Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Truyền thừa

06/08/201100:22(Xem: 3767)
12. Truyền thừa

HAI CHỮ MẸ CHA
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2007

TRUYỀN THỪA

Phật dạy 4 ân và cách báo 4 ân. Cách báo ân toàn triệt nhất trong các cách là làm sao tu cho được CHÂN THẬT BA-LA MẬT. Tu Chân thật ba-la-mật hay Quán tâm địa là một cách nói khác chỉ cho việc sống trở lại với tâm chân thật của mình, kinh Niết Bàn gọi tâm đó là PHẬT TÁNH, luận Đại Thừa Khởi Tín gọi nó là CHÂN NHƯ, kinh Pháp Hoa gọi nó là TRI KIẾN PHẬT. Tất cả mọi pháp môn từ niệm Phật, trì chú, tham công án … mà chư Phật Tổ đã dạy, đều cốt cho người tu nhận lại tâm này. Chỉ do căn khí của người cạn hay sâu mà chư vị phương tiện chỉ thẳng hay gián tiếp.

Sống trở lại với tâm đó, cũng là sống lại được với TRÍ TUỆ và TÂM TỪ của chính mình. TRÍ TUỆ nói đây là trí tuệ thấy các pháp đúng như chính nó, nhận ra được qui luật đang chi phối thế giới này. Người xưa nói “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống”. Biết, là biết được qui luật đang chi phối thế gian, theo đó mà sống, thì mọi thứ hài hòa yên ổn.

Như chết, là lẽ tất nhiên mà ai cũng phải qua, chỉ là sớm hay muộn. Song nếu mình chấp nhận nó như một việc hiển nhiên, thì cái chết không làm mình khổ. Nhưng nếu mình không chấp nhận, cứ chạy vạy níu kéo, níu kéo một thứ không thể níu kéo, thì khổ vô vàn. Một chuyện hiển nhiên trước mắt còn khiến mình khổ như vậy, huống là những chuyện mình chưa thấu được. Vì thế, nắm được qui luật sống ở đời, là cửa giúp mình và người hết khổ.

Thấy người đói, cho ăn. Thấy người thiếu, giúp đỡ v.v.. những việc làm đó rất tốt, nhưng giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo. Không thể cho họ suốt đời. Vì không khéo việc này sẽ sinh tiêu cực mà cũng không thể kéo lâu dài hay rộng rãi. Vì thế, cho tiền của, không bằng giúp cho họ có một công việc để tự lo sống. Tương tự, một khi mình hiểu được lý thật của cuộc đời, đủ năng lực để tự đi và chỉ cho người khỏi sụp hầm sụp hố thì việc đó phải lợi ích hơn là chỉ biết làm phước trao tặng. Mình trao tặng cho người mà người không đủ phước để hưởng thì có khi tai họa cũng liền kề. Nói vậy không phải là xúi mình đừng trao tặng. Nó là phương tiện cần thiết cho việc tặng pháp về sau. Nhưng thực tình, nếu phước không đủ, mình có cho cũng không tới tay, có tới tay cũng bệnh hoạn nạn tai cho tiêu sạch. Thành khi mang tiền giúp đỡ, một số vị hay khuyên người khác niệm Phật, hoặc khuyên người trích tiền mình đã cho ra cúng dường hay bố thí lại ít nhiều, hoặc khuyên người sống thiện, để giữ cái phước về sau. Đó là chỉ cho người con đường để người tự đi. Họ có phước rồi, không có mình họ cũng gặp được người giúp đỡ hay tự làm ăn phát đạt.

Ngoài ra, trí tuệ Phật có hiển phát thì tình thương rộng lớn mới hiển bày. Phải có tình thương đối với muôn người, mới khiến mình không bo bo cái gì cũng chỉ hạn cuộc trong mình và gia đình mình. Tình thương này sẽ giúp mình tránh được những cái nhỏ nhặt không đáng trong cuộc sống. Cũng là thứ khiến mình mở lòng rộng rãi với mọi người, dù đó là người mình không ưa. Nó là cái nhân để mình có an vui trong hiện đời và mai sau. Chính vì thế, Phật nói tu Chân thật ba-la-mật mới trả hết các ân mình đã mang trong đời.

Đó là nói trên mặt hiện tại, nói về lâu dài, hiện nay mình còn có kinh, luật, luận, ngữ lục của các Tổ để đọc, học … là nhờ sự nối tiếp truyền thừa của các bậc đi trước. Đây là phần rất quan trọng đối với người tu. Vì thế, với người TU PHƯỚC cầu quả báo Nhân Thiên, bố thí pháp có công đức nhiều hơn bố thí phẩm vật là vậy. Với người TU PHẬT, đang thực hành hạnh nguyện Bồ tát, việc truyền bá lưu thông càng quan trọng. Thành cuối kinh, khi nào Phật cũng căn dặn đệ tử phải lưu thông truyền bá các kinh, như kinh đây nói “Khiến kinh này được lưu truyền rộng rãi …”. Lưu truyền, là truyền tay nhau kinh này không phải trong hiện đời mà cả về sau. Đó là việc lưu truyền dễ làm và đơn giản nhất.

Để việc truyền thừa được rộng rãi hơn nữa, cần có vốn ngôn ngữ tối thiểu để dịch thuật kinh - luật - luận của Phật Tổ. Như kinh này vốn bằng tiếng Phạn, ngài Bát Nhã đời Đường dịch ra Hán văn, giờ mới có bản chữ Hán để mình dịch ra tiếng Việt mà cùng nhau chia xẻ cái hay của nó. Với loại kinh Nhân quả, tức những kinh không đòi hỏi phần tâm chứng, thì chỉ cần vốn ngôn ngữ là đủ, nhưng với những bộ kinh như Lăng Nghiêm, Lăng Già, luận Trung quán v.v… chỉ có vốn ngôn ngữ không thì chưa đủ. Thành học rồi còn phải tu. Tu rồi còn phải chứng nhập tự tâm. Tâm có được thanh lọc thì trí tuệ mới phát, mới khế hợp được những điều kinh nói, mới biết dụng pháp đúng duyên. Cần giảng pháp thì giảng pháp, cần xây chùa thì xây chùa, cần chú thuật thì dùng chú thuật v.v… Tùy duyên dụng pháp mà không mất mình, không khiến người và mình bị đọa lạc trong mê tín hay hình tướng. Đó là góp phần khiến ngọn đèn của Phật Tổ được sáng mãi. Không thì có khi phát tâm rất mạnh, nhưng việc làm của mình trở thành nửa mùa ...

Luận Đại Thừa Khởi Tín, được Tổ Hoa Nghiêm là ngài Hiền Thủ luận giải rất kỹ. Đại sư Hám Sơn thì nói “Yếu chỉ nhập pháp giới của tông Hoa Nghiêm lấy luận này làm cửa nhập pháp giới”. Nó là bộ luận rất quan trọng đối với người tu Đại thừa. Nó giúp người tu phát khởi niềm tin đối với Đại thừa, mở ra con đường Bồ tát, giúp người tu trở lại với bản tâm thanh tịnh của mình. Nhưng có người lại cho nó là tà ma ngoại đạo. Không phải vì họ rắp tâm muốn phá hoại Phật pháp, mà vì việc tu hành chưa đạt được chỗ cần đạt, chưa thực chứng được cảnh giới mà luận nói, nên không nhận được phần lý lẽ thâm sâu BẤT BIẾN MÀ TÙY DUYÊN luận đã nêu. Chẳng qua vì lực dụng chưa đủ, nên thay vì hộ pháp, lại trở thành kẻ phá pháp.

Cho nên, với người tu, CÔNG PHU TU HÀNH là quan trọng. Nó là thứ khiến mình phát trí tuệ, giúp mình nhận định được cái gì đúng, cái gì sai, cái gì tà, cái gì chánh để mà truyền thừa. Không có trí tuệ, Thầy Tổ nói một đường, mình diễn lại một nẻo. Thứ kẻ gian truyền thừa, mình cũng cho là Thầy Tổ mình nói. Cái đúng của người đi trước mình vô không được. Cái sai của người đi trước mình cứ đó mà theo. Thiếu trí tuệ nên mình không đủ năng lực nhận định vấn đề cho rõ ràng ... khiến nhiều việc đáng tiếc xảy ra.

Bộ kinh này Phật giảng cho chư vị trưởng giả. Nhưng thật là cho tất cả mọi người. “Giàu sang mà chịu học đạo là khó” nhưng Phật vẫn giảng giáo Nhất thừa cho chư vị nghe, thì biết căn lành của chư vị rất lớn. Có điều vì hiện đời quá sung túc thành chư vị quên mất nguồn căn của mình. Không phải lúc Phật còn tại thế mới có những vị trưởng giả như vậy. Hiện đời đây cũng vẫn có. Không phải chỉ hiếu hạnh hết mực, cúng dường Tam bảo rất nhiều, cứu giúp người nghèo vô số mà chư vị còn nghiên cứu kinh sách, nghiên cứu không phải cho riêng mình mà còn giúp người khác nghiên cứu, rồi tự tâm dừng đi tham sân si của chính mình. Có người còn bỏ tất cả để tu hành. Chư vị không những chỉ đến chùa học đạo mà còn biết sống đạo, là cái nhân để Phật pháp được truyền thừa rộng rãi và dài lâu. Thành đừng nghĩ phải đứng ở cương vị giảng sư mình mới là kẻ nối tiếp truyền thừa của Phật Tổ. Đừng nghĩ phải 5 năm 10 năm nữa, mình mới thành kẻ truyền thừa. Cũng đừng nghĩ kẻ truyền thừa chỉ nằm trong một vài vị có chức sắc. Tất cả Phật tử, dù tại gia hay xuất gia, đều là kẻ truyền thừa của Phật Tổ, nếu hiện tại mình sống tỉnh giác, không để tham sân si làm chủ, luôn vì lợi ích của muôn người. Cứ một NIỆM được như thế là một niệm mình đang truyền thừa ngọn đèn của Thầy Tổ. NIỆM NIỆM như thế là niệm niệm đang truyền thừa. Không có sự truyền thừa nào hơn sự truyền thừa đó. Thực hiện như vậy là mình đang tu pháp CHÂN THẬT BA-LA-MẬT mà Phật nói đây. Đó là cách báo ân cha mẹ và Thầy Tổ cũng như tất cả mọi người được trọn vẹn nhất, cũng là góp tay khiến Phật pháp được lưu truyền rộng rãi và dài lâu.

Tp. HCM ngày 31.3.2007
Chân Hiền Tâm

01 Với loại BẤT ĐỊNH NGHIỆP thì vẫn thay đổi được bằng duyên phúc đức là việc thiện của chính mình.
02 Những câu trong ngoặc kép đều là phần trích dịch.
03 Dịch từ phẩm Báo Ân, kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán. Đại Chánh Tạng tập 3.
04 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 12.
05 Chỉ thời gian và pháp tu của hàng Thanh văn. Thời gian thì có giới hạn, nhanh nhất là ba đời, chậm nhất là trăm kiếp. Pháp tu thì chỉ có thiền quán, không phải dâng hiến thứ gì cho ai.
06 Tu di là vua của các ngọn núi, lớn nhất và toàn bằng châu báu.
07 Căn : Mắt, tai, thân v.v…
08 Căng-già là sông Hằng, một trong ba con sông lớn ở Ấn độ.
09 5 cõi : Trời, người, súc sanh (thú vật), ngạ quỉ, địa ngục.
10 Trong Thám Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, Tổ Hiền Thủ nói “Theo luận Đại Trí Độ, Nhị thiền gọi chung là Quang Âm”.
11 Trích Đất Việt.
12 Phần tiếp nói về cảnh giới tu hành của hàng Bồ tát Thập địa, và cảnh giới Tứ trí : Đại viên cảnh trí v.v… Đây không trích ra.
13 Cây bồ-đề được nói trong kinh Hoa Nghiêm.
14 Mỗi loại ba-la-mật đều có 10 loại. Đây lược bớt để dễ nhận ý chính.
15 Đây là nói đến thân dư báo của Phật, là thị hiện của Phật pháp thân, như Phật bị quả báo mã mạch v.v…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]