Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Cái Nhìn Thấy, Hành Động, Giấc Mộng, cái Chết

27/04/201106:53(Xem: 4549)
1. Cái Nhìn Thấy, Hành Động, Giấc Mộng, cái Chết

NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ
Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000

PHẦN BA:
SỰ THỰC HÀNH YOGA GIẤC MỘNG

1. Cái Nhìn Thấy, Hành Động,
Giấc Mộng, cái Chết

Tantra Mẹ nói rằng nếu người ta không tỉnh thức trong cái nhìn thấy, không chắc chắn người ta sẽ tỉnh thức trong hành xử. Nếu người ta không tỉnh thức trong hành xử, không chắc chắn người ta tỉnh thức trong giấc mộng. Và nếu người ta không tỉnh thức trong giấc mộng, bấy giờ người ta không chắc chắn tỉnh thức trong trung ấm sau khi chết.

Điều này có nghĩa là gì? “Cái nhìn thấy” trong bối cảnh này không chỉ có nghĩa là những hiện tượng thuộc thị giác, mà hơn nữa, toàn thể kinh nghiệm. Nó bao gồm mọi tri giác, cảm giác và biến cố tâm trí và tình cảm, cũng như mọi thứ có vẻ như ở ngoài chúng ta. Cái nhìn thấy là cái chúng ta “thấy” như kinh nghiệm; nó là kinh nghiệm của chúng ta. Không tỉnh thức trong cái thấy nghĩa là không thể thấy chân lý của cái khởi lên trong kinh nghiệm và thay vì thế, bị mê lầm bởi những hiểu sai của tâm thức nhị nguyên, sai lầm với những phóng chiếu và tưởng tượng của tâm thức ấy đối với thực tại.

Khi chúng ta không tỉnh giác về hoàn cảnh thực chúng ta đang hiện hữu, thật khó đáp ứng một cách khéo léo thiện xảo với cái chúng ta gặp gỡ trong đời sống cả trong lẫn ngoài. Thay vào đó, chúng ta phản ứng theo thói quen nghiệp lực của bám lấy và ghét bỏ, bị dẫn dắt theo cách này bởi những bất hạnh và hy vọng hão huyền. Hành động căn cứ trên những mê lầm này nghĩa là không tỉnh giác trong hành xử. Kết quả của hành động như vậy là sự củng cố thêm tham, sân, si và tạo thêm những dấu vết nghiệp xấu.

Những giấc mộng khởi từ cùng những dấu vết nghiệp ấy cai quản những kinh nghiệm khi thức của chúng ta. Nếu chúng ta cũng phóng dật để thâm nhập vào những tưởng tượng và vọng tưởng của tâm thức vọng động lúc ban ngày, chúng ta sẽ hầu như bị trói buộc bởi cùng những giới hạn trong khi mộng. Đây là “không tỉnh thức trong giấc mộng”. Những hiện tượng mộng chúng ta gặp sẽ gọi dậy trong chúng ta cùng những phiền não và phản ứng nhị nguyên mà chúng ta đã bị chìm đắm vào khi thức, và khó khăn để khai triển sự sáng sủa hay đi vào những thực hành xa hơn.

Chúng ta đi vào bardo, trung ấm sau cái chết, đúng như chúng ta đi vào giấc mộng sau khi rơi vào giấc ngủ. Nếu kinh nghiệm giấc mộng của chúng ta thiếu sự sáng tỏ và thuộc những trạng thái phiền não mê mờ và phản ứng thói quen, chúng ta sẽ kinh nghiệm tiến trình cái chết theo cùng cách đó. Chúng ta sẽ bị dẫn dắt vào sự trói buộc thuộc nghiệp lực hơn nữa bằng cách phản ứng một cách nhị nguyên với những cái nhìn thấy trong trạng thái trung ấm, và sự tái sanh tương lai của chúng ta sẽ được xác định bởi những khuynh hướng nghiệp nào chúng ta đã từng trau dồi trong cuộc sống. Đây là “không tỉnh giác trong trung ấm.”

Ngược lại, khi chúng ta tiếp tục đem sự tỉnh giác vào lúc trung gian, khả năng này sẽ sớm được tìm thấy trong giấc mộng. Khi chúng ta trau dồi sự hiện diện trong giấc mộng, chúng ta tự chuẩn bị cho cái chết. Sự thực hành giấc mộng có tương quan với sự tiến bộ này.

Để tiến bộ chúng ta phải khai triển một sự an định nào đó trong tâm thức để chúng ta có thể giữ gìn tỉnh giác lớn lơn trong kinh nghiệm, trong “cái nhìn thấy” và khai triển khả năng đáp ứng khéo léo thiện xảo. Bởi thế sự thực hành đầu tiên là an định (samatha), trong đó tâm thức được huấn luyện cho tĩnh lặng, tập chú và lanh lợi cảnh giác.

Khi chúng ta đem sự tỉnh giác lớn hơn vào kinh nghiệm, chúng ta có thể chiến thắng những thói quen phản ứng đặt nền trên những vọng tưởng của tâm thức quy ước. Bốn sự thực hành căn bản làm cho tính linh hoạt mềm dẻo này tiến xa hơn bằng cách tu tập tâm thức sử dụng bất kỳ đối tượng nào trong kinh nghiệm khi thức như là một nguyên nhân để tăng thêm sáng tỏ và hiện diện. Vì chúng ta nới lỏng sự trói buộc của phản ứng theo nghiệp, chúng ta có thể chọn lựa hành động một cách tích cực, tốt đẹp. Điều này là sự đem tỉnh giác vào trong hành xử.

Sự tỉnh giác chúng ta đã làm vững chắc trong kinh nghiệm khi thức và làm cho biểu lộ trong những hành xử của chúng ta sẽ tự nhiên bắt đầu khởi sanh trong giấc mộng. Những thực hành ban đầu dùng sự hiểu biết về khí, những luân xa và tâm thức để hỗ trợ cho sự làm vững mạnh sự tỉnh giác trong giấc mộng. Chúng được làm trước khi rơi vào giấc mộng và trong ba thời thức trải qua đêm. Một khi sự sáng tỏ đã được khai triển, có những thực hành nữa trong suốt chính giấc mộng để khai triển tính linh hoạt của tâm thức, để bẻ gãy những giới hạn và hiểu sai chúng cột trói chúng ta vào sanh tử.

Cũng như sự sáng tỏ và hiện diện đã trau dồi trong đời sống, khi thức được đem vào trong giấc mộng, sự sáng tỏ và hiện diện đã trau dồi trong giấc mộng được đem vào trong cái chết. Nếu người ta hoàn thành đầy đủ yoga giấc mộng, thì người ta được chuẩn bị để đi vào trạng thái trung ấm sau khi chết với tri kiến đúng đắn và sự vững chắc trong sự hiện diện bất nhị cần thiết để đạt đến giải thoát.

Đây là chuỗi liên hoàn: cái tỉnh giác trong khoảnh khắc đầu của kinh nghiệm, trong sự đáp ứng, trong giấc mộng và rồi trong cái chết. Người ta không thể bắt đầu ở chỗ chấm dứt. Bạn có thể xác định cho chính bạn sự thực hành của bạn trưởng thành được bao nhiêu: khi bạn gặp gỡ những hiện tượng của kinh nghiệm, hãy xem xét những cảm giác của bạn và những phản ứng với những cảm giác. Bạn bị những phản ứng của bạn với những đối tượng của kinh nghiệm điều khiển hay bạn điều khiển những phản ứng của bạn đối với chúng? Bạn có bị ném vào những phản ứng phiền não do những thích và ghét của bạn hay bạn có thể ở trong sự hiện diện kiên cố trong những tình huống khác nhau ? Nếu là cái trước, sự thực hành sẽ trau dồi sự hiện diện cần để giải thoát bạn khỏi sự bị điều kiện hóa và hoạt động nghiệp lực. Nếu là cái sau, bạn sẽ khai triển tăng cường sự vững chắc trong tánh giác và những giấc mộng của bạn sẽ thay đổi theo những cách phi thường.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]