- I. Phần Đầu (1) Cương Yếu
- II. Tiết Mục 1 : Căn Cứ Của Pháp Sở Tri
- III. Tiết Mục 2 : Sắc Thái Của Các Pháp Sở Tri
- IV. Tiết Mục 3 : Ngộ Nhập Các Pháp Sở Tri
- V. Tiết Mục 4 : Nhân Quả Của Sự Hộ Nhập Ấy
- VI. Tiết Mục 5 : Sự Tu Tập Về Nhân Quả Ấy
- VII. Tiết Mục 6 : Giới Tăng Thượng Của Sự Tu Tập
- VIII. Tiết Mục 7 : Định Tăng Thượng Của Sự Tu Tập
- IX. Tiết Mục 8 : Tuệ Tăng Thượng Của Sự Tu Tập
- X. Tiết Mục 9 : Đoạn Đức Của Sự Tu Tập
- XI. Tiết Mục 10 : Trí Đức Của Sự Tu Tập
Mục 3: Làm 4 Việc
Chính Văn.-
Định tăng thượng lại dẫn ra 4 việc: tu tập 6 ba la mật, thành thục tất cả chúng sinh, làm sạch thế giới của Phật, hoàn thành các pháp của Phật [151]. Nên biết 4 pháp này cũng là việc làm của định tăng thượng của bồ tát.
Mục 1: Nêu Lên
Chính Văn.-
Như vậy là đã nói sự thù thắng của định tăng thượng rồi, còn sự thù thắng của tuệ tăng thượng thì làm sao thấy được? Là tự tánh, sở y, nhân duyên, sở duyên, hành tướng, nhiệm trì, trợ bạn, dị thục, đẳng lưu, xuất ly, cứu cánh, thắng lợi, sai biệt, thí dụ, tác sự và thậm thâm [152]của trí vô phân biệt. Nên biết trí vô phân biệt được nói như vậy thì gọi là sự thù thắng của tuệ tăng thượng.
Đoạn 1: Giải Thích Tự Tánh
Chính Văn.-
Tựu trung, tự tánh của trí vô phân biệt là không phải 5 trạng thái: một là không phải không tác ý, hai là không phải không tầm tư, ba là không phải không thọ tưởng, bốn là không phải sắc tự tánh, năm là không phải kế đạt đối với chân như. Không phải 5 trạng thái như vậy thì nên biết đó gọi là trí vô phân biệt.
Lược Giải.-
Trí vô phân biệt dĩ nhiên không tác ý, tầm tư và thọ tưởng, nhưng không tác ý như trạng thái hôn mê, không tầm tư như nhị thiền sắp lên, không thọ tưởng như diệt tận định thì không phải là trí vô phân biệt. Trí này cũng không vô tri giác như sắc chất. Đối tượng hóa chân như ra mà kế đạt, sự kế đạt ấy cũng không phải trí vô phân biệt.
Thứ 1: Tự Tánh
Chính Văn.-
Đối với 16 sắc thái được xác lập của trí vô phân biệt như trên đã nói, ở đây lại nói 25 bài chỉnh cú. 1. Tự tánh của trí vô phân biệt của bồ tát là không phải 5 trạng thái, nhất là trạng thái kế đạt chân như.
Thứ 2: Sở Y
Chính Văn.-
2. Sở y của trí vô phân biệt của bồ tát không phải tâm mà là tâm, bởi vì nó không thuộc chủng loại tư lượng. [153]
Thứ 3: Nhân Duyên
Chính Văn.-
3. Nhân duyên của trí vô phân biệt của bồ tát là do đa văn huân tập cùng với tác ý đúng lý.
Thứ 4: Sở Duyên
Chính Văn.-
4. Sở duyên của trí vô phân biệt của bồ tát là pháp tánh ly ngôn, tức chân như vô ngã.
Thứ 5: Hành Tướng
Chính Văn.-
5. Hành tướng của trí vô phân biệt của bồ tát là, đối với đối tượng sở duyên, biết đối tượng ấy là phi sắc thái danh ngôn. 6. Đặc tính tương ưng là tương ưng với đối tượng sở phân biệt chứ không phải gì khác, và đối tượng ấy chỉ là những chữ liên kết lại, triển chuyển thành sự tương ưng. 7. Không phải tách rời cái năng thuyên mà có cái sở thuyên để trí biết đến, nhưng năng thuyên và sở thuyên không phải hoàn toàn tương đồng, do vậy mà pháp tánh thì phi danh ngôn.
Thứ 6: Nhiệm Trì
Chính Văn.-
8. Nhiệm trì của trí vô phân biệt của bồ tát là làm cho những bồ tát hạnh sau đó tiến mau và lớn thêm.
Thứ 7: Trợ Bạn
Chính Văn.-
9. Trợ bạn của trí vô phân biệt của bồ tát là 5 ba la mật mà nói ra 2 đạo. (4 ba la mật trước là tư lương đạo, định ba la mật là y chỉ đạo).
Thứ 8: Dị Thục
Chính Văn.-
10. Dị thục của trí vô phân biệt của bồ tát là do phần da hành của trí ấy mà sinh trong 2 đại hội (tha thọ dụng và biến hóa) của Phật [154].
Thứ 9: Đẳng Lưu
Chính Văn.-
11. Đẳng lưu của trí vô phân biệt của bồ tát là trong những đời sau, tự thể của nó hơn thêm lên.
Thứ 10: Xuất Ly
Chính Văn.-
12. Xuất ly của trí vô phân biệt của bồ tát là nên biết trong 10 địa, (địa thứ nhất rời khỏi hệ lụy nên) được gọi là được, (các địa sau thoát khỏi chướng ngại nên) được gọi là thành.
Thứ 11: Cứu Cánh
Chính Văn.-
13. Cứu cánh của trí vô phân biệt của bồ tát là chứng được 3 thân thể thanh tịnh và thành được 10 tự tại tối thượng.
Thứ 12: Thắng Lợi
Chính Văn.-
14. Trí vô phân biệt không nhiễm như hư không, là vì (phần da hành của nó) chuyển được các ác nghiệp cực nặng, nhờ vào sự tin hiểu (chân như vô phân biệt). 15. Trí vô phân biệt không nhiễm như hư không, là vì (phần căn bản của nó) thoát ly mọi sự chướng ngại, được gọi là thích ứng với sự được và thích ứng với sự thành. 16. Trí vô phân biệt như hư không, là vì (phần hậu đắc của nó) thường đi trong thế gian mà không bị mọi sự của thế gian làm cho ô nhiễm.
Thứ 13: Sai Biệt
Chính Văn.-
17. Như người câm muốn biết (mà chưa biết, cũng không nói được), như người câm biết được (mà không nói được), như người không câm biết được (và nói được): 3 phần của trí vô phân biệt được ví dụ như vậy. 18. Như người ngu muốn biết, như người ngu biết được, như người không ngu biết được: 3 phần của trí vô phân biệt được ví dụ như vậy. 19. Như 5 thức muốn biết, như 5 thức biết được, như ý thức biết được: 3 phần của trí vô phân biệt được ví dụ như vậy. 20. Như người chưa hiểu luận văn mà muốn hiểu, như người hiểu được, như người hiểu được mà dạy được: tuần tự ví dụ cho 3 phần da hành, căn bản và hậu đắc của trí vô phân biệt. Nên biết như vậy.
Thứ 14: Thí Dụ
Chính Văn.-
21. Như người nhắm mắt, phần căn bản của trí vô phân biệt cũng là như vậy; như người ấy mở mắt, phần hậu đắc của trí vô phân biệt cũng là như vậy. 22. Nên biết như hư không, phần căn bản của trí vô phân biệt cũng là như vậy; như trong hư không ấy hiện mọi hình sắc, phần hậu đắc của trí vô phân biệt cũng là như vậy.
Thứ 15: Tác Sự
Chính Văn.-
23. Như ngọc như ý và nhạc khí chư thiên, không tư lượng mà vẫn thành việc: mọi việc Phật làm, thành mà không tư lượng thì cũng như vậy.
Thứ 16: Thậm Thâm
Chính Văn.-
24. Không phải chính nơi pháp tánh chân như mà cũng không phải nơi nào khác, không phải trí mà là trí; vì cùng với pháp tánh chân như không khác gì nhau, nên trí vô phân biệt thành vô phân biệt. 25. Nên biết pháp tánh của các pháp là không phân biệt: sở phân biệt là không nên trí vô phân biệt cũng không.
Tiết 2: Nói Chi Tiết
Chính Văn.-
Ở đây trí vô phân biệt phần da hành có 3 thứ: do nhân tố, do dẫn ra, do tập luôn, và đó là do sự phát sinh mà có khác nhau [155]. Trí vô phân biệt phần căn bản có 3 thứ: đã đầy đủ, không thác loạn, không hý luận, và đó là do sự không phân biệt mà có khác nhau[156]. Trí vô phân biệt phần hậu đắc có 5 thứ: thông suốt, tùy nghĩ, thiết lập, tổng hợp, đúng ý, và đó là do sự tư trạch mà có khác nhau [157].
Mục 1: Dẫn Kinh Đại Thừa A Tì Đạt Ma Nói Về Không Phải Thật
Chính Văn.-
Lại có 6 bài chỉnh cú xác lập trí vô phân biệt như vậy: 1. Ngạ quỉ, bàng sinh, cùng với chư thiên, nhân loại, mỗi loài tùy thích ứng mà sự đồng đẳng nhưng tâm khác biệt, nên tôi cho rằng biến kế là không thật. 2. Quá khứ, vị lai, mộng ảnh, 2 ấn tượng của hiện cảnh và trong định, tuy đối tượng không thật có mà ấn tượng vẫn thành tựu. 3. Nếu sự mà thật thì không có trí vô phân biệt, không có trí ấy mà nói Phật quả chứng đắc thì vô lý. 4. Bồ tát được định tự tại thì do thắng giải lực mà muốn đất v/v thành gì cũng thành cả. Những người đắc định khác cũng vậy. 5. Thành tựu sự quyết trạch là có trí mà được định, thì tư duy các pháp, tư duy thế nào biểu hiện như thế. 6. Trí vô phân biệt mà hiện hành thì mọi sự không hiển hiện, mà sự không thì thức cũng không [158].
Mục 2: Dẫn Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Nói Về Không Phải Chỗ
Chính Văn.-
Tuệ ba la mật với trí vô phân biệt không khác gì nhau, như nói bồ tát đứng nơi bát nhã ba la mật không thích ứng 5 chỗ thì tu tập viên mãn 5 ba la mật khác. Như thế nào gọi là không thích ứng 5 chỗ mà tu tập viên mãn? Là do xa lìa 5 chỗ sau đây. Một là xa lìa chỗ chấp ngã của ngoại đạo. Hai là xa lìa chỗ phân biệt của bồ tát chưa thấy chân như. Ba là xa lìa chỗ nhị biên của sinh tử với niết bàn. Bốn là xa lìa chỗ mừng đủ của sự chỉ dứt phiền não chướng. Năm là xa lìa chỗ niết bàn vô dư y không còn đoái hoài gì đến lợi ích yên vui cho chúng sinh.
Tiết 4: Nói Thù Thắng
Chính Văn.-
Trí thanh văn với trí bồ tát khác gì nhau? Do 5 sắc thái sau đây mà khác nhau, nên biết như vậy. Một là khác vì không phân biệt, tức không phân biệt các pháp 5 uẩn v/v. Hai là khác vì không phải phần ít, tức thông đạt chân như, nhập vào lĩnh vực tất cả chủng loại, phổ độ tất cả chúng sinh, chứ không phải chỉ có phần ít mà thôi. Ba là khác vì vô trú, tức lấy niết bàn vô trú làm chỗ cư trú. Bốn là khác vì rốt ráo, tức trong niết bàn vô dư y mà không có cùng tận. Năm là khác vì vô thượng, tức trên cái trí vô phân biệt của đại thừa này không còn thừa nào hơn nữa. Ở đây có 1 bài chỉnh cú: Những bậc lấy đại bi làm bản chất, thì do cái trí có 5 sắc thái hơn cả, mà trong sự thành mãn thuộc lĩnh vực thế gian hay sự thành mãn thuộc lĩnh vực xuất thế, nên nói rằng những bậc ấy tối cao xa.