Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 12

04/12/201212:20(Xem: 3483)
Phần 12

LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA

TẬP 1
Thích Quảng Tánh

PHẦN 12

 

TRÍ TUỆ LÀ TỐI THƯỢNG

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại ngôi làng tên Sàla. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ví như trong loài bàng sanh, sư tử vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

Và thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Này các Tỷ kheo, đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ.

Ví như, này các Tỷ kheo, trong loài bàn sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 4, phẩm 6, phần Sàla, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.354)

LỜI BÀN:

Giáo lý ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ căn) là nền tảng căn bản, là nguồn gốc cho mọi thiện pháp phát sinh. Nói cách khác, ngũ căn là các pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ.

Giác ngộ là mục tiêu của tu tập ngũ căn và toàn bộ giáo lý Phật đà. Trong nội dung tu tập ngũ căn: Thiết lập niềm tin sâu sắc vào Tam bảo (tín), tinh cần thực hiện và thành tựu tất cả các điều lành trong cuộc sống (tấn), thực tập chánh niệm, đặc biệt là Tứ niệm xứ (niệm), chứng đắc và an trú Tứ thiền (định), đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp, rõ biết như thật về Tứ Thánh đế (tuệ), tất cả không ngoài mục đích hướng đến giác ngộ.

Theo Thế Tôn, trong các pháp thuộc phần giác ngộ ấy, tuệ căn là tối thượng. Cũng như trong Bát thánh đạo, chánh kiến dẫn đầu. Đành rằng: các pháp khác có tác dụng hỗ trợ rất tích cực cho tuệ giác phát khởi nhưng chỉ có có tuệ giác mới giải quyết trọn vẹn vấn đề phiền não, sanh tử. Vì lẽ ấy, phương châm tu học của người con Phật luôn là “duy tuệ thị nghiệp”

Do vậy, thiền quán, cơ sở của tuệ giác, là nội dung thực tập cần yếu nhất, không thể thiếu trong nội dung tu tập của người con Phật. Thiền quán, thực chất là sự tu tập tuệ căn (ngũ căn), chánh kiến (Bát Thánh đạo), tuệ (Tam vô lậu học). Tuệ giác của thiền quán (phát triển trên nền thiền chỉ-định) sẽ quét sạch mọi tham ái, vô minh. Thấy biết đúng như thật về bản chất của các pháp là duyên sanh, vô thường, khổ, không, vô ngã chính là tuệ giác. Ngày nay, sự thật về thân, tâm và thế giới hiển bày và hành giả vượt thoát mọi trói buộc của tham sân si, thành tựu giải thoát giác ngộ.

VÔ MINH & TUỆ GIÁC

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có hai loại người ngu này. Thế nào là hai? Người có phạm tội nhưng không thấy có phạm tội và người không chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỷ kheo, có hai loại người ngu này.

Này các Tỷ kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai ? Người có phạm tội là thấy có phạm tội và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỷ kheo, có hai loại người có trí này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Người ngu, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.114)

LỜI BÀN:

Trong quá trình phấn đấu vươn lên của nhân loại, trí thức là nhân tố quan trọng, có tính quyết định cho việc phát triển xã hội. Tuy nhiên, tri thức là một con dao hai lưỡi; nếu không được dẫn dắt và định hướng của đạo đức thì tri thức có thể mang đến bất hạnh cho con người. Thảm họa của vũ khí công nghệ cao có tác dụng hủy diệt hàng loạt đã minh chứng điều ấy. Vì thế, Phật giáo đặt trọng tâm vào sự nghiệp phát triển và thành tựu tuệ giác (trí tuệ) còn tri thức chỉ là phương tiện mà thôi.

Đối với những ai chân thật cầu tuệ giác thì phải thấy rõ những ác nghiệp của chính mình. Trừ những bậc Thánh, không ai trong chúng ta mà không có tội lỗi, chỉ khác biệt là nhiều hay ít nơi mỗi người. Vì thế, nhận ra những lầm lỗi và thừa nhận nó như một sự giới hạn, thấp hèn của tự thân là một sự tiến bộ, biểu hiện ban đầu của tuệ giác. Trong trường hợp tự thân không nhận ra lầm lỗi thì phải mong cầu người khác chỉ lỗi, góp ý và soi sáng thêm. Bất kỳ ai, muốn cầu tiến thì phải biết lắng nghe; nhất là nghe cái dở, cái xấu… của chính mình. Người dám nói lên những điều chưa tốt của người khác với thành ý xây dựng, đúng lúc đúng nơi là người tốt đồng thời người biết tiếp thu những góp ý, phê bình và thầm tri ân sự soi sáng ấy để kiện toàn là người có trí.

Tuy vậy, sự đời thường “tốt khoe xấu che” nến lắm khi “lời ngay trái tai”. Nói thật, nói ngay thì dễ mất lòng thậm chí bị trù dập, thù ghét bởi đa phần ai cũng bị tổn thương và mong muốn che đậy những hạn chế của mình. Người không thấy tội ác nên trược dài vào hố thẳm đã đành nhưng có đôi lần tâm chợt lóe sáng, giật mình nhận ra tội lỗi thì cố che giấu. Kẻ thông minh tài trí mà ác tâm thì việc làm ác cùng che đậy tội lỗi của họ rất tinh vi, ngụy trang khéo léo, nhằm thỏa mãn tham vọng nhiều hơn. Những hạng người này, dù có tri thức cao, theo Thế Tôn, vẫn là người thiếu trí, vô minh, không có tuệ giác.

Bậc trí, theo Thế Tôn, không nhất thiết là có tri thức cao bởi tri thức không đủ năng lực chuyển hóa được phiền não. Người có tuệ giác biết nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận sự thật ấy dù đau thương rồi nỗ lực chuyển hóa, thăng hoa. Hoa sen tinh khiết và ngát hương cũng vươn lên từ bùn lầy. Cũng vậy, tuệ giác cũng nở hoa từ bùn nhơ vô minh, tội lỗi khi con người dám nhìn thẳng, thừa nhận và chuyển hóa nó.

CHÁNH TRI KIẾN

Một thời, Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có sáu trường hợp này không thể xảy ra. Thế nào là sáu?

Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ do tự mình làm. Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ đo người khác làm. Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ do tự mình làm, do người khác làm. Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ do tự mình làm, do tự nhiên sanh. Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ không do người khác làm, do tự nhiên sanh. Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, do tự nhiên sanh. Vì cớ sao?

Này các Tỷ kheo, đối với người có đầy đủ tri kiến, nhân và các pháp do nhân sanh đã được khéo thấy.

Này các Tỷ kheo, có sáu trường hợp này không thể xảy ra.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Mát lạnh, phần Tự làm, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.256)

LỜI BÀN:

Trước vô vàn biến đổi thuận nghịch trong cuộc đời, con người thường truy tìm cái nguyên do, vì đâu mà nên nỗi, rồi vui buồn, than vãn, trách mình và trách người. Khi thắng lợi thì vui sướng, tự hào rằng sự thành công này là nhờ mình; khi thất bại thì buồn bực bởi mất mát, thua thiệt này là do người, hoặc do mình một phần, hoặc do tự nhiên, số phận….

Với Tuệ giác Thế Tôn, người đầy đủ tri kiến thì không có những quan điểm như thế bởi họ đã thấu suốt quy luật Duyên sinh. Mọi sự vận hành, biến đổi của thân, tâm và thế giới đều bị chi phối bởi duyên sinh. Nói cách khác, nhân – duyên – quả với mối tương hệ chằng chịt, trùng trùng là nền tảng hình thành mọi hiện hữu. Do vậy, tất cả những vui buồn, được mất, hơn thua, thành công, thất bại…..trên cuộc đời này đều không chỉ đơn thuần là do mình, do người hay do tự nhiên mà có. Nhận thức được sự thật này là thành tựu chánh tri kiến, có tuệ giác và vượt qua mọi khổ đau do nhận thức và quan điểm sai lầm tạo nên.

Thế Tôn từng dạy, những ai đến với giáo pháp của Ngài là để thấy chứ không phải để tin. Chính quan điểm đúng đắn, sự thấy biết chính xác sẽ dẫn đường cho tư duy và hành động đúng đắn, hướng đến Chân Thiện Mỹ. Vì thế, nỗ lực thiền quán để thấy rõ bản chất của các pháp là duyên sinh vô ngã là một trong những nội dung tu tập quan trọng nhất và trong Bát Thánh Đạo thì chánh kiến là cốt tủy, bởi thấy được duyên khởi trong mọi sự sanh thành, hoại diệt chính là thấy Pháp, mà thấy pháp tức thấy Như Lai.

KHÔNG PHẢI CỦA TÔI

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông.

Này các Tỷ kheo, cái gì không phải của các ông? Sắc, thọ, tưởng, hành và thức không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc.

Ví như, này các Tỷ kheo, có người gom cành, lá của Jetavana này đem đốt hay tùy duyên sử dụng. Các ông có nghĩ rằng đem đốt hay tùy duyên sử dụng chúng tôi?

Thưa không. Vì sao vậy? Vì những cái ấy không phải của chúng con. Bạch Thế Tôn, những cái ấy không thuộc tự ngã chúng con.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, các ông sẽ được hạnh phúc, an lạc.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Không phải của các ông [lược], NXB Tôn Giáo 2000, tr.67)

LỜI BÀN:

Tuệ giác về duyên sanh pháp cho thấy vạn sự vạn vật đều tồn tại trong quan hệ hỗ tương, làm điều kiện cho nhau hình thành và hoại diệt. Do đó, không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào trên đời là vĩnh hằng, thường trụ, thuần nhất và bất biến cả. Ngay cả đến bản thân con người, sinh mạng chúng ta đang hiện hữu đây cũng không phải của mình đích thực, thì nói chi đến những vật ngoài thân.

Con người là hợp thể của năm uẩn gồm thân thể (sắc), cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), tư duy (hành) và nhận thức (thức). Dưới ánh sáng của thiền quán duyên sinh, con người là một sinh thể do năm uẩn này hòa hợp mà thành. Đã là hòa hợp tất không có ngã tính hay linh hồn bất tử nơi con người. Vậy, tôi hay của tôi chỉ là sự chấp thủ do vô minh và tham ái sâu dày che lấp. Chính sự chấp thủ về tôi và của tôi là cơ sở, cội nguồn của mọi khổ đau.

Nhìn sâu hơn, mỗi thành phần của hợp thể năm uẩn cũng do nhiều nhân duyên khác tạo nên. Đơn cử như thân thể (sắc) phát triển nhờ thức ăn từ bên ngoài, cảm giác (thọ) được tào ra khi hội đủ duyên tiếp xúc giữa các giác quan (căn) và đối tượng giác quan (trần). Quán chiếu sâu sắc vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ thấy được sự thật của “cái tôi” là duyên sinh, vô ngã.

Vì thế Đức Phật dạy chúng ta hãy từ bỏ năm uẩn. Từ bỏ ở đây chính là không chấp thủ, càng buông xả thì con người càng được thảnh thơi, an vui và hạnh phúc. Vì nghiệp lực và vô minh che lấp, con người luôn chấp thủ “cái tôi” và tin tưởng vào sự nắm giữ và làm giàu có “cái của tôi”, xem như đó là nên tảng của hạnh phúc. Nhưng sự thật không phải như vậy, càng nắm giữ thì con người càng khổ đau.

Do vậy, tuệ giác thiền quán vô ngã là liệu pháp duy nhất để hướng đến hạnh phúc, an vui đích thực.

TU TẬP TÁNH KHÔNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana. Rồi cư sĩ Dhammadina với năm trăm cư sĩ đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, hãy giảng dạy cho chúng con, hãy giáo giới cho chúng con. Nhờ vậy, chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Này Dhammadina, các ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadina, các ông cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩm Với trí tuệ, phần Dhammadina [trích], NXB Tôn Giáo 2002, tr.591)

LỜI BÀN:

Không phải đợi đến thời kỳ Phật giáo phát triển (Đại Thừa) mà ngay trong thời Thế Tôn, Ngài đã khai thị về lý Không (Sùnyatà). Pháp thoại này đã cho thấy vấn đề cốt tủy nhất, tình túy nhất của Đại thừa là tánh Không đã được Thế Tôn truyền trao, khuyến tấn tu tập không những cho hàng xuất gia mà ngay cả những Phật tử tại gia.

Có thể nói, học thuyết tánh Không thể hiện bàng bạc trong Bát Nhã, Trung quán luận v v… là hoa trái của lời dạy “Các ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa Không, cần phải thường được tìm đến và an trú (học hỏi)”. Và như thế, chúng ta không lạ gì khi vị Tổ sư học thuyết tánh Không của Đại Thừa, Bồ tát Long Thọ (Nàgàrjuna) được tôn xưng là đệ nhị Thích Ca.

Mặt khác, giáo lý Vô ngã vốn được triển khai từ rất sớm đồng thời là nền tảng căn bản nhất của phương thức tu tập và nhận thức theo kinh tạng Nikàya lại chính là cơ sở của tánh Không. Từ đây, người học Phật dễ dàng nhận ra sự liên hệ mật thiết, có tính kế thừa trọn vẹn tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy trong hệ thống kinh tạng Phật giáo phát triển.

Bát Nhã Tâm Kinh đề cập đến Bồ tát Quán Tự Tại nhờ “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” nên vượt thoát mọi khổ ách. Tuệ giác tánh Không là công cụ hữu hiệu nhất để quét sạch mọi tư duy hữu ngã (cội nguồn khổ đau) và xua tan bóng tối phiền não, tham ái, vô minh. Do vậy, muốn Dhammadina cùng năm trăm cư sĩ chứng đạt hạnh phúc và an lạc lâu dài, Thế Tôn đã khuyến tấn họ tu tập lý Không.

Thực tập thiền quán vô ngã nhằm trực nhận vô ngã tính (tánh Không) trong thân tâm cùng tất cả vạn pháp là chìa khóa để vượt thoát ngục tù sanh tử khổ đau. Vì vậy nghiên cứu, học hỏi và thực tập thiền quán để an trú vào tánh Không, thành tựu tuệ giác vô ngã là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả những người con Phật.

NGƯỜI MÙ SỜ VOI

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giời có một số đông các Sa môn, Bà la môn và các du sĩ ngoại đạo vào thành Sàvatthi để khất thực. Họ có nhiều quan điểm, sở thích và nương tựa vào các quan niệm khác nhau. Do đó, họ luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: Như thế này là pháp. Như thế này không phải là pháp……

Các Tỷ kheo sau khi khất thực ở Sàvatthi, trở về kể lại với Thế Tôn. Ngài dạy:

Này các Tỷ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết pháp và không biết phi pháp….

Này các Tỷ kheo, thuở xưa cũng tại thành Sàvatthi này, có một ông vua đã cho nhóm họp các người mù lại rồi sai người dắt đến một con voi. Sau khi sờ voi, những người sờ được cái đầu nói con voi như cái ghè; những người sờ được cái tai bảo con voi như cái sàng gạo; những người sợ được cái ngà nói con voi như cái lưỡi cày; những người sờ được cái bụng nói con voi như cái trống; những người sờ được cái chân nói con voi như cái cột; những người sờ được cái đuôi bảo con voi như cây chổi…..

Này các Tỷ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết pháp và phi pháp. Do đó, họ mới luận tranh, đấu tranh…..

(ĐTKVN, Tiểu bổ I, kinh Phật Tự Thuyết, chương 6, phẩm Sanh ra đã mù, NXB TP.HCM 1999, tr.238)

LỜI BÀN:

Một con người dù thông thái đến mấy cũng khó mà nhận thức hết mọi sự vật và hiện tượng của thế giới. Nhất là ngày nay khi sự chuyên môn hóa được phát huy đến cao độ thì càng khó khăn cho một người có được kiến thức bách khoa. Do đó, phải hết sức dè dặt và khiêm tốn với kiến thức giới hạn của chính mình.

Bảo vệ một quan điểm triết học hay một niềm tin tôn giáo là điều nên làm nhưng cực đoan cho quan điểm và niềm tin của mình là vô địch là điều nên tránh. Vì rằng sự thấy biết của con người rất giới hạn, chỉ thấy biết đơn tuyến mà không lĩnh hội được toàn thể. Cũng như những người mù kia, thấy biết về con voi của họ không sai nhưng chỉ đúng mỗi một phần.

Đối với sự nghiệp tu học, cảm nhận về sự chứng ngộ, thể nhập chân lý cũng có khá nhiều sự phê phán, luận chiến về tư tưởng, đường lối, pháp môn và mức độ chứng đắc….. khiến cho không ít người hậu học hoang mang. Thiết nghĩ, khi chưa đạt đến toàn giác như Đức Phật thì người tu cũng nên thận trọng và khiêm hạ khi đánh giá về pháp môn và sở đắc của người khác. Bởi lẽ, đa phần chúng ta cũng đều là người mù trong biển giác bao la.

VÔ MINH LÀ CẤU UẾ LỚN NHẤT

Một thời, Thế Tôn ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có tám cấu uế này. Thế nào là tám?

Này các Tỷ kheo, không đọc tụng là cấu uế của Thánh điển; không thức dậy sớm là cấu uế của nhà; biếng nhác là cấu uế của dung sắc; phóng dật là cấu uế của phòng hộ; ác hạnh là cấu uế của đàn bà; xan tham là cấu uế của bố thí; các ác pháp là cấu uế của đời này và đời sau. Nhưng này các Tỷ kheo, còn có cấu uế lớn hơn các cấu uế, vô minh là cấu uế lớn nhất.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Các cấu uế [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.553)

LỜI BÀN:

Cấu uế tức là các phiền não nói chung là nhân tố chính làm trở ngại sự thăng hoa tâm trong lộ trình tu tập. Tâm của chúng sanh ta có vô vàn cấu uế, mỗi loại có một ảnh hưởng đến một khía cạnh khác nhau trong quá trình thanh lọc tâm. Chung quy cấu uế là dơ bẩn, làm trở ngại, chướng ngại thanh tịnh cần phải chuyển hóa, loại trừ.

Không tìm hiểu, nghiên tầm để nhận thức đúng đắn về giáo pháp là một chướng ngại. Giáo pháp giải thoát của Thế Tôn thật quý giá nhưng sự tôn kính giáo pháp phải được thể hiện nơi học tập, tìm ra con đường và thân chứng. Vì thế, Thánh điển sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí bị mai một dần nếu chúng ta thỉnh về để… thờ.

Các phương diện khác của đời sống cũng vậy, từ nhà cửa cho đến thân thể sẽ bị biếng nhác, giải đãi làm cho cấu uế. Sự buông thả, phóng túng sẽ trở ngại việc phòng hộ, giữ gìn; sáu căn không loạn động khi tiếp xúc với trần cảnh. Tâm ích kỷ, ganh tỵ cùng với những hành động xấu ác sẽ làm hoen ố nhân cách con người. Sự xan tham sẽ làm chùn tâm bố thí, những ý niệm tốt đẹp về san sẻ dễ dàng bị lòng tham che lấp, ngăn ngại. Và những điều xấu ác đang xảy ra trong hiện tại chắc chắn sẽ làm cấu bẩn sự tốt đẹp, tươi sáng ở tương lai.

Tuy nhiên, cấu uế lớn nhất và chi phối mạnh mẽ nhất đới với mọi lãnh vực hoạt động của con người đó là vô minh. Chính sự si ám, không sáng suốt, thiếu tuệ giác là cội nguồn của tham ái, chấp thủ và cấu uế. Mọi khổ đau của chúng sanh đều bắt nguồn từ vô minh. Vì thế, đoạn trừ vô minh để khai mở tuệ giác là trọng tâm của tu tập. Do vậy, chúng ta không lạ khi phương châm tu học của hàng Phật tử luôn là “Duy Tuệ Thị Nghiệp”.

BỌT NƯỚC

Một thời, Thế Tôn ở Ayujjàya, trên bờ sông Hằng. Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Ví như, này các Tỷ kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Cón người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Này các Tỷ kheo, làm sao có lõi cứng trong đống bọt nước được?

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, phàm có sắc, thọ, tưởng, hành và thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ kheo thấy sắc (thọ, tưởng, hành và thức) chuyên chú, như lý quán sát về sắc (thọ, tưởng, hành và thức). Do vị Tỷ kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc (thọ, tưởng, hành và thức), sắc (thọ, tưởng, hành và thức) ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ kheo, lại có lõi cứng trong sắc (thọ, tưởng, hành và thức) được?

Thấy vậy, này các Tỷ kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Hoa, phần Bọt nước, NXB Tôn Giáo 2000, tr.252)

LỜI BÀN:

Con người và thế giới khách quan vốn hiện hữu, vận động theo quy luật thành, trụ, hoại, không song nhận thức về điều ấy lại khác nhau tùy theo nghiệp của mỗi người, ít có ai nhận thức đúng như thật về tự thân và hiện tượng giới. Chính nhận thức chủ quan, nhuốm màu tự ngã là nguyên nhân để phát khởi tham ái, cội nguồn của mọi khổ đau.

Gốc rễ của mọi bất hạnh giáng xuống thân phận con người xuất phát từ nhận thức sai lầm rằng có một cái là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi trong và ngoài tấm thân ngũ uẩn. Thực ra, theo tuệ giác của Thế Tôn thì cái mà chúng sanh luôn lầm chấp là tôi, là của tôi và tự ngã của tôi thực chất là rỗng không, trống không, không có lõi cững. Chính tuệ quán vô ngã về ngũ uẩn đã làm bật tung mọi sự che đậy của vô minh, làm phơi bày mọi ngõ ngách của năm ấm, hiển lộ thực tướng vô ngã.

Nhận thức về vô ngã tướng có thể thực hiện được trong cuộc sống hàng ngày. Bởi tự thân của vạn pháp vốn như thế, do duyên sanh, giả có và không thật. Không có mấy khác biệt giữa cái ta ngũ uẩn và đống bọt nước lờ lững trôi trên dòng sông Hằng. Đống bọt nước ấy tuy có nhưng thực ra chỉ là sự tích tụ của vô số bong bóng nước, sẽ lần lượt vỡ tan dưới ánh sáng mặt trời. Cũng vậy, cái ta ngũ uẩn mà chúng ta hằng yêu thương, chấp thủ cũng không nằm ngoài cấu trúc bong bóng nước ấy. Chỉ cần chuyên chú, quan sát tinh tế tự thân trong sâu lắng của chánh niệm là chúng ta sẽ tỉnh thức về một sự thật giản dị là không có một cái gì thường hằng, bền chắc trong tứ đại, ngũ uẩn. Chúng có đấy nhưng duyên hợp, vô thường, giả có và không thật.

Hàng đệ tử Phật phải luôn chánh niệm, quán chiếu về vô ngã. Nếu duy trì thường trực tuệ quán về vô ngã tính của tự thân và vạn pháp thì sẽ không còn chấp thủ ngũ uẩn, thoát ly được tâm lý tham ái và chấm dứt mọi khổ đau, thành tựu giải thoát, giác ngộ.

CÓ VÀ KHÔNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỷ kheo, người nói pháp không tranh luận với bất cứ ai ở đời.

Này các Tỷ kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là không, Ta cũng nói là không; cái gì người có trí ở đời chấp nhận là có, Ta cũng nói có.

Và này các Tỷ kheo, người có trí ở đời không chấp nhận sắc, thọ, tưởng, hành và thức là thường còn, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là không.

Này các Tỷ kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là không, Ta cũng nói là không.

Này các Tỷ kheo, người có trí ở đời chấp nhận sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là có vậy.

Này các Tỷ kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là có, Ta cũng nói là có.

Ở trong đời, này các Tỷ kheo, có thế pháp. Thế pháp ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị.

Sắc thọ tưởng hành và thức, này các Tỷ kheo, là thế pháp. Thế pháp ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị. Và những ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị như vậy, vẫn không biết, không thấy, với người ấy, Ta xem là phàm phu, mù lòa, không có mắt.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Hoa, phần Bông hoa [lược], NXB Tôn Giáo 2000, tr.249)

LỜI BÀN:

Thế Tôn tuyên thuyết giáo pháp dựa trên nền tảng tuệ giác mà Ngài đã chứng ngộ. Vì thế, giáo pháp không phải là sản phẩm của tư duy, thiên về luận lý như một học thuyết mà đơn thuần chỉ là những kinh nghiệm về con đường vượt thoát khổ đau, là trải nghiệm của người đã đi qua và đã chứng đạt.

Vớ tuệ giác giải thoát, vạn pháp đều bị chi phối bởi vô thường, là khổ và hoàn toàn vô ngã. Đó là một sự thật khách quan, là cái thấy biết và chứng tri của bậc Giác ngộ về các pháp. Vì thế, khi tuyên thuyết có và không. Thế Tôn vẫn giữ một lập trường duy nhất là năm uẩn đều không, vô thường và vô ngã.

Tất nhiên, đối với những ai đã từng chấp nhận có một tự ngã, cái tôi hay linh hồn trường cửu, bất biến thì tuyên bố về sự thật vô ngã của Thế Tôn quả là sấm sét. Nhưng không phải ai cũng có đủ duyên lành để có thể mở to đôi mắt trần thế nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ sự vận hành tương tục không gián đoạn và tính chất duyên sinh của năm uẩn. Vì thế, ngoài những bậc trí, còn lại đa phần chúng ta tuy có mắt mà như mù.

Có và không chỉ là thế pháp, vì thuận theo thế gian trong sự thật tương đối Thế Tôn có thể nói có và không nhưng cốt tủy của sự chứng tri vẫn là các pháp đều không.

TÀM VÀ QUÝ

Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, hai pháp này là pháp đen. Thế nào là hai? Không tàm và không quý.

Và này các Tỷ kheo, hai pháp này gọi là pháp trắng. Thế nào là hai? Tàm và Quý.

Hai pháp trắng này, này các Tỷ kheo, che chở cho thế giới. Nếu không có hai pháp trắng này che chở cho thế giới thời không thể chỉ ra được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, heo, chó, gà, vịt.

Này các Tỷ kheo, vì có hai pháp trắng này che chở, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các vị tôn trưởng.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.100)

LỜI BÀN:

Biết hổ thẹn là một nhân tố quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Tàm là biết hổ thẹn với chính mình và quý là biết hổ thẹn, sợ hãi với người khác. Nhờ biết hổ thẹn nên chúng ta có thể vượt thắng, làm chủ được bản thân trước những thôi thúc của tham lam, sân hận và si mê.

Trong mỗi chúng ta đều tồn tại hai thế lực đen và trắng này. Giữa thanh thiên bạch nhật, hầu hết chúng ta đều thể hiện sự ý tứ, sợ người khác chê cười, phê phán, chỉ trích hoặc lên án (quý). Người mà vô cảm trước dư luận, bỏ ngoài tai sự chê cười, mai mỉa của người đời (vô quý) thì xem như… cùn, sống bên lề xã hội hoặc bị tâm thần. Có thể nói, khi có ý thức về mình và xã hội thì sự xấu hổ, biết thẹn với người còn cơ may hiện hữu.

Cái khó là khi đối diện với chính mình, ta có tự vấn lương tâm, xấu hổ và thẹn thùng với điều chỉ mình biết hay không? Lẽ thường ở đời là khi vụ việc chưa để bể ra thì xem như con người ta vô cùng trong sáng, chân chính và thánh thiện. Thậm chí tồn tại khá phổ biến quan niệm những việc làm tội lỗi nhưng qua mặt được phát luật thì xem như không có tội tình gì.

Phải can đảm và trí dũng lắm người ta mới sống với lương tri, nhận ra những sai trái của chính mình để từ bỏ dù chưa ai biết hoặc không hề biết. Đức tính quý báu ấy gọi là tàm, phải tỉnh thức thật nhiều mới nhận ra và thực hành được điều ấy trong đời sống hàng ngày. Biết xấu hổ với mình trước những tội lỗi là nền tảng đạo đức căn bản của cá nhân và xã hội.

Thế Tôn đã khẳng định nếu không có hổ thẹn với chính mình và mọi người thì con người chẳng khác nào cầm thú, thế giới sẽ đi đến hỗn loạn. Do đó, thực tập nội quán, phản tỉnh, nhìn lại mình, tự vấn lương tâm nhằm chặn đứng những điều xấu ác chính là nội dung thiền quán về tuệ học của Phật giáo mà mọi người trong xã hội cần ứng dụng để tự kiện toàn nhân cách.

TUỆ GIÁC VÔ NGÃ

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàranasi, tại Isipitana, chỗ vườn Nai. Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến, sau khi đảnh lễ, thưa Thế Tôn:

Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?

Thế Tôn im lặng. Sau khi hỏi lại lần thứ hai, Thế Tôn cũng im lặng, du sĩ Vacchagota liền đứng dậy và ra đi.

Rồi tôn giả Ananda, sau khi du sĩ ra đi, hỏi Thế Tôn vì sao không trả lời câu hỏi của du sĩ Vacchagotta.

Này Ananda, nếu Ta trả lời “có tự ngã” như vậy thuộc về chấp thường kiến. Và nếu Ta trả lời “không có tự ngã” như vậy thuộc về chấp đoạn kiến.

Lại nữa, này Ananda, nếu Ta trả lời “có tự ngã”, như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí tuệ “Tất cả các pháp là vô ngã”? Và nếu Ta trả lời “không có tự ngã”, như vậy, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác, bối rối hơn nữa: “Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 10, phần Ananda [lược], NXB Tôn Giáo 2001, tr.619)

LỜI BÀN:

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi thành đạo, Thế Tôn đã không vội vàng thuyết pháp, bởi chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, thật khó lãnh hội được tuệ giác duyên khởi – vô ngã. Và cho đến về sau, không phải với bất cứ ai, Ngài cũng triển khai về điều này, trừ những trường hợp đủ duyên lành, có thể lãnh hội được. Vì thế, Ngài đã im lặng trước câu hỏi của du sĩ Vacchagotta và cũng không ít người khác đương thời.

Tự ngã, linh hồn hay cái tôi trường cửu bất diệt là tín điều ăn sâu vào cốt tủy của những ai tin tưởng vào thần linh sáng tạo. Trong vòng luẩn quẩn của tư duy thì chỉ có hai phạm trù cơ bản là có và không, thật nan giải để nói Không – vô ngã đối với vấn đề tự ngã.

Nếu nói có ngã lập tức rời vào chấp thường, nói không có ngã tức rơi vào chấp đoạn, mà chấp thường hay đoạn cũng đều là tà kiến. Mặt khác, nói có ngã thì trái với sự thấy biết vô ngã của Phật, nói không có ngã thì làm cho người nghe hoang mang, mất chỗ bám víu; tốt nhất là im lặng.

Các thiền sư đời sau ứng cơ khai thị mà không ít người ngộ nhận cho là cuồng thiền, tà đạo thực chất thì cũng học theo Phật, bởi im lặng không nói như Phật hay “nói nhảm” hoặc đánh cho một gậy thì cũng giống nhau. Vô ngã là tuệ giác, là chứng ngộ sự thật chứ không phải để hiểu, nhận thức. Vì thế, nếu triển khai về lý thuyết vô ngã đại để như “giả có, duyên sanh, không thực thể….” cũng chỉ là “ngón tay chỉ mặt trăng”.

Do vậy mà Phật im lặng thuyết pháp, bài pháp vô ngôn này lại hay tuyệt cùng trong trường hợp này. Không phải có, chẳng phải không, vậy tự ngã là gì? Cứ tư duy về điều ấy đi, là cái gì thì mỗi người tự cảm nhận lấy, biết đâu sẽ bùng vỡ ra một cái gì đó vượt ngoài có không của tư duy hữu ngã.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com