Nguyên lý của cuộc sống luôn luôn là bến bờ của hạnh phúc mà trong đó mọi sinh vật đều hướng đến bình yên theo từng nhịp thở. Nếu bạn không thở đúng nhịp đập của nội tại, thì bạn đánh mất chính mình và giá trị tồn tại của thực hữu. Thực hữu, đôi lúc, người ta hiểu mơ hồ về nó. Họ cứ cho tồn tại chính là thực hữu, nhưng không phải thế. Tồn tại là hiện tượng biểu hiện một cách có hệ thống trên phương diện kết hợp đủ các yếu tố điều kiện, còn thực hữu chính là bản chất của tồn tại. Lắm lúc không nhìn nhận đích xác, một số người trong chúng ta lại đem khái niệm sai lầm để gán ghép cho thực hữu.
Vậy, thực hữu là gì? Thực hữu là bản chất của tồn tại và nơi mà tồn tại lấy đó làm nền tảng căn bản để phô diễn giữa dòng đời. Cái bạn và tôi đang cần là tồn tại, nhưng cái bạn và tôi dù muốn hướng tới hay không muốn hướng tới mà nó vẫn như như bất động, đó chính là thực hữu. Như vậy, thực hữu là sự linh động mầu nhiệm trong tôi và bạn cũng như trong mọi tồn tại hiện hữu.
Tôi đi trên con đường dù hạnh phúc hay đau khổ, thì thực hữu không bao giờ biến động theo khái niệm của tôi. Thực hữu luôn có mặt trong mọi mọi hoạt biến của riêng tôi và vạn tượng. Nó hòa tan bất diệt trong từng khái niệm biến thiên cũng như mọi biến cố xảy ra giữa dòng đời. Tuy nhiên, vì là thực hữu nên nó không tự sinh ra và mất đi như bao cá thể khác. Nó thường xuyên có mặt trong tôi và tôi có mặt trong nó không thể tách rời. Mọi hoạt động của tôi từ ý nghỉ đến lời nói v.v đều hòa quyện với nó, nhưng không phải lúc nào tôi cũng cảm nhận được. Hạnh phúc hay khổ đau của tôi đều bị chi phối bởi khái niệm phân biệt, nhưng thực hữu thì thường hằng dù trong hạnh phúc hay khổ đau.
Phương châm của đời người là hạnh phúc. Nhưng trong biến động của cuộc đời phải có thêm hiện diện của khổ đau mới thực sự biến tấu hết mọi nét đẹp của hiện hữu. Một người sống trong nhung lụa mà không bao giờ nếm trãi mùi vị thất bại hay bi thương, thì không bao giở hiểu hết giá trị đích thực của dòng đời và đôi lúc đâm ra nhàm chán và trở nên bất hảo. Dòng đời là thế, cứ sanh rồi cứ diệt theo bản chất tự nhiên bất biến và trong đó, thực hữu là một yếu tố luôn luôn có mặt, nhưng nó không có khái niệm duy nhất hay không duy nhất. Nó là cả một bầu trời của trí tuệ và từ bi với tính sáng suốt và yêu thương trùm khắp cả vạn hữu.
Thiên đường hay địa ngục đều là khái niệm mơ hồ của kiếp nhân sinh mà thôi. Thiên đường thực sự đang phô diễn mầu nhiệm giữa dòng đời. Địa ngục cũng vậy. Cái địa địa ngục ấy thường xuyên tồn tại giữa bao la vạn tượng, nhưng vì tham đắm quá nhiều vào phù phiếm xa hoa mà chúng ta hiếm khi trực nhận. Nếu trực nhận được địa ngục và thiện đường luôn hiện hữu xung quanh mình, thì chúng ta không còn bở ngở trước những biến động bất chừng của xum la vạn tượng. Cũng như hai mùa mưa nắng vẫn đi đi về về dưới trời đất miền Nam Việt Nam. Mùa mưa lại ướt và mùa nắng lại khô. Mùa mưa cho chúng ta nhiều vị ngọt cam lồ từ những hạt mưa long lanh hiền dịu. Mùa nắng lại đem về từng sợi tơ óng ánh huyền nhiệm trong vô bờ hiện sinh. Tuy nhiên, có ai cảm nhận được điều đó khi mà cứ lao theo dòng đời với muôn vàn vội vã hoặc trầm tư trong tham vọng hay ưu bi sầu lụy?
Mưa và nắng vốn dĩ là hai mặt của thời tiết hiện tượng. Nhưng biết đâu trong đó lại có điều hiện hữu vô biên. Sự tương quan giữa mưa và nắng là một kết nối mầu nhiệm trên phương trời hiện thể. Bể dâu tang thương dù có đổi dời ra sao thì dưới lăng kính hiện sinh vẫn lộ lộ một bản chất thực tại bất di. Bản chất ấy là hơi thở và sức sống phong phú của dòng đời. Nó thổi một luồng sinh khí bất tận để cho vạn tượng tồn tại trong vô vàn hòa quyện biến tấu. Cơn mưa và cơn nắng chợt đến chợt đi, nhưng bản chất của chúng luôn bao dung dù mưa và nắng có thay hình đổi dạng ra sao đi nữa. Từng giọt mưa, từng giọt nắng phô diễn giữa sự thế khác nhau, nhưng bản thể vẫn dâng trào trong từng tuôn chảy vô bờ bất biến. Sự sống cũng vậy, nó có thể nhảy múa biến thiên, nhưng bản chất của sự sống vẫn bất di bất dịch giữa biến thiên nhảy múa.
Một chút du dương của vô thường cũng đến thế thôi. Tâm tham lam, sân hận hay tâm trí tuệ, từ bi cũng là khái niệm của nhân sinh thế thái. Mọi hiện tượng đến rồi đi theo trùng trùng duyên khởi. Tuy nhiên, cái bất biến của duyên khởi vẫn luôn có mặt tích cực trong mọi hiện tượng. Cái mà chúng ta thường gọi là bản hữu hay bản chất của hiện tượng luôn phô diễn giữa muôn trùng tồn tại hiện hữu. Nó chính là cố quận của bao tàn phai trên mọi nẽo đường về lưu biến. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” cũng chứa đựng bao la vạn trạng của tiên thiên thực hữu.
Hoa tàn nguyệt tận, trên mặt hiện tượng giới, là vô thường tan biến. Nhưng sự hạn hữu và bất tận của chúng luôn luôn là đề tài vạn hóa giữa muôn trùng sanh diệt và bất diệt theo ẩn hiện của dòng đời. Sự ẩn hiện ấy chứa cả bầu trời thong dong của bản thể mà khi cần, nó sẽ ló dạng dưới mọi biến cố lưu tồn dù trong sâu thẳm vô thức. Bình minh về để xua tan mọi khái niệm của các giọt sương còn ngái ngủ trên cành lá, nhưng chính hoàng hôn mới là gã si tình luôn tìm cách níu kéo những bụi mờ yêu thương rác rưởi của bình minh. Và cứ thế, bình minh và hoàng hôn bắt tay nhau, tuy không hội tụ đúng thời, đẩy đưa dòng đời hiện tượng đến đi qua thời gian gian vô cùng và không gian vô hạn.
Cũng vậy, đêm và ngày xô đẩy nhau nhịp nhàng qua từng khái niệm sanh diệt khiến cho hoa tàn nguyệt tận trong lận đận truân chuyên. Cứ thế, mộng gối đầu mộng liên tục biến thiên giữa đêm và ngày của trào lưu bất biến. Hương đời rũ xuống một màu tang thương của vô thường hiện khởi. Bao cái đẹp, cái xấu ùa về trên mọi ngõ nghách của sự thể. Hương của hoa hay hương của cát bụi cũng chỉ là mùi hương mà đêm ngày lướt qua cho thêm thi vị, nhưng đêm và ngày chẳng bao giờ có khái niệm nếm ngưởi. Hương vẫn bay. Đêm và ngày vẫn say trong cái say không hề dín dáng đến cảm quan của suy luận. Cái cảm quan của suy luận chỉ là khái niệm phân tích khi mà các giác quan tiếp xúc với dòng đời hiện tượng trên so đo tính toán. Đêm và ngày cứ trôi chảy tự nhiên nên chúng không bào giờ bị giới hạn trong cảm quan suy luận.
Khái niệm và suy luận chỉ bóp chết sự tuôn chảy mầu nhiệm của dòng đời chứ chúng không hề tô điểm thi vị cho dòng đời. Tuy nhiên, dòng đời là cả một trào lưu tuôn chảy vô hạn nên nó cũng không hề bị khái niệm và suy luận bóp chết trên mặt chân thể. Hoa tàn rồi hoa nở là sự tiếp diễn của một quá trình sanh diệt bên hiện tượng dòng đời. Tăng đầy rồi lại khuyết cũng chỉ là biến thiên của vạn tượng mà thôi. Bởi vậy, sự sanh diệt, bản chất của nó, vốn dĩ là miên trường hiện hữu. Cái hiện hữu vô bờ của bất tận du dương trong thế giới đầy huyền ảo và mộng mị, nhưng cũng lắm điều kì diệu phô diễn giữa dòng lưu biến mà trên thực tại của chính nó là hiện khởi bất động.
Chiếc lá cuối cùng vẫn rơi, gió vẫn bay theo bao nhiêu lớp trùng khơi vạn biến. Trên đỉnh cao của sự thế, bàng bạc ê chề của kiếp mộng tan hoang, mọi hiện tượng cứ loang loáng ùa về trong vô thức vĩnh cữu. Hóa ra, cái mà chúng ta thường nắm bắt để tự khẳng định mình đều toàn là hư ảo.