Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thấy mọi vật như nó là.

22/04/201319:46(Xem: 4630)
Thấy mọi vật như nó là.

THẤY MỌI VẬT NHƯ NÓ LÀ

Zoketsu Norman Fischer

Mỹ Thanhdịch Việt

Zazenkai, Khoá Tu ngày 22 tháng 11, năm 1997,

Thiền viện Karuna, Vancouver, B.C.

Thật là vui vẻ khi cuối tuần nầy đa số chúng ta đã buông bỏ mọi âu lo, thành tựu và vấn đề, để có thời gian ngồi thiền ở nơi đây. Tôi vừa bước ra ngoài đi dạo một lát và gặp một cơn mưa phùn. Và rồi tôi nghĩ, việc thực tập thiền của chúng ta cũng giống như mưa vậy, vì mưa liên tục nuôi dưỡng, cũng như thấm nhuần vào cuộc sống của chúng ta. Mưa làm ẩm ướt hạt giống đã lâu bị chôn vùi trong lòng mỗi chúng ta, và khi hạt giống nẩy mầm nó sẽ đâm chồi kết lộc. Cho dù thiền tập đôi lúc gặp trở ngại và mưa đôi lúc có thể thay thế bằng bão giông. Tuy vậy, mưa và thiền tập đều cần thiết. Mưa rơi vì bản chất tự nhiên của nó, mưa không cần đấu tranh hoặc tự đặt câu hỏi, mưa không nghi ngờ hoặc than vãn, nó chỉ đơn giản rơi, từ đầu đến cuối. Và thiền tập của chúng ta cũng giống như vậy.

Khi chúng ta ngồi thiền một thời gian lâu, chúng ta nhận thấy rất nhiều, rất nhiều thứ trong vòng tròn nhỏ của chính niệm. Chúng ta nhận thấy hơi thở đến và đi, chúng ta thấy các ý tưởng xuất hiện rồi biến mất, chúng ta nhận diện các cảm giác, nhận diện những cảm xúc của thân, nhận diện sự hoạt động của cái thấy, cái nghe, sự xúc chạm, và vị giác. Như Dogen đã nói, « Chúng ta nhận thấy rất nhiều thứ, thấy tất cả những gì mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy được. » Nhưng mọi thứ mà chúng ta có thể thấy và cảm nhận với các giác quan ; trong Phật giáo, tâm thức được coi là một giác quan, mọi thứ mà chúng ta cảm nhận được nhờ các giác quan không phải là tất cả những gì mà chúng ta đang trải nghiệm qua. Đây là sự thách thức đối với con người, và các vấn đề của con người bắt nguồn từ nơi đây, bởi vì con người được sanh ra với chút tự kiêu. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta nhận thấy và hiểu biết về chính bản thân mình, và chúng ta nhìn thấy cũng như hiểu rõ thế giới của chúng ta. Và rồi chúng ta tự cho rằng chúng ta đã nhìn thấy và hiểu đúng về thế giới nầy, chúng ta có thể đánh giá nó, và chúng ta nhận thấy sự khiếm khuyết của thế giới và ngay cả chính bản thân chúng ta nữa. Và như vậy, chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải thay đổi thế giới, hoặc thay đổi chính bản thân, và chúng ta trở nên đau khổ vì sự khiếm khuyết, rối loạn, cùng với những ham muốn, tham đắm .

Nhưng tất cả chỉ dựa vào sự đánh giá rất giới hạn trong đời sống con người. Chúng ta tin tưởng vào ước định nầy, vì nó đã nằm sâu trong tâm tư chúng ta, nhưng thật ra không phải như vậy, tôi có thể nói, sự thật không hẳn như vậy. Thế giới mà chúng ta thấy bằng mắt rất chân và rất thật, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy thế giới với tất cả mọi mặt của nó ; chúng ta không có khả năng thấy rõ kích thước toàn diện của nó. Các giác quan của chúng ta không thế vượt xa để mà thấu hiểu. Tuy nhiên, khi chúng ta quyết tâm ngồi thiền, quyết tâm trở về với giây phút hiện tại, dẹp bỏ mọi việc, mang toàn tâm tư trở về giây phút hiện tại, không gián đoạn, không xa cách, chúng ta có thể nhận thức được cái cảm giác chân thật của sự bao la chứa đựng trong vòng tròn nhỏ chính niệm. Khi chúng ta nhận thấy các ý nghĩ của chúng ta không hẳn chỉ là những ý nghĩ, những cảm giác của chúng ta không hẳn chỉ là những cảm giác, cái thấy và nghe không hẳn chỉ là cái thấy và cái nghe hạn chế… Tất cả mọi thứ đều ở ngay nơi đây, từng giây từng phút. Trong một thế giới có những thế giới được tạo thành và bị huỷ diệt với từng hơi thở ra vào.

Khi chúng ta thấy rõ sự kiện nầy, chúng ta sẽ không còn bị vướng bận bởi các vấn đề cá nhân. Tất nhiên chúng ta vẫn còn những vấn đề, và chúng ta vẫn phải giải quyết các vấn đề nầy. Chúng ta vẫn phải chọn lựa, vẫn phải ứng phó về các lựa chọn của chúng ta, và phải chịu đựng những hậu quả, nhưng chúng ta sẽ có khả năng thấy tất cả mọi việc một cách đầy đủ hơn, và chúng ta biết đánh giá sự việc một cách sâu sắc hơn, và như vậy năng lực và sự an lạc của chúng ta cũng sẽ gia tăng.

Tôi biết rằng trong đa số chúng ta, cuối tuần ngồi thiền ở đây để tiếp nhận Mười Sáu Giới Bồ Tát, chúng ta học và suy ngẫm về các điều nầy. Các giới luật như thế nầy : một vật thật nhỏ, thật đơn giản sẽ mở ra một chân trời bao la. Giới luật mới nghe tưởng như là luật lệ hoặc sự ngăn cấm, nhưng thật ra giới luật cũng giống như thực tập thiền, xuyên qua các giới luật nầy, chúng ta sẽ thấu hiểu về cuộc sống vô cùng của chúng ta.

Ba giới đầu tiên của Mười Sáu Giới Bố Tát là Tam Bảo, như chúng ta đã tụng kinh tối qua, và chúng ta sẽ tụng mỗi buổi chiều sau khi xả thiền, đó là Quy y Phật, Pháp, và Tăng. Tam Bảo là giới luật căn bản trong Mười Sáu Giới, và tất cả những giới khác đều nằm trong ba giới đầu nầy. Khi chúng ta nói quy y Phật – Pháp – Tăng, nghĩa là, chúng ta quay về nương tựa nơi Phật – Pháp – Tăng, chúng ta quay về với căn bản ban đầu, chấp nhận rằng Phật, Pháp, và Tăng không khác gì với thân và tâm của chúng ta. Lần nữa, chúng ta cảm kích bản chất, và thực chất của thân và tâm, rồi đến các vấn đề của chúng ta, những lo âu, cho dù nó vẫn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không nghĩ về nó, và không xem nó quan trọng như trước đây nữa.

Vừa rồi ở Tassajara, thiền viện của chúng ta, chúng ta thực hành một bài tập đã từng được hướng dẫn bởi thầy Uchiyama Roshi tại Nhật bản, thực tập nầy gọi là « khoá thiền yên tịnh » . Nghĩa là khoá thiền không có pháp thoại, không có độc tham, không có tụng kinh, không có gì hết. Mọi người ngồi đối diện với bức tường, không có sự giúp đỡ nào khác. Tôi có nói chuyện với một thiền sinh ở Tassajara về việc nầy, và cô ta nói sau khi đã thực tập một thời gian, mỗi khoá thiền đều có một bài pháp thoại, cô ta để ý và thấy rằng mỗi lần sắp sửa đến giờ pháp thoại là cô ta chờ đợi pháp thoại, rồi chờ đợi giờ giải lao, giờ nghỉ ngơi sau khi ngồi thiền. Và tôi chợt nhận ra rằng, trách nhiệm của tôi là nói pháp thoại, như cho giải lao và giúp đỡ các thiền sinh một chút, và mong rằng bài pháp thoại đóng góp phần nào về khía cạnh giáo dục.

Giờ đây, tôi xin ngưng pháp thoại một lát để các vị giải lao và gửi đến các vị bài phê bình về một quyển sách có tính cách giáo dục. Có lẽ các vị đã biết rồi. Quyển sách ấy có tên là « Kết cấu của Thực Tại : Khoa học về các vũ trụ song song và Những Liên Quan mật thiết của chúng », của tác giả David Deutsch. Các vị có biết quyển sách nầy không ? Nghe tựa sách không cũng đã thấy quá hấp dẫn rồi. Đây chỉ là một bài phê bình nhỏ, sau khoá thiền, nếu các vị cần đọc một quyển sách, hãy đọc quyển sách nầy.

Bài phê bình sách bắt đầu với một thí nghiệm thông thường về vật lý học mà mọi người đều biết, ở đây tác giả muốn nói đến « Thí nghiệm Chia Hai xa xưa cũ rích ». Tất cả các vị dĩ nhiên đã biết về Thí nghiệm Chia Hai nầy đúng không nào ? Cá nhân tôi thì chưa nghe qua bao giờ, nhưng tác giả nhấn mạnh rằng mọi người đều biết về điều nầy.

Cũng may là nhà phê bình đã giải thích về Thí Nghiệm Chia Hai : « Nếu các vị nhắm bắn một tia phân tử (photon) vào phim hình, kế đó dùng một tấm cạc-tông đã bấm hai lỗ, chắn ngang đường đi của các phân tử. Kế đó, anh bít một trong hai lỗ, và các phân tử sẽ tự động đi xuyên qua lỗ hổng còn lại, và để lại một đốm trên phim hình. » Tới đây cũng dễ hiểu, phải không nào ? Cũng có lý lắm – các phân tử đi xuyên qua đó và để lại một đốm. « Việc gì sẽ xảy ra khi anh không bít lỗ trống thứ hai ? » A, anh nghĩ rằng các phân tử sẽ di chuyển xuyên qua hai lỗ hổng và anh có thể nhận thấy hai đốm, bên cạnh nhau, tương ứng với hai lỗ hổng trên tấm cạc-tông. Thật ra, anh không thấy hai đốm đâu. « Mở cả hai lỗ hổng làm cho các phân tử đi theo một mô hình đối lập rắc rối, và một dạng hình xen nhau giữa các dải băng tối và sáng, mô tả sự hiện diện và vắng mặt của các phân tử. » Điều nầy thật là lạ lùng. Tại sao lại như vậy ? Ông ta nói rằng, « Mở cả hai lỗ hổng sẽ ngăn chận một phân tử đi theo tiến trình ban đầu của nó. »

Nhà vật lý John Bell đã nói về tình trạng rắc rối nầy, nhưng bây giờ đã trở nên thông thường một cách kỳ quặc ( trừ chúng ta), nghĩa là « chỉ cần có khả năng đi xuyên qua lỗ hổng kia, sẽ làm ảnh hưởng đến sự chuyển động và ngăn chận các hướng đi của phân tử đó. » Điều nầy được giải thích một cách dễ hiểu bằng học thuyết lượng tử , ít nhất là về mặt toán học. Thuyết lượng tử có thể giải thích điều nầy, cho dù khi anh cố gắng chuyển dịch nó vào ngôn từ và kinh nghiệm hằng ngày, nó thách thức sự lý luận (logic), và chắc chắn rằng nó thách thức cả ngôn ngữ nhân loại. Việc nầy làm cho nhà vật lý Neils Bohr nói, « Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, khi nói đến các nguyên tử, ngôn ngữ chỉ có thể được sử dụng như thi ca. »

Tuy nhiên, trong quyển sách « Kết cấu của Thực Tại », David Deutsch đã cố gắng để giải thích bằng ngôn ngữ với các từ thông thường, hiện tượng nầy và hiện tượng khác. David Deutsch cãi lẽ trong sách như sau, « Nếu chúng ta đánh giá bề ngoài của thuyết lượng tử, chúng ta sẽ đi đến kết luận là vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong những khối vũ trụ song song, mà các nhà vật lý gọi là « Multiverse. » (nhiều vũ trụ). Deutsch tin rằng một vài phần của các phân tử trong Thí Nghiệm Chia Hai bị cản trở và xáo trộn bởi « những bóng vô hình cuả phân tử ở một vũ trụ khác. » Điều nầy không phải là khoa học giả tưởng, nếu anh nghĩ đến toán học và lượng tử cơ học, điều nầy được hình thành dựa vào các thí nghiệm và toán học.

Sự giải thích về ĐaThế Giới là một cách giải thích về lượng tử cơ học, đã được nhà vật lý Hugh Everett trình bày lần đầu mấy mươi năm trước đây. Thí dụ, anh muốn đo chiều hướng của một hạt hạ phân tử. Theo thuyết lượng tử, một phân tử không bị xáo trộn giống như nó đang trong trạng thái bị giam cầm. Đây là lúc trước khi anh đo lường nó. Ở tất cả mọi chiều hướng mà phân tử có thể hiện hữu, trước khi anh đo lường, các phân tử ấy nằm trong trạng thái bị giam cầm.

Chỉ khi phân tử được đo lường, nó mới nằm ở một vị trí nhất định. Không có lý do gì một phân tử chọn vị trí nầy mà không chọn một vị trí khác, sự chọn lựa thật là bừa bãi. Ông Everett đã đề nghị cách khác, theo toán học đều có vẻ hợp lý, nhưng so với cách suy nghĩ về trạng thái thì nó đối lập với trực giác. Nghĩa là khi phân tử được đo lường, thế giới bị chia ra thành nhiều thế giới khác nhau. Trong mỗi một thế giới nầy điện tử (electron) nằm ở một vị trí khác. Chúng ta chỉ là bị kẹt trong một thế giới của vô số Thế Giới đa dạng nầy.

Dù sao đi nữa, tôi cũng nghĩ là các vị nên biết về việc nầy, nếu như các vị về nhà tối nay, và có người hỏi, « Anh có cảm thấy phí phạm thời gian không ? » , anh có thể trả lời, « Không, không đâu, tôi vừa học chút xíu về lượng tử cơ học. »

Trong Phật giáo, sự thực tập về cái thấy chân thật của kết cấu thực tại, xa hẳn cái thấy hữu hạn của chính nó, chúng ta gọi là Thực Tập về cái Thấy Rỗng Không của Tất cả Bản Chất Hiện Tượng. Đôi lúc chúng ta gọi sự thực tập nầy là Như Thế đó, hoặc Như Vậy đó. Hoặc giả chúng ta chỉ nói theo lối nói bình thường hàng ngày, chúng ta nhìn thấy mọi vật như nó là, không phải nhìn thấy nó với sự hình thành cụ thể có giới hạn.

Trong Phật giáo có một nhân vật thần thoại, là Bồ Tát Manjusri, hiện thân của sự thực tập, nhìn mọi vật như nó là. Bồ Tát Manjusri là một hành giả phi thường. Tôi không biết anh có bao giờ nhìn những bức tranh hay hình tượng của Bồ Tát Manjusri ? Chúng tôi có một tượng Bồ Tát Manjusri, có lẽ lớn như người thật, ở đền thờ Green Gulch. Tượng Bồ Tát Manjusri ở Green Gulch, và tất cả những bức vẽ về Bồ Tát Manjusri, tất cả đều mô tả Bồ Tát Manjusri trong tư thế ngồi. Hãy nghĩ rằng Bồ Tát Manjusri đang ngồi nơi chỗ của anh : Bồ Tát Manjusri đang ngồi thiền nguyên cuối tuần, để thấy mọi vật như nó là. Để đánh giá đúng nhưng không bị giới hạn bởi vòng tròn chính niệm.

Tất cả những hình tượng vẽ Bồ Tát Manjusri rất đẹp, rất xinh. Bồ Tát Manjusri luôn đẹp và phúc hậu. Bởi vì tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn, nên chúng ta xấu xí. Một khi chúng ta tiến xa hơn, một khi chúng ta chiêm ngưỡng các hình ảnh đẹp đó dưới ánh sáng muôn màu của thế giới chân thật, chúng ta cũng sẽ trở nên đẹp đẽ. Một việc nữa là Bồ Tát Manjusri luôn luôn ăn mặc rất sang trọng. Quần áo của Bồ Tát luôn được trang hoàng thật đẹp. Tôi không biết ở Canada, các vị có mốt nầy không, nhưng chỗ chúng tôi sinh sống, có một mốt về xâu chuỗi rất thịnh hành. Ở đây các vị có tiệm bán chuỗi không ? Nhà tôi là một người xâu chuỗi rất giỏi. Cô ta có nhiều hộp đựng các hạt nhỏ để xâu lại thành chuỗi. Các vị có thể tỉ mỉ làm ra những xâu chuỗi rất đẹp, các xâu được bện, đan vào nhau một cách phức tạp. Cô ấy làm ra những chuỗi rất đẹp, nhất là những xâu chuỗi phức tạp, nhưng không có chuỗi nào đẹp mắt bằng các chuỗi đeo của Bồ Tát Manjusri. Những chuỗi đeo trên ngực Bồ Tát với những hạt thật là đẹp. Bồ Tát Manjusri với tóc dài, mặc áo choàng có trang hoàng và đính kim tuyến. Bồ Tát Manjusri luôn có tóc dài, được bới lên đỉnh đầu với trang sức cài tóc thật lạ. Bồ Tát Manjusri làm tôi nhớ đến một bài thơ nổi tiếng của Anne Waldman, tựa là « Trang điểm cho Hư Không », bởi vì Bồ Tát Manjusri là hư không, và chúng ta cũng là hư không, thật là một điều ngoạn mục, lý thú với ý nghĩ chúng ta trang hoàng hư không.

Thật sự chúng ta là hư không. Chúng ta nhìn vào tự thân và chúng ta nhận thấy đối tượng chính là bản thân. Thật vậy, giữa mỗi một phân tử và mỗi một nguyên tử trong thân thể của chúng ta, theo khoa học, có rất nhiều khoảng trống trong thân, rất nhiều khoảng hư không. Cả nguyên sự hiện hữu của thân thể chúng ta cũng là dựa vào sự bao la của hư không.

Bữa nọ, tôi đang đọc báo Khoa Học, và tôi không hiểu DNA hoạt động ra sao, nhưng báo nói về DNA và sự cấu tạo của nó, nói về thể nhiễm sắc hoặc cái gì đó. Về những thành phần đan chéo vào nhau để tạo thành một mảnh DNA. Bài báo cho biết người ta có thể lấy mẫu DNA trong thân thể một em bé, và thay vì để các thành phần ấy kết chặt trong mỗi tế bào, họ trải các xâu DNA ra, nếu DNA của em bé có thể trải ra kiểu nầy, thì nó sẽ trải dài từ Mặt Trời đến hành tinh Pluto (hành tinh xa Mặt Trời nhất) gấp mười bảy lần. Tôi không biết rõ là bao nhiêu dặm (miles), nhưng thật là lạ lùng khi nghĩ đến điều nầy.

Trong thiền đường của chúng ta tượng Bồ Tát Manjusri tay cầm một cây gậy giống như thế nầy : Bồ Tát không quơ hay vung gậy, Ngài cầm gậy một cách khéo léo để nó không bị rơi xuống đất. Dường như Ngài chẳng hề nghĩ gậy ấy là của Ngài. Đặc trưng hơn cả là các hình tượng của ngài Manjusri, một tay đang vung kiếm khỏi đầu. Đây là thanh kiếm nổi tiếng thường được nhắc đến trong trường Thiền, thanh kiếm có thể lấy đi sinh mạng cũng như cứu lấy sinh mạng. Thanh kiếm lấy mạng hoặc cứu mạng, bởi vì thanh kiếm chặt xuyên qua cái nhìn giới hạn của chúng ta, giữa ta và người, sống và chết, tốt và xấu. Như tôi đã nói qua, Ngài Manjusri ở thiền đường Green Gulch của chúng ta thì cầm một thiền trượng với một đoá hoa nhỏ ở đầu gậy.

Một sự việc khác về Bồ Tát Manjusri, Bồ Tát là hiện thân của sự thực tập « thấy mọi việc như nó là » , xa rời hẳn những khái niệm giới hạn, Ngài thường được diễn tả là một người trẻ trung. Tuổi 16 là tuổi điển hình của Bồ Tát Manjusri. Ngài được diễn tả như là một người trẻ tuổi, vì trí tuệ của Ngài. Trí tuệ thấy được tất cả mọi vật như nó là, đấy là trí tuệ không phải do đạt được. Đấy không phải là trí tuệ đạt được sau khi kinh nghịêm qua. Thông thường thì khi có tuổi, trí tuệ được tăng trưởng, cái nầy cũng tốt, nhưng trí tuệ của Bồ Tát Manjusri không phải như thế. Trí tuệ của Bồ Tát Manjusri là trí tuệ tựa như mưa rơi : trí tuệ mát mẻ, và bất ngờ. Nó không phải là kết quả của việc học hành lâu dài hoặc cố gắng hết sức.

Suzuki-roshi, người đã dựng nên Trung tâm Thiền San Francisco, ông đã sử dụng một câu đề tựa cho tác phẩm của ông, và bây giờ câu ấy rất là phổ biến, gọi là trí tuệ của Bồ Tát Manjusri, trí tuệ của Tâm thức lúc ban đầu. Đó là thấy mọi thứ một cách mới mẻ, thấy mọi vật trong kích thước hoàn toàn của chúng, với sự kỳ diệu, không phán đoán, và không thành kiến. Thông thường các trẻ nhỏ có thể thấy như vậy một cách rất tự nhiên. Chúng có thể thấy phép lạ trong bất cứ trường hợp nào, thấy sự liên hệ vô cùng, trong mỗi vật, mỗi thứ mà chúng đối diện. Cũng trong cách nầy mà Bồ Tát Manjusri nhìn thấy mọi sự vật, chỉ là Ngài Manjusri thì lớn tuổi hơn một chút, vì vậy Ngài có khả năng để hành động với lòng nhiệt huyết, hăng say và chính xác.

Chữ Mansjuri có nghĩa là « cao quý, lịch sự » . Trí tuệ và tuổi trẻ của Bồ Tát Manjusri đã tạo nên hình tướng của ngài, và tôi biết rằng Ngài Manjusri cũng đang ngồi ngay chỗ của anh, cao quý, và lịch sự. Ngài Manjusri biết gốc cao quý của Ngài, ấy là biết rõ bản chất tự nhiên của thân và tâm, thân và tâm không khác mọi vật, không có giới hạn, và hoàn toàn trống không. Sự hiểu biết nầy mang lại cho Bồ tát Manjusri một vẻ nghiêm trang trầm lặng và sức chịu đựng, có khả năng nhận thấy sự vịêc rõ ràng và sự kham nhẫn của tất cả trạng thái tinh thần, kể cả đau khổ, biết rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết, và không có gì đến hay đi, chẳng lo âu về sanh tử. Nhờ vậy Bồ Tát Manjusri mang dáng vẻ lịch sự và cuộc sống của Ngài toát lên vẻ quý phái cao sang. Prajna Paramita (Bát nhã ba-la-mật), khi nói về trí tuệ của Ngài Manjusri, kinh nói rằng, «Chỉ có trí tuệ mang đến cho chúng ta sự kiên nhẫn ». Đây là thế giới của chúng ta, đầy đủ mọi vật mặc dù nó chưa bao giờ được cấu tạo ra.

Có một bài kinh gọi là « Lời tiên tri về Ngài Manjusri đạt quả vị Phật ». Trong kinh nầy, một người hỏi ngài Manjusri, « Giác ngộ là gì ? » hoặc « Làm thế nào để đạt giác ngộ ? » Ngài cho một câu trả lời rất sáng suốt và nhẹ nhàng. Ngài nói, « Tôi không hối thúc bất cứ chúng sinh nào tiến đến Giác Ngộ, bởi vì chúng sinh không khi nào hiện hữu, và không có bản ngã. Bằng chứng là Giác Ngộ và chúng sinh đều giống nhau, không khác. Cái không khác nầy chúng ta gọi là Không. Trong cái Không, chẳng có gì để mà tìm kiếm. »

Vị Manjusri đang ngồi nơi chỗ của anh, trong một vũ trụ song song, ở trên, ở dưới và ở xung quanh anh, Ngài ngồi với dáng thật đẹp, an lạc, yên ổn trong sự hiểu biết về cái Không. Điều chúng ta cần làm là bước một bước vào đời sống, hoàn toàn tỉnh thức trong quá trình trải nghiệm của chúng ta, không khoảng cách, không bám víu, không suy diễn, không ham muốn, không sửa chữa. Chỉ là bước vào đời với kinh nghiệm sẵn có, bất cứ là kinh nghiệm gì. Và khi chúng ta làm như vậy, Bồ Tát Manjusri có thể xuất hiện để tiếp xúc với chúng ta, thể hiện sự thực tập của Ngài một cách hoàn hảo xuyên suốt qua cuộc sống và hoạt động của chúng ta.

Như vậy, tôi tin rằng trong vài giờ còn lại của buổi thiền toạ hôm nay, và ngày mai, và trong quãng đời còn lại, kể cả trong tương lai, chúng ta có thể tuyên thệ, một cách nghiêm trang, tiếp tục sự thực tập của Bồ Tát Manjusri. Thật vậy, tôi nghĩ thiền tập làm cho đời sống của chúng ta có giá trị hơn. Nó làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp, và lợi ích.

Tất cả chúng ta chỉ cần - rất đơn giản – là ngồi thẳng, hoàn toàn tỉnh thức trong tư thế nầy và hít thở, cố gắng theo dõi mỗi hơi thở ra vào, để ý mỗi ý nghĩ và cảm giác một cách rõ ràng mỗi khi chúng xuất hiện, và rồi từ tốn quay về với tư thế và hơi thở.

Chỉ cần thực tập như vậy thôi. Rất là đơn giản : bất cứ cái gì xuất hiện trong lúc thực tập, bất cứ gì xảy ra, đều tốt. Bất cứ cái gì, đó chỉ là một chặn trên con đường của chúng ta đi, và trong mỗi giây phút, bất kể giây phút ấy mang đến việc gì, biết đâu đó là một cơ hội vô tận.

Colin MacDonald ghi chép lại vào ngày 08 tháng 10, năm 2000.

----o0o---

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2017(Xem: 17608)
Có tu có học có hành Đêm ngày tự có phước lành phát sanh Không tu không học không thành Dù trăm tài sản cũng đành bỏ đi .
31/10/2017(Xem: 9106)
Đối Thoại Thiền_Giai Không (Thích Bảo Lạc)
21/10/2017(Xem: 7797)
Vỏn vẹn 5 tháng sau khi cho ra mắt cuốn “Thiền Tập Trong Đời Thường” do Ananda Viet Foundation xuất bản, Nguyên Giác lại cho ra đời tác phẩm mới nhất “Thiền Tông Qua Bờ Kia” đã được Cư Sĩ Tâm Diệu – giám đốc điều hành Ananda Viet Foundation cũng là nhà xuất bản ca ngợi như sau, “Điều chúng tôi cảm thấy thích thú là cuốn sách này trình bày rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các trường phái và tông phái Phật Giáo. Chúng tôi xin chúc mừng Cư Sĩ Nguyên Giác về tác phẩm này với công trình khảo sát và dịch thuật rất cẩn trọng của ông. Chúng tôi cũng ước mong độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn và nguồn cảm hứng để chọn cho mình một pháp hành (phương pháp hay môn để thực tập). Vì chỉ có pháp hành (thực tập) mới giúp cho hành giả chúng ta an trú tâm và an tịnh nội tâm.”
18/10/2017(Xem: 8219)
Thiền dưới ánh sáng Khoa Học - Thích Nữ Hằng Như
12/09/2017(Xem: 4534)
Đối với một người quan tâm đến thành tựu giác ngộ thì việc tu học có quan trọng hay không? Một số dòng truyền thừa đặt nặng việc hành thiền hơn tu học, và nói rằng không cần thiết phải tu học, vì điều này chỉ khiến tâm tràn đầy tư tưởng, và tư tưởng thì không phải là thiền. Tạp chí Mandala đã chọn lựa và trưng cầu ý kiến cùng sự quan sát của một số lạt ma, học giả và hành giả.
25/08/2017(Xem: 5473)
Việc tu hành của người theo đạo Phật là nhằm tu sửa, thanh tịnh hoá Thân Tâm. Phật dạy Con Người do năm Uẩn hợp lại mà thành. Đó là Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn và Thức Uẩn. Sắc ở đây ám chỉ cơ thể của chúng ta, còn bốn uẩn kia hợp lại là Danh. Danh là một tên gọi khác của Tâm. Như vậy Sắc là vật chất nên có hình tướng, màu sắc, chúng ta có thể nhìn thấy và sờ mó được. Còn Tâm thì chỉ là ý niệm, khái niệm hay là trạng thái nên nó trừu tượng, không nhìn thấy, không va chạm được, thì làm sao sửa đổi hay thanh tịnh Tâm? Cho nên, nếu như chúng ta không hiểu rõ Tâm là gì thì rất khó mà tu tập.
21/08/2017(Xem: 4874)
Bài này sẽ trình bày một số pháp vào định, dựa trên nhiều truyền thống. Tuy được viết để trả lời nhiều thắc mắc, bài này vẫn là một khảo sát không thẩm quyền, vì bản thân người viết tu học chưa tới đâu. Trong các phần dựa vào kinh và luận, hy vọng các ghi chú cuối bài sẽ làm sáng tỏ hơn. .
13/08/2017(Xem: 9057)
Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi. Đầu tiên, thầy nói chuyện với những ai mới tập thiền, một số sư, một số ni chưa quen; và nhất là chúng điệu và cư sĩ. Ai ngồi kiết già, bán kiết già được thì ngồi, ai không có già nào cả, cũng không sao. Trong trường hợp này, lựa chọn thế ngồi cho thoải mái, lưng phải thật thẳng, giữ đầu và cổ tương đối vững vàng, đừng gục xuống mà cũng đừng thẳng đuột. Tuy nhiên, tốt nhất nên tập ngồi kiết già hoặc bán già vì các con còn trẻ, trẻ thì dễ tập, dễ uốn!Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi.
08/08/2017(Xem: 4665)
Chúng ta gọi “trận đồ tâm thức” để chỉ cho những gì gian nan, khó hiểu, tự nhiên chệch ra ngoài sách vở… Bởi vì, có một số người tập Thiền một thời gian, thế rồi đâm ra hoang mang, lo lắng, khi nhìn thấy cái rỗng rang của tâm thức như nhảy vào vực sâu. Trong khi đó một số người tập thiền rồi tự xưng là Phật, là A La Hán đương đại duy nhất, là đại giáo chủ, là siêu sư phụ, và là vân vân. Có phải vì họ đã nhìn thấy hào quang? Có phải họ đã nghe tiếng lạ? Có phải vì họ thấy toàn thân lay động như có cõi vô hình nhập vào?
18/07/2017(Xem: 5030)
Một thời, người học Phật đã quen nghĩ rằng Tổ Sư Long Thọ đã khai sơn ra hệ tư tưởng Bát Nhã, nổi bật là câu "Ly nhất thiết chư tướng tức danh chư Phật" trong Kinh Kim Cang. Thực ra, chính Đức Phật đã nói về pháp Định Vô Tướng rất nhiều lần trong Tạng Pali. Tuy nhiên, bài này sẽ nói tới pháp thế gian trước, rồi mới bàn về pháp xuất thế gian sau. Vì chúng sanh ưa chấp tướng. Có phải Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc – vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới -- là một Phật Tử tàng hình? Nếu đúng như thế, hiển nhiên là một bất ngờ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567