Thiền, thiền sinh không dùng tới các khái niệm trừu tượng để "người ngồi" chú tâm vào chúng như trong Quán tưởng.

Trước hết, mục đích của Tọa Thiền là làm tĩnh lặng tâm trí — cái tâm viên ý mã dao động rộn ràng và lệch lạc hằng ngày — và rồi qua nhiều năm thực hành, hành giả đạt tới trạng thái thuần khiết, không suy nghĩ, khiến cho tâm trí của người ngồi có thể nhận ra Phật tính của chính nó.

Quán tưởng là cách thức chiêm nghiệm trong tĩnh lặng, giữ cho không bị dao động bởi ngoại cảnh, để vận dụng khả năng tư duy hay là óc tưởng tượng nhằm giải quyết một vấn đề trừu tượng hoặc luyện tập một thói quen nào đó cho tâm trí, hoặc tạo "sự nhập tâm" cho thể xác, như trong việc luyện tập võ thuật, giải trừ các thói quen xấu, nghiện ngập, v.v... Nếu dùng quán tưởng như một cách thế vận dụng trí óc, lấy Công án Thiền làm đối tượng để "phá Công án", thì gọi là Thiền quán.

Và lại càng không giống với mọi hình thức quán tưởng, Tọa Thiền không đơn thuần là một phương thế để đạt tới cứu cánh.

Ðạo Nguyên Hi Huyền (Dôgen Kigen; 1200-1253) là một trong những Thiền sư có ảnh hưởng lớn nhất của Nhật Bản. Ông từng sang Trung Qu��c, theo dòng Tào Ðộng và được chứng ngộ. Ông đã khẳng định: "Tọa Thiền tự nó là giác ngộ. Ngồi một phút là làm Phật một phút."

Từ ngữ "Thiền" cũng có nghĩa là trầm lắng. Và như đã nói ở trên, Tọa Thiền là "ngồi trong trầm lắng". Tọa Thiền quan trọng tới mức nhiều người cho rằng không có Tọa thiền thì không có Thiền. "Chúng sinh đều thành Phật và chúng sinh đã là Phật", đó là một thực tại được sự đồng ýù của cả Phật giáo Ðại thừa lẫn Thiền Tông. Ðành rằng phải đào sâu lời nói bóng gió của Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744): "Không thể thành Phật bằng việc ngồi", Thiền vẫn nhấn mạnh rằng điều khác nhau là tin hiểu cái thực tại "sẽ và đã thành Phật" ấy một cách lý thuyết hay trực ngộ nó. Sự nếm trải trực ngộ chính là giác ngộ và hành trì Tọa Thiền là một phương pháp ưu việt.

Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku; 1686-1769), Thiền sư Nhật Bản và là một trong những Thiền sư quan trọng nhất của tông Lâm Tế đã viết trong Bạch Ẩn Thiền sư tọa thiền hòa tán:

"Ôi tọa thiền, như Ðại thừa chỉ dạy, không có lời tán dương nào nói hết. Tu sáu Ba-la-mật hay tu hạnh bố thí, giữ giới hay hành trì, kể sao cho hết.

Tất cả đều xuất phát từ tọa thiền. Chỉ một lần tọa thiền, công đức sẽ rửa sạch tất cả nghiệp chướng chồng chất từ vô thủy."

Gương phước nổi tiếng nhất về Tọa Thiền là của Sơ Tổ Thiền tông Bồ Ðề Ðạt Ma. Ngài ngồi đưa mặt vào tường (diện bích) suốt chín năm tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự.

Như thế, để hành thiền, người ta không thể không Tọa Thiền. Và nói theo Ðạo Nguyên, ngồi như một cây thông lớn hoặc một ngọn núi, nghĩa là chững chạc, trang nghiêm, đầy phẩm cách và vĩ đại.

Theo truyền thống, người Tọa Thiền ngồi theo tư thế hoa sen, bắt chéo chân đầy đủ thì gọi là kiết già. Hai chân bắt chéo nhau, bàn chân trái kéo lên đặt trên bắp đùi phải; bàn chân phải trên bắp đùi trái. (Chỉ kéo lên gác được một bàn chân thì gọi là bán già). Xương sống hơi nghiêng tới trước, để cho bụng treo lơ lửng tự nhiên trong khi mông hơi lùi để nâng đỡ vững vàng — vì nếu đổ sụm, bạn "đánh mất" mình. Ðầu đưa lên, cằm trầm vào, mắt hé mở và nhìn xuống. Tay đặt trên lòng, ngang bụng và làm thành Thiền ấn, nhưng để bàn tay theo cách Tọa Thiền, nghĩa là bàn tay trái trên bàn tay mặt.

Trong khi giữ cẩn thận Thiền Ấn, thì điều hòa hơi thở. Thông thường, cơ bản là thở bụng, và thở ngực thở vai, chậm và sâu.


PHỤ LỤC II(^)


Giác ngộ và Cứu độ
Thiền thoại
- Thưa thầy, thầy có từng đọc Kinh Thánh?
Nga Sơn Thiều Thạc đáp:
- Chưa, con đọc cho ta nghe với.
Gã đệ tử mở cuốn Tân Ước theo thánh Mat-thêu ra và đọc:
- Còn về áo mặc cũng thế, các ngươi lo lắng làm chi? Cứ xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên như thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà Ta bảo cho các ngươi biết: ngay cả vua Sa-lo-môn, dù vinh hoa tột bực, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy...
Nga Sơn nói:
- Dù người nói ra lời ấy là ai đi nữa, ta xem đó là đấng đã giác ngộ.

Chú thích:

Nga Sơn Thiều Thạc (Gasan Jôseki ; 1275-1365) Thiền sư Nhật Bản lỗi lạc đứng thứ ba của tông Tào Ðộng, sau Sau Ðạo Nguyên và Oánh Sơn. Ông chú trọng tới việc thuyết pháp và hoằng hóa quần chúng, nhất là những người thuộc đẳng cấp thấp của xã hội.


Cuộc Khủng Hoảng
Tâm Linh Ngày Nay
Erich Fromm

Trong khi đa số dân chúng sống ở phương tây không cảm thấy rõ ràng rằng mình như thể đang trải qua cuộc khủng hoảng của văn hoá phương tây (có thể chẳng bao giờ họ biết được những căn nguyên của cuộc khủng hoảng trầm trọng ấy) thì ít ra, cũng có một thiểu số các nhà quan sát và phê bình đồng ý với nhau về thực tại và bản chất của nó.

Người ta mô tả cuộc khủng hoảng ấy là u sầu, chán nản, căn bệnh của thế kỷ, sa sút sinh lực, tự động hoá con người, lìa xa bản thân, lìa xa đồng loại và lìa xa thiên nhiên. Con người đã và đang đi theo chủ nghĩa duy lý tới điểm mà chủ nghĩa duy lý tự nó chuyển biến thành phi lý hoàn toàn. Kể từ Descartes, con người ngày càng tách tư tưởng khỏi cảm xúc; tư tưởng một mình nó được coi là hợp lý — cảm xúc, vì tự bản tính của nó, bị coi là phi lý. Con người, Cái Tôi, bị tách ra thành con người trí năng, cái lập thành Bản ngã, và là cái sẽ kiểm soát tôi cũng như nó sẽ kiểm soát thiên nhiên.

Việc tri thức kiểm soát thiên nhiên và việc sản xuất ngày càng nhiều đồ vật đã trở thành mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Trong quá trình đó, con người biến bản thân thành đồ vật, cuộc sống trở nên lệ thuộc vào tài sản, "hiện hữu" bị khống chế bởi "sở hữu". Tại những nơi mà gốc rễ của văn hoá phương tây, cả Hi Lạp lẫn La Mã, đều xem mục đích cuộc sống là làm cho con người hoàn hảo, thì người hiện đại quan tâm tới việc làm cho đồ vật hoàn hảo, và tới kiến thức về cách làm cho chúng hoàn hảo.

Trong tình trạng tán loạn tinh thần đó, con người phương tây không có khả năng nếm trải cảm xúc, vì thế hắn lo âu, phiền muộn và khắc khoải. Miệng hắn vẫn đãi bôi nói tới cứu cánh hạnh phúc, chủ nghĩa cá nhân, sáng kiến, nhưng thật ra hắn sống không có cứu cánh. Cứ hỏi hắn sống để làm gì, mục đích mọi sự phấn đấu của hắn là gì thì hắn sẽ bối rối. Một số người có thể trả lời là họ sống cho gia đình, cho người khác, "sống cho vui", còn một số người khác thì nói sống để kiếm tiền, nhưng trong thực tế không người nào hiểu mình sống để làm gì; hắn sống chẳng có mục đích nào ngoại trừ ước muốn chạy trốn khỏi trạng thái bất an và cô độc.

Thật thế, các nơi thờ phượng tấp nập tín đồ hơn bao giờ hết, sách tôn giáo đang ngày càng là những sách bán chạy nhất, số người nói tới Thượng đế nhiều hơn lúc nào cả. Tuy vậy, loại bày tỏ lòng mộ đạo ấy chỉ là phương cách che đậy thái độ duy vật và phi tôn giáo, và nó được hiểu như một phản ứng mang tính ý tưởng — gây ra do bởi bất an và qui thuận — trước xu hướng của thế kỷ 19 mà Nietzsche đã xác định đặc điểm bằng câu nói nổi tiếng: "Thượng đế đã chết." Câu nói đó như một thái độ tôn giáo chân chính chứ không như một thực tại.

Nhìn từ một góc độ nhất định, sự buông bỏ của các ý tưởng vô thần trong thế kỷ 19 không đạt được thành quả nhỏ nhoi nào. Con người lao mình vào khách quan tính. Quả đất không còn là trung tâm của vũ trụ, con người đánh mất vai trò tâm điểm của một sinh vật được Thượng đế an bài cho thống trị mọi sinh vật khác.

Nghiên cứu những động lực ẩn mật của con người với khách quan tính mới mẻ ấy, Freud nhận ra rằng đức tin vào một Thượng đế toàn năng và thông suốt mọi sự có gốc rễ nơi tình trạng bơ vơ của con người trong cuộc sống và nơi nỗ lực của con người nhằm đối phó với tình trạng không chốn nương tựa của mình bằng niềm tin vào một người cha và người mẹ phù hộ, được tượng trưng bằng một Thượng đế ngự chốn thiên cung. Freud thấy rằng chỉ có con người mới có thể cứu rỗi hắn; lời giảng của các đại sư, sự giúp đỡ đầy ưu ái của cha mẹ, bằng hữu và những người thân yêu có thể hữu ích cho hắn — nhưng chỉ giúp được [nếu] hắn dám chấp nhận thách đố của cuộc đời và ứng phó với thách đố đó bằng tất cả nội lực và toàn bộ tâm hồn mình.

Con người buông bỏ ảo giác Thượng đế như một người cha nhân từ, như một đấng phù trợ có tính cách phụ mẫu — nhưng cùng lúc ấy, con người cũng buông bỏ cứu cánh của mọi tôn giáo nhân văn: khắc phục những giới hạn của cái tôi vị kỷ, đạt tới tình yêu, khách quan, khiêm tốn và tôn trọng cuộc sống để cho mục đích cuộc sống là chính cuộc sống và con người trở thành cái mà nó có khả năng trở thành.

Những cái đó là cứu cánh của các tôn giáo lớn phương Tây và cũng là cứu cánh của các tôn giáo lớn phương Ðông. Tuy thế, phương Ðông không nặng gánh khái niệm người cha siêu việt và cứu độ mà trong đó các tôn giáo độc thần biểu lộ những khát vọng của chúng. Lão giáo và Phật giáo mang tính hợp lý và hiện thực cao hơn các tôn giáo phương tây. Hai tôn giáo đó có thể nhìn con người một cách thực tế và khách quan, rằng không có ai cả ngoại trừ những con người "tỉnh thức" tự hướng dẫn mình, và có thể hướng dẫn được mình vì mỗi người đều có bên trong hắn khả năng tỉnh thức và giác ngộ.

Ðó chính là lý do tại sao ngày nay tư tưởng tôn giáo phương Ðông, Lão giáo và Phật giáo — với sự hoà trộn của cả hai trong Thiền Phật giáo — chiếm vai trò quan trọng như thế tại phương tây. Thiền Phật giáo giúp con người tìm thấy giải đáp cho vấn nạn về sự hiện hữu của hắn, một giải đáp giống một cách cốt tủy với giải đáp được đưa ra trong truyền thống Kitô-Do thái giáo, và tuy thế, nó không đi ngược lại tính chất hợp lý, hiện thực và độc lập, những cái quí báu mà con người hiện đại đang thành tựu. Nghịch lý là, tư tưởng tôn giáo của phương đông lại hóa ra thích hợp với tư tưởng luận lý của phương tây hơn là tư tưởng tôn giáo của chính phương tây.

Chú thích:

Erich Fromm (1900-1980), triết gia và nhà tâm lý học người Mỹ, sinh tại Ðức. Ông rời Ðức sang Hoa Kỳ năm 1934 và bắt đầu nổi tiếng với những phân tích gây nhiều tranh luận về những căn bệnh của xã hội kỹ nghệ hiện đại. Trong tác phẩm The Sane Society - Xã Hội Lành Mạnh (1955), ông cáo buộc là xã hội tiêu thụ chịu trách nhiệm về sự cô lập, cô đơn và hoài nghi giữa con người với nhau. Các tác phẩm khác gồm The Art of Loving – Nghệ thuật yêu (1956) và The Revolution of Hope – Cuộc cách mạng của hi vọng (1968)... Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Chạy trốn cô đơn, Chạy trốn tự do, Nghệ thuật Yêu...

René Descartes, (1596-1650). Triết gia Pháp, một trong những nhà tư tưởng rốt ráo nhất của mọi thời đại. Sau khi theo học Dòng Tên, ông trải qua 9 năm đi du lịch và thi hành nghĩa vụ quân sự rồi mới bắt đầu nghiên cứu. Năm 1628, ông định cư tại Hà Lan, tới năm 1649, sang Thụy Ðiễn dạy nữ hoàng và qua đời tại đó. Suốt đời, ông là một tín đồ Công giáo La Mã thuần thành.

Cuốn Discourses on Method - Luận Về Phương Pháp - (1637) giới thiệu kỹ thuật hoài nghi một cách có phương pháp của ông, mà ông triển khai thành đại tác phẩm Meditations - Trầm Tư (1641).Từ vấn nạn "Làm thế nào tôi biết và biết cái gì?" ông tiến hành theo một quá trình giảm thiểu vào câu tuyên bố nổi tiếng "Tôi suy nghĩ vậy tôi hiện hữu"õ — Je pense donc je suis. Từ cốt lõi cố định ấy, ông tiến tới việc thanh thoả chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế, và từ đó, sự hiện hữu của mọi sự khác. Với ông, Thượng đế là Ðấng hoàn toàn và tuyệt đối. Ông còn gây được nhiều ảnh hưởng qua thuyết nhị nguyên rằng tâm là cái cốt tủy của con người, và vật. Tuy thế, Descartes cũng như các triết gia khác, không bao giờ trả lời thỏa đáng tại sao tâm và vật lại có thể tương tác. Ông còn những đóng góp quan trọng về thiên văn học, đại số, hình học và địa lý.

Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia Ðức. Ông lập luận rằng "ý chí quyền lực" là đặc trưng chủ yếu của loài người, trong cuốn The Birth of Tragedy - Sự Ra Ðời của Bi Kịch (1872); và ông ca ngợi con người là tự do, vĩ đại và đầy quyền lực, trong cuốn The Spake Zarathustra - Zarathustra Ðã Nói Như Thế (1883-92). Ý tưởng ấy bị Ðức Quốc xã ứng biến thành chủ nghĩa chủng tộc siêu nhân Aryan. Từ năm 1889, ông bị điên.

Sigmund Freud (1856-1939), nhà tâm thần học và tiên phong về phân tâm học người Ðức. Ông đặt lý thuyết của mình trên những sinh hoạt của tâm trí vô thức, những động lực, dục vọng và xung khắc tác động tới động thái của con người. Ông làm giáo sư Ðại học Vienna từ năm 1902, thành lập Hiệp hội Phân tâm học Vienna năm 1910. Năm 1938, ông rời Áo vì sự chiếm đóng của Ðức quốc xã, sang Luân Ðôn và qua đời vào năm sau. Tác phẩm của ông gồm Studies in Hysteria – Nghiên cứu chứng cuồng (1895), The Interpretion of Dreams – Giải mộng (1899), Totem and Taboo – Vật tổ và cấm kỵ (1913), Moses and Monotheism – Môsen và độc thần giáo (1939)...


Thiền Là Gì ?
D.T. Suzuki

Phải chăng Thiền là một hệ thống triết học có tính trí tuệ cao vời và siêu hình sâu xa như hầu hết các lời giảng của Phật giáo?

Tôi từng phát biểu rằng chúng ta tìm thấy trong Thiền sự kết tinh toàn bộ triết học phương đông, nhưng như thế không có nghĩa Thiền là một triết học hiểu theo tính chất ứng dụng thông thường của từ ngữ ấy. Thiền dứt khoát không là một hệ thống được xây dựng trên nền tảng luận lý và phân tích. Có lẽ nó đối lập hoàn toàn với luận lý, cái mà tôi có ý nói là lối suy nghĩ nhị nguyên. Có thể trong Thiền có yếu tố tri thức vì Thiền là toàn bộ tâm trí, và trong Thiền chúng ta tìm thấy nhiều điều lớn lao; nhưng tâm trí ấy không là cái có tính phức hợp, cái bị phân chia thành quá nhiều ngọn ngành, cái chẳng để lại chút gì sau khi hoàn tất việc xem xét cặn kẽ.

Thiền chẳng có gì để dạy bảo chúng ta theo lối phân tích có tính trí tuệ; nó cũng chẳng có chuỗi giáo thuyết áp đặt nào buộc người đi theo phải chấp nhận. Trong tinh thần tôn trọng ấy, Thiền có tính hỗn độn, nếu bạn thích nói như thế. Có thể vì mục đích cá nhân và lợi ích của riêng mình, người đi theo Thiền có một chuỗi giáo thuyết, nhưng thật ra, chuỗi giáo thuyết ấy không phải do tự Thiền mà có. Vì vậy, trong Thiền không có thánh thư, lý thuyết giáo điều hoặc bất cứ phương pháp biểu hiện nào để qua đó có thể tiếp cận ý nghĩa của Thiền.

Vậy nếu có ai hỏi tôi rằng Thiền giảng dạy gì, tôi sẽ trả lời là Thiền chẳng giảng dạy gì cả. Bất cứ lời giảng nào trong Thiền cũng phát xuất từ tâm trí của chính ta. Chúng ta tự dạy bảo mình. Thiền chỉ là vạch đường chỉ lối. Nếu sự vạch đường chỉ lối ấy không phải là lời giảng thì chắc chắn rằng trong Thiền không có điều gì được cố ý sắp xếp như là giáo thuyết chủ yếu của nó hoặc triết lý căn bản của nó.

Thiền tự nhận là Phật giáo, nhưng tất cả những lời giảng của Phật giáo, như đã được đề xuất trong kinh điển, bị Thiền coi là những mảnh giấy thừa thải, sử dụng chúng cốt chỉ để tẩy uế tri thức, và thế thôi. Tuy thế, đừng có ấn tượng rằng Thiền là hư vô chủ nghĩa. Toàn bộ chủ nghĩa hư vô chỉ mang tính tự diệt, không đi tới đâu cả. Chủ nghĩa phủ định thì nghe có vẻ như một phương pháp, nhưng đúng ra, nó là một sự khẳng định. Khi người ta nói Thiền không có triết lý, rằng Thiền từ khước toàn bộ thẩm quyền giáo lý, rằng Thiền loại bỏ toàn bộ cái gọi là kinh sách thiêng liêng, xem chúng là đồ vô giá trị, thì chúng ta đừng quên rằng Thiền vẫn duy trì trong chính hành động phủ định ấy một cái gì đó có tính hoàn toàn tích cực và khẳng định vĩnh viễn. Ðiều ấy sẽ càng lúc càng rõ ràng hơn khi chúng ta đi sâu vào.

Thiền phải chăng là một tôn giáo? Thiền không phải là một tôn giáo hiểu theo lối thông thường của từ ngữ đó, vì Thiền không có một Thượng để để thờ phượng, không có nghi thức lễ lạc để tuân giữ, không có nơi cư trú mai hậu dành cho kẻ qua đời, và sau hết, Thiền không có linh hồn, cái vốn được thiên hạ chăm lo ân phúc và quan tâm mãnh liệt tới vấn đề bất tử của nó. Thiền thoát ra khỏi tất cả những chướng ngại có tính giáo điều và "tôn giáo".

Khi tôi nói trong Thiền không có Thượng đế thì người tín đồ ngoan đạo có thể bị sốc, nhưng nói như vậy không có nghĩa Thiền phủ định sự hiện hữu của Thượng đế; Thiền không băn khoăn tới việc phủ định lẫn việc khẳng định. Khi một cái gì đó bị phủ định thì chính trong hành động phủ định ấy có liên can tới một cái gì đó bất phủ định. Cũng có thể phát biểu giống như thế về sự khẳng định. Ðó là điều không thể tránh được trong luận lý. Thiền muốn vượt lên trên luận lý. Thiền muốn tìm thấy một khẳng định ở cấp cao hơn trong đó không có phản đề. Do đó, trong Thiền, Thượng đế không bị phủ nhận cũng không được nhấn mạnh. Vấn đề chỉ là, trong Thiền, không có một Thượng đế được quan niệm theo tâm trí Do thái giáo và Kitô giáo. Và cũng vì lý do đó, Thiền không phải là một triết lý và không phải là một tôn giáo.

Còn về tất cả những ảnh tượng muôn hình muôn vẻ của các Ðức Phật, các Bồ tát, các La hán và những hữu thể khác mà người ta tình cờ bắt gặp trong các Thiền viện, thì cũng giống như vô số tác phẩm bằng gỗ đá hoặc bằng kim loại, chúng tựa những cây hoa trà, cây đỗ quyên, những đèn lồng bằng đá trong vườn nhà tôi. Thiền hẳn nói là: bạn cứ tôn sùng cây hoa trà lúc này trỗ đầy lộc non và cứ thờ phượng nó nếu bạn thích. Các tôn giáo cũng làm như thế bằng việc cúi đầu, quì gối trước các thần linh Phật giáo muôn hình muôn vẻ, hoặc bằng việc rảy nước thánh hoặc bằng việc dự Bữa Tiệc Ly của Chúa [tượng trưng bằng Thánh lễ Misa hàng ngày trong nhà thờ, thêm của người dịch]. Tất cả những cử chỉ ngoan đạo được hầu hết những người-gọi-là-mộ-đạo đánh giá là đáng khen và hợp đạo thánh thì theo con mắt của Thiền, chúng đều có tính chất nhân tạo. Thiền dũng mãnh tuyên bố rằng: "Các hành giả thanh khiết không lên Niết bàn và những tu sĩ phạm giới không sa địa ngục". Ðối với những tâm trí bình thường thì câu nói ấy mâu thuẫn với luật tắc thông thường của đời sống đạo đức, nhưng nằm trong câu nói đó là chân lý và sự sống của Thiền. Thiền là tâm linh của một con người. Thiền tin vào sự thuần khiết và thiện hảo tại nội tâm của mỗi người. Vì thế, chồng chất thêm bất cứ cái gì hoặc mãnh liệt tước bỏ đi bất cứ cái gì thì cũng đều làm thương tổn sự lành mạnh của tâm linh. Thiền, do đó, rõ ràng là chống lại toàn bộ sự quá câu nệ qui ước tôn giáo.

Chú thích:

Daisetz Taitaro Suzuki (1870-1966). Thiền sư Nhật. Ông bắt đầu tập Thiền năm 22 tuổi. Xuất thân từ một gia đình nghèo, ông bỏ dỡ đại học, sau đó, ông nghiên cứu ở Hoa Kỳ 13 năm, dịch Asvaghosa (Mã Minh), một thi sĩ Ấn, nhà hùng biện và và triết gia Ðại Thừa và theo truyền thuyết là tổ thứ 17 của Phật giáo Thiền tông, cuốn Awakening of Faith in Mahayana - Ðại Thừa Khởi Tín Luận (1900) và viết cuốn Outline of Mahayana Buddhism - Ðại Cương Phật Giáo Ðại Thừa (1907). Năm 1922, Suzuki trở về Nhật, dạy học và viết sách. Ông là giáo sư Phật học Ðại học Otani, Kyoto và là một học giả chủ yếu về Phật giáo Ðại Thừa và nói chung về Tôn giáo của Nhật. Ông viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về Phật học, đặc biệt Thiền học, giới thiệu Thiền cho cả phương đông lẫn phương tây bằng lối nói đại chúng. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Thiền Luận, Cốt Tủy Của Ðạo Phật, Huyền Học Phật Giáo Và Thiên Chúa...


Tôn Giáo Là Gì ?
Alan Watts

Tinh thần mộ đạo của người Kitô hữu đã tạo ra một hình ảnh quái đản dùng làm đối tượng cho lòng sùng bái của mình: Ðức Giêsu Kitô bị đóng đinh trên thập giá. Hình ảnh một con người đạo đức rậm râu với tia nhìn nghiêm nghị, nhân từ và đau đớn mơ hồ trong mắt. Rồi bỗng có người cầm đèn lồng đến gõ lên cánh cửa tâm hồn ta và nói: "Này các bạn, hãy tới với nhau nào. Ầm ĩ như thế đủ rồi! Ðã tới lúc chúng ta cùng nhau nói chuyện nghiêm chỉnh!"õ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Lạy Chúa! Ôi Giêsu... Người Phật tử Thiền tông nói:"Bạn hãy súc miệng mỗi lần niệm Phật!" Cuộc sống mới của Kitô giáo sẽ bắt đầu ngay lúc có người nào đó đứng lên giữa nhà thờ và nói: "ûBạn hãy súc miệng mỗi lần kêu danh Ðức Giêsu!"

Về mặt tâm linh, chúng ta đang bị tê liệt vì tôn sùng quá đáng Ðức Giêsu. Ngay cả người vô thần cũng xem ngài là một đấng tối hảo, người gương mẫu, người có uy tín đạo đức, và không ai có thể phản bác điều đó. Dù ý kiến của riêng mình có ra sao đi nữa thì chúng ta đều cũng phải bóp méo vo tròn lời của Ðức Giêsu cho phù hợp với hình ảnh đó. Khốn khổ thay cho Ðức Giêsu! Nếu ngài biết người ta sẽ phóng chiếu ngài thành kẻ có quyền phép vĩ đại đến thế thì hẳn ngài đã chẳng bao giờ nói lấy một tiếng! Hình ảnh có tính văn học của ngài, qua nhiều thế kỷ thần phục, đã biến thành một thần tượng và vượt xa bất cứ tượng thần tạc bằng gỗ đá nào, tới độ ngày nay, "bất cứ cử chỉ tôn kính chân thật và hồn nhiên nào cũng là phá hoại hình ảnh đó."

Chính ngài đã phán: "Ta ra đi thì có lợi cho các ngươi. Thật vậy, nếu ta không ra đi thì Ðấng Bảo trợ [Thần Khí Thánh Linh, thêm của người dịch] sẽ không đến với các ngươi." (Gioan 16:7). Hoặc như thiên thần nói với các môn đệ đến tìm xác Ðức Giêsu trong nhà mồ: "Sao các ngươi lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại và ra đi trước các ngươi..."(Luca 24:5-6). Nhưng lòng mộ đạo của người Kitô hữu đã không để cho ngài đi luôn, nó tiếp tục tìm kiếm Ðức Kitô sống động ở những chữ chết trong bản tường trình có tính lịch sử. Như ngài đã nói với người Do thái: "Các ngươi lùng tìm sách thánh vì các ngươi tưởng rằng trong đó các ngươi có được cuộc sống bất diệt..."

Hình ảnh Ðức Giêu bị đóng đinh trên thập giá khiến cho cuộc sống bất diệt [hiểu theo kiểu ấy] phát xuất từ hành động qui thuận Thượng đế như một đối tượng để ta sở hữu, biết tới và nắm giữ cho sự bền vững của bản thân ta, "vì ngài cứu chuộc nên ta sẽ không mất linh hồn." Do đó, bám víu vào Ðức Giêsu là để thờ phượng một Ðức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, một ngẫu tượng, thay vì một Thượng đế sống động.

*
* *

Khi Thượng đế đã chết thì con người, kẻ luôn luôn được định nghĩa như một tạo vật khác với Thượng đế, bắt đầu cảm thấy mình là một thực tại khác — một thực tại bất qui luật và đầy cảm tính trong một hệ thống người-ăn-thịt-người, một hệ thống do Quỉ dữ bày mưu tính kế, nếu có Quỉ dữ. Lúc ấy, loài người vì xung đột quá đổi với môi trường sống nên phải hoặc thúc ép thô bạo cho môi trường tuân phục mình hoặc hủy diệt môi trường. Hai chọn lựa ấy chỉ đưa tới một hậu quả.

Nhưng một tôn giáo tối thượng thì vượt quá bên kia thần học. Tôn giáo đó hướng tới tâm điểm; nó xem xét và thăm dò chốn nội tâm sâu thẳm nhất của bản thân con người, vì chính tại nơi ấy chúng ta ở trong trạng thái giao tiếp mật thiết nhất, hoặc đúng hơn, đồng nhất với chính cuộc sống. Sự tùy thuộc vào những biểu tượng hoặc ý niệm thần học bị thay thế bằng sự tiếp xúc trực tiếp và phi khái niệm với cấp độ sống của chính bản thân ta, và cùng lúc ấy, với cấp độ sống của hết thảy đồng loại. Vì vào lúc tôi là tôi nhất thì cũng chính là lúc tôi vượt quá bản thân tôi nhất. Tại cội rễ, tôi làm một với hết thảy ngọn ngành. Tuy thế, cấp độ sống ấy không là cái gì đó có thể nắm bắt hoặc xếp loại, kiểm tra hoặc lập thành như một đối tượng của kiến thức — không phải do bởi nó là cái cấm kỵ hoặc không được xâm phạm vì lý do tôn giáo, mà do bởi nó chính là điểm mà từ đó tôi toả ra loại ánh sáng không ở trước mặt mà ở trong mắt...

Lúc ấy, có một nền tảng mang tính kết cấu hơn và khách quan hơn cho bước nhảy vọt của đức tin mà trong bước nhảy đó, con người có thể dám nghĩ rằng mình không là khách lạ trong vũ trụ, cũng không là ánh chớp nhận thức cô độc và bi thảm trong bóng tối mịt mùng và vô tận. Vì dưới ánh sáng của những gì chúng ta hiện biết theo lối nói vật lý, thì thật vô lý khi dám đánh cuộc rằng tại chốn sâu thẳm tâm điểm của "bản thân tôi" là "Cái đó", là "Nó" — như trong câu "vì nó đã hiện hữu từ khởi thủy, nên nó hiện hữu lúc này và sẽ hiện hữu mãi mãi, thế gian không bao giờ tận."

Nếu đây là nỗi hy vọng hoặc niềm tin sôi sục thì Krishnamurti có lý khi nói rằng nó phải được thách đố và được kiểm tra bằng câu hỏi: "Tại sao bạn muốn tin điều đó? Có phải vì bạn sợ rằng mình đang chết, rằng mình đang đi tới một chung cuộc? Có phải sự đồng nhất hoá với Bản ngã vũ trụ này là một phương thế tuyệt vọng của bản ngã con người để con người tiếp tục cuộc chơi của nó?" Thật ra, theo tôi, sự Ðồng Nhất Hoá Tối Thượng ấy là một niềm tin mà tôi bám víu vào và tôi đang hoàn toàn tự mâu thuẫn. Không chỉ vô nghĩa trong hành động bám víu vào cái tôi đang là; ngay hành động bám víu ấy còn hàm ý rằng tôi không thật sự biết tôi là Nó! Một niềm tin như thế thì chỉ là khoác áo giả trang lên lòng hoài nghi của mình.

Ý nghĩa sau cùng của việc biết tới Thượng đế bằng vô tri kiến, của sự buông bỏ các thần tượng có tính cảm tính lẫn tính khái niệm, của thần học tối hậu ấy là: niềm tin tối hậu thì không ở trong hoặc không ở trên bất cứ cái gì. Nó là hành động hoàn toàn buông xả. Nó không những chỉ ở bên kia thần học mà còn ở bên kia chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hư vô. Không thể đạt tới trạng thái buông xả đó, không thể sở đắc được nó hoặc triển khai nó qua kiên trì hoặc luyện tập, ngoại trừ tới mức độ mà những nỗ lực ấy chứng minh tính chất bất khả của những hành động nhằm sở đắc nó. Trạng thái buông xả chỉ đến qua sự tuyệt vọng. Khi bạn biết rằng nó ở bên kia bạn — bên kia những năng lực để hành động cũng như bên kia những năng lực để buông lơi của bạn. Khi bạn buông bỏ mọi mánh khoé và mưu chước sau cùng để có nó, kể cả trong "buông bỏ" ấy gồm cái gì đó mà ta có thể thể hiện, thí dụ, hứa hẹn một thời điểm mười giờ tối nay. Tới độ bạn không thể thể hiện nó bằng phương tiện nào cả — thế thôi. Ðó là sự tự buông xã lớn lao, cái sinh ra các sao trời.

Chú thích:

Alan Watts (1915-1973). Triết gia, thần học gia và là nhà nghiên cứu tôn giáo đối chiếu người Mỹ, có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào văn hoá phản kháng thập niên 1960. Với các tác phẩm nổi tiếng như The Way of Zen - Ðường Thiền (1857) và Psychotherapy East and West - Ðông Tây Tâm Lý Trị Liệu (1961),.. ông biện luận rằng người phương Tây đang trong tình trạng hoang mang, tìm kiếm sự khuây khoả để thoả mãn bản ngã của mình. Giải pháp là thay đổi ý thức, nhận ra mọi sự trong quan hệ hỗ tương của chúng như những thành tố thiết yếu của một tiến trình duy nhất.

Jiddu Krishnamurti (1895-1985), đạo sư, sinh tại Ấn Ðộ sau đó sang Anh rồi định cư và từ trần tại Ojai, California. Từ nhỏ, ông được Hội Thông Thiên Học, từng có trụ sở ở Phú Nhuận Sài Gòn, giáo dưỡng và lập cho ông một "giáo hội" để chuẩn bị ngày ông làm giáo chủ thế giới với tư cách là một hóa thân của Bồ tát Di Lặc. Nhưng sắp tới ngày ấy, ông tuyên bố giải tán giáo hội, từø bỏ mọi tuyên xưng thánh tính và ly khai Hội TTH. Từ đó ông đi rao giảng khắp thế giới với chủ trương con người có thể thoát khỏi khổ não và sống hạnh phúc ngay giữa trần gian bằng cách giải quyết vấn đề đời sống trong hiện tại, cũng là giải quyết cả quá khứ bị điều kiện hoá và tương lai...
Một cách khái quát, lời giảng của ông tản mạn trong những điểm chủ yếu:
(1) Chủ thể hành động cũng chính là hành động; người ra động tác cũng chính là động tác; người suy nghĩ cũng chính là ý nghĩ.
(2) Chú ý vào "cái đang là" tức là giải quyết trọn vẹn những cái trong cả quá khứ lẫn tương lai.
(3) Trên con đường sống và tu tập, bước đầu tiên cũng chính là bước sau cùng.
(4) Không bao giờ để cho mình sa vào cuộc tìm kiếm và truy lùng vô vọng sự vị vọng, sự an toàn, các loại tôn sư, đại sư phụ và các hệ thống lý thuyết cố định. Lúc nào cũng tư nhủ rằng những so sánh và nhãn hiệu, tước hiệu đưa đến thành kiến và bất hạnh, sự qui phục đưa tới sự bắt chước tầm thường và rằng ta không thể tự chủ, tự động tư duy và hành động khi ta còn có mặc cảm khuyết điểm và còn sợ hãi. Ta phải mạnh dạn cất bước đi vào những vùng đất chưa có dấu chân của người khác.

Ông từ trần đã hơn 20 năm nhưng hiện nay, tư tưởng của ông vẫn ảnh hưởng sâu và mạnh lên giới tinh hoa của thế giới như các trí thức, văn nghệ sĩ và các vận động viên cũng như những người đấu tranh cho môi sinh.

Người Tôn GiáoLà Người Thế Nào?
Erich Fromm

Tôi từng phát biểu rằng con người bị chính thực tế sự hiện hữu của nó đặt vấn đề với nó, và rằng vấn nạn đó phát xuất bởi sự mâu thuẫn bên trong bản thân con người — một đằng sống trong tự nhiên, đằng khác, trong cùng lúc ấy, vượt quá tự nhiên vì thực tế mình là cuộc sống, một cuộc sống tự nhận biết chính nó.

Người nào lắng nghe vấn nạn đặt ra cho mình ấy và người nào xem vấn nạn ấy là "vấn đề quan tâm tối hậu", và trả lời nó bằng toàn bộ con người của mình chứ không phải chỉ bằng ý nghĩ, thì đó là "người tôn giáo"; và tất cả những hệ thống nào nỗ lực cung hiến, giảng dạy và giao truyền lời giải đáp cho vấn nạn đó thì đều là "tôn giáo". Ngược lại, bất cứ người nào — và bất cứ nền văn hoá nào — mà cố sức làm ngơ vấn nạn có tính hiện sinh đó thì đều là phi tôn giáo.

Không có thí dụ nào điễn hình về việc con người làm ngơ vấn nạn sinh tồn đó cho bằng lấy ngay chính bản thân chúng ta, những người đang sống trong thế kỷ 20 này. Chúng ta ra sức né tránh vấn nạn đó bằng cách quan tâm tới tài sản, danh giá, quyền hành, sản xuất, vui chơi, và một cách tối hậu, bằng việc ra sức quên rằng chúng ta — rằng tôi — hiện hữu.

Không quan trọng gì việc siêng năng đi nhà thờ, đình chùa đền miếu hoặc thường xuyên nghĩ tới Thượng đế hoặc xác tín vào các ý tưởng tôn giáo, nếu người đó, toàn bộ con người của hắn, tai lơ mắt điếc trước vấn nạn về sự hiện hữu của chính mình, nếu hắn không có lời giải đáp cho vấn nạn ấy thì hắn vẫn giẫm chân tại chỗ, sống và chết như một trong một triệu đồ vật mà con người sản xuất ra. Người đó chỉ nghĩ tới Thượng đế thay vì nếm trải việc sống với Thượng đế.


Nghệ Sĩ Cuộc Ðời
D.T. Suzuki

Không thể kỳ vọng tất cả chúng ta đều là nhà khoa học, nhưng vì cùng bị cấu thành quá đổi bởi tự nhiên nên chúng ta đều có thể là nghệ sĩ, đúng ra, không phải nghệ sĩ trong các ngành chuyên biệt, thí dụ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, thi sĩ, vv... mà là nghệ sĩ của cuộc đời. Chức nghiệp ấy, "nghệ sĩ cuộc đời"õ, nghe có vẻ mới lạ và hoàn toàn kỳ quặc, nhưng thực tế, mọi người đều bẩm sinh là nghệ sĩ cuộc đời và vì không biết tới điều đó nên hầu hết chúng ta không làm được điều đó; hậu quả là chúng ta làm cho đời mình trở nên hỗn độn và rồi thắc mắc rằng: - "Ý nghĩa cuộc đời là gì?"õ - "Có phải chúng ta đang không đối mặt với sự hư không trống rỗng sao?" – "Sau khi sống bảy mươi tám năm hoặc cả đến chín mươi năm, chúng ta sẽ đi đâu? Nào ai biết", v.v. và v.v...

Tôi được biết rằng chính vì lý do ấy nên người thời nay, nam có nữ có, hầu hết đều mắc chứng rối loạn thần kinh. Nhưng người theo Thiền thì có thể nói cho họ biết rằng họ đều quên mình bẩm sinh là nghệ sĩ, nghệ sĩ sáng tạo cuộc sống. Ngay lúc nhận ra thực tế và chân lý đó, họ sẽ hoàn toàn được chữa khỏi chứng rối loạn thần kinh hoặc rối loạn tâm lý hoặc bất cứ từ ngữ nào người ta dùng để gọi sự xáo trộn ấy.

Vậy ý nghĩa của sự làm nghệ sĩ cuộc đời là gì?

Theo như tôi biết cho tới nay, nghệ sĩ của bất cứ ngành nào cũng phải sử dụng công cụ này hoặc công cụ nọ để thể hiện mình, để phô diễn tính chất sáng tạo của mình bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Nhà điêu khắc phải có đá hoặc gỗ hoặc đất sét, và đục chàng hoặc đồ nghề nào khác để chạm trổ ý tưởng của mình lên vật liệu. Nhưng nghệ sĩ cuộc đời thì không cần bất cứ công cụ nào bên ngoài bản thân. Toàn bộ vật liệu, toàn bộ dụng cụ, toàn bộ kỹ năng thông thường phải có, đều nằm sẵn trong con người từ lúc sinh ra, thậm chí có thể có trước khi cha mẹ sinh mình ra. Bạn có thể kêu lên rằng nói như thế là bất thường, kỳ quái. Nhưng khi bạn bỏ chút thì giờ suy nghĩ về điều ấy thì tôi chắc chắn rằng bạn sẽ lập tức nhận ra điều tôi có ý nói. Nếu bạn không nhận ra, tôi sẽ nói thẳng và nói rõ ràng hơn với bạn.

Nó thế này: thể xác, cái hình hài vật lý mà chúng đều có, là vật liệu, tương ứng với tấm vải căng để vẽ của họa sĩ, gỗ đá hoặc đất của nhà điêu khắc, cây vĩ cầm hoặc ống tiêu của nhạc sĩ, dây thanh âm của ca sĩ. Và tất cả những gì liên kết với thể xác đó, thí dụ như bàn tay, bàn chân, thân mình, đầu, phủ tạng, thần kinh, tế bào, ý nghĩ, cảm xúc, giác quan — mọi cái đó thật ra đều hoạt động để làm thành con người toàn bộ — là tất cả vật liệu mà trên nó, đồng thời là khí cụ mà với nó, con người rèn luyện thiên tư sáng tạo của mình thành đức hạnh, thành thái độ, thành mọi hình thái hoạt động, và quả thật, thành chính đời sống. Như thế người ấy, từng cử chỉ của người ấy, biểu lộ tính chất căn nguyên, sự sáng tạo, nhân vị sống động của mình. Trong biểu lộ đó không có sư rập khuôn theo qui ước cũng như sự tuân thủ hoặc động lực kềm hãm. Người ấy chuyển động khi cảm thấy thú vị. Ðộng thái của người ấy như gió thổi khi gió thích thổi. Người ấy không có "cái tôi"õ bị đóng gói trong cuộc sống manh mún, giới hạn, trói buộc và vị kỷ. Người ấy thoát khỏi nhà ngục đó. Một đại Thiền sư đời Ðường có nói: "Với kẻ làm chủ bản thân thì nơi nào thiên hạ cũng thấy hắn hành động trung thực với bản thân."õ Tôi gọi người ấy là nghệ sĩ cuộc đời.

Tự Ngã của người ấy chạm được tiềm thức, cội nguồn của những khả năng vô tận. Cái người ấy có là "tâm-không". Thánh Augustine nói, "Hãy yêu Thượng đế và cứ làm theo ý ngươi." Câu ấy tương tự bài thơ của Vô Nan, một thiền sư thế kỷ mười bảy:

Trong khi sống
Hãy là người chết
Chết tận cùng;
Và hãy hành động như bạn muốn
Tất cả đều tốt.

Yêu Thượng đế là sống không bản ngã, sống tâm-không, trở thành "người chết"õ, giải thoát khỏi những động lực kềm toả của ý thức. Lời chào nhau buổi sáng của người ấy không có thành tố vụ lợi trao đổi giữa người và người. Tai nghe thì miệng đáp. Cảm thấy đói thì ăn. Về ngoại diện, người ấy là con người tự nhiên, xuất phát thẳng từ tự nhiên, không có những chuỗi ý tưởng phức tạp của người văn minh hiện đại. Nhưng cuộc sống nội tâm của người ấy phong phú biết bao! Vì cuộc sống ấy hiệp thông với tiềm thức bao la.

Chú thích:

Augustine (354-430), còn được gọi là Augustine thành Hippo, vị giáo phụ vĩ đại nhất mọi thời của Kitô giáo. Ông gốc người Tunisia, sinh trong một gia đình ngoài Kitô giáo, trở thành Kitô hữu năm 386 nhờ người mẹ ngoan đạo rồi được truyền chức giám mục giáo phận Hippo năm 396. Ông thành lập một cộng đoàn đan sĩ, một linh mục đoàn, viết nhiều sách có giá trị quyết định về thần học Kitô giáo. Ba tác phẩm quan trọng nhất của ông là Confessions – Tự thú ;The City of God - Thành Ðô của Thượng Ðế; và On the Trinity - Bàn Về Một Chúa Ba Ngôi, v.v...
Vô Nan (1602-1676), đại thiền sư người Nhật, thuộc phái Lâm Tế, trụ trì Thiền đền Dharma.


Ngón Tay Và Quả Ðấm
Chuyện thiền

Nhà sư lang thang nào cũng có thể đến tá túc trong Thiền viện ấy với điều kiện thắng cuộc tranh luận Phật pháp với một nhà sư đang sống ở đó. Nếu bại, phải đi qua nơi khác.

Có hai sư huynh đệ cùng sống trong một Thiền viện tại miền Bắc nước Nhật. Sư huynh là người học rộng còn sư đệ là kẻ đần độn và chỉ có một mắt.

Ngày nọ, có một nhà sư lạ lang thang đến xin trọ. Ông đặc biệt thách đố cả hai anh em về giáo pháp huyền vi. Hôm đó, sư huynh đuối sức vì suốt ngày học nhiều quá. Ông bảo sư đệ thay mình ra đối đáp. Sư huynh dặn dò kỹ lưỡng:

- Ðệ hãy ra gặp và yêu cầu ông ấy tranh luận mà đừng nói.
Vậy, sư đệ cùng nhà sư lạ cùng an tọa trước chánh điện.
Chỉ lát sau, nhà sư lang thang đứng dậy, tới gặp người sư huynh và nói:
- Sư đệ của huynh là một đồng đạo tuyệt vời. Anh ấy đánh bại tôi rồi.
Sư huynh trả lời:
- Xin huynh kể lại cuộc đối thoại cho tôi nghe.
Nhà sư lang thang vừa kể vừa giải thích:
- Vâng. Trước tiên tôi đưa một ngón tay lên, tiêu biểu cho Ðức Phật, đấng giác ngộ. Anh ấy đưa hai ngón tay lên, có ý nói Ðức Phật và lời giảng của Ngài. Tôi đưa lên ba ngón, tiêu biểu cho Ðức Phật, lời giảng của Ngài và những người theo Ngài đang sống đời hoà điệu. Lúc đó, anh ấy đưa nắm tay vô mặt tôi, ý nói cả ba đều phát xuất từ một thức ngộ độc nhất. Vậy là anh ấy đã thắng, tôi không có quyền ở lại đây.
Nhà sư lang thang vừa bỏ đi thì sư đệ chạy tới hỏi sư huynh:
- Hắn đâu rồi?
- Huynh biết đệ đã thắng cuộc tranh luận.
- Chẳng thắng gì cả. Ðệ sắp đập hắn một trận.
Sư huynh hỏi:
- Ðệ nói cho huynh biết chủ đề của cuộc tranh luận vừa qua là gì?
Có gì đâu. Vừa thấy mặt đệ là hắn giơ một ngón tay lên, nhục mạ đệ, ám chỉ rằng đệ chỉ có một con mắt. Vì hắn là người lạ nên đệ nghĩ mình phải lịch sự, đệ đưa lên hai ngón, chào và khen hắn có đủ hai con mắt. Vậy mà tên khốn kiếp vô lễ đó giơ lên ba ngón, ý nói hắn và đệ cộng lại cũng chỉ có ba con mắt. Ðệ nổi khùng vung tay lên tính đấm vô mặt hắn nhưng hắn đã bỏ chạy. Vậy là hết tranh luận.



THƯ MỤC TƯ LIỆU (^)
Liệt kê và Cảm tạ


Affirmations for Artists, Eric Maisel, G.P. Putnam’ Sons, Chicago, 1996.
Bích Nham Lục, bản dịch của Thích Thanh Từ, TP Hồ Chí Minh: Tổng hội Phật giáo, 2005.
Phật Học Từ Ðiển, Ðoàn Trung Còn, Paris: Chùa Khánh Anh, (không ghi năm xb)
Pháp Giáo Nhà Phật, Ðoàn Trung Còn, Sàigòn: NXB Phật Học Tòng-Thơ, (không ghi năm xb)
Questions to a Zen Master, Taisen Deshimaru, New York: Dutton, 1985.
Sáu Cửa Vào Ðộng Thiếu Thất, Bô Ðề Ðạt Ma, Trúc Thiên dịch, TP Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo, 1997.
The Faber Book of Aphorisms, W.H. Auden & L. Kronenberger, London: Faber and Faber Ltd, 1962.
The Gospel According to Zen, Robert Sohl & Audrey Carr, Toronto: Mentor Book, 1979.
The Little Zen Companion, David Schiller, New York: Workman Publishing, 1994.
The Tao of Leadership, John Heider, Toronto: Bantambooks, 1988
The World of Zen, Nancy Wilson Ross, New York: Vintage Books, 1960.
Thiền Học Việt Nam, Nguyễn Ðăng Thục, Huế: NXB Thuận Hóa, 1997.
Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, TP Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo, 1995.
Từ điển Bách Khoa Nho-Phật-Ðạo, Lao Tử & Thịnh Lệ (Chủ biên), Hà Nội: NXB Văn Học, 2001.
Từ Ðiển Phật Học, Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Huế: NXB Thuận Hóa, 1999.
Vô Môn Quan, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn, TP Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995.
Zen and the Bible, J.K. Kadowaki SJ, London: Penguin Group, 1980.
Zen Catholicism, Dom Aelred Graham, New York: The Crossroad Publishing Com., 1994.
Zen in the Art of Archery, Eugen Herrigel, New York: Panthen, 1958.
Zen To Go, Jon Winokur, Toronto: Penguin Book Canada Ltd, 1989.

----o0o---

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com