Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Chiêm bái các Phật tích

25/03/201103:16(Xem: 4250)
9. Chiêm bái các Phật tích

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH

Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

CHIÊM BÁI CÁC PHẬT TÍCH

Sau khi được toàn tánh mạng, và thoát khỏi tay bọn cướp hung ác một cách bất ngờ, Ngài Huyền Trang đi về phía Đông Bắc là nơi có nhiều Phật tích quý báu, trong số ấy có 6 đại thánh địa mà mọi Phật tử, khi sang Ấn Độ hành hương, đều ao ước được đến chiêm bái. Sáu đại thánh địa ấy là: Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật giáng sanh; Thành Ca Tỳ La Vệ, nơi trưởng dưỡng của Ngài khi chưa xuất gia; Bồ đề đạo tràng, nơi đức Phật thành Đạo; vườn Nai, nơi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên cho nhóm ông Kiều Trần Như; vườn Trúc Lâm hay Cấp Cô Độc, nơi Ngài nhập Niết-bàn.

Trong cuộc chiêm bái của Pháp sư Huyền Trang, Ngài không theo thứ tự như đã kể trên, nhưng theo sự thuận tiện trong cuộc hành trình mà tuần tự chiêm bái những nơi sau đây:

1. Chiêm bái vườn Trúc Lâm hay Cấp Cô Độc.

Vườn này có tên là Cấp Cô Độc vì do một vị trưởng giả giàu có, ông Tu Đạ Na, cúng cho đức Phật để làm nơi thuyết pháp. Sự tích cúng vườn này cũng là một điều lý thú nên nhắc lại: Ông Tu Đạt Na là một người giàu lòng bố thí, thường cung cấp nuôi dưỡng những mẹ góa, con côi nghèo khổ, cho nên được người đời tặng cho biệt hiệu là Cấp Cô Độc trưởng giả. Khi Phật đến thuyết pháp tại thành Vương Xá (Kocala, nay là tỉnh Oude), ông Tu Đạt Na xin nguyện cúng cho Ngài một nơi yên tĩnh để làm tịnh xá. Ông lựa được một chỗ đất rất tốt, đó là rừng Trúc Lâm. Nhưng rừng này thuộc sở hữu của nhà vua. Ông xin mua lại bằng cách đem vàng bạc trải trên mặt đất. Nhưng còn một đám đất vì cây cối rậm rạp ông chưa biết làm thế nào để trải lên, nên đứng nhìn đám đất với vẻ mặt băn khoăn. Vua lấy làm lạ, hỏi nguyên nhân, ông Tu Đạt Na trả lời:

–Tâu Hoàng thượng, thần được diễm phúc cúng dường đức Phật một nơi làm tịnh xá, để Ngài thuyết pháp độ sinh. Thần thấy đó là một công đức lớn vô cùng. Nhưng nay vì còn một đám đất rậm rạp này, thần chưa biết phải trải vàng thế nào để mua nốt, nên thần đang băn khoăn suy nghĩ.

Vua trả lời:

–Nếu sự cúng dường cho đức Phật có một công đức lớn lao như thế thì ta không bán đám đất còn lại ấy nữa. Ta sẽ dâng cúng cho đức Phật để làm công đức.

Từ đấy một tịnh xá đồ sộ được dựng lên ở trong vườn Trúc Lâm, nơi thường trú của đức Phật, sau ngày thành đạo. Mấy thế kỷ sau ngày nhập diệt của Ngài, khách hành hương đến chiêm bái ở đây vẫn còn say ngắm những phong cảnh ngoạn mục nên thơ, nào hồ sen, nào bồn hoa cây cảnh, nào giảng đường, nào trai phòng ... Nhưng khi Ngài Huyền Trang đến đây, thì tịnh xá này đã hoang vắng, điêu tàn. Tất cả cảnh tượng đồ sộ ngày xưa, chỉ còn trơ lại hai cột trụ đá mà vua A Dục đã truyền dựng lên, mang ở trên đỉnh một bánh xe Pháp và ở dưới mấy hàng chữ ghi dấu vết một nơi thánh địa đã có cái vinh dự làm bối cảnh cho bao cuộc thuyết pháp của đức Phật, mười ba thế kỷ trước.

Vùng Trúc Lâm này, không những chỉ được cái vinh dự in nhiều nhất những bước chân của đấng Giải thoát, mà còn mang bao di tích quý báu có liên hệ đến đời Ngài hay của các vị đại đệ tử.

Chính ở đây, du khách còn được chiêm bái đám đất trước kia là tu viện của Di mẫu đức Phật và quý vị Tỳ Kheo Ni đầu tiên của Ni bộ. Mỗi bước Ngài Huyền Trang dẫm lên vùng này là gặp một kỷ niệm đáng kể: Ở đây là mộ phần của anh chàng Vô Não (Angulimâla), một tên cướp theo cuồng đạo, giết người để chặt ngón tay làm chuỗi hạt đeo ở cổ. Theo đạo ấy, thì hễ ai giết được một trăm người, lấy một trăm ngón tay làm tràng hạt thì được đắc đạo. Anh chàng Vô Não chỉ còn thiếu có một ngón tay thì chuỗi hạt của anh đủ một trăm ngón. Tìm không ra người để giết, anh toan đem mẹ anh làm vật hy sinh. Đức Phật biết được, tự nguyện thay người mẹ để cho chàng Vô Não giết. Anh ta vung gươm nhảy tới chém đức Phật; đức Phật cứ lui dần, lui dần, và tên sát nhân khát máu kia không sao đuổi kịp. Vừa bước lui, vừa thuyết pháp, cuối cùng đức Phật đã hàng phục được tên cuồng tín kia và cho nhập vào hàng thánh chúng. Ở nơi kia là mộ phần của nàng con gái mà bọn ngoại đạo đã âm mưu độn bụng để vu oan cho đức Phật. Ở một nơi khác là cái bia dựng lên để kỷ niệm nơi đức Phật đã săn sóc một vị Tỳ kheo già ốm. Một hôm đức Phật nhận thấy trong một căn nhà hẻo lánh, một vị Tỳ kheo già ốm đang nằm đợi chết. Phật hỏi duyên cớ, vị Tỳ kheo trả lời vì mình quá giải đãi, không chịu uống thuốc men và cũng không ai săn sóc nên mới ra nông nỗi như thế. Đức Phật động lòng từ bi, dẫn ông ra khỏi phòng, tự tay quét dọn giường chiếu, rửa tay và thay áo quần cho vị Tỳ kheo ấy, rồi đi ra, sau khi đã dạy bảo ông phải luôn luôn tinh tấn. Bệnh của vị Tỳ kheo ấy tự nhiên lành hẳn.

Bao nhiêu kỷ niệm đã vươn dậy dưới bước chân của Đường Pháp sư, và mỗi kỷ niệm là một bài học vô giá, một biểu hiện của lòng từ bi hay trí tuệ, của thanh tịnh hay tinh tấn ... Với một tâm hồn phong phú, tín thành như Ngài Huyền Trang, thì một mảnh tường đổ, một viên gạch, một hòn sỏi, cho đến một cục đất trong thánh địa Trúc Lâm đều đáng được ôm vào lòng để nâng niu, chiêm ngưỡng.

2. Chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni và thành Ca Tỳ La Vệ.

Sau khi rời khỏi vườn Cấp Cô Độc, Ngài Huyền Trang đi 800 dặm về phía Đông bắc, đến thành Ca Tỳ La Vệ (bây giờ thuộc nước Népal), quê hương của đức Phật. Thành này, khi Ngài Huyền Trang đến chiêm bái, là một nơi hoang địa. Thành quách, đền đài bị tàn phá, may ra chỉ còn lại những móng gạch của kinh đô xưa. Cỏ cây hoang dại lan cùng mặt đất; năm bảy cái chòi tranh che không kín gió những người dân thưa thớt, nghèo nàn. Vài ba chục vị Tỳ kheo Tiểu thừa cố gắng gìn giữ một cách bất lực, thảm thương, với sự hiện diện nghèo nàn của mình, cái huy hoàng rực rỡ ngày xưa của nơi chôn nhau cắt rún của vị Siêu phàm đã làm vẻ vang cho nhân loại! Mười ba thế kỷ đã qua rồi, tang thương đã mấy lần thay đổi, ngài Huyền Trang còn mong gì tìm thấy lại vang bóng của thời oanh liệt xưa kia? Nhưng cũng may, nhờ sự sáng suốt nhìn xa của vua A Dục, những trụ đã được dựng lên khắp nơi để ghi lại cho hậu thế những biến chuyển đầy ý nghĩa trong đời sống của đức Phật, khi còn sanh trưởng trên mảnh đất phì nhiêu này.

Đây, nơi đạo sĩ A Tư Đà tiên đoán tương lai huy hoàng của Thái tử Tất Đạt Đa. Đây, nơi Ngài đã thi tài võ nghệ và đã thắng cuộc một cách vẻ vang để kết hôn với công chúa Da Du, con vua Thiện Giác. Đây, ba cửa thành mà Ngài đã gặp người đau, người già, người chết ... Đây con đường nhỏ Ngài đã phi ngựa Kiền Trắc trong đêm, trốn ra khỏi hoàng thành để tìm Đạo. Đây, cánh đồng ven rừng mà Ngài đã ngồi tham thiền sau khi thấy cảnh tương tàn tương sát giữa chúng sanh. Đây, nơi hội ngộ đầu tiên giữa Ngài và vua Tịnh Phạn, sau những năm dài Ngài xuất gia và tìm được Đạo.

Cách thành Ca Tỳ La Vệ mấy dặm về phía đông bắc, là vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đã ra đời trong khi Hoàng hậu Ma Da đang đi ngoạn cảnh vào buổi tinh sương ở trong vườn. Cây Vô Ưu mà Hoàng hậu đã với tay lên trong phút giây thiêng liêng của đức Phật xuất thế, bây giờ cũng không còn dấu vết nữa, vườn hoa rực rỡ ấy chỉ còn là một khu rừng hoang vắng tiêu điều! Thật cảnh vô thường đã quá rõ rệt!

3. Chiêm bái rừng Sa La, nơi đức Phật nhập diệt.

Từ giã thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài Huyền Trang đi về phía đông, qua 500 dặm rừng rậm, đến xứ Câu-thi-na-yết-la (Kucinagara, bây giờ là Kasi), là nơi đức Phật đã nhập diệt. Ngài Huyền Trang đến khu rừng Sa La (Cala) nơi đức Phật đã bảo ông A Nan treo võng cho Ngài nằm nghỉ. Và đó cũng chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của Ngài. Rừng cây, hoa lá của vùng này đã có diễm phúc nghe những Pháp âm vô cùng quý giá của Ngài trước khi Ngài nhập diệt, như " ... Này, các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi! Hãy lấy Pháp của ta làm đuốc, hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát. Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ khác! Đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác" ... Hoặc: "Này các Tỳ kheo! Các người đừng nghe dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quý báu. Chỉ có chân lý của Đạo ta là bắt di bất dịch!". "Hãy tinh tấn lên để giải thoát!"

Ngài Huyền Trang đi viếng khắp cả vùng này. Đây là nền nhà trong ấy ông Thuần Đà đã dâng cúng bữa cơm cuối cùng của đức Phật. Đây là nơi nhập diệt. Đây là nơi làm lễ trà tỳ (hỏa táng). Đây là nơi các vị quốc vương Ấn Độ chia Xá lợi của Phật ...

Chiêm bái ở đây xong, Ngài Huyền Trang vượt nhiều rừng núi để đi đến thành Ba La Nại (Bénarès), viếng vườn Lộc Uyển.

4. Chiêm bái vườn Lộc Uyển.

Lộc-uyển là nơi mà đức Phật đến thuyết pháp lần đầu tiên, sau khi thành đạo, cho năm người bạn đồng tu của mình là nhóm ông Kiều Trần Như. Vườn này nằm ở ngoại ô thành Ba La Nại. Nhóm ông Kiều Trần Như gồm năm tu sĩ, ban đầu cùng tu với đức Phật, theo phương pháp khổ hạnh. Được ít lâu, nhận thấy phương pháp này không có hiệu quả, trái lại cứ làm cho thân thể mỗi ngày mỗi gầy yếu, đức Phật đã rời nhóm ông Kiều Trần Như và phương pháp tu hành của họ. Ngài trở lại ăn uống như thường, và bị nhóm ông Kiều Trần Như chế nhạo, khinh rẻ. Sau một thời gian tu luyện một mình, đức Phật đã thành đạo Chánh đẳng Chánh giác. Ngài trở về vườn Lộc Uyển và trình bày sự giác ngộ của mình cho năm người bạn đồng tu là nhóm ông Kiều Trần Như nghe. Năm người này trở thành năm đệ tử đầu tiên của ngài. Từ đó Lộc Uyển trở thành một đạo tràng mà đức Phật Thích Ca thường tới lui thuyết pháp. Vua A Dục đã dựng lên ở đây một trụ đá chạm trổ rất đẹp để đánh dấu nơi thuyết pháp đầu tiên của Phật.

Khi Ngài Huyền Trang đến đây, mọi thánh tích của đức Phật khi còn tại thế đều được giữ nguyên vẹn và kính cẩn, vì ở đây, đang có một ngàn rưởi vị Tỳ kheo tu hành trong tịnh xá dựng lên ở vườn Lộc Uyển. Nhờ thế, Ngài Huyền Trang được chiêm ngưỡng những cái hồ mà đức Phật đã dùng hoặc để tắm, để giặt, hay để rửa bình bát ...

5. Chiêm bái Bồ-đề đạo tràng, nơi đức Phật thành đạo.

Ngài Huyền Trang đi lần về phía Nam, đến xứ Ma Kiệt Đà, là một nước phồn thịnh trong thời Phật tại thế, và là quê hương của vua A Dục. Chính ở kinh đô nước này, Vương Xá thành, là nơi vị vua anh hùng cái thế ấy đã triệu tập các vị đại đức tăng già để kiết tập kinh điển lần thứ ba.

Khi Ngài Huyền Trang đến thành Vương Xá thì thành này đã sụp đổ điêu tàn. Ngài chỉ còn nhận thấy những vết tích của những điện các huy hoàng ngày xưa. Và trong số hàng trăm tịnh xá mà vua A Dục đã dựng lên ở đây, chỉ còn lại vài ba cái còn đứng vững. Ngài Huyền Trang ở lại đây bảy ngày, rồi đi về phía Tây, luôn trong sáu ngày mới đến rừng Bồ đề già là nơi có cây Bồ đề mà đức Phật đã ngồi tham thiền ở dưới gốc cho đến khi thành đạo. Chính ở gốc cây này, đức Phật đã phát lời thệ nguyện lịch sử:

"Nếu không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng không rời khỏi gốc Bồ đề này".

Khi Ngài Huyền Trang đến chiêm bái vùng này, thì sông Ni Liên Thuyền, nơi đức Phật đã tắm rửa trước khi ngồi xuống gốc cây Bồ đề, vẫn còn trong xanh, cây hai bên bờ vẫn còn tươi tốt. Riêng về cây Bồ đề lịch sử, ngài Huyền Trang đã tả: "Thân cây màu trắng ngà, lá xanh láng mướt, không tàn rụng trong mùa hè cũng như mùa đông. Chỉ đến ngày kỷ niệm đức Phật nhập Niết-bàn thì lá mới rụng, nhưng ngày hôm sau lại đâm chồi nảy lộc sum mậu như trước. Ngày ấy các bậc vua chúa, triều thần và thiện nam tín nữ đến hành lễ ở đất, họ tưới vào gốc cây sữa tươi, thắp hương đèn và rải hoa chung quanh. Họ hái lộc rồi ra về".

Cây Bồ đề này được vua A Dục săn sóc chu đáo và vô cùng quý trọng. Vua cho xây thành bằng gạch quanh gốc cây, có trổ nhiều cửa ra vào. Cửa chính hướng về phía Đông, nhìn ra sông Ni Liên Thuyền. Cửa phía Nam giáp giới một cái hồ trồng đầy sen. Phía Tây giáp giới với một dãy đồi cao. Phía Bắc có một cái tịnh xá rộng lớn, chính giữa có một pháp tọa, gọi là Kim Cang pháp tọa, vì dù cho trời long đất lở, thì pháp tọa ấy cũng vững vàng như bàn thạch, không lay chuyển. Tương truyền chỉ những vị Bồ-tát sắp chứng được quả vị Phật mới được vào đấy.

Sau khi đứng chiêm ngưỡng cây Bồ đề một hồi lâu, Ngài Huyền Trang sụp quỳ xuống đất, không ngớt lời than khóc:

Kính lạy đức Từ phụ, khi Ngài đã chứng quả Bồ-đề thì con đang còn lặn hụp trong biển khổ si mê; cho đến nay sau khi Ngài đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, con cũng vẫn chưa thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi! Thật quả nghiệp báo của con quá nặng nề, và con vô cùng xấu hổ, thẹn thùng cho duyên kiếp của con".

Ngài nói xong, nước mắt chan hòa, không sao cầm lại được. Trong lúc ấy, có trên mấy ngàn tu sĩ vừa ra hạ, đến vây quanh Ngài Huyền Trang, và đều mũi lòng thương cảm trước thái độ thành khẩn của Ngài.

Ngài Huyền Trang ở đây 6 ngày, rồi đến lưu học ở chùa Na Lan Đà.

Thế là Ngài đã lần lượt chiêm bái xong các thánh địa chính như ý Ngài mong ước. Về phương diện tình cảm của một đệ tử thuần thành đối với đức Từ phụ, như thế là Ngài đã được như nguyện. Bây giờ Ngài còn phải làm thế nào để được thỏa mãn lý trí trong sự khao khát tìm cầu học hỏi và sưu tầm kinh điển.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]