Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Tinh Hoa Của Phật Giáo Nguyên Thủy

07/02/201115:31(Xem: 2830)
10. Tinh Hoa Của Phật Giáo Nguyên Thủy

ĐỨC PHẬT
VÀ HÀO QUANG CHÂN LÝ

Dịch giả: TT Thích Giải Thông-Phỏng dịch theo bản tiếng Anh The light of truth của Giảng sư
LOKANATHA Do The Singapore Maha Bodhi School xuất bản

TINH HOA CỦA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Đề tài của bài thuyết giảng hôm nay là sự vinh quang của Phật Giáo Nguyên Thủy. Như tất cả quý vị đã biết, Nguyên Thủy (Theravada) là từ chỉ Phật Giáo Nam tông trái với Đại thừa (Mahayana) chỉ Phật Giáo Bắc tông. Ai là tác giả của Phật Giáo Nguyên Thủy. Nhiều tác giả có tầm cỡ ở Tây phương như là Oldenburg, Rhys Dhavid, Dr. Neumann và nhiều học giả khác đã nhất trí rằng Đức Phật Thích Ca là người tạo ra Phật Giáo Nguyên Thủy. Vậy thì Phật Giáo Nguyên Thủy là gi? Phật Giáo Nguyên Thủy là sự giản dị, trong Phật Giáo Nguyên Thủy chúng ta có tiếng Pali (Nam Phạn) là ngôn ngữ của Phật, tức là ngôn ngữ gốc, giống như tiếng Latinh là ngôn ngữ của các nhà tu Thiên Chúa La Mã. Vì vậy tiếng Pali là ngôn ngữ chung cho tất cả tu sĩ Phật Giáo dù họ là người Singapore hay Miến Điện, người Đông Dương hay Thái Lan vẫn có thể hiểu nhau qua tiếng pha trộn này (Ý, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha). Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ có hai nhiệm vụ không hơn, tương phản với Phật Giáo Đại Thừa phức tạp. Hai nhiệm vụ là gì? Đó là nhiệm vụ theo đuổi việc nghiên cứu học tập và nhiệm vụ Thiền quán. Một Tăng sĩ phải nghiên cứu học tập Phật Pháp trong suốt 5 năm và sau đó nếu có khả năng thì được thầy giao cho một đề tài Thiền quán. Vị Sa Môn vào tu trong rừng đạt được mục tiêu tức là quả vị Alahán ngay trong đời mình. Như quý vị đã biết có 40 đề mục tham Thiền, vị Thầy chọn đề mục nào thích hợp nhất trong số đó, trao cho học trò, yêu cầu thực hành đề mục đó. Người đệ tử tiếp tục tham quán đề mục của mình cho đến khi chứng đạt quả vị gọi là Niết Bàn ở đây và ngay bây giờ.

Phật Giáo Nguyên Thủy có hai mục tiêu. Người ta có thể hoặc là chứng quả Niết Bàn ngay trong đời này hoặc là có thể đạt thành Phật quả tối hậu gọi là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hay Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nhưng làm sao chứng quả Alahán ngay trong đời này? Có hai cách: một là Thiền chỉ có nghĩa là tịnh tâm cho đến khi đạt đến trạng thái tĩnh lự. Trong Pali gọi là Thiền (4 Thiền). Đạt được Thiền định, ta nhiếp tâm vào ba đặt tướng (vô thường, vô ngã, khổ) và đạt mục đích. Thiền định rất hữu ích. Tại sao? Bởi vì họ vận dụng để tập trung toàn tâm vào một điểm; tâm được quy nhất. Thế nên, đương nhiên tâm trở nên mãnh liệt gấp 1000 lần trước kia. Tất nhiên nhờ phóng chiếu nhiều ánh sáng vào đề mục ba đặc tướng, lập tức ta quán triệt được ý nghĩa của ba đặc tướng và chứng ngộ. Nếu vị đó không có thì giờ hay không có khuynh hướng tu thiền thì có thể vị đó thực hành theo phương cách dễ hơn. Vị đó chỉ giản dị cố tu tập "Thiền Chỉ" hay chánh niệm ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Vị ấy luôn luôn cố nhận ra ba đặc tướng của vạn pháp mà mình thấy, mọi điều mình nghe, mọi điều mình suy nghĩ, không cần phải tham thiền. Nhờ luôn luôn quán chiếu vào ba đặc tướng rồi một ngày nào đó hành giả mới bừng ngộ rằng ba đặc tướng này chính là ba tài sản quý giá của vũ trụ vạn hữu, nhưng muốn chứng ngộ cần tư duy liên tục, chú ý liên tục và quán chiếu liên tục về ba đặc tướng vô thường, vô ngã, khổ gọi là Tam Pháp Ấn. Đây là những Pháp môn để chứng đạt quả vị Alahán ở đây và bây giờ.

Mặt khác, nếu bạn nhiệt tình hơn, nếu bạn không vội vã để cứu mình và nếu bạn phát triển tình thương vô lượng đối với tất cả nhân loại, vậy thì bạn hãy thực hành 10 pháp Ba La Mật, sớm hay muộn gì sau này bạn cũng đạt được quả vị Tam Miệu Tam Bồ Đề (bậc Chánh Đẳng Chánh Giác). Đó là quả vị Phật tối thượng. Mười Ba La Mật là gì? Phải, đúng như quý vị đã biết, đó là: bố thí, trì giới, từ bỏ, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, sự thực, cương quyết, tâm từ và tâm xả. Bằng sự quán chiếu 10 Ba La Mật này từ đời này sang đời nọ qua quá trình tiến hóa, bạn sẽ phát huy đến quả vị Phật tối thượng. Dĩ nhiên đó là một tiến trình lâu dài bởi vì một vị Phật tối thượng có nhân cách siêu đẳng như vậy cần trải qua nhiều thời gian tu tập.

Có sự khác biệt khá xa giữa một vị Alahán và một vị Phật tối thượng. Đức Phật là một vị Thầy của Trời và người. Ngài là bậc cứu thế trong khi Alahán là bậc cứu mình. Vị Alahán cũng có thể cứu được một số người nhưng không cứu được toàn khắp nhân gian như Đức Phật. Bạn phải chọn lựa pháp môn nào bạn tâm đắc nhưng hãy nhớ rằng cho dù bạn cố đạt quả Alahán, cho dù bạn nhàm chán trần thế đến nỗi bạn muốn có Ba La Mật ngay đây và bây giờ, cho dù bạn không đủ kiên nhẫn để chờ nhiều chu kỳ từ thế giới này sang thế giới khác, cho dù bạn có quá ghê sợ "khổ đế” đến nỗi bạn muốn có con đường nhanh nhất để thoát ra, cho dù bạn nhìn thấy những ngọn lửa khắp nơi đang bừng cháy trong ngôi nhà lửa, và bạn chỉ muốn lối thoát ra nhanh nhất cửa sổ gần nhất; không có nguy hại nào. Con đường thuận lợi nhất mà một người có thể cứu được thế giới là bằng cách cứu lấy chính mình. Bạn không thể nào cứu được thế gian nếu trước tiên bạn không cứu được chính mình. Hỡi Y sĩ, hãy hàn gắn vết thương cho chính mình. Nếu một y sĩ không thể làm lành vết thương cho chính mình thì làm sao vị đó có thể chữa lành vết thương cho người khác?

Trong Phật Giáo không có Ngã, và nếu là Vô Ngã thì làm sao vị Alahán có thể ích kỷ lo cho bản thân mình, vì vậy thật là sai lầm. Bất cứ nơi nào, ai đó còn buộc tội vị Alahán có tự ngã chỉ lo cứu chính mình càng sớm càng tốt mà không cần bận tâm về sự khổ đau của nhân loại, họ hoàn toàn sai lầm. Đối với bậc Alahán thì không có bản ngã hay tự ngã. Theo Đại thừa Phật Giáo tất cả đều mong muốn trở thành những Bồ Tát, những vị Phật tối thượng. Họ không thích mục đích của vị Alahán ở đây và ngay bây giờ. Bởi vì họ coi quả vị ALAHÁN là ích kỷ. Họ sẵn sàng đình chỉ sự giải thoát của mình và dấn thân hoạt động từ đời này qua đời kia cho đến khi viên thành Phật đạo. Tất cả đều muốn thành Phật; nhưng nếu ai cũng thành Phật hết thì ai sẽ là đệ tử? Cũng phải có đệ tử chứ, đó là một cực đoan cho người muốn thành Phật. Hãy là những bậc Alahán vì rằng Đức Phật phải có những đệ tử chúng ta không noi theo cực đoan nào của đạo Phật.

Phật Giáo là trung đạo, nếu mọi người muốn thành một vị Phật thì đó cũng là một cực đoan khác. Có người muốn thành Alahán, có người muốn thành Phật thì vị Phật sau cùng sẽ không có đệ tử nào. Ngài sẽ là một vị Phật kỳ lạ. Ngài không còn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài không thể cứu thế gian, bởi vì thế gian không còn nữa để được cứu. Vả lại quý vị phải nhận biết rằng thế gian này có nhiều khuynh hướng khác nhau, người ta không bao giờ có quan điểm giống nhau. Có một số người muốn tự cứu mình một cách khẩn trương; có số người lại kiên trì chờ đợi; nhưng từ bỏ Niết Bàn lại là chuyện khác. Một vị Bồ Tát là người từ bỏ Niết Bàn để cứu chúng sanh đang thống khổ.

Chắc quý vị nhớ rõ câu chuyện Hiền giả Thiện Tuệ vào thời Phật Nhiên Đăng; Hiền giả Thiện Tuệ nằm dài xuống đất trên đống bùn để thỉnh Đức Phật Nhiên Đăng bước qua thân mình, sử dụng thân mình làm lối đi cho Phật bước qua. Ngay lúc đó Hiền giả Thiện Tuệ chứng đạt Niết Bàn ngay trong bàn tay. Nhưng sau đó Ngài lại tự nhủ: công dụng của Niết Bàn là gì? Ta là một người bơi dũng mãnh, không cần cho ta phải tự cứu mình mau như vậy, ta hãy từ bỏ Niết Bàn ngay lúc này. Ta hãy trì hoãn sự chứng đạt đó và ta hãy nỗ lực để trở thành như Phật Nhiên Đăng–Thiện Tuệ bị cảm kích quá nhiều hào quang rạng rỡ của Đức Phật Nhiên Đăng, cứ tưởng Niết Bàn ngay đây và bây giờ quá nhỏ đối với mình. Quý vị phải nhớ rằng ngưỡng mộ sẽ đưa đến thán phục. Bởi vì Hiền giả Thiện Tuệ ngưỡng mộ sự rạng rỡ của Phật Nhiên Đăng nên muốn bắt chước Ngài. Hiền giả tự nhủ: ta không muốn Niết Bàn chỉ cho riêng mình. Ta hãy trở thành một hình tượng hiện thân giống như Đức Phật Nhiên Đăng. Thiện Tuệ đã là một chúng sanh khổng lồ, không khải là một con người bình thường. Ngài có tấm lòng rộng lượng bao la như biển cả đại dương. Vì vậy Ngài muốn cứu vớt cả vũ trụ vạn hữu. Đức Phật Nhiên Đăng liền thị hiện trước mặt Hiền giả Thiện Tuệ và nói với mọi người: "Các Thiện hữu có thấy vị Đạo sĩ khổ hạnh đây không, vị này đang hành pháp khổ hạnh. Các Thiện hữu có thấy vị đạo sĩ đang nằm dài dưới đất, một ngày kia cũng sẽ thành Phật như ta hôm nay, hiệu là Gautama".

Quả vị Alahán có thể đạt được tại đây và bây giờ. Nó không phụ thuộc vào thời gian. Quý vị Phật tử có nhận ra rằng quả vị Alahán tối thượng có thể đạt được trong nửa ngày. Trong Kinh Trung A Hàm–Phẩm Bồ Đề Vương Tử Đức Phật đã nói: "Này Bồ Đề Vương Tử! Nếu ông đem cho ta một thanh niên có 5 phẩm hạnh sau đây ta sẽ thuyết pháp cho cậu ta nghe buổi sáng thì buổi tối cậu ta sẽ chứng quả Alahán. Hoặc ta thuyết giảng buổi tối thì ngay sáng hôm sau cậu ta sẽ liễu ngộ toàn bộ Giáo Pháp". Vậy thì 5 phẩm hạnh đó là gì để con người có thể thành tựu đạo quả trong nửa ngày. Năm phẩm hạnh đó là:

1) Vị đó phải là người quả quyết có niềm tin kiên cố tuyệt đối nơi Đức Phật.

2) Vị đó phải có sức khỏe và thể lực tốt.

3) Vị đó phải chân thật, không gian dối quỷ quyệt.

4) Vị đó phải cương quyết, luôn dứt bỏ các trạng thái xấu ác của tâm.

5) Vị đó phải thông minh, đầu óc lanh lẹ vượt qua mọi thăng trầm của vạn pháp.

Với 5 phẩm tính này, Đức Phật sẽ truyền Pháp cho vị đó buổi chiều và vị đó sẽ chứng quả ngay sáng hôm sau; hoặc Ngài giảng Pháp buổi sáng thì buổi chiều vị đó chứng quả. Vương Tử Bồ Đề, sau khi nghe xong bài Diệu Pháp từ Đức Thế Tôn, Vương Tử cảm thán: Tuyệt thay Đức Thế Tôn, hay thay sự khai thị giáo Pháp. Khi một tu sĩ nếu được khai thị buổi sáng sớm có thể quán triệt giáo pháp vào buổi chiều; hoặc nếu được khai thị vào buổi chiều tối thì có thể lãnh hội viên mãn vào buổi sáng sớm hôm sau. Đó là Phật Giáo Nguyên Thủy thành tựu đạo quả cấp thời.

Có câu "chần chờ là kẻ trộm thì giờ", ta không nên trì hoãn mục tiêu định thực hiện. Đức Phật dạy: đã đến lúc phải chiến đấu với chính bản thân mình, bởi vì ai biết ngày mai ra sao, không ai có thể hối lộ thần chết được. Đến lúc thân hoại mạng chung phải ra nghĩa trang. Nếu bạn nói với thần chết: "Thưa ngài tôi chưa chuẩn bị, hãy chờ tôi một thời gian nữa để di chúc vài điều". Thần chết sẽ trả lời: "Cảm phiền bạn, ta dành cho bạn nhiều thì giờ quá rồi, giờ đây đã quá trễ. Mau lên đấy! Đừng bắt ta phải chờ nữa". Bạn nói: "Này thần chết quý kính của tôi, nếu Ngài không cho tôi thì giờ để viết di chúc, vậy hãy cho tôi thêm thì giờ để ký một chữ vào bản ý nguyện dù là không có lời nào". Thần chết gắt giọng: "Ngay một chữ ký cũng không được nữa ?". Bạn phải lên đường cấp thời và rồi thần chết kéo cổ bạn lôi về hướng tha ma nghĩa địa, nơi đó là quê hương tổ ấm sau cùng của bạn. Dù người ta tin hay không nghĩa trang cũng là quê hương tổ ấm của tất cả mọi người. Có câu: "không nơi nào bằng tổ ấm quê hương", nhưng tổ ấm nào là của chúng ta đâu? Bạn không nhận ra rằng chúng ta chỉ là những kẻ tạm trú sao? Bất cứ nơi nào, dù nhà đó loại gì, loại nhà kiên cố hay loại nhà chống được bom, chúng ta ngủ ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trong nhà xí, chúng ta cũng chỉ là những kẻ tạm trú (kẻ đi thuê nhà), bởi vì chúng ta có thường trú nơi đó đâu, chỉ tạm trú vài ngày, vài tuần, vài tháng hay một số năm. Nhưng dù ở bao lâu thì chúng ta vẫn là kẻ tạm trú. Chỗ ở hiện nay chỉ tạm thời, chỗ ở thực sự của chúng ta là nơi tha ma nghĩa địa. Bởi vì chúng ta sẽ ở đó mãi mãi. Vì vậy người ta giải thích rằng nghĩa trang là chỗ ở thắm thiết nhất, không có nơi nào đậm đà tha thiết bằng. Nhưng có mấy ai lại thích căn nhà tổ ấm như vậy đâu. Thế mà họ vẫn mơ ước, vẫn thích căn nhà tổ ấm dù là kém hơn, tức là tại nghĩa trang. Nơi Phật Giáo Nguyên Thủy sáng chói không có nghi thức và cúng tế. Có mười kiết sử mà tôi sắp gởi đến quý vị bằng tiếng Pali. Dĩ nhiên quý vị nên học tiếng Pali sau này, nếu quý vị kiên trì học tập tiếng Pali, tôi rất hoan hỷ biết rằng quý vị đã khởi sự học rồi. Mười kiết sử hay những chướng ngại làm cản trở sự thành tựu Niết Bàn là:

1) Ngã kiến.

2) Nghi hoặc.

3) Giới thủ kiến.

4) Tham dục.

5) Sân.

6) Sắc dục.

7) Vô sắc dục.

8) Kiêu mạng.

9) Trạo cử.

10) Vô mình.

Phật Giáo Nguyên Thủy coi nghi thức và cúng tế là một chướng ngại lớn cho việc thực hành Ba La Mật. Đó là lý do Phật Giáo được đánh giá là có tính khoa học. Khoa học thuần tuý thì hoàn toàn không có nghi thức và cúng tế. Vì lẽ đó mà tôi phải hô hào cùng quý vị một lần cuối và mãi mãi về sau rằng bất cứ ở đâu mà quý vị thấy còn diễn ra nghi thức và cúng tế, dù là ở ngay trong chùa thì quý vị đừng bao giờ tin đó là đạo Phật. Bởi vì đạo Phật chủ trương không có nghi thức và cúng tế, không hề có ca ngâm gì trong chân lý, bởi vì chân lý là tuyệt đối, không có ràng buộc, tuyệt đối xả ly. Sự buông xả tối thượng là chân lý. Bởi vì như quý vị biết không có bài ca nào du dương hay hơn bài ca chân lý bất tử. Quý vị cũng biết tất cả bài pháp mà tôi thuyết giảng tại Singapore đây đều là những ca khúc sự thật. Chắc chắn không có ca khúc nào hay hơn ca khúc sự thật. Đó là ca khúc bất diệt, trường sinh bất tử.

Nơi Phật Giáo Nguyên Thủy, hàng xuất gia không có khuynh hướng tà nghiệp nào được cho phép, không đưọc bói toán số mệnh, không được hành nghề kinh doanh, không được tiên tri thời vận hay thiên văn địa lý để trục lợi. Trong Phật Giáo Nguyên Thủy cũng không cho phép suy niệm, biện chứng dù là vấn đề triết học. Điều này bị cấm triệt để, cũng không được biện luận rằng Đức Phật hữu hạn hay vô hạn.

Đức Phật dạy: “Cuộc đời như ngôi nhà đang bừng cháy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đang bừng cháy. Khi các ngọn lửa đang cháy tứ phía, ta đang ở trong ngôi nhà lửa như vậy làm sao còn có thì giờ để tranh luận với người khác?"

Bạn có thể say mê suy niệm về triết học không? Suy niệm về triết học có nghĩa là ngu si (vô minh). Bởi vì người tìm chân lý là người đã nhận ra sự thật sẽ chẳng bao giờ suy luận. Bởi vì vị đó là bậc tri kiến–người thấy chân lý. Trực diện, vị đó đã nhận biết chân lý, vị đó là chân lý, là Phật. Thế nên không còn suy luận nào nữa khi người ta đạt được chân lý? Sự kiện hiển nhiên mà người ta còn suy đoán chứng tỏ rằng vị đó còn ở trong bóng tối. Những người suy luận giống như người mới sinh ra đã mù. Khi người ta đem đặt một con voi giữa họ. Người mù rờ đụng vào chân con voi liền nói nó giống như cái cột nhà. Một người mù khác rờ đụng vào cái vòi con voi và nói nó giống như con rắn. Người khác nữa nắm cái tai con voi và bảo nó giống như cái quạt. Người mù tiếp theo rờ đụng cái bụng voi liền nói nó giống như bức tường. Một gã mù khác chạm vào cái vòi và nói nó giống như cái giáo. Trong khi bất đồng ý kiến với nhau, những nhà thông thái mù lòa bắt đầu đánh đập nhau bằng những cú đấm đá, trang cãi nhau quyết liệt: con voi giống như cột nhà. Không! Nó giống như con rắn. Không! nó giống như cái quạt mà. Không! Nó là bức tường. Không! Nó là cây giáo!...Tất cả họ đều đúng và đều sai. Thế nên nhà vua là người nhìn rõ toàn bộ con voi, bèn mỉm cười trong tâm khi thấy các hiền giả mù lòa này đang đánh nhau để xác định con voi là gì. Họ chỉ thấy một phần con voi chứ không thấy toàn bộ con voi. Quý vị có thể gọi các triết gia thông thái như Platon, Aristote, Socrates hay bất cứ triết gia nào; họ đều là những người mù khôn ngoan chỉ thấy một phần con voi chứ không thấy toàn bộ con voi! Nhà vua đã mở rộng nhãn quan trông thấy toàn bộ con voi là ai. Đó là bậc tối thượng, là Đức Thế Tôn! Ngài đã thấy toàn bộ con voi. Nhờ có tầm nhìn rộng nên Ngài biết con voi là gì. Thế nên ta đừng bao giờ suy đoán. Ta nên Thiền định và đạt cho được mục đích, mở rộng tri kiến, hãy nhìn toàn bộ phận con voi và sau đó mới biết con voi là gì.

Ta sẽ biết Niết Bàn là gì khi nào ta đạt được Niết Bàn. Mọi suy biện đều vô ích bởi vì chúng ta không có thì giờ để suy biện trong khi ngôi nhà đang cháy. Chúng ta không có thì giờ để suy luận, bàn cãi, chúng ta phải chạy nhanh ra cửa. Sau khi chạy ra ngoài thoát khỏi ngọn lửa đó chúng ta mới có thì giờ để suy đoán bàn luận. Nhưng chúng ta không cần suy đoán; bởi vì chúng ta chưa thấy, chưa nhận ra sự thật, và sau khi trở thành sự thật thì chúng ta mới biết rõ sự thật là gì.

Một đặc điểm nữa trong Phật Giáo Nguyên Thủy là không có lễ cầu nguyện, chỉ có sự tôn thờ sùng bái. Chúng ta quy ngưỡng Giáo pháp, quy ngưỡng Tăng Già và Trưởng lão Thánh Tăng. Chúng ta không cầu nguyện. Lễ cầu nguyện có nghĩa là xin, yêu cầu điều gì. "Hãy cho chúng con bữa ăn hôm nay”, đó là xin. Chúng ta không xin Đức Phật bữa ăn hàng ngày. Thực ra chúng ta dâng cúng phẩm vật đến Đức Phật, chúng ta không yêu cầu Đức Phật ban cho ta điều gì. Tại sao? Vì Đức Phật đã cho ta món quà chân lý cao quý nhất rồi; so với việc cúng dường phần phẩm vật hư hoại qua đêm thì thật nhỏ. Khi Đức Phật cho ta món ăn tâm linh bổ ích, món ăn này tồn tại mãi và giúp chúng ta giải thoát mọi khổ đau.

Một điểm trọng yếu nữa như tôi đã nói trước kia rằng trong Phật Giáo không có thần và linh hồn. Mặc dù không có thần trong Phật Giáo, song Phật Giáo vẫn có cách khác, nghĩa là chỉ có Phật Giáo mới có thần. Không có tôn giáo nào khác có thần ngoại trừ Phật Giáo. Quý vị thấy có kỳ lạ không. Một đằng thì nói không có thần trong Phật Giáo, đằng khác lại nói chỉ có Phật Giáo mới có thần. Tại sao không có thần trong Phật Giáo? Vì Phật Giáo không có thần sáng thế, bởi vì Phật Giáo không tạo ra thế giới đau khổ này. Đức Phật chủ trương diệt trừ sinh tử luân hồi và cống hiến Niết Bàn. Do đó Ngài là ân nhân của thế gian. Đức Phật cứu vớt nhân loại thoát cảnh trầm luân thống khổ. Trong khi đó Đấng Sáng Tạo lại đẩy nhân loại vào thế giới bất hạnh. Tôi biết chỉ có một đấng sáng tạo đó là Vô minh. Thế giới được hình thành hàng triệu lần trong mỗi khoảnh khắc, bởi vì thế giới là động chứ không tịnh. Lòng tham ái của tôi tạo nên thế gian này. Thế nên tôi phải đoạn diệt tham ái của tôi, diệt trừ thế giới của tôi. Khi mọi người diệt trừ được tham ái là họ điệt trừ được thế giới của họ. Kết quả sau đó sẽ chỉ là thực tại. Thế giới hư ảo sẽ ra đi và Niết Bàn thực tại sẽ an trú vĩnh viễn.

Tôi đã cố gắng gởi đến quý vị phần tinh hoa rạng rỡ của Phật Giáo Nguyên Thủy. Quý vị đã nhận ra rằng Phật Giáo Nguyên Thủy nổi tiếng là giản dị, vì tất cả chân Pháp, vạn hữu đều đơn giản không có gì phức tạp cả. Thế giới còn trong trình độ mẫu giáo. Rất ít người vươn lên đạt tiêu chuẩn cao hơn. Và tìm ra được những người tốt nghiệp tâm linh thì hầu như tìm kiếm trong vô ích. Khi một người tốt nghiệp ở môi trường học thông thường, vị đó nhận văn bằng tốt nghiệp cử nhân văn chương, tốt nghiệp cử nhân khoa học, bằng cao học, bằng tiến sĩ.v.v...Khi một người tốt nghiệp từ trường đại học tâm linh, vị đó sẽ nhận văn bằng Tâm linh, văn bằng Tu Đà Hườn. Đó là bằng cấp của người nhập lưu. Người ta phải tu tập cách nào để đắc quả Tu Đà Hườn? Vị đó phải tu tập đoạn diệt niềm tin vào sự hiện hữu của một linh hồn, một linh hồn bất biến và bất diệt. Ta phải triệt phá các mối nghi ngờ nơi Phật, Pháp, Tăng, nơi Thánh giới. Ta cũng cần loại bỏ sự tin tường vào hiệu quả của nghi thức và cúng tế mà tôi đã lưu ý trước kia. Ngay khi đoạn diệt ba kiết sử đầu tiên, vị đó chứng quả Tu Đà Hườn. Vị đó đang đi trên con đường Bát Chánh, bám chặc trên đường Đạo. Có phải quý vị cũng đang đi trên con đường Bát Chánh? Hãy tự hỏi mình câu hỏi này. Nếu quý vị không phải là bậc nhập lưu thì quý vị không đi trên Thánh Đạo. Quý vị đang nỗ lực tiến tới Thánh Đạo, quý vị chưa tiến đến nhưng quý vị đang bước gần đến. Một khi quý vị thành bậc nhập lưu, quý vị đang đi trên đường Đạo, quý vị sẽ chứng đạt Niết Bàn ít nhất bảy kiếp nữa chứ không quá bảy kiếp.

Văn bằng kế tiếp là gì? Đó là quả vị TƯ ĐÀ HÀM. Vị đó dập tắt ba triền cái đầu (thân kiến, nghi kiến, giới thủ kiến) và làm yếu hai triền cái sau (tham dục, sân), vị ấy làm yếu tham ái và sân (làm yếu đi phân nửa), quả vị TƯ ĐÀ HÀM chỉ trở lại thế gian một lần, không quá một lần.

Văn bằng kế tiếp nữa là A NA HÀM. Ta đoạn diệt hoàn toàn năm triền cái một lần cuối rồi thôi. Ta đoạn diệt được ba triền cái đầu tiên, triền cái thứ tư, thứ năm, tham ái, sân. Ta đoạn diệt vĩnh viễn năm triền cái. Vị đó không bao giờ trở lại trần gian này nữa. Quý vị cũng nên nhớ rằng hiện có nhiều vị Alahán trên vũ trụ này. Nếu quý vị muốn nhìn thấy họ hãy lên cõi Trời Tịnh Cư. Nhờ khoa học chúng ta có thể liên lạc với các vị Alahán. Chúng ta có thể nhìn thấy họ qua truyền hình. Nếu quý vị không thể thực hiện được và cũng không thể chờ đợi lâu việc cải tiến khoa học hiện đại, xin hãy vui lòng qua nước Tây Tạng. Tôi nghe rằng có nhiều vị Alahán đang sống ở Tây Tạng hiện nay. Sau chuyến hoằng Pháp ở Mỹ về tôi sẽ cố gắng sang Tây Tạng để học hỏi quý Ngài.

Văn bằng kế tiếp nữa của trường Đại Học Tâm Linh là quả vị A LA HÁN. Vị này đoạn diệt tất cả mười triền cái: năm triền cái đầu và năm triền cái sau. Sắc dục là tham tái sinh trong cảnh giới sắc; vô sắc dục là tham tái sinh trong cánh giới vô sắc, kiêu mạn, trạo cử và vô minh. Ngay đến một vị Anahàm dù sẽ không tái sinh ở trần gian nữa, song vẫn còn kiêu mạn. Kiêu mạn là yếu điểm sau cùng của bậc Đại Thánh.

Một khi bạn tốt nghiệp trường Đại học Tâm Linh này bạn mới thực sự là người tốt nghiệp. Có nhiều người mãn nguyện với bằng cấp thế tục. Họ nỗ lực thật gian khổ trong các kỳ thi để lấy bằng cử nhân văn chương, gắn liền với tên tuổi mình, nhưng đấy chỉ là những văn bằng nhất thời không tồn tại bao lâu. Sau khi đậu văn bằng tiến sĩ, tuổi đời cũng qua mau, bạn sẽ già, sẽ chết, rồi bạn lại tái sinh, rồi lại khởi sự đến lớp mẫu gláo, rồi năm tháng chồng chất, bạn lại phải dẫm chân trên những bước đường mệt mỏi để thi cử, rồi lại đến đỉnh cao tiến sĩ v.v... cứ như vậy mãi trong chu kỳ luân hồi đau khổ bất tận.




 

LÀM SAO ĐỂ CÓ HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI

Tôi có viết bài báo tựa đề: "DẬP TẮT CHIẾN TRANH VĨNH VIỄN", điều này đồng nghĩa với "hòa bình thế giới". Trong bài báo tôi đề xướng một giải pháp duy nhất để ngăn ngừa chiến tranh: Đó là phương cách dập tắt nguyên nhân gây ra chiến tranh. Tôi đã kham nhẫn tìm cách giải trừ vũ khí bên ngoài thế giới bằng cách giải trừ vũ khí ngay bên trong thân phận con người. Tôi đã thấy rõ sự kiện muốn dập tắt chiến tranh thì phải tận diệt ngay bên trong gốc rễ của nó. Về phương diện y học, tôi đã từng chẩn đoán nhiều ca và đưa ra toa thuốc chữa trị. Lòng tham là cội nguồn của chiến tranh, chiến tranh khắp nơi trên thế giới. Làm thế nào để đoạn diệt lòng tham tức là hoàn thành sự giải trừ quân sự trên khắp thế giới. Có nhiều phương án kinh tế quy mô mong ổn định chiến tranh khắp nơi đã được đưa ra ánh sáng. Nhưng các giải pháp trên đều vô ích vì họ không đoạn diệt được nguyên nhân của chiến tranh, chẳng khác nào chỉ sử dụng thuốc ngoài da chứ không tẩy sạch được máu mũ, tiêu trừ tận gốc được tìm thấy bên trong cơ thể–tâm ý con người chứ không phải bên ngoài. Hậu quả là gì? Điều ác vẫn tồn tại, chừng nào mà gốc rễ của nó vẫn còn ẩn tàng chưa đoạn diệt. Dù một vài ứng dụng về giải pháp kinh tế có vẻ thành công, tạm thời ngăn chặn được những tranh chấp quốc tế; song tinh thần gây chiến của con người vẫn khẳng định chính nó phát sinh thứ nội chiến như một số các nước trên thế giới hiện nay.

Nếu các cuộc nội chiến có được ngăn chặn đi nữa thì các chứng bệnh tranh giành vẫn sôi sục âm ĩ trong nanh vuốt của gia đình. Nơi đó cha mẹ tranh với con cái; con cái chống đối cha mẹ; vợ chồng cãi lộn, anh em, chị em xung đột lẫn nhau. Và dù cho những phiền não bên ngoài chấm dứt nhưng tâm ý đấu tranh nơi con người vẫn làm cho người ta nổi loạn chính mình. Cho đến khi chính mình phải đắm lệ trong những tình huống khổ đau tuyệt vọng. Tại sao? Chỉ vì lòng tham của vị đó vẫn còn âm ĩ bên trong.

Vì vậy chúng ta phải diệt trừ tận gốc rễ chiến tranh mới đem lạì hòa bình thực sự.Chúng ta phải quét sạch những nguyên nhân cơ bản đưa đến chiến tranh, giống như ngôn ngữ trong Tân ước: DỤC VỌNG là TRẬN CHIẾN trong anh em chúng ta.

Trong bài báo đã nói, tôi tìm cách trình bày cho họ thấy rằng làm sao giải trừ được khí giới trong mỗi và mọi người mới dẫn đến sự giải trừ quân bị thực sự làm cho thế giới được hòa bình tịnh lạc.

Tôi muốn nhấn mạnh "việc giải trừ quân sự toàn cầu". Nghĩa là kết thúc toàn bộ việc quân binh, tức là tước bỏ vũ khí tham ái của mỗi người. Chúng ta hãy từ giã vũ khí chiến tranh bằng con người đã thực sự giã từ vũ khí. Đó là những con người toàn thiện. Chúng ta ước mong mỗi người đều trở thành bậc Thánh nhân, như vậy mới thực hiện được hòa bình thế giới lâu dài, và rồi lịch sử sẽ là một lịch sử đổi mới chứ không phải lịch sử bạo tàn của thời kỳ xa xưa, mà chúng ta đã phải chịu đựng thống khổ liên tiếp từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác.

Thấy không có hại gì khi tôi đề cập đến câu nói của Mussolini: "chiến tranh vẫn trường kỳ và hòa bình chỉ là khoảng trống để thư giãn trong cuộc chiến liên tục". Thế tại sao người ta ngưng chiến? Bởi vì họ không thể giao tranh thêm nữa. Họ quá mệt mỏi và vì suy liệt mọi khả năng phương tiện, họ chỉ cần một khoảng trống thời gian để thở, dùng khoảng cách thư giãn này để chuẩn bị cho trận chiến sắp tới. Chừng nào họ cảm thấy có đủ sức lực thì họ lại bắt đầu khai chiến.

Lại nữa, khoái lạc giác quan cũng là nguyên nhân của cuộc chiến tranh, của lòng ích kỷ, tham lam, tranh chấp giữa các vương quốc, các lãnh thổ, gia đình. Khoái lạc giác quan đưa đến chiến tranh, thảm sát, tra tấn và điên loạn. Chắc quý vị muốn nghe câu chuyện mà Đức Phật đã nói cách đây 2500 năm về chiến tranh, nguyên nhân và phương pháp chấm dứt?

Đức Phật dạy: Năm uẩn tức là 5 hợp thể khoái lạc giác quan: sắc được cảm nhận bằng mắt; âm thanh được cảm nhận bằng tai; hương khí bằng mũi; mùi vị bằng lưỡi và xúc chạm bằng thân. Tất cá đều có thể cảm thấy khoái lạc và kích thích đam mê. Vì khoái lạc, từ khoái lạc, do khoái lạc, chính khoái lạc và chỉ khoái lạc là nguyên nhân cốt tủy. Thế nên vua mới chinh phạt vua, hàng quý tộc mới tranh chấp với hàng quý tộc, Bà La Môn diệt Bà La Môn, dân trong nước tranh giành vởi nhau. Cha mẹ xung đột với con cái, con cái xung đột với cha mẹ. Anh chị em hơn thua với nhau, bạn bè sừng xỏ với nhau. Họ tận lực hạ nhau bằng những cú đấm, cú đánh, bằng gậy, bằng dao, đi dần đến chỗ tử vong hay thương tích trầm trọng. Đó là những hiểm họa đi theo sau những khoái lạc giác quan ở đây và bây giờ với tất cả những sự cố tạo thành một tổng thể đầy bất trắc: vì khoái lạc, từ khoái lạc, do khoái lạc, chính khoái lạc và chỉ khoái lạc là nguyên nhân.

Kinh Trung Bộ–một trong Tạng Kinh Phật có nói: Mọi sự đều tương ưng, vì khoái lạc mà gươm khiên sẵn sàng ra trận; cung tên và xạ thủ hối hả dàn quân, trong khi tên đao phóng xuyên qua không trung thì gươm giáo vung lên chém đầu kẻ thù đến nỗi xác chồng chất và thương tích chết người. Đây là những hiểm họa đi theo những khoái lạc giác quan, ở đây và bây giờ với tất cả những yếu tố gây nên toàn bộ bất lợi. Tất cả vì khoái lạc, từ khoái lạc, do khoái lạc và chính khoái lạc là nguyên nhân.

Có điều là trên chiến trường, niệm tưởng sau cùng của một chiến sĩ tử vong không thể nào có được. Bởi vì kẻ thù đang cố ý giết anh ta, khi anh ta sắp chết liền khởi một niệm tưởng sân hận, niệm tưởng sau cùng này tác hại cho bản thân anh ta và cho người khác. Anh ta không thể tái sinh trong cảnh giới tốt được. Niệm tưởng sau cùng có ảnh hưởng đến sự tái sinh sắp tới.

Điều gì khiến ta thoát khỏi khoái lạc giác quan. Phải hạn chế và khép chặt vĩnh viễn các thèm khát và khoái khẩu, đây là pháp thoát ly mọi khoái cảm giác quan, nguyên nhân dẫn đến sự giải trừ quân sự khắp nơi và chiến tranh thế giới. Vì vậy con người sống trên toàn cầu phải từ bỏ khoái lạc giác quan, đó cũng là cách làm cho người ta từ bỏ chiến tranh, ổn định hòa bình thế giới.

Phật Giáo là gì? Phật Giáo là tôn giáo của lòng từ bi vô lượng đạt được nhờ sự từ bỏ, không có gì cao cả hơn điều này, từ bỏ cái không thực, chúng ta đạt được thực tại tối thắng của Niết Bàn vô thượng.

Lòng ham muốn đưa đến thù hận. Ham muốn chiếm đoạt đưa đến thù hận; thù hận đưa đến chiến tranh. Bởi vậy nếu dập tắt được thù hận là dập tắt được chiến tranh. Chúng ta phải đoạn diệt lòng tham ưa thích của cải và quyền lực.

Hãy xóa bỏ chiến tranh vĩnh viễn. Hận thù không bao giờ ngăn chặn được hận thù. Quy luật nghìn xưa đều thuần thiện. Khi hận thù không còn đối đáp với hận thù, nó sẽ tự tiêu tan. Chiến tranh chỉ chấm dứt khi nào loài người trên thế gian này từ bỏ binh nghiệp, và chỉ khi nào họ được giáo dục về lòng căm ghét, sự giết hại, mọi sự giết hại ngay cả loài côn trùng bé nhỏ. Thế nên ta cần huấn luyện các thanh thiếu niên phải biết ghét bỏ sự sát hại. Đây là một khuyết điểm của nhiều tôn giáo, không giáo dục lòng từ bi thương cảm đối với vạn hữu sinh linh. Họ nói: hãy yêu thương con người! và ngưng tại đó, không vượt khỏi loài người tức là sinh mạng những loài vật. Lòng từ bi bác ái của họ mới có một phía. Lòng từ bi và bác ái đó chưa phổ cập và nồng nhiệt chân tình.

Người ta buộc phải giết sinh vật vì nó được tạo ra phục vụ cho bữa ăn của con người! Vị đó là người sáng tạo sẵn sàng giúp đỡ, tạo nên những sinh vật để cống hiến cho những sinh vật khác. Vì vậy chúng ta quả là những người được yêu chuộng!

Nếu con người trên thế giới này muốn hoàn thành việc giải trừ vũ khí toàn cầu, trước tiên họ phải tháo bỏ vũ khí ngay trong tâm mình. Nếu tâm thức con người cứ mãi hùng hổ thô bạo với tháỉ độ quân sự thì làm sao tâm thức đó có thể hoàn tất được cuộc giải trừ vũ khí toàn thế giới.

Chính lòng tham mới khiến con người phát biểu: "lãnh thổ này là lãnh thổ của riêng tôi". Chính lòng tham đã khiến người ta coi rẻ mọi đất nước khác, ngoại trừ quê hương xứ sở mình.

Vì vậy chúng ta hãy kêu gọi con người dập tắt lòng tham, họ sẽ yêu quê hương họ một cách công bằng. Khi họ yêu thương mọi quốc gia một cách bình đẳng thì họ còn chiến đấu với ai nữa? Đây là giải pháp đảm bảo cho công cuộc giải trừ quân sự khắp nơi và hòa bình thế giới một cách có hiệu lực.

Từ đâu đưa đến chiến tranh và xung đột giữa quý vị với nhau? Rõ ràng do lòng tham là nguyên nhân gây ra chiến tranh, vì vậy chúng ta hãy giải trừ vũ khí chính mình bằng cách diệt lòng tham "là chiến tranh trong anh em chúng ta" và chúng ta sẽ hưởng được hòa bình cho mỗi cá nhân. Chúng ta hưởng được hòa bình cho mỗi cá nhân sẽ đưa đến hòa bình cho toàn gia đình, đưa đến hòa bình cho toàn quốc gia, đưa đến hòa bình cho toàn thế giới.

Do đó chúng ta hãy tự mình tước bỏ vũ khí, tự đoạn diệt tham ái và hận thù. Chúng ta hãy tiếp dẫn lòng yêu thương và hòa bình vào tâm thức của lớp trẻ. Chúng ta hãy giáo dục thanh thiếu niên biết giữ đạo hạnh. Nếu mọi người được an lạc nội tâm thì toàn thế giới cũng được an lạc và sự giã từ vũ khí khắp nơi sẽ là một thực tế có thể diễn ra trong nháy mắt.

Các quốc gia sở dĩ phải vũ trang là vì nhiều cá nhân đã vũ trang (với lòng tham ái, sân hận). Khi nào những cá nhân trở nên dân sự (không còn trang bị vũ khí hận thù) thì mọi quốc gia trên thế giới sẽ giã từ quân sự. Thông thường người ta hay khiển trách những nhà tổng chỉ huy quân sự; họ cho rằng những nhà tổng chỉ huy là nguyên nhân của chiến tranh nhưng có ai hiểu được những nhà tổng chỉ huy đó là những đầy tớ của chúng ta.

Do ôm ấp hận thù khiến toàn thể quần chúng áp lực những nhà tổng chỉ huy đáng thương đó phải ra tay hành động, họ chỉ là những công cụ của chúng ta. Bởi vì khi toàn dân muốn có chiến tranh thì áp lực tinh thần của toàn dân buộc nhà tổng chỉ huy phải tuyên chiến. Bởi vì quý vị cũng hiểu rõ rằng những làn sóng tư tưởng gây ảnh hưởng đến người khác. Họ không thể bất động mà phải thỏa mãn nguyện vọng của đa số quần chúng cần biểu dương quân sự để bảo vệ Tổ quốc.

Có khi chiến tranh xảy ra không phải do quần chúng mà xuất phát từ những vấn đề khác, có thể là do những nhà công kỹ nghệ, những nhà tài phiệt kinh tế có thể áp lực các nhà lãnh đạo quốc gia ra tay hành động nếu nó tạo thắng lợi về mặt tư bản bất cứ cách nào. Dẫu sao đi nữa thì quần chúng vẫn là những người chịu trách nhiệm đối với vấn đề giải trừ vũ khí khắp nơi. Chúng ta không nên chê trách chính phủ hay những nhà tổng chỉ huy. Chúng ta hãy lên án những người vẫn còn ấm ức với nội tâm đầy tham ác hận thù. Bất cứ lúc nào ta còn nội chiến với chính mình thì lúc đó chúng ta đang góp phần cho chiến tranh. Chỉ khi nào mỗi người được an lạc bên trong, vị đó mới dám thành thật nói rằng mình không chịu trách nhiệm về chiến tranh, mỗi niệm tưởng sân si, thù hận đang tăng dần nhiên liệu khơi động chiến tranh sau cùng, thật tàn khốc.

Giờ xét đến từ "lòng yêu nước". Từ này chịu trách nhiệm sát hại hơn bất cứ từ nào. Báo chí làm kích động và nóng máu quần chúng, vì vậy ta nên chận đứng báo chí kiểu đó hoặc giao cho những nhà biên tập ưa chuộng hòa bình. Họ là những người không thích chiến tranh, và rồi nếu những nhà biên tập là những người yêu thích hòa bình thì nhất định họ sẽ không viết những tin giật gân. Ai sẽ mua những loại báo đó. Báo phát hành ra ngoài vì tiền và tiền gây cho báo chí hoang mang. Nó kích động quần chúng vì họ muốn có chiến tranh. Tiền bạc quả là một con rắn độc, cũng chính vì đồng tiền mà chiến tranh bùng nổ khắp nơi. Bằng phương tiện hô hào lòng yêu nước, nói láo, gian dối, làm nhục, các chiến sĩ bị kích động, bị thuyết phục giết nhau giống như giết những con chó. Và khi được chết trên chiến trường họ được vinh danh với các từ "anh hùng". Thật là dối trá đối với họ làm sao? Đức Phật đã nói những vị anh hùng này chịu đau khổ ở địa ngục trần gian và địa ngục kiếp sau. Bởi vì niệm tưởng sau cùng của họ không thể là ý niệm của lòng từ bi vô hạn. Một chiến sĩ không thể nào cầm dao đâm vào một chiến sĩ khác khi đã có lòng từ bi vô lượng. Nếu mọi chiến sĩ biết điều này liệu ai còn dám nghĩ rằng mình là một đồ tể giết người hay không? Chắc quý vị biết rằng thời gian trước đây, khi trở về quê hương–nước Ý, tôi đã từ chối không đi lính. Khái quát lý lịch thì quý vị cũng biết rồi, tôi từ bỏ cha mẹ, anh chị ở Mỹ, sang Miến Điện tu học 6 tháng. Tôi bỗng bị bệnh kiết lỵ nên trở về Ý để thay đổi không khí. Lúc đó tôi còn trẻ, mới có 27 tuổi, là một Tăng sĩ hết sức năng nỗ nhiệt tình. Chính quyền ở Ý "chộp cổ tôi" buộc tôi phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi đã khoác y vàng, là đệ tử của đức Như Lai, tôi đã xuất gia nghĩa là thoát ly thế tục vậy mà bây giờ họ muốn kéo tôi trở lại đường trần vốn ly khai chúng tôi. Họ cố cưỡng bức "anh phải nhập ngũ". Tôi trả lời rằng tôi không thể nào đi lính được vì tôi là đệ tử của Đức Phật, tôi không được phép giết một con kiến hay con muỗi hút máu thì làm sao tôi có thể giết một con người vốn là anh em của tôi. Dù là theo luật pháp, mỗi người công dân chỉ phục vụ quân ngũ 8 tháng, tôi vẫn lý giái để cho họ thông cảm trường hợp của tôi, tôi sanh ở Ý nhưng tôi lại yêu tất cả mọi quốc gia với tâm bình đẳng, mọi người là anh em của tôi. Vả lại, Phật Giáo của tôi là tôn giáo của lòng từ bi đối với tất cả sinh vật lớn hay nhỏ đều không phân biệt.

Làm sao người ta có thể hoàn tất được cuộc giải trừ quân sự toàn cầu. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi nào mọi người đều từ chối không để mình trở thành người lính. Việc này chỉ thực hiện tốt đẹp khi nào họ được giáo dục sự chán ghét giết hại, giết tất cả ngay đến các loài côn trùng nhỏ bé. Thế nên chúng ta phải dạy cho các thanh niên biết chán ghét sự giết hại. Hãy làm cho các nhà đồ tể–cơ sở giết súc vật–trở thành trận chiến phai tàn. Cũng như các tội tử hình cần được phá bỏ. Tội giam tù mãi mãi là hình ảnh tốt đẹp hơn so với tội tử hình ghê rợn, phi nhân.

Khi các bé trai lớn dần, chúng được cho mặc những bộ đồ lính, đồ chơi súng cầm tay, đồ chơi súng đại bác.v.v...dĩ nhiên những sản phẩm tâm lý trở nên một sáng tạo quân sự này khiến tham vọng bành trướng và chúng mơ ước trở thành chiến sĩ khi đến tuổi trưởng thành. Đây là lối giáo dục nguy hiểm.

Vậy chúng ta hãy huấn luyện con em chúng ta biết yêu thương loài vật cùng hô hấp trên trái đất này. Hãy yêu thương người lân cận như yêu thương chính mình. Vì ghét người lân cận là ghét chính mình. Họ không nêu lý do tại sao bạn phải yêu thương người lân cận. Bởi người lân cận là chính mình. Nếu bạn ghét người lân cận là tự động ghét mình. Đó là lý do tại sao bạn phải yêu thương người lân cận như chính mình. Bởi lẽ không có bản ngã trong Đạo Phật. Tất cả lòng yêu thương là một. Nếu bạn yêu thương mình là yêu thương muôn loài. Đây là con đường đưa tới hạnh phúc.

Pháp ăn chay sẽ đoạn diệt được sự hung hăng. Người ta quả quyết chứng minh được rằng sự ăn chay có thể thuần hóa những con sư tử dữ tợn thành những con vật hiền từ. Đạo sư Kvishanandfi đã từng thuần hóa những con sư tử và cọp trở thành những con vật ăn chay hoàn chỉnh. Chúng ta từ chối, không để ý đến thịt nữa, pháp ăn chay đã biến đổi chúng thành những con vật vô hại. Vậy tại sao chúng ta không thuần hóa chúng sanh thành những công dân hòa bình vốn từ chối thanh toán sát hại nhau? Chỉ khi nào con ngườì trần gian này trở nên trầm mặc và tĩnh lặng họ mới hy vọng hoàn tất được sự giải trừ binh nghiệp, đem lại hòa bình cho thế giới.

Thịt sở dĩ cung cấp cho binh lính ăn là vì thịt kích thích và làm cho binh lính hung hăng thêm. Nếu binh lính ăn cỏ thì họ sẽ trở thành những con nai hiền từ. Họ sẽ yêu thương nhau và ôm nhau mừng rỡ. Lúc đó mới thực sự là thời điểm hòa bình.

Lương tâm quần chúng phải được khơi dậy trước khi thực hiện điều gì. Khi lương tâm quần chúng vùng lên chống cảnh nô lệ thì cảnh nô lệ sẽ bị tiêu diệt. Khi lương tâm quần chúng vùng dậy chống chiến tranh thì chiến tranh phải dập tắt. Pháp ăn chay tạo cho con người hiền hòa, tĩnh lặng. Và vì vậy là một đại cơ xưởng đang khởi động lương tâm quần chúng chống chiến tranh. Nhà tiên tri Isaiah đã nói: "Kẻ nào giết một con bò thì dường như kẻ đó đã giết một con người". Chúng tôi cũng nói vậy: "Ai giết được một con bò, ngườí đó sẽ giết được một mạng người". Theo tài liệu báo cáo thì có nhiều trường hợp những đồ tể cũng ghét luôn cả con người. Có những trường hợp trẻ nhỏ giết cả các em của mình sau khi thấy cha chúng giết heo.

Hãy lưu ý thêm các thống kê tội ác cho thấy trong số những người ăn thịt ở Tây phương phạm tội ác gấp 8 lần so với số người ăn chay ở Ấn Độ.

Một hôm người ta hỏi Bác sĩ Arundale là liệu Bác sĩ có cách gì dứt được các bệnh điên của thời đại hiện nay không. Bác sĩ trả lời rằng phương pháp duy nhất không phải bằng kế hoạch kinh tế mà là phải triệt để giảm bớt những căng thẳng tinh thần về chiến tranh trong mọi phương diện đời sống. Được hỏi tại sao phải tiếp tục ăn chay, bác sĩ trả lời: theo ý nghĩ của tôi thì chắc chắn việc nuôi mạng sống bằng việc ăn thịt hàng ngày là động cơ thúc đẩy nổi máu chiến tranh. Tinh thần "súng đạn" nơi con người là hậu quả của lòng hiếu sát của con người trên thân phận những con vật đáng thương không nói được tiếng người để phản đối, tuyên chiến với loài vật là tuyên chiến với loài người, bởi vì về phương diện sinh học thì người và vật đều như nhau. Nếu loài vật có thể nói được thì chúng sẽ nói gì? Chúng sẽ gầm lên: "loài người là kẻ thù xấu xa tàn ngược nhất của chúng tôi. Và con người cũng là kẻ thù của chính họ. Họ dùng trí thông minh của họ để bắt giam và giết hại chúng tôi". Hậu quả là: lòng ham muốn giết hại đã xúi giục họ sử dụng trí thông minh tương tự tìm mọi cách và phương tiện để tàn sát loài người trên bình diện quy mô hơn. Quý vị hãy nhìn trận đại chiến vừa qua với những hơi độc, tàu ngầm, phản lực cơ và bom nguyên tử gây tử vong khủng khiếp. Cho nên cần thuần hóa bản tính hung hăng của con người bằng pháp ăn chay. Muốn trở thành người trai giới thuần tịnh vị đó phải tránh sát hại sinh mạng loài vật, điều này sẽ làm cho vị đó tránh sát hại loài người.

Rượu cũng là một tai họa, nó đốt cháy thân tâm, làm ngu muội dòng tư duy của con người. Dưới ảnh hưởng của rượu người ta có thể chém giết, trộm cắp, tà dâm, nói láo và mất hết nhân cách. Vì vậy ta nên khuyên mọi người trên khắp thế giới nên tránh uống các chết say và nên uống nước lọc trong sạch, tinh khiết toàn hảo nhất. Được vậy họ sẽ trở nên con người thích hòa nhã, vui vẻ. Nếu việc uống rượu được hạn chế khắp nơi sẽ đưa con người vốn đầy lòng tham ái hận thù đến chỗ giã từ súng gươm chiến sự và khi mọi người có được hòa bình trong tâm thì lúc đó mới có hòa bình thế giới được. Và việc giải trừ vũ khí chiến tranh sẽ là một thực tại huy hoàng.

Đức Phật đã dạy: "Này các đệ tử, nếu có bọn cướp dữ nào bắt con, chúng dùng dao để khắc vào tay chân con; ngay lúc đó con còn khởi tâm sân giận tức là vẫn chưa nghe theo lời dạy của ta. Ngay lúc đau đớn này, phận sự của con là phải kham nhẫn, giữ tâm bất động, không cho một lời thô ác nào thoát ra trên môi, mà con phải luôn luôn an vui trong hạnh nguyện từ bi, thiện ý bằng trái tim buông xả, không hận thù, ôm ấp nnhững niệm tưởng thương yêu sáng ngời đối với bọn cướp dữ đã hành hạ thân con. Và từ đó mãi mãi ban trải khắp nơi những niệm tưởng yêu thương, những ý tưởng vĩ đại, bao dung, vô lượng; nơi đây không còn hiện khởi một ý tưởng hận thù ác hại nào". Sau 600 năm Đức Chúa đã nói: "Hãy yêu thương kẻ thù của con, nếu kẻ thù tát vào má bên phải của con, hãy đưa thêm má bên trái cho họ tát". Đức Phật trước đó có phần tích cực hơn một chút, không những đưa má cho kẻ thù tát mà còn ôm chầm lấy bọn cướp bằng tấm lòng yêu thương Niết Bàn (vô ngã).

Đức Thế Tôn đã dạy bài pháp tối hậu được mọi người nhắc mãi–giáo pháp về lòng yêu thương–không phân biệt về giống loài hay con người và toàn sinh vật hữu tình. Con người phải yêu thương đồng bào mình như chính mình; đổi lành lấy dữ; đổi yêu thương lấy hận thù; vị đó phải trải lòng từ bi cho loài cá dưới biển và loài mãnh thú trong rừng, cũng như loài chim trên không trung, cho thảo mộc cây cối, cho dòng sông, rừng núi... Vị đó chớ nên sát hại đồng bào của mình dù là để tự vệ. Tóm lại, toàn bộ chiến tranh đều là thói phàm tục thiếu đạo đức.

Cái duy nhất mà ta phải giết là lòng tham ái và sự hận thù. Chúng không phải ở bên trong mà cũng không phải ở bên ngoài. Con người là người bạn tốt nhất của chính mình, mà cũng là kẻ thù tai hại nhất.

Đức Phật dạy: "Hãy đoạn diệt hận thù bằng tình thương, giữ gìn 5 học giới là trọng yếu sống hạnh phúc".

Chiến tranh là hình thức sát hại, tà dâm, nói láo và uống rượu qui mô nhất; chiến tranh cũng là sự phá hoại qui mô nhất đối với 5 học giới nói trên. Vì lẽ đó chúng ta hãy dạy các con em tinh tấn giữ gìn 5 học giới. Nếu mỗi một em được giáo dục có tâm hạnh chán ghét tuyệt đối việc sát sanh, trộm cắp.v.v... thì nơi nào còn có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai nữa? Chúng ta hãy cải biến xã hội bằng cách nhỏ từng giọt phẩm hạnh tình thương và hòa bình vào tâm thức còn mềm dẻo của thanh thiếu niên. Một khi thanh thiếu niên trưởng thành chúng sẽ tuyên bố một cách phản kháng: "Chúng tôi không chiến đấu nữa!". Và đây là tiếng kêu vang dội sẽ bay khắp thế giới. Đây là cách mà nhân dân trên toàn cầu có thể thành tựu việc giảm trừ chiến tranh đưa đến hòa bình thế giới.

Lại nữa, dù chúng ta có dư cảnh sát an ninh, chúng ta vẫn thấy mãi nhiều vụ sát hại, cướp bóc và tà dâm..., dù chúng ta có nhiều đồng minh quốc gia, chúng ta vẫn còn chiến tranh. Chỉ có một cách hoàn toàn chấm dứt tội ác và chiến tranh nghĩa là chúng ta phải có đồn cảnh sát bên trong tâm hồn mỗi người; hãy để mỗi người có cảnh sát riêng cho mỗi người. Khi mọi nguời chuyên cần tự mình kiểm soát an ninh cho chính mình thì nơi đây cần gì cảnh sát bên ngoài, liên minh các quốc gia hoặc là giải trừ vũ khí? Thế nên chúng ta phải dạy các thanh thiếu niên phải cố gắng thọ trì 5 học giới trên, chúng ta phải huấn luyện tuổi trẻ. Đây là cách mà nhân dân trên thế giới có thể giải trừ vũ khí trên toàn cầu.

Chỉ có tu tập 5 học giới mới có thể dập tắt chiến tranh. Bởi vì 5 học giới giúp chúng ta biết yêu thương loài vật và tránh uống rượu–điều mà trong các điều răn không thấy dạy. Trong các điều răn, họ cho phép giết các loài vật và không có điều thứ 11: ngăn cấm uống rượu. Trong Phật Giáo có một huấn thị khuyên không nên uống rượu. Tâm là năng lực có thể đào phá con đường Niết Bàn. Nếu tâm không được trong sáng 100% thì làm sao con người có thể giải thoát cho mình vượt qua tham ái và những kẻ thù nội tâm vốn gây trở ngại cho con đường tiến đến Niết Bàn. Thế nên chúng ta phải giữ gìn bộ não cho sắc bén để có thể triệt phá những kẻ thù bên trong tâm thức mình, nó gây trở ngại cho ta trên bước đường giải thoát. Chúng ta hãy cống hiến cho lớp trẻ những huấn thị đạo hạnh đúng đắn, huấn luyện cho các thanh niên biết chán ghét đam mê khoái lạc giác quan. Nếu món ăn vật chất cần đòi hỏi mỗi ngày cho thân xác thì món ăn tinh thần cũng cần đáp ứng cho tinh thần và óc não. Ngày hôm nay toàn thế giới đang đau khổ vì thiếu món ăn tinh thần. Sự khao khát này là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh. Thế nên thế giới cần phải có những chất liệu tốt để dinh dưỡng tinh thần. Chừng nào mà sự khao khát tinh thần trên toàn cầu không còn nữa thì vấn đề giải trừ quân sự và hòa bình thế giới mới có thể đạt được.

Vấn đề then chốt trong việc giải binh toàn cầu và hòa bình thế giới là gì? Liệu có một tấm gương độc nhất nào trong lịch sử, nơi đó nhà vua cai trị đã ổn định hòa bình mà không cần dàn dựng chiến lược quân sự? Có! Hoàng đế ASOKA là tấm gương độc nhất này trong lịch sử. Hoàng đế ASOKA lúc chưa quy y Phật thường chém giết người như giết gà. Nhớ lại trận chiến của nhà vua với dân thành Kalinga, nhà vua tàn sát khắp nơi mà không nương tay, giết 100.000 người và bắt làm nô lệ 150.000 người chỉ vì ông muốn cướp đoạt thêm thành Kalinga.

Chính lòng tham ái và dục vọng cuồng nhiệt muốn chiếm đoạt thêm một thành trì nữa đã khiến nhà vua Asoka tàn sát hàng trăm ngàn người. Vậy mà sau đó quý vị có thể tưởng tượng nỗi, vua xin quy y Phật, hạ bỏ gươm giáo và trở thành con người hiền hòa như con cừu vô hại. Đức Vua tuyên bố với các quốc vương lân cận: "Nay tôi là Phật tử, tôi nguyện từ bỏ chiến tranh chém giết". Và sau đó nhà vua cho ngưng chiến toàn bộ.

Lòng đầy hối tiếc về những điều mình đã gây nên thưở chưa quay về nương tựa nơi giáo Pháp cao siêu của Đức Phật, Đức Vua cho xây nhiều bệnh viện cho nhân dân kể cả bệnh viện cho loài vật, cho đào giếng nước bên đường, tạo công viên và trồng cây bóng mát nhiều nơi. Đức Vua cải biến cách ăn uống hàng ngày và trở thành một Phật tử ăn chay trường. Đồng thời còn cổ vũ trong hoàng tộc, nhân sự phục vụ ... tất cả phát tâm ăn chay.

Vị tông đồ hòa bình này đã làm kinh ngạc thế giới với những trụ đá khắc chữ đồ sộ kiên cố toát ra nội dung tinh thần từ bi vô lượng do Đức Phật giảng dạy. Hoàng Đế ASOKA rộng lòng ban trải đức từ bi Phật tính vô ngại. Nhà Vua còn dũng mãnh gởi các Sứ giả hoằng Pháp sang khắp các nước trên thế giới; kể cả người con trai và người con gái của mình cũng được gởi sang Tích Lan để hoằng Đạo. Hoàng Đế Asoka quả thật đã đóng vai trò trọng yếu trong công đức hòa giải chiến tranh và khôi phục hòa bình thế giới.

Sir Edwin Arnold–tác giả tập sách "Ánh sáng Á Châu" đã ghi những lời: "Phật Giáo là tôn giáo có từ bản thân tính thường trụ, niềm hy vọng của toàn cầu. Sự bất diệt của đức từ bi vô lượng và nhân tố bất hoại của lòng tin vào quả lành sau cùng, cũng như sự khẳng định tự hào nhất trong quá trình từng xây dựng hòa bình cho nhân loại. Điều hãnh diện nữa là trong suốt 2500 năm, Phật Giáo chưa bao giờ làm rơi một giọt máu nào, cũng không bao giờ có những cuộc thập tự chinh nẩy lửa hay cuộc hành quyết đầy sắc máu, không hề đưa một tín đồ Phật tử nào lên giàn hỏa bởi vì Phật Giáo thường dạy lòng đại từ đại bi đối với chúng sanh không phân biệt".

Trường hợp của tôi cũng vậy. Quý vị có ngạc nhiên không khi biết rằng chúng tôi cũng suýt bị chôn sống khi đang thuyết giảng bài Pháp về triết học Phật Giáo.

Vấn đề tự thắng mình là chiến thắng vĩ đại trong tất cả mọi sự chiến thắng, vì Đức Thế Tôn đã dạy:

Dù tại bãi chiến trường

Ngàn lần thắng ngàn người

Nhưng tự thắng chính mình

Là người thắng vĩ đại.

Thế nên mỗi người chúng ta hãy tự chiến thắng mình, có được như vậy thì thế giới mới được bình yên phúc lạc.

Tất cả mọi người hãy rộng lòng ban trải hạnh từ bi hỷ xả. Hãy đối xử với người lân cận như chính mình, bởi vì nếu người lân cận là chính mình thì mọi sự sống đều là một và toàn thế giới sẽ được an lạc, không còn hận thù.

Đức Phật đã dạy một quy luật muôn đời: "Lấy oán báo thù, oán thù, chồng chất. Lấy đức báo oán, oán tự tiêu tan". Nhiều ngườì tin rằng họ có thể tiêu diệt hận thù bằng sự thù hận khác thô bạo hơn–nhưng không bao giờ được. Chỉ có cách ngược lại là dùng tình thương mới đoạn diệt được hận thù, thì nhất định hòa bình hiện hữu trường tồn.

Phạt án tử hình cũng là một trong những nguyên nhân của chiến tranh. Hỡi các nhà làm luật! Tại sao quý vị không giam sống họ trong nhà tù? Quý vị phải biết rằng tội nhân có thể kiếm sống trong trại giam bằng sự lao động có ích lợi cho họ. Chắc quý vị cũng biết tử hình là hình thức bạo ngược triệt phá lòng rthân từ. Và nhớ rằng khi tình thương yêu ra đi thì hòa bình cũng đi theo luôn. Giết nhiều người trong các nhà tù là đưa đến tàn sát con người ngoài mặt trận. Hành động đó là biện pháp kinh tế tầm thường khi nghĩ đến phương sách tiết kiệm tiền bạc bằng cách giết bớt những kẻ sát nhân. Cuộc chém giết như vậy dẫn đến cuộc thảm sát tập thể ngoài chiến trường với hậu quả tổn thất vô cùng to lớn.

Tử hình là áp dụng thực tế theo luật Moses nghĩa là mắt đổi mắt, răng đổi răng, mạng đổi mạng...Nhưng luật ăn miếng trả miếng này hoàn toàn khác với luật "Bất phản kháng" của Chúa Jésus có nghĩa là không chống lại điều ác: nếu ai tát má bên phải; bạn đưa thêm má bên trái cho tát. Sự thù hận luôn luôn đưa đến chiến tranh, tha thứ đưa đến Hòa Bình tịnh lạc.

Ước gì tôi có khả năng chuyển hóa tâm thức các nhà lãnh tụ, các tướng quân trên thế giới. Tôi sẽ khuyên họ: tại sao quý vị lại thích giao tranh, xâm chiếm lãnh thổ lẫn nhau? đất đai cơ đồ này có giá trị gì. Máu xương của loài người mới đáng giá! Tôi tin rằng quý vị cũng không biết mình gây chiến tranh để làm gì. Lòng tham ái si mê đã che mờ mắt quý vị khiến cho quý vị ham gây chiến. Tại sao quý vị lại muốn tuôn ra hàng biển máu chỉ đổi lấy thứ đất bùn vô giá trị. Thật là bi thương khủng khiếp! Hàng biển nước mắt hòa chung với máu của bao sinh linh đàn ông, đàn bà, con nít, nát tan từng mảnh trong sự thống khổ điêu tàn của chiến tranh quy mô.

Trong khi các nước đang hung hăng tiêu diệt lẫn nhau không chút thương xót, chúng ta nên mạnh dạn cất tiếng nói; rung lên hồi chuông báo động để cứu vớt nhân loại đang khổ đau trong sự hủy diệt và đang rơi vào trong các đọa xứ. Quý vị không nhận ra rằng chính mình đang hạ sát huynh đệ của mình chứ không phải kẻ thù. Mọi quốc gia đều là thiện hữu tâm giao. Tham ái, sân hận, ngu si mới là kẻ thù của quý vị. Kẻ thù nguy hiểm này đang nằm bên trong ta.

Đức Bồ Tát đã dạy: "Thà chết mà chiến thắng cám dỗ còn hơn là sống mà phải thảm bại"; cho nên tự chiến thắng mình mới là chiến thắng vĩ đại.

Các quốc vương thích giao tranh nhưng không phải chiến trường trong tâm. Nếu các vị lãnh tụ tự chinh phục mình thay vì chinh phục kẻ thù bên ngoài thì họ sẽ tận hưởng hòa bình an lạc. Thời Cổ đại xa xưa có tục lệ vua giao chiến với vua. Tôi nhớ không lầm, lịch sử của Silanka (Ceylon) vua Dutugemunu giao tranh với vua Elasa nói: "Để ta giao chiến với đối thủ". Vậy là quân lính giạt ra hai bên làm khán giả, nhìn hai tướng quân của mình so gươm sinh tử. Quân lính sẽ thấy rõ ai là người thắng, ai là kẻ bại cuộc. Vua Dutu giết chết vua Elasa, tức thì quân lính của phía bại trận chạy về; cuộc chiến chấm dứt. Tập tục này thật hay, cứu được nhiều mạng người. Đó là loại chiến thuật chìến lược hết sức tiết kiệm. Chỉ có một trong hai người chết, còn bao nhiêu đều sống sót. Quả là đại hạnh phúc.

Có một sự kiện mà các nhà chiến sự không mấy ai thông hiểu, đó là một niệm tưởng cuối cùng của một quân sĩ vừa tắt thở. Đức Phật đã dạy: Những vị được gọi là anh hùng đó lúc chết ngoài chiến trường, linh thức sẽ đi thẳng vào địa ngục "địa ngục bạt thiệt" vì tranh chấp lý sự. Điều gì xảy ra? Bởi vì niệm tưởng sau cùng là niệm tưởng sân hận. Hàng ngàn quân sĩ đang chết mỗi ngày sẽ tái sinh vào địa ngục. Chiến tranh không phải là khốn khổ sao? Vui thích phần mình có một thoáng chốc và sau đó phải rơi vào các đọa xứ địa ngục. Vì vậy chúng ta không nên vui thích sát hại sinh mạng kẻ khác mà nên kham nhẫn trải lòng từ và quên lãng mọi sự.

Một nước nào đó bị bại trận sẽ nuôi hận trong tâm. Chúng ta chiến thắng tức là đã tạo thêm nhiều kẻ thù. Vì vậy nên hòa hoãn và tha thứ. Người thắng, kẻ thua phải ôm chầm nhau trong tình thân ái như hai võ sĩ giao đấu trên võ đài. Sau trận đấu họ bắt tay nhau nở nụ cười trong tinh thần võ sĩ đạo cao thượng. Cũng theo gương đó, khi các quốc vương chấm dứt cuộc chiến thế giới, các quốc gia hãy bắt tay nhau. Chúng ta chỉ cần có vậy, chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau.

Vì khát vọng của mỗi quốc gia là Hòa Bình. Quê hương họ có còn thống khổ do sự khủng khiếp của chiến tranh đẫm máu nữa không? Lòng tham dục đã khiến họ tham chiến! Lòng nham hiểm của con người thì vô tận. Sự hủy diệt loài sinh vật chính là nguyên nhân tiêu diệt loài người. Chiến tranh đang bừng cháy, ngọn lửa bên trong, ngọn lửa bên ngoài, lửa cháy khắp nơi. Lòng tham là ngọn lửa hung tàn nhất. Đam mê dục vọng là nguyên nhân gây ra chiến tranh, chiến tranh bên trong tâm hồn là nguyên nhân thúc đẩy chiến tranh bên ngoài.

Người chiến thắng vĩ đại nhất mà thế giới từng ca ngợi đó là Đức Phật–người chiến thắng vô song. Những hào kiệt như Alexander Ceasar, Napoleon không thể đem so sánh với Đức Phật, vì Ngài là bậc Giác Ngộ chinh phục được toàn thế giới, điều mà những người khác không thể thực hiện được.

Chúng ta hãy làm cho các lãnh tụ quốc gia hiểu rằng cố gắng chinh phục thế giới bằng hận thù đều vô ích. Chúng ta hãy noi gương Đức Phật hàng phục thế giới bằng tình thương. Người chiến thắng vinh quang nhất bằng hận thù chỉ đưa đến bại vong sau cùng. Đức Phật đã hàng phục thế giới cách đây 2500 năm bằng loại vũ khí tình thương và chân lý như thực. Ngài mãi mãi là bậc Thầy của nhân loại, là ánh sáng của 10 ngàn thế giới, làm cho mọi chúng sinh trở thành những máy phát điện tình thương, những bộ pin tình thương, những đài phát thanh tình thương, khiến cho con người tỏa sáng mãnh liệt những niệm tưởng từ bi vô lượng trên khắp vũ trụ nhân gian. Dù đi, đứng, nằm, ngồi, hãy làm cho chúng sinh tràn ngập lòng từ bi khắp nơi. Chỉ có tình thương mới hàng phục được hận thù. Bởi vì tịnh hóa thế giới mới đưa đến hòa bình thế giới.

Chúng ta hy vọng rằng thế giới này sẽ chuyển hóa thành quốc độ Phật, tràn ngập lòng từ bi phổ khắp đến vô lượng chúng sinh, bởi vì chỉ khi nào tình thương trở thành thân thiết, nơi đó sẽ không còn có biên cương, địa giới, không còn kỳ thị; thế giới sẽ thực sự hưởng được hòa bình an lạc khắp nơi. Hãy nhớ rằng ngay như cõi Trời cũng có chiến tranh. Chúng ta được Kinh Phật dạy rằng chư Thiên và Thần Atula đã từng giao chiến với nhau. Nếu các vị Thần Thánh mà không thể hòa mình với nhau, làm sao con người có được. Điều đó khá bi quan và mâu thuẫn. Dù sao thì mỗi người chúng ta vẫn có thể tự chinh phục mình. Tất cả sau cùng sẽ tự thắng mình, bởi vì mọi người đều bình đẳng và khi đã dũng cảm hàng phục được mình thì toàn bộ thế giới sẽ thực sự hưởng được hòa bình an lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567