Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Đôi Dòng Dẫn Nhập

13/01/201103:51(Xem: 4337)
I. Đôi Dòng Dẫn Nhập

 

TỔNG QUAN KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Tác giả: Nguyễn Minh Tiến biên soạn

I. ĐÔI DÒNG DẪN NHẬP

Toàn bộ kinh Đại Bát Niết-bàn dày hơn 4500 trang, riêng phần Việt dịch chiếm gần 1700 trang; mỗi đoạn mỗi câu trong đó đều hàm chứa những ý tứ sâu xa huyền diệu không dễ gì hiểu thấu qua một vài lần đọc. Vì thế, có thể nói đây là một nội dung giáo pháp vô cùng đồ sộ đối với bất cứ ai; cho dù là những người đã từng dày công nghiên cứu học hỏi về kinh điển cũng không khỏi gặp phải ít nhiều khó khăn khi đọc kinh này, đừng nói chi đến các Phật tử thông thường chỉ mới tiếp xúc với phần giáo pháp ở bậc sơ cơ.

Trong suốt quá trình phiên dịch kinh này, chúng tôi luôn tâm niệm điều đó. Trải qua những khó khăn của chính bản thân mình khi phải cố gắng rất nhiều để đọc hiểu và chuyển dịch kinh văn, chúng tôi có thể cảm thông sâu sắc với những khó khăn nhất định mà người đọc kinh chắc chắn sẽ gặp phải. Vì thế, chúng tôi đã không ngại tài sơ trí thiển, cố gắng suy nghĩ tìm mọi cách để giảm nhẹ sự khó khăn và giúp người đọc có thể tiếp cận với kinh văn một cách dễ dàng hơn.

Phần lớn những thuật ngữ xuất hiện trong kinh đều đã được chúng tôi chú giải theo cách dễ hiểu nhất. Để làm được điều này, đôi khi chúng tôi phải đọc qua rất nhiều trang tư liệu liên quan đến chỉ một thuật ngữ nào đó, rồi cố gắng chắt lọc, cô đúc những thông tin có được thành một cách giải thích ngắn gọn và rõ ràng nhất, sao cho những người đọc kinh dù không có sẵn nhiều kiến thức Phật học cũng có thể hiểu được ở một mức độ tương đối.

Trong một số trường hợp, chúng tôi vô cùng biết ơn các học giả Hán ngữ, Anh ngữ cũng như Phạn ngữ về những công trình biên soạn của họ, vì khi được liên kết với nhau chúng đã giúp soi sáng nhiều từ ngữ khó hiểu trong kinh văn. Lấy ví dụ như từ sĩ phu (士夫) trong kinh văn chữ Hán là một từ luôn có vẻ không hợp nghĩa với toàn văn cảnh nếu được hiểu theo nghĩa thông thường của nó trong Hán ngữ là người có học thức, kẻ sĩ... Sự không hợp nghĩa này đã thúc giục chúng tôi quay sang tìm kiếm trong các từ điển Hán-Anh, và phát hiện từ này còn có thêm một nghĩa là “linh hồn” (soul). Tuy nhiên, sự giải thích này chưa đủ làm căn cứ để giải thích kinh văn, mà chỉ có tác dụng gợi ra một hướng tìm kiếm mới, đó là vì sao từ điển Hán-Anh lại có một nghĩa không có trong chữ Hán? Quay sang các tự điển Hán-Phạn, chúng tôi phát hiện ra từ “sĩ phu” vốn đã được các vị dịch kinh ngày xưa dùng để dịch chữ “purusa” trong Phạn ngữ, được phiên âm là bố-lộ-sa (布路沙). Từ manh mối này, tiếp tục tìm kiếm với từ điển Phạn-Hán, chúng tôi tìm ra trong các nghĩa của từ purusacó một nghĩa là: 個 體生命力的原理, 靈 魂; 個 人本體, 最 高精神。(Cá thể sanh mạng đích nguyên lý, linh hồn; cá nhân bản thể, tối cao tinh thần.) Nếu vận dụng nghĩa này vào các đoạn kinh văn đang tìm hiểu thì thấy hoàn toàn phù hợp, và thậm chí nó cũng soi sáng cho cả các khái niệm về sĩ phu kiến, sĩ phu tướng... mà trước đây trong hầu hết các bản Việt dịch nhiều kinh điển khác các vị tiền bối đều để nguyên hai chữ “sĩ phu” không dịch. Trong trường hợp này, sự “không dịch” đó mặc nhiên đã làm cho người đọc phải hiểu sai (hoặc không hiểu), vì chữ sĩ phu trong Hán ngữ hoàn toàn không có nghĩa nào liên quan đến “linh hồn”, là nghĩa đang được kinh văn đề cập đến để chỉ ra quan điểm “chấp thường” của hàng ngoại đạo, vốn cho rằng thật có một linh hồn trường tồn bất tử...

Ngoài việc chú giải ở những nơi thuật ngữ xuất hiện lần đầu, chúng tôi thỉnh thoảng cũng lặp lại các chú giải này ở một vài nơi khác, để tạo sự thuận tiện hơn cho người đọc. Nhưng khi gặp một từ khó không có chú giải tại chỗ, độc giả vẫn có thể dễ dàng tìm đọc lại các chú giải đã có bằng cách sử dụng bảng Tham khảo thuật ngữ được biên soạn kèm theo trong tập Phụ lục này. Phần tham khảo này giải thích đầy đủ các thuật ngữ đã xuất hiện trong kinh, được sắp xếp theo thứ tự ABC và có đủ các phần tham chiếu để khi người đọc tra tìm theo một cách đọc khác của từ vẫn có thể được dẫn chú về mục từ chính.

Chúng tôi hy vọng những nỗ lực như trên có thể giúp phá vỡ được phần nào lớp vỏ bọc ngôn ngữ, giúp người đọc nhận hiểu được một cách dễ dàng hơn về mặt từ ngữ, không còn phải mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày suy nghĩ chỉ vì không sao hiểu được một từ ngữ nào đó trong kinh văn.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề, vì đó chỉ là nói về mặt ngữ nghĩa mà thôi; còn việc tiếp nhận được ý nghĩa trọn vẹn của một câu kinh, một đoạn kinh hay trọn bộ kinh thì lại là một cấp độ phức tạp và sâu xa hơn nữa. Với một nội dung trải dài gần 1700 trang giấy, đề cập đến hàng loạt các vấn đề sâu xa, tinh tế và thường là rất trừu tượng, khó nắm bắt, người đọc nếu chưa quen tiếp xúc với những bộ kinh đồ sộ như thế này chắc chắn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng hoang mang lạc lối, đọc trước quên sau, không thể nào nhận hiểu được cho dù chỉ là những nội dung cơ bản nhất của kinh văn.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, chúng tôi cố gắng biên soạn phần Tổng quan này, chỉ với tâm nguyện duy nhất là giúp cho những người Phật tử sơ cơ được dễ dàng hơn trong sự tiếp nhận ý nghĩa kinh văn. Riêng với hàng thức giả cũng như các bậc tôn túc trưởng thượng, chúng tôi quả thật hoàn toàn không dám có ý “múa rìu qua mắt thợ” với những lời nôm na quê kệch trong phần này. Vì thế, kính mong quý vị niệm tình tâm nguyện vị tha của chúng tôi mà rộng lòng tha thứ cho việc làm không tự lượng sức này, cũng như sẵn lòng chỉ bảo cho những chỗ kém cỏi và sai sót để chúng tôi có cơ hội được cung kính lắng nghe và học hỏi.

Sở dĩ chúng tôi xem đây là một việc làm “không tự lượng sức mình”, là vì chúng tôi đã sớm biết ngay từ đầu rằng đây là một công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp, vượt ngoài năng lực và trình độ của chúng tôi. Tự mình tìm hiểu nghĩa kinh đã hết sức khó khăn, huống hồ lại dám cả gan đứng ra dẫn giải, chỉ bày cho người khác? Việc làm liều lĩnh như thế há lại không đáng bị quở trách lắm sao? Tuy nhiên, sau nhiều lần suy đi nghĩ lại, cũng như đã trao đổi và nhận được sự động viên khuyến khích từ rất nhiều vị thân hữu, chúng tôi cảm thấy dù sao thì đây vẫn là một việc nên làm. Với bao nhiêu khó khăn mà chúng tôi đã phải trải qua, nếu cố gắng trình bày lại đôi chút kết quả thâu nhặt được ở đây, lẽ nào lại không giúp ích được ít nhiều cho những kẻ đi sau? Và nếu được như vậy, hẳn cũng sẽ giúp được cho nhiều người đọc khác không phải trải qua những gian nan vất vả mà chúng tôi đã từng đối mặt.

Với những suy nghĩ đó, chúng tôi xin trình bày trong phần này những nhận thức thô thiển và cạn cợt của chính mình khi may mắn được tiếp xúc với bộ kinh này, chỉ như một sự chia sẻ kinh nghiệm học hỏi và tu tập với những ai chưa có điều kiện nghiên cứu nhiều về Phật pháp. Trong trường hợp có bất cứ nhận thức sai lệch nào trong phần này, chúng tôi xin nhận lỗi về mình cũng như xin sám hối trước Tam bảo; và nếu có những lỗi lầm như thế, tất nhiên chỉ hoàn toàn do sự học hỏi còn non kém của bản thân chúng tôi chứ không liên quan gì đến kinh văn. Vì thế, trong khi sử dụng phần Tổng quan này, mong quý độc giả luôn nhớ cho là sẽ có rất nhiều nhận thức chủ quan của riêng chúng tôi, chỉ được trình bày như một sự chia sẻ với tất cả mọi người chứ hoàn toàn không dám có ý giảng giải kinh văn.

Trên tinh thần đó, phần Tổng quan này không được biên soạn như một sự tóm tắt các phẩm kinh, mà chỉ cố gắng hệ thống những vấn đề đã được đề cập đến trong kinh theo một cấu trúc sao cho người đọc có thể dễ dàng nhận ra và đối chiếu với sự nhận hiểu của chính mình, qua đó sẽ biết được những vấn đề nào cần phải được đọc lại hoặc nghiền ngẫm kỹ hơn nữa để có thể thực sự hiểu được ý nghĩa thuyết giảng trong kinh. Bằng cách đó, phần Tổng quan này sẽ có tác dụng như một bản lược đồ giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc ôn lại tất cả những gì đã học được, cũng như tự kiểm tra những hiểu biết của mình xem đã phù hợp với cấu trúc của toàn bộ kinh hay chưa. Mặc dù vậy, phạm vi đề cập quá rộng lớn của kinh văn là một nội dung không thể tóm gọn một cách trọn vẹn, cho dù là theo bất cứ ý nghĩa nào. Vì thế, sẽ không có gì lạ nếu trong khi hoặc sau khi đọc qua phần Tổng quan này mà quý độc giả chợt nhận ra rằng có rất nhiều điều được giảng giải trong kinh nhưng không thấy chúng tôi đề cập đến. Dù sao đi nữa, khi điều đó thực sự xảy ra thì chúng tôi xin chúc mừng quý độc giả, vì đó là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy việc đọc kinh của quý vị đã bắt đầu đạt được những kết quả nhất định.

Như đã nói, trong khi biên soạn chúng tôi không tránh khỏi phải nêu lên những nhận thức chủ quan dựa vào sự nhận hiểu của riêng mình, bởi ngay chính việc biên soạn phần này cũng đã là một ý tưởng hoàn toàn chủ quan. Trong khi nó có thể phần nào đó hữu ích đối với một số người, thì lại cũng có thể là hoàn toàn vô ích đối với một số người khác. Vì thế, chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình trong công việc để hy vọng sẽ không phải rơi vào những trường hợp “vẽ rắn thêm chân”, còn về hiệu quả của công việc này có thật sự đạt được hay không, hoặc đạt được đến mức độ nào xin để tùy người đọc phán xét. Tuy vậy, chúng tôi cũng tự biết chắc là sẽ không sao tránh khỏi ít nhiều sự sai lệch hoặc thiếu sót trong phần này. Vì thế, chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận và sẽ vô cùng biết ơn đối với mọi ý kiến đóng góp hoặc chỉ dạy để chúng tôi sớm nhận biết và loại bỏ đi những sai sót ngoài ý muốn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]