Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Sáu: Thiền Định

02/04/201108:49(Xem: 3598)
Chương Sáu: Thiền Định

CUỘC ĐỜI CỦA MILAREPA

Đại Thiền Giả Một Đời Thành Phật của Tây Tạng
Một Bản Dịch Mới Từ Tiếng Tây Tạng Bởi Lobsang P. Lhalungpa
Nguyên tác: The Life of Milarepa - A New Translation from the Tibetan
by Lobsang P. Lhalungpa, Arkana, 1993 - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000

PHẦN HAI
CHƯƠNG SÁU
THIỀN ĐỊNH

Bấy giờ Retchung hỏi, “Đạo sư Tôn Quý, khi ngài đến nơi quê nhà, ngài có thấy mẹ ngài còn sống hay sự việc đúng như ngài nằm mộng?”

Đạo sư trả lời, “Đúng như trong giấc mộng kia, thầy không may mắn gặp lại mẹ nữa.” Bấy giờ Retchung nói, “Bạch Đạo sư, xin ngài nói cho chúng con ngôi nhà của ngài ra sao và ai là người ngài gặp đầu tiên ?” Và Milarepa tiếp tục :

Người đầu tiên thầy gặp là những người chăn cừu. Đó là chỗ thung lũng trên cao từ đó thầy có thể thấy căn nhà của thầy. Làm như không biết, thầy hỏi tên vùng này và những ai là chủ đất ở đây. Họ thành thật trả lời. Rồi chỉ ngôi nhà của mình, thầy hỏi, “Và chỗ dưới kia, gọi là gì? Tên người chủ là ai?”

Một người chăn cừu trả lời, “Căn nhà đó gọi là Bốn Cột và Tám Xà. Nó không có chủ, chỉ có hồn ma.”

“Những người ở đó đã chết hay bỏ làng rồi?” Thầy hỏi.

“Một thời chủ của ngôi nhà ấy là một người giàu có nhất vùng. Ông chết sớm, để lại chỉ có một đứa con trai còn nhỏ. Bởi vì người cha làm chúc thư không khôn ngoan, những anh em họ lấy mất toàn bộ tài sản của đứa con trai. Khi đứa con lớn lên, để trừng phạt họ đã chiếm gia tài, nó đem lại bất hạnh cho làng bằng cách phóng ra những chú thuật và làm những trận mưa đá.”

“Có lẽ người ta sợ thần bảo vệ của anh ta và thậm chí không dám nhìn ngôi nhà và miếng đất, hãy để tôi một mình đến đó.” Thầy nói.

Người chăn cừu nói tiếp, “Ngôi nhà chứa hài cốt của bà mẹ và có hồn ma của bà. Còn đứa em gái của anh ta bỏ hài cốt mẹ ở đó rồi ra đi đâu mất, không ai biết. Về phần anh con trai, anh ta đã chết hay mất tích. Có nghe nói có một cuốn sách thiêng ở trong nhà. Ẩn sĩ, nếu ông dám, hãy đến xem tận mắt.”

“Những biến cố ấy xảy ra đã bao lâu ?”

“Người mẹ đã chết khoảng tám năm trước. Không ai nhớ gì ngoài những lời nguyền và mưa đá. Tôi cũng chỉ nghe nói về điều ấy từ những người khác.”

Quả là những người dân làng sợ thần bảo vệ của thầy như vậy.

Thầy nghĩ họ sẽ không dám làm hại thầy. Nhưng sự biết chắc rằng người mẹ già nua của thầy đã chết và em gái lang thang làm lòng thầy ngập đầy buồn đau. Thầy khóc, và tìm chỗ nấp cho đến khi chiều xuống. Đợi trời tối, thầy đi vào làng.

Thật đúng như trong giấc mộng của thầy. Thửa đất lấp đầy cỏ dại. Thầy vào nhà, trước kia nguy nga như một ngôi chùa. Mưa và bụi rơi trên những cuốn sách kinh, Lâu Đài Châu Ngọc. Chuột đã làm ổ ở đó, phân chim phân chuột phủ đầy sách vở. Thấy cảnh đó, thầy chìm trong suy tưởng và lòng thầy trĩu nặng buồn rầu.

Thầy đi vào phòng chính. Những đổ nát của lò sưởi trộn với rác rưới làm thành một đống đất cỏ dại um tùm. Ở đó có những ống xương trắng không còn nguyên vẹn. Thầy hiểu đó là bộ xương của mẹ mình. Nhớ lại mẹ, thầy chấn động vì xúc cảm và hầu như ngất đi.

Ngay sau đó, thầy nhớ lại những lời dạy của lama. Hợp nhất tâm thức thầy với tâm thức của mẹ và với tâm giác ngộ của chư lama dòng Kagyuš, thầy ngồi trên bộ xương của mẹ và thiền định với một sự tỉnh giác thanh tịnh không một khoảnh khắc phóng dật trong thân, ngữ, tâm. Thầy thấy rõ khả năng giải thoát cho cha và mẹ khỏi sự khổ đau của sanh tử luân hồi.

Bảy ngày trôi qua và thầy ra khỏi thiền định. Thầy bắt đầu tư duy về sự phù phiếm của sanh tử. Thầy sẽ làm một di tích để thờ bằng xương cốt mẹ thầy, và thầy bán bộ sách Lâu Đài Châu Ngọc để làm việc ấy. Sau đó, thầy sẽ đến Núi Răng Ngựa Trắng và hiến mình cho thiền định ngày đêm trong suốt quãng đời còn lại của mình và sẽ tự tử nếu nghĩ đến Tám Mối Bận Tâm của Thế Gian. Nếu thầy thua quy luật của dục lạc, nguyện những hộ pháp hãy lấy đi mạng sống của thầy. Thầy lập đi lập lại lời thề này từ đáy sâu của lòng mình.

Thầy gom xương của mẹ thầy và những cuốn sách lại, và lễ bái chúng, sau khi đã phủi sạch bụi và phân chim. Sách không bị hư hại nhiều và còn đọc được. Trên lưng, thầy vác phần đầu của bộ sách không bị hư hại, xương mẹ thầy mang trước ngực. Lòng thầy tràn ngập sự phù du vô ích của sanh tử. Vượt khỏi sự đau buồn mênh mông, thầy hát lên Bài Ca Bình Thản này, cam kết hiến trọn đời mình cho Phật tánh, mục tiêu cốt lõi của Pháp :

“Ôi bậc Tôn Quý, Bi Mẫn và Bất Động,
Đúng như lời tiên tri của Marpa Dịch Giả,
Ở đây trong ngục tù ma quỷ của quê hương con
Con tìm thấy một vị thầy của huyễn ảo phù du.

Xin ban phước cho con, để con có thể hấp thụ những
sự thật
Do vị thầy này ban cho.
Mọi sự vật hiện hữu
Đều vô thường và chuyển động thường trực.
Và đặc biệt thế giới sanh tử này
Thì không tự tánh, không mục tiêu, không giá trị.

Hơn là dấn thân vào những hoạt động phù phiếm
Con phải hiến mình cho mục tiêu cốt lõi của Pháp.

Trước tiên, khi có một người cha,
Thì không có đứa con.
Khi đã có đứa con, thì cha không có nữa,
Sự gặp gỡ của chúng ta chỉ là hư huyễn.
Tôi, đứa con ấy, sẽ thực hành Thật Pháp.
Tôi đi thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng xa kia.

Khi có một bà mẹ, đứa con không có.
Giờ con đến đây, mẹ đã mất rồi,
Sự gặp gỡ của chúng ta chỉ là hư huyễn.
Tôi, đứa con ấy, sẽ thực hành Thật Pháp.
Tôi đi thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng xa kia.

Khi có một em gái, thì người anh không có.
Nay anh đã đến, em gái lại lang thang
Sự gặp gỡ của chúng ta chỉ là hư huyễn.
Tôi, người anh ấy, sẽ thực hành Thật Pháp.
Tôi đi thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng xa kia.

Khi có những cuốn kinh, thì không có sự tôn kính.
Giờ tôi tôn kính những cuốn kinh, chúng đã hư hại vì mưa,
Sự gặp gỡ của chúng ta chỉ là hư huyễn
Tôi, người con ấy, sẽ thực hành Thật Pháp.
Tôi đi thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng xa kia.

Khi có ngôi nhà, thì không có chủ.
Nay chủ đã đến, nó lại sập nát rồi,
Sự gặp gỡ của chúng ta chỉ là hư huyễn.
Tôi, người con ấy, sẽ thực hành Thật Pháp.
Tôi đi thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng xa kia.

Khi có miếng đất phì nhiêu, thì không người làm.
Nay người làm đến, nó đã thành rừng,
Sự gặp gỡ của chúng ta chỉ là hư huyễn.
Tôi, người con ấy, sẽ thực hành Thật Pháp.
Tôi đi thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng xa kia.

Này đất, này nhà, này quê hương đất tổ
Đều thuộc về một thế giới không sanh,
Hãy để ai ngu mê nhận lấy chúng.
Là ẩn sĩ, Thật Tánh tôi tìm.

Hỡi Cha bi mẫn, Dịch Giả Marpa,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày này để nó có thể thiền định trong đơn độc.”

Sau khi hát bài ca này, thầy bỏ đi đến nhà thầy dạy ngày xưa chỉ cho thầy học đọc. Ông đã chết, thế nên thầy trao phần đầu Lâu Đài Châu Ngọc cho con của thầy giáo, nói, “Tôi sẽ đưa cho anh phần còn lại của bộ sách thiêng liêng này. Hãy làm những tượng nhỏ bằng xương của mẹ tôi.”

Anh ta trả lời, “Những vị thần bảo vệ của ông chắc chắn theo sách của ông, thế nên tôi không muốn sách đâu, nhưng tôi sẽ làm giúp ông những tượng nhỏ.”

“Những thần bảo vệ của tôi không giữ gìn những cái gì tôi đã tặng.”

“Thế thì được”, anh ta nói.

Với sự phụ giúp của thầy, anh làm những tượng nhỏ bằng xương của mẹ thầy.(1) Rồi hai người cử hành lễ cúng và an vị những tượng vào trong một cái tháp. Sau đó thầy sửa soạn rời bỏ.

Người con của thầy giáo nói, “Hãy ở lại đây vài ngày chuyện trò, và tôi sẽ đưa cho ông những đồ cần thiết.”

Thầy trả lời, “Tôi không có thời giờ để trò chuyện. Tôi khát khao chuyện thiền định.”

“Vậy thì hãy ở lại đêm nay. Ngày mai khi ra đi tôi sẽ cho ông lương thực.”

Thầy bằng lòng ở lại, và anh ta nói tiếp, “Khi ông còn trẻ, ông đã đánh bại những kẻ thù của ông bằng huyền thuật. Nay ông đang thời kỳ sung sức nhất của cuộc đời, ông thuyết giảng một giáo lý kỳ diệu. Một ngày nào ông sẽ trở thành một đại Bồ tát. Từ lama nào ông đã nhận những giáo huấn, các ngài ấy là ai ?” Anh ta hỏi thầy nhiều câu hỏi rất chi tiết.

Thầy trả lời, “Tôi đã có được giáo huấn Đại Toàn Thiện. Nhưng trên tất cả, tôi đã gặp ngài Marpa.”

“Kỳ diệu thay ! Nếu là thế, quả tốt đẹp nếu ông sửa sang lại nhà cửa, cưới cô Zessay, và tiếp tục theo bước chân của lama của ông.”

Thầy trả lời, “Lama Marpa lập gia đình là vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Nhưng tôi không có ý định cũng như có khả năng làm như ngài. Làm như vậy mà không có công đức hạnh nguyện như ngài thì cũng giống như một con thỏ tưởng tượng mình có thể theo dấu chân một con sư tử. Nó sẽ rơi vào vực sâu và chắc chắn chết. Buồn chán vòng sanh tử luân hồi, tôi không muốn gì ngoài thiền định và tuân theo những lời dạy của lama. Nền tảng căn bản nhất của giáo pháp của ngài là sự thiền định thực hành trong hoang vắng. Chính trong cách thức ấy mà tôi sẽ tiếp tục con đường của ngài. Chỉ bằng thiền định tôi mới có thể đáp ứng được những hy vọng của ngài. Nó sẽ phụng sự mục tiêu của giáo lý và giúp đỡ tất cả chúng sanh. Thậm chí nó cứu độ cha và mẹ tôi, và sẽ đem lại sự thành tựu cho mục đích của tôi. Tôi chỉ biết làm thế nào để thiền định, và tôi không thể làm gì khác.

“Tôi không có ý nghĩ nào khác. Tôi trở về làng cũ chủ yếu bởi vì cha mẹ tôi có một ngôi nhà và tài sản ở đó. Sự biến mất tất cả tài sản thế gian của tôi đã làm mạnh thêm ước muốn thiền định của tôi đến độ bây giờ nó giống như một ngọn lửa cháy hừng hực trong lồng ngực.

“Những người khác không biết đến những bất hạnh như vậy. Với những ai không nghĩ đến những khổ đau của cái chết và những cõi thấp, những lạc thú cảm giác của cuộc đời có thể là đủ. Về phần tôi, mọi thứ đó thúc đẩy tôi hiến mình cho thiền định với sự hoàn toàn chẳng màng đến thực phẩm, áo quần hay sự công nhận.”

Với giọng xúc động, thầy hát bài ca này :

“Con lạy dưới chân Thầy Marpa, bậc Toàn Thiện.
Xin ban phước cho kẻ ăn mày này để nó thoát khỏi những bám luyến thế phàm.

Than ôi ! Than ôi ! Khổ thay, khổ thay !
Khi tôi nghĩ đến những người tin vào những sự vật thế gian,
Lòng tôi ngập đầy đau buồn.

Vui thích với những sự vật thế gian làm khơi dậy khốn khổ tận ngọn nguồn của nó.
Và người ta bị ném vào xoáy nước sanh tử cuồn cuộn không ngừng.
Họ có thể làm gì, những người bị mắc lưới muộn phiền và thống khổ ?
Không có cách hành động nào khác ngoài sự sùng mộ Pháp.

Marpa Tôn Quý, Bất Động, bậc Nắm Giữ Chân Lý Tối Hậu,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày này để nó có thể sống trong cô liêu.
Trong thành phố của huyễn ảo phù du,
Người lữ khách từ phương xa đã đau lòng cảm xúc.

Trong miền Gungthang tuyệt vời đẹp đẽ
Những đàn cừu, bãi cỏ xanh tươi
Bây giờ chỉ còn là nơi hoang vu ma quỷ.
Đấy, thêm nữa một thí dụ của huyễn ảo phù du,
Một tấm gương đẩy dồn tôi vào thiền định.

Căn phòng chính của ngôi nhà Bốn Cột và Tám Xà
Bây giờ đổ nát xù xì như bờm một con thú.
Ngôi nhà tôi với bốn góc, bốn tường và tháp nhọn
Ngày hôm nay tả tơi như một cái tai lừa.
Đấy, thêm nữa một thí dụ của huyễn ảo phù du,
Một tấm gương đẩy dồn tôi vào thiền định.

Miếng đất tốt tươi của tôi, Tam Giác Phì Nhiêu,
Bây giờ cỏ dại thôn tính.
Anh em họ và bà con thân thuộc
Ngày nay là những kẻ thù ghét tôi,
Mở cuộc chiến chống lại chúng tôi.
Đấy, thêm nữa một thí dụ của huyễn ảo phù du,
Một tấm gương đẩy dồn tôi vào thiền định.
Bây giờ người cha tốt của tôi, Mila Ngọn Cờ Trí Huệ,
Không còn nữa, không còn dấu vết.
Mẹ của tôi, Bạch Ngọc, dòng dõi Nyang,
Không là gì ngoài một đống xương tàn.
Đấy, thêm nữa một thí dụ của huyễn ảo phù du,
Một tấm gương đẩy dồn tôi vào thiền định.

Thầy tu của gia đình, Những Viên Ngọc của Cõi Trời,
Bây giờ đi làm đầy tớ.
Những cuốn sách thiêng, Lâu Đài Châu Ngọc,
Ngày nay là tổ của đám chuột hoang.
Đấy, thêm nữa một thí dụ của huyễn ão phù du,
Một tấm gương đẩy dồn tôi vào thiền định.

Người cậu bên ngoại của tôi, Yung Chiến Thắng,
Ngày nay sống giữa kẻ thù của tôi.
Em gái tôi, Peta Che Chở Hạnh Phúc
Lưu lạc nơi đâu không một dấu tích nào.
Đấy, thêm nữa một thí dụ của huyễn ảo phù du,
Một tấm gương đẩy dồn tôi vào một cuộc đời thiền định.

Marpa Tôn Quý, bậc Bất Động và Đại Bi,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày này để nó thiền định trong cô quạnh.”

Buồn sầu, thầy hát bài ca ấy.

Người con của thầy giáo kêu lên, “Lạ lùng thay, nhưng đó là sự thật !” Và anh ta thở dài. Vợ anh ta nức nở khóc ròng. Thầy đã thấy cảnh hoang tàn của làng mình, và thầy không thể làm gì khác ngoài việc lập đi lập lại quyết tâm tiếp tục thiền định. Thầy giữ sự mong muốn này sâu tận đáy lòng mình và thường trực thực hành thiền định, thầy không còn lý do nào để hối tiếc.

Milarepa nói như thế. Đây là chương thứ sáu, trong đó Milarepa được tính phù phiếm huyễn ảo của sanh tử thuyết phục, quyết định hiến mình cho thiền định.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]