Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thuận Tánh Khởi Tu

03/09/201219:57(Xem: 4034)
Thuận Tánh Khởi Tu
lotus_7
THUẬN TÁNH KHỞI TU

Nguyễn Thế Đăng

1. Thế nào là Thuận tánh khởi tu?

Thuận tánh khởi tu là một thành ngữ được dùng nhiều trong Thiền tông, và nói chung, trong kinh luận Đại thừa.

Thuận tánh là y vào tánh, ở nơi tánh, ở trong tánh, làm theo tánh. Tánh là bản tánh, pháp tánh, tánh Không, Như Lai tạng tánh, tánh Giác, Phật tánh… Thuận tánh khởi tu là y theo tánh mà khởi hạnh tu. Ý nghĩa này còn được diễn tả bằng những từ ngữ như Xứng tánh khởi tu (Thiếu Thất lục môn), tùy thuận tánh Giác (Kinh Viên Giác), an trụ tánh Giác, xứng tánh làm Phật sự (kinh Nhật tụng), thuận tánh khởi tu, thuận tánh khởi dụng (Thiền sư Hàm Thị giảng Kinh Lăng-già)…

Tánh này phần mở đầu của Kinh Viên Giácgọi là “nhân địa bản khởi pháp hạnh thanh tịnh của chư Như Lai… Đó cũng là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh: thân tâm tịch diệt, vốn rốt ráo bình đẳng, tròn đầy khắp mười phương, tùy thuận bất nhị”.

Nghĩa là nền tảng tu hành lúc bắt đầu của chư Như Lai là tánh Viên Giác vốn thanh tịnh, bản tánh bình đẳng, tròn đầy khắp mười phương, “chưa từng có đầu cuối, sanh diệt, trước sau, có không, tụ tán, khởi dừng, chưa từng có sự khởi diệt của sanh tử và Niết-bàn” (chương Kim Cương tạng). Đó cũng là nền tảng tánh Giác vốn sẵn đủ và thanh tịnh (giác địa thanh tịnh) của tất cả chúng sanh.

Kinh Hoa Nghiêmthường dùng chữ “tùy thuận”, “an trụ”: “Khiến tư duy, an trụ tự tánh của các pháp”, “tin được, thọ được, biết rõ được, có thể xu nhập, quan sát, tu tập tùy thuận, rời các phân biệt, rốt ráo bình đẳng” (chương Nhập Pháp giới).

Kinh Duy-ma-cậtnói: “Thuận là Bồ đề, vì tùy thuận Chân Như vậy”.

Kinh Viên Giácnói tu Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu đều y vào tánh Giác:

“Thiện nam tử! Diệu giác vô thượng, hiện hữu khắp mười phương, xuất sanh chư Như Lai và tất cả các pháp. Trong tánh Giác đồng thể bình đẳng ấy, nơi các pháp môn tu hành thật không có hai, mặc dù phương tiện tùy thuận thì có vô số. Gồm lại thì có ba pháp môn”.

Ở đây chỉ trích pháp môn thứ ba là Chỉ Quán song tu, tức Thiền-na:

“Thiện nam tử! Các Bồ-tát ngộ tánh Viên Giác thanh tịnh thì y vào tâm giác thanh tịnh này, chẳng nắm giữ sự huyễn hóa (pháp Quán) và các tướng tĩnh (pháp Chỉ). Rõ biết thân tâm đều ngăn ngại, còn tánh Giác sáng tỏ không phân biệt thì không bị ngăn ngại, vĩnh viễn siêu vượt khỏi mọi cảnh giới chướng ngại và không chướng ngại. Nó vẫn thọ dụng tướng thế gian và thân tâm ở nơi trần thế (mà không bị ngăn che ràng buộc), như tiếng boong của chuông, tuy ở nơi chuông mà vẫn thoát ra ngoài.

Bấy giờ, phiền não cùng Niết-bàn đều chẳng lưu ngại nhau, bên trong phát ra tịch diệt khinh an. Đó là cảnh giới tùy thuận Diệu Giác tịch diệt: thân tâm, mình người, hoàn toàn chẳng có; chúng sanh, thọ mạng đều là ý tưởng hão huyền. Phương tiện này gọi là Thiền-na”.

Lục Tổ Huệ Năng nói tu hành là tu ngay nơi tự tánh “vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không động lay” mà “người đời ai cũng vốn tự có” này. Tự tánh ấy là “nhân Bồ-đề thành Phật”:

Tự tánh Chân như là chân Phật
Ba độc tà kiến là ma vương
Hễ lúc tà mê, ma chiếm chỗ
Còn khi chánh kiến, Phật tại nhà.
Trong tánh, thấy tà ba độc sanh
Ấy là ma vương vào trụ xá
Chánh kiến tự trừ ba độc tâm
Ma biến thành Phật, quả không giả.
Pháp thân Báo thân và Hóa thân
Ba thân xưa nay vốn Một thân
Nếu nhìn vào tánh tự thấy được
Tức là nhân Bồ-để thành Phật.

Tu hành là tương đương, tương ưng với tánh. Muốn như thế phải bỏ lỗi lầm phiền não chướng ngại của mình thì cùng Tánh hay Đạo tương ưng:

Tà đến phiền não đến
Chánh đến phiền não trừ
Chánh tà đều chẳng dụng
Thanh tịnh đến Vô-dư.
Bồ-đề vốn tự tánh
Khởi tâm tức là vọng
Tâm tịnh trong chỗ vọng
Thuần chánh, không ba chướng.
Người đời nếu tu đạo
Hết thảy không chướng ngại
Thường tự thấy lỗi mình
Bèn cùng Đạo tương ưng.

Khi đã tương ưng với tánh, thấy được tánh là thế nào, thì an trụ vào trong tánh ấy và tu tập những pháp trợ đạo để tánh càng ngày càng hiển lộ, sáng sạch, rõ ràng hiển nhiên. Điều cần thấu hiểu là những pháp môn đều không lìa khỏi tánh. Những pháp môn ấy không phải là những cái giả lập tạm thời và ở ngoài tánh để tu tánh, mà chúng là những phương tiện, những ứng dụng, những biểu lộ thành hình tướng của chính tánh. Nếu pháp môn là những phương tiện và Tánh là cứu cánh thì phương tiện không phải là cái để đạt đến cứu cánh, mà ngay nơi phương tiện là cứu cánh. Phương tiện khai mở đến đâu thì tánh khai mở, hiển lộ đến đó. Như thế phương tiện chính là cứu cánh, pháp môn phương tiện chính là Tánh.

Đại Toàn Thiện (Dzogchen, Ati Yoga) của Ấn-Tạng quan niệm Phật giáo gồm Nền Tảng, Con Đường, và Quả. Nền tảng là Tánh. Con đường được thiết lập ở trên tánh hay trong tánh, do đó con đường không phải là cái gì tạm thời giả lập ngoài tánh, mà con đường là sự khai triển của tánh trong cuộc đời của hành giả. Khi tánh triển khai trọn vẹn, con đường khai triển trọn vẹn thì đó là Quả. Quả là Nền tảng khai triển trọn vẹn bằng và qua Con đường. Nói cách khác, Nền tảng là Phật tánh, Con đường là Phật tánh và Quả là Phật tánh. Đó chính là sự toàn thiện của cả ba không phân chia.

Ba lời tuyên bố nhắm vào những điểm thiết yếu” của Garab Dorje, sơ tổ của Đại Toàn Thiện là:

1. Người ta được đưa trực tiếp vào bản tánh của chính mình (tánh Giác).

2. Người ta quyết định dứt khoát liên tục ở trong trạng thái tánh Giác này.

3. Người ta liên tục trực tiếp tin vào giải thoát (của tánh Giác).

Luận Đại thừa Khởi Tíncủa Bồ-tát Mã Minh cũng chỉ dạy thực hành các pháp môn theo quan điểm “thuận tánh khởi tu” như vậy. Lý do sử dụng các pháp môn phương tiện là như sau:

“Chúng sanh cũng vậy, tuy sẵn có thể tánh Chân Như rỗng rang thanh tịnh, nhưng còn bị vô lượng phiền não làm nhiễm ô. Nếu hành giả chỉ niệm Chân Như mà không dùng đủ thứ phương tiện huân tu thì cũng chẳng được thanh tịnh. Vì phiền não nhiều vô lượng, làm nhiễm ô tất cả pháp, cho nên phải tu tất cả thiện hạnh để đối trị. Nếu người ta tu hành tất cả thiện pháp thì tự nhiên thuận về tánh Chân Như của mình”.

Tất cả các pháp môn - kể cả niệm Phật - đều y vào tánh Chân Như. Các pháp môn phương tiện là sự triển khai của tánh, sự khai mở của tánh nơi thân tâm hành giả. Chúng ta trích “thuận tánh khởi tu” chỉ trong sáu ba-la-mật:

“Vì biết pháp tánh vốn không có tham lam bỏn xẻn, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Bố thí ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn không có ô nhiễm, thoát khỏi các lỗi năm dục, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Trì giới ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn không có khổ, lìa hẳn giận dỗi, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn không có tướng thân tâm, xa lìa hẳn giải đãi, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Tinh tấn ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn thường định, không có loạn động nên tùy thuận pháp tánh tu hành Thiền định ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn sáng tỏ. lìa hẳn vô minh, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Trí huệ ba-la-mật”.

Chữ ba-la-mật (paramita) có nghĩa là hoàn thiện, rốt ráo, đến bờ bên kia, giải thoát. Bố thí ba-la-mật là bố thí hoàn toàn, rốt ráo, đến bờ bên kia, giải thoát. Đó là sự bố thí y vào tánh, tương ưng với tánh, ở trong tánh, bởi vì chỉ có như vậy mới hoàn toàn, rốt ráo, đến bờ bên kia, giải thoát. Vì chỉ ở trong tánh thì mới được tam luân không tịch: không có người cho, không có người được cho, không có vật cho. Năm ba-la-mật kia cũng thế, hành động xứng với tánh, ở trong tánh thì được gọi là ba-la-mật.

Bồ-tát đạo là sự tích tập công đức và trí huệ đồng thời. Lấy ví dụ ở Bố thí ba-la-mật thì tùy thuận pháp tánh (tánh Không) là tích tập trí huệ. Tùy thuận tánh Không không có nghĩa là không làm gì cả, mà tùy thuận tánh Không đồng thời vẫn bố thí, trong hành động bố thí. Bố thí là tích tập công đức. Như vậy sự tích tập trí huệ và tích tập công đức xảy ra đồng thời. Đó gọi là phước huệ song tu.

Nói rộng ra, “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” là công đức của Bồ-tát, công hạnh này không lìa sự tùy thuận tánh Không. Như vậy, thuận tánh khởi tu hay thuận tánh khởi hạnh là đặc điểm của con đường Bồ-tát: thuận tánh hay tùy thuận tánh Không là sự tích tập trí huệ đi liền với khởi tu hay khởi hạnh là sự tích tập công đức. Cả hai sự tích tập này hoàn toàn viên mãn là thành Phật.

2. Con đường thuận tánh khởi tu

Luận Đại thừa Khởi Tín có nói về điều này. Mà thực ra, mọi kinh luận Đại thừa đều có nói về con đường hay những cấp độ tương ưng với tánh. Ở đây chúng ta học tập về con đường tùy thuận tánh theo Kinh Viên Giác, chương Thanh Tịnh Huệ.

Trong tánh Viên giác, không có các cấp bậc tu chứng. Những cấp bậc tu chứng là do các mê lầm huyễn hóa diệt nhiều hay diệt ít mà thôi. Bởi vì rốt ráo trong tánh Viên Giác không có mê lầm huyễn hóa nào cả, như Bát-nhã Tâm kinh nói, “không có vô minh cũng không có sự diệt mất của vô minh”.

“Thiện nam tử! Trong tánh Viên giác không có tánh mà có tất cả các pháp, tùy thuận các duyên biến hiện ra mà không thủ, không chứng. Ở trong thật tướng không có Bồ-tát hay chúng sanh. Vì sao thế? Vì Bồ-tát và chúng sanh đều là huyễn hóa. Khi huyễn hóa diệt thì không có người thủ, người chứng, không có sự thủ chứng, ví như con mắt không bao giờ tự thấy chính nó. Tánh vốn tự bình đẳng chứ không có ai làm cho bình đẳng.

Chúng sanh mê lầm điên đảo, chưa trừ diệt được hết thảy huyễn hóa, ở nơi vọng tưởng có công dụng trừ diệt, có tướng huyễn hóa đã diệt và chưa diệt. Trong sự tùy thuận tịch diệt của Như Lai thì thật không có cảnh tịch diệt và người chứng tịch diệt”.

Người ta bắt đầu tùy thuận tánh Viên giác, bắt đầu thoát khỏi sanh tử huyễn hóa bằng cách thực hành trí huệ và làm những thiện hạnh để thoát ra khỏi “cái ta và cái của ta”. Đây là cấp độ người mới bắt đầu tu tùy thuận tánh Viên giác:

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay do vọng tưởng cái ta và yêu cái ta mà chẳng hề tự biết, niệm niệm sanh diệt, nên khởi ra thương ghét, tham đắm năm dục. Nếu gặp thiện hữu chỉ dạy khiến khai ngộ tánh Viên giác thanh tịnh, thấy được sự sanh diệt vốn là nhọc mệt lo buồn.

Những người nào đoạn dứt được nhọc mệt lo buồn này, bèn hiểu được pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tánh Viên Giác còn chưa được tự tại vì còn cái hiểu thanh tịnh kia tự làm chướng ngại. Đó gọi là Phàm phu tùy thuận tánh Giác” (Bậc Thập tín).

Khi thấy ra thân tâm này là nhọc mệt lo buồn nhưng thật ra là huyễn hóa hư vọng, đồng thời nhận hiểu được tánh Viên Giác thanh tịnh không có sanh lão bệnh tử, người ta bắt đầu từ bỏ những thứ huyễn hóa “ta và cái của ta” để hướng đến mục tiêu giải thoát và giác ngộ là tánh Viên Giác. Sự từ bỏ này không phải là sự từ bỏ thân này, nhà cửa này, nghề nghiệp này, mà là sự từ bỏ trong tâm, sự từ bỏ những bám chấp vào chúng như là những cái thật duy nhất trên đời.

Hiểu được pháp thanh tịnh là kết quả của tích tập trí huệ làm cho tâm có phần thanh tịnh và cũng là kết quả của sự tích tập các thiện hạnh, tức là sự tích tập công đức.

Ở cấp bậc Thập tín này mới chỉ hiểu tánh Viên Giác bằng ý thức, nghĩa là lờ mờ, chứ chưa thông hiểu bằng trí, nghĩa là tánh Viên Giác chưa hiện tiền. Nhưng nhờ có niềm tin tùy thuận tánh Viên Giác và nhớ nghĩ đến nó, tham thiền về nó, hành động theo nó thì người ta dần dần đến gần nó, thấy nó gần gũi hơn. Thấy tánh Viên Giác thực sự để thuận tánh khởi tu thực sự phải là người đã vào địa, tức là bước vào từng phần Pháp thân.

“Thiện nam tử! Những Bồ-tát thấy rằng cái hiểu này là chướng ngại, tuy đoạn trừ cái chướng ngại của sự hiểu (bằng ý thức) này, nhưng còn trụ nơi cái thấy có giác. Cái chướng ngại do có giác này vẫn là chướng ngại nên chẳng được tự tại. Đó gọi là Bồ-tát chưa nhập địa tùy thuận tánh Giác” (Bậc Tam hiền)

Tuy đã hiểu phần nào tánh Viên Giác thanh tịnh, nhưng do cái hiểu này vẫn là cái hiểu của thức, nghĩa là cái hiểu của một chủ thể ý thức đối với một khách thể. Vượt qua được chướng ngại do hiểu bằng ý thức phân biệt này, nhưng còn trụ nơi cái thấy có biết, có giác. Có giác nghĩa là vẫn còn một chủ thể giác, do đó vẫn là chướng ngại, vẫn còn nằm trong thức phân biệt. Chưa nhập địa là chưa thực sự vào được căn bản trí hay vô phân biệt trí, hay tánh Viên Giác.

Bởi vì tánh Viên giác không có chủ thể và khách thể, hay là ngã và pháp, nên Bồ-tát phải tu ba pháp Chỉ, Quán, Chỉ Quán song tu như được giảng ở chương Uy Đức Tự Tạiđể thấy tất cả ngã và pháp đều là huyễn hóa để tiêu tan những chướng ngại này hầu nhập vào tánh Viên Giác vô ngã vô pháp.

Thực hành an trụ vào tánh Giác, đó là Thập trụ. Thực hành các hạnh tương đồng với tánh Giác là Thập hạnh. Nương nơi tánh Giác đem trí huệ, lòng bi và công đức rải cho pháp giới và chúng sanh, đó là Thập Hồi hướng. Ba bậc này gọi là Tam hiền.

“Thiện nam tử! Có chiếu có giác (của một chủ thể) đều là chướng ngại, thế nên Bồ-tát thường giác mà không trụ, chủ thể chiếu và đối tượng được chiếu đồng thời tịch diệt. Ví như có người tự chặt đầu mình, đầu đã đứt thì không có người chặt đứt. Lấy cái tâm chướng ngại tự diệt các chướng ngại, chướng ngại đã diệt mất bèn không có người diệt chướng ngại.

Các kinh giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì biết rõ ngón tay chẳng hề là mặt trăng. Hết thảy lời dạy của Như Lai khai thị cho các Bồ-tát cũng lại như vậy.

Đây gọi là Bồ-tát đã nhập địa tùy thuận tánh Giác” (Bậc Thập địa).

Cái tỉnh giác thường ngày đạt đến chỗ không trụ, không trụ vào chủ thể đối tượng và vĩnh viễn như vậy thì đây chính là tánh Giác tịch diệt. Không có năng chiếu sở chiếu, năng giác sở giác, đây là tánh Giác. Chứng nghiệm rõ ràng tánh Giác như vậy thì gọi là Bồ-tát đã nhập địa, nghĩa là bước vào, chứng nhập tánh Viên Giác hay Pháp thân. Bồ-tát đã vào được tánh Giác hay Pháp thân được gọi là Pháp thân Bồ-tát. Vào được một phần gọi là Sơ địa, vào đủ mười phần gọi là Đệ Thập địa.

Khi thấy thật mặt trăng tánh Giác thì không còn “y vào thức” nên cũng không còn nắm bắt mặt ngoài của ngôn ngữ văn tự trong kinh điển, không còn y vào ngón tay chỉ mặt trăng. Khi ấy người ta chỉ “y vào trí”, nghĩa là y vào chính mặt trăng tánh Giác để tu hành.

Từ đây mới thực sự thuận tánh mà tu, vượt qua các địa, nghĩa là đi qua từng phần Pháp thân hay tánh Giác cho đến rốt ráo.

“Thiện nam tử! Tất cả chướng ngại tức là cứu cánh giác, chánh niệm hay thất niệm không gì chẳng phải là giải thoát. Pháp thành hay pháp hoại đều là Niết-bàn, trí huệ ngu si cùng là Bát-nhã, chỗ thành tựu của Bồ-tát hay của ngoại đạo đồng là Bồ-đề, vô minh Chân Như không khác cảnh giới, giới định huệ cùng tham sân si thảy là Phạm hạnh, chúng sanh quốc độ đồng một pháp tánh, địa ngục thiên cung đều là Tịnh độ, hữu tình vô tình đồng thành Phật đạo, hết thảy phiền não là giải thoát rốt ráo. Biển huệ pháp giới chiếu suốt mọi tướng cũng như hư không.

Đây gọi là Như Lai tùy thuận tánh Giác”.

Sự tùy thuận tương ưng hoàn toàn với tánh Giác được gọi là giác ngộ, vị làm được như vậy gọi là Như Lai.

“Ví như nấu quặng thành vàng, vàng ròng không phải do nấu mới có. Một khi đã thành vàng ròng thì không trở lại làm quặng, dù trải qua thời gian vô cùng tận, tánh của vàng vẫn không thể hoại. Chớ nên nói rằng vàng vốn chẳng phải thành tựu. Viên Giác của Như Lai cũng lại như thế” (Chương Kim cương tạng). Khi tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn biến thành vàng, thì tất cả mọi sự đều là vàng. Tất cả sanh tử khổ nhọc đều biến thành vàng Niết-bàn. Tất cả chỉ còn là một vị Chân Như.

Như đã nói trên, tu hành Bồ-tát đạo là tích tập công đức và trí huệ. Do sự thực hành “tất cả các thiện hạnh”, tức là tích tập công đức trong ánh sáng của trí huệ mà những tài sản nhỏ bé, thấp kém và đem lại khổ đau của kiếp người như dâm nộ si đã biến thành, chuyển hóa thành công đức vàng ròng của một vị Phật. Chướng ngại, thất niệm, ngu si, vô minh, địa ngục… đều biến thành công đức. Thế nên mới nói, chẳng hạn, “giới định huệ và dâm nộ si thảy là Phạm hạnh”, nghĩa là không còn dâm nộ si của chúng sanh mà chỉ còn là công đức của phạm hạnh thanh tịnh của một vị Niết-bàn. “Địa ngục thiên cung đều là Tịnh độ” nghĩa là không còn địa ngục và nhân cho địa ngục, mà địa ngục đã chuyển hóa thành công đức Tịnh độ. Tóm lại, thân tâm, thế giới, chúng sanh “đồng thành Phật đạo”, đồng chuyển hóa thành “pháp giới thanh tịnh” một vị Chân Như.

Con đường ấy từ đầu tiên cho đến cuối cùng đều y vào, tùy thuận vào tánh Giác mà thành tựu. Thập Tín là tin mỗi người đều vốn sẵn đủ tánh Giác, dựa vào niềm tin ấy mà khai phá con đường nơi tự tâm mình. Như thế con đường khai phá này hoàn toàn ở trên và trong tánh Giác, mặc dầu lúc này chưa thật sự thấy biết rõ ràng. Thập trụ là an trụ vào tánh Giác ấy, không lăng xăng tin vào những cái huyễn hóa bên trong và bên ngoài. Thập Hạnh là thực hành các hạnh không chống trái với tánh Giác, để ngay nơi các hạnh ấy tập nhìn ra tánh Giác. Thập Hồi hướng là làm theo tánh Giác mà hồi hướng khắp cả, vì tánh Giác thì phổ khắp. Bốn Gia hạnh vị là Noãn địa, Đảnh địa, Nhẫn địa, Thế đệ nhất địa là sự gia công nỗ lực cuối cùng để vượt khỏi địa vị phàm phu bước vào hàng thánh Thập địa. Thập địa là từ Sơ Hoan hỷ địa chứng ngộ thực sự tánh Giác lần đầu tiên để không còn lìa khỏi tánh Giác cho đến Đệ bát Vô công dụng địa là không còn tu nữa. Giai đoạn cuối cùng là từ Đệ cửu Thiện huệ địa cho đến giác ngộ hoàn toàn, thành Phật.

Để kết luận Thuận tánh khởi tu, chúng ta trích đoạn tiếp theo và cuối cùng của chương Thanh Tịnh Huệnày. Có lẽ đây à sự tu tâm trọn đời của chúng ta. Vì càng ở trong vọng tưởng điên đảo huyễn hóa thì càng khổ nhiều, càng an trụ trong tánh Giác, tùy thuận tánh Giác, thì càng bớt khổ, càng sáng tỏ an vui.

“Thiện nam tử! Các Bô-tát và chúng sanh đời mạt thế chỉ trong tất cả mọi thời không khởi vọng niệm, nơi các vọng niệm chẳng dùng trừ diệt, ở nơi cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm hiểu biết phân biệt, nơi chỗ không hiểu biết cũng chẳng phân biệt đúng sai. Các chúng sanh ấy nghe pháp môn này không sanh kinh sợ, tin hiểu thọ trì, đó gọi là tùy thuận tánh Giác”.

“Thiện nam tử! Các ông phải biết: những chúng sanh tùy thuận như thế là đã từng cúng dường trăm ngàn vạn ức hằng sa chư Phật và các Đại Bồ-tát, đã trồng nhiều cội công đức. Phật nói người ấy thành tựu Nhất thiết chủng trí”.

(Văn Hóa Phật Giáo số 159)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 22901)
Nói về kiếp người Đức Lão Tử đã thốt lên rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” Dịch : “ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân, Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”
06/12/2013(Xem: 13291)
Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, vị thiền sư ni đầu tiên, người trưởng lão ni tuyệt vời, còn lưu lại bài kệ thị tịch, những lời nói sau cùng, những lời nhắn bảo cuối cùng, những lời nói thật, gây chấn động mãnh liệt nơi nội tâm, thức tỉnh chúng ta trên dòng sinh tử, để lại dấu ấn đậm sâu, thắm đượm mãi trong lòng người đến tận hôm nay và mai sau. Ni Sư Diệu Nhân, và cũng là vị nữ sĩ ban đầu trong nền Văn Học Việt Nam
16/11/2013(Xem: 27602)
Tên tục của tôi là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phú Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân. Cha mẹ đã ngoài bốn mươi mà chưa có mụn con. Mẹ ra ngoài thành nơi chùa Quán Âm mà cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị tàn phá hư hoại, lại thấy cầu Đông Quan nơi thành không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng hưng kiến lập lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
05/11/2013(Xem: 10444)
Một hôm, nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đến Cà phê thứ 7 của anh trò truyện một bữa cho vui. Được thôi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến chỗ anh để uống cà phê và nghe chuyện trò mà. Đề tài gì? Thiền và sức khỏe. Vấn đề đang rất được giói trí thức quan tâm. Căn phòng nhỏ xíu, nhưng trang nhã, ấm cúng. Một, chỗ chơi nhạc thính phòng, họp mặt bạn bè, kiểu salon thế kỷ 18 – chỉ thiếu một nữ bá tước – để chuyện trò thân mật, cách biệt với ồn ào nhộn nhịp ngoài kia.
31/10/2013(Xem: 18555)
Trên bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình. Sự biến cải đó gọi là thiền định.
24/10/2013(Xem: 13481)
Thiền định là một phương tiện chủ yếu vô song của Phật Giáo giúp người tu tập trực tiếp đạt được Giác Ngộ. Đức Phật đã nhắc đến phép luyện tập này ngay trong bài thuyết giảng đầu tiên về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) khi Ngài nói về Sự Thật Cao Quý thứ tư và Con Đường Của Tám Điều Đúng Đắn (Bát Chánh Đạo). Tuy nhiên không phải vì thế mà tất cả những người tự nhận mình là Phật tử đều luyện tập thiền định.
15/10/2013(Xem: 14404)
Thông báo Khóa Thiền Vipassana 10 ngày ở Sydney, Úc Châu
14/10/2013(Xem: 9904)
Bài viết này là của Paturel Amy, chuyên viết về các đề tài sức khỏe, cân bằng trọng lượng cơ thể, thức ăn, rượu, và du lịch cho nhiều thành phần độc giả. Tác phẩm của cô thường xuất hiện trên những tạp chí gồm Glamour, Health, Eating Well, Wine Enthusiast and Marie Claire cũng như các tạp chí Lupus Now, Neurology Now, Arthritis Today and Momentum.
04/10/2013(Xem: 9417)
Tôi là một người tha hương đang sống nhờ ở đậu trên xứ người. Tôi có thể nói được tiếng nước người, thích ứng được vào cuộc sống nước người, và đi lại bình thường như một người bình thường trên đất nước người. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, vẫn có một cái gì đó không bình thường, một thứ tiếng gì đó không vỡ nghĩa, một nỗi đau nào đó không rõ tên, như những đợt sóng ngầm, bất kỳ lúc nào, có thể bất thần dâng lên như mưa lũ gió cuồng, xô tôi vào thế giới của hụt hẫng và mộng mị.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]