Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp môn Tịnh Độ (bài 3)

18/09/201309:09(Xem: 4796)
Pháp môn Tịnh Độ (bài 3)
minh_hoa_quang_duc (233)

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

(bài 3)

Toàn Không

MỤC 4:

PHƯƠNG CÁCH

TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ:

I) – TRỌNG TÂM CỦA TỊNH ĐỘ:

1) - YẾU CHỈ:

Niệm Phật như thế nào mới đúng ý Phật?

Cầu xin tiêu tai khỏi nạn, cầu được bình an, cầu mọi việc được thuận lợi v.v... cầu như vậy cũng tốt, nhưng không đúng ý Phật.

Ý Phật là muốn hành giả tín nguyện cầu vãng sanh, niệm Phật A Di Đà tới nhất tâm sẽ được vô lượng công đức. Vì Phật A Di Đà đã phát đại nguyện: “Nếu chúng sinh nào niệm danh hiệu Ngài cầu về Cực Lạc, người ấy khi qua đời sẽ được tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc, chứng ngôi bất thoái chuyển”, đó là hợp ý Phật.

Chúng ta cần chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật nhất tâm không loạn, thì được vãng sinh; hành giả lúc lâm chung, Phật A-di-đà phóng ánh sáng lớn cùng với Chư Thánh chúng đến trước người ấy, đưa tay tiếp dẫn. Chỉ trong thời gian khảy móng tay là đã vãng sinh về cõi kia, ở trong hoa sen tươi đẹp. Khi hoa nở, người ấy được thấy Phật và được nghe Phật nói giáo pháp vi diệu; nghe rồi, người ấy liền chứng ngộ được “Lý không sinh không diệt”, từ đó tu hành đến khi thành Phật.

Những điều đã nói trên được dẫn chứng từ nơi kinh luận và lời dạy của Chư Tổ, nhất định chẳng có giả dối, do đó phải nên có lòng tin sâu chắc; nhưng trong những lời nói đó đều có Sự và Lý, người tu không nên bác bỏ bên nào cả.

- Thế nào gọi là Sự?Là: tất cả sự tướng cảnh vật nhân dân nơi cõi Tịnh độ.

- Thế nào gọi là Lý?Là: thấu rõ tất cả sự tướng chẳng có vật gì nằm ngoài bản tâm. 

Trong quyển Tịnh Từ Yếu Ngữ của Ngài Nguyên Hiền do Thầy Thích Minh Thànhdịch có viết:

“Tuy nói Tịnh độ tại tâm mà chẳng ngại có thế giới Cực Lạc, vì thế giới Tịnh đều do chính nơi tâm mình hiện bày. Tuy nói bản tánh Di-đà mà chẳng ngại có giáo chủ cõi Cực Lạc, bởi vì giáo chủ đó cũng chính từ nơi bản tánh mà thành tựu; tuy lặng lẽ vô sinh mà chẳng ngại rõ ràng có vãng sinh, là vì vãng sinh vốn chính là vô sinh.

Bậc cao minh phần nhiều ưa bàn về Lý, mà thường chê cười việc tu hành trên sự tướng; hàng Trung Hạ phần nhiều chấp vào việc tu hành trên sự tướng, mê mờ nơi Lý chân thật; tất cả hoàn toàn đều chẳng biết không có Lý ngoài Sự, Sự chính ở ngay trong Lý. Chấp Lý bỏ Sự lại rơi vào tai họa “chấp Không”; chấp Sự mà không rõ Lý vẫn có lợi ích được vãng sinh; như thế, lẽ nào lại ưa chuộng bàn suông về “Không” mà chịu tai họa thật sự hay sao!”

Người: “cho niệm là niệm, cho sinh là sinh” là sự sai lầm của chấp thường, “cho vô niệm là vô niệm, cho vô sinh là vô sinh” là mê lầm của tà kiến; “niệm mà vô niệm, sinh mà không sinh” là chân lý Đệ nhất nghĩa (cũng gọi là Thánh đế đệ nhất nghiã, là chân đế cao nhất, chân lí tuyệt đối); vì thế cho nên, chỗ lý chân thật chẳng nhận mảy trần, thì không có Chư Phật để niệm, không có Tịnh độ để sinh.

Trong cửa Phật, Sự không bỏ một pháp thì đều thâu nhiếp được các căn. Bởi có phương pháp chính yếu “trở về nguồn”, đó là mở ra một môn vãng sanh Niệm Phật Tam-muội; vì thế, trọn ngày niệm Phật mà không trái với vô niệm, rõ ràng vãng sinh mà chẳng trái ngược vô sinh. Bởi vậy: Phàm Thánh đều ở nơi vị trí của chính mình, nhưng đạo cảm ứng qua lại; Đông Tây không đến đi, mà tinh thần vượt lên cõi Tịnh, điều này không thể vấn nạn được!”

2) - PHÁT TÂM BỒ ĐỀ:

Tâm vốn không sinh do duyên hợp mà sinh; tâm vốn không tử (chết), do duyên tan mà tử. Hình như có sinh tử, nhưng vốn thật không có đến đi; thể hội được điều này thì sống bình thản chết an lành, thường lặng lẽ soi sáng. Nếu chưa được như thế nên buông bỏ toàn thân, kiên trì niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật.

Mọi Pháp Môn tu đều phải phát Bồ đề tâm, người niệm Phật A Di Đà cũng vậy, việc trước nhất là phát Bồ đề tâm, Bồ đề là Giác ngộ, là Phật, phát tâm thành Phật.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quên mất bản tâm mà tu các pháp lành, đó gọi là nghiệp ma”. Do đó muốn học Phật đạo phải phát Bồ đề tâm, không được trì hoãn. 

Phát tâm vô thượng Bồ đề làm mục đích, niệm Phật là phương tiện đi đến cứu cánh Bồ đề, phát Bồ đề tâm phải phát bốn hằng thệ nguyện:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Người niệm Phật phải giác ngộ thân tâm chẳng phải là ta, nó là giả hợp mà tạm có, nó luôn luôn chuyển biến, nó không thật; giác ngộ rằng mọi người đều có Phật tánh như nhau, đó là tâm bình đẳng, nên cư xử công bằng ngay thẳng, không bao giờ hành động bất công.

Xót thương cứu độ chúng sinh bằng tâm từ bi, vui với tất cả chúng sanh bằng tâm hoan hỉ, tùy hỉ, hỉ xả với muôn loài, nguyện độ chúng sinh; cung kính với mọi người, luôn luôn xin lỗi, tìm lỗi mình, sám hối khi sai sót, còn phải giữ tâm nguyện được lâu bền không để thoái tâm.

Nếu chẳng suy nghĩ độ khắp, chỉ mong cầu lợi ích cho riêng mình, như vậy là thiếu sót, không thể cảm thông với Chư Phật; lại không thể khế hợp với bản tâm, nên không thể thành Phật đạo được.

Khi thấy người hoặc vật chịu khổ, thương xót mong người vật thoát khổ; nếu là người phán xét tội nhân, tuy y theo luật pháp hành xử, nhưng dùng tâm từ bi bình đẳng và thường thầm nguyện: “Ta thi hành pháp luật, chẳng phải ý riêng, nguyện người được giải thoát khỏi luân hồi đau khổ đến cõi Cực Lạc an vui”.

Người niệm Phật chẳng cầu danh lợi, chỉ vì muốn thoát vòng sinh tử để lợi mình, lợi người mà cầu đạo Bồ đề, khi nào chúng sinh hết, nguyện mới hết; đạo Bồ đề thành, nguyện mới đầy đủ, phát tâm như thế mới là chân chính.

Cầu Phật đạo để cứu khổ chúng sanh khó độ mà không sờn lòng nản chí, đường đến Bồ đề còn xa thăm thẳm mà chẳng khiếp sợ, tâm gang thép như người leo núi quyết lên tới đỉnh mới nghỉ, phát tâm như thế gọi là chân thiết.

Kinh A Di Đà nói: “Không thể dùng chút ít căn lành phúc đức nhân duyên được sinh về cõi kia”. Như vậy phải có nhiều căn lành mới được vãng sanh về Cực Lạc, nhưng nhiều căn lành không gì hơn phát Bồ đề tâm, nhiều phước đức không gì hơn cung kính niệm danh hiệu Phật A Di Đà; nhiếp tâm niệm Phật một ngày hơn bố thí một năm, phát Bồ đề tâm như thế hơn bố thí cả đời người.

Trong Ngữ Lục của Đại Sư Triệt Ngộ ghi: “Một tâm niệm hiện giờ của chúng ta trọn ngày tuỳ duyên, hễ không theo pháp giới Phật mà niệm thì nhớ nghĩ các pháp giới khác. Nghĩa là không niệm pháp giới Phật thì nhớ Tam thừa (Bồ Tát, Duyên Gíác, Thanh Văn); không niệm Tam thừa thì nhớ Lục Phàm(Trời, Người, Thần, Quỷ, Súc sanh, Địa ngục); không nhớ TrờiThần Người thì nhớ Tam đồ (Súc sinh, Ngã quỷ, Địa ngục). Mỗi khi khởi một niệm là một duyên để thụ sinh, bởi vì hễ còn hữu (có) tâm thì không thể vô niệm; nên tự kiểm điểm những ý niệm sinh khởi hằng ngày, coi xem tương ưng với pháp giới nào nhiều, sẽ là chỗ an thân lập mạng sau này, không cần phải hỏi ngưòi khác nữa. Nếu tâm này có thể tương ưng với bình đẳng, đại từ, đại bi, công đức của y báo(cảnh Cực Lạc) chính báo(Chư Thánh nơi Cực Lạc) và vạn đức Hồng danh tức là niệm (nhớ) pháp giới Phật, tất sau này sẽ về cõi Phật vậy.

II) – NGUỒN GỐC VÀ CHƯ TỔ:

1) – NGUỒN GỐC:

Trong mười phương hư không có vô lượng vô số quốc độ với những trạng thái khổ vui ngàn sai muôn khác, Quốc độ tuy nhiều nhưng khái quát có thể chia thành hai loại: 

1. Quốc độ do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi. Cộng nghiệp ấy cảm thành quốc độ cảnh vật (y báo) chung, để chúng sanh tùy từng biệt nghiệp thiện hay ác mà thọ quả báo hoặc vui hoặc khổ; loại này gọi là uế-độ, vì nguyên nhân trong quá khứ, chúng sanh làm đìều phước đức ít, mà gây tội ác nhiều nên cảm báo thành quốc độ vui ít khổ nhiều. 

2. Quốc độ do Phật và Bồ Tát hóa hiện để dùng làm chốn đạo tràng độ sanh, loại này gọi là tịnh-độ. Vì nguyên nhân tạo nên quốc độ này là do sức công đức của Chư Phật, Bồ Tát, sức gia trì của bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Thêm vào các nguyên nhân ấy còn có tăng thượng duyên và công đức tu tập của chúng sanh hồi hướng nguyện sinh về các cõi ấy, có sự cảm ứng đạo giao giữa nội nhân và ngoại duyên ấy liên hệ với nhau nên mới duyên khởi được quốc độ trang nghiêm thanh tịnh thuần vui không có khổ nạn tội báo xen vào. 

Trong mười phương thế giới có vô số uế độ, nhưng cũng có vô số tịnh độ, trong các uế độ, thế giới Sa bà của chúng ta chỉ mới là một, nếu ta tưởng rằng chỉ có một uế độ nầy thôi thì đó là một sự đại lầm lẫn. Cũng như trong các tịnh độ, thế giới Cực Lạc của đức A Di Dà cũng mới chỉ là một, nếu không hiểu rằng giữa hư không vô tận còn có vô số cõi tịnh độ khác của chư Phật, đó lại cũng là một sự đại lầm lẫn khác nữa. 

Trong kinh Dược Sư Lưu Ly Bản Nguyện Công Đức, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói đến cõi Tịnh Ðộ Lưu Ly Quang của đức Dược Sư Như Lai; trong kinh Đại Bảo Tích, Ngài nói đến cõi Tịnh Ðộ Diệu Hỷ của đức Bất Động Như Lai, hay trong kinh Di Lặc Thượng Sinh, Ngài còn nói đến cõi Tịnh Ðộ Đâu Suất của đức Di Lặc Bồ Tát. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới sơ lược kể qua vài ba cõi mà thôi, kỳ thật, trong mười phương thế giới có vô số cõi Tịnh Ðộ. Mỗi cõi đều có phương pháp tu hành khác nhau, phù hợp với từng nhân duyên. Tu hành đến khi thuần thục sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh Ðộ ấy, phương pháp tu hành cầu vãng sanh Tịnh Ðộ thì gọi là phép tu Tịnh Ðộ. 

Ở đây riêng đối với thế giới Cực Lạc Tây phương, Đức Phật Thích Ca đặc biệt tán thán và giới thiệu một cách tường tận hơn cả là vì chúng sanh ở cõi này, lòng tham dục quá nặng, đức tin quá yếu nên tâm chí loạn động; cho nên chỉ đặc biệt nói nhiều về một cõi Tây phương Cực Lạc, khiến người nghe chuyên nhất tập trung ý chí hướng về một mối, mới ghi nhớ dễ dàng và hiệu quả. 

Chúng ta được biết vào thời Tổ thứ 12 bên Ấn độ, ngài Mã Minh (đầu thế kỷ thứ nhất Dương Lịch) đã nói đến Tịnh độ, đến tổ thứ 14, ngài Long Thụ (Thọ) (khoảng cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thứ hai sau Dương lịch), là người lưu truyền Tịnh Độ Tông rộng rãi, Ngài phân Tịnh Độ ra làm ba dòng lớn:

1. Đức Bồ-tát Di-lặc(Từ Thị) làm chủ ở cõi Tịnh độ Đâu-Suất, là Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ sẽ là Phật tại thế giới này trong tương lai.

2. Đức Phật Không Độnglàm chủ ở cõi Tịnh độ Đông phương Diệu Hỷ mà Cư sĩ Duy Ma Cật từ đó đến hành đạo tại cõi Ta Bà được nói trong Kinh Duy Ma Cật.

3. Đức Phật A-Di-Đàlàm chủ ở cõi Tịnh độ Tây phương Cực lạc. 

Đức Phật A-Di-Đà có 13 danh hiệu, 12 danh hiệu nói đến hào quang của Phật cộng thêm Vô Lượng Thọ nữa là thành 13, đó là: Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đối (ngang bằng) Quang Phật, Diệm (sáng đẹp) Quang Phật, Thanh Tịnh Quang Phật, Hoan Hỷ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Đoạn Quang Phật, Nan Tư (khó nghĩ) Quang Phật, Vô Xưng (cân nhắc) Quang Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.

Do đức Phật A-Di-Đà phát nguyện rộng lớn, nên Tịnh độ Cực lạc có hai đặc sắc thù thắng:

1. Đức Phật A-Di-Đà tự thân của Ngài là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, nên những chúng sanh vãng sinh đến thế giới Cực lạc cũng được Vô lượng thọ, Vô lượng quang.

2. Cõi Tịnh độ A Di-Đà có thể mang nghiệp mà vãng sinh (đới nghiệp vãng sinh), đây là đặc chất từ bản nguyện của Ngài, chú trọng ở nơi tha lực; phàm tất cả chúng sanh, nếu có thể chí tâm tin tưởng niệm danh hiệu của Ngài, đều được vãng sinh. Khi sinh đến quốc độ của Ngài, một đời liền bổ xứ làm Phật. Đây chính là Tịnh độ A Di-Đà khai triển pháp môn vừa tự lực vừa nhờ tha lực mà vãng sinh, rất thích hợp với căn cơ chúng sanh thời mạt pháp tại cõi Ta Bà này.

2) - CHƯ TỔ TỊNH ĐỘ TÔNG:

Từ Đại Sĩ Mã Minh là Tổ thứ 12, Đức Long Thọ là Tổ thứ 14, và Bồ Tát Thế Thân bên Ấn Độ; tới 13 vị Tổ bên Trung Hoa là: Đại Sư Huệ Viễn (334-416), Đại Sư Thiện Đạo, Đại Sư Thừa Viên, Đại Sư Pháp Chiêu, Đại Sư Thiệu Khang, Đại Sư Diên Thọ, Đại Sư Tính Thường, Đại Sư Liên Trì, Đại Sư Trí Húc, Đại Sư Hành Sách, Đại Sư Thật Hiển, Đại Sư Triệt Ngộ, Đại Sư Ấn Quang, và còn nhiều vị nối tiếp về sau.

Tại Việt Nam, danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được đề cập trong Lục Độ tập kinh do Đại Sư Khương Tăng Hội (?-280) dịch sang chữ Hán; Sư Đàm Hoằng (?-455), một vị Tăng người Trung Hoa hành trì Pháp Môn Tịnh độ, đến việt Nam tu học và truyền bá.

Thời vua Lý Thánh Tông (1023-1072), trào lưu Tịnh độ cũng phát triển, tuy nhiên, các quan niệm bàn luận về A Di Đà và Tịnh độ thì mãi đến thế kỷ XIII mới được vua Trần Thái Tông (1218-1277) đề cập. Trong sách Khoá Hư Lục, có một mục là "Niệm Phật Luận", bàn về những lợi ích của phương pháp niệm Phật. Về phương diện thực hành, Trần Thái Tông cũng đã soạn "Lục thời sám hối khoa nghi" kính lễ Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát thân cận để sám hối nghiệp chướng.

Tới thế kỷ XVII, Sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644) từ Trung Hoa sang với tác phẩm Minh Châu Hương Hải. Với A Di Đà Kinh Sớ Sao, Sư Châu Hoằng nói về sự toàn thiện của thế giới Cực lạc, niệm Phật để nhẹ nghiệp chướng được phước đức, được vãng sinh về cõi Cực lạc sau khi chết.

Từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, khi nhân dân sống dưới sự đô hộ của Pháp, những nhóm niệm Phật (Liên Trì Xã, Niệm Phật Liên Xã) được thành lập ở nhiều nơi. Được thấy qua Phổ Khuyến Niệm Phật của Thiền Sư Tánh Thiên (1784-1847), các tác phẩm của Thiền Sư Toàn Nhật (1755-1832), Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856), các Sư Tâm Truyền (1832-1911), Phước Huệ (1875-1963) v.v.

III) - LỜI CHƯ BỒ TÁT, CHƯ TỔ:

Sau đây là một số lời dạy của Chư Bồ Tát về việc tu niệm Phật được những điều thù thắng, và một số lời của Chư Tổ khuyên người niệm Phật được vãng sanh Cõi Tịnh độ. Nơi ấy là một siêu đại học dành cho tất cả siêu sinh viên từ bậc Thánh đến Phàm phu trong 10 phương vãng sanh về đấy tiếp tục tu học và chỉ trong một đời thành Phật, chúng ta hãy xem các lời khuyên là những gì?

1) - BỒ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ:

Trong Kinh Hội Lăng Nghiêm, khi Phật Thích Ca hỏi Pháp Môn chứng nhập viên thông của hàng Thánh chúng. Lúc ấy, Bồ Tát Đại Thế Chí cùng 52 vị Bồ tát đồng tu đứng lên lễ và bạch Phật rằng: “Con nhớ lại hằng sa số kiếp về trước có Phật Vô Lượng Quang ra đời, thuở đó 12 vị Phật lần lượt ra đời trong một kiếp. Vị Phật sau cùng là Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy cho con pháp “niệm Phật tam muội”:

Ví như có người chuyên nhớ, có người chuyên quên, nếu hai người ấy nhớ nhau, không gặp hay chẳng gặp, thấy mặt hay chẳng thấy, cứ nhớ mãi sâu trong tâm niệm, như hình với bóng chẳng rời xa. Phật nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con lẩn tránh, thời mẹ dù có nhớ cũng không làm sao được.

Nếu con cũng nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thời mẹ con đời đời không xa nhau, nếu tâm chúng sinh nhớ Phật niệm Phật thời hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa. Không cần tu trì phương pháp nào khác, mà tự khai ngộ, như người ướp hương tự có mùi thơm, đây gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.

Ngày trước, do con tu niệm Phật mà được chứng nhập vô sinh nhẫn (thể nhập lý vô sinh vô diệt), nay ở thế giới này nhiếp người niệm Phật về cõi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con do nhiếp cả 6 căn, tịnh niệm liên tục được thành chính định, đây là hơn cả.

2) - BỒ TÁT PHỔ HIỀN:

Bồ Tát Phổ Hiền dạy niệm Phật tam muội, trong HộiHoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền nói với Bồ Tát Đức Tạng: “Nếu ai phát Bồ đề tâm muốn chứng chánh định phải tu huệ, muốn tu huệ phải xa lìa nói càn suy nghĩ lung tung vô ích. Đến bàn thờ Phật, nhìn hình Phật màu vàng, có đủ các tướng tốt, cúi đầu lễ lạy tôn kính như Phật hiện trước mặt, nhìn cho thật kỹ từ đầu tới chân, phải nhìn mãi cho nhớ kỹ. Lúc nhìn phải cung kính như nhìn Phật thật, lúc nào cũng phải tưởng nhớ như Phật ở trước mặt, dùng hương hoa cung kính lễ bái và nghĩ rằng Ngài biết tất cả những việc mình làm.

Siêng tu như thế 24 ngày không quên, nếu là người có phúc đức, liền thấy Như Lai hiện ra, vì người nào cầu vô thượng Bồ đề mà chuyên tu một pháp kiên cố đều thành tựu cả. Lúc thấy Phật hiện, lại nên nhận biết là do tâm tưởng sinh, là duy tâm hiện, tâm mình làm Phật, rời tâm không Phật, thời có thể tùy thuận chứng nhập Sơ địa Bồ Tát, lúc qua đời được sinh về Cực Lạc.”

3) - BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỊ:

Kinh Quán Phật Tam Muội Hảinói:

Khi Phật Thích Ca giảng Quán Phật Tam Muội Hải xong, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bảo đại chúng: Thời Phật Bảo Oai, có Đồng tử Giới Hộ từng thụ pháp Tam Quy từ trong bụng mẹ. Khi 8 tuổi, cha mẹ thỉnh mời Phật về nhà cúng dàng, đồng tử thấy Phật trang nghiêm liền mừng rỡ cung kính cúi đầu lễ bái và nhìn mãi không rời mắt. Nhờ đó trừ được tội trăm nghìn kiếp, và từ đó về sau đời đời gặp Phật, Đồng tử ấy học được quán Phật tam muội (tịch tịnh).

Sau đó có trăm vạn đức Phật ra đời, Đồng tử cũng thường lễ Phật nhìn Phật, cúng dường. Do công đức quán Phật, nên sau trăm vạn a tăng kỳ đức Phật ra đời, Đồng tử chứng được vạn ức “niệm Phật tam muội”, chứng được trăm vạn “Đà La Ni”. Khi chứng được tam muội như thế rồi, liền được nghe Chư Phật thuyết “Vô tướng pháp”, nên chứng “Thủ Lăng Nghiêm Tam muội”.

Đức Văn Thù Sư Lị bảo đại chúng:

Đồng tử Giới Hộ nhờ thụ Tam Quy rồi một lần gặp Phật chí thành lễ Phật nhìn Phật, cung kính Phật mà sau được gặp vô lượng Chư Phật như thế, huống là người chuyên lòng tưởng nhớ Phật ư? Rồi Ngài bảo đại chúng: Đồng tử ấy chính là tôi đó.

4) - ĐẠI SĨ MÃ MINH:

Đại Sĩ Mã Minh là Tổ thứ 12 bên Ấn Độ, Ngài sinh khoảng hơn 500 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn (Đầu thế kỷ thứ nhất Dương Lịch). Đại Sĩ Mã Minh viết bộ “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, Ngài viết: Căn cứ vào tâm chúng sinh mà thấy rõ ý nghĩa của Phật quả. Tất cả pháp nhiễm ô sinh tử của Phàm, và tất cả pháp thanh tịnh giải thoát của Thánh đều do “Tâm” tùy duyên nhiễm hay tịnh mà tạo thành Phàm hay Thánh.

Tâm mê thời khởi vô minh, phân biệt chấp trước để rồi gây nghiệp, chuốc lấy quả sinh tử khổ sở sầu lo; tâm ngộ thời dứt nghiệp phá chấp, hết vô minh, chứng quả giải thoát an vui.

Tin thật đó là tâm tính của mình, vĩnh viễn không mê mờ, không quên lãng tự tâm bản tánh ấy, đây gọi là bậc “tín tâm bất thoái”, đưa người đến bậc Đại thừa; tín tâm bất thoái là mục đích chính của bộ “Đại Thừa Khởi Tín Luận”.

Ngài khuyên người tu Tịnh độ như sau:

Chúng sanh ở cõi Ta Bà này thường chẳng được gặp Phật để gần gũi cúng dàng, nên tín tâm khó thành tựu, Đức Thích Ca Như Lai đã chỉ dạy một phương tiện siêu thắng để nhiếp hộ tín tâm, đó là chuyên tâm niệm Phật, nên tùy nguyện được vãng sanh về Tịnh độ, thường gần bên Phật, xa lìa ác đạo. Như trong Kinh nói: Nếu người chuyên niệm Phật A Di Đà nơi Tây phương Cực Lạc, bao nhiêu thiện căn công đức của mình đều hồi hướng nguyện cầu về cõi Cực Lạc thời được vãng sanh, khi được sinh về Cực Lạc rồi thường được thấy Phật nên vĩnh viễn không bị thoái chuyển.

5) - ĐỨC LONG THỤ:

Đức Long Thọ là Tổ thứ 14 bên Ấn Độ, Ngài sống trong khoảng cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai sau Dương lịch. Trong “Đại Trí Độ Luận”của đức Long Thọ, nơi phần dạy về Pháp Môn Niệm Phật, Ngài dạy:

Trong các tam muội khác, có thứ chỉ trừ được dâm mà không trừ được sân, có thứ chỉ trừ được sân mà không trừ được si, có thứ chỉ trừ được si mà không trừ được dâm sân, có thứ trừ được tham sân si mà không trừ được tội nghiệp.

Niệm Phật tam muội trừ được tất cả phiền não, trừ được các thứ tội nghiệp, niệm Phật tam muội có đại phúc đức có thể độ được chúng sinh, do đó niệm Phật tam muội là hơn cả.

Phật là đấng Pháp Vương, còn Bồ Tát là Pháp Tướng, chỗ tôn trọng của Bồ Tát là Phật, vì Bồ Tát biết rằng những công đức cùng trí huệ của mình đều từ nơi đức Phật mà được, vì ơn Phật rất nặng nên thường phải niệm Phật.

Lại do niệm Phật luôn luôn, tâm không rời Phật, nên Bồ Tát thường được gặp Chư Phật.

6) - BỒ TÁT GIÁC MINH DIỆU HẠNH:

Theo bộ “Tây phương Sát chỉ” (Quê Phật ở Tây phương) của Trung Hoa viết: Bồ Tát Giác Minh Diệu Hạnh từ thời Vua Minh Đế đời nhà Tấn, Ngài là một người nghèo khổ cùng cực, nên khi gặp được người dạy niệm Phật, bèn lập nguyện lớn rằng: “Vì đời trước tôi gây ác nghiệp nặng, nên nay mang quả báo khổ sở này. Nếu kiếp này tôi không được thấy đức Phật A Di Đà, không được sinh về cõi Cực Lạc hầu thành tựu các công đức, thì dù cho thân này có chết rã ra tôi cũng quyết không dừng nghỉ niệm Phật”.

Ngài nói: “Thề nguyện xong, ta chuyên cần niệm Phật suốt đêm ngày. Đến ngày thứ bảy, tâm trí ta bỗng nhiên khai thông, thấy đức Phật A Di Đà tướng đẹp quang minh chiếu sáng 10 phương. Đức Phật đưa tay xoa đầu ta, thụ ký cho ta, năm 75 tuổi ta ngồi kết già niệm Phật mà bỏ thân ấy, được Phật và Thánh chúng rước về Cực Lạc. Nhưng vì bản nguyện độ sinh nên ta trở lại cõi Ta Bà này, tùy thời hiện thân giáo hóa. Có khi làm Tăng, làm Cư sĩ, làm Vua, làm Quan, làm ăn mày, v.v... để giáo hóa chúng sanh.”

Đời Nhà Minh, năm Sùng Trinh thứ 16, Bồ Tát giáng thần ở Ô Môn, đến đời Nhà Thanh, năm Thuận Trị thứ tư, Ngài ứng cơ thuyết pháp dạy truyền Pháp Môn Tịnh Độ.

Ngài dạy rằng: Pháp yếu của Chư Phật rất vi diệu bí mật không thể nghĩ bàn, vì không thể nghĩ bàn nên không ai diễn nói hết được; Đức Phật Thích Ca vì thương xót muốn dìu dắt chúng sanh ra khỏi khổ sinh tử mà nói chỗ không thể nói, đó là:

Do đại nguyện của Phật A Di Đà nhiếp thụ mọi loài, nên hễ ai nghe danh Ngài mà siêng niệm hiệu Ngài, thời hiện tiền thấy Phật A Di Đà, và khi lâm chung quyết định được vãng sanh Tịnh Độ”.

7) - ĐẠI SƯ HUỆ VIỄN:

Đại Sư Huệ Viễn là Sơ tổ của Tịnh Độ Tông Trung Hoa, Ngài lập hội “Liên Xã” niệm Phật A Di Đà, có 123 người theo Ngài tu trì, trong đó có nhiều nhà trí thức. Ngài nói: “Các môn tam muội rất nhiều nhưng công rất cao, duy có niệm Phật tam muội là hơn hết, vì cùng nơi nghĩa lý sâu kín (huyền), tột nơi yên lặng (tịch) mà tôn hiệu Như Lai. Người nhập tam muội này tâm thần vắng bặt sinh trí huệ, trí huệ sáng thời chiếu suốt, nên vạn tượng hiện bày rõ ràng. Chỗ tai mắt không đến được mà vẫn thấy vẫn nghe, vẫn thấy nghe mà tâm thần vắng bặt và trong sáng.”

Đại Sư Huệ Viễn niệm Phật kiên cố, ba lần thấy Phật và Thánh chúng hiện thân, một hôm, vừa lúc xuất định mở mắt ra, thấy đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chi hai bên đều đứng trên hoa sen cùng Thánh chúng hiện ở trên không trung, Mười bốn tia sáng vòng xuống như vòi nước vang ra tiếng diễn nói: Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã v.v...

Đức Phật bảo Ngài rằng: “Vì nguyện lực, nay Ta đến an ủi Ông, sau bảy ngày Ông sẽ sinh về cõi nước của Ta

Ngài lại thấy trong hàng Thánh chúng, có những người trong hội Liên Xã đã qua đời trước, như: Phật Đà Gia Xá, Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân v.v... đều đứng phía sau Phật. Các vị ấy bước tới chào Ngài và nói: “Đại Sư sớm phát tâm về Tịnh Độ, sao lại muộn đến ngày nay”, một tuần sau, Đại Sư Huệ Viễn cáo biệt đại chúng, Ngài ngồi kết già mà Tịch.

8) – ĐẠI SƯ DIÊN THỌ:

Đại Sư Diên Thọ là Lục Tổ Tịnh Độ Tông Trung Hoa, khi còn trẻ thường tụng Kinh Pháp Hoa cảm đàn dê quỳ mọp nghe Kinh, lớn lên làm Quan phụ trách thu thuế, nhưng lại lấy tiền thuế mua cá phóng sanh, nên bị bắt, bị kết tội tử hình.

Lúc đem đi chém, Văn Mục Vương cho người theo dõi xem gương mặt lúc sắp chém, nếu vẻ mặt sợ hãi thì cứ chém, còn không thì dẫn về; sứ giả thấy Ngài vẫn tươi vui, nên truyền lệnh của Văn Mục Vương cho Quan giám trảm, rồi dẫn Ngài về.

Văn Muc Vương hỏi:

- Ông không sợ chết chém sao?

Ngài đáp:

- Tôi dùng tiền công, tội đáng chết, nhưng số tiền đó tôi mua chuộc được vô số sanh mạng. Tôi tin rằng do công đức phóng sinh ấy, dù thân này có chết, tôi sẽ được vãng sinh Tịnh Độ, vì thế tôi không lo sợ; Văn Mục Vương nghe nói cảm động bèn ra lệnh tha bổng, Ngài liền xin từ quan xuất gia, Vương bằng lòng.

Khởi đầu Ngài tu Thiền quán, song rất mộ Tịnh, nhưng chưa rõ, nên Ngài đến Thiền viện của Đại Sư Trí Giả làm hai lá thăm: Một lá đề “Nhất tâm Thiền định”, một lá đề “Trang nghiêm Tịnh độ”. Rồi Ngài chí thành lễ Tam Bảo mà rút thăm, rút đi rút lại bảy lần đều rút lá “Trang nghiêm Tịnh độ”, từ đó Ngài một lòng tu Tịnh độ.

Ngài dạy: Chín phẩm có cao thấp, nhưng không ngoài hai tâm là:

- Định tâm:Là tu tập quán định thời sẽ được ở bậc Thượng phẩm vãng sinh.

- Chuyên tâm:Chỉ chuyên niệm danh hiệu cùng làm các điều thiện, rồi hồi hướng phát nguyện vãng sanh, thời được ở bậc Trung hoặc Hạ.

Ngài nói: Như muốn đến lúc qua đời thành tựu 10 niệm, thì hiện tại phải lo chuyên tâm niệm Phật, chứa công đức, cầu vãng sanh, niệm niệm không quên Phật. Như thế mới chắc chắn mà khỏi lo ngại.

9) – ĐẠI SƯ TRÍ HÚC:

Đại Sư Trí Húc là Tổ thứ 9 Tịnh Độ Tông bên Trung Hoa, Ngài bảo: “Chỉ thấy được quang minh của đức Phật A Di Đà, chính là thấy 10 phương vô lượng chư Phật. Chỉ sinh về Tây phương Cực Lạc, chính là sinh ở khắp vô lượng cõi Tịnh. Đây là “hướng thượng nhất lộ” của môn niệm Phật. Chỉ tin chắc môn niệm Phật, rồi nương tín khởi nguyện, nương nguyện khởi hạnh, thời niệm niệm lưu xuất vô lượng Như Lai.

Người chân thật niệm Phật thì:

- Trong quên thân, ngoài quên cảnh, là đại bố thí.

- Không sinh lòng tham sân si, là đại trì giới.

- Chẳng chấp nhân ngã thị phi, là đại nhẫn nhục.

- Không gián đoạn niệm Phật, là đại tinh tấn.

- Vọng tưởng không mống khởi, là đại Thiền định.

- Không bị sự gì làm mê lầm, là đại trí huệ.

IV) – ĐƯỜNG LỐI TỊNH ĐỘ

Pháp Môn Tịnh Độ cần có ba thứ: Tín, Nguyện, Hạnh, là kiềng ba chân, thiếu một không thành được; người niệm Phật hiện tiền vốn tự viên mãn thường hằng, nguyên là đức tánh như thế, xưa nay vốn của mình. Nay chỉ là làm hiển bày phát khởi ánh sáng của bản tánh mà thôi.

1) – TÍN: PHÁT KHỞI LÒNG TIN:

Phát khởi lòng tin gọi là Tín, tín là tin, tin là căn bản của người tu, nếu không tin không thể tu thành quả, tin những gì?

Thứ nhất:

Tin chắc chắn rằng, vì lòng từ bi, Đức Phât Thích Ca dạy cho chúng ta những lời chân thật.

Thứ hai:

Tin chắc chắn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và tin Ngài đang làm chủ thế giới Tây phương Cực Lạc.

Thứ ba:

Tin chắc chắn nếu ai nguyện sinh sang nước Ngài, niệm danh hiệu Ngài, hoặc quán tưởng một trong 16 cách quán do Phật Thích Ca dạy, và thực hành kiên cố, khi chết sẽ được Phật A Di Đà cùng Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Cực Lạc.

Tuy bảo rằng Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh vãng sinh , nhưng cần phải tin đạo cảm ứng qua lại, tùy tâm tự hiện, rốt cục chẳng phải từ bên ngoài mà được, người tin như thế chính là niềm tin chân thật.

Thứ tư:

Bỏ nghi: Tin hoàn toàn

Kinh Phật A Di Đà, đức Phật Thích Canói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tán loạn. Thời người đó đến lúc qua đời được đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó; người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.”

Kinh Phật Vô Lượng Thọ, trong 48 đại nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng, tức là tiền thân của Phật A Di Đà, điều thứ 18 nói: “Khi tôi tu thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm muốn sinh về cõi nước tôi, chỉ niệm danh hiệu tôi cho đến mười niệm; nếu chẳng được như vậy, tôi không lên ngôi chính giác.

Người niệm Phật chỉ trong bảy ngày, hoặc chỉ niệm mười niệm đều được sinh về cõi Cực Lạc. Về điểm này, có những điểm cần nêu lên như sau:

1- Chắc hẳn có nhiều người nghi do không hiểu rõ nên sinh nghi, mà cho rằng kinh Phật có nói thiện ác nghiệp báo, tội phước không mất, nếu nặng thì bị trở ngại. Vậy, một người suốt đời làm ác, chỉ nhờ bảy ngày niệm, làm sao có thể diệt hết các tội, vãng sinh Cực Lạc, vĩnh viễn lìa ba đường ác, cuối cùng chứng quả Bất thoái được?

2- Lại nữa, từ vô thỉ đến nay bao nhiêu phiền não, trôi lăn trong 6 cõi, trói buộc lẫn nhau, nếu không đoạn trừ phiền não, thì làm sao chỉ nhờ mười niệm để ra khỏi sinh tử luân hồi được?

Để diệt trừ những mối nghi trên, nên nêu ra những việc không thể nghĩ bàn do Chư Phật làm có sức mạnh rộng lớn mà người bình thường không thể hiểu nổi. Tỉ dụ như việc đức Phật Thích Ca phóng ánh sáng từ giữa hai chân mày đến mười phương thế giới, rồi ánh sáng ấy trở về trên đỉnh đầu Ngài thành đài quang minh hiện ra vô số cõi tịnh độ trang nghiêm trong đài ấy. Việc này có thật, nhưng chúng ta không thể suy lường được, vì thế, chỉ nên tin theo kinh nói, không nên dùng trí thức cạn cợt của mình để suy lường.

Mặt khác, muốn có lòng tin, cần phải nhờ vào “sự” mà diễn đạt, nhờ thí dụ dẫn dụ. Ví như một hầm hay phòng tối trong nghìn năm, chỉ cần một ngọn đèn, một bó đuốc phá cả ngàn năm đen tối của hầm, phòng ấy. Cũng như nghìn năm góp chứa củi cao cả trăm thước, nhưng chỉ một ngọn lửa nhỏ đốt trong một ngày là hết sạch, vậy đâu có thể cho rằng làm sao ngàn năm chứa củi mà chỉ một ngày đốt sạch được?

Lại nữa, ví như một người què tự gắng sức đi bộ, cần phải trải qua nhiều ngày mới được ba chục cây số; còn nếu đi thuyền, nhờ vào sức gió chỉ trong khoảng một ngày có thể đi cả trăm cây số; vậy đâu thể cho rằng làm sao người què mà một ngày đi đến mấy trăm cây số được; sức của người lái thuyền ở thế gian còn làm được việc vượt ngoài suy nghĩ như thế, huống gì thần lực của Chư Phật lại không thể làm được việc không thể nghĩ bàn sao?

Trong Tịnh Độ Cảnh Sách của Đại Sư Hành Sáchghi: “Ngưòi niệm Phật phải đầy đủ lòng tin chân thật gồm:

Thứ nhất:Phải tin Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không khác biệt. Ta là Phật chưa thành, A Di Đà là Phật đã thành, tánh giác không hai. Ta tuy điên đảo mê lầm, tánh giác chưa từng mất. Ta tuy nhiều kiếp luân chuyển, tánh giác chưa từng động. Nên nói: “Đừng coi thưòng ngưòi chưa ngộ, một niệm soi lại liền đồng với Bản giác”.

Thứ hai:Phải tin ta là Phật lý tánh (theo nghiã lý là có Phật trong thân), A Di Đà là Phật cứu cánh, tánh tuy không hai nhưng ngôi vị cách xa như trời với vực. Nếu không nguyện sinh về cõi Tịnh, ắt phải theo nghiệp lưu chuyển chịu khổ vô cùng; đây là Pháp thân lưu chuyển trong sinh tử, chẳng gọi là Phật mà là chúng sanh.

Thứ ba:Phải tin là dù nghiệp sâu chướng nặng, sống lâu trong cảnh khổ, vẫn là chúng sinh trong tâm của Phật A Di Đà; Phật A Di Đà muôn đức trang nghiêm, tuy ở xa ngoài muôn ức cõi, cũng là Đức Phật trong tâm ta. Đã là tâm tánh không hai: tự nhiên đạo cảm ứng qua lại; sự thiết tha của ta ắt có thể cảm, lòng từ bi của Phật ắt có thể ứng, như đá nam châm hút sắt, việc này không thể nghi ngờ.

Đủ lòng tin chân thật như trên, dù phúc lành ít như hạt bụi, đều có thể hồi hướng Tây phương trang nghiêm Tịnh độ; huống là có phần nào trì trai, giữ giới, bố thí, phóng sanh, đọc tụng Kinh điển, ấn tống Kinh sách, cúng dàng Tam Bảo, hành các pháp lành, lẽ nào không có tư lương Tịnh độ sao?

Kinh Lăng Nghiêmnói: “Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của tất cả công đức, lòng tin nuôi lớn căn lành, lòng tin hay đưa đến kết quả Bồ đề của Phật”, đây là tin lời Phật nói.

Tất cả Thiền, Mật, Tịnh đều do Phật dạy, chúng ta đều tin cả. Người nào thấy hợp pháp môn nào thì tu hành theo pháp môn ấy; mỗi Pháp Môn đều có cái dễ và cái khó của nó, nhưng nếu chúng ta tu đúng lời chỉ dẫn và tu tới nơi tới chốn đều giải thoát khỏi luân hồi sinh tử cả. Khi ta tu Pháp Môn này, không nên so sánh Pháp Môn khác, không nên khen Pháp Môn này hay, chê Pháp Môn khác dở, nếu ai tin tu pháp môn này chê bai Pháp Môn người khác tu là người đó hủy báng Phật.

2) - NGUYỆN: PHÁT NGUYỆN:

Sau khi tin tưởng hoàn toàn, nghiã là có đại tín rồi, phải lập chí vững chắc, phát thệ nguyện sinh sang cõi Cực Lạc. 

Phát thệ nguyệnrằng: Tất cả phúc đức các đời qúa khứ và hiện tại, ta đem hết để cầu vãng sinh về Tây phương Cực Lạc”.

Lại phát nguyện nữa: "Nguyện khi thân mạng gần hết, biết trước giờ chết mà thân tâm vẫn được an vui, được thấy Phật và Bồ Tát đến tiếp dẫn".

Người niệm Phật mong ra khỏi luân hồi sinh tử khổ sở tại cõi Ta Bà, muốn về cõi Cực Lạc an vui để có thể tiếp tục tu hành thành mục đích tự độ cứu mình, rồi độ tha cứu tất cả chúng sanh.

Tin sâu mà không có nguyện thiết tha thì chẳng vững bền, nguyện phải tương ưng với nguyện của Phật A Di Đà, đó là đại nguyện.

Người niệm Phật A Di Đà tinh chuyên mà không có tín nguyện vững chắc, tùy theo cạn sâu chỉ được sinh cõi Trời hoặc cõi Ngươi mà thôi. Trong tập Niệm Phật Thập Yếucủa Thầy Thích Thiền Tâmphân ra ba loại người niệm Phật như sau:

1 - Loại ngu dốt:Thiện tri thức bảo tu Tịnh độ phải tin, phải nguyện cầu vãng sanh, phải siêng niệm Phật, những người này một mực tin theo làm theo, nên rất dễ đi tới kết quả tốt đẹp.

2 - Loại trí tuệ:thông suốt tính (tánh) tướng, hiểu rõ công đức niệm Phật, quyết lòng tin hành nên có căn lành về Tịnh độ dễ dàng.

3 - Loại lưng chừng:Trí thức bình thường, hiểu thâm đáo thì không thấu, mà tin như người dốt lại không tin, loại người này khó được lợi ích.

Như tại Việt Nam thời Hậu Lê có một vị Sư ở chùa Quang Minh niệm Phật A Di Đà rất sâu kín miên mật, nhưng tâm nguyện không chí thiết, nên khi qua đời tái sinh làm đế vương bên nhà Thanh (Trung Hoa). Về sau, nhà Vua dùng nước giếng của chùa Quang Minh để rửa vết chữ son trên vai ghi tiền kiếp của mình, và cảm kích Vua làm hai câu thơ:

Ngã bảng Tây phương nhất Phật tử,

Vân hà lạc tại Đế Vương gia?

Nghĩa là:

Ta vốn con Phật A Di Đà,

Cớ sao lạc tại Đế Vương gia?

Tuy Vua biết: kiếp trước mình là một người xuất gia tu niệm Phật tại chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị Đế Vương, nên kiếp đó rất khó tu hành đạt quả.

Niệm Phật A Di Đà chăm chỉ mà thiếu tín nguyện cũng chỉ được như thế thôi. Trong kinh nhiều lần đức Phật nhắc nhở người tu phải phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc, do đó, điều cần thiết để được vãng sinh là tín vững chắc nguyện thiết tha.

Người tu còn phải thệ nguyện một lòng một dạ không dời đổi chí nguyện vãng sinh, người có thệ nguyện là người có lập trường vững chắc, là người có tâm Bồ Đề kiên cố không thay đổi chí hướng, quyết theo Phật A Di Đà về cõi Cực lạc; sức thệ nguyện càng lớn càng sâu thì đạo tâm mới càng kiên cố vững bền. 

Nguyện lìa cõi trần này sinh về Cực Lạc còn phải có tâm chán khổ nơi cõi Ta Bà, như người muốn ra khỏi nhà tối, như tù nhân mong thoát khỏi nhà ngục, như người đi xa nhớ muốn về quê hương. Lúc nào cũng chỉ muốn được Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc hưởng phúc tràn đầy mà thôi.

Được như thế thì nguyện của chúng ta mới cảm ứng với Phật và nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ; Đức A Di Đà tuy nguyện độ sinh nhưng nếu chúng sanh không cầu ngài tiếp dẫn, ngài cũng không biết làm sao, nên chúng ta phải có nguyện thiết tha như con nhỏ mong gặp mẹ vậy.

Việc nguyện sinh về Tịnh độ không chỉ vì lợi ích cho riêng mình, bởi lẽ không sinh về đó thì khó mà cứu khổ chúng sinh; trong kinh nói: “Bồ-tát đã được Vô sinh pháp nhẫn (thấu rõ lý không sinh không diệt) mới được cho phép vào cõi thế tục hóa độ chúng sinh, nếu chưa được vậy phải thường không rời Phật”; bởi vì tập khí mê lầm chưa hết, nhẫn lực chưa đầy đủ, nếu gặp duyên ác, chắc chắn bị trở ngại việc tiến tu, tự cứu mình còn khó khăn huống gì cứu giúp kẻ khác? 

Nếu ở nơi thế giới xấu ác này lại muốn cứu độ người khác, giống như chiếc thuyền không toàn vẹn, không chắc chắn mà muốn đưa nhiều người qua biển, thì mình và người đều bị chìm đắm; vì thế cho nên, luận Đại Trí Độnói: “Kẻ phàm phu đủ mọi sự ràng buộc mà có lòng đại bi nguyện sinh vào thế giới xấu ác cứu độ chúng sinh, thật không có điều đó”.

Luận Vãng Sinhnói: “Người muốn dạo chơi nơi địa ngục, phải vãng sinh Cực Lạc được Vô sinh nhẫn, rồi mới trở lại trong sinh tử luân hồi giáo hóa những chúng sinh chịu khổ nơi địa ngục”.

Thường hàng ngày nếu không có tín nguyện, lúc lâm chung khó được nhờ sức Phật tiếp dẫn, vì sao? Vì mỗi người đều có nghiệp chướng sâu nặng, như người mắc nợ, bị chủ nợ kéo lôi, lúc lâm chung nghiệp lành nghiệp dữ đều hiện, nếu không có tín nguyện mạnh mẽ, sẽ bị nghiệp lực lôi cuốn mất sự tự chủ; dùng lòng đại tín, nguyện chân thiết thì không luận nghiệp nặng hay nhẹ, đều được nhờ từ lực vãng sanh. 

Đại Sư Ngẫu Íchnói:

Được vãng sinh hay không đều do Tín Nguyện có hay không, nếu không có Tín Nguyện, dù cho có hạnh niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” liên tục, cho đến gió thổi không lọt, vững như tường đồng vách sắt cũng khó được vãng sinh”.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Người khi sắp lâm chung, trong lúc cuối cùng ấy, tất cả các căn đều tê liệt, tất cả các quyến thuộc đều xa xôi, tất cả các thế lực đều tan rã, chỉ có tín nguyện là còn theo hướng dẫn trước mắt, trong một khoảnh khắc liền được vãng sinh cõi Cực Lạc.” 

3) – HẠNH: LẬP HẠNH QUYẾT ĐỊNH:

a) – Hạnh Niệm Phật:

Hạnh là nết na, đức hạnh, khuôn mẫu, hành trì chuyên cần trong việc niệm Phật. Có người nói: “Nếu có tín sâu nguyện thiết, đến lúc gần lâm chung (chết), chỉ cần 10 niệm là được vãng sinh, đâu cần vội gấp?”

Nếu không niệm từ nay cho quen, đến lúc sắp chết bị nghiệp báo đến như có người nhà đã qua đời đến rủ đi theo vào Ngạ quỷ, oan gia trái chủ đến đòi nợ, Quỷ sứ đến dẫn vào địa ngục v.v... Lúc đó: tâm thần hoảng hốt bấn loạn, không thể nào bình tĩnh để niệm Phật được; bởi vậy cần phải tu dần ngay từ nay để nghiệp nhẹ bớt niệm quen, đến lúc sắp chết không bị quấy phá, mới dễ nhất tâm niệm Phật.

Người niệm Phật đã có tín sâu nguyện thiết mà không thực hành thì chẳng thành tựu được, nên phải có hạnh tinh tấn chuyên cần hành trì; khi hành trì phải nhiếp cả 6 căn cho tâm không loạn động, đó là thực hành chân chính.

b) - Phát tâm dũng mãnh: Người niệm Phật muốn phát tâm dũng mãnh cần phải:

1 - Lập chính hạnh niệm Phật:

Khi niệm Phật phải thiết tha vì vô thường sinh tử, ngoài đoạn mọi phan duyên, bên trong đề khởi niệm, không nhớ nghĩ các tạp việc dù là việc thiện, chỉ nên làm việc với ý niệm phải làm, xong việc rồi xả bỏ hết, không để dính mắc dây dưa. Dùng một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” làm mạng căn, niệm niệm không quên, tâm tâm chẳng đoạn.

Trong Niệm Phật Thập Yếucủa Thầy Thích Thiền Tâmtrang 68 viết: Các bậc đại tri thức nói: “Pháp Môn niệm Phật nhiếp gồm cả Thiền, Giáo, Giới và Mật, tại sao?

Vì niệm Phật dứt trừ vọng tưởng chấp trước, đó là Thiền; sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật bao gồm vô lượng nghĩa mầu, đó là Giáo; niệm Phật đến cảnh giới sâu, ba nghiệp đều sạch, đó là Giới; niệm Phật có công năng như câu Thần Chú, đó là Mật”.

Như Đại Sư Liên Trì, nắng hạn lâu ngày, thay vì cầu đảo mưa, Ngài chỉ gõ mõ niệm Phật ngoài đồng, Ngài đi đến đâu mưa đến đó.

Người niệm Phật nếu: hằng giữ định tâm, tất sẽ phát huệ như lối tu của các Pháp Môn khác. Hơn nữa, khi xưng tán danh hiệu Phật A Di Đà mà được định tâm thì sự tiêu nghiệp và phúc huệ càng cao. Vì thế, Đại Sư Liên Trì khen Pháp Môn niệm Phật là đại Thiền định, là đại Trí huệ, đại Phúc đức.

2 -Thờ hình tượng Phật A Di Đà:

Trong lòng tin tưởng như Phật thật, nên tưởng như có ngài hiện xuống nhập vào đó, lễ lạy với lòng chân thành, tâm cung kính luôn luôn nhớ niệm Phật, cũng như con luôn kêu mẹ thời sẽ cảm ứng, vì tâm mình niệm hiệp với lời thệ nguyện của Ngài, nên hợp với tâm Ngài. Lúc ấy, hào quang của Phật đang chiếu soi khắp mười phương sẽ có một số tia gần nơi ta, chiếu trên đỉnh đầu ta, nhập vào thân ta như nam châm hút. Chỉ có người chân thiết nhớ niệm Phật mới được hưởng các hào quang của Phật A Di Đà như thế mà thôi.

3 - Thân tâm đoan chính:

Không nên nghĩ nói càn các chuyện liên quan tới sát đạo vọng dâm, khi đã lỡ nói, phải nghĩ người niệm Phật không nên nói như thế, rồi tiếp tục niệm Phật, để dùng tâm gột tẩy những ý và lời bất thiện ấy. Thân phải đoan chính trong mọi cử chỉ đi đứng năm ngồi, dù có người khác hay khi ở một mình cũng vậy. Tâm chỉ nghĩ một việc sinh sang Tây phương Cực Lạc, không nghĩ chuyện gì khác, như thế khi niệm mới dễ đưa thân tâm vào tam muội (thanh tịnh).

4 - Người giàu hay nghèo, trí hay đần:

Trong tập 48 Pháp Niệm Phật do Thầy Thích Tịnh Lạcdịch có viết: Người giàu có phải thiết tha niệm, nếu trễ nải sẽ bị vô thường tới dắt vào cõi khổ, người nghèo cực lại càng phải niệm siêng để mong thoát khỏi vòng khổ ải luân hồi sinh tử.

Người thông minh lợi trí mà niệm Phật sẽ làm gương tốt cho người dốt kẻ ngu noi theo, như vậy vừa lợi mình lại lợi cho người nữa, thật là đẹp đẽ lợi ích biết bao.

5 - Khi phiền não:

Khi gặp trái duyên hoặc bệnh tật đến, càng nghĩ đến cái khổ vô thường, cái tai hại sinh tử, càng phải niệm Phật mạnh mẽ, chứ không tin mê tín dị đoan, cúng ma vái quỷ, hay đi hỏi bói coi tướng số.

6 - Báo ân:

Muốn cúng dàng báo ân Phật Thích Ca, lại càng phải niệm siêng, vì Phật chỉ mong muốn cho tất cả chúng sinh được giải thoát. Chúng ta niệm Phật A Di Đà là báo ân Phật Thích Ca đó. Nếu được giải thoát rồi chúng ta mới có thể độ và báo ân cho cha mẹ được.

7 - Khi bố thí:

Ngay cả khi bố thí, chẳng nên nói nhiều vô ích, chỉ nên luôn luôn nhớ nghĩ đến câu Nam Mô A Di Đà Phật, và dạy người hưởng bố thí niệm Phật sẽ được lợi ích lớn.

Kinh Phật nói: Thân người có bảy báu bố thí, đó là:

1 - Mắt không ham hình xinh, sắc đẹp, vật quý, đó là sắc báu bố thí.

2 - Tai không ham nghe tiếng ca nhạc hay, tiếng nói ngọt ngào, đó là thinh (thanh) báu bố thí.

3 - Mũi không ham ngửi mùi thơm lạ, đó là hương báu bố thí.

4 - Lưỡi không ham thức ăn ngon, vị béo ngọt, đó là vị báu bố thí.

5 - Thân không ham cảm giác xúc chạm, không ham trang sức, không ham mặc quần áo đẹp, đó là thân báu bố thí.

6 - Ý không ham địa vị danh vọng giàu sang, chẳng màng hơn thua, được mất, vui buồn, vinh nhục, đó là ý báu bố thí.

7 - Tâm không đắm nhiễm dục lạc, xa lìa ân ái dục tình, đó là pháp báu bố thí.

Nếu ai biết được trong thân mình có bảy báu bố thí như thế, không để mọi thứ đắm nhiễm, thời phúc đức hơn là đem bảy báu của thế gian và cõi trời là: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, mã não, xa cừ, trăm nghìn muôn phần đem bố thí cũng chẳng bằng một phần, nhẫn đến không thể đem gì so sánh với bảy báu về thân tâm; thực hành pháp bố thí trên sẽ mau chóng qua bờ sinh tử được giải thoát khỏi khổ.

8 - Khi gặp cảnh sát sanh:

Khi thấy ai sát sinh, khi thấy có tai nạn chết người, thời niệm Nam Mô A Di Đà Phật bảy lần rồi niệm Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chúba lần mà cứu độ người hoặc sinh vật ấy:

“Nẵng mồ a di đá bà dạ, đá tha già đá dạ, đá địa dạ tha, a di rị đô, bà tỳ, a di rị đá, tất đam bà tỳ, a di rị đá, tỳ ca lan đế, a di rị đá, tỳ ca lan đá, già di nhị, già già na, chỉ đá ca lị sa bà ha.”

Gặp con vật mới chết, đương chết cũng niệm như vậy. Lúc tiễn đưa bà con, bạn bè qua đời, thời niệm càng được nhiều càng tốt.

9 - Niệm bền lâu:

Niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn, muốn được vậy phải có lập trường vững chắc, muốn có lập trường vững chắc phải có mục đích, niệm Phật là để vãng sinh sang cõi Cực Lạc sung sướng đời đời, để thoát vòng sinh tử luân hồi khổ ải triền miên.

- Người tu thường nại ra đủ thứ bận rộn công kia việc nọ để trì hoãn, để tạm ngưng niệm Phật, nếu vô thường đến không còn kịp nữa, cho nên Đại Sư Hoằng Nhấtnói:

“Ngay (bây) giờ quyết dứt liền thôi dứt,

Chớ hẹn khi xong chẳng thể xong.”

Dù hết đời công việc vẫn chưa dứt, xưa kia có vị Tăng khuyên bạn Trương Tố Liêuniệm Phật, ông bảo: “Tôi còn 3 việc chưa xong là: Đợi khi chôn xong thân phụ còn để trong nhà mồ, đứa con trai chưa cưới vợ, đứa con gái chưa gả chồng, đợi 3 việc ấy xong, tôi sẽ vâng làm.”

Mấy tháng sau ông lâm bệnh qua đời, vị Tăng đến tụng Kinh cầu siêu và điếu bài thơ:

Bạn tôi tên là Trương Tố Liêu,

Khuyên ông niệm Phật hẹn ba điều,

Ba điều chưa vẹn vô thường bắt,

Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau.

- Muốn được bền lâu, người niệm phải biết tùy sức khỏe và hoàn cảnh mà đặt thời hạn, rồi tùy cơ dần dần tăng lên; lúc đầu không quá gấp rút, hành trì quá sức dễ sinh chán nản, vì mệt mỏi sau bỏ luôn.

- Có thể chia thời định khóa và không định khóa: Định khóa là mỗi ngày định là phải niệm bao nhiêu câu, không định khóa là không ghi số câu niệm. Việc cần thiết là dù niệm to nhỏ, mau chậm, đều phải rõ ràng, tâm và niệm phải dung hòa nhau, tâm phải biết niệm. Cứ thế niệm lâu ngày thuần thục, dần dần tăng lên từ 1000 tới 2000, 3000, 5000, 10,000, 50,000, cho đến 100,000 trong mỗi ngày đêm; lại nên ngồi niệm tốt hơn là đi đứng nằm.

Trong tập “Niệm Phật Chỉ Nam” cuả Mao Dịch Viên do Thầy Thích Minh Thành dịchnơi trang 58 có ghi lời của Đại Sư Ngẫu Íchnhư sau:

“Thế nên, Tín Nguyện, Trì danh niệm Phật có thể trải qua chín phẩm, xác thật không sai lầm; hơn nữa, ngưòi Tín Nguyện Trì danh tiêu trừ hàng phục nghiệp chướng, còn lậu hoặc (còn tật xấu) được vãng sanh thì ở cõi Phàm Thánh đồng cư. Đoạn sạch kiến tư hoặc (đoạn thấy nghĩ sai) thì ở cõi Phương Tiện Hữu Dư. Phá một phần vô minh mà vãng sinh thì ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm; trì niệm đến chỗ cứu cánh, đoạn sạch hết vô minh mà vãng sanh thì ở cõi Thường Tịch Quang; thế nên, Tín Nguyện, Trì danh có thể làm thanh tịnh bốn cõi, cũng là điều xác thực không sai lầm.

Hỏi: Làm sao trì danh có thể đoạn trừ vô minh?

Đáp: Danh hiệu Phật đưọc trì, không luận là ngộ cùng chẳng ngộ, đều là “Nhất cảnh Tam đế” (nghĩa là Tam đế “Không, Giả, Trung” dung nhau nơi một cảnh; các Pháp không có tự tánh nên là Không, duyên hợp nên là Giả; ngay nơi Không tức là Giả, nên là Trung dung). Tâm niệm hay trì, không luận là thông đạt hay không, đều là “Nhất tâm Tam quán” (là một tâm niệm có thể quán xét Tam đế: Thanh tịnh như hư không nên gọi là quán Không, Trí quán cảnh đưọc quán gọi là quán Giả, Không mà chẳng cố định là Không, Giả mà chẳng cố định là Giả, gọi là Trung Quán; ngay ba mà là một ngay một mà là ba, nên gọi là Nhất tâm Tam quán). Chỉ vì chúng sanh vọng tưởng chấp trước, tình kiến phân biệt, cho nên không thể khế hợp chỗ chân thường viên mãn; đâu biết rằng tâm hay trì niệm tức là “Thỉ giác”, danh hiệu Phật được niệm tức là “Bản giác” (Bản giác là tâm thể của chúng sinh tự thanh tịnh, lià các tưóng hư vọng, chiếu soi sáng tỏ, có công năng giác tri (biết), chẳng nhờ tu thành mà tánh đức vốn như thế, nên gọi là Bản giác. Tâm thể ấy, từ xưa đến nay bị phiền não vô minh che lấp, nhờ vào công phu tu hành, một hôm hiển bày tánh đức, đó gọi là Thỉ giác; nhưng giác mà quán thì Thỉ giác chẳng khác vốn là thể Bản giác, cho nên Thỉ giác và Bản giác vốn không hai). Nay ngay đó trì niệm, ngoài sự trì niệm không có Phật, ngoài Phật không có sự trì niệm, năng sở không hai, thì Thỉ giác hợp với Bản giác, gọi là “Cứu cánh giác” (thấu suốt cội nguồn của tâm nhiễm ô, rốt ráo tận cùng, đồng với Bản giác); bởi vậy, niệm Phật phải lấy nhất tâm không loạn làm kỳ hạn, cho đến hết đời này thề không thay đổi; như thế nếu không đưọc vãng sanh thì Chư Phật nói dối sao?”

4) – QUÁN TƯỞNG:

1- Quán tưởng là gì?

Quán là ý thức, chú ý nhìn, xem thấy cảnh tượng; Tưởng là nghĩ ngợi, nhớ, quán tưởng là chú ý nhìn xem một cảnh nào đó, ý thức bằng hình ảnh âm vang của một cảnh rồi ghi nhớ cho được rõ ràng.

Muốn quán tưởng mau được kết quả phải ngồi kết già, hay bán kết già, hay ngồi sao cho thoải mái, tại nơi yên tĩnh vắng vẻ, không ồn ào, rồi nhìn hình ảnh cảnh tưởng tượng muốn quán, quan sát cho kỹ từng chi tiết. Quán mãi cho đến khi hình ảnh cảnh tưởng tượng ấy hiện rõ trước mắt dù nhắm hay mở mắt cũng vậy, lúc đó là quán tới mức cần phải có, mà đức Phật đã dạy 16 pháp quán ở trên.

Trong Pháp Môn Tịnh Ðộ, quán tưởng cũng là một pháp trọng yếu như pháp trì danh, những ai ngắn hơi, không theo được pháp niệm Phật, chỉ chuyên tu pháp quán tưởng, kết quả vãng sanh vẫn như nhau. Tuy nhiên, với pháp quán tưởng, cảnh quán thường tưởng tượng tế nhị nên khó hành trì, vì chưa thấy qua cảnh đó nên mù mờ mông lung; cảnh chỉ hoàn toàn căn cứ vào ức tưởng nên khó tránh khỏi sai sự thật.

Ngày nay, nghiệp chướng nặng nề, trí huệ cạn cợt, tâm tư tạp loạn, hoàn cảnh nhiễu nhương; với những hoàn cảnh như thế, thật khó tập trung vào một cảnh chuyên nhất trong quán pháp; vì các lý do như trên, nên pháp quán tưởng khó áp dụng hơn pháp trì danh. Nếu chỉ chuyên tu quán tưởng mà không tu các pháp khác, sợ ít hy vọng thành công, vì vậy mà người tu Tịnh Ðộ hiện thời ít kẻ thực hành quán tưởng; phần đông chuyên theo pháp trì danh mà thôi. 

Tuy nhiên, nếu gác ngoài sự thực hành khó khăn, pháp quán tưởng còn có một tác dụng rất lớn lao ở trong Pháp Môn Tịnh Ðộ. Nó có hiệu lực phát huy công năng phục diệt chủng tử ô nhiễm và đồng thời đề khởi chủng tử thanh tịnh ở trong tâm thức chúng ta, khiến mau thành mạnh mẽ; khi hiện hành mạnh mẽ tức là kiến tánh thành Phật vậy, nhưng ít người thực hành được. 

Một biện pháp thích nghi: với mọi hoàn cảnh, mọi năng lực, đó là lấy pháp trì danh làm nòng cốt tu hành, đồng thời lấy pháp quán tưởng làm trợ duyên giúp thêm sức. Đã có trì danh làm căn bản thì cho dù quán tưởng có thành công hay không, công phu tu tập cũng không vì thế mà mất; trái lại, nếu bên quán tưởng cũng đồng thời thành công thì kết quả hai bên hợp lại thật là vô cùng rực rỡ; trường hợp không thành công, ít nhất quán tưởng cũng đóng được vai trò tăng thượng duyên cho tịnh nghiệp, bồi thêm hiệu quả cho trì danh như cọp (hổ) thêm cánh vậy.

Muốn quán tưởng được kết quả, chúng ta phải biết cách ngồi thiền quán, sau đây là cách ngồi:

2- Chuẩn Bị:

- Về thân: Không nên ngồi thiền trong lúc qúa no, quá đói, có bệnh, thiếu ngủ, khát nước, không nên ngồi thiền khi quần áo qúa chật, qúa nóng lạnh, ồn ào, không nên ngồi thiền khi không có tọa cụ; khi ngồi thiền, thân thể phải sạch sẽ.

- Về tinh thần: Phải dứt các lo lắng ràng buộc với công việc, chấm dứt các tham muốn, không còn các sự lo lắng, giận hờn, ghen tị, phải bớt tiếp xúc; cũng phải tin pháp môn hành trì, tin thiện tri thức, tin chính mình có đủ khả năng.

- Vật dụng: Tọa cụ để ngồi, có thể dùng một cái chăn mền mỏng, một cái gối bằng bông dầy mỏng tùy ý, nếu nền ngồi có thảm, chỉ cần một cái gối là đủ, chăn mền gấp làm tư trải xuống, để gối trên mền, ngồi trên gối thế nào để chân không đụng gối.

3 - Cách ngồi:

- Ngồi bán kết già: Để chân trái trên đùi phải hay chân phải trên đùi trái, bàn chân nằm ngửa bằng với đùi (nếu không thể để trên đùi, để trên bắp chân). Chân kia nằm ngửa phiá dưới, bằng đùi kia (hay giữa đùi và bắp chân).

- Ngồi toàn kết già: Cũng giống như ngồi bán kết già nêu trên, nhưng phải kéo bàn chân kia lên nằm ngửa trên đùi và bằng đùi kia (cách ngồi này rất khó).

- Ngồi thoải mái:Ngồi thoải mái: Nếu không ngồi được như trên, ngồi sao cho thoải mái lâu dài là được; nới lỏng dây lưng bụng và cổ áo cho rộng rãi thoải mái, nên điều chỉnh sửa lại cho ngay ngắn.

4 - Các bộ phận khác:

- Về tay: Tay trái nằm ngửa để trên chân ở giữa hai đùi, tay phải cũng nằm ngửa trên tay trái (hay ngược lại), có thể để hai tay úp hay ngửa trên đầu gối.

- Về lưng cổ: Lưng và cổ: Giữ cho xương sống và cổ ngay ngắn, không cong, không nghiêng vẹo.

- Về đầu mặt: Đầu hơi cúi một chút như thế nào để tầm mắt nhìn thẳng chạm đất xa khoảng 1 mét 5 (5 feet) cách chỗ ngồi.

5- Trước khi thiền quán:

- Cách thở:Dùng miệng thở hơi ra dài, rồi dùng mũi hít vào cũng như khi thở ra, khi thở ra hít vào tưởng tượng như các mạch máu trong người đều theo hơi thở mà lưu thông cùng khắp; thở ra hít vào 3 lần hoặc nhiều hơn tùy ý. Khi thở xong, để hơi thở tự nhiên.

- Miệng lưỡi:Xong ngậm miệng lại, hàm dưới trong, hàm trên ngoài, răng để khít nhau, lưỡi để sát lên trần của hàm trên.

- Mắt:Mắt nhắm 3/4 vừa đủ để che ánh sáng bên ngoài, trong khi thiền nhắm mắt dễ bị hôn trầm (buồn ngủ), mở mắt to dễ bị tán loạn tâm ý.

Từ đây, giữ hơi thở điều hòa, thân ngồi ngay thẳng vững vàng, không cử động xê dịch, và bắt đầu hành thiền quán tưởng; mười sáu cách quán, hãy tuỳ duyên mà chọn ít nhất là một cảnh, nên chọn lựa cho kỹ trước khi quán, chọn được rồi phải đọc kỹ những gì Phật dạy cần phải quán, khi quán tưởng phải cho rõ ràng, tức trong mười hai thời, hiện tiền như sống tại cõi Tịnh Độ. Đi đứng nằm ngồi, nhắm mắt mở mắt, như tại trước mặt.

Nếu quán tưởng thành tựu như thế, thì lúc lâm chung, nhất niệm liền vãng sanh, dụng công như thế, cùng tinh nghiêm hành trì giới hạnh, thì sáu căn cùng tâm địa được thanh tịnh.

Quán niệm tương tục, thì diệu hạnh dễ dàng thành tựu, hạt nhân chân chính vãng sanh qua cõi Tịnh Độ ở phẩm bậc cao không ngoài cách này; khi xưng niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh cõi Cực Lạc, mà không quán tưởng, không hành trì tịnh giới, Phật bảo người này chẳng thể thành tựu được vãng sinh ở phẩm bậc cao.

MỤC 5:

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT:

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]