Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con đường Thiền, qua chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải

19/11/201407:44(Xem: 5832)
Con đường Thiền, qua chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải
Thien_Dinh
Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) và Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726) là hai vị thiền sư của thế kỷ XVII, nổi tiếng nhất, sống lâu nhất và để lại nhiều tác phẩm nhất, với số tác phẩm thuộc loại đồ sộ nhất của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu những chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải, sắp xếp chúng thành một trình tự dầu chưa hẳn đã hoàn chỉnh, chúng ta có thể nhận ra Thiền tông vào thế kỷ XVII của Việt Nam như thế nào, và rộng ra, con đường Thiền của Việt Nam như thế nào. Những chỉ dạy của ngài không phân thành từng đề mục, nhưng ở đây chúng ta cố tìm cho ra những điểm chính và đặt thành tiêu đề phù hợp với con đường Phật giáo nói chung, để hình dung ra một cách có hệ thống con đường Thiền cho những người tu học đời sau như chúng ta.

1. Quy y:
Thiền sư đã quy y cho nhiều người. Đoạn văn này cho thấy. “Một hôm, Tổ sư dạy chúng, ‘Từ ngày ta đến ở chùa Nguyệt Đường, lập viện Thiền Tịnh, đệ tử mười phương cùng đến vân tập, học đạo, quy y…’.”. Cũng trong đoạn này cho biết, đệ tử “thì cành lá rất nhiều, số lượng kể không hết”.

Quy y là tạo lập một sự nối kết với Phật, Pháp, Tăng. Sự nối kết này đem lại căn bản để tiến bộ trên con đường Thiền.

Quy y là đã tin nhận nhân quả, cho nên sống một đời sống đúng đắn, không tự phá hoại mình bằng những hành vi và ý nghĩ sai lầm. Do đó, thân tâm có sự ổn định và trong sạch để có thể ngộ nhập được Phật tánh vốn trong sạch từ xưa nay.

2. Niềm tin vào Phật tánh của chính mình:
“Muốn cầu thấy Phật, thì chỉ cầu biết chúng sanh. Nếu ngộ tự tánh thì chúng sanh là Phật... Tự thể của chân tâm chẳng phải là cái chúng ta nói được. Nó trong suốt như hư không, như tấm gương trong sạch tròn sáng… Chỉ có người ngộ nhập nó, thì biết ngay nơi tâm mình… Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba đều là một”.

Tin được rằng tâm chúng sanh chúng ta là một với tâm Phật, đây là niềm tin cần thiết để tinh tấn đi trên con đường. Cho đến khi thấy điều đó là một sự thật không thể nghi ngờ, và tiếp tục đi cho đến khi tròn vẹn, hoàn toàn chứng ngộ tâm mình là tâm Phật, ở mặt thể cũng như ở mặt dụng. Đó là con đường Thiền.

Nếu so sánh với Đại Toàn Thiện (Dzogchen), tâm chúng sanh chính là tâm Phật, đó là Nền tảng. Nền tảng ấy phải được Thấy, từ cái thấy Nền tảng ấy có Thiền định, tức là liên tục hộ trì nó. Rồi có Hạnh, tức là làm sâu rộng cái Thấy ấy trong mọi sinh hoạt của mắt tai mũi lưỡi thân ý. Hạnh tròn đầy, đó là Quả, tất cả sanh tử biến thành Niết-bàn, không chỗ nào không là tâm Phật, không là Đại Toàn Thiện.

3. Phát Bồ-đề tâm:
Bồ-tát là người phát nguyện Bồ-đề tâm, “Nguyện đạt đến giác ngộ để độ thoát cho chúng sanh”. Đó là Bồ-đề tâm nguyện , và thực hiện lời nguyện ấy trải qua nhiều kiếp là Bồ-đề tâm hạnh. Với lời nguyện ấy, Bồ-tát tích tập trí huệ (giác ngộ) và phước đức (độ thoát chúng sanh do lòng bi). Khi hai sự tích tập ấy đã tròn đủ thì đó là Phật quả. Phước huệ hay trí bi là con đường Bồ-tát. Trong Sự lý dung thông, Thiền sư nói:   

“Đường lên hiền thánh Phật tiên
Gồm no phước huệ vẹn tuyền chẳng sai”.

Và:   

“Tẩy không non mạn thành nghi
Một lòng bình đẳng trí bi độ người”.  

Và:

“Bể từ rạt sạch nguồn mê
Máy thiêng mở khép đề huề độ sanh”.

Ngài nói về nguyện hạnh trong Kim Cương kinh giải lý mục: “Phát nguyện là trong kinh giáo dạy khiến hạnh nguyện đầy đủ hài hòa. Tuy có công hạnh mà chẳng có chí nguyện thì hạnh ắt chẳng định. Dầu có chí nguyện mà chẳng có công hạnh, nguyện ắt hư vong vậy. Phải nên hạnh nguyện tương ưng hài hòa, bèn hợp được chẳng lỗi mới nên phát nguyện vậy”.

Tóm lại, muốn đạt đến Trí Bi đầy đủ phải hành công hạnh Bồ-tát, và muốn hành công hạnh Bồ-tát, phải phát nguyện Bồ-đề tâm.

4. Ba pháp tu Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu
Ba pháp tu chủ yếu của Phật giáo là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu hay Thiền. Yếu chỉ tu hành là, “Đó là ý chỉ nghiên cứu cùng tột cái tâm, rõ nguồn cái thức”.

“Năm hai mươi lăm tuổi, sư học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ. Sau sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học. Sau khi xuất gia sư dùng thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh để tu. Ở đây sư chuyên tu thiền định và giữ gìn giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng. Những nơi này vắng vẻ, là chỗ hang ổ của ma quái. Chúng chẳng làm gì được sư, nhưng sư cho rằng chỗ này là ác địa, khó giáo hóa, bèn về làng cũ… Sau đó sư lại ra Tim Bút La và ở đó hơn tám năm”.

Về Chỉ Quán song tu hay Thiền, chúng ta trích một số đoạn trong Ngữ lục của ngài:

“Hằng gìn pháp nhẫn vô sanh
Chỉ quán vằng vặc phân minh rạch ròi”.      

Và:

“Máy thiền cơ trong nơi định tuệ
Phải tham tường mới kể chân tu”.
(Sự lý dung thông)

Chỉ là tịch, quán là chiếu. Chỉ quán đồng thời là tịch chiếu đồng thời. Chân tâm, hay tánh giác, hay Pháp thân vốn có sẵn cái tịch chiếu đồng thời hay chỉ quán đồng thời này.

“Tịch mà hằng chiếu gọi là trí huệ Bát-nhã. Chiếu mà hằng tịch gọi là Giải thoát. Chiếu tịch đồng thể gọi là Pháp thân. Thí dụ minh ngọc viên châu. Minh là Bát-nhã, tịnh là giải thoát, viên là Pháp thân” (Kim Cương kinh giải lý mục).

Tu thiền là xoay ánh sáng trở lại quan sát tâm mình, nhìn ra bản tánh của tâm ấy: “Nếu biết xoay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ cảnh mà quan sát tâm thì mắt Phật sáng rõ mà bóng nghiệp thành không. Pháp thân hiện ra mà những dấu vết của trần dứt tuyệt”.

“Trí năng chiếu vốn không, cảnh sở duyên cũng lặng. Cảnh và trí đều vắng thì tâm ý an nhiên. Đó mới là đường chính yếu của việc trở về nguồn”.

Trong bản tánh của tâm, không có chủ thể và đối tượng. Khi đi đến cùng cái tâm hàng ngày, mới thấy tâm chủ thể “vốn không”, tức thời cảnh đối tượng cũng lặng. Không tâm không vật, đó là nguồn cội, hay là bản tánh, của tâm.

Bản tánh của tâm, hay nguồn cội, hay tự tánh, không có vật gì và không có tư tưởng, phân biệt gì, giống như hư không. Nhưng cái giống như hư không ấy không phải vô tri, mà là thấu biết, nên gọi là tánh biết.

“Tự tánh rõ biết nên không đồng với gỗ đá. Tay không cầm ngọc như ý, cũng không tự nắm lại, nhưng như vậy không phải là không có tay. Vì tay an nhiên tự tại, nên không giống với sừng thỏ. Thời gian trước không có phiền não có thể bỏ. Thời gian giữa không có tự tánh có thể giữ. Thời gian sau không có Phật có thể thành. Đó gọi là ba thời đoạn dứt. Đó gọi là ba nghiệp trong mát”.

Bản tánh ấy không tăng không giảm, không dơ không sạch, không sanh không diệt, xưa nay thanh tịnh, chưa từng tách hở chúng ta mảy tóc. Đó là tâm ta, mà cũng là Phật tâm của ta.

“Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí (thói quen ô nhiễm) che ám, cảnh ngoài xoay chuyển bèn tự mê lầm mà thôi. Nếu nơi tâm mà vô tâm thì đó là Phật quá khứ. Vắng lặng bất động đó là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật, đó là Phật hiện tại. Thanh tịnh không nhiễm đó là Phật ly cấu. Ra vào không ngại đó là Phật thần thông. Đến đâu cũng an vui đó là Phật tự tại. Nhất tâm trong sáng đó là Phật quang minh. Niệm đạo kiên cố đó là Phật bất hoại. Biến hóa vô cùng, duy chỉ là một tánh chân”.

5. Đốn ngộ
Đốn ngộ là thấy trực tiếp tự tánh, hay Phật tánh, hay tánh Không, hay Pháp thân: “Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình”. Thấy được Phật tánh (Kiến đạo vị hay Thông đạt vị), vào con đường đạo và đi trên đó (Tu tập vị, con đường thiền định), cho đến lúc không còn tu tập nữa, không thiền định nữa (Vô công dụng đạo), cho đến viên mãn (Cứu cánh vị).

Thiền sư Hương Hải nói về điều này như sau: “Nếu biết xoay ánh sáng soi lại chính mình, bỏ cảnh mà quan sát tâm, thì mắt Phật sáng rõ mà bóng nghiệp thành không, Pháp thân hiện ra mà những dấu vết của trần dứt tuyệt”. Pháp thân hiện ra đó là đốn ngộ, và rồi tiếp tục tu cho đến khi chứng ngộ hoàn toàn Pháp thân.

Ngộ là thấy trực tiếp tự tánh hay “đạo”, và sau đó là tu bằng cách tương ưng không hở sót với nó:

“Thấy đạo mới tu đạo
Không thấy làm sao tu
Tánh đạo như hư không
Hư không làm sao có
Xem khắp người tu đạo
Khơi lửa tìm bọt nổi
Chỉ cần xem con rối
Dây dứt dừng hết cả”.

Ngộ là thấy nền tảng của cuộc sống thân tâm mình, nền tảng ấy Thiền gọi là tâm địa:

“Cần phải thầm tương ưng tâm địa 
Mới ngộ bình sanh đời trong mộng”.

6. Tiệm tu
Tiệm tu là y nơi tánh mà tu sau khi đã thấy phần nào thật tánh hay Pháp thân. Đốn ngộ là thấy được một phần Pháp thân, tiệm tu là thấy và sống cho được trọn vẹn Pháp thân.  

“Pháp thân hiện ra, những vết trần dứt tuyệt. Dùng lưỡi dao huệ tự giác mà mở lấy chân tâm bị ràng rịt bên trong, dùng gươm huệ của nhất niệm mà chặt đứt những lưới kiến của bụi trần. Ấy là ý chỉ nghiên cứu cùng tột cái tâm, rõ nguồn cái thức”.

Tiệm tu là nhập sâu xa sau ngộ, theo quá trình Khai Thị Ngộ Nhập trong kinh Pháp Hoa. Thiền sư Hương Hải nói:

“Ấy lời khuyên dặn người thiền tử
Lý hiểu tường, sự giữ tiệm tu
Hằng rèn giới hạnh công phu
Lên đường tinh tiến nhẫn phù yên tâm
Ngày càng chuyển nhập chuyển thâm
Nguồn nhân bể quả chớ lầm tóc tơ”.

Dầu có nói đốn, nói viên thì cũng phải đốn viên trên con đường khách quan của Đại thừa gồm Thập tín, Thập hạnh, Thập trụ, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác.

“Miễn lòng rồi tri túc thì nên
Năm mươi lăm phẩm dưới trên
Luyện tam muội hỏa chí bền kim cương
Nhân thiên mấy đấng phong quang
Tam hiền thập thánh một đường cao siêu”.

Đốn ngộ là một niệm tương ưng với Pháp thân, vượt khỏi tam hiền, đi vào dòng thập địa. Tiệm tu là niệm niệm tương ưng với Pháp thân cho đến viên mãn.

“Liền nay niệm niệm không dừng, đó là Phật hiện tại. Niệm niệm tương ưng tức niệm niệm thành Phật, đó là pháp môn phương tiện tối sơ”.

7. Hạnh Bồ-tát
Hạnh Bồ-tát ở trong phần tiệm tu, một khi đã thấy tánh thì “xứng tánh làm Phật sự”. Do đó sự ngộ nhập Pháp thân càng thêm rộng thêm sâu.

Hạnh Bồ-tát là sống trọn vẹn với Phật tánh bằng tất cả thân tâm, mắt tai mũi lưỡi thân ý. Những chân lý Phật giáo được tìm thấy và sống ngay trong cuộc sống trần thế này, do đó chuyển hóa cuộc đời sanh tử bình thường thành Niết-bàn vô trụ xứ:

“Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng Phật dậy
Đứng ngồi cùng theo nhau
Nói nín cùng trong định
Chẳng lìa một mảy may
Như bóng, hình tương tợ
Muốn biết chỗ Phật đến
Chỉ lời, âm thanh vậy”.

Sống nhuần nhuyễn trong hạnh thì cõi này là Tịnh độ, chỗ nào cũng có Phật.

Y vào tánh Không hay Phật tánh để thực hành các ba-la-mật thì dần dần thâm nhập tánh Không, đến chỗ ba cái Không, là Không, Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện:

“Kẹp non nhảy bể mới tài
Dùng ba-la-mật chứng ngoài Tam Không”.

Các hạnh Bồ-tát được làm y trên tánh Không và ở trong tánh Không nên như mộng như huyễn, hành động mà vẫn không hành động, hành động mà vẫn giải thoát:

“Nhân đà lịch kiếp dụng công
Tu hành như ảo mộng trung hồi trình”.

Dần dần không còn chân và vọng, ta và người, phải và trái…  mọi phân biệt chia cắt đều tiêu tan hết, chỉ còn một Tánh Chân, một Phật tánh:

“Không trụ không trước, chẳng nhiếp chẳng thu, phải trái đều quên, năng sở đều dứt. Cái vắng lặng này cũng tức là Bát-nhã hiện tiền, tâm tâm làm Phật, không một tâm nào mà chẳng phải là tâm Phật, chốn chốn thành đạo, không một chốn nào chẳng phải là cõi Phật. Cho nên chân và vọng, vật và ta, nêu lên một mà thâu tất cả. Tâm, Phật, chúng sanh nhất như một thể”.

Đây là điều kinh Hoa Nghiêm  gọi là Nhập Pháp giới, hay đi vào Hải ấn tam-muội:

“Hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chẳng ra khỏi Pháp tánh tam-muội. Dầu khi mặc áo ăn cơm, nói năng cử chỉ, đối đãi sáu căn, thường hành nhậm vận, thật là diệu dụng của Pháp tánh” (Kim Cương kinh giải lý mục).

Bảy đề mục ở trên là bảy phương tiện tu hành. Bảy phương tiện pháp môn này đều khởi xuất từ một nền tảng là Pháp tánh hay Phật tánh, cho nên chúng cùng ở trong nền tảng và hỗ trợ lẫn nhau cho thiền giả tiến tu. Càng đầy đủ phương tiện pháp môn, và mỗi phương tiện pháp môn càng phát huy sức mạnh thì sự tiến tu càng nhanh chóng và có nhiều kết quả. 
 
Nhưng nói riêng về một pháp môn, thì vì pháp môn nào cũng được thiết lập trên nền tảng Pháp tánh hay Phật tánh, nên ngay nơi một pháp môn, người ta vẫn có thể tìm thấy nền tảng pháp tánh hay Phật tánh. Và nơi mỗi pháp môn tu hành, mỗi pháp môn đều có đầy đủ các pháp môn khác. Trong sự dung thông vô ngại của các pháp môn đồng thời tiến bộ như vậy, hành giả tự tin và hoan hỷ đi trên con đường Thiền. 
 
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 212
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2024(Xem: 1143)
200 Thiền Sinh Khoá Thiền Vipassana Lần Thứ 3 Tại Chùa Việt Nam- Kanagawa, Nhật Bản (3-5/5/2024) Để chuẩn bị cho Khoá thiền Vipassana, Ban tổ chức mến gửi đến quý Thiền sinh: •Thời Khoá tu tập trong suốt Khoá Thiền. •Nội Quy Khoá Thiền •Bản Hướng Dẫn Quý Thiền sinh tham khảo sắp xếp để yểm trợ cho việc tu tập tốt hơn. *Mến hẹn quý Thiền Sinh trong lễ Khai Mạc 10h sáng ngày 3/5/2024. Và thương gặp những vị lỡ hẹn Khoá Thiền Vipassana năm 2025 tại Chùa Việt Nam- Kanagawa, Nhật Bản.
16/04/2024(Xem: 1200)
Một đám đông Mỹ-Mễ-Mít làm việc chung với nhau, ngày nào cũng đùa giỡn rần rật, chơi khăm rồi cười sằng sặc, tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, từ chính trị cho đến chuyện súng ống tràn lan, giá xăng tăng… Nhưng nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là chuyện bóng cà na và chuyện đàn bà. Y cũng là một tên tích cực trong nhóm, thậm chí còn nổi trội về những trò gây cười. Y là tay nghịch ngầm và có nhiều ý tưởng mới, hễ y ra tay hay góp lời là cả đám cười hả hê. Những lúc câu chuyện trở nên thô tục quá thì y giật mình nhớ lại vấn đề chánh niệm nên ngưng nói. Giữ chánh niệm không phải là dễ, nhất là khi ở trong một môi trường mọi người đều thất niệm hay không biết chánh niệm là gì, quả thật những chuyện đùa , chuyện sắc dục nó hấp dẫn và dễ dãi hơn là chuyện chánh niệm.
24/03/2024(Xem: 705)
Con là Trần Duy Phô, Pháp danh Nguyên Thành, 61 tuổi. Con có duyên lành dự Khóa thiền Căn bản do Thầy giảng dạy tháng 2/2008 và Khóa Trung cấp Bát Nhã I do Sư Cô Triệt Như hướng dẫn tháng 8/2009 tại Sacramento, California. Với lòng tri ân sâu sắc Thầy và Tăng đoàn đã cho chúng con Pháp dừng tạp niệm, con kính trình lên Thầy bốn cảm nghiệm cá nhân trong thời gian dự Khóa Nhập thất Chuyên tu 10 ngày do Hội Thiền Tánh Không tổ chức tại Cedar Falls Center, núi San Bernadino, California, Hoa Kỳ, tháng 10/2009.
31/10/2023(Xem: 3070)
Phật Tánh? Xin nói rằng, tôi không biết. Tôi không thể trả lời câu hỏi có Phật Tánh hay không, và nếu có, thì là như thế nào. Bài viết này không nhằm trả lời những câu hỏi tương tự, mà chỉ là một khảo sát từ cương vị một người học Phật, chưa học tới đâu và cũng chưa tu tới đâu. Bài viết này là một lời thú nhận, rằng không biết chắc có bao nhiêu phần đúng, nhưng hy vọng sẽ phần nào giúp được một số độc giả để dùng làm viên gạch dò đường qua sông. Xin mời độc giả khảo sát, nghi vấn từng câu, từng chữ trong bài này, và rồi nên dựa vào Kinh Phật để đối chiếu.
11/05/2023(Xem: 2306)
Hôm nay 5/5/2023, dưới sự hướng dẫn của Thầy Nhuận Ân và Sư Cô Giới Bảo các thiền sinh bắt đầu cho lễ khai mạc cũng như ngày đầu tiên trong khoá Tu Học và Thực Tập Thiền Vipassana (5-7/5/2023) tại chùa Việt Nam, Kanagawa. Các thiền sinh khoá tu Vipassana trước cũng như những thiền sinh mới được hoà nhập với nhau qua từng bài thực tập bởi sự chia sẽ hài hoà và uyển chuyển mà chư Tôn Đức hướng đến đại chúng.
20/03/2023(Xem: 1990)
Trong bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh trong gần nữa thế kỷ, từ năm Đinh Mão ( 1627) cho đến năm Nhâm Tý ( 1672 ) với hơn 7 lần xua quân giáp chiến với nhau, từ trận năm Đinh Mão ( 1627) cho đến cuộc chiến năm Nhâm Tý ( 1672 ) mà vẫn chưa phân thắng thua, gây bao đau thương và xáo trộn cuộc sống dân tình, hai bên chọn dòng sông Gianh để tạm thời làm dấu cắt đôi cương thổ. Cả hai đều chọn sông Gianh bởi trước hết có tính đặc thù riêng của nó và những cậu ca dao cổ đã ví von:
18/03/2023(Xem: 3897)
Buổi toạ đàm về Thiền Vipassana trong cuộc sống đời thường cùng SC Giới Bảo & Doanh nhân Anh Tuấn
18/03/2023(Xem: 2402)
Một ứng dụng mới đã được chính thức ra mắt vào hôm thứ Tư, ngày 19 tháng 9 năm 2018 cho các thiết bị iOS, sẽ cung cấp các bài hướng dẫn công phu tu tập thiền chánh niệm cho người dùng, cùng với các cuộc thảo luận bằng âm thinh của các Phật tử và Thiền giả tích cực hoạt động xã hội hàng đầu tại Hoa Kỳ. thiết bị phần mền Ứng dụng có tên Awaken, là sản phẩm trí tuệ của Thiền sinh kiêm Doanh nhân Phật tử Ravi Mishra và có sự hiện diện của các vị Giáo thọ Phật giáo hàng đầu chuyên giảng dạy tu tập thiền, Rev. angel Kyodo williams, Lama Rod Owens và Sensei Greg Snyder.
12/03/2023(Xem: 2622)
Từ ngày 17 đến 19 tháng 3 năm 2023 tới sẽ diễn ra khoá THIỀN ONLINE K26 do Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn. Các thiền sinh vẫn ở tại nhà mình, chỉ cần bật Zoom lên, cùng nghe hướng dẫn và thực hành thiền, cùng nghe giảng và tu tập liên tục từ tối thứ 6 và trọn vẹn 2 ngày cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật.
27/02/2023(Xem: 2588)
Có lần, trong lúc trò chuyện thân tình khi chúng tôi còn làm việc chung với nhau ở tòa soạn Nhật báo Việt Báo cách nay nhiều năm, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã kể cho tôi nghe về cơ duyên anh bước vào Thiền. Rằng, một hôm tại Chùa Tây Tạng ở Bình Dương, Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu, là Thầy Bổn Sư của anh, dạy cho người em gái của anh pháp môn niệm Phật để hành trì. Vì không thấy Hòa Thượng dạy cho mình pháp gì để tu, anh mới hỏi Hòa Thượng: “Còn con thì tu pháp môn gì?” Hòa Thượng nhìn thẳng anh, rồi dạy: “Thấy tánh!”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]