Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân duyên nói kinh Thập Thiện

26/01/201103:52(Xem: 5737)
Nhân duyên nói kinh Thập Thiện

THẬP THIỆN LƯỢC GIẢI
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

Nhân duyên nói kinh Thập Thiện

CHÁNH VĂN

Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật ở tại Long cung Tất Kiệt La, cùng với tám ngàn chúng đại Tì kheo và ba vạn hai ngàn Bồ tát ma ha tát đồng tụ hội.

GIẢI THÍCH

Đây là phần chứng tín. Gọi là chứng tín, vì nó khiến cho chúng sinh có lòng tin đối với kinh điển mà Phật đã nói.

Khi Phật sắp nhập Niết bàn, ngài A nan hỏi đức Phật: “Khi Như Lai còn tại thế, tự thân thuyết pháp, người người đều tin nhận. Khi Như Lai nhập diệt rồi, thì đầu tất cả kinh nên để lời gì để người người có thể tin nhận?”.

Phật trả lời: “Đầu các kinh nên để 6 câu: Tôi nghe (1) như vầy (2) một thời (3) Phật (4) ở tại … (5) cùng với chúng … (6)”.

Vì sao có 6 câu đó? Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, Tổ Hiền Thủ giải thích:

Lập 6 nghĩa này có 6 lý do.

1/ Đó là điều Phật dạy an lập.

2/ Để đoạn nghi: Khi kiết tập kinh điển A Nan phải lên tòa cao. Thân ông đầy đủ tướng hảo như Phật, nhưng khi xuống tòa thân ông lại như cũ. Đại chúng thấy điềm này sinh ba điều nghi: Thứ nhất, nghi Phật từ Niết bàn trở lại thuyết pháp. Thứ hai, nghi Phật từ phương khác đến. Thứ ba, nghi A Nan chuyển thân thành Phật. Cho nên A Nan nói: “Pháp như vầy tôi nghe từ Phật”, là để xóa ba cái nghi trên và để hiểu “Chỉ do pháp lực mà tôi như thế”.

3/ Để đời vị lai sinh lòng tin: Pháp này tôi nghe từ chính Phật nói, không phải ai khác.

4/ Lìa lỗi thêm bớt: Nghe như vầy, tức nghe đúng những gì Như Lai đã nói không thêm cũng không bớt để chúng sinh tin nhận, y đó tu hành.

5/ Dừng các tranh luận: Nghe Phật nói, thì không khởi tranh luận, chỉ y pháp tu hành.

6/ Để phân biệt đây không phải là kinh điển của ngoại đạo.

Tóm lại, kinh này là do Phật thuyết tại Long cung Ta Kiệt La cho đại chúng trong đó có đại Tì kheo và đại Bồ tát, ngài A Nan nghe và nói lại.

Đại Tì kheo, chỉ cho hàng phật tử xuất gia.

Bồ tát, là giác hữu tình, chỉ cho cả phật tử xuất gia lẫn tại gia. Những ai bắt đầu tin vào Phật pháp, rồi y cứ đó tu hành đều gọi là giác hữu tình. Tùy sự giác ngộ ít hay nhiều mà làm tiểu Bồ tát hay đại Bồ tát. Do căn hạnh không đồng này, mà trong kinh Lăng Nghiêm, phân Bồ tát thành 52 vị.

Bồ tát ma ha tátlà chỉ cho hàng đại Bồ tát.

Kinh này được thuyết tại Long cung, đối tượng nghe kinh là những ai đang có mặt ở Long cung, trong đó có đại Tì kheo và đại Bồ tát. Ngoài việc nêu lên hàng thánh chúng của Phật, việc này còn cho thấy hai hạng vị này, tuy không lấy phước báu làm mục đích chính cho việc tu hành, vẫn phải hành 10 thiện nghiệp, lấy đó làm nền tảng. Nêu ra như thế cũng là nêu ra nhân duyên khiến kinh này xuất hiện.

Chúng ta, nếu muốn có cảnh giới như chư vị, thì dù là phàm phu cũng cần học hiểu và thực hành những điều kinh đã nói. Chưa thực hành được thì cũng cần học hiểu để biết rõ nhân gì cho ra quả gì, hầu tránh bớt những điều đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống. Hiểu được chiều đi của nhân quả, chúng ta cũng an bình hơn đối với những nghịch cảnh mà mình phải chịu. Tùy việc thực hành được ít hay nhiều mà cuộc sống của ta hạnh phúc nhiều hay ít.

CHÁNH VĂN

Lúc ấy, Thế Tôn nói với Long vương rằng: Tâm tưởng của tất cả chúng sinh khác nhau nên tạo nghiệp cũng khác nhau, do đây nên có các đường luân chuyển.

GIẢI THÍCH

Đây là nêu nhân nói quả. Nhân ở đây là ‘tâm tưởng của tất cả chúng sinh’. Quả là ‘các đường’. Đó chính là lục đạo: Người, Trời, A tu la, Ngạ quỉ, Súc sinh và Địa ngục.

Long vương, là vua của Long cung.

Tâm tưởng, chỉ cho tất cả những gì hiện khởi trong tâm chúng sinh. Từ ý niệm ác cho đến ý niệm thiện và cả những ý niệm không ác không thiện. Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, Tổ Hiền Thủ nói: «Sao biết y nơi vọng niệm mà sinh? Vì khi các thánh nhân lìa bỏ vọng niệm thì cảnh giới này không còn. Không vọng niệm thì cảnh giới này không có, nên biết cảnh giới này có là từ vọng niệm mà sinh. Tướng sai biệt có, là do biến kế vọng tình của ông, xưa nay không thật. Như người bị chóng mặt mà thấy hoa đốm hiện ra nơi hư không». Tất cả đều từ tâm tưởng mà có, chỉ tùy theo những ý niệm khác nhau mà ta có cảnh giới khác nhau. Hiện nay thấy có kẻ giàu, người nghèo, kẻ mạnh khỏe, người ốm đau v.v… đều là cái quả mà cái nhân là từ chính tâm tưởng của mỗi người.

Từ hoàn cảnh cho đến mọi khổ vui ở đời đều từ chính mình mà ra, không phải do một vị thượng đế nào ban phát, ngay cả Phật cũng không thể làm điều đó cho mình, nên Phật dạy 10 điều thiện để chúng ta thực hành. Có thực hành được những điều đó thì cuộc sống của ta mới tốt đẹp. Song cần nhớ, nhân quả có thứ hiện khởi liền nên mình nhận được lập tức, có thứ ẩn đó chờ đủ duyên mới hiện, nên có khi nhân ở kiếp này mà quả sang kiếp sau hay mười kiếp sau mới nhận được.

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Ông có thấy trong hội này và trong đại hải, hình sắc và chủng loại đều khác biệt không? Tất cả các thứ ấy đều do tâm tạo thiện hay bất thiện ở thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.

GIẢI THÍCH

Đây là ngay nơi quả mà nói nhân.

Chỉ nói trong hội nàytrong đại hải vì đang giảng nói tại Long cung, thật ra là nói đối với mọi loài ở thế gian.

QUẢ, chỉ cho hình sắc và chủng loại khác nhau. Hình sắclà những hiện tướng mình thấy được nơi mỗi người, mỗi loài. Chủng loại, là loài Người, Súc sinh, Ngạ quỉ v.v… Trong loài Người lại có chủng loại da trắng, da đen v.v… Trong Súc sinh thì có trâu, dê, bò, chó v.v…

NHÂN, chỉ cho thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp của chúng sinh.

Thân nghiệp, chỉ cho những hành động thuộc thân, như trộm cắp, giết người, cứu người v.v…

Ngữ nghiệp, chỉ cho những hoạt động thuộc miệng. Không nói khẩu mà nói ngữ, là muốn nhấn mạnh đến ‘lời nói’ không phải ‘vị ăn uống’. Như lời dịu dàng, lời hủy báng v.v…

Ý nghiệplà chỉ cho quan niệm, suy nghĩ, phân biệt của mình. Nó là nền tảng để thân nghiệp và ngữ nghiệp sinh khởi. Ý nghiệp thiện thì có thân thiện và ngữ thiện. Ý nghiệp bất thiện thì có thân nghiệp và ngữ nghiệp bất thiện.

Tương truyền bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên vốn là một người đàn bà nghèo khổ. Kiếp ngài Mục Kiền Liên làm trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ, bà cùng chồng là một cặp ăn xin nghèo khó, bòn được một lon gạo mang tới chùa cúng dường. Vị trụ trì quán thấy có người đến cúng dường nhưng vì bận công việc nên không thể ở lại chờ mà dặn vị đệ tử ở nhà có ai đến cúng dường thì đón tiếp cho đàng hoàng.

Đệ tử lại là người chuộng nhà giàu khinh người nghèo, nên đã có thái độ không tốt với ông bà. Người đàn bà trong một phút sân hận đã thốt lên một lời nguyền: Sau này, bất cứ khi nào gặp tăng chúng bà cũng sẽ phá hoại. Lời nguyền được phát ra trong lúc sân hận ấy là một loại ý nghiệp dẫn dắt bà có những hành động bất thiện sau này.

Vị trụ trì trở về, nghe kể lại sự việc, biết cái nhân ấy sẽ khiến bà đọa vào đường dữ nên đã phát nguyện đầu thai làm con để cứu mẹ khi bà gặp nạn.

Do cái nhân cúng dường lon gạo, dù không được thành tựu viên mãn, nhưng bà được cái quả là giàu có vào kiếp sau. Trong kiếp đó bà nấu bánh nhân thịt chó cúng dường chư tăng. Do nghiệp ấy, bà đọa làm Ngạ quỉ chịu khổ nạn dưới Địa ngục. Ngài Mục Kiền Liên theo lời Phật dạy, thỉnh cầu cúng dường chư vị La Hán, mong đại lực của chư vị giúp bà chuyển tâm. Khi bà chuyển tâm, cảnh giới Địa ngục biến mất, bà được sinh cõi Trời.

Nói chung, cảnh giới hiện nay chúng ta đang thọ nhận, là từ chính tâm tưởng - thông qua ba thứ thân, khẩu và ý nghiệp - của mình mà ra.

CHÁNH VĂN

Mà tâm thì không có hình sắc, chẳng thể thấy được. Chỉ là do các pháp hư vọng tập khởi, rốt ráo không chủ, không ngã và ngã sở.

GIẢI THÍCH

Tuy có đủ mọi hình tướng như thế nhưng chỉ như huyễn như hóa, không có chất thật. Vì tất cả đều từ tâm sinh. «Tâm sinh thì tất cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt», nên nói rốt ráo không chủ

Tâm không có hình sắc không thể thấy được, là muốn nói đến chân tâm. Chân tâm thì vô tướng. Những tướng như buồn, thương, giận, ghét, tham lam, sân giận v.v… những thứ mình nhận là tâm và suy nghĩ của mình chỉ là những thứ hư vọng. Nói hư vọngvì nó chỉ là thứ hiện khởi theo duyên, không có gốc. Chỉ do chúng ta huân tập từ đời này sang đời khác mà nó tích lại trong tạng thức. Đủ duyên liền sinh khởi, và ta nhận nó làm tâm mình. Chính vì nhận nó là tâm mình nên ta mới theo nó mà tạo nghiệp rồi có cái quả ở sáu đường Trời, Người, Ngạ quỉ v.v…

Pháp hư vọng tập khởi, là căn - trần - thức hòa hợp mà thành. Như mắt thấy sắc khởi lên niệm yêu thích, rồi nhận cái yêu thích ấy là tâm mình. Từ đó tạo nghiệp ở thân và ngữ. Song hiện nay ta không thấy nó hư vọng vì mình đã tập quen với nó quá nhiều. Tổ Hiền Thủ nói: «Tập lâu thành tánh». Do tập quen với nó lâu quá mà mọi thứ dường như rất thật, không còn thấy chúng hư vọng.

Nếu tin hiểu chúng chỉ là pháp hư vọng, buông bỏ hoặc không nhận nó là mình nữa, thì nó sẽ trở về đúng bản chất của nó là hư vọng. Hư vọng rồi thì thân và ngữ sẽ không vì bản ngã mà tạo ác nghiệp, chỉ một đường huân tạo tịnh nghiệp.

Bỏ bằng cách nào? Không huân tập nó vào tạng thức nữa. Nghĩa là, việc gì bên ngoài khiến ta nổi sân, thì quyết không sân, dùng trí tuệ đả thông sự việc để niệm sân không sinh khởi. Cứ thế mà làm, dần dần ‘tập sân’ sẽ hết. Tham và si cũng vậy. Không để thứ gì thành thói quen, là ta không huân tập chúng vào tạng thức của mình nữa. Đối với ý nghĩ bất thiện hay lời nói bất thiện cũng vậy.

Ngã, hiểu nôm na là cái tôi ở mỗi người. Ngã sở, là những gì thuộc về tôi. Như ý nghĩ của tôi, nhà cửa của tôi v.v…

Vì sao hiện nay ai cũng thấy có tôi và những thứ của tôi như thật, mà Phật lại nói Rốt ráo không chủ, không ngã và ngã sở? Tuy thấy như thật, nhưng cái tôi ấy là do duyên hợp mà có, do 5 thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà thành. Duyên hợp thì không tánh, niệm niệm dời đổi, nên không chủ tể.

Với cái nhìn của mình hiện nay, mình thấy có mình, người quanh mình, nhà mình, công việc của mình v.v…. nhưng thật ra đó chỉ là những dòng nhân duyên nhân quả nối tiếp nhau. Cái này sinh rồi diệt, cái kia sinh rồi diệt, sinh diệt sinh diệt nối tiếp nhau liên tu bất tận mà thành đời sống một con người.

Thiền sư Phật Nhãn dạy chúng:

Nay ta hỏi ông một việc: Lúc ông mới vào thai mẹ, đem được vật gì đến? Lúc ông đến hoàn toàn không một vật, chỉ có tâm thức, lại không có hình mạo, kịp đến lúc chết, bỏ gánh ngũ uẩn này, cũng không một vật, chỉ có tâm thức. Nay hỏi ông, nhận khí phần tinh huyết của cha mẹ, chấp thọ gọi là thân ta. Thoạt đầu ra khỏi thai, dần dần trưởng thành. Thân này đều thuộc ta. Hãy nói thuộc ông hay không thuộc ông?

Nếu nói thuộc ông, lúc vào thai hoàn toàn không đem một vật. Cái tinh huyết của cha mẹ này thuộc ông vào lúc nào? Lại chỉ hợp dài khoảng trăm năm, rồi lại như cũ, cũng quăng mất xác, đâu từng thuộc ông.

Nếu nói không thuộc ông, thì thấy hiện nay một bước cũng chẳng thiếu được. Lúc chửi biết giận, lúc đau có thể nhịn, sao lại không thuộc ông? Nếu ông được chọn lựa thì hãy định tĩnh mà xem, là có hay là không? Nếu định hình không ra, đó là vì gốc nghi chưa chặt.

Nếu nói có, thì lúc mới sanh lớn dần đến năm ba tuổi rồi đến hai mươi tuổi quyết định không thể dời đổi, nhưng đến bốn năm mươi tuổi, thân này niệm niệm suy tàn, niệm niệm vô thường, nếu quyết định gọi là có cũng không được.

Nếu nói không, thì các thứ vận động đều biết làm được, nên cũng chẳng thể nói không.

Rồi ngài kể câu chuyện để răn chúng:

Xưa có một người vì lạc đường phải vào một nhà hoang để ngủ đêm. Khuya có một con quỉ vác một xác chết đến. Lại một con quỉ khác đến dành: «Xác chết của ta». Quỉ kia không chịu, nhưng quỉ sau mạnh hơn nên đoạt lấy.

Quỉ trước nói: «Ở đây có một người khách, sẽ làm chứng».

Hai quỉ mới tới gần người khách, rồi nói: «Ông coi xác này ai đem tới?»

Người khách suy nghĩ: “Hai con quỉ đều ác, ắt có một đứa làm hại ta. Ta nghe người sắp chết mà không nói dối thì sẽ sinh lên Trời”. Ông bèn chỉ con quỉ trước nói: “Là quỉ này mang đến».

Quỉ sau tức giận, chặt đứt tứ chi của khách.

Quỉ trước xin lỗi: “Ông vì tôi làm chứng khiến thân thể giờ không toàn vẹn”.

Rồi mang xác chết bù lại từng món. Đầu tim ruột bị quỉ sau lấy mất, quỉ trước lại dùng xác chết bù lại. Hai quỉ cứ dành ăn và bù lại như thế, cuối cùng chúng bỏ đi. Người khách, trước thấy thân thể cha mẹ sinh của mình đã bị quỉ ăn, lại thấy những phần vừa được đổi lại, bèn suy nghĩ “thân bị đổi lại đó là vật gì? Là ta hay không phải ta? Là có hay là không?». Tâm bèn phát hoảng, chạy đến một tinh xá, thấy một Tì kheo liền thuật hết lại việc vừa xảy ra. Tì kheo nghĩ: «Người này dễ hóa độ đây, đã biết thân này chẳng phải có», bèn lược nói pháp yếu cho. Người khách liền được đạo quả.

Này các ông! Hội được chăng? Thân ông không phải có không phải không. Có, là tâm có thân thì chưa từng có. Không, là tâm không mà thân chưa từng không. Ông hội được chăng?

Cái tâm ‘không có cũng không không’, rốt cuộc không phải là kiến giải đoạn thường vốn có nay không, vốn không nay có của ông.

Chư vị nào thân thể được thay thế bằng các bộ phận của người khác theo kiểu như thế sẽ dễ nhận ra chánh lý mà thiền sư Phật Nhãn vừa nói.

CHÁNH VĂN

Tuy đều theo nghiệp mà hiện không đồng, nhưng trong ấy thật không có tác giả, nên tất cả pháp đều khó nghĩ bàn, tự tánh như huyễn.

GIẢI THÍCH

Tự tánh như huyễn, là chỉ cho tướng các pháp như huyễn. Như huyễn, kinh Lăng Giànói: «Tất cả pháp chẳng thật, chóng diệt như làn chớp hiện, ấy là như huyễn». Một khi đã tạo nhân thì đủ duyên, quả sẽ hiện, tức chẳng phải không. Chẳng phải không, nhưng vì sanh sanh diệt diệt liên tục nên nói ‘như huyễn’, không phải không có mà nói như huyễn. Đây là lý do vì sao các pháp tuy không có chủ tể, không ngã và ngã sở mà chúng ta vẫn phải hành thiện nghiệp.

Không có tác giả, vì mọi thứ đều do nhân duyên hòa hợp, không có chủ tể.

CHÁNH VĂN

Kẻ trí biết rồi, nên tu thiện nghiệp. Do đó các thứ được sinh ra như uẩn, xứ, giới v.v… thảy đều đoan chính, người thấy không chán.

GIẢI THÍCH

Nói các pháp không chủ, không tác giả, không ngã ngã sở là để hiểu mọi thứ trên đời này không có gì cố định, mà đều có thể thay đổi tùy theo nghiệp thiện ác của bản thân, gọi là chuyển nghiệp.

Kẻ trí, là người có thể trực nhận được những gì Phật đã dạy, hay là người có thể tin hiểu những điều vừa nói, rồi y theo đó mà tu hành.

Uẩn là chỉ cho 5 uẩn, còn gọi là 5 ấm. Đó là Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Xứlà 12 xứ, bao gồm 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng với 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Giớilà 6 căn, 6 trần và 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức … cho đến ý thức.

Ba thứ này chỉ chung cho thân căn và hoàn cảnh chung quanh mình như gia đình, xã hội v.v… Tu thiện nghiệp thì các thứ ấy sẽ được tốt. Chưa tốt thì biết đó là do mình chưa tu thiện nghiệp.

Kinh này dạy cho hàng đại Tì kheo và đại Bồ tát, là những vị sẽ vì chúng sinh mà giảng nói pháp yếu của Phật, giúp họ thoát khổ. Muốn giúp họ tin vào giáo pháp của Phật để tu học mà tự chuyển lấy nghiệp khổ của mình thì tự bản thân chư vị cũng phải có những hiện tướng khiến chúng sinh tin tưởng. Như quảng cáo thuốc không rụng tóc, mà tóc người quảng cáo rụng gần hết, thì chẳng ai tin mà làm theo. Việc này cũng vậy. Quảng cáo thuốc rụng tóc thì tóc mình cũng phải không rụng. Nếu rụng mà nhờ thuốc hết rụng thì giá trị quảng cáo càng có giá trị.

Không chỉ có hàng đại Tì kheo và hàng đại Bồ tát mới phải như thế mà ngay cả những phật tử tại gia, muốn dẫn bạn bè, bà con, hàng xóm đi chùa và học hỏi giáo pháp của Phật, ta cũng phải có một đời sống hạnh phúc, thoải mái, thiên hạ gặp nạn tai mà mình không có nạn tại, có nạn tai mình cũng tự tại không buồn phiền v.v… thì người ta mới dám tin mà theo mình. Còn đến với giáo pháp của Phật mà bản thân mình thì đói lên đói xuống, phiền não đầy dẫy, nạn tai liên tục v.v… thì chẳng ai dám theo mình để thực hành giáo pháp của Phật.

Dùng chánh báo và y báo tốt đẹp giúp chúng sinh tin nhận để độ chúng sinh như thế, gọi là THÂN GIÁO. Muốn thế thì phải tu cái nhân là thiện nghiệp. Đời này phải có thân giáo thì mới giáo hóa được chúng sinh của mình. Chỉ nước bọt và sự khôn lanh thì được vài keo rồi cũng thôi, không thì cũng theo đường tà.

CHÁNH VĂN

Này Long vương ! Ông quán Phật thân, được sinh ra từ trăm ngàn ức phước đức. Các tướng trang nghiêm, quang minh sáng chói che cả đại chúng. Giả như có vô lượng ức Tự tại, Phạm vương cũng chẳng thể hiện. Ai đã chiêm ngưỡng thân Như Lai, đâu không chóa mắt?

GIẢI THÍCH

Thân Phật được sinh ra từ trăm ngàn ức phước đứcvì thân sắc của mỗi người là do từ tam nghiệp thân, ngữ, ý của chính người đó mà ra.

Mình đem tiền cúng chùa, làm chùa, cho người nghèo là để tìm phước báu cho hiện đời và mai sau. Đó gọi là làm phước. Nếu cúng dường là để Tam bảo được trường tồn, làm chùa là để tăng chúng có chỗ tu học, cho người nghèo vì thấy họ khổ quá, muốn họ vơi khổ được vui, thì cái phước ấy gọi là phước đức. Còn miệng nói vì người mà trong tâm thực ra chỉ vì sợ họa mà tìm phước cho mình, thì chưa gọi là phước đức. Nhưng dù sợ họa mà làm, hay tìm phước cho mình mà làm, cũng là điều đáng quí ở cõi Ta bà. Bởi điều đó cũng chứng tỏ ta có tin nhân quả, cũng là người có trí tuệ. Đó là cái nhân để có những điều tốt đẹp hơn nữa về sau.

Tam nghiệp của Phật thanh tịnh nên thân tướng của ngài trang nghiêm, kẻ hữu duyên nhìn vào liền khởi tâm kính trọng. Quang minh, chỉ cho ánh sáng chiếu ra từ thân Phật, ta hay gọi là hào quang. Quang minh của ngàn ức các vua Trời hợp lại cũng không bằng quang minh của Phật, vì tam nghiệp của Phật thanh tịnh thù thắng hơn tam nghiệp của các vua Trời. Nói cách khác, phước đức của các vua Trời chưa thể bằng phước đức của Phật.

CHÁNH VĂN

Ông quán các đại Bồ tát đây, diệu sắc nghiêm tịnh, tất cả đều do tu tập thiện nghiệp phước đức mà sinh.

GIẢI THÍCH

Thấp hơn một chút là các vị đại Bồ tát.

Luận Đại Trí Độnói: «Bồ tát không ngoài hai loại: Tại gia và xuất gia, phương này và phương khác … ». Như vậy, đại Tì kheo cũng thuộc Bồ tát, vì chư vị cũng thọ giới Bồ tát.

Đây là nhấn mạnh lại cái nhân khiến chư vị Bồ tát có thân tướng thanh tịnh trang nghiêm. Đó là do tu tập thiện nghiệp mà ra.

Một lần có một phái đoàn ở nước ngoài về, trong đó có một vị bác sĩ, khi nhìn thấy một Ni lớn tuổi quì xuống lạy Hòa thượng, cô có vẻ không bằng lòng và đã bày tỏ điều đó với tôi: Đó có phải là giới luật đặt ra trong đạo Phật? Sao lại có một thứ giới luật bất bình đẳng như thế?

Tôi không biết Ni ấy lạy Hòa thượng vì lý do gì, vì giới luật hay vì điều gì khác. Nhưng với tôi, đó là điều rất đơn giản: Chỉ vì tôi nhận được nhiều thứ từ Hòa thượng, sống theo những thứ ấy cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Những thứ tôi nhận được đó không chỉ ở mặt thuận mà còn ở mặt nghịch. Có những mặt nghịch, ngay lúc đó khiến mình sinh tâm bất mãn, nhưng cuối cùng mới nhận ra rằng: Cái nghịch ấy là bài học rất quí với mình. Nó khiến mình vững vàng và trưởng thành hơn trong đạo. Cũng chính những cái nghịch đó, có khi lại tạo cho mình những thuận duyên không ngờ. Những gì tôi đã nhận được đó cộng với lực phước đức uy nghi tỏa ra từ thân tướng Hòa thượng, khiến tôi phải cúi đầu sụp lạy. Bởi chỉ có vậy mới có thể cảm thấy yên lòng và tỏ được chút lòng biết ơn đối với công đức của Thầy.

Những gì tôi nói trên sẽ trở thành lố bịch với những ai không có duyên với Hòa thượng hay chưa từng có được phước duyên như tôi từng gặp, nhưng với ai đã từng có phước duyên như tôi, không nhất thiết phải với Hòa thượng mà ở với bất kỳ một người nào khác, sẽ hiểu những gì tôi nói đây.

Thân tướng toát ra uy nghi, lại có thể khiến người nhận hiểu giáo pháp để thay đổi cuộc đời của họ v.v… đều là cái quả do tu tập thiện nghiệp và phước đức của chư vị mà ra.

CHÁNH VĂN

Lại nữa, các hàng Thiên Long bát bộ là những kẻ có uy thế lớn lao, cũng nhân nơi thiện nghiệp phước đức mà sinh.

GIẢI THÍCH

Đây là nói các vị ít phước đức hơn chút nữa.

ThiênLongbát bộ, là tám bộ mà Thiên (Trời) và Long (rồng) là hai bộ đứng đầu. Các bộ còn lại là Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la và Ma hầu la già.

Thiên, chỉ cho chư Thiên ở các tầng trời.

Long, là loài rồng. Loài rồng ở trên cao, khi cúng dường phần nhiều là làm bóng rợp che mát để cúng dường. Tương truyền pháp đường Phổ Quang nói trong kinh Hoa Nghiêm, là do khi Phật mới thành đạo, các rồng thấy Phật ngồi lộ thiên dưới cây bồ đề, mới vì Phật làm pháp đường đó.

Dạ xoa, còn gọi là quỉ Khinh Tiệp, thuộc chúng Đa văn chủ ở phương bắc. Có loại não hại người, có loại giữ gìn chánh pháp.

Càn thát bà, còn có tên là Tầm Hương, thuộc chúng Thiên vương ở Đông phương, sống trong Thập Bảo, chơi nhạc cho chư Thiên. Càn thát bà là hàng nhạc công thường tìm ngửi mùi thơm của đồ ăn, rồi tới đó chơi nhạc để hưởng hương đó. Cũng gọi là Thực Hương vì chỉ ăn tế hương.

A tu la, cũng thuộc Thiên thú nhưng do gian dối không làm đúng thực hạnh của chư Thiên, nên còn gọi là Phi Thiên. Có khi gọi là Bất Tửu, vì ở trong biển cả làm rượu mà không thành. Cũng gọi là Liệt Thiên vì vốn từ Trời sinh ra. Đa phần đều hay đấu tranh với chư Thiên.

Theo Tì Vânthì A tu la thuộc Quỉ thú, vì bị tâm xiểm khúc che đậy. Kinh Chánh Niệmthì nói A tu la nhiếp thuộc Ngạ quỉ và Súc sinh. Kinh Già Đà thì nói thuộc cả ba.

Ca lâu la, còn gọi là Ca súc la, đây gọi là Diệu xí điểu. Cánh chim có đủ sắc báo trang nghiêm. Cả Diêm phù đề chỉ chứa được một chân của nó. Chim này ăn các rồng vào lúc rồng hết tuổi thọ, nhưng rồng nào quá khứ đã thọ Tam qui ngũ giới hay biết tu theo Phật thì nó không ăn.

Khẩn na la, còn gọi là Ca thần, vì hay xướng hát ngâm vịnh làm vui. Do loạn tâm mà đầu thai vào Súc sinh. Cũng gọi là Nghi thần. Vì hình dạng tương tự như người, gương mặt rất đoan chính, nhưng trên đỉnh lại có một cái sừng, ai thấy cũng sinh nghi không biết đó là Người, Quỉ hay Súc sinh.

Ma hầu la già, còn gọi là thần Phúc Hành hay Đại Phúc, vì có thể hộ pháp và hay trừ nghi.

Những giải thích trên đều lấy từ Hoa Nghiêm Thám Huyền Kýcủa Tổ Hiền Thủ ra.

Hỏi: Ba đường Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh là ba đường khổ, sao đây lại có những vị thuộc Súc sinh và Ngạ quỉ mà Phật lại bảo «Cũng nhân nơi thiện nghiệp phước đức mà sinh»?

Đáp: Một trong các lý do khiến những người tu thiện nghiệp có phước đức mà lại đầu thai vào Súc sinh hay Ngạ quỉ là do đời sống kế tiếp không phải chỉ bị chi phối bằng các thiện và ác nghiệp trong hiện đời, mà còn bị chi phối bởi CẬN TỬ NGHIỆP. Cận tử nghiệp, chỉ cho trạng thái của tâm khi sắp lìa đời.

Như Khẩn na la, tuy hành thiện nghiệp nhưng lại lấy xướng hát ngâm vịnh làm vui. Do cái hát xướng ngâm vịnh làm vui đó mà tâm loạn, nên đầu thai vào Súc sinh. Nhưng do phước báu nhiều, nên dù có thân Súc sinh mà uy đức vẫn có v.v…

Như hiện nay có những vị rất giàu có, tâm hiếu hạnh, bố thí, cúng dường cũng rất lớn, song do không ý thức được loại cận tử nghiệp này, nên không ý thức việc dừng tâm sân trong hiện tại, để cho sân nhuế mắng chửi hiện hành thành thói quen. Nếu chẳng may, khi sắp chết lại gặp đúng cái duyên khiến tâm thức mình sân loạn thì rất dễ đọa vào thân Ngạ quỉ hay Súc sinh, nhưng là loại Ngạ quỉ và Súc sinh có phước báu.

CHÁNH VĂN

Nay các chúng sinh có trong biển cả, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ, đều do các loại tưởng niệm ở tự tâm mà làm thành thân, ngữ, ý và các bất thiện nghiệp, rồi theo nghiệp đó mà tự nhận lãnh quả báo.

GIẢI THÍCH

Đây nói về các loài không hành thiện nghiệp, hoặc có hành mà so với bất thiện nghiệp lại quá ít.

Vì đang giảng nơi Long cung nên chỉ nói trong biển cả. Kỳ thực, các nơi khác cũng như vậy.

Tất cả đều từ thân, ngữ, ý nghiệp bất thiện hay thiện mà có thân tướng, hình sắc cũng như hoàn cảnh sống tốt hay xấu.


CHÁNH VĂN

Ông nay thường nên tu học như thế, cũng khiến chúng sinh hiểu thấu nhân quả, tu tập thiện nghiệp. Ông nên y đây chánh kiến không động, chớ có đọa vào tà kiến đoạn thường. Nơi bậc phước điền, hoan hỉ cung kính cúng dường. Nhờ đó, các ông cũng được Trời Người tôn trọng, cung kính, cúng dường.

GIẢI THÍCH

Sau khi nói về quả báo của thiện nghiệp, Phật khuyên Long vương nên theo đó mà tu học. Đó là tự lợi. Tu học rồi, cũng giúp cho những kẻ hữu duyên với mình thấu được nhân quả, theo đó mà tu tập thiện nghiệp, là lợi tha.

Y đây, là y vào những gì đức Phật vừa dạy và sẽ dạy trong bản kinh này. Cái hiểu ấy phù hợp với qui luật đang chi phối thế giới này, nên nói chánh kiến. Y theo đó mà sống thì sẽ được thân tướng và đời sống tốt đẹp, nên nói chánh kiến.

Không động, là tin chắc như thế và hành theo như thế không nghi ngờ, không thay đổi.

Tà kiến, là cái thấy bị lệch một bên. Những thứ không phải chân lý mà cho là chân lý, gọi là tà kiến. Theo cái hiểu ấy mà sống thì sẽ gặp quả khổ, nên gọi là tà kiến.

Nghĩ rằng chết là hết không có đời sau, là một loại đoạn kiến. Nghĩ trong thân này có một linh hồn thường còn là một loại thường kiến v.v…

Bậc phước điềnlà chỉ cho những vị mà nếu cung kính bố thí cúng dường cho chư vị, ta sẽ được quả báo tốt đẹp.

CHÁNH VĂN

Long vương phải biết ! Bồ tát có một pháp có thể đoạn tất cả các ác đạo khổ. Thế nào là một? Là ngày đêm thường nhớ nghĩ, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, không để một mảy may bất thiện xen lẫn vào. Đó là hay khiến các ác đoạn hẳn, thiện pháp viên mãn, thường được thân cận chư Phật, Bồ tát và thánh chúng khác.

GIẢI THÍCH

Có một phápgiúp chúng ta có thân tướng hình sắc và hoàn cảnh sống tốt đẹp, đó là luôn quán sát tâm mình. Quán sát để làm gì? Để thấy ý niệm nào là bất thiện thì bỏ, chỉ để lại những ý niệm thiện. Làm như thế là ta đang giữ gìn ý nghiệp của mình. Đó là nền tảng để thân nghiệp và khẩu nghiệp được thiện.

Ngày đêm thường nhớ nghĩ, vì chúng ta rất hay quên. Chỉ hướng ra ngoài nghĩ tưởng chuyện này chuyện khác mà ít quán sát tâm. Vì thế, phải ngày đêm thường nhớ. Có thực hành được như thế, thì khi có một niệm bất thiện hiện lên, ta mới kịp biết mà buông bỏ.

Bất thiện pháplà gì? Là những ý niệm thuộc tham sân si. Những gì không thuộc của mình mà muốn chiếm hữu gọi là tham. Vì mình và gia đình mình mà hại người, hại vật gọi là tham v.v…

Hờn mát, giận lẫy, bực mình v.v… thuộc sân. Dù việc được cho là ‘đáng bực mình’ mà bực mình, cũng vẫn gọi là sân. Với những niệm như thế, ta phải tư duy: «Đó là cái nhân mang lại cho ta những bất hạnh khi nó đủ duyên. Nếu không dừng được khi nó mới chớm, nó sẽ tích tụ trong tàng thức và trở thành thói quen. Thành thói quen rồi thì nó sẽ dẫn mình chạy, muốn dừng rất là khó. Thành thói quen rồi thì nó sẽ là loại nghiệp lực nổi trội dẫn mình vào cảnh giới tương đương với ba đường khổ là Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh».

Súc sinhthì thế gian này thấy rõ rồi. Chỉ một vài loài là thấy còn tương đối, còn đa phần là khổ. Bò, dê, trâu, ngựa v.v… không bị người xẻ thịt thì cấu xé lẫn nhau để có sự sống, chẳng có được những khoảng tự tại.

Nghe nói thịt dê rất hôi, muốn thịt không hôi, người ta phải đánh nó thật nhiều trước khi làm thịt. Thịt dê nấu lẫu ra ăn rất ngon, nhưng mình không hề biết con vật ấy đã đau đớn thế nào.

Em tôi, ngày mới qua Canada, vừa đi học, vừa đi làm trong hãng thịt bò, làm nghề vác thịt. Người Việt mà phải vác trọng tải bò như một người ngoại quốc nên rất cực. Sau một thời gian, cậu được thăng chuyển qua khâu giết bò. Cậu chỉ việc đứng một chỗ, nhắm súng vào trán bò mà bắn khi nó được đưa ngang qua chỗ cậu. Công việc quả tình nhẹ nhàng, nhưng cậu đành trở về công việc nặng nhọc. Bởi ánh mắt buồn rầu và những giọt nước chảy ra từ khóe mắt bò, khiến cậu không tài nào ngủ được, cũng không thể làm cái việc là bắn vào đầu nó.

Phải nói hết thảy đều khổ, nhưng cái khổ nhất ở thân Súc sinh là trí tuệ không đủ để tiếp nhận giáo pháp của Phật. Luận Đại Trí Độnói: «Địa ngục đại khổ, tâm rối loạn không thể thọ pháp.Súc sinh thì ngu si che tâm, không thể nhận được sự giáo hóa». Nghiệp thức của Súc sinh, đa phần đều vậy.

Địa ngụcNgạ quỉthì nghiệp thức của con người không thấy được. Nhưng chỉ ở thế gian cũng đủ để hình dung Địa ngục và Ngạ quỉ là thế nào.

Một nhóc kể với tôi: «Khi con nằm ở bệnh viện phỏng, thân thể thì đau đớn, lại nghe mùi thúi của thịt phỏng, nghe tiếng dao kéo chạm nhau kêu loảng xoảng và tiếng dao bào da v.v… khiến con liên tưởng đến cảnh giới cắt xẻo đau đớn ở Địa ngục». Thành dù chúng ta không tin có thế giới Địa ngục hay Ngạ quỉ thì ở thế gian này cũng đã đủ đầy. Có những thứ nghe hay thấy rồi không khỏi rùng mình và đau đớn. Đều do tam nghiệp của mỗi người mà ra.

Bỏ đi những niệm ác, nuôi dưỡng các niệm thiện, đó là cách giúp niệm ác dứt hẳn. Vì sao có thể dứt hẳn? Vì bản thân niệm ác không gốc, chỉ do huân tập mà có. Buông bỏ chính là không cho nó huân tập tiếp vào tạng thức, nó sẽ dứt. Cho nên, phải tu ngay thân, khẩu và ý nghiệp của mình thì mới chuyển nghiệp và hết nghiệp được.

Thường được thân cận chư Phật, Bồ tát và thánh chúng khác, vì muốn gần nhau được thì phải có ít nhiều thứ gì đó tương đồng, tức phải có thiện niệm ta mới gần được các bậc thánh. Người xưa nói: «Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu». Phật nói đến hai chữ đồng nghiệp và đồng sự là chỉ cho việc đó. Những người hay bố thí thì thường hợp nhau. Những người chuyên tu tập thì thích gần nhau.

Hỏi: Trong kinh Niết Bàncó kể câu chuyện: Thiện Tinh làm thị giả cho Phật, đầu hôm Phật nói pháp cho trời Đế Thích nghe, theo phép thì thị giả phải đi ngủ sau thầy. Vì muốn ngủ sớm, Thiện Tinh nói dối có quỉ Bạt-câu-la đến để hù Phật. Như vậy, ngữ nghiệp của Thiện tinh không thanh tịnh.

Khi Phật vào thành khất thực, vô lượng chúng sinh khao khát được thấy dấu chân Phật, Thiện Tinh đi sau chà hết. Dù không chà mất được nhưng việc đó cũng cho thấy thân nghiệp của Thiện Tinh không thanh tịnh. Phải có ý nghiệp không thanh tịnh thì thân nghiệp và ngữ nghiệp mới không thanh tịnh. Tam nghiệp không thanh tịnh như thế, vì sao lại có thể thân cận đức Phật?

Đáp: Cái quả chúng ta nhận được trong hiện tại bắt nguồn từ cái nhân ở quá khứ. Thân cận được Phật trong kiếp này là cái quả của một thiện nhân đã gieo trong quá khứ. Song trong một con người, khi chưa phải là hàng Bất động địa, thì không phải chỉ có lực thiện niệm mà còn có cả lực ác niệm ngủ ngầm trong tạng thức. Do cái nhân đã gieo trong quá khứ là thiện niệm, nên hiện đời Thiện Tinh được thân cận với đức Phật, nhưng do chưa đủ niềm tin nên ác niệm vẫn sinh khởi. Ác niệm đó là cái nhân của cái quả Thiện Tinh phải gặt trong tương lai khi đủ duyên. Vì thế, tuy thấy Thiện Tinh có thân - ngữ - ý bất thiện mà hiện tại vẫn gần được đức Phật. Đó là vì nhân quả xảy ra trong ba đời và trước sau không đồng thời mà có hiện cảnh như thế.

CHÁNH VĂN

Thiện pháp là, thân của Trời, Người, bồ đề Thanh văn, bồ đề Duyên giác và Vô thượng bồ đề đều y nơi pháp này, lấy đó làm căn bản mà được thành tựu, nên gọi là thiện pháp.

Pháp này chính là mười thiện nghiệp đạo. Thế nào là mười? Là hay lìa hẳn sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.

GIẢI THÍCH

Đây nêu ra để biết thiện pháp là gì.

Bồ đề Thanh văn, bồ đề Duyên giáclà chỉ cho hai quả vị La Hán và Bích Chi Phật. Vô thượng bồ đề, là chỉ cho quả vị Phật.

Lấy đó làm căn bản, là tất cả những hạng trên bước đầu đều phải y vào Thập thiện mà tu hành. Với các quả vị thuộc xuất thế gian như bồ đề của Thanh văn, Duyên giác và Phật, chỉ dùng pháp này để được các quả vị ấy thì chưa đủ, nhưng không lấy các pháp ấy làm nền tảng thì không thể tiến tu các pháp cao hơn để có các quả vị trên. Luận Đại Thừa Khởi Tín, trong phần dạy tu tập CHỉ QUÁN, có nói: «Chỉ trừ người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, bị chướng nghiệp của trọng tội, ngã mạn, giải đãi, những hạng người như thế thì không vào được». Không vào được là không tu pháp Chỉ Quán được. Chỉ Quán là cái nhân của Định Tuệ. Định Tuệ là nền tảng để thành Phật làm Tổ. Vì thế cần phải tu Thập thiện, nên nói lấy đó làm căn bản.

Pháp này, chỉ cho thiện pháp Phật vừa nói. Thiện pháp này gồm 10 điều, nên kinh này có tựa đề là kinh Thập Thiện. Trong 10 điều đó, 7 điều đầu được qui thành 4 giới mà một phật tử tại gia phải giữ. Giữ gìn các điều này, ngoài việc giúp chúng ta được hạnh phúc trong hiện tại, nó còn là cái duyên giúp chuyển hóa bớt những quả xấu mà mình đã gây tạo trong quá khứ, cũng là cái nhân để chúng ta có thể trở lại làm người trong kiếp sau. Tùy mức độ giữ gìn ít hay nhiều mà ta có cuộc sống hạnh phúc ít hay nhiều.

Ngược với 10 điều thiện là 10 điều ác. Kinh Hoa Nghiêmnói: «Thập nghiệp ác đạo. Thượng phẩm là nhân Địa ngục. Trung phẩm là nhân Súc sinh. Hạ phẩm là nhân Ngạ quỉ». Phạm vào 10 điều ác đó, nếu nặng thì đọa vào Địa ngục, nhẹ hơn thì đọa vào Súc sinh, nhẹ nữa thì đọa vào Ngạ quỉ, nhẹ nữa thì sinh trong loài Người mà chịu quả báo xấu. Nói nặng nhẹ là y cứ vào việc làm do cố ý hay vô tình, thường hằng hay không thường hằng v.v…

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]