Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26-Cái trí không là mọi thứ

29/06/201115:25(Xem: 5034)
26-Cái trí không là mọi thứ

NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU NÀY
Nguyên tác: Think on These Thingsby Jiddu Krishnamurti
Lời dịch: ÔNG KHÔNG Bản dịch 2006 – Hiệu đính 7- 2008

Chương 26
Cái trí không là mọi thứ

Bạn biết không, thật dễ chịu khi ngồi rất yên lặng, ngồi thẳng người đầy trang nghiêm, đĩnh đạc – và cũng quan trong không kém việc đó khi nhìn ngắm những cái cây trụi lá kia. Bạn có khi nào cảm thấy những cây đó tương phản màu xanh nhạt của bầu trời ban mai đẹp đẽ làm sao đâu, hay không? Những cành trơ trụi của một cái cây phô bày vẻ đẹp của nó; và cây cối cũng có vẻ đẹp lạ thường quanh chúng vào mùa xuân, vào mùa hạ và vào mùa thu. Vẻ đẹp của chúng thay đổi theo mùa, và thấy việc này cũng cần thiết như tìm hiểu những phương cách của cuộc sống riêng chúng ta.

Dù chúng ta sống ở Nga, ở Mỹ hay ở Ấn độ, tất cả chúng ta đều là những con người; vì là con người nên chúng ta có những vấn đề chung, và thật vô lý khi tự xem mình là người Ấn độ, người Mỹ, người Nga, người Trung quốc, và vân vân. Có những phân chia về kinh tế, chủng tộc, địa lý, chính trị, nhưng nhấn mạnh những phân chia chỉ nuôi dưỡng thêm hận thù và đối nghịch. Người Mỹ lúc này có lẽ thịnh vượng hơn, mà có nghĩa rằng họ có nhiều đồ dùng hơn, nhiều máy thu thanh hơn, nhiều máy thu hình hơn, nhiều hơn đủ mọi thứ gồm cả thừa thãi lương thực, trong khi ở quốc gia này có quá nhiều đói khát, nghèo nàn, dư thừa dân số và thất nghiệp. Nhưng dù sống ở đâu chúng ta vẫn là con người; và vì là con người chúng ta tạo ra những vấn đề thuộc con người của chúng ta, và rất quan trọng phải hiểu rõ rằng trong suy nghĩ về mình như người Ấn độ, người Mỹ, người Anh hay người da trắng, da nâu, da đen hay da vàng, chúng ta đang tạo ra những rào chắn không cần thiết giữa chính chúng ta.

Một trong những khó khăn chính của chúng ta là nền giáo dục hiện đại khắp thế giới chỉ quan tâm đến việc đào tạo chúng ta thành những chuyên gia thuần túy. Chúng ta học cách thiết kế những máy bay phản lực, làm thế nào để làm những con đường tráng nhựa, làm thế nào để chế ra những chiếc xe hơi hay vận hành những tàu ngầm nguyên tử mới nhất, và chìm đắm trong công nghệ này chúng ta quên bẵng rằng chúng ta là những con người – có nghĩa rằng chúng ta đang làm đầy ắp tâm hồn chúng ta bằng những sự việc của cái trí. Ở nước Mỹ sự tự động hoá đang giảm bớt nhiều tiếng đồng hồ dài lao động cho những con người, như nó sẽ làm như vậy trong quốc gia này, và rồi chúng ta sẽ gặp những vấn đề khó khăn là làm thế nào sử dụng thời gian dư thừa của chúng ta. Những nhà máy lớn hiện nay đang sử dụng hàng ngàn người có thể sẽ chỉ được vận hành bởi vài chuyên viên; và chuyện gì sẽ xảy ra cho những con người đã làm việc ở đó và sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi. Chỉ đến khi nào giáo dục bắt đầu nhận thức được tầm mức quan trọng của việc này và những vấn đề khác của con người thì cuộc sống chúng ta mới không còn trống rỗng.

Hiện nay cuộc sống của chúng ta rất trống rỗng, phải vậy không? Bạn có lẽ có một mảnh bằng đại học, bạn có lẽ lập gia đình và giàu có, bạn có lẽ rất thông minh, có nhiều thông tin, biết được nhiều quyển sách mới nhất; nhưng chừng nào bạn còn chất đầy tâm hồn của bạn với những sự việc của cái trí, cuộc sống của bạn chắc chắn phải trống rỗng, xấu xa, và nó sẽ chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Có vẻ đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống chỉ khi nào tâm hồn được lau sạch những sự việc của cái trí.

Bạn thấy không, tất cả những sự việc này là vấn đề riêng của chúng ta, nó không là vấn đề giả thuyết nào đó mà không liên quan đến chúng ta. Nếu như những con người chúng ta không biết làm thế nào chăm sóc quả đất và những sự vật của nó, nếu chúng ta không biết thương yêu con trẻ của chúng ta như thế nào và chỉ quan tâm đến chính chúng ta, đến sự tiến bộ và thành công thuộc quốc gia hay cá thể của chúng ta, chúng ta sẽ biến thế giới thành kinh tởm – mà là điều gì hiện nay chúng ta đang làm. Một quốc gia có lẽ trở nên rất giàu có, nhưng sự giầu có của nó là một liều thuốc độc chừng nào còn có quốc gia khác đang thiếu ăn. Chúng ta là loài người, quả đất dành cho chúng ta chia sẻ cùng nhau, và với sự chăm sóc thương yêu nó sẽ tạo ra thực phẩm, quần áo và chỗ ở cho tất cả chúng ta.

Vì vậy, chức năng của giáo dục không chỉ là chuẩn bị cho bạn đậu một vài kỳ thi, nhưng giúp bạn hiểu rõ toàn vấn đề của thương yêu– mà trong đó được bao gồm cả vấn đề sinh lý, kiếm sống, tiếng cười, có sáng tạo, nghiêm túc và biết làm thế nào suy nghĩ sâu sắc. Nó cũng là vấn đề của chúng ta phải tìm ra Chúa là gì, bởi vì đó chính là nền tảng của cuộc sống chúng ta. Một ngôi nhà không thể đứng vững lâu dài nếu không có nền móng thích hợp, và tất cả những sáng chế ma mãnh của con người sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không tìm được điều gì là Chúa hay sự thật.

Người giáo dục phải có thể giúp đỡ bạn hiểu rõ việc này, bởi vì bạn phải bắt đầu ngay từ thời niên thiếu, không phải khi bạn đã sáu mươi tuổi. Bạn sẽ không bao giờ tìm được Chúa ở tuổi sáu mươi, vì ở lứa tuổi đó hầu hết mọi người đều đã kiệt sức, chấm dứt. Bạn phải bắt đầu khi bạn còn rất trẻ, bởi vì sau đó bạn có thể xây dựng nền móng đúng đắn để cho ngôi nhà của bạn sẽ đứng vững qua tất cả những cơn bão mà con người tạo ra cho chính họ. Vậy thì bạn sẽ sống hạnh phúc bởi vì hạnh phúc của bạn không lệ thuộc bất kỳ cái gì, nó không lệ thuộc chiếc áo sari hay những nữ trang, những chiếc xe hơi hay máy thu thanh, vấn đề người nào đó thương yêu hay ghét bỏ bạn. Bạn hạnh phúc không phải bởi vì bạn sở hữu một cái gì đó, nhưng bởi vì cuộc sống của bạn có ý nghĩa trong chính nó. Nhưng ý nghĩa đó được khám phá chỉ khi nào bạn đang tìm kiếm sự thật từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc– và sự thật ở trong mọi thứ, nó không phải được tìm thấy trong nhà thờ, trong đền chùa, trong thánh đường, hay trong nghi lễ nào đó.

Muốn tìm được sự thật bạn phải biết cách lau sạch những lớp bụi bặm của hàng thế kỷ đã che kín nó; và làm ơn hãy tin tôi, thực hiện tìm kiếm sự thật đó là giáo dục đúng đắn. Bất kỳ người khôn ngoan nào cũng có thể đọc những quyển sách và tích lũy thông tin, đạt được một chức vụ và bóc lột những người khác, nhưng đó không là giáo dục. Học hỏi những môn học nào đó chỉ là một phần rất nhỏ của giáo dục; nhưng có một lãnh vực rộng lớn của cuộc sống mà chúng ta không được giáo dục gì cả, và với lãnh vực này chúng ta không có sự tiếp cận đúng đắn.

Tìm ra được cách tiếp cận cuộc sống để cho đang sống hàng ngày của chúng ta, những máy thu thanh, những chiếc xe hơi và máy bay của chúng ta có một ý nghĩa trong liên hệ đến một cái gì đó, sự thật, mà gồm cả và vượt khỏi tất cả chúng – đó là giáo dục. Nói cách khác, giáo dục phải bắt đầu với tôn giáo. Nhưng tôn giáo không liên quan gì với vị giáo sĩ, với nhà thờ, với bất kỳ giáo điều hay niềm tin. Tôn giáo là thương yêu mà không có động cơ, quảng đại, tốt lành, vì chỉ đến lúc đó chúng ta mới thực sự là những con người; nhưng tốt lành, quảng đại, hay thương yêu không hiện hữu ngoại trừ qua sự thực hiện tìm kiếm sự thật.

Bất hạnh thay, nguyên lãnh vực rộng lớn của cuộc sống này bị bỏ qua bởi vì cái gọi là nền giáo dục hiện nay. Bạn liên tục bị bận rộn với những quyển sách mà có rất ít ý nghĩa, và với việc đậu những kỳ thi mà còn ít ý nghĩa hơn. Chúng có lẽ cho bạn một việc làm, và điều đó có một ý nghĩa nào đó. Nhưng sắp tới đây nhiều nhà máy sẽ được vận hành hầu như hoàn toàn bằng máy móc và đó là lý do tại sao chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để được giáo dục cách sử dụng thời gian rảnh rỗi của chúng ta đúng đắn – không phải cho mục đích theo đuổi những lý tưởng, nhưng khám phá và hiểu rõ lãnh vực rộng lớn của sự hiện hữu mà lúc này chúng ta không ý thức và không biết gì cả. Cái trí, với những lý lẽ ma mãnh của nó, không là mọi thứ. Còn có cái gì đó bao la và không thể đo lường được vượt khỏi cái trí, một trạng thái kỳ diệu mà cái trí không thể hiểu được. Trong bao la đó có một ngây ngất, một vinh quang; và đang sống trong đó, đang trải nghiệm bao la đó là mục đích của giáo dục. Nếu bạn không có loại giáo dục đó, khi bạn gia nhập vào thế giới bạn sẽ nuôi dưỡng mãi mãi sự hỗn độn kinh tởm mà những thế hệ quá khứ đã tạo ra.

Vì vậy, những giáo viên và những em học sinh, hãy suy nghĩ về tất cả việc này. Đừng phàn nàn, hãy kề vai bạn vào bánh xe chuyển động và giúp đỡ tạo ra một môi trường nơi mà tôn giáo, trong ý nghĩa nghiêm túc của nó, được tìm hiểu, được tìm ra, được thương yêu và được sống. Rồi thì bạn sẽ thấy rằng cuộc sống trở thành phong phú kinh ngạc – còn phong phú hơn tất cả những tài khoản ngân hàng trong thế giới

Người hỏi: Làm thế nào con người lại có nhiều hiểu biết như thế? Làm thế nào con người tiến hoá theo vật chất? Từ đâu con người có được năng lượng vô biên như thế?

Krishnamurti: “Làm thế nào con người có nhiều hiểu biết như thế?” Điều đó khá đơn giản. Bạn biết điều gì đó và truyền lại cho con cái bạn; chúng thêm một chút nữa và truyền nó cho con cái chúng, và tiếp tục như thế qua nhiều thế hệ. Chúng ta thâu lượm hiểu biết từng chút một. Tổ tiên chúng ta không biết gì về những chiếc máy bay phản lực và những kỳ diệu của điện tử ngày nay; nhưng tánh tò mò, nhu cầu, chiến tramh, sợ hãi và tham lam đã tạo ra tất cả hiểu biết này bởi nhiều mức độ.

Bây giờ, có một sự việc khác thường về hiểu biết. Bạn có lẽ hiểu biết nhiều, thu thập vô số thông tin; nhưng một cái trí bị nhét đầy hiểu biết, bị chất nặng những thông tin, không có khả năng khám phá. Nó có lẽ sử dụng một khám phá nhờ vào hiểu biết và kỹ thuật, nhưng tự khám phá là cái gì đó có tính khởi đầu mà đột ngột bùng nổ cho cái trí không liên quan gì đến hiểu biết; và chính bùng nổ của khám phá này mới cần thiết. Hầu hết mọi người, đặc biệt trong quốc gia này, bị bủa vây bởi hiểu biết, bởi truyền thống, bởi quan điểm, bởi sợ hãi điều gì cha mẹ hay những người láng giềng của họ sẽ nói, đến nỗi họ không còn được tự tin nữa. Họ giống như những con người đã chết rồi – và đó là điều gì mà gánh nặng hiểu biết đã gây ra cho cái trí. Hiểu biết có hữu dụng, nhưng nếu không có cái gì khác nữa thì nó cũng gây hủy hoại, và nó đang được thể hiện qua những sự kiện của thế giới vào thời điểm hiện nay.

Hãy nhìn điều gì đang xảy ra trên thế giới. Có mọi phát minh tuyệt vời này: rada phát hiện ra sự đến gần của một máy bay khi nó còn ở xa nhiều dặm; những tàu ngầm có thể lặn dưới nước vòng quanh thế giới mà không cần nổi lên lần nào; sự kỳ diệu khi có thể nói chuyện từ Bombay đến Banaras hay New York, và vân vân. Tất cả việc này là kết quả của hiểu biết. Nhưng có một cái gì khác nữa đang mất đi, và vì vậy hiểu biết bị vận dụng sai lầm; có chiến tranh, hủy diệt, đau khổ và hàng triệu người bị đói khát. Họ chỉ có được một bữa ăn mỗi ngày, hay thậm chí còn ít hơn – và bạn chẳng biết gì về tất cả việc này. Bạn chỉ biết những quyển sách và những vấn đề cùng vui thú nhỏ nhoi của bạn tại một ngõ ngách riêng biệt nào đó của Banaras, Delhi, hay Bombay. Bạn thấy không, có lẽ chúng ta có nhiều hiểu biết, nhưng nếu không có một cái gì khác nữa mà con người sống dựa vào nó và trong đó có hân hoan, vinh quang, ngây ngất, chúng ta sẽ hủy diệt chính chúng ta.

Theo vật chất thì nó là cùng một sự việc: con người đã tiến hóa theo vật chất qua một qui trình dần dần. Và anh ấy có được năng lượng vô biên như thế từ đâu? Những nhà phát minh vĩ đại, những nhà thám hiểm và những nhà khám phá trong mọi lãnh vực phải có nhiều năng lượng; nhưng hầu hết chúng ta lại có rất ít năng lượng, phải vậy không? Khi còn nhỏ chúng ta chơi những trò chơi, chúng ta vui đùa, chúng ta nhảy múa và ca hát; nhưng khi chúng ta lớn lên chẳng mấy chốc năng lượng đó bị tiêu hao hết. Bạn không thấy sao? Chúng ta trở thành những người nội trợ uể oải, hay chúng ta đến văn phòng trong nhiều tiếng đồng hồ dài vô tận từ ngày này qua ngày khác, chỉ để kiếm sống; vì vậy đương nhiên chúng ta còn rất ít hay không còn năng lượng. Nếu chúng ta có năng lượng có lẽ chúng ta hủy diệt cái xã hội thối nát này, chúng ta có lẽ làm những việc nổi loạn nhất; vì vậy xã hội bảo đảm rằng chúng ta không có năng lượng, nó dần dần bóp nghẹt chúng ta qua “giáo dục,” qua truyền thống, qua cái tạm gọi là tôn giáo và văn hoá. Bạn thấy không, chức năng của giáo dục thực sự là đánh thức năng lượng của chúng ta và làm cho nó nổ tung lên, làm cho nó tiếp tục, mạnh mẽ, đầy đam mê, và vẫn vậy có những kềm hãm cùng lúc và tự vận dụng nó trong sự khám phá sự thật. Vậy là năng lượng đó trở thành vô hạn, không còn ranh giới và nó không gây đau khổ thêm nữa nhưng trong chính nó là nguồn sáng tạo của xã hội mới.

Làm ơn hãy lắng nghe những gì tôi đang nói, đừng gạt nó đi, bởi vì nó rất quan trọng. Đừng chỉ đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy tìm ra cho chính bạn liệu có sự thật trong điều gì đang được nói hay không. Đừng dửng dưng: hãy là hoặc bùng nổ hoặc nguội lạnh. Nếu bạn thấy sự thật của tất cả việc này và thực sự bùng cháy cùng nó, cái sức nóng đó, cái năng lượng đó sẽ phát triển và tạo ra một xã hội mới. Nó không tự làm cạn kiệt chính nó bằng cách chỉ phản kháng bên trong xã hội hiện nay, mà giống như đang trang trí những bức tường của một nhà tù.

Vì vậy vấn đề của chúng ta, đặc biệt trong giáo duc, là làm thế nào duy trì được mọi năng lượng mà chúng ta có và cho nó sinh lực thêm, một sức mạnh nổ tung lớn hơn. Điều này đòi hỏi nhiều hiểu rõ, bởi vì thông thường chính những người giáo viên có rất ít năng lượng; họ bị bủa vây bởi thuần túy những thông tin và đều bị chết ngợp trong những vấn đề riêng của họ, vì vậy họ không thể giúp đỡ em học sinh đánh thức được năng lượng sáng tạo này. Đó là lý do tại sao hiểu rõ những vấn đề này cũng phải là quan tâm chính của người giáo viên lẫn em học sinh.

Người hỏi: Tại sao cha mẹ tôi tức giận khi tôi nói rằng tôi muốn theo một tôn giáo khác?

Krishnamurti: Trước hết họ quyến luyến tôn giáo riêng của họ, họ nghĩ nó là tốt lành nhất và có lẽ còn là tôn giáo độc nhất trong thế giới, vì vậy đương nhiên họ cũng muốn bạn đi theo nó. Thêm nữa họ lại muốn bạn bám chặt vào cách suy nghĩ riêng của họ, nhóm người của họ, chủng tộc của họ, giai cấp của họ. Đây là một vài lý do, và cũng vậy, bạn thấy không, nếu bạn theo một tôn giáo khác bạn sẽ trở thành một người gây phiền toái, một rắc rối cho gia đình mình.

Nhưng việc gì xảy ra ngay cả khi bạn đã rời một tôn giáo có tổ chức để theo một tôn giáo có tổ chức khác? Bạn chỉ di chuyển đến một nhà tù khác phải không? Bạn thấy không, chừng nào cái trí của bạn còn bám vào một niềm tin, nó còn bị nhốt trong nhà tù. Nếu bạn được sinh ra là một người Ấn độ giáo và trở thành một người Thiên chúa giáo cha mẹ bạn có lẽ tức giận, nhưng đó là một vấn đề nhỏ. Điều gì quan trọng là hiểu rõ rằng khi bạn theo một tôn giáo khác bạn chỉ đang khoác vào một bộ giáo điều khác để thay thế cái cũ mà thôi. Bạn có lẽ có năng động thêm một tí nữa, nhiều hơn một chút cái này hay cái kia, nhưng bạn vẫn ở trong nhà tù của niềm tin và giáo điều.

Vì vậy đừng thay đổi những tôn giáo, mà chỉ là phản kháng trong nhà tù, nhưng hãy phá vỡ những bức tường của nhà tù và tìm ra cho mình Chúa là gì, sự thật là gì. Việc đó có ý nghĩa, và nó sẽ cho bạn một sức sống khủng khiếp, một năng lượng vô biên. Nhưng chỉ di chuyển từ một nhà tù này sang một nhà tù khác và cãi cọ nhà tù nào tốt hơn – đó là trò chơi của trẻ con.

Thoát ra khỏi nhà tù của niềm tin đòi hỏi một cái trí chín chắn, một cái trí suy nghĩ sâu sắc, một cái trí trực nhận bản chất của chính cái nhà tù, và không so sánh một nhà tù này với một nhà tù khác. Muốn hiểu rõ một điều gì đó bạn không thể so sánh nó với một điều gì khác. Hiểu rõ không đạt được qua so sánh, nó đến chỉ khi nào bạn tìm hiểu, chính sự việc đó. Nếu bạn tìm hiểu bản chất của tôn giáo có tổ chức bạn sẽ thấy rằng tất cả các tôn giáo theo căn bản đều giống hệt nhau, dù rằng đó là Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo – hay chủ nghĩa cộng sản, mà là một hình thức khác của tôn giáo, hình thức mới mẻ nhất. Khoảnh khắc bạn hiểu rõ cái nhà tù, mà có nghĩa trực nhận tất cả những ngụ ý của niềm tin, của những lễ nghi và những vị giáo sĩ, bạn sẽ không bao giờ lệ thuộc lần nữa vào bất kỳ tôn giáo nào; bởi vì chỉ có người được tự do khỏi niềm tin mới có thể khám phá cái vượt khỏi tất cả niềm tin, cái vô hạn.

Người hỏi: Cách thực sự để xây dựng nhân cách là gì?

Krishnamurti: Chắc chắn nhân cách có nghĩa là chống lại điều giả dối và hiểu rõ sự thật; nhưng muốn xây dựng nhân cách thật khó khăn, bởi vì với hầu hết chúng ta, điều gì được nói bởi quyển sách, bởi giáo viên, bởi cha mẹ, bởi chính phủ còn quan trọng hơn tìm ra điều gì chính chúng ta suy nghĩ. Suy nghĩ cho chính bản thân mình, tìm ra sự thật là gì và ủng hộ nó, mà không bị ảnh hưởng, dù cuộc sống có mang đến đau khổ hay hạnh phúc – đó là cái gì xây dựng nên nhân cách.

Ví dụ, bạn không tin tưởng chiến tranh, không phải bởi vì điều gì người đổi mới hay vị thầy tôn giáo nào đó đã nói, nhưng bởi vì bạn đã suy nghĩ ra nó cho chính mình. Bạn đã tìm hiểu, đã đi sâu vào câu hỏi, đã suy gẫm nó, và đối với bạn tất cả việc giết chóc đều là sai lầm, dù rằng giết để ăn, giết vì hận thù, hay giết vì điều tạm gọi là tình yêu tổ quốc của người ta. Bây giờ, nếu bạn cảm thấy việc này rất mạnh mẽ và kiên trì bám chặt nó bất chấp mọi thứ, không thèm lưu tâm liệu bạn có vào tù hay bị bắn chết vì nó như bạn có lẽ gặp phải ở trong những quốc gia nào đó, vậy thì bạn sẽ có nhân cách. Vậy thì nhân cách có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, nó không là cái nhân cách mà xã hội đã duy trì.

Nhưng, bạn thấy không, chúng ta không được khuyến khích theo hướng này; và cũng không có người giáo dục hay em học sinh nào có sinh lực, năng lượng để suy nghĩ ra và hiểu rõ sự thật là gì, và kiên định với nó, buông bỏ điều giả dối đi. Nhưng nếu bạn có thể làm được việc này vậy thì bạn sẽ không chạy theo bất kỳ vị lãnh đạo chính trị hay tôn giáo nào, bởi vì bạn sẽ là một ngọn đèn cho chính bạn; và khám phá cùng vun quén ngọn đèn đó, không chỉ trong khi bạn còn trẻ nhưng suốt cả cuộc đời, chính là giáo dục.

Người hỏi: Tuổi tác cản trở con đường thông hiểu Chúa như thế nào?

Krishnamurti: Tuổi tác là gì? Nó có phải là con số của những năm bạn đã sống hay không? Đó là một phần của tuổi tác; bạn được sinh ra vào một năm nào đó, và bây giờ bạn mười lăm, bốn mươi hay sáu mươi tuổi. Thân thể bạn trở nên già nua – và cái trí của bạn cũng vậy khi nó bị đè nặng bởi những trải nghiệm, những đau khổ, và những sầu thảm của cuộc sống; và một cái trí như thế không bao giờ có thể khám phá sự thật là gì. Cái trí có thể khám phá được chỉ khi nào nó còn tươi tắn, trong sáng và hồn nhiên; nhưng hồn nhiên không là vấn đề của tuổi tác. Không phải một đứa trẻ mới hồn nhiên – cậu ấy có lẽ không hồn nhiên – nhưng chính cái trí mà có khả năng trải nghiệm nhưng không tích lũy cái cặn bã của trải nghiệm. Cái trí phải trải nghiệm, đó là điều hiển nhiên. Nó phải phản ứng với mọi thứ – con sông, con thú bị bệnh, xác chết đang được mang đi hỏa thiêu, những người dân làng đang khuân những gánh nặng dọc theo con đường, những hành hạ và đau khổ của cuộc sống – nếu không nó đã chết rồi; nhưng nó phải có khả năng phản ứng mà không bị nhốt giữ bởi trải nghiệm. Chính là truyền thống, sự tích lũy của trải nghiệm, những tro bụi của ký ức, mới làm cho cái trí cằn cỗi. Cái trí chết đi mỗi ngày những kỷ niệm của ngày hôm qua, chết đi tất cả những niềm vui và nỗi buồn của quá khứ – một cái trí như thế là trong sáng, hồn nhiên, nó không tuổi tác; và nếu không có hồn nhiên đó, dù bạn mười hay sáu mươi tuổi, bạn sẽ không tìm được Chúa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]