Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu Học So Với Hành Thiền Hai yếu tố này bổ sung hay cạnh tranh với việc tu tập?

12/09/201710:19(Xem: 5226)
Tu Học So Với Hành Thiền Hai yếu tố này bổ sung hay cạnh tranh với việc tu tập?

Choden Rinpoche

Tu Học So Với Hành Thiền

Hai yếu tố này bổ sung hay cạnh tranh với việc tu tập?

 

Đối với một người quan tâm đến thành tựu giác ngộ thì việc tu học có quan trọng hay không? Một số dòng truyền thừa đặt nặng việc hành thiền hơn tu học, và nói rằng không cần thiết phải tu học, vì điều này chỉ khiến tâm tràn đầy tư tưởng, và tư tưởng thì không phải là thiền. Tạp chí Mandala đã chọn lựa và trưng cầu ý kiến cùng sự quan sát của một số lạt ma, học giả và hành giả.

 

Chúng tôi bắt đầu với Nick Ribush nói chuyện với Choden Rinpoche, để xin Ngài ban cho lời khuyên uyên bác. Choden Rinpoche, Losang Gyalten Jigdrel Wangchuk, là người có kỷ lục tu học oanh liệt vào thời trẻ, và sau đó, ngài đã nhập thất trong 19 năm. 

 

Choden Rinpoche: Quá trình được đề ra là trước hết, lắng nghe giáo pháp, rồi tư duy về những gì con đã nghe, rồi thiền quán về những điều này. Vì vậy, điều quan trọng lúc đầu là đi tìm một vị thầy uyên bác để tu học với vị này; rồi phân tích bất kỳ điều gì con đã nghe bằng biện chứng hợp lý, đó là việc tư duy; rồi chú tâm nhất điểm vào những điều con đã thiết lập sau quá trình phân tích, điều mà trong bối cảnh này gọi là hành thiền. Thế thì ba điều này phải đi theo thứ tự: văn, tư, tu. Cả hai vị Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức Di Lặc đều nói như vậy.

 

Nick Ribush: Thế thì nếu không có cả hai yếu tố tu học và hành thiền, chúng ta không thể đạt được giác ngộ, phải không ạ?

 

Choden Rinpoche: Điều quan trọng là thiền quán về bất cứ điều gì con đã học hỏi. Nếu không làm như vậy thì những gì con đã học sẽ không giúp ích gì cho tâm mình.

 

Nick Ribush: Xin cảm ơn Rinpoche. Trước tiên, chúng ta nên lắng nghe những giáo pháp gì?

 

Choden Rinpoche: Điều này còn tùy vào hình thức tu học mà con dự định sẽ thực hiện. Nếu đó là chương trình tu học sâu rộng thì con nên theo gương của chư Tăng trong các tu viện lớn của Sera, Drepung và Ganden, nơi mà các Thầy nghiên cứu năm môn học chính [Bát nhã ba la mật (Prajnaparamita), triết lý Trung đạo (Madhyamaka), Lượng học (pramana), A tỳ đạt ma (abhidharma) và giới luật (vinaya)] qua nhiều năm, hay thậm chí suốt đời. Ở mức độ tu học trung bình thì con có thể chú trọng vào những tác phẩm như Bồ Tát Hạnh (Guide to the Bodhisattva's Way of Life) của ngài Tịch Thiên và luận giải về sách này, cũng như Toát Yếu Tu Tập (Compendium of Training). Nếu không có nhiều thời giờ thì con có thể nghiên cứu Lam-rim.

 

Nick Ribush: Hành thiền có phải là một phần trong việc đào tạo chư Tăng tại các tu viện lớn, theo sau chương trình tu học lâu dài không?

 

Choden Rinpoche: Việc hành thiền không phải là một phần của chương trình tu học chính quy, nhưng có những vị sư vừa tu học, vừa hành thiền. Họ thiền quán về những gì họ đã học, học và hành nên đi đôi với nhau. Ban ngày, chư Tăng học thuộc lòng, rồi trì tụng những gì họ đã học thuộc lòng vào buổi chiều, và sau đó, thiền quán về những gì họ đã học vào buổi tối. Đa số các tu viện có luật lệ là sau khi vị sư quản giáo kỷ luật đã ra dấu hiệu vào buổi tối thì mọi người sẽ phải ngưng trì tụng, để không làm phiền những nhà sư đang hành thiền. Thậm chí, họ không được mang giày khi đi lại. Vậy là tuy việc hành thiền không phải là phần bắt buộc hay thuộc về chương trình tu học, nhưng chư Tăng được khuyến khích hành thiền, và tu viện cũng tạo ra điều kiện thuận lợi để họ có thể hành thiền.

 

Nick Ribush: Các tu viện lớn có các bậc thầy là thiền giả hay hành giả du già (yogi) để hướng dẫn chư Tăng hành thiền hay không?

 

Choden Rinpoche: Có, và bất cứ điều gì chư Tăng được dạy là để nhắm vào việc hành thiền. Họ học hỏi về tánh Không là để thiền quán về đề tài này, về thiền chỉ là để hành thiền, vân vân…

 

Nick Ribush: Tuy nhiên, những người có công việc, gia đình và không có nhiều thời gian thì nên chú trọng vào Lam-rim?

 

Choden Rinpoche: Đúng, nhưng ngay cả sách Lam-rim cũng có bộ dài, bộ trung bình và bộ ngắn, và những ai có công việc và gia đình thì có thể gặp khó khăn với những bộ dài hơn. Những bộ Lam-rim ngắn như Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay (Liberation In The Palm Of Your Hand), Đường Tu Nhanh Chóng (Swift Path), hay Đường Tu Cực Lạc (Blissful Path), có thể thích hợp với những người có ít thời giờ.

 

Nick Ribush: Những người bận rộn nên thiền quán như thế nào về tác phẩm Lam-rim mà họ đã học hỏi?

 

Choden Rinpoche: Họ phải dành thời giờ để hành thiền và tu tập. Ở Tây Tạng thì không có thời gian dành riêng cho công việc. Người ta tự sắp xếp giờ giấc sinh hoạt và dành một thời gian dài hay ngắn cho mọi việc, tùy theo ý muốn. Họ có thể tu tập một vài tiếng vào buổi sáng, trước khi đi làm, nhưng ở đây, các con phải đi làm đúng giờ giấc theo ý muốn của cấp trên, nên phải sắp xếp thời gian theo cách tốt nhất, ví dụ như tu tập một tiếng trước giờ đi làm và một tiếng sau khi tan sở.

 

Nick Ribush: Những người tu tập như vậy có thể nào có thực chứng hay không?

 

Choden Rinpoche: Có thể chứ. Nếu như tu tập liên tục thì con sẽ ngày càng quen thuộc hơn với pháp tu đó, và hành thiền rất dễ dàng. Nhờ vậy mà con có thể có chứng ngộ.

 

Nick Ribush: Những người tu tập Lam-rim theo cách như vậy thì nên sắp xếp bài thiền quán như thế nào?

 

Choden Rinpoche: Chẳng hạn như con khởi đầu với bài thiền quán về kiếp người hoàn hảo thì hãy bỏ nhiều thời giờ hơn cho đề mục này, rồi dùng ít thời giờ cho toàn bộ những đề mục khác. Làm như vậy thì con có thể thiền quán toàn bộ đường tu. Khi đã quen thuộc với đề mục kiếp người hoàn hảo thì hãy bỏ nhiều thời gian cho đề mục kế tiếp là vô thường và cái chết, rồi bỏ ít thời giờ cho mỗi một đề mục còn lại. Sau đó, khi đã quen thuộc với đề mục thứ nhì thì hãy chuyển sang đề mục kế tiếp. Tuy nhiên, trước khi thiền quán về Lam-rim thì nên hành trì các pháp tu sơ khởi, để tịnh hóa tâm mình và tích tập công đức.

 

Nick Ribush: Làm sao mà kiến thức sách vở trở thành vô niệm? Tâm sẽ chuyển hóa như thế nào?

 

Choden Rinpoche: Phải mất một thời gian dài thì tâm mới trở thành vô niệm. Đối với phàm nhân thì nhận thức vô niệm duy nhất là các thức của ngũ quan. Ý thức thì chủ yếu là vọng niệm. Chúng ta biết được những điều mà mình biết là nhờ nhận thức bằng suy luận: “Nó như vầy là vì nó như thế kia.”. Điều này cũng là vọng niệm.

 

Nick Ribush: Một số người nói rằng nên dừng tâm vọng niệm và cứ để cho tâm nghỉ ngơi trong trạng thái vô niệm. Điều này có sai không?

 

Choden Rinpoche: Có lẽ một số người nói như thế, nhưng khi nghiên cứu những tác phẩm Phật học lớn, các kinh điển và luận giải thì nó không phải như vậy. Chỉ vì niệm tưởng đã ngưng, không có nghĩa là tâm con đã trở thành vô niệm. Khi thực hành thiền định thì con sẽ chú tâm vào một đối tượng. Khi đó, đúng là con không được suy nghĩ bất cứ điều gì, mà phải ngưng mọi niệm tưởng, ngay cả các niệm thiện, bởi vì chúng cũng quấy nhiễu định tâm của mình, nhưng khi làm được như vậy thì không có nghĩa là tâm con đã trở nên vô niệm.

 

Nick Ribush: Thưa Rinpoche, khi hành thiền ở Lhasa suốt bao nhiêu năm trời thì ngài đã tu tập pháp thiền nào?

 

Choden Rinpoche: Tôi ở trong ngôi nhà đó hơn 20 năm, nhưng không liên tục hành thiền. Tôi đã trì chú, hành thiền chút ít và tu tập các pháp tu khác, nên không có thực chứng về đại định hay bất cứ điều gì tương tự như vậy. Nếu muốn có thực chứng về đại định thì phải tìm một nơi thích hợp để hành thiền. Ngôi nhà ấy không phải là nơi thích hợp, vì tôi không biết khi nào thì công an Trung Quốc sẽ đến nhà. Họ sẽ đến một cách bất ngờ vào bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, không hề báo trước, nên tôi luôn luôn có sự nghi ngờ, “Khi nào thì họ tới? Họ sẽ làm gì đây?”, nên tâm trí không đủ thư thả để chú tâm vào đối tượng 100%, vì nếu muốn chứng ngộ đại định thì phải làm được như vậy.

 

Nick Rinpoche: Ngài có điều gì để nói thêm về mối quan hệ giữa tu học và hành thiền không, thưa Rinpoche?

 

Choden Rinpoche: Nếu muốn hành thiền thì điều quan trọng là phải nghiên cứu và học hỏi. Nếu không học hỏi thì không có cách nào để hành thiền. Tùy ý con muốn học hỏi nhiều, học vừa phải hay chút ít thôi, nhưng khi thực hành bất cứ pháp thiền nào, dù là thiền quán hay thiền định thì con phải biết mình sẽ thiền về cái gì. Nếu như không biết đối tượng thiền thì không có cách nào để hành thiền về nó, và nếu cố làm như vậy thì con sẽ giống như người mà Đức Sakya Pandita mô tả: người cụt tay đi leo núi. 

 

Nick Ribush: Vậy thì chúng ta không thể đạt giác ngộ, nếu như không thực hiện cả hai việc tu học và hành thiền?

 

Choden Rinpoche: Điều quan trọng là thiền quán về bất cứ điều gì con học hỏi. Nếu không thì những gì học được sẽ không giúp ích cho tâm con bao nhiêu. Đúng là một vài vị thầy ở Tây Tạng và những nơi khác nói rằng con không cần tu học, chỉ cần hành thiền thôi. Họ cho rằng những người tu học chỉ hiểu biết các pháp như cách một người ăn xin biết đến của cải, trong khi những ai hiểu biết nhờ hành thiền thì giống như những người giàu sang, có của cải. Tuy nhiên, văn, tư, tu rất quan trọng. Cả ba yếu tố nên được phối hợp với nhau, bởi vì chúng bổ sung cho nhau.

 

Choden Rinpoche
Choden Rinpoche được phỏng vấn tại Trung Tâm Kurukulla,
Massachusetts, ngày 19 tháng 11, 2004. Thubten Damchoe thông dịch và Nick Ribush hiệu đính.
 

 

Sinh năm 1931 ở miền Đông Tây Tạng, Choden Rinpoche, Losang Gyalten Jigdrel Wangchuk, lúc 3 tuổi đã được thừa nhận là vị tái sinh của Choden Rinpoche đời trước, người đã từng là một ứng viên cho việc chọn lựa Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 12. Khi lên tám, ngài tu học ở Tu Viện Rabten, và năm 15 tuổi, ngài gia nhập Tu Viện Sera Je, nơi ngài đã tu học năm kinh sách chính.


  Dù Rinpoche đã học xong lớp Lharam và có thể trở thành một Geshe, nhưng sư phụ của ngài bảo ngài khoan dự kỳ thi. Choden Rinpoche quyết định nghiên cứu giáo pháp về Giới luật (vinaya), và ngài được xem là một trong những học giả uyên bác về môn học này. Choden Rinpoche là một trong hai vị lạt ma của Sera Je được tuyển chọn để biện kinh với Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong kỳ thi tốt nghiệp văn bằng Geshe của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

 

Trong thời gian Cộng sản Trung Hoa chiếm Tây Tạng năm 1959, Choden Rinpoche sống ở Tây Tạng và nhập thất 19 năm. Ngài không bao giờ ra khỏi gian phòng nhỏ bé và tối tăm ở Lhasa, từ 1965 đến 1985, và vì lý do này, hoàn toàn không được biết đến ở tu viện của mình. Năm 1985, ngài được phép rời Tây Tạng để đến Ấn Độ, và từ đó, đã giảng dạy hàng ngàn tăng sinh ở Tu Viện Sera Je tại Nam Ấn qua nhiều năm. Với lời thỉnh cầu của Lama Zopa Rinpoche, hiện nay, Choden Rinpoche đã viếng thăm các nước Tây phương một vài lần để hoằng pháp và hướng dẫn các khóa nhập thất.

 

Nguyên tác Anh ngữ: Tạp chí Mandala tháng 2/tháng 3, 2005

Gyalten Deying chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân hiệu đính

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2012(Xem: 12865)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài việc chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc. Những lời dạy của Ngài thật giản dị nhưng lại hết sức thiết thực...
03/03/2012(Xem: 4486)
Bất cứ người nào theo học khóa thiền Vipassana trong vòng mười ngày, đều có thể nhìn thấy sự sai lầm về mặt này của khoa tâm lý học hiện đại. Anh ta biết ngay từ kinh nghiệm bản thân là các sự kiện tâm lý nội tại có thể được quan sát trực tiếp. Mỗi thiền sinh của Vipassana đều trở thành một bác sĩ tâm lý thực thụ cho chính mình. Và xuyên qua môn khoa học thuần khiết về quán sát tự thân, anh ta bắt đầu thoát khỏi đau khổ.
16/02/2012(Xem: 16231)
Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
21/12/2011(Xem: 5962)
Giác ngộ không phải là cầu toàn, vì càng cầu toàn con càng khổ đau thất vọng, mà là cần thấy ra bản chất bất toàn của cuộc sống. Chỉ cần vừa đủ trầm tĩnh sáng suốt...
07/12/2011(Xem: 6870)
Cựu TT Bill Clinton tập Thiền Phật giáo, ăn chay để cải thiện sức khỏe và đời sống tâm linh Từ khi bệnh tim gây ra nỗi kinh hoàng cho cựu Tổng thống Bill Clinton, ông đã tìm nhiều cách để giúp đầu óc thư giãn. Ông có đời sống bận rộn, đi lại nhiều trong cương vị làm đại sứ cho Hoa Kỳ, và cần phải giữ đầu óc cho minh mẫn Cali Today News - Cựu Tổng Thống Bill Clinton đã chọn cách cải thiện sức khỏe cho ông để đạt tới những đỉnh cao tinh thần bằng cách học Thiền Phật giáo để giúp ông thư giãn.
25/11/2011(Xem: 4760)
Khi bước vào các ngôi chùa trên khắp thế giới, dù là chùa Bắc Tông hay Nam Tông, chùa Thiền hay Tịnh Độ, lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy an lạc, hạnh phúc và sinh lòng kính ngưỡng, vì lúc nào tôi cũng nhìn thấy trứơc mắt mình là rất nhiều các vị Thánh Tăng đang đi lại, đang thuyết pháp, đang tụng kinh, đang thiền định… dù đó là một vị sư già, một ni cô trẻ, hay một chú tiểu đang học vần. Họ có thể là các vị Tu Đà Hòan đang trở lại cõi này trong kiếp thứ 4 hay thứ 5, trong 7 kiếp còn sót lại sau khi đắc quả thánh đầu tiên.
25/11/2011(Xem: 5677)
Đạo Phật trên ý nghĩa thiết yếu là “biện chứng giải thoát” hay là con đường gỉai thoát. Gỉai thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi. Tuy cùng đi trên một con đường, nhưng vì con người có nhiều tâm tính, trình độ, khả năng và căn cơ khác nhau, lại vì tùy hoàn cảnh, tùy phong tục, tập quán, luật lệ thay đổi theo từng địa phương và tùy thời điểm, cho nên Đức Phật đã đưa ra vô số phương tiện khác nhau, thường được tiêu biểu bằng con số 84 nghìn pháp môn, để hướng dẫn mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát. Cầu nguyện và tụng kinh, tuy không phải là cứu cánh, nhưng cũng là một trong 84 nghìn pháp môn.
22/10/2011(Xem: 3842)
Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ xa dần các tà kiến và các thiên chấp; sẽ sống với nhân cách tự-do-tinh-thần; cởi bỏ gánh nặng nô lệ thị phi, tập tục.
20/10/2011(Xem: 4351)
Trong cuộc sống, bạn có thể nhận thấy rằng nhiều việc có xu hướng xẩy ra rất sai lạc, hoặc ít nhất, thì những điều đó không đúng như ý bạn mong đợi. Nên, mặc dù nhiều lần gây tổn thương, nhưng bạn vẫn phải tiếp tục đối diện và cố gắng vượt qua, để tìm kiếm hạnh phúc mỏng manh tiềm ẩn trong tâm, mà bạn theo đuổi. Nhưng, nhìn lại, nó khó khăn như là phải đánh vật với vỏ sĩ Mike Tyson. Không ai có thể đạt được mơ ước như là tránh không bị các vấn đề của bệnh tật, tuổi già, cái chết, có kẻ thù v.v… Tuy nhiên, có một phương pháp có thể loại bỏ các vấn nạn khổ đau có trong ngữ vựng.
07/10/2011(Xem: 9473)
Chúng ta đã và đang thấy trong kỷ nguyên hiện đại những sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực phát triển vật chất. Như một kết quả, có một sự cải thiện đáng kể trong đời sống của con người. Tuy thế, cùng lúc ấy, chúng ta cũng cảnh giác rằng sự phát triển vật chất đơn thuần không thể trả lời cho tất cả những ước mơ của nhân loại... Tôi nghĩ nhiệm vụ quan trọng nhất của bất cứ một hành giả của một tôn giáo nào là thẩm tra chính họ trong tâm hồn của chính họ và cố gắng để chuyển hóa thân thể, lời nói
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]