Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con đường Thiền, qua chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải

19/11/201407:44(Xem: 5322)
Con đường Thiền, qua chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải
Thien_Dinh
Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) và Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726) là hai vị thiền sư của thế kỷ XVII, nổi tiếng nhất, sống lâu nhất và để lại nhiều tác phẩm nhất, với số tác phẩm thuộc loại đồ sộ nhất của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu những chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải, sắp xếp chúng thành một trình tự dầu chưa hẳn đã hoàn chỉnh, chúng ta có thể nhận ra Thiền tông vào thế kỷ XVII của Việt Nam như thế nào, và rộng ra, con đường Thiền của Việt Nam như thế nào. Những chỉ dạy của ngài không phân thành từng đề mục, nhưng ở đây chúng ta cố tìm cho ra những điểm chính và đặt thành tiêu đề phù hợp với con đường Phật giáo nói chung, để hình dung ra một cách có hệ thống con đường Thiền cho những người tu học đời sau như chúng ta.

1. Quy y:
Thiền sư đã quy y cho nhiều người. Đoạn văn này cho thấy. “Một hôm, Tổ sư dạy chúng, ‘Từ ngày ta đến ở chùa Nguyệt Đường, lập viện Thiền Tịnh, đệ tử mười phương cùng đến vân tập, học đạo, quy y…’.”. Cũng trong đoạn này cho biết, đệ tử “thì cành lá rất nhiều, số lượng kể không hết”.

Quy y là tạo lập một sự nối kết với Phật, Pháp, Tăng. Sự nối kết này đem lại căn bản để tiến bộ trên con đường Thiền.

Quy y là đã tin nhận nhân quả, cho nên sống một đời sống đúng đắn, không tự phá hoại mình bằng những hành vi và ý nghĩ sai lầm. Do đó, thân tâm có sự ổn định và trong sạch để có thể ngộ nhập được Phật tánh vốn trong sạch từ xưa nay.

2. Niềm tin vào Phật tánh của chính mình:
“Muốn cầu thấy Phật, thì chỉ cầu biết chúng sanh. Nếu ngộ tự tánh thì chúng sanh là Phật... Tự thể của chân tâm chẳng phải là cái chúng ta nói được. Nó trong suốt như hư không, như tấm gương trong sạch tròn sáng… Chỉ có người ngộ nhập nó, thì biết ngay nơi tâm mình… Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba đều là một”.

Tin được rằng tâm chúng sanh chúng ta là một với tâm Phật, đây là niềm tin cần thiết để tinh tấn đi trên con đường. Cho đến khi thấy điều đó là một sự thật không thể nghi ngờ, và tiếp tục đi cho đến khi tròn vẹn, hoàn toàn chứng ngộ tâm mình là tâm Phật, ở mặt thể cũng như ở mặt dụng. Đó là con đường Thiền.

Nếu so sánh với Đại Toàn Thiện (Dzogchen), tâm chúng sanh chính là tâm Phật, đó là Nền tảng. Nền tảng ấy phải được Thấy, từ cái thấy Nền tảng ấy có Thiền định, tức là liên tục hộ trì nó. Rồi có Hạnh, tức là làm sâu rộng cái Thấy ấy trong mọi sinh hoạt của mắt tai mũi lưỡi thân ý. Hạnh tròn đầy, đó là Quả, tất cả sanh tử biến thành Niết-bàn, không chỗ nào không là tâm Phật, không là Đại Toàn Thiện.

3. Phát Bồ-đề tâm:
Bồ-tát là người phát nguyện Bồ-đề tâm, “Nguyện đạt đến giác ngộ để độ thoát cho chúng sanh”. Đó là Bồ-đề tâm nguyện , và thực hiện lời nguyện ấy trải qua nhiều kiếp là Bồ-đề tâm hạnh. Với lời nguyện ấy, Bồ-tát tích tập trí huệ (giác ngộ) và phước đức (độ thoát chúng sanh do lòng bi). Khi hai sự tích tập ấy đã tròn đủ thì đó là Phật quả. Phước huệ hay trí bi là con đường Bồ-tát. Trong Sự lý dung thông, Thiền sư nói:   

“Đường lên hiền thánh Phật tiên
Gồm no phước huệ vẹn tuyền chẳng sai”.

Và:   

“Tẩy không non mạn thành nghi
Một lòng bình đẳng trí bi độ người”.  

Và:

“Bể từ rạt sạch nguồn mê
Máy thiêng mở khép đề huề độ sanh”.

Ngài nói về nguyện hạnh trong Kim Cương kinh giải lý mục: “Phát nguyện là trong kinh giáo dạy khiến hạnh nguyện đầy đủ hài hòa. Tuy có công hạnh mà chẳng có chí nguyện thì hạnh ắt chẳng định. Dầu có chí nguyện mà chẳng có công hạnh, nguyện ắt hư vong vậy. Phải nên hạnh nguyện tương ưng hài hòa, bèn hợp được chẳng lỗi mới nên phát nguyện vậy”.

Tóm lại, muốn đạt đến Trí Bi đầy đủ phải hành công hạnh Bồ-tát, và muốn hành công hạnh Bồ-tát, phải phát nguyện Bồ-đề tâm.

4. Ba pháp tu Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu
Ba pháp tu chủ yếu của Phật giáo là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu hay Thiền. Yếu chỉ tu hành là, “Đó là ý chỉ nghiên cứu cùng tột cái tâm, rõ nguồn cái thức”.

“Năm hai mươi lăm tuổi, sư học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ. Sau sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học. Sau khi xuất gia sư dùng thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh để tu. Ở đây sư chuyên tu thiền định và giữ gìn giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng. Những nơi này vắng vẻ, là chỗ hang ổ của ma quái. Chúng chẳng làm gì được sư, nhưng sư cho rằng chỗ này là ác địa, khó giáo hóa, bèn về làng cũ… Sau đó sư lại ra Tim Bút La và ở đó hơn tám năm”.

Về Chỉ Quán song tu hay Thiền, chúng ta trích một số đoạn trong Ngữ lục của ngài:

“Hằng gìn pháp nhẫn vô sanh
Chỉ quán vằng vặc phân minh rạch ròi”.      

Và:

“Máy thiền cơ trong nơi định tuệ
Phải tham tường mới kể chân tu”.
(Sự lý dung thông)

Chỉ là tịch, quán là chiếu. Chỉ quán đồng thời là tịch chiếu đồng thời. Chân tâm, hay tánh giác, hay Pháp thân vốn có sẵn cái tịch chiếu đồng thời hay chỉ quán đồng thời này.

“Tịch mà hằng chiếu gọi là trí huệ Bát-nhã. Chiếu mà hằng tịch gọi là Giải thoát. Chiếu tịch đồng thể gọi là Pháp thân. Thí dụ minh ngọc viên châu. Minh là Bát-nhã, tịnh là giải thoát, viên là Pháp thân” (Kim Cương kinh giải lý mục).

Tu thiền là xoay ánh sáng trở lại quan sát tâm mình, nhìn ra bản tánh của tâm ấy: “Nếu biết xoay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ cảnh mà quan sát tâm thì mắt Phật sáng rõ mà bóng nghiệp thành không. Pháp thân hiện ra mà những dấu vết của trần dứt tuyệt”.

“Trí năng chiếu vốn không, cảnh sở duyên cũng lặng. Cảnh và trí đều vắng thì tâm ý an nhiên. Đó mới là đường chính yếu của việc trở về nguồn”.

Trong bản tánh của tâm, không có chủ thể và đối tượng. Khi đi đến cùng cái tâm hàng ngày, mới thấy tâm chủ thể “vốn không”, tức thời cảnh đối tượng cũng lặng. Không tâm không vật, đó là nguồn cội, hay là bản tánh, của tâm.

Bản tánh của tâm, hay nguồn cội, hay tự tánh, không có vật gì và không có tư tưởng, phân biệt gì, giống như hư không. Nhưng cái giống như hư không ấy không phải vô tri, mà là thấu biết, nên gọi là tánh biết.

“Tự tánh rõ biết nên không đồng với gỗ đá. Tay không cầm ngọc như ý, cũng không tự nắm lại, nhưng như vậy không phải là không có tay. Vì tay an nhiên tự tại, nên không giống với sừng thỏ. Thời gian trước không có phiền não có thể bỏ. Thời gian giữa không có tự tánh có thể giữ. Thời gian sau không có Phật có thể thành. Đó gọi là ba thời đoạn dứt. Đó gọi là ba nghiệp trong mát”.

Bản tánh ấy không tăng không giảm, không dơ không sạch, không sanh không diệt, xưa nay thanh tịnh, chưa từng tách hở chúng ta mảy tóc. Đó là tâm ta, mà cũng là Phật tâm của ta.

“Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí (thói quen ô nhiễm) che ám, cảnh ngoài xoay chuyển bèn tự mê lầm mà thôi. Nếu nơi tâm mà vô tâm thì đó là Phật quá khứ. Vắng lặng bất động đó là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật, đó là Phật hiện tại. Thanh tịnh không nhiễm đó là Phật ly cấu. Ra vào không ngại đó là Phật thần thông. Đến đâu cũng an vui đó là Phật tự tại. Nhất tâm trong sáng đó là Phật quang minh. Niệm đạo kiên cố đó là Phật bất hoại. Biến hóa vô cùng, duy chỉ là một tánh chân”.

5. Đốn ngộ
Đốn ngộ là thấy trực tiếp tự tánh, hay Phật tánh, hay tánh Không, hay Pháp thân: “Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình”. Thấy được Phật tánh (Kiến đạo vị hay Thông đạt vị), vào con đường đạo và đi trên đó (Tu tập vị, con đường thiền định), cho đến lúc không còn tu tập nữa, không thiền định nữa (Vô công dụng đạo), cho đến viên mãn (Cứu cánh vị).

Thiền sư Hương Hải nói về điều này như sau: “Nếu biết xoay ánh sáng soi lại chính mình, bỏ cảnh mà quan sát tâm, thì mắt Phật sáng rõ mà bóng nghiệp thành không, Pháp thân hiện ra mà những dấu vết của trần dứt tuyệt”. Pháp thân hiện ra đó là đốn ngộ, và rồi tiếp tục tu cho đến khi chứng ngộ hoàn toàn Pháp thân.

Ngộ là thấy trực tiếp tự tánh hay “đạo”, và sau đó là tu bằng cách tương ưng không hở sót với nó:

“Thấy đạo mới tu đạo
Không thấy làm sao tu
Tánh đạo như hư không
Hư không làm sao có
Xem khắp người tu đạo
Khơi lửa tìm bọt nổi
Chỉ cần xem con rối
Dây dứt dừng hết cả”.

Ngộ là thấy nền tảng của cuộc sống thân tâm mình, nền tảng ấy Thiền gọi là tâm địa:

“Cần phải thầm tương ưng tâm địa 
Mới ngộ bình sanh đời trong mộng”.

6. Tiệm tu
Tiệm tu là y nơi tánh mà tu sau khi đã thấy phần nào thật tánh hay Pháp thân. Đốn ngộ là thấy được một phần Pháp thân, tiệm tu là thấy và sống cho được trọn vẹn Pháp thân.  

“Pháp thân hiện ra, những vết trần dứt tuyệt. Dùng lưỡi dao huệ tự giác mà mở lấy chân tâm bị ràng rịt bên trong, dùng gươm huệ của nhất niệm mà chặt đứt những lưới kiến của bụi trần. Ấy là ý chỉ nghiên cứu cùng tột cái tâm, rõ nguồn cái thức”.

Tiệm tu là nhập sâu xa sau ngộ, theo quá trình Khai Thị Ngộ Nhập trong kinh Pháp Hoa. Thiền sư Hương Hải nói:

“Ấy lời khuyên dặn người thiền tử
Lý hiểu tường, sự giữ tiệm tu
Hằng rèn giới hạnh công phu
Lên đường tinh tiến nhẫn phù yên tâm
Ngày càng chuyển nhập chuyển thâm
Nguồn nhân bể quả chớ lầm tóc tơ”.

Dầu có nói đốn, nói viên thì cũng phải đốn viên trên con đường khách quan của Đại thừa gồm Thập tín, Thập hạnh, Thập trụ, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác.

“Miễn lòng rồi tri túc thì nên
Năm mươi lăm phẩm dưới trên
Luyện tam muội hỏa chí bền kim cương
Nhân thiên mấy đấng phong quang
Tam hiền thập thánh một đường cao siêu”.

Đốn ngộ là một niệm tương ưng với Pháp thân, vượt khỏi tam hiền, đi vào dòng thập địa. Tiệm tu là niệm niệm tương ưng với Pháp thân cho đến viên mãn.

“Liền nay niệm niệm không dừng, đó là Phật hiện tại. Niệm niệm tương ưng tức niệm niệm thành Phật, đó là pháp môn phương tiện tối sơ”.

7. Hạnh Bồ-tát
Hạnh Bồ-tát ở trong phần tiệm tu, một khi đã thấy tánh thì “xứng tánh làm Phật sự”. Do đó sự ngộ nhập Pháp thân càng thêm rộng thêm sâu.

Hạnh Bồ-tát là sống trọn vẹn với Phật tánh bằng tất cả thân tâm, mắt tai mũi lưỡi thân ý. Những chân lý Phật giáo được tìm thấy và sống ngay trong cuộc sống trần thế này, do đó chuyển hóa cuộc đời sanh tử bình thường thành Niết-bàn vô trụ xứ:

“Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng Phật dậy
Đứng ngồi cùng theo nhau
Nói nín cùng trong định
Chẳng lìa một mảy may
Như bóng, hình tương tợ
Muốn biết chỗ Phật đến
Chỉ lời, âm thanh vậy”.

Sống nhuần nhuyễn trong hạnh thì cõi này là Tịnh độ, chỗ nào cũng có Phật.

Y vào tánh Không hay Phật tánh để thực hành các ba-la-mật thì dần dần thâm nhập tánh Không, đến chỗ ba cái Không, là Không, Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện:

“Kẹp non nhảy bể mới tài
Dùng ba-la-mật chứng ngoài Tam Không”.

Các hạnh Bồ-tát được làm y trên tánh Không và ở trong tánh Không nên như mộng như huyễn, hành động mà vẫn không hành động, hành động mà vẫn giải thoát:

“Nhân đà lịch kiếp dụng công
Tu hành như ảo mộng trung hồi trình”.

Dần dần không còn chân và vọng, ta và người, phải và trái…  mọi phân biệt chia cắt đều tiêu tan hết, chỉ còn một Tánh Chân, một Phật tánh:

“Không trụ không trước, chẳng nhiếp chẳng thu, phải trái đều quên, năng sở đều dứt. Cái vắng lặng này cũng tức là Bát-nhã hiện tiền, tâm tâm làm Phật, không một tâm nào mà chẳng phải là tâm Phật, chốn chốn thành đạo, không một chốn nào chẳng phải là cõi Phật. Cho nên chân và vọng, vật và ta, nêu lên một mà thâu tất cả. Tâm, Phật, chúng sanh nhất như một thể”.

Đây là điều kinh Hoa Nghiêm  gọi là Nhập Pháp giới, hay đi vào Hải ấn tam-muội:

“Hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chẳng ra khỏi Pháp tánh tam-muội. Dầu khi mặc áo ăn cơm, nói năng cử chỉ, đối đãi sáu căn, thường hành nhậm vận, thật là diệu dụng của Pháp tánh” (Kim Cương kinh giải lý mục).

Bảy đề mục ở trên là bảy phương tiện tu hành. Bảy phương tiện pháp môn này đều khởi xuất từ một nền tảng là Pháp tánh hay Phật tánh, cho nên chúng cùng ở trong nền tảng và hỗ trợ lẫn nhau cho thiền giả tiến tu. Càng đầy đủ phương tiện pháp môn, và mỗi phương tiện pháp môn càng phát huy sức mạnh thì sự tiến tu càng nhanh chóng và có nhiều kết quả. 
 
Nhưng nói riêng về một pháp môn, thì vì pháp môn nào cũng được thiết lập trên nền tảng Pháp tánh hay Phật tánh, nên ngay nơi một pháp môn, người ta vẫn có thể tìm thấy nền tảng pháp tánh hay Phật tánh. Và nơi mỗi pháp môn tu hành, mỗi pháp môn đều có đầy đủ các pháp môn khác. Trong sự dung thông vô ngại của các pháp môn đồng thời tiến bộ như vậy, hành giả tự tin và hoan hỷ đi trên con đường Thiền. 
 
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 212
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/10/2020(Xem: 3598)
Có lẽ bài viết này sẽ không đúng thời, đúng lúc vào hoàn cảnh hiện nay (riêng cho Việt Nam, các miền Bắc Trung Bộ từ Quảng Trị vào đến Thừa Thiên (Huế) nơi các vị Thầy khả kính của tôi đang chịu nhiều áp lực của thiên tai (sạt lỡ và lũ lụt trầm trọng hơn bao giờ hết, vượt lên trên những hậu quả của năm 1999 và hơn thế nữa... thế giới đang chịu nạn đại dịch Covid 19 hoành hành làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nhưng hậu bối trộm nghĩ nếu mình không ráng tu học để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi khi còn được may mắn có cơ hội làm người và có cơ hội giác ngộ hơn những động vật và loài cỏ đá vô tình, thì cũng uổng phí một đời...
03/09/2020(Xem: 3412)
Bài này sẽ khảo sát một số khái niệm về các hiện tướng của tâm, dựa theo lời dạy của Đức Phật và chư Tổ sư. Bản thân người viết không phải là một thẩm quyền nào; do vậy, nơi đây chỉ là một cố gắng trong khả năng hạn hẹp để đọc lại và ghi chép lại một số lời dạy từ kinh luận, hy vọng sẽ giúp làm sáng tỏ một số thắc mắc. Các chữ viết tắt trong bài này có thể đọc ở Đại Tạng Kinh (1) với các kinh: DN là Trường Bộ Kinh, MN là Trung Bộ Kinh, SN là Tương Ưng Bộ Kinh, AN là Tăng Chi Bộ Kinh, Sn là Kinh Tập trong Tiểu Bộ, Ud là Kinh Phật Tự Thuyết, SA là Tạp A Hàm,
17/07/2020(Xem: 6089)
Trong kinh có ghi lại lời cảnh giác của Đức Phật, Ngài đã từngnói rằng: “Phàm tất cả chúng sinh còn lên xuống trong ba cõi, lăn lộn trong sáu đường thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi sai lầm”.Lời nói của bậc toàn giác thật chính xác. Chúng sinh còn trầm luân trong ba cõi, sáu đường, là còn gây nhiều nghiệp xấu. Cho nên, dù chúng ta là ai của những đời trước, kiếp trước? Kiếp này, tuy chung sống ở cõi Ta-Bà nhưng mỗi người ôm vào đời một biệt nghiệp riêng, do tội lỗi hay phước báo đã gây ra trong đời trước. Nhưng nói chung,dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng đã từngbị vô minh che mờ lý trí xúi quẩy tạo ra muôn ngàn tội lỗi, và tội lỗi đó cứ chồng chất mãi theo thời gian.
10/07/2020(Xem: 5590)
Thực tập thiền chánh niệm sẽ giúp cho chúng ta cảm nhận được sự an lạc trong từng giây phút của cuộc sống. Thiền cũng tăng sự tập trung, tăng hiệu quả của bộ nhớ, vượt qua áp lực và căng thẳng trong đời sống hằng ngày. Các lớp học gồm có: Lớp 1: LỚP SƠ CẤP ONLINE - Thời lượng 8 tuần vào lúc 4pm tới 5:30pm chiều thứ 7 hàng tuần. (For English class: Friday Evenings: 7pm to 8:30pm from July 17 to September 4, 2020) Lớp 2: LỚP TRUNG CẤP - Thời lượng 10 tuần vào lúc 8am tới 10am sáng Chủ Nhật hàng tuần. (For English class: Saturday Evenings: 6:30pm to 8:30pm from July 18 to September 19, 2020)
30/06/2020(Xem: 10004)
Đây là cuốn sách viết bằng song ngữ Anh-Việt của cư sĩ Nguyên Giác. Sách dày 319 trang vừa được Ananda Viet Foundation (Nam California) xuất bản. Cư sĩ Nguyên Giác tu học với một số thiền sư tiền bối nổi tiếng trước 1975 như Thích Tịch Chiếu, Thích Thường Chiếu, Thích Thiền Tâm và Thích Tài Quang. Cư sĩ Nguyên Giác say mê Thiền, nghiên cứu về Thiền, viết về Thiền và sống chết với Thiền. Ông đã xuất bản tám cuốn sách về Thiền. Nay ở tuổi 68, ông viết cuốn này vì sợ rồi đây sức khỏe suy yếu, không còn khả năng viết nữa. Tuy nhiên ước mơ lớn vẫn là để cho các nhà nghiên cứu ngoại quốc muốn tìm hiểu về Phật Giáo Việt Nam, nhất là Thiền, có tài liệu tham khảo vì hiện nay Anh Ngữ là ngôn ngữ phổ biến khắp thế giới.
10/12/2019(Xem: 5009)
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá Có còn hơn không, Có còn hơn không …” Đó là những câu mở đầu bài thơ của một người làm thơ như ăn cơm, làm thơ như uống nước, làm thơ như thiền hành, làm thơ như tĩnh tọa, làm thơ như say ngủ …. Làm thơ mà như chưa từng nghĩ là mình làm thơ, huống chi, nhọc nhằn khoác vào mình những hư danh nhân thế.
02/12/2019(Xem: 4994)
Thiền Định, Một Phương Pháp Biến Cải Tâm Linh. Đức Đạt-lai Lạt-ma và Urgyen Sangharakshita
15/11/2019(Xem: 5221)
Cuộc sống của con người và vạn vật chung quanh biến đổi từng giờ từng phút theo không gian và thời gian. Không hề có bất kỳ sự kiện hay sự vật nào tồn tại vĩnh viễn. Giáo lý nhà Phật gọi tình trạng đó là Vô thường.
12/09/2019(Xem: 4466)
Bài này ghi lại một số lời dạy về Thiền Tông – để thấy rằng trong tận cùng, tất cả các phương tiện chư Tổ sử dụng khi truyền pháp chỉ là các bè pháp để lìa tham sân si, bằng cách nhận ra bản tâm vốn đã tròn đầy giới định huệ. Khi nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lời Đức Phật dạy qua nhiều thời kỳ khác nhau, sẽ thấy tất cả đều tương thông, trong tận cùng là không dị biệt, không trái nghịch giữa các truyền thống, dù là Nam Tông hay Bắc Tông. Với người đã sống được trong các pháp ấn vô thường, vô ngã… lúc đó không thấy còn bè pháp nào nữa, vì sẽ thấy tất cả các phương tiện tu học chỉ là sản phẩm của tâm quá khứ, chỉ là thêu dệt từ những ngũ uấn của ngày hôm qua và hôm kia, trong khi cái hiện tiền chảy xiết ngay bây giờ là cái dòng tịch lặng vô thường bất khả ngôn thuyết. Cũng y hệt như khi đã nắm được bâu áo tràng (cổ áo tràng), tự động chiếc áo sẽ xuôi một dòng, phẳng lì, không rời tay mình bất kể khi đi đứng nhanh hay chậm, lúc đó cũng chẳng bận tâm tới tay áo nghiêng về phía Nam
09/09/2019(Xem: 5607)
Narayan Helen Liebenson, Geshe Tenzin Wangyal Rinpoche và Blanche Hartman chia xẻ lời khuyên của họ về việc làm sao để ứng phó với các giai đoạn trầm cảm.Narayan Helen Liebenson là nữ giáo sư hướng dẫn tại Trung Tâm Thiền Cambridge Insight Meditation Center. Geshe Tenzin Wangyal Rinpoche là người nắm giữ truyền thừa của truyền thống Bön Dzogchen tradition của Tây Tạng. Ông là tác giả của cuốn sách “Spontaneous Creativity: Meditations for Manifesting Your Positive Qualities” [Sự Sáng Tạo Tự Phát: Thiền Để Thể Hiện Phẩm Chất Tích Cực Của Bạn] (xuất bản năm 2018).Zenkei Blanche Hartman (1926-2016) là Pháp Sư Cao Cấp và là phụ nữ đầu tiên Trú Trì Trung Tâm Thiền San Francisco.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567