Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Đường lối tu tịnh độ

26/04/201317:40(Xem: 9537)
Chương III: Đường lối tu tịnh độ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ
VĂN PHÒNG I I VIỆN HÓA ĐẠO

TỔNG VỤ HOẰNG PHÁP
PHÚ LÂU NA TÙNG THƯ 63

NHÀ XUẤT BẢN PHÚ LÂU NA

Tái bản tại Hoa Kỳ – Phật lịch 2546-2002

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

H.T THÍCH TRÍ THỦ

Biên tập

Chương III

ĐƯỜNG LỐI TU TỊNH ĐỘ

Tiết Thứ 1

Ba Tư Lương: Tín, Nguyện, Hạnh

Pháp môn Tịnh độ dễ tu nhưng khó tin. Trong kinh “Phật Thuyết A Di Đà”, đức Thích Tôn cũng thừa nhận như thế.

Đã thế rồi, pháp môn này lại còn nương tựa hoàn toàn vào lòng tin để thành lập, nương tựa vào lòng tin để duy trì. Có lòng tin mới sanh khởi hành động rồi mới đạt được nguyện vọng nhân viên quả mãn. Nếu không có lòng tin vững chắc thì tuy cửa Phật rộng mở, cũng không dễ gì vào được. Vì vậy nên Tín, Nguyện, Hạnh gọi là ba món tư lương về Tịnh độ.

Nói tư lương cũng như nói người muốn đi xa cần phải có tiền của (tư) và lương thực (lương). Nếu thiếu một trong hai thứ đó thì khó mà đạt được mục đích mình muốn đến. Cũng thế, ba món tư lương cần có để lên đường về Tịnh độ cũng không thể thiếu một. Hơn nữa, ba món này liên hệ mật thiết với nhau theo thứ tự trước sau tiếp nối sanh khởi. Trước hết phải do có lòng tin thắm thiết mới có sanh nguyện cầu; do nguyện cầu thành khẩn mới hăng hái hành động. Nếu lòng tin không có thì quyết nhiên nguyện và hạnh không thể thành lập được.

Tín là căn bản của người tu hành pháp môn Tịnh độ.

Thứ nhất, phải tin rằng ba bộ kinh nói về Tịnh độ là do đức Thích Tôn vì lòng từ bi chân thật mà dạy cho chúng ta, quyết không phải như sách ngụ ngôn giả thiết để khuyến tu.

Thứ hai, phải tin rằng ngoài thế giới ô-uế mà chúng ta hiện sống, chắc thật có thế giới Tịnh độ trang nghiêm.

Thứ ba, phải tin rằng 48 lời đại nguyện của đức Phật A Di Đà cùng là những công hạnh kiến lập cõi Tịnh độ của Ngài là chân thật, cũng như việc Ngài đang ứng hóa độ sanh tại cảnh giới Tịnh độ ấy là chân thật.

Thứ tư, phải tin rằng sanh Tịnh độ hay uế độ hoàn toàn do nhân quả, hễ trồng nhân uế thì được quả uế; hễ trồng nhân tịnh thì được quả tịnh không liên quan gì đến vấn đề thưởng phạt.

Thứ năm, phải tin rằng chánh niệm của ta cùng tâm niệm của đức Phật A Di Đà chắc chắn cảm ứng với nhau, lâm chung thế nào cũng được Ngài tiếp dẫn vãng sanh.

Thứ sáu, phải tin rằng tuy ác nghiệp của chúng ta có nhiều, nhưng một khi đã sanh về Tịnh độ, nhờ có hoàn cảnh tốt đẹp thuận tiện, nhờ ơn giáo huấn thường xuyên của Phật và Bồ tát, ác niệm không thể sanh khởi lại và ác báo do đó sẽ lần lần tiêu trừ.

Thứ bảy, phải tin rằng sức mình và sức Phật, cả hai đều bất khả tư nghị. Trong hai sức cùng bất khả tư nghị ấy, sức Phật lại bất khả tư nghị, gấp trăm ngàn muôn ức lần hơn, cho nên một khi được tiếp dẫn, sức mình còn kém cỏi thì với sức Phật cũng đủ giúp ta vãng sanh.

Thứ tám, phải tin rằng Phật có vô số Pháp môn giải thoát, Phật có công năng kiến lập thế giới trong một mảy trần. Giá như chúng sanh trong mười phương đều sanh trong mảy trần ấy, hết thảy phòng ốc dụng cụ đều trang nghiêm đầy đủ, không thiếu một thứ gì.

Thứ chín, phải tin rằng khi niệm một tiếng Phật tức thời đức Phật liền nghe và liền thâu nhiếp.

Thứ mười, phải tin rằng hễ mình niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung được Phật và Thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, quyết không còn đọa lạc luân hồi trong sáu đường nữa.

Tóm lại, phải tin chắc chắn rằng mhững lời Phật dạy trong kinh đều chân thật, cần phải thâm tín, tuyệt đối không nên sanh tâm ngờ vực. Lòng ngờ vực là chướng ngại vật không thể vượt qua trên con đường dẫn đến đạo quả. Có lòng ngờ vực rồi thì tất nhiên nguyện và hạnh sẽ không có cứ điểm để sanh khởi. Nếu lòng tin kiên cố, tự nhiên phát nguyện cầu sanh Cực Lạc và đã phát tâm nguyện cầu, tự nhiên chuyên tâm tinh tấn, y pháp hành trì, không đợi ngoại duyên thúc đẩy.

Người đời nhơn vì căn khí bất đồng, cho nên kiến thức cũng bất đồng. Có người cho rằng Tịnh độ là cõi hư vô không thật, nên không tin. Có người cho rằng chết là mất hẳn, không có đời sau, nên không tin. Có người cho rằng sanh đông sanh tây, chịu khổ hưởng vui là việc ngẩu nhiên , không có việc gây nhơn hưởng quả, nên không tin. Có người cho rằng niệm Phật cầu sanh Tây Phương là lối giả thuyết để khuyên người làm lành tránh dữ, chứ không có cảnh Tây Phương Tịnh độ, túng sử có thật thì quyết không thể chỉ niệm ít lần danh hiệu Phật mà được vãng sanh, nên không tin. Có người cho rằng con người vốn đã nặng nghiệp tham, sân si và ích kỷ, dù có sanh về Tịnh độ thì thói cũ vẫn khó trừ, quyết không thể trong khoảnh khắc biến thành người hiền được, nên không tin. Có người cho rằng con người trong thế gian này tạo nghiệp ác quá nhiều, đương nhiên phải theo từng nghiệp mà thọ quả báo, không thể nhờ vãng sanh mà tiêu trừ tất cả nghiệp dữ trong một lúc, như thế thì không hợp với nhân quả, nên không tin. Có người cho rằng mỗi ngày chỉ cần niệm 10 lần danh hiệuPhật mà cũng được vãng sanh, đó là lời nói mơ hồ; giả như tất cả chúng sanh ai nấy đều làm y như thế thì địa ngục hẳn sẽ trống không thế giới này hẳn không còn người ở, không thể có việc dễ dàng như thế, nên không tin. Có người cho rằng tại quốc độ Cực Lạc, dù cho số phòng ốc dụng cụ có nhiều đến đâu vẫn có số lượng, trong khi ấy thì số chúng sanh được vãng sanh từ vô thủy đến giờ, theo lời Phật dạy là vô lượng, thế mà không bị nạn nhân mãn thì thật là mâu thuẫn; vì thế mà không tin. Có người cho rằng sanh về Tịnh độ, nghĩ gì có nấy, muốn áo có áo, muốn ăn có ăn, khỏi nhọc công người tạo tác, thật không khác nào lời nói trong mộng; nói như thế chỉ phỉnh phờ được kẻ ngu phu, thất phụ, vì vậy nên không tin. Có người cho rằng tại thế giới Cực Lạc, đất vàng, hồ sen, lâu đài thảy đều bằng thất bảo, không cần kiến tạo, mà tự nhiên thành tựu, đó là chuyện thần thoại của thời thượng cổ còn sót lại, không hợp với khoa học hiện đại, vì vậy nên không tin, v.v…

Bao nhiêu vấn đề nghi nan tương tợ phát sanh trong trí óc mọi người. Số nghi vấn thật là vô lượng, không sức nào chép hết. Ở đây cũng không thể mỗi mỗi giải đáp tường tận từng nghi vấn một. Vì sao? Vì trí thức con người ở cõi này bị hạn buộc trong một phạm vi nhỏ bé nên đã cố đúc thành một mớ thành kiến cố chấp. Đem cái mớ thành kiến cố chấp ấy mà phán đoán sức thần thông biến hóa của chư Phật, của thế giới Cực Lạc do tịnh thức tổng hợp của vô lượng vô biên vô số chúng sanh phát khởi, thì thật khác nào đem kiến thức của loài sâu kiến mà bàn luận công trìng xây dựng và quá trình hoạt động của quốc gia xã hội loài người. Dù cho cùng năm mãn đời, trải qua vô lượng vô số tháng năm, loài sâu kiến cũng không thể nào dùng suy luận của chúng mà hiểu đúng như sự thật được. Chỉ vì sâu kiến không phải là người vậy. Cũng tương tợ như thế, chúng ta chưa phải là Phật thì chưa thể nào hiểu thấu sức thần thông và trí huệ của Phật một cách tỏ tường. Đã không thấu rõ được thì dù có suy luận đến cùng năm mãn đời cũng không đem lại kết quả nào. Vì vậy, chúng ta chỉ nên tin lời Phật mà thật hành theo, quyết không bị lầm lạc và đẻ khỏi bỏ phí thì giờ trong hí đàm. Nếu tự phụ là thông minh trí tuệ không chịu tin theo, chung quy sẽ trở lại thua những người thật thà chất phác mà có tín tâm mạnh mẽ. Sở dĩ sanh tâm tự phụ kiêu căng như thế, chẳng qua là phước đức thiển bạc nên mới không thọ nạp được một pháp môn giản dị và rất khó gặp như pháp môn Tịnh độ. Thật cũng đáng tiếc lắm thay!

Trên đây, hoàn toàn đứng về phương diện Tín mà nói, chứ chưa đề cập đến hai phương diện Nguyện và Hạnh. Nhưng hễ Tín đã vững chắc thì Nguyện và Hạnh tự nhiện thành tựu, khỏi cần nhắc nhủ, khuyến hóa. Vì như khi đã tin chắc rằng trước sân nhà có hầm vàng thì tự nhiên không ai sai bảo, vẫn hăn hái đào bới tìm tòi. Còn nếu nghe nói có hầm vàng mà chưa chịu đi đào là vì lòng tin chưa vững chắc vậy.

Tiết Thứ 2

Thuộc thân nghiệp có ba điều: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (nếu là tại gia thì không tà dâm).

Thuộc khẩu nghiệp có bốn điều: không nói láo, không nói lời thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời thô bạo.

Thuộc về ý nghiệp có ba điều: không tham lam, không sân hận, không ngu si.

Mười điều này là căn bản phát sanh ra tất cả các điều thiện khác. Đó cũng là nền tảng xây dựng mọi cảnh giới an vui.

Người tu hành mà không tu mười điều thiện nầy thì không khác kẻ xây lâu đài cao ngàn thước trên vũng bùn xập xậy, quyết không hy vọng thành công.

Đức Phật trong lúc nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đã dạy cho Long Vương rằng: “Mười thiện nghiệp nầy có công năng làm cho các pháp như thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cọng, tất cả các pháp mà Phật đã chứng thảy đều được viên mãn. Vì vậy các người cần phải tu học thập thiện. Này Long Vương! Ví như tất cả thành ấp xóm làng đều y vào đại địa mà an trú, tất cả cỏ cây rừng rú đều y vào đại địa mà sanh trưởng, thì mười điều thiện nầy cũng vậy. Tất cả thiên nhơn đều y vào “đại địa?” thập thiện mà thành lập, tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và tất cả Phật pháp cũng đều y vào “đại địa” thập thiện mà thành tựu được các hạnh Bồ đề”.

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật bảo bà Vi Đề Hy rằng: “Muốn sanh về nước Cực Lạc, phải tu ba phước. Trong ba phước ấy, phước thứ nhất là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện”.

Vì thế, người tu pháp môn niệm Phật cần phải tu mười điều thiện để làm cơ bản cho tịnh nghiệp. Nếu đạo niệm không tha thiết, mười thiện nghiệp không tu, thời thiệt e khó vãng sanh cảnh giới chư Phật.

Tóm lại, muốn chắc chắn vãng sanh, một mặt cần phải luôn luôn gìn giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý chớ để phạm các điều ác; mặt khác lại phải luôn luôn chuyên cần niệm Phật thì mới mong thành tựu viên mãn.

Tiết Thứ 3

Đôn Đốc Hết Bổn Phận

Đời và đạo có tương quan mật thiết với nhau và giúp lẫn nhau, nhất là đối với hàng Phật tử tại gia chưa thoát ly được gia đình, xã hội. Ai trong nhiệm vụ nào phải lo tròn nhiệm vụ ấy. Là trưởng quan, phải nhất tâm vì dân vì nước. Là liêu thuộc, phải hết bổn phận của liêu thuộc, trung với chức vụ. Là người buôn bán, phải giữ hàng thật giá đúng, đừng lừa trẻ dối già. Là thầy thuốc, phải biết thương xót con bệnh, nâng đỡ kẻ nghèo hèn, và hết lòng điều trị v.v…Nói tóm lại, trong công kỹ nghệ, mỗi mỗi đều phải làm tròn bổn phận, tận tâm với chức vụ, lại vừa lo tích công dồn đức, tu học Phật pháp thì nhất định có ngày giải thoát. Đó là ngoài xã hội.

Trong gia đình lại còn những bổn phận khác. Là cha mẹ, phải nuôi nấng dạy dỗ con cái thành người. Là con cái, phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Là vợ chồng, anh em, thầy trò, bầu bạn, hợp với lẽ đời. Có làm tròn hết các bổn phận ấy bấy giờ mới nói đến lẽ đạo. Nếu trái lại, việc đời bấy như tương, tự thân mình chỉ là “y quan cầm thú” (cầm thú mang áo đội mũ) thì làm sao có thể nói đến lẽ Đạo được? Với các sự kiện khách quan và chủ quan thiếu tốt đẹp ấy mà mong thành Phật hoặc cầu sanh nước Phật thời sợ e thịnh nghiệp chưa kịp thành mà nghiệp quả đã chín trước. Tưởng khó tránh khỏi quỷ vô thường dắt dẫn vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh!

Vì thế, hy vọng rằng toàn thể Phật tử, khi muốn thoát ly sanh tử, tu theo pháp xuất thế, không những không nên xa bỏ việc đời, lấy việc đời làm cơ bản cho đạo, khiến cho đời trở nên tốt đẹp hơn và khiến cho đạo sàng tỏa trong lòng đời. Có như thế, Phật tử tại gia mới mong thành công chắc chắn và mau chóng.

Thảng hoặc, có người trước kia đã trót lỡ tạo các ác nghiệp, thì hôm nay nên chí thành ăn năn hối cải, nguyện không tái phạm. Cửa Phật rộng mở chờ đón người biết sám hối. Một phen đã sám hối rồi, thề quyết không bao giờ tái phạm trở lại. Hơn nữa, phải cố gắng đèn bù tội lỗi trước, bằng cách làm nhiều việc thiện mới. Được như thế thì ác báo sẽ tiêu tan và phước đức sẽ tăng trưởng. Ví như cái chai trước kia đựng thuốc độc, nhưng giờ đây súc chùi sạch sẽ rồi, tự nhiên độc không còn nữa.

Tiết Thứ 4

Rộng Tu Công Đức, Hồi Hướng Quả Vãng Sanh

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ chép: “Phật bảo ngài A Nan và bà Vy Đề Hy rằng nếu có chúng sanh nào nguyện cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ, nên phát khởi ba tâm thì liền đặng vãng sanh. Ba tâm ấy là: 1) Chí thành tâm, 2) Thâm tâm, 3) Hồi hướng phát nguyện tâm. Có đủ ba tâm ấy, quyết được vãng sanh về cõi nước kia”.

Danh từ “Thâm tâm” trong kinh chỉ cho cái tâm tu hành các công đức và thích làm các điều lành.

Danh từ “hồi hướng phát nguyện tâm” chỉ cho cái tâm muốn đem các công đức đã tu hoặc đem các việc lành đã làm, hướng về quả Cực Lạc để nguyện cầu vãng sanh.

Trong Phật pháp, việc hồi hướng công đức có một giá trị trọng yếu. Đại nguyện thứ 20 của Đức Phật A Di Đà đã có nói đến. Vậy xin sơ lược giải thích ý nghĩa của việc hồi hướng công đức như sau:

1)Đức và hiệu của Phật có công năng bất khả tư nghị.

2)Tâm thức thanh tịnh của chúng sanh có công năng bất khả tư nghị

3)Tâm niệm của chúng sanh cũng có công năng bất khả tư nghị. Hợp cả ba công năng bất khả tư nghị ấy tạo thành phương pháp Tịnh Độ. Cho nên pháp môn Tịnh độ cũng bất khả tư nghị

Trên lý thì hàng giả chú tâm niệm Phật là đã đủ vãng sanh, nhưng trong thâm tâm hành giả khi tu pháp môn Tịnh độ, ngoài sức niệm Phật ra, còn cần phải rộng tu các công đức, hồi hướng quả vãng sanh, là vì:

1)Cần cúng dường đức Phật A Di Đà để trang nghiêm Phật độ.

2)Cần làm các trợ duyên tăng thượng cho đạo quả.

3)Cần phát tâm đại thừa học theo hạnh Bồ tát.

Vì các lẽ trên không những chỉ niệm hiệu Phật mà đã cho là đủ được. Bất cứ việc gì cũng không ly được nhân quả; dù là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian. Bất luận tâm niệm thiện hay ác hoặc hành động thiện hay ác đều có hậu quả về sau. Căn cứ vào lẽ ấy, ta có thể biết hành giả tu tập thiện pháp, trong tương lai quyết phải được phước báo. Giả sử điều thiện ấy thuộc loại nhơn hữu lậu nhơn thiên, chứ chưa phải cứu cánh an lạc, vì còn đọa lạc luân hồi. Giả sử điều thiện ấy thuộc loại nhơn vô lậu xuất thế gian thì trong tương lai sẽ sanh về ngũ bất hoàn thiên (cảnh giới của bốn quả Thánh: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán) hoặc mười phương Tịnh độ.

Nếu vì lý do không muốn thọ hưởng quả báo nhơn thiên vì sợ còn luân hồi đọa lạc mà hành giả tự nguyện hồi hướng tất cả công đức của mình hoặc công đức hữu lậu hoặc công đức vô lậu, làm trợ duyên tăng thượng đễ cầu vãng sanh Cực Lạc thì phải đem tất cả công đức ấy hồi hướng về quả Cực Lạc của Đức A Di Đà. Như thế thì bao nhiêu nhơn gây phước báo nhơn thiên hữu lậu hoặc vô lậu trước kia mà địa điểm thành thục sẽ chỉ ở thế giới Cực Lạc. Đã qui tựu được một nơi rồi thì dù tịnh nghiệp chưa hoàn toàn nhưng phước quả vẫn thành tựu. Vì rằng hết thảy các pháp đều do tâm tạo. Tâm lực đã có công năng trồng nghiệp quả thì cũng có công năng chuyển nghiệp quả. Vì thế, khi hành giả hướng tất cả thiện nghiệp về quả Cực Lạc, tâm niệm ấy không những có công năng điều hòa các cũng tử vô lậu đã huân tập trong đệ bát thức , nó lại còn khiến cho các chủng tử ấy biến thành chủng tử tịnh pháp hoàn toàn vô lậu. Chủng tử đã quyết định được rồi , như vậy địa điểm tương lai sẽ hưởng thọ quả báo cũng có thể biết trước một cách chắc chắn rồi vậy. Đây là giải thích theo học lý duy thức, một nền học lý rất thâm diệu trong Phật Pháp.

Trong pháp môn Tịnh độ, hồi hướng chiếm một địa vị rất trọng yếu. Hành giả quyết phải thâm tín mới có hiệu lực.

Vạn nhất, nếu còn nhứt điểm hồ nghi ở trong lòng thì tâm lực sẽ mất công dụng, không làm sao chuyển biến được chủng tử trong bát thức. Nếu tâm hồn còn hồ nghi, pháp môn Tịnh độ sẽ không đem lại hiệu quả nào cho hành giả hết. Kinh dạy: “Còn nghi thì hoa không nở” là chỉ cho duyên cớ ấy.

Đức Phật A Di Đà biết rõ chủng tử có thể biến từ hữu lậu sang vô lậu, công đức có thể từ cõi nầy di dịch qua cõi khác, nên mới phát đại nguyện thứ 20. Trăm ngàn năm trở lại đây, các vị đại đức cũng hiểu rõ lý đó, nên mới soạn ra các bài văn phát nguyện hồi hướng Cực Lạc khuyên ta đem công đức tu hành hồi hướng về quả vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Hành giả bất luận làm công đức gì, dù chỉ giúp kẻ khó một đồng tiền hay chỉ cứu mạng sống cho một con kiến, sau khi làm xong, cũng phải quán tưởng đức Phật A Di Đà như đương đứng ở trước mặt mà chấp tay cung kính đọc bài kệ hồi hướng sau đây:

Nguyện đem công đức nầy 

Trang nghiêm chốn Phật độ

Trên đền bốn ơn sâu

Dưới cứu ba đường khổ

Nếu có kẻ thấy nghe 

Đồng phát tâm Bồ đề

Nước Cực Lạc cùng về.

Sau khi đọc bài kệ ấy rồi, bao nhiêu công đức đã làm liền cảm ngay tâm lực của Phật hợp với tâm ta. Sức cảm ứng của hai bên tức là “tư lương” vãng sanh Cực Lạc về sau vậy.

Tất cả công đức hồi hướng, bất luận công đức thuộc loại hữu lậu hay vô lậu, đều trở thành tư lương vãng sanh, ứng hợp với đại nguyện thứ 20 của đức Phật A Di Đà. Chắc chắn về sau sẽ được toại nguyện không sai.

Tiết Thứ 5

Cẩn Thận Lúc Lâm Chung

Trong sự chuyển tiếp từ kiếp nọ sang kiếp kia, cái niệm chót (nhất niệm tối hậu) có một lực lượng mãnh liệt quyết định cho việc chuyển sanh. Vì ly do đó nên lúc lâm chung, người tu hành phải làm thế nào để còn nhớ Phật niệm Phật thì chắc chắn sẽ sanh về cõi Phật.

Kinh “Phật Thuyết A Di Đà” dạy rằng: “Nếu người nào niệm Phật trong bảy ngày nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung, có Phật và Thánh chúng hiện ra trước mặt, người ấy tâm không còn điên đảo và liền được vãng sanh”.

Nhất tâm bất loạnnghĩa là ngoài sự nhớ Phật, tưởng Phật, không còn một vọng niệm nào xen lẫn ở trong lòng: lòng mình và Phật đã xứng hợp làm một.

Kinh văn đã dạy rõ ràng như thế, đương nhiên tuyệt đối chúng ta phải tin. Có e ngại chăng là e ngại tịnh nghiệp tu chưa tin tấn nên phút lâm chung, tâm còn điên đảo thì cũng khó mà vãng sanh. Có kẻ trợ niệm mới dẫn phát tâm người bệnh niệm Phật, Lý do cần thiết lập các ban hộ niệm là thế.

Hiện tại ở các khuôn hội đều có thiết lập ban hộ niệm. Bất luận trai gái già trẻ, là Phật tử, ai ai cũng nên gia nhập vào ban ấy càng đông càng tốt. Hễ khi nào gặp một bệnh nhân lâm nguy, trong ban nên cắt phiên thay nhau đến nơi phòng người bệnh, đốt hương niệm Phật. Như vậy, mắt trông thấy tượng Phật, tai nghe tiếng niêm Phật, mũi người hương thơ m từ bàn Phật xông ra, người bệnh có đủ duyên sanh khởi tịnh niệm, rất hữu ích cho sự vãng sanh Tịnh độ.

Nay xin đem những biện pháp của người tu hành cần giữ gìn trong lúc lâm chung, sơ lược giải bày như sau, để các ban hộ niệm y cứ hành trì. Mong rằng các đạo hữu lưu ý, công đức sẽ vô lượng, vì nó quyết định cho tương lai của cả một đời tu hành.

a)Lúc bệnh nặng lúc lâm chung

Khi có một đạo hữu nào bệnh nặng sắp lâm chung, thân thuộc nên tin cho ban hộ niệm và mời đến nhà hộ niệm. Nếu tinh thần người bệnh còn tỉnh táo, ban hộ niệm nên nhất thiết khuyên thân thuộc đừng khóc lóc và cũng đừng đem việc nhà ra nói với người bệnh làm gì nữa. Khóc lóc hay hỏi về việc nhà lúc ấy không giải quyết được gì mà chỉ khiến cho người bệnh sanh khởi niệm luyến tiếc việc đời một cách vô ích.

Nên khuyến khích bệnh nhân đem tâm phóng xã tất cả chỉ nhớ Phật và niệm Phật mà thôi. Nên nói với bệnh nhân: “Thế giới Cực Lạc rất là an vui sung sướng. Nay ngươi nên bỏ tất cả, nguyện sanh về thế giới kia. Được sanh về đấy sẽ không còn có hạnh phúc nào bằng. Hiện tại sở dĩ bị bệnh hoặc đau đớn là do ác nghiệp nhiều kiếp tích lũy gây nên. Tam thời nên chịu khó nhẫn nại”.

Nếu bệnh nhân có việc gì khổ tâm lắm không thể bỏ được, nên tìm mọi phương tiện thuyết pháp giải trừ. Hoặc dùng lời dịu ngọt vui vẻ để khuyến khích an ủi, hoặc đem bao nhiêu điều hay việc tốt hay công đức tu hành mà bình sanh người ấy đã làm để tán thán ngợi khen. Các phương tiện ấy sẽ có công năng khiến bệnh nhân hoan hỷ và tin tưởng rồi nhờ đó mà sẽ được vãng sanh Tịnh Độ.

Nếu gặp phải bệnh nhân hồn trí hôn mê không còn biết gì nữa, ban hộ niệm nên đứng bên cạnh trợ niệm hoặc đánh chuông mõ hết sức nhẹ nhàn, đừng cho tiếng xẳng và ồn, khiến gây ra trạng huốn lộn xộn trong thần thức của bệnh nhân. Nếu như phút lâm chung kéo dài quá lâu, nên luân phiên tụng niệm, thế nào cho tiếng niệm Phật đừng dứt đoạn. Niệm đến khi nào bệnh nhân hết thở và toàn thể châu thân lạnh đều mới thôi.

b)Sau khi lâm chung

Khi bệnh nhân đã hết thở rồi, ban hộ niệm vẫn tiếp tục niệm Phật và tuyệt đối không nên cho bà con khóc lóc. Cũng không nên đụng đến thi thể hoặc vội tắm rữa thay áo quần. Tránh đừng nên đụng chạm gây ra huyên náo hay nói to tiếng khiến cho vong giả kinh loạn.

Sở dĩ phải tuyệt đối giữ thanh tịnh là vì dù ngực hết thở, quả tim hết đánh, nhưng thần thức (thức thứ 8) của người chết vẫn chưa lìa khỏi xác. Nếu chung quanh có tiếng khóc lóc hoặc ồn ào và va chạm, thi thể còn cảm giác sẽ sanh lòng sân hận, rồi có thể vì đó mà bị đọa lạc. Kinh chép khi Vua A Kỳ Đạt chết, vì người giữ thây dùng quạt đuổi ruồi, rủi đụng nhằm mặt nhà Vua, khiến nhà Vua phẫn nộ; do đó nhà Vua bị đọa làm thân con rắn!

Vì những lẽ trên nên cần phải thận trọng trong giờ phút trước và sau khi lâm chung. Tốt hơn hết là nên luôn luôn có người ngồi bên cạnh tiếp tục niệm Phật không hở, khiến cho chánh niệm được liên tục. Nếu không làm được như vậy thì nên đuổi hết mèo chó, cấm hẳn người ra vào và đóng kín cửa phòng lại, Nếu muốn tắm rữa, thay quần áo và uốn nắn tay chân cho người chết để nhập liệm thì nên đợi sau tám tiếng đồng hồ mới chắc chắn không làm hại cho người chết.

Trong duy thức học có dạy rằng muốn biết một người chết sẽ thác sanh về thế giới nào, hãy xem thần thức người đó lìa khỏi xác tại điểm nào. Điểm mà thần thức xuất tức là điểm còn hơi nóng cuối cùng, sau khi toàn thể châu thân đã lạnh buốt. Bài kệ sau đây sẽ cho ta biết cảnh giới tương lai của người chết sắp đầu thai:

Đảnh Thánh, nhãn sanh thiên,

Nhơn tâm, ngạ quỷ phúc,

Bàng sanh tất hạ hành

Địa ngục cước để xuất.

Nghĩa là: Thần thức xuất ở đảnh đầu là sanh về cõi Thánh, xuất ở con mắt thì về cõi Trời, xuất ở trên chấn thủy thì sanh về cõi người, xuất ở dưới bụng thì sanh về cảnh giới ngạ quỷ, xuất ở đầu gối thì sanh về cảnh giới bàng sanh, xuất ở bàn chân thì sanh về cảnh giới địa ngục.

Vì thế, trong khi thần thức sắp rời khỏi xác, mà ví như sẽ được sanh về cõi trời thì chỗ còn nóng sau cùng là ngang khoảng hai con mắt. Nếu không khéo để cho thi thể va chạm hoặc có tiếng ồn ào làm kinh động khiến thần thức tán loạn sanh phiền não, phải bị đọa lạc thì thật là oan uổng cho người chết biết chừng nào!

Thiết tha mong toàn thể tín đồ Phật tử hãy lưu tâm điểm nầy để cứu giúp nhau trong giờ phút lâm chung, giờ phút nghiêm trọng có ảnh hưởng cho cả một kiếp sau. Mong thay!

c)Cứu độ thân trung ấm

Thân thể con người do năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo thành. Năm uẩn cũng gọi là năm ấm. Vì thế thân thể hiện còn gọi là tiền ấm, sau khi chết rồi và thác sanh gọi là hậu ấm, nằm ở khoảng giữa tiền ấm và hậu ấm (chết rồi mà chưa đầu thai lại) gọi là trung ấm.

Thân trung ấm bắt đầu từ giây phút thức thứ tám mới lìa khỏi xác thể người chết. Theo luận Câu xá thì thân trung ấm của người ở Dục giới lớn bằng em bé 5, 6, tuổi, nhanh sáng, có sức thông đạt, có sức ký ức nhạy hơn chín phần, so với lúc sanh tiền.

Sau khi người chết, tuy thần thức ly khai thân xác chuyển thành thân trung ấm, nhưng thân trung ấm ấy trừ trường hợp quá dày phúc đức hay quá nhiều tội ác thì trong giây phút hoặc được sanh nhơn thiên hoặc bị đọa ác thú liền, còn trong các trường hợp bình thường thì thần thức vẫn còn loanh quanh lưu luyến bên cạnh thây cũ. Cho nên nếu quyến thuộc khóc lóc hoặc tắm rữa, thay quần áo cho người chết v.v…thần thức đều biết cả. Bấy giờ thần thức tưởng mình còn sống nên nó vẫn đến hỏi việc nầy việc khác, nhưng ngặt bì không ai thấy nghe mà đáp lại, vì vậy vô cùng bực tức, sợ hãi, bối rối, rồi giận giữ bỏ ra đi. Vì thế đối với người chết rồi, thân thể tuy đã lạnh cứng, nhưng người sống không nên nói điều gì hay làm việc gì có tánh cách khêu gợi lòng tham, sân, si, khêu gợi sự luyến tiếc cho người chết. Như là người sắp chết thì chỉ nên thuyết pháp, an ủi, khuyến khích nhất tâm cầu nguyện vãng sanh Cực Lạc; nếu người ấy chết rồi thì nên tụng kinh niệm Phật cho thân trung ấm nghe.

Nếu người chết lúc sanh tiền chưa từng niệm Phật, trong giờ phút gần lâm chung, lòng không chốn nương tựa, thân không còn là chủ thể, hoàn cảnh thật là hết sức thê lương ảm đạm. Trong giờ phút ấy, nếu được nghe một tiếng niệm Phật, một lời thuyết Pháp, người chết nhờ nhất niệm đó mà có thể vãng sanh Tịnh độ. Cho nên đối với vong nhân, không kể sanh tiền có tin Phật hay không tin Phật, có tu Tịnh độ hay không tu Tịnh độ ban hộ niệm đều nhất thiết nên đến giúp đỡ và cao tiếng niệm danh hiệu Phật. Đó là phương pháp cứu độ thân trung ấm, hết sức hữu ích và cần phải thi hành.

d)Cúng vong, cầu siêu

Đám tiệc nên tùy nghi phương tiện, cốt nhất phải thanh tịnh. Không nên bày vẽ rộn ràng, sát sanh cúng tế một cách linh đình.

Trong kinh Phật dạy: “Vì thần thức người chết (thân trung ấm) chỉ dùng mùi hương làn thức ăn”, vì thế ta chỉ nên dùng hương thơm, hoa đẹp, đèn sáng mà cúng là đủ. Nhất là tiếng niệm Phật và lời thuyết Pháp thì rất bổ ích cho vong linh.

Sau khi đám tiệc xong xuôi, người con hiếu thảo nên vì vong linh làm các Phật sự để cầu siêu độ, bất luận vong giả đã vãng sanh rồi thì lại càng được tăng thêm phước huệ; nếu chưa vãng sanh thì có thể nhờ đó mà túc nghiệp tiêu trừ, sanh về các cõi thiện. Đó là cách báo ân hay nhứt của người con hiếu thảo.

Làm Phật sự thì không gì hơn là chuyên tụng kinh bài sám và trì niệm danh hiệu Phật. Có thể tự trong gia thuộc mình tụng lấy, hoặc mời đạo hữu tụng thêm. Các kinh thường tụng là Di Đà, Kim Cang hoặcĐại Bi Thần Chúv.v…Tụng niệm xong nên hồi hướng công đức cho vong giả làm tư lương cầu sanh Cực Lạc. Nếu trong gia thuộc mình không ai tụng kinh được thì chuyên niệm Phật cũng đủ rồi.

Còn như di sản của vong giả để lại, nếu là của cải thì nên đem làm việc phước thiện như: Bố thí kẻ nghèo khó, giúp đỡ người tàn phế, cấp dưỡng cô nhi quả phụ hay phụ nữ sanh đẻ, hoặc làm chùa, chú tượng, ấn tông kinh điển, cúng dường chúng tăng v.v…Làm các việc phước thiện ấy rồi đem công đức hồi hướng cầu cho vong giả tội diệt phước sanh, vãng sanh Cực Lạc. Như thế thì người còn kẻ mất, thảy đều được công đức lớn lao không thể kể xiết. Kinh Địa Tạng nói: “Trong khi vì người chết mà làm việc công đức thì người sống đã hưởng hết sáu phần mà người chết chỉ nhờ được một phần mà thôi”.

---o0o---

Vi tính: Diệu Vân

Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]