Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật giáo và sáng tạo

08/04/201311:37(Xem: 4553)
Phật giáo và sáng tạo

hoave_1

1. Sáng tạo ra cuộc đời của mình

Theo tinh thần thuyết Nghiệp trong đạo Phật, thì chính con người chứ không phải thần linh hay Thượng đế, sáng tạo và an bài cuộc đời của mình, bằng ý nghĩ, lời nói và hành động của chính mình. Trong quá khứ, trong hiện tại và cả trong tương lai nữa, tình hình là như vậy, không thể khác được, dù con người có muốn hay không muốn cũng thế.

Có người hỏi, và câu hỏi của họ rất chính đáng! Thế thì niệm Phật và Bồ tát, cầu sự gia hộ của Phật và Bồ tát là không đúng hay sao? Câu trả lời có thể là thế này: Ai bảo niệm Phật và Bồ tát, cầu sự gia hộ của Phật và Bồ tát là không đúng? Niệm Phật và Bồ tát, quán tưởng hình ảnh từ bi và đầy đủ tí tuệ của Phật và Bồ tát là một phương pháp tu hành rất tốt, có thể đối trị cái tâm phàm phu hay nghĩ bậy và bay nhảy không yên của chúng ta.

Nhưng nếu hỏi, ai suy nghĩ, ai nói, ai hành động, ai tạo nghiệp và chịu kết quả nghiệp báo thì phải nói rằng chính chúng ta, chứ không ai khác. Chúng ta làm thì chúng ta chịu, chứ không ai chịu thay cho chúng ta cả.

Đức Phật dạy:

"Không trên trời dưới biển,

Không lánh vào động núi,

Không chỗ nào trên đời,

Trốn được quả ác nghiệp”.

(Kinh Pháp Cú, kệ 127)

Thi hào Nguyễn Du, trong các vần thơ kết thúc Truyện Kiều, cũng đã viết:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Xin đừng trách lẫn trời gần trời xa”.

Lời dạy của Phật thật là minh bạch rõ ràng trong vấn đề tạo nghiệp và chịu kết quả của nghiệp. Chúng ta không nên nghĩ rằng, cứ làm điều ác, cứ tạo nghiệp ác nơi ý nghĩ, nơi miệng nói, và thân hành động, rồi chỉ cần đảnh lễ Phật là tất cả mọi nghiệp ác tức khắc được tiêu trừ! Ông thầy nào dạy chúng ta như vậy có khác nào nói Phật không công minh, can thiệp vào sự vận hành của luật nhân quả, cưu mang kẻ làm ác, tạo nghiệp ác, có khác chi khuyến khích tội ác!

Lời dạy của Phật là: Mọi người hãy chịu trách nhiệm, làm chủ nhân của cuộc đời mình, làm chủ nhân cuộc sống của mình, hãy xem đó là sự sáng tạo lớn nhất, cao quý nhất của con người.

2. Sáng tạo ra cuộc sống của mình, bắt đầu từ nội tâm

Có thể khẳng định, vấn đề rất quan trọng này, Phật và Nho giáo là hoàn toàn nhất trí:

Khổng Tử từng nói rằng, Kinh Thi có đến 300 thiên, nhưng có một câu bao quát cả 300 thiên đó, tức “tư vô tà”! Nghĩa là đừng có nghĩ bậy!(1).

Tâm nghĩ bậy, hại như thế nào cho người, Đức Phật đã nói thật rõ ràng:

"Kẻ thù hại kẻ thù,

Oan gia hại oan gia

Không bằng tâm hướng tà

Gây ác cho tự thân!”.

(Kinh Pháp Cú, kệ 42)

Tâm hướng tà, cũng như đoạn câu của Khổng Tử “tư vô tà” có nghĩa là nghĩ bậy.

Có thể nói công phu tu hành của chúng ta tập trung vào ba chữ “Đừng có nghĩ bậy”. Vì rằng, nghĩ bậy là đầu mối của bất hạnh và khổ não, cũng như nghĩ thiện là đầu mối của an lạc và hạnh phúc. Để minh họa sinh động hơn nữa vai trò của tâm hay ý đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Đức Phật nói hai bài kệ 1 và 2, mở đầu kinh Pháp Cú như sau:

"Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý vô nhiễm,

Nói lên hay hành động.

Khổ não bước theo sau,

Như xe chân vật kéo”.

"Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng không rời hình”.

Kinh Pháp Cú dùng chữ ý ở đây, cũng như ở bài kệ 42, đã dẫn, dùng chữ tâm vậy. Sách Duy thức dùng từ ý thức hay thức thứ sáu là chỉ cho lớp tâm thức rất năng động, có phạm vi hoạt động rộng rãi nhất trong các lớp tâm thức của chúng ta. Tuy sách Phật phân biệt có tám thức, nhưng lớp tâm thức hoạt động mạnh mẽ hơn cả, có phạm vi hoạt động rộng hơn cả chính là ý thức hay là thức thứ sáu này. Đầu mối nghĩ bậy, tạo nghiệp ác cũng là ý thức này. Nhưng đầu mối tạo nghiệp lành, nghiệp thiện cũng là ý thức này.

Có thể nói, toàn bộ công phu tu hành của người Phật tử, một khi đã am hiểu cơ chế của nghiệp, chính là luôn luôn tỉnh giác với mọi hành động, mọi diễn biến của ý thức, cột chặt ý thức vào chánh niệm.

Đừng nghĩ rằng đây là chuyện dễ dàng. Trong kinh Pháp Cú (phẩm Tâm), Đức Phật từng ví tâm người (tức ý thức), như con cá bị quăng ra khỏi nước, nó vùng vẫy, nó hoảng hốt, dao động rất khó hộ trì, khó nhiếp phục, vì sao? Vì cái tâm ấy quay cuồng chạy theo các dục, v.v...

Trong Kinh tạng Nguyên thủy, kinh sách các bộ phái và trong kinh điển Đại thừa, có cả một kho tàng kinh nghiệm và biện pháp quý báu vô cùng, mà Phật tử chúng ta tha hồ lựa chọn, thực hành tùy theo trình độ, căn cơ, bối cảnh của mỗi người. Đó là kho tàng kinh nghiệm và biện pháp “biện tâm”, điều hòa tâm, nhiếp phục tâm được thử thách và tổng kết qua hơn 2.500 năm đạo Phật tồn tại và phát triển ở Ấn Độ cũng như ở khắp các nước mà đạo Phật đã du nhập.

3. Nắm vững cơ chế vận hành của nghiệp

Một khi đã làm chủ được nội tâm, cột chặt được tâm vào chánh niệm, thì dần dần tâm chúng ta được yên, được bình lặng. Mà tâm yên, tâm bình lặng, đó là hạnh phúc, là trí tuệ, là sự sáng suốt, là thấy được sự vật như thật, không còn bị mê hoặc.

"Lắng lòng đối cảnh, hỏi chi thiền”

(Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền)(2).

Đó là câu thơ kết thúc bài thơ chữ Hán của vua Trần Nhân Tông, trong bài phú “Cư trần lạc đạo” nổi tiếng. Cốt lõi của Thiền chính là làm cho tâm lặng. Tâm đã lặng thì sáng, đã sáng thì không còn bị mê hoặc bởi tham, sân, si. Đó là giác ngộ và giải thoát.

Tâm có lặng, có sáng thì chúng ta mới nắm vững được cơ chế vận hành của nghiệp và chủ động, một cách có ý thức, không còn nghĩ ác, nói ác và hành động ác nữa, trái lại thường xuyên nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện.

Ở đây, có vấn đề đã từng gây hiểu lầm là thuyết Nghiệp của đạo Phật đặt nặng vai trò của tâm ý có hay không dẫn tới hậu quả là Phật giáo có vẻ bàng quan đối với xã hội, đất nước hay không. Giáo hoàng Paul II, trong cuốn sách Ngưỡng cửa của hy vọng cũng đã phê phán đạo Phật chỉ lo đời sống nội tâm mà bàng quan với tình hình xã hội. Tôi xin phép không nhắc lại ở đây nội dung các bài trả lời của các nhà Phật học Việt Nam đối với lời phê phán này của Giáo hoàng.

Ở đây, tôi chỉ nói, nếu chúng ta hiểu cơ chế vận hành của nghiệp thì chúng ta sẽ không bao giờ nói như Giáo hoàng. Tuy thuyết Nghiệp đề cao vai trò chủ đạo của tâm ý trong tạo nghiệp, nhưng đạo Phật cũng không hạ thấp chút nào vai trò của tạo nghiệp bằng lời (khẩu nghiệp) và bằng thân hành động (thân nghiệp). Chỉ cần đọc qua những bài tụng của Luận sư Long Thọ mở đầu phẩm Nghiệp (phẩm 17) trong luận Trung quán, cũng đủ thấy thuyết Nghiệp của đạo Phật nên nhận thức thế nào mới đúng đắn, và áp dụng vào đời sống như thế nào mới có hiệu quả. Tôi thấy nên mượn lời của ngài Long Thọ, vốn được học giả đương thời và cả về sau này ca ngợi như là Đức Phật Thích Ca thứ hai.

"Đại thánh thuyết nhị nghiệp,

Tư dữ tùng tư sinh...”

Nghĩa là: Đại thánh, tức Đức Phật, nói hai nghiệp là tư nghiệp (tức ý nghiệp, nghiệp do tâm ý tạo), và nghiệp từ tư nghiệp sinh ra. Nghiệp từ tư nghiệp sinh ra tức là thân nghiệp và khẩu nghiệp. Ngay trong lời Phật dạy về nghiệp, Phật đã nói ba nghiệp là ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Phật không xem nhẹ khẩu nghiệp và thân nghiệp, tuy rằng Phật khẳng định chủ đạo là ý nghiệp.

Và ở các câu tụng sau:

"Thân nghiệp cập khẩu nghiệp,

Tác dữ vô tác nghiệp

Như thị tứ sự trung,

Diệc thiện diệc bất thiện

Tùng dụng sinh phúc đức,

Tội sinh diệt như thị

Cập tư vi thất pháp

Năng liễu chư nghiệp tướng”(3).

Các bài tụng dẫn chứng trên giải thích bảy loại nghiệp. Long Thọ dựa vào lời giảng của Phật mà phân tích có bảy loại nghiệp, làm rõ cơ chế vận hành của nghiệp.

Trước hết, Long Thọ khi nói tới hai nghiệp khẩu và thân, đều kèm theo nói tác nghiệp và vô tác nghiệp. Về vấn đề này, thân nghiệp và khẩu nghiệp giống nhau, nghĩa là tác nghiệp và vô tác nghiệp, cho nên chỉ cần giải thích về thân nghiệp cũng đủ hiểu. Thí dụ, chúng ta đảnh lễ tượng Phật. Đảnh lễ Phật rõ ràng là có thân hành động, gọi là thân tác nghiệp. Thân đảnh lễ xong rồi, không đảnh lễ nữa nhưng thân nghiệp vẫn tồn tại dưới dạng chủng tử, lưu lại trong thức A lại da, gọi là vô tác nghiệp. Nên chú ý cái gọi là vô tác nghiệp không mất đi đâu, nó vẫn sống dưới dạng tiềm ẩn tương tục không mất. Sách Phật gọi là dị thục, nghĩa là chủng tử đó tuy không mất, tức là không bị đoạn, nhưng không phải là thường, bất biến. Nó vẫn biến đổi không ngừng cho tới khi chín muồi thành quả báo trong đời này hoặc đời sau. Đó là cơ chế vận hành tương tục của nghiệp.

Thân nghiệp đó, đứng về hình dạng mà nói thì phân biệt thành tác nghiệp và vô tác nghiệp, nhưng đứng về tác dụng thiện ác mà nói thì phân biệt thành thân nghiệp thiện và bất thiện. Trường hợp tôi vừa dẫn chứng là một trường hơp thân nghiệp thiện. Vì đảnh lễ Phật là một thân nghiệp thiện. Nhưng phúc đức của việc mình đảnh lễ Phật như thế nào thì cần xét tác dụng thực tế của nó. Nếu tôi đi lễ Phật ở chùa, mà còn rủ các bạn tôi cùng đi theo; lễ Phật xong rồi, tôi còn giảng giải cho các bạn tôi về ý nghĩa của lễ Phật, khuyên họ thực hành lễ Phật không những ở chùa, mà cả ở nhà họ, trước một bàn thờ giản dị và trang nghiêm... Có thể nói, khi tạo ra một thân nghiệp thiện hay một khẩu nghiệp thiện, chúng ta tạo ra cả một dây chuyền phản ứng nhân quả tương tục, khiến công đức chúng ta tăng lên đến chỗ không nghĩ bàn. Sự phân tích này khích lệ chúng ta làm điều thiện, dù là những điều thiện rất bình thường, miễn là dụng tâm của chúng ta tốt đẹp, xuất phát từ tình thương yêu chân thật và mở rộng đối với mọi người, mọi vật. Nếu xét tác dụng của nghiệp thiện, chúng ta có thể nói, tác dụng đó là bất khả lượng, chỉ có trí tuệ Phật, con mắt của Phật mới có thể nhìn thấu suốt được. Trong kinh 42 chương, chương 10, có vị Sa môn hỏi Phật về hạnh tùy hỷ. Thấy người khác bố thí tài vật hay bố thí pháp, chúng ta hỗ trợ với tấm lòng hoan hỷ. Phật nói phúc đức của người hỗ trợ đó lớn vô cùng, không hết được. Phật dạy: “Cũng như đem cho người khác một bó đuốc, rồi có hàng trăm, hàng ngàn người dùng lửa của bó đuốc đó, người thì dùng để thắp sáng, người thì dùng để nấu ăn, mà lửa của bó đuốc vẫn như cũ, thì phúc đức của sự tùy hỷ cũng như vậy”.

Chúng ta thử nghĩ xem: Thấy người khác làm việc thiện, chúng ta chỉ tùy hỷ mà thôi, chỉ tỏ lòng hoan nghênh, hoan hỷ mà thôi, phúc đức của chúng ta cũng đã lớn rồi, huống hồ là chúng ta tự mình nói thiện, thân làm thiện, tâm suy nghĩ thiện... và cứ làm như vậy cả ngày khi có cơ hội, có nhân duyên thì làm. Có thể nói đó là phúc đẳng hà sa (phúc nhiều như cát sông vậy)!

Nếu những Phật tử chúng ta nắm được cơ chế vận hành của nghiệp như thế, rồi ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta thì chúng ta không còn phải lo gì nữa. Đời này và cả đời sau, hạnh phúc và an lạc đến với chúng ta như bóng không rời hình.

Để minh họa cơ chế vận hành của nghiệp, tôi toàn dùng những ví dụ nghiệp thiện. Nhưng nếu chúng ta sống phóng dật, chạy theo các dục và làm điều ác, thì nghiệp báo dị thục dành cho chúng ta đời này và đời sau, cũng là không thể lường. Tôi lấy lại ví dụ của ngài Thanh Mục ở sớ giải của ngài viết về phẩm Nghiệp trong luận Trung quán. Ngài dùng ví dụ một người bắn cung với dụng tâm giết một người. Khi tên vừa bắn ra, trúng hay không trúng, người đó đã phạm tội bắn tên, với dụng tâm giết người. Nếu anh ta bắn trúng đích, người trúng tên bị chết, thì người bắn lại phạm thêm một tội nữa là sát nhân, nếu xét về tác dụng mà luận tội. Không những thế, việc người bị bắn chết có thể kéo theo sau cả một dây chuyền hậu quả, làm tăng thêm tội cho người bắn. Như người vợ trở thành quả phụ, các con của bà ta trở thành cô nhi, không nơi nương tựa, không được giáo dục rồi cũng có thể ra đời, phạm lỗi lầm hay tội ác. Đó là cả một dây chuyền hậu quả mà người bắn không lường hết được, tội của người bắn không phải chỉ là tội sát sinh, mà cộng thêm bao tội khác nữa.

4. Vài lời kết luận

Có thể nói thuyết nghiệp của đạo Phật đề cao vai trò chủ đạo của ý thức (tức vai trò của tư), nhưng cũng không xem nhẹ vai trò của thân nghiệp, của khẩu nghiệp, xuất phát từ dụng tâm của ý thức. Đồng thời, qua sự phân tích sâu sắc của ngài Long Thọ về tác nghiệp và vô tác nghiệp, và nhất là dây chuyền của nghiệp thiện, nghiệp ác, chúng ta, các Phật tử hậu học, có khả năng một cách chủ động và có ý thức vận dụng cơ chế vận hành của nghiệp để sáng tạo ra cuộc đời chúng ta, hạnh phúc chúng ta, không những ở đời này mà cả ở đời sau nữa.

(1) Thi kinh tam bách thiên. Nhất ngôn dĩ quán chi, thị tư vô tà (Luận ngữ).

(2) Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền).

(3) Thân nghiệp và khẩu nghiệp, tác nghiệp và vô tác nghiệp: Như vậy trong bốn sự này, có thiện và bất thiện.

Tùy theo tác dụng mà có phúc đức

Cũng tùy theo có tác dụng mà có tội

Cùng với tư là bảy pháp

Có thể hiểu tướng của các nghiệp.

Thay vì dùng khái niệm tác nghiệp và vô tác nghiệp như luận Trung quán, ngài Thế Thân trong luận Câu xá dùng khái niệm biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp là nghiệp biểu hiện thành hành động nơi thân, hay là lời nói nơi miệng. Ý nghĩa cũng tương tự. Còn tác nghiệp là nghiệp biểu hiện thành có tạo tác, có hành động nơi thân hay nơi lời nói.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Nguồn: Giác Ngộ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 10301)
Tại các quốc gia Âu Mỹ, pháp thiền trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thường được hiểu như là pháp thiền minh sát, cho đến nổi có nhiều người thực hành trong truyền thống này xem mình như là các thiền giả minh sát. Tuy nhiên, các bản kinh Pali -- tài liệu cổ xưa ghi lại các bài giảng của Đức Phật, không xem thiền minh sát như là một hệ thống tu thiền độc lập nhưng là một thành tố của một cặp kỷ năng hành thiền gọi là Samatha và Vipassanà, An Chỉ và Minh Quán -- hay Chỉ và Quán.
22/04/2013(Xem: 7007)
Cảnh ngữ là tỉnh giác, hoặc gọi là kinh sợ. Ví như có kẻ trộm dòm ngó nhà cửa, chủ nhãn ban đêm đốt đèn ngồi đàng hoàng giữa nhà, đằng hắng ra tiếng, kẻ trộm sợ hãi chẳng dám lén vào. Nếu vừa ngủ quên thì kẻ trộm thừa cơ lẻn vào cướp đoạt của cải ...
10/04/2013(Xem: 6489)
Trong đời sống tâm linh của thế giới phương Tây, một thế giới đầy năng động của sự thay đổi và sáng tạo, đạo Phật được ươm mầm và khởi sắc khiêm tốn như một đóa hoa sen trong cái hồ Tây mênh mông dậy sóng. Con người vừa thức dậy sau giấc ngủ dài từ thời Trung Cổ. Những đầu óc tiền phong khai phá đi tìm một sự lý giải rạch ròi hơn cho thế giới thể chất và tâm hồn.
09/04/2013(Xem: 6389)
Thiền định , thiền quán và thiền định thiền quán song tu, hay nói gọi theo thời xưa là Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu, của Đại thừa được đặt trên thực tại tối hậu mà các kinh thường gọi là Thật tướng của tất cả các pháp.
08/04/2013(Xem: 7312)
Nhằm hướng dẫn đệ tử tu tập đạt được hiệu quả tốt nhất, Ðức Phật đã linh động vận dụng trí tuệ trình bày bằng những ví dụ vừa thực tế, vừa sống động, mang tính hấp dẫn và đầy tính khả thi. Sau đây, soạn giả xin giới thiệu một số ví dụ để độc giả nào tha thiết tìm hiểu giáo lý thâm diệu ...
08/04/2013(Xem: 7016)
Từ khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua Trung quốc truyền tâm ấn đạo lý giác ngộ theo truyền thuyết thì sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền cho vị đệ tử kế thừa là ngài Thần Quang Huệ Khả bộ kinh Lăng-già tâm ấn. Nhưng phải chờ đến hơn ba trăm năm sau và qua sáu vị Tổ thì đạo giác ngộ mới nở hoa kết trái. Tuy nhiên hạt giống của Tổ Bồ-đề-đạt-ma gieo trên đất Trung Hoa là kinh Lăng-già nhưng nở hoa kết trái lại là kinh Kim cang. Tại sao lại có sừ sai biệt như vậy, dù rằng cả hai bộ kinh đều do Như Lai Thế Tôn thuyết giảng.
08/04/2013(Xem: 7549)
Khi còn trong bụng mẹ, chờ đợi được sinh ra con người đã phải quờ quạng tự muốn giải thoát khỏi tù túng tối tăm này. Và rồi khi chào đời, con người lại tiếp tục quờ quạng muốn giải thoát những trói buộc phiền lụy cuộc đời. Như thế đó, cả hai hoàn cảnh trước khi được sanh ra, sau khi có mặt, con người đều nằm trong vòng cương tỏa mất tự tại an lạc.
08/04/2013(Xem: 9384)
Dưới đây là ba bài pháp ngắn do Ngài Thiền sư Mahasi Sayadaw giảng cho các cư sĩ Phật tử tại vương quốc Nepal trong dịp Ngài sang dự lễ đặt viên đá đầu tiên tại công trường Lâm Tì Ni vào tháng 11 năm 1980.
08/04/2013(Xem: 11559)
Lời Dẫn Nhập: Đây là bản dịch mới của bài Kinh Ānāpānasatisuttam thuộc Tạng Kinh, Trung Bộ, tập III, bài 118. Căn cứ theo văn tự, bản dịch này trình bày một số điểm xét ra có phần khác biệt so với các bản dịch trước đây. Những điểm này chủ yếu được trình bày ở phần cước chú.
05/04/2013(Xem: 7419)
Các vị giới tử, hôm nay quý vị đến đây để lãnh đạo giáo pháp của Phật. Đó là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Nhờ sự thọ giới mà chúng ta trở thành một Phật tử chân chính, lợi mình, lợi người, lợi tất cả chúng sinh, và làm cho Phật giáo miên trường giữa thế gian.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]