Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lá Thư Tịnh Độ (sách)

17/12/201206:18(Xem: 14513)
Lá Thư Tịnh Độ (sách)


lathutinhdo-anquang

Lá Thư Tịnh Độ

Nguyên tác: Ấn Quang Pháp Sư
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch

TỰA

Đức Phật ra đời với nhân duyên mở bày chân tánh, khiến cho chúng sanh thoát vòng mê khổ, ngộ vào bản thể sáng suốt, an vui. Bao nhiêu pháp môn, tất cả nghĩa lý mầu nhiệm trong một đời giáo hóa của đức Bổn Sư, đều không ngoài mục đích ấy. Nhưng, tìm một lối thẳng tắt để mau thoát khỏi đường sanh tử, một pháp hợp lý, hợp cơ cho chúng sanh giữa thời buổi này, chỉ có môn Tịnh độ. Tại sao thế? Vì trong đời Mạt pháp, người tu hành bị nhiều chướng duyên làm thối chuyển. Nhìn về người: Phần sắc thân hay đau yếu, mạng sống ngắn ngủi; phần tâm tánh thì nghiệp hoặc sâu nặng, trí huệ tối mờ. Xét về cảnh: Phần đời thường xảy ra nạn nước tai trời; phần đạo lại ít bậc Thiện tri thức dắt dẫn, nhiều kẻ dối tu, dẫy đầy những mối dị đoan, tà ngoại! Cho nên trong Kinh Đại Tập, đức Như Lai huyền ký rằng: Đời Mạt pháp ức ức người tu hành, song khó được một kẻ ngộ đạo, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi...

Thời gian gần đây, ở Trung Hoa có Ấn Quang Pháp sư là bậc danh đức trong tăng giới. Ngài suốt thông cả tông lẫn giáo, chuyên dùng pháp môn Niệm Phật làm phương tiện lợi mình lợi người. Trước tiên, Pháp sư xuất gia ở đỉnh Chung Nam, sau một thời gian đi tham học các nơi, lại về ẩn tích tại non Phổ Đà, nơi lầu tàng kinh chùa Pháp Võ. Tuy mấy mươi năm khổ hạnh, ít cùng người ngoài giao thiệp, nhưng dấu cao nhân một phen bị khách trần khám phá, ngọn gió thanh bay thoảng khắp xa gần. Biết được hạnh đức của Pháp sư, tăng tục bốn phương đều ngưỡng mộ; có kẻ vượt suối trèo non mà cầu lời chỉ thị; có người mượn tin hồng nhạn mà hỏi lối nam châm. Những thủ bút của Ngài được hàng cư sĩ sưu tập lại thành bốn quyển và cho in ra với nhan đề Ấn Quang Pháp sư Văn Sao. Bình sanh, Pháp sư ấn tặng sách Phật được năm triệu bộ, tượng Phật hơn một triệu xấp. Đệ tử của Pháp sư đến hơn hai mươi muôn người, nhiều vị nhờ ơn chỉ dạy của Ngài, được sanh về Cực lạc, khi lâm chung đều có chứng nghiệm. Năm Dân Quốc thứ 29, Pháp sư biết trước ngày về Tây phương, ngồi thoát hóa ở Linh Nham Tịnh Tông Đạo Tràng, hưởng tuổi đời tám mươi và sáu mươi tăng lạp. Lúc làm lễ trà tỳ, ba mươi hai cái răng còn nguyên, Xá Lợi ngũ sắc hiện ra rất nhiều. Sau khi Pháp sư vãng sanh, giới Phật tử xuất gia, tại gia cảm nhớ đức hóa lớn lao của Ngài, hợp nhau làm lễ truy niệm và đồng ý suy tôn Ngài làm vị Tổ thứ mười ba trong tông Tịnh độ.

Bộ Văn Sao của Pháp sư, khi mới xuất gia, tôi đã được hân hạnh xem qua. Trong thời kỳ nhập thất gần đây, một thuận duyên đưa đến, tôi lại có cơ hội khảo duyệt lần nữa, để giúp sự thắng tấn trên đường tu niệm. Nhận thấy trong ấy có nhiều điểm hữu ích cho người niệm Phật, tôi lựa rút những đoạn cần thiết, phiên dịch ra quốc văn, lấy nhan đề Lá Thơ Tịnh Độ. Đáng lẽ trong quyển này tôi phải phụ thích để nhấn rõ một vài điểm thiết yếu, và giải đôi chỗ khó hiểu với người sơ cơ, nhưng vì sức khỏe kém nên ý nguyện không thành. Tôi lại thẹn mình nghiệp hoặc sâu dầy, đường tu không thấy tiến bộ, bắt buộc phải để tinh thần nhiều hơn trong sự nhiếp niệm, nên khi phiên dịch lời lẽ thô sơ, đã chẳng diễn tả được ý nghĩa thâm thúy của Pháp sư, lại làm lờn mắt xanh của làng học Phật! Tuy nội dung còn nhiều khuyết điểm, nhưng nhân duyên đã thế, âu cũng xin tùy phần tùy sức mà dâng chút ngu thành! Sự phiên dịch đây, với tôi, chỉ có mục đích góp phần khuyến tấn lẫn nhau cùng các bạn sen trên đường Cực lạc.

Nếu công việc này có thể giúp quí vị phần nào nơi sự kiến giải cũng như tu niệm, xin đem kết quả ấy hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ cho bốn ơn ba cõi và pháp giới hữu tình.

Liên Du Thích Thiền Tâm

Mấy Lời Bày Tỏ

Trong các hành môn của đức Phật đã chỉ dạy, môn nào cũng có pháp nghi riêng biệt, từ cách thờ cúng, lễ bái, trì tụng, sám hối, phát nguyện v.v... Như Mật Tông lại còn sự lập đàn, kiết ấn nữa.

Riêng về tông Tịnh Độ, tôi thấy có nhiều người không biết nghi thức hành trì cho đúng pháp. Lại có những vị không hiểu nghĩa chữ Hán, thành ra khi trì tụng chỉ đọc suông theo thông lệ, khó phát lòng thành khẩn, không thể chuyển hướng tâm niệm của mình y như lời văn. Nghĩ vì dòng đời cứ mãi trôi qua, người sau càng ngày lại càng ít am hiểu văn từ Hán Việt, nên theo lời yêu cầu của một số đông, tôi soạn dịch nghi thức tu Tịnh Độ ra Việt văn để giúp bạn đồng tu.

Về pháp nghi Tịnh Độ, có ba bậc: thượng, trung, hạ. Để không quá đơn giản và khỏi phiền toái, tôi căn cứ theo pháp nghi của ngài Từ Vân trong Tịnh Độ Thập Yếu, soạn dịch nghi thức theo bậc trung. Về cách trì danh, vẫn có nhiều đường lối, theo chỗ kinh nghiệm và so với thời cơ, tôi chọn pháp Thập Niệm Ký Số.

Về pháp nghi Tịnh Độ, thuở xưa chia làm năm môn, tôi ước kết lại thành ba môn: lễ bái, trì tụng và phát nguyện hồi hướng. Vả lại, pháp môn Tịnh Độ có chuyên tu và kiêm tu; có vị chuyên niệm Phật, có vị lại kiêm tụng kinh, trì chú, sám hối hoặc tham thiền. Theo Ấn Quang Pháp Sư, thì người tu tịnh nghiệp phải lấy sự niệm Phật làm phần chính, mấy món kia làm phần phụ, phần chính cố nhiên phải giữ cho nhiều hơn. Riêng về tụng kinh, trì chú, nếu dùng để giúp cho phần niệm Phật và chí tâm hồi hướng, cầu vãng sanh, cũng có thể gọi là chuyên tu.

Trên pháp môn trì danh, sự hơn kém thật ra không phải ở nơi nghi thức, mà ở chỗ: âm thanh rành rõ hay lờ mờ, tâm niệm thành khẩn hay thờ ơ tán loạn, công trì tụng sâu nhiều hay cạn ít. Nếu người biết tu thì một lượt chiêm lễ, một câu xưng danh, công đức cũng hơn kẻ không biết tu rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không có pháp nghi cho đúng, thì công đức hành trì thì cũng khó phát huy đến chỗ viên mãn. Và vì thế tôi mới soạn ra nghi thức nầy.

Xưa và nay cách nhau, chúng sanh căn cơ sở thích đều sai khác, tôi không dám gọi việc làm nầy là hợp với mọi người, cũng không dám cho nghi thức đây là hơn những pháp nghi đã có, chỉ tùy chỗ mong cầu mà lạo thảo viết ra vậy thôi.

Liên Du Thích Thiền Tâm

Lời Bạt

Trong quyển nầy, ta thấy Ấn Quang Pháp Sư, về cách khuyến hóa, chỉ dùng lời lẽ bình thường chân thật, mà điểm cốt yếu duy ở một chữ thành. Người học đạo biết đặt chân từ chỗ bình thật đi vào, thì không còn vọng cầu xa xôi; có chí thành khẩn thiết tất dễ cảm thông với Phật. Sự huyền diệu của đạo chính là ở chỗ đó. Cho nên thuở xưa, một vị Tổ Sư đã bảo: 'Tâm bình thường là đạo.'Nhưng, trên đường giải thoát, các tông khác tuy cũng dùng tâm bình thường thanh tịnh làm căn bản, song chỉ nương ở tự lực, riêng môn Tịnh Độ đã chuyên dùng tự lực lại kiêm chú trọng về tha lực. Như bên tông Thiền tuy tham cứu câu niệm Phật, nhưng chỉ dùng đó để ngăn làn sóng vọng tưởng, trở về tâm thanh tịnh; bên tông Mật như phái Lạt Ma giáo ở Tây Tạng, cũng có người chuyên trì danh hiệu của một đức Phật, một bậc Bồ Tát hay một vị thần, song họ chỉ xem đó là một câu chú, hoặc một đấng ủng hộ mà thôi. Tuy nhiên, nếu đem so sánh, ta thấy bên Mật có điểm thắng hơn bên Thiền, vì bên Mật trong khi tu niệm đã biết giữ ba nghiệp thanh tịnh (tam mật tương ưng) để tiêu trừ vọng tưởng đồng thời lại dùng công đức, năng lực của chân ngôn hay hiệu Phật, giúp sức phá tan hoặc nghiệp, để mau chứng quả Bồ Đề. Nhưng đó là những lối tu hành của bậc thượng căn, hơn nữa chúng sanh từ kiếp vô thỉ đến nay gây nên nghiệp chướng vô lượng vô biên, dù có tu được, cũng khó hy vọng trong một đời phá hết phiền hoặc, thoát đường sanh tử. Và một khi nghiệp hoặc còn chừng một mảy tơ, cũng bị luân hồi, mà đã luân hồi tất dễ quên mất túc căn, bị trần cảnh mê mờ lôi cuốn vào trong lục đạo! Khác hơn thế, môn Tịnh Độ bậc căn cơ thượng, trung, hạ đều có thể tu; cách tu chỉ dùng tâm thanh tịnh làm nền tảng, rồi từ nơi đó khởi công năng chí thành khẩn thiết niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu đủ lòng tín nguyện trì danh, không luận người đã dứt hết phiền não, dù cho kẻ nghiệp nặng như biển cả non cao, trong một đời cũng được Phật tiếp dẫn sanh về Tịnh Độ. Khi niệm Phật chí thành, trong ấy có ba năng lực: sức Phật, sức Pháp và sức công đức không thể nghĩ bàn của tự tâm. Sức Phật là được Phật phóng quang nhiếp thọ, thường thường hộ trì. Sức Pháp là hồng danh A Di Đà vẫn đầy đủ muôn đức, chí thành niệm một câu tất sẽ tiêu tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp, phước huệ tăng thêm. Sức công đức của tự tâm là tâm ta có đủ mười pháp giới, trong khi ta niệm Phật thành khẩn, thì pháp giới ác bị tiêu ngưng, pháp giới lành biến chuyển lớn mãi cho đến khi thành thục, kết quả lúc mạng chung sẽ hóa sanh trong liên bào nơi cõi Tây Phương. - đây, ta cần nên phân biệt có hai lối niệm Phật tương tợ như Tịnh Độ mà không phải thuộc về tông Tịnh Độ:

1/ Niệm Phật tương tục mong đàn áp vọng tưởng chứng ngộ bản tâm, không cầu vãng sanh, giống như tông Thiền.

2/ Niệm Phật như trì một câu thần chú, mong Phật ủng hộ cho xa lìa ma chướng, tiêu hoặc nghiệp, hiện đời phước huệ tăng thêm, mà không cầu vãng sanh, giống như tông Mật.


Niệm Phật như thế là lạc với đường lối của Tịnh Tông, chỉ được kết quả nhỏ mà mất sự lợi ích lớn. Nếu người biết trì niệm hiệu như giữ gìn bổn mạng, chỉ tha thiết cầu sanh Tây Phương, thì tuy không cầu dứt phiền não mà phiền não tự tiêu, không cầu sanh phước huệ mà phước huệ tự nhiên thêm lớn, cho đến không cầu chứng ngộ mà hoặc sớm hoặc chầy cũng được chứng ngộ; kết quả trong một đời sẽ thoát vòng luân chuyển, lên vị Bất Thối nơi cõi bảo liên. Thế thì chỉ thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, trong ấy đã có đủ Thiền và Mật rồi. Cho nên Ấn Quang Đại Sư thường nói: 'Pháp môn Tịnh Độ thống nhiếp cả Thiền, Giáo, Luật, cao siêu hơn Thiền, Giáo, Luật.'

Môn Niệm Phật xem giản dị mà có công năng rất huyền diệu như thế, nên một hạng người học Phật vì nhận thức không thấu đáo, sanh tâm tự cao, bài báng, khinh thường. Bởi thế, có kẻ dẫn câu niệm Phật đem về lý tánh, cho lời nói trong các kinh Tịnh Độ là tượng trưng. Lại có một hạng người nhiều chủng tử ngoại đạo, đem sáu chữ niệm Phật bố khắp chi thể, hoặc hợp câu niệm Phật với phép luyện khí cho đi tuần hoàn trong châu thân, hoặc dùng câu niệm Phật tụ hỏa nơi ấn đường. Họ lại lầm cho đó là quí báu, chỉ mật thọ nhau trong phòng kín không dám tuyên dương, sợ e lạm truyền. Sự lầm lạc ấy khiến cho nhiều người mang chứng lớn bụng, mờ mắt, đau đầu, kết cuộc chỉ có tổn hại không được lợi ích. Nên biết pháp môn Tịnh Độ chính do đức Thích Ca Mâu Ni nói ra, sáu phương chư Phật đều khen ngợi; các bậc Đại Bồ Tát, Đại Tổ Sư như đức Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều tuân giữ; các Kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bảo Tích, Đại Bát Nhã đều tuyên dương. Kẻ ngoại đạo vì tà kiến, hủy báng môn Tịnh Độ, vẫn không đáng nói; hàng Phật tử nếu sanh tâm tự cao hủy báng, tức là vô tình hủy báng ngôi Tam Bảo, ngăn lấp con đường giác ngộ của mọi người. Tại sao thế? Vì môn Tịnh Độ là cửa mầu giải thoát duy nhất, yên ổn nhất của chúng sanh đời mạt pháp; chính đức Phật đã từng có lời huyền ký thuở xưa.

Trên đây, không phải tôi cố ý phân biệt môn Tịnh Độ giữa các tông phái, hay thiếu mỹ cảm với những kẻ đã lầm lạc, mà chính vì tưởng niệm ân sâu của Phật, muốn cho mọi người đồng được lợi ích đó thôi. Tuy nhiên, trên đường đạo, sở thích của mỗi người có khác nhau, khúc nhạc hương quê chưa dễ cảm được lòng du khách! Xem quyển nầy, ai có mến Ấn Quang Pháp Sư, cũng nên theo Ngài mà đọc bài ca quy khứ:

Phải nên phát nguyện, nguyện vãng sanh,
Đất khách sơn khê mặc người luyến?
Tự không muốn về, về sẽ được,
Quê xưa trăng gió có ai tranh?

Người Bạn Sen,
Liên Du Thích Thiền Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]