Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hãy Đến Để Thấy - Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc

10/02/201113:03(Xem: 5473)
Hãy Đến Để Thấy - Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc

HÃY ĐẾN ĐỂ THẤY
Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú, Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường &
Diệu Liên Lý Thu Linh

haydendethay

Hạ tải phiên bản PDF của sách "Hãy đến để thấy"

Lời Giới Thiệu

Hãy đến để thấy” của Ni sư Aya Khema là một chuyên khảo về con đường hạnh phúc của Phật giáo. Tác phẩm này thực chất là một tuyển tập gồm 12 bài nghiên cứu của tác giả được công bố đây đó trong suốt quảng đường hành đạo, được xuất bản lần đầu vào năm 1994.

“Hãy đến để thấy” là một trong năm đặc điểm của giáo pháp Phật. Bốn đặc điểm còn lại là thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, được người trí tán dương và có khả năng đưa đến an lạc và giải thoát. Được trưởng thành trong truyền thống Do Thái Giáo, sau hơn 30 năm tìm kiếm, Ni sư Aya Khema đã chọn Phật giáo làm nơi nương tựa tâm linh.

Nếu các truyền thống tôn giáo khác khích lệ và chủ trương “hãy đến để tin”, thông qua tác phẩm này, tác giả mời gọi giới Phương tây “hãy đến để thấy” các giá trị đạo đức và tâm linh siêu tuyệt của đạo Phật.

Với 12 chương, mỗi chương một chuyên đề, tác phẩm này đã phát họa bức tranh tổng quát về giá trị của lời Phật dạy. Bắt đầu về sự hiểu biết về vô thường, tác giả phân tích các khổ đau đều có hệ quy chiếu vào cái tôi dưới ba hình thức: Đầy là tôi, đây là sở hữu của tôi và đây là tự ngã của tôi. Bằng cái nhìn vô thường, các cái tôi đó chỉ có giá trị mặc định về pháp lý và ngôn ngữ chứ không thực có trong thế giới hiện thực. Nhận diện như thế sẽ giúp ta vượt qua các khổ đau do vô thường tan biến, ly loạn, còn mất, đổi thay, lên xuống và biết bao biến đổi của cuộc đời.

Phủ định Thượng đế và đấng Tạo vật sẽ kéo theo nhận thức hạnh phúc và khổ đau do tự do ý chí tạo ra. Các quan niệm định mệnh và số phận an bài không có chỗ đứng. Thay vì chạy theo các hứa hẹn, ăn các chiếc bánh vẻ, tác giả đã dành một chương giới thiệu 38 cách làm phúc, theo đó, tương lai hạnh phúc và bình an tuỳ thuộc vào sự sáng suốt và các hành động phước lành của ta. Nói cách khác, con người là kiến trúc sư của chính mình, hạnh phúc và khổ đau do ta tạo, không đổ lỗi cho người.

Đề cập đến sự kết thúc khổ đau, tác giả giới thiệu phương pháp truyền thống, bắt đầu bằng sự kết giao bạn lành, sống cuộc đời trong sạch, tinh tấn không gián đoạn, làm chủ các giác quan và giám sát các hành vi.

Bằng cách trích dẫn kinh điển Pàli, tác giả cho thấy lỗi như là sự bất toàn của con người, có mặt theo công thức: “thấy ở người thì dễ, thấy ở mình thì khó”. Khuynh hướng che dấu lỗi có khả năng dẫn đến sự chạy tội, đồng loã tội, bao che tội, làm cho cuộc đời ngày càng khốn đốn. Bươi móc lỗi của người là hành động tâm lý tiêu cực, vì thiếu khả năng xây dựng, tạo nhiều hiềm khích và hận thù. Cảm thông những sở đoản và sự bất toàn của người sẽ là phương thuốc trị liệu hữu hiệu về thói quen tìm lỗi. Làm chủ tâm và các hành vi sẽ là phương thuốc trị liệu hữu hiệu cho việc tìm lỗi và sửa lỗi của bản thân. Lỗi của người thì góp ý, lỗi của mình thay đổi. Ai sống được như thế thì sẽ không còn bận tâm đến mọi chỉ trích hay phê bình, nhờ đó thoát được mọi trách cứ, sợ hãi và hận thù.

Tác giả cũng phân tích tài sản vật chất và tài sản tâm linh.

Nặng về tài sản vật chất có thể dẫn đến tham ái, tranh chấp, xung đột và loại trừ. Trong khi phát triển các “tài sản thánh”, tức các đức tính cao thượng sẽ có khả năng giúp con người trở nên thanh cao. Kiến thức, sự rộng lượng, đạo đức, trí tuệ là các tài sản tinh thần có khả năng trị liệu khổ đau và không bao giờ bị cạn kiệt như các nguồn tài nguyên khác.

Sân hận thể hiện qua thân, khẩu, ý, nếu nặng thì dẫn đến chiến tranh và chết chóc; vừa thì dẫn đến ấu đả và thương tổn; nhẹ sẽ dẫn đến sự hiềm khích, bực dọc và bất đồng. Bị trói buộc vào lòng sân, con người đánh mất hạnh phúc, đồng thời dựng lên các thành trì và gián cách. Vun trồng hạt giống từ bi, thực tập tâm hỷ xả, làm chủ các hành động… sẽ giúp người vượt qua được mọi hành động bạo lực: bạo lực chiến tranh, bạo động khủng hoảng, bạo lực gia đình, bạo lực học đường và bạo lực xã hội.

Niềm tin theo Phật giáo không phải là tin vào Thượng đế hay các Thần linh, lại càng không phải niềm tin nơi số phận an bài. Dựa vào kinh Kalama, tác giả đã phân tích ứng dụng 10 đức tin chân chính. Niềm tin có lý trí, theo đức Phật, không nên dựa một chiều vào kinh điển, truyền thống, thầy giáo, lời đồn, khuynh hướng đương thời, sự diễn giải logíc, sự ngụy biện khéo léo hay sự phù hợp với quan điểm cá nhân. Niềm tin chân chính phải gắn kết với cái nhìn nhân quả, đạo đức cuộc sống, các năng lực cá nhân và phương pháp đúng để thực hiện. Chỉ khi nào đối tượng của niềm tin có thể dẫn đến sự giải phóng mọi tham lam, sân hận, si mê, khổ đau thì hãy nên ứng dụng vì giá trị thiết thực của nó. Mọi lời đồn đãi và bơm phồng sự thật các giá trị giới hạn của lĩnh vực tôn giáo cần được tránh xa, vì niềm tin vào chúng sẽ dẫn đến sự thiển cận, thậm chí là các hậu quả tiêu cực.

Tác giả đã đề cập đến các trói buộc tâm trong sinh tử và luân hồi bao gồm tham ái, sân hận, kiến chấp, ngã mạn, cao ngạo, đố kỵ và chấp ngã. Đặc biệt tác giả giới thiệu bốn pháp căn bản dẫn đến sự bình an đó là, chánh niệm, không hận thù, buông xả và thiền định.

Dựa vào kinh điển Pàli, tác giả khẳng định tâm từ bi có khả năng chuyển hoá hận thù, mâu thuẫn, xung đột, bạo lực và chiến tranh. Việc sử dụng ngôn ngữ từ ái, tôn trọng mạng sống của mọi loài, rũ bỏ hờn giận và ác tâm, gắn tình thân thương đối với mọi người… có khả năng mang lại hạnh phúc và hoà bình trên thế giới.

Tuệ giác, theo Phật giáo, là kiến thức như thực về bản chất thế giới, con người, vạn vật. Thực tập Bát chánh đạo có khả năng giúp cho hành giả từng bước đạt được các cảnh giới tâm cao thượng: Hạnh phúc do chuyển hoá tính dục, hạnh phúc do đạt được định, hạnh phúc do không bám chấp vào ỷ lại và hạnh phúc do buông xả mọi ý niệm. Hành giả truyền thống Phật giáo sẽ không bận tâm nhiều vào các tầng thiền Vô sắc, như Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Khi đạt được bốn tầng thiền truyền thống, hành giả có kinh nghiệm sẽ chuyển tâm đến Tam minh: Thấy rõ quá khứ (Túc mệnh minh), thấy rõ tương lai (Thiên nhãn minh) và kết thúc phiền não hiện tại (Lậu tận thông). Tại đây, hành giả trở thành bậc thánh. Để đạt được thành quả cao tột này, không gì khác hơn là sống và ứng dụng trí tuệ.

Phần cuối cùng của tác phẩm, tác giả đã phân tích ngắn gọn giá trị của trí tuệ thông qua bài Bát nhã Tâm kinh. Giới thiệu Tâm kinh đối với thế giới Phật giáo Nam tông là việc làm có ý nghĩa, đồng thời đối với độc giả phương Tây là việc làm cần thiết để giúp họ “đến để thấy” sự siêu tuyệt của giáo pháp Phật, đặc biệt là Đại thừa.

Hãy đến để thấy” như một sự mời gọi tất cả chúng ta trở thành nhân chứng của chánh pháp. Chánh pháp vẫn còn đây qua kinh điển, giá trị của nó được trải nghiệm qua nhiều thế kỷ, vấn đề còn lại là mỗi người hãy dấn thân trên hành trình sống theo lời Phật để thấy rõ giá trị của Chánh pháp là thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian và có khả năng dẫn đến an vui, giải thoát.

Giác Ngộ, ngày 18-07-2010

Thích Nhật Từ
Phó viện trưởng HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh

Come And See For Yourself The Buddhist Path To Happiness 2006
Nguyên tác Đức ngữ ‘Komm Und Sieh Selbst’ @ Jhana Verlag 1998
Bản Anh ngữ ‘Come And See For Yourself’ @ Windhorse Publications 2002 ISBN 1 899579 45

Việt dịch từ Anh ngữ và ấn tống với sự đồng ý của Buddha Haus e..V./Jhana Verlag, Germany

 

Tác Giả

AYYA KHEMA sinh năm 1923 trong một gia đình người Do Thái tại Bá Linh. Bà trốn khỏi Đức sang Tô Cách Lan (Scotland) năm 1938, cùng với 200 trẻ em khác. Sau đó được đoàn tụ với cha mẹ bà tại Trung Hoa. Khi chiến tranh thứ hai bùng nổ, bà và gia đình bị đưa vào các trại giam tù binh của Nhật. Sau chiến tranh, bà di cư sang Mỹ và lập gia đình tại đó. Vào khoảng đầu những năm 1960, bà chu du nhiều nơi khắp châu Á, và sau 10 năm hành thiền, bà bắt đầu dạy thiền và thuyết giảng về Phật giáo ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.

Ni Sư Ayya Khema đã góp công lớn vào việc gầy dựng lại ni đoàn Phật giáo. Ni Sư thọ giới vào năm 1979, theo truyền thống Nguyên thủy tại Sri Lanka. Tại đó Ni Sư đã thiết lập Trung Tâm Nữ Phật tử Quốc tế và Đảo Parappuduwa dành cho Ni chúng và nữ cư sĩ. Vào năm 1987 Ni Sư phối hợp tổ chức một hội thảo về Ni đoàn Phật giáo Quốc tế lần đầu tiên, mà kết quả là ni đoàn Sakyadhita, một tổ chức nữ Phật giáo quốc tế được thành hình.

Ni Sư đã viết hơn 20 đầu sách về thiền và Phật giáo bằng tiếng Anh và Đức, tác phẩm nổi tiếng nhất của Ni Sư là Being Nobody, Going Nowhere (Việt dịch: Vô Ngã Vô Ưu, Diệu Liên Lý Thu Linh), đã được giải thưởng Christmas Humphreys (Christmas Humphreys Memorial Award). Các tác phẩm của Ni Sư đều thể hiện được sự nhận thức sâu xa trong thực hành, sự lợi ích của thiền tập, và lời kêu gọi đơn giản hóa cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cũng như thanh tịnh hóa thân tâm bằng cách ứng dụng những lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống.

Bên cạnh việc thành lập Wat Buddha Dhamma (Ngôi Nhà Phật Pháp) ở Úc, một lâm tự viện theo truyền thống Nguyên thủy, Ni Sư còn là Giám đốc đỡ đầu cho Buddha-Haus (Ngôi Nhà Phật) ở Đức, nơi Ni Sư viên tịch vào năm 1997.

(ND: Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời của Ni Sư Ayya Khema qua bản dịch Quà Tặng Cuộc Đời (I Give You My Life).

Lời Nói Đầu

Ni Sư Ayya Khema sinh ra là người theo Do Thái giáo nhưng lại là người Phật tử khi từ giã cõi đời. Gần cả cuộc đời bà du hành khắp nơi trên thế giới cùng với gia đình, và chỉ trở về Đức vào những năm cuối đời. Một số chuyến phiêu lưu của bà được kể lại trong quyển hồi ký thú vị, I Give You My Life (Quà Tặng Cuộc Đời).

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Ni Sư là trên một phóng sự của đài truyền hình về một cộng đồng Phật giáo ở Uttenbuehl, dưới chân của rặng núi Alps ở phía nam nước Đức. Phóng sự đó gây nhiều xúc động cho tôi và vài năm sau đó tôi rất vui mừng được có thể giúp dịch một trong những số sách của Bà.

Khoảng thời gian đó tôi đã chuyển qua Anh quốc, và đang ở một giai đoạn trong cuộc đời khi tôi cảm thấy rất khó khăn để hành thiền. Đối với tôi, quyển sách này giống như một khóa Phật học cơ bản, dựa trên những bài giảng của Ni Sư Ayya Khema trong những buổi thuyết pháp vào ngày thứ Tư hằng tuần tại Ngôi Nhà Phật (Buddha-Haus) ở Uttenbuehl, và đã xuất bản lần đầu tiên năm 1994. Tôi rất thích các bài giảng này vì chúng được dựa trên các kinh điển truyền thống của Đức Phật. Ni Sư Ayya Khema đọc vài kệ từ trong kinh Pháp Cú hay một số kinh, luận ngắn khác, rồi giải thích, giảng rộng ra thêm. Ni Sư rất hoan hỷ giảng giải kinh cho bất cứ ai thích tu thiền và tìm hiểu về Phật giáo. Với sự hiểu biết, và kinh nghiệm trong việc chuyên tu thiền định của bản thân, Ni Sư Ayya Khema thường giảng về thiền một cách đầy nhiệt tình. Thật vậy, Ni Sư luôn nhấn mạnh đến việc làm thế nào để áp dụng việc hành thiền trong đời sống hằng ngày.

Ni Sư Ayya Khema không hề e dè khi trao đổi với các 'đồng nghiệp' Thiên Chúa giáo của mình, so sánh các kinh nghiệm thiền định của Ni Sư với unio mystica (tạm dịch, một huyền bí) của những người như Eckhart (Meister Eckhart), và Ni Sư cũng hướng dẫn các khóa tu thiền trong các tu viện Thiên Chúa giáo.

Chính Dhammaloka, là người đầu tiên đề nghị với nhà xuất bản Windhorse dịch quyển Komm Und Sieh Slebst (Come And See For Yourself), xuất bản lần đầu năm 1994, sang tiếng Anh. Jayachitta bắt đầu công việc dịch thuật, và tôi tiếp tục sau đó. Jinananda sau đó biên tập lại bản dịch và Punyamati tỉ mỉ xem lại bản thảo lần cuối. Xin chân thành cảm ơn mọi sự đóng góp của họ. Portia Howe và những người còn lại trong nhóm ở nhà xuất bản Windhorse Publications, cũng đóng góp nhiều công sức. Nhiều người khác cũng đã góp tay bằng nhiều cách khác nhau, nhất là tăng đoàn (Sanghamitta) ở Ngôi Nhà Phật (Buddha-Haus), Ulrike Harris, Asanga, Vassika, Ratnaprabha, Shantiprabha, và người cộng sự của tôi, Martina.

Tôi xin hồi hướng công sức dịch quyển sách này đến tất cả Phật tử ở Tây phương, và mong rằng tất cả mọi độc giả đều đón nhận được một thoáng hào quang ấm áp chiếu soi từ Đức Phật.

Michael Etzold
Oxford
Tháng 12, 2001

 

Lời Người Dịch

Dầu tâm nguyện được có duyên lành để dịch tất cả các sách tiếng Anh của Ni Sư Ayya Khema, nhưng để đạt được tâm nguyện đó là bao thử thách đối với tôi.

Trước hết là quỹ thời gian của tôi ngày càng cạn kiệt, nhưng khó khăn nhất vẫn là sự hiểu biết rất giới hạn về Phật pháp nói chung, và các kinh nghiệm thiền định nói riêng. Nhưng tôi cố gắng không bỏ cuộc và tôi đã cầu nguyện đến sự gia hộ của chư Phật, của Ni Sư Ayya Khema, cũng như sự rộng lượng của quý độc giả. Suy cho cùng, tôi là người được nhiều nhất trong việc làm này: được thấm nhuần thêm những giáo lý cao siêu mà gần gũi biết bao của Đức Phật. Chỉ mong mọi người tha thứ cho sự mạo muội này.

Lần nầy khi quyết định chuyển ngữ quyển Come and See for Yourself, từ bản tiếng Anh, tôi đã may mắn được hai đạo hữu Chơn Minh Nguyễn Văn Phú và Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường, hoan hỷ giúp dịch từ chương 1 đến chương 5 của quyển sách, xem như đã giảm được nửa gánh nặng cho tôi.

Nhờ thế quyển sách dịch Come and See for Yourself (Hãy Đến Để Thấy) đã sớm được hoàn thành để đến tay bạn đọc, những độc giả rất rộng lượng của chúng tôi, những người không kể đến các sơ sót của chúng tôi, luôn khuyến khích chúng tôi tiếp tục công việc dịch thuật, và cũng đầy lòng ngưỡng mộ đối với Ni Sư Ayya Khema như chính bản thân chúng tôi.

Xin có đôi lời giới thiệu về hai đạo hữu đồng dịch giả:

-Chơn Minh Nguyễn Văn Phú, sinh quán tại Nha Trang, Khánh Hòa, là cựu học sinh trường Võ Tánh, Nha Trang; cựu sinh viên Khóa 8, Cao Đẳng Thủy Lâm, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp, Saigon; đã tốt nghiệp tại Duke University, North Carolina, Hoa Kỳ. Hiện đang làm việc với Michigan State University, ngành Thủy Lâm.

-Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường, nguyên quán tại Tây Mỗ, Hà Đông, hiện sinh sống và hành nghề Dược tại tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ với gia đình. Ông cũng là tác giả của một tập thơ đạo và thiền với tựa đề Trở Về và một tuyển tập nhạc thiền Như Mây Trôi Đi.

Quyển Hãy Đến Để Thấy (Come and See for Yourself), gồm có 12 chương. Mỗi chương dựa trên một hay nhiều bản kinh về nhiều đề tài khác nhau. Có những đề tài quen thuộc, dễ hiểu, nhưng cũng có những đề tài gây cho chúng tôi nhiều bối rối. Thí dụ chương 11 nói về các tầng thiền định, thiền tuệ, và chương 12 bàn về tính Không trong Kinh Bát Nhã. Chúng tôi đã hết sức cố gắng trong khả năng giới hạn của mình để phần nào chuyển tải những lời giáo huấn của Ni Sư Ayya Khema dựa trên Kinh điển của Đức Phật. Tuy nhiên như chính Ni Sư đã nói, trong chương 11: '. . . Thật rất khó giải thích. Chỉ có người chứng nghiệm mới thật sự hiểu được." Thật vậy, với những điều được nói đến trong các chương này, chúng tôi, nếu có thể, cũng chỉ dịch được lời chứ không được ý, hiểu được từ chứ không chuyển được nghĩa câu. Ngoài ra, cũng xin lưu ý độc giả rằng, vì Ni Sư Ayya Khema tu theo Nguyên Thủy, nên Ni Sư có cái nhìn riêng đối với một số kinh điển Đại thừa, thí dụ như Bát Nhã Tâm Kinh.

Chắc chắn là quyển sách dịch này không thể tránh được nhiều sai sót, mong quý tôn sư, các bậc uyên thâm, thiện trí thức, chỉ dẫn cho, để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn (xin liên lạc về [email protected]).

Lần nữa xin chân thành cảm niệm công đức của Ni Sư Ayya Khema đã để lại cho đời những bài thuyết pháp xúc tích về giáo lý của Đức Phật mà đối với chúng tôi là những bài Phật học hữu ích.

Với sự đồng ý của hai đạo hữu đồng dịch giả, tôi xin được hồi hướng công đức dịch thuật này đến hương linh của Mẹ tôi là cụ bà Lý Thị Lăng, Pháp danh Diệu Thọ, tạ thế ngày 27 tháng 3, năm 2006. Xin chân thành cảm ơn tất cả bạn bè, thân quyến đã đóng góp để ấn tống quyển sách dịch này.

Ngưỡng cầu Hồng Ân Tam Bảo hỗ trợ cho chúng con luôn được gặp Phật pháp trong nhiều đời, nhiều kiếp về sau.

Diệu Liên Lý Thu Linh
Tháng 7, 2006

Source: thuvienhoasen

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]