Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuộc đời không bất công như ta nghĩ!

27/02/201117:42(Xem: 4587)
Cuộc đời không bất công như ta nghĩ!
 
CHÌA KHÓA SỐNG LẠC QUAN
Lại Thế Luyện

Chương 3: Chìa khóa sống lạc quan

Cuộc đời không bất công như ta nghĩ!

Trong cuộc sống, nhiều người luôn tự cho rằng cuộc đời bất công, rồi lấy đó làm lý do để lúc nào cũng mang thái độ bi quan trong cuộc sống. Chẳng hiểu dựa vào đâu mà họ dám cho rằng đời sống bất công? Liệu họ có thấy hết, hiểu hết mọi chuyện xảy ra trên cuộc đời này hay không mà dám khẳng định một cách liều lĩnh như vậy? Rất nhiều khi, ngay cả những chuyện trong nhà mình và chuyện của chính mình cũng còn chưa sáng tỏ nổi!

Chúng ta cho rằng, cuộc đời bất công vì quả thực mỗi ngày đều có quá nhiều chuyện trái ý ta. Vào những ngày Tết đầu năm mới, người Việt Nam mình có thói quen chúc nhau "vạn sự như ý". Đây là một lời chúc hàm chứa ý nghĩa tốt đẹp. Thế nhưng, năm này qua năm nọ, khi so sánh giữa lời chúc và thực tế cuộc sống của mình, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều việc xảy ra không hề giống như ý chúng ta muốn. Tại sao lại như vậy? Đó có phải là lý do để chúng ta bi quan không?

Sở dĩ như vậy là vì, ý chúng ta muốn là chủ quan, trong khi mọi việc diễn ra trong cuộc sống là khách quan. Dẫu sao thì lời chúc vẫn chỉ là lời chúc, còn cuộc sống thì vẫn diễn ra như nó phải diễn ra. Cho nên, đó không phải là lý do để chúng ta mang thái độ bi quan.

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là, chúng ta phải xét xem, ý mình muốn có phải là ý tốt, ý ngay lành hay không nữa. Trong mỗi người chúng ta, cùng một thời điểm có thể có nhiều ý muốn khác nhau, có những ý muốn tốt đẹp, ngay lành và thậm chí, cả những ý muốn xấu xa, tội lỗi nữa! Cho nên, nếu mọi sự trong cuộc đời lúc nào cũng "vạn sự như ý" riêng của ta, thì thử hỏi cuộc sống của cả nhân loại trên trần gian này sẽ hỗn loạn, mâu thuẫn đến mức nào?

Và thậm chí, ngay cả khi ta có những ý muốn tốt đẹp, thì cũng chưa chắc gì nó đã tốt, vì rất có thể do lòng ham muốn chủ quan mà ta quả quyết rằng nó tốt; hoặc cũng có thể do nhận thức của cá nhân ta còn giới hạn, nên ta tưởng rằng nó tốt. Và nhất là, cái ý muốn ta cho là tốt đẹp ấy, biết đâu nó chỉ tốt trong phạm vi quyền lợi cá nhân hạn hẹp của riêng ta mà thôi, chứ nó không tốt cho cuộc sống của nhiều người quanh ta, cho nhân loại.

°°°

Một số người khác, thường là những nhà trí thức lâu nay vẫn sống trong "tháp ngà", quá thiên về những điều tốt đẹp trong sách vở, nên thường tự trách cuộc đời bất công. Họ chỉ là một thiểu số những trí thức tinh hoa có tầm hiểu biết như vậy mà còn không ngớt trách móc cuộc đời bất công, thì sẽ chẳng lạ gì khi còn bao nhiêu người khác đông đảo trong xã hội, với trình độ học vấn còn rất nhiều hạn chế, cũng thường tự trách cuộc đời bất công. Và khi nhìn vào đời sống xã hội, số lượng những người trách móc luôn đông đảo hơn rất nhiều so với những người lạc quan, thì chúng ta sẽ hiểu tại sao bức tranh xã hội lại thường xuyên ảm đạm.

Và khi xét trên phạm vi toàn xã hội, số lượng người chỉ biết than trách luôn đông đảo hơn số người biết nỗ lực thay đổi bản thân để đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội, thì chúng ta sẽ hiểu được tại sao việc tìm cách thu hẹp, giảm thiểu những bất công trong cuộc sống lại khó khăn như vậy? Và tại sao, những bất công trong cuộc sống từ xưa đến nay vẫn còn nhiều như vậy và chưa bao giờ được giải quyết một cách hoàn hảo?

Nếu nhìn từ viễn cảnh đó, chúng ta phải thừa nhận rằng, thực tình thì tất cả chúng ta đều góp phần gây ra những bất công ở đời. Bằng cách sống ích kỷ, thiếu thiện chí xây dựng cuộc đời, chúng ta đã và đang góp phần gây ra nhiều bất công trong xã hội. Bằng cách sống nhu nhược, thiếu nghị lực vươn lên hoàn thiện bản thân, chúng ta cũng đồng thời gây ra bất công cho xã hội và cho chính bản thân ta...

Trong cuộc sống, có thể còn có rất nhiều điều mà chúng ta chưa hài lòng. Thế nhưng, cuộc sống cũng đòi hỏi chúng ta phải phân biệt được khoảng cách giữa thực tế và sách vở. Có không ít người trong quá trình học tập đã lĩnh hội được những tri thức hay của nhân loại, biết được những giá trị tốt đẹp cần theo đuổi ở đời. Thế nhưng, thực tế đâu phải lúc nào cũng có thể áp dụng sách vở. Cuộc sống nơi trần gian này vốn dĩ không hoàn hảo. Có nhiều khía cạnh trong cuộc sống vẫn chưa được trọn vẹn cho lắm! Và đôi khi, vì những điều kiện thực tế chưa cho phép hoặc vì lý do nào đó mà đòi hỏi chúng ta phải dám nhìn vào thực tế, tạm thời chấp nhận những cái chúng ta cho là vô lý. Hãy tránh hiện tượng vì không hài lòng với thực tế mà bi quan trong cuộc sống!

°°°

Muốn thu hẹp những bất công trong cuộc sống, cần phải có sự chung sức của tất cả mọi người, liên quan đến rất nhiều vấn đề đau đầu, nhiều lĩnh vực phức tạp khác nhau, đan xen chằng chịt trong đời sống xã hội. Những chuyện như vậy đòi hỏi phải có rất nhiều thời gian và có sự đồng lòng nỗ lực của mỗi người chúng ta, của mọi thành viên sống trong xã hội...

Điều đáng nói là, trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta chỉ quay cuồng hối hả chạy theo những đòi hỏi ích kỷ của riêng mình. Chúng ta không còn đủ tỉnh táo, không còn những khoảng thời gian lắng đọng cần thiết để nhận ra những lẽ phải ở đời, cùng những bổn phận với đời mà đáng lẽ chúng ta phải nhận ra.

Những người bi quan thường chỉ muốn đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Họ tự giam hãm đời họ trong những mục đích hạn hẹp ích kỷ cá nhân, nên họ không nhìn thấy được những bất công mà họ đã gây ra cho người khác. Lúc nào họ cũng chỉ thuần túy nhìn thấy những bất công mà họ đang gánh chịu. Mà khi đã trót gây ra bất công cho người khác, dù có nhìn thấy hay cố tình không nhìn thấy đi chăng nữa, con người ta rất khó tìm thấy được hạnh phúc chân thật như mình mong muốn. Họ vốn dĩ đã bi quan về cuộc đời, nay càng có lý do để bi quan hơn, tiếp tục cho rằng cuộc đời này là bất công. Chỉ riêng một thái độ sống như vậy đã là vô lý rồi! Những người suy nghĩ vô lý thì lại hay đòi hỏi những điều vô lý. Thành thử, cuộc sống của họ lúc nào cũng bế tắc, chẳng nhìn thấy một viễn cảnh tươi sáng nào khác!

Những người lạc quan, trái lại, có một tầm nhìn cao hơn, xa hơn về hạnh phúc. Với họ, hạnh phúc không chỉ là hạnh phúc nhỏ nhoi, hạn hẹp trong phạm vi của một cá nhân. Những người lạc quan hiểu rằng, hạnh phúc của đời họ phụ thuộc vào hạnh phúc của những người xung quanh họ. Cho nên, để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, họ tất yếu hiểu rằng, họ đồng thời phải nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc cho những người khác quanh họ. Trên đời này, người hạnh phúc nhất chính là người đem đến hạnh phúc cho người khác. Bởi vì, cuộc sống đâu phải chỉ có mình ta, mà là cả xã hội.

Cuộc sống đem đến bất công cho bản thân từng người chúng ta, để lay tỉnh ở mỗi chúng ta trách nhiệm phải đóng góp những gì là tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Chúng ta càng cố gắng đóng góp cho cuộc sống nhiều bao nhiêu, thì những bất công trong cuộc sống của bản thân mình và xã hội sẽ được giảm thiểu đi bấy nhiêu. Chỉ khi nào chúng ta nghĩ được như vậy, thì cuộc đời sẽ không đến nỗi quá bất công như ta tưởng! Từ đó, chúng ta mới có được niềm tin vào lẽ phải, vào cuộc sống, vào con người...

Tóm lại, tự bản thân mỗi người cần phải có một tầm nhìn cao cả, sáng tỏ hơn về cuộc sống! Còn nếu cứ mang tầm nhìn hạn hẹp, tối tăm như lâu nay thì chúng ta sẽ thấy cuộc đời bất công hoài, rồi cứ bi quan hoài một cách vô lý, lầm lạc. Khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm những gì tốt đẹp cho cuộc đời, thì sẽ cảm thấy cuộc đời không còn bất công nhiều nữa, và hạnh phúc sẽ tự đến với ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567